Thanh Lê
Thành phố Hồ Chí Minh
Cũng như C.Mác và V.I Lê-nin, Hồ Chí Minh không bao giờ tự nhận là nhà xã hội học. Thế nhưng, cuộc đời hoạt động và các tác phẩm của Người lại là những minh chứng hiển nhiên cho sự hiểu biết uyên thâm các vấn đề xã hội, một trái tim và tình thương bao la những người cùng khổ. Cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh là cuộc đời của một con người bình dị, nhưng đã làm nên lịch sử của thời hiện đại ; một nhà kiến trúc tạo hình tài ba của cách mạng vô sản, một nhà xã hội học của hành động, ngọn đèn chiếu sáng đường cho cách mạng Việt Nam.
Người đã có công lớn trong phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và vận dụng vào thực tiễn cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Các tác phẩm của Hồ Chí Minh đều mang tính khoa học và thực tiễn, chứa đựng nội dung xã hội sâu sắc.
Nếu Mác - người sáng tạo ra lý luận cách mạng vô sản và Ăng-ghen - người đã góp phần hình thành nên thế giới quan cách mạng của giai cấp vô sản - chủ nghĩa duy vật biện chứng trong phạm vi đời sống xã hội và chủ nghĩa duy vật lịch sử trong những quy luật phát triển xã hội, đã mở ra một bước ngoặt mới trong lịch sử triết học và thiết lập nên một xã hội mới, thì Lê-nin là người đã phát triển chủ nghĩa Mác, biến nó thành công cụ cải tạo xã hội. Chứng minh tính khoa học của xã hội học mácxít, Người đã khẳng định : tư tưởng đó (tư tưởng Mác xít) của chủ nghĩa duy vật trong xã hội học là một tư tưởng thiên tài.
Còn Hồ Chí Minh từ một nhà yêu nước đã trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Người đã truyền bá và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào hoàn cảnh Việt Nam.
Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII tại Đại hội IX của Đảng đã nêu rõ :
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm lý luận chính trị toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại". Cùng với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng lý luận cho mọi hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Người đã chỉ ra những vấn đề cơ bản của xã hội Việt Nam, xác định mục tiêu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Quan điểm "Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội" là cống hiến quan trọng của Người vào kho tàng lý luận về xã hội học Mác - Lê-nin, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước kéo dài suốt mấy thập kỷ.
Công lao to lớn của Hồ Chí Minh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người thể hiện ở chỗ, Người đã rất chú ý tới các lĩnh vực chính trị - xã hội cụ thể ; đưa ra những cơ sở lý luận cơ bản cũng như những phương pháp cụ thể để giải quyết các vấn đề bức xúc.
Tình hình xã hội lúc bấy giờ là : bọn đế quốc thực dân áp dụng những chế độ phân biệt ở Bắc, Trung, Nam Việt Nam nhằm thực hiện chính sách "chia để trị", gây chia rẽ, hận thù giữa các giai cấp và các tầng lớp xã hội, đánh vào tâm lý tư hữu, tự do cá nhân tư sản và đặc biệt kích động phong trào chống cộng trong dân chúng. Không những thế, chúng còn dùng mọi biện pháp chia rẽ tôn giáo, dân tộc. Từ sự hiểu biết sâu xa sự phát triển của phong trào cách mạng và trên cơ sở phân tích lô gic tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở nước ta trong thời kỳ đó, Người đã phát triển mặt trận đoàn kết dân tộc thống nhất rộng lớn chưa từng có. Đây là một nhân tố vô cùng quan trọng và có ý nghĩa quyết định trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Chủ trương đoàn kết sáng suốt, kịp thời và phù hợp của Người đã tranh thủ được nhiều đảng phái tiến bộ khác nhau, các tổ chức tôn giáo yêu nước, các đối tượng thanh niên, sinh viên, học sinh, và trí thức giác ngộ cách mạng, thậm chí thu phục được cả một số quan lại từng làm việc cho triều đình nhà Nguyễn. Quan điểm của Người là : dù lòng yêu nước ở mỗi con người nhiều hay ít ta cũng phải bằng mọi cách khơi dậy cho bằng hết và có hình thức tổ chức, có quan hệ thích hợp, tạo điều kiện cho họ tham gia sự nghiệp cứu nước. "Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đều hợp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta phải nhận rằng đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít nhiều lòng ái quốc".
Người đã tận dụng tối đa những gì có thể làm được để hình thành các tổ chức xã hội cả ở những vùng xa xôi, hẻo lánh nhằm tuyên truyền vận động quần chúng đi theo cách mạng. Trong cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta chống đế quốc Mỹ, Hồ Chí Minh luôn là linh hồn của sự đoàn kết toàn dân, hết lòng chăm lo đến đời sống của nhân dân. Người đã tiếp sức cho tất cả các tầng lớp xã hội bằng tấm lòng hào hiệp, thông cảm, yêu thương. Người thương các chiến sỹ ngoài mặt trận, thông cảm những nỗi đau xé lòng của đồng bào miền Nam khi chưa được giải phóng. Người nói : "Hình ảnh đồng bào miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi". "Một ngày miền Nam chưa được giải phóng, Tổ quốc chưa được thống nhất là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên". Suốt cả cuộc đời "tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành".
