Hồ Chí Minh với những vấn đề tâm lý trong công tác tư tưởng - văn hoá

Trong nhiều công trình nghiên cứu về tư tưởng vĩ đại của Hồ Chí Minh và di sản văn hoá to lớn Người để lại cho chúng ta, đã có những công trình nghiên cứu bước đầu về tư tưởng Hồ Chí Minh với những vấn đề tâm lý học. 

Những lời nói, viết và đặc biệt là trong hành động, cho thấy Hồ Chí Minh thấu hiểu những nhu cầu, khát vọng của nhân dân, động viên, thu phục nhân tâm, phân tích các vấn đề xã hội, ứng xử với các tầng lớp xã hội khác nhau, nghệ thuật sử dụng con người, cảm hoá, giáo dục con người, khơi dậy ở quần chúng nhân dân tình cảm yêu nước sâu sắc, biến tình cảm thành ý chí, thành hành động, sức mạnh cách mạng để chiến thắng kẻ thù, giành và giữ vững độc lập, tự do cho Tổ quốc, cho nhân dân... Điều đó, chứng tỏ Người rất am hiểu tâm lý học. 

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao vai trò và vị trí quan trọng hàng đầu của tâm lý trong công tác tư tưởng - văn hoá 

Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng khá nhiều thuật ngữ "tâm lý" trong các tác phẩm của mình. Hơn 30 lần, Người sử dụng trực tiếp từ "tâm lý" khi viết về công tác dân vận, công tác quân sự, công tác địch vận... và công tác tư tưởng - văn hoá. 

Ngay trong bản thảo cuốn Nhật ký trong tù, viết bằng chữ Hán, Hồ Chí Minh đã đánh giá rất cao tâm lý, khẳng định vai trò và vị trí quan trọng hàng đầu của tâm lý trong công tác tư tưởng - văn hoá. Người đặt "xây dựng tâm lý" là điểm lớn đầu tiên trong "Năm điểm lớn xây dựng nền văn hoá dân tộc: 

1. Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập tự cường. 

2. Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng. 

3. Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội. 

4. Xây dựng chính trị: dân quyền. 

5. Xây dựng kinh tế”. 

Như vậy, với Hồ Chí Minh, tâm lý trước hết là ý thức dân tộc, là nền móng của văn hoá. Muốn xây dựng văn hoá, phải xây dựng và củng cố tâm lý, củng cố ý thức dân tộc, hay như Người viết: "tinh thần độc lập tự cường". 

Với xuất phát điểm ấy, Hồ Chí Minh luôn nhắc tới góc độ tâm lý khi bàn về tư tưởng. Ngay từ những tác phẩm đầu tiên, khi phân tích về các bài báo của thực dân về vấn đề dân bản xứ, Người viết: "Về tâm lý, ở phía kia là thái độ hiềm nghi và khinh miệt; còn phía này lại là tâm trạng bực dọc và tuyệt vọng". Viết về những người Việt "vào làng Tây", tức là "có thể xuất bản báo, nhưng chỉ bằng tiếng Pháp mà thôi", Hồ Chí Minh đã phân tích một cách sâu sắc rằng: "trong mọi hành động và tư tưởng của họ đều thấy cái mâu thuẫn xã hội và tâm lý..." Nói về việc dân ta bị đè nén dưới ách thực dân, Người phân tích: "chẳng những dân cùng, tài tận, đời sống tiêu điều mà tinh thần tâm lý cũng bị áp chế". 

Hồ Chí Minh còn phân biệt những quy luật tâm lý và quy luật tất yếu trong tinh thần và thái độ của con người. Về những người tiểu chủ, Người viết: "Những người tiểu sở hữu mang tinh thần cách mạng không phải do tâm lý mà vì tất yếu"5. Sự phân biệt rành mạch này của Hồ Chí Minh tạo điều kiện để hiểu đúng những quy luật thật sự chi phối tinh thần và thái độ của mỗi tầng lớp xã hội, từ đó có thể tìm cách tác động tốt nhất tới tinh thần và thái độ của họ. 

Đặc biệt, Hồ Chí Minh đã sử dụng tới 3 lần từ "tâm lý" trong một bài trả lời phỏng vấn chỉ vẻn vẹn có 15 dòng (Bài "Trả lời đại biểu các báo Việt Nam về chính kiến của ông Lêông Blum" đăng trên báo Cứu quốc số 434, ra ngày 13-12-1946). Mục đích của Người là nhấn mạnh rằng, quan điểm "hợp tác thật thà trên nền tảng độc lập" của ông Lêông Blum là đúng đắn, là phù hợp với thời đại, đi vào lòng người, hay theo lời Hồ Chí Minh, ông Lêông Blum rất thấu hiểu tâm lý, là "đại biểu cho tâm lý nhân dân Pháp" và "đại biểu cho tâm lý nhân dân Việt Nam". 

Trong công tác dân vận, Người dặn dò: phải "hiểu tâm lý của dân..."; có "hiểu rõ tâm lý nông dân, mới phát động được nông dân..."; và Người chỉ ra nguyên nhân của bệnh quan liêu, mệnh lệnh, của sự "xa dân" là do "không hiểu tâm lý, nguyện vọng của nhân dân". 

Bàn về giáo dục thanh niên, Người nhắc nhiều đến tâm lý: "Tâm lý quả cảm, xung phong"; "chống tâm lý tự ti, tự lợi... chống tâm lý ham sung sướng". 

Nói về cán bộ cơ sở và cán bộ phụ nữ, Người nhắc nhở phải chống "tâm lý tự ti". 

Ngay từ những ngày đầu của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã phân tích những thủ đoạn của các thế lực thù địch "dùng đủ mọi cách, mọi dịp để tuyên truyền, hòng phá hoại tâm lý và tinh thần của nhân dân ta", trong đó có việc sử dụng báo chí, phát thanh, lợi dụng tôn giáo, phong tục, tập quán của ta, lợi dụng sai lầm, khuyết điểm của cán bộ ta, rải truyền đơn.... Người dặn dò, chúng ta phải hiểu rõ "tâm lý của kẻ địch" là tìm kiếm và lợi dụng triệt để những sơ hở của chúng ta; và "Ra sức hoạt động chiến tranh tâm lý" là một trong những động thái của kẻ địch chống phá ta. Người có cả một bài báo phân tích về "Tâm lý của binh sỹ Hoa Kỳ". 

2. Hồ Chí Minh rất chú ý tới yếu tố tâm lý trong việc tổ chức quần chúng thành các hội, đoàn thể và sức mạnh của tinh thần tập thể 

Trong cuộc đời hoạt động, Bác Hồ đã tham gia sáng lập, hoặc trực tiếp sáng lập ra những tổ chức để phục vụ cho hoạt động cách mạng. Người đã tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp (năm 1920); Người tham gia sáng lập Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa, tổ chức quốc tế đầu tiên của các dân tộc thuộc địa ở Paris (năm 1921); Người sáng lập ra Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng; Người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam; Người sáng lập ra Mặt trận Việt Minh; Người sáng lập ra Quân đội nhân dân Việt Nam; Người sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà... 

Dưới sự lãnh đạo của Người, cử chỉ của mỗi thành viên trong xã hội đã trở thành một bộ phận trong một tổ chức, có quy củ, không còn mang tính tự phát, tuân thủ những quy luật tâm lý xã hội và trở thành những lực lượng chính trị - xã hội to lớn, tạo nên sức mạnh cách mạng Việt Nam. 

Người xác định các chức năng của các hội, các đoàn thể, các tổ chức bao giờ cũng phải phù hợp với điều kiện, với hoàn cảnh, với đặc điểm và trình độ phát triển tâm lý của xã hội và của số đông. Trong những thời điểm cần thiết, ranh giới giữa các nhóm được Người xoá đi bằng các yếu tố tâm lý: đồng cảm, thiện cảm, cảm tình, cùng chung hứng thú, nhu cầu... để kêu gọi sự đồng thuận, đoàn kết của toàn dân. 

Người đặc biệt quan tâm tới các nhóm lớn, giai tầng trong xã hội: dân tộc, công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang, cán bộ, đảng viên, thế hệ trẻ, phụ nữ, phụ lão... Người chỉ ra sức mạnh của Việt Nam: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công". 

Nhấn mạnh về vai trò lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân, Hồ Chí Minh không quên nhắc tới các giai tầng xã hội khác : "Ai xây dựng chủ nghĩa xã hội? Nói chung là những người lao động trong xã hội gồm công nhân, nông dân, trí thức cách mạng..., nhưng lực lượng chủ chốt xây dựng chủ nghĩa xã hội là công nhân." 