Với ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chúng ta đã chiến thắng chủ nghĩa thực dân, giành được toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước, từng bước xây dựng đời sống hạnh phúc cho nhân dân. Bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, theo Người, phải biết rõ đặc điểm riêng của đất nước là xuất phát từ một nền sản xuất nhỏ, kinh tế lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội. Do đó, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta phải được tiến hành theo từng bước vững chắc, không nóng vội, đốt cháy giai đoạn. Trước hết, phải phấn đấu để người lao động có công ăn việc làm, được học hành, hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Để trả lời câu hỏi : Mục đích của chủ nghĩa xã hội là gì ? Người đã diễn đạt một cách hết sức đơn giản và dễ hiểu là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động".
Hồ Chí Minh đã viết hàng ngàn bài báo đăng và chuyển tải trên 50 tờ báo, tạp chí, đài phát thanh. Những bài báo do Người viết đăng trên báo Le Paria (Người cùng khổ), các báo của Đảng Cộng sản Pháp, Đảng Cộng sản Liên Xô, Quốc tế Cộng sản trước năm 1930 đã vạch trần sự hà khắc của chế độ thực dân, đế quốc trong chính sách vơ vét, bóc lột thậm tệ các nước thuộc địa. Bằng lời, Người đã vẽ nên những bức tranh sống động, mô tả cuộc đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa ở Đông Dương, ở châu Aá, châu Phi, Mỹ La-tinh và Bắc Mỹ chống lại bọn thực dân, đế quốc. Những bài báo đầy sức thuyết phục đó đã chứng tỏ rằng, Người không chỉ hiểu rất rõ tình hình các nước thuộc địa mà còn có một tấm lòng cảm thông sâu sắc và một ngòi bút sắc sảo. Bằng lập luận và lý lẽ đanh thép, đầy sức thuyết phục, tiếng nói báo chí của Người đã góp phần khích lệ các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, chống lại những quan điểm sai trái. "Bản án chế độ thực dân Pháp" do Người viết chính là bản cáo trạng lên án chế độ thực dân nói chung. Nó không những có ý nghĩa cực kỳ to lớn đối với sự nghiệp cách mạng nước ta, mà còn góp phần hình thành chiến lược cách mạng thế giới. Luận điểm cách mạng nổi tiếng của Người : "Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ" mang giá trị xã hội to lớn cả về mặt chính trị, đạo đức, nhân văn.
Những tác phẩm của Người như : Đường cách mệnh, Nhật ký chìm tàu, Ngục trung nhật ký, Tuyên ngôn độc lập, Sửa đổi lối làm việc, Di chúc... là những tác phẩm sống mãi không chỉ trong lòng nhân dân Việt Nam mà cả với nhân dân thế giới, bởi nó bao hàm nội dung xã hội và nhân văn rất sâu sắc của xã hội học mác xít ; là lời kêu gọi tự do, bác ái và công bằng cho con người. Để viết nên những bài báo làm rung động hàng triệu con tim, sống mãi với bạn đọc thế giới, Người đã phải dày công nghiên cứu, thu thập tư liệu ; duy trì một chế độ làm việc miệt mài, khoa học.
Hồ Chí Minh là người đầu tiên đã đặt nền móng xây dựng xã hội mới, con người mới Việt Nam. Từ thực tế cuộc sống và cách mạng Việt Nam, Người luôn coi trọng việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa ; coi trọng việc bồi dưỡng, rèn luyện năng lực và phẩm chất đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Người đặt lên hàng đầu "tư cách người cách mệnh", "muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người thấm nhuần đạo đức xã hội chủ nghĩa". Bản thân Người cũng là tấm gương sáng về lối sống giản dị, là hình mẫu cao đẹp của con người mới trong thời đại mới cho mọi người noi theo.
Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ cách mạng thiên tài, danh nhân văn hóa kiệt xuất, nhà sư phạm mẫu mực, Người đồng thời là nhà xã hội học uyên bác. Tất cả những phẩm chất đó thể hiện trong sự nghiệp vĩ đại của Người - sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Người đã góp phần xây dựng nên khuôn mẫu cho lý tưởng, đạo đức, lối sống ; mở ra phương hướng kế tục sự nghiệp của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Người không chỉ xây dựng một quan niệm đúng đắn về đời sống xã hội mà còn hình thành nên một nền tảng lý luận khoa học về sự phát triển xã hội, chính ở đó Người đã có đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển khoa học nghiên cứu về xã hội nói chung và xã hội học mác xít nói riêng. Tư tưởng "Không có gì quý hơn độc lập tự do" của Người đã chiến thắng, lan tỏa và sẽ còn sống mãi.
Tạp chí Cộng sản, số 10, tháng 5/2001