Người không những am hiểu mà còn vận dụng những yếu tố tâm lý của các nhóm quần chúng khác nhau để lôi cuốn họ vào phong trào cách mạng, cống hiến cao nhất sức lực cho cách mạng. 

Lôi cuốn mọi người vào tập thể, Hồ Chí Minh chú trọng tới việc xây dựng "tinh thần tập thể" và coi đó là cái cốt lõi của chiến thắng. Về "tinh thần tập thể", Hồ Chí Minh nói: "... Ngày nay, chúng ta thành người chủ tập thể, làm chủ hợp tác xã, làm chủ Nhà nước. Mỗi xã viên cần nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau...". Như vậy, tinh thần tập thể là một yếu tố tâm lý xã hội toàn diện, bao gồm: ý thức làm chủ tập thể, thái độ đoàn kết và tình cảm thương yêu, để thực hiện mục đích gắn kết những cá nhân lại với nhau, tạo ra một sức mạnh cộng hưởng, để xã hội có thể phát triển "nhanh, tốt, vững mạnh". 

Hồ Chí Minh luôn luôn đặt lợi ích bên cạnh trách nhiệm như hai mặt không thể tách rời của một vấn đề. Người nói về lợi ích: "Nay dân đã là chủ", thì ngay lập tức Người nói đến trách nhiệm của người chủ: "Nhưng phải cho ra người chủ... Mọi người đều có trách nhiệm làm cho dân giàu, nước mạnh, quốc phòng vững mạnh..." 

Hồ Chí Minh đã vận dụng rất thành thục tâm lý tập thể vào việc tổ chức, tập hợp quần chúng nhân dân dưới các tổ chức, đoàn thể có kỷ luật và động viên sức mạnh tập thể, góp chung sức vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. 

3. Hồ Chí Minh với vấn đề phát huy truyền thống tình cảm và đạo lý dân tộc 

Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm đến truyền thống tình cảm và đạo lý dân tộc "máu chảy, ruột mềm", "Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng". Người thường hay nhắc tới cụm từ "con rồng, cháu tiên" để nhắc nhở về trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Đến Đền Hùng, Người kêu gọi: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". 

Trong vấn đề ứng xử và cách dùng người, Hồ Chí Minh như người Cha, người Bác trong gia đình, chan hoà, gần gũi, thân thiết với các cháu con. Người sử dụng quan hệ huyết thống vốn tồn tại trong một gia đình, trong một dòng họ để đoàn kết nhân dân Việt Nam trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, kéo mọi dân tộc, mọi thành phần xã hội gần gũi lại với nhau. 

Trong Thư gửi học sinh (9/1945), Bác viết: "Các em hãy nghe lời tôi, lời một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang...". Trong Thư gửi đoàn viên và thanh niên công trường đường sắt Thanh Hoá - Nghệ An (1/5/1963) Bác viết: "... Bác thân ái khen các cháu và dặn các cháu...". Bác xưng là "anh", là "Bác" một cách rất tự nhiên, Bác gọi các cháu là em, là cháu như trong một gia đình. Người chỉ rõ: "Gia đình to là cả nước...". 

Có thể nói, tình yêu thương của Hồ Chí Minh là cơ sở của mọi mối quan hệ. Bất cứ ai, dù chỉ một lần được tiếp xúc với Hồ Chí Minh đều bị tình yêu thương ấy chinh phục. Ở đây, Người đã sử dụng một quy luật của tâm lý học xã hội trong giao tiếp cá nhân, đó là: "tình cảm góp phần quan trọng và có giá trị đột phá trong mọi mối quan hệ liên nhân cách". 

Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh vai trò của tình cảm. Người khẳng định về người cộng sản: "Người kiên quyết cách mạng nhất lại là người đa tình nhất, chí hiếu nhất". 

Bên cạnh tình yêu thương, Hồ Chí Minh luôn luôn thể hiện sự tôn trọng hết mực của mình đối với mọi người trong xã hội. Với các bậc lão thành, với phụ nữ, với thế hệ trẻ, Hồ Chí Minh luôn luôn tìm thấy cái thiện trong mỗi con người để động viên họ phấn đấu vì lý tưởng cách mạng. Phấn đấu vì lý tưởng chung, Người kêu gọi tinh thần tập thể, nhưng Người cũng luôn chú trọng tới lợi ích của mỗi cá nhân. Người viết: "... Lợi ích cá nhân là nằm trong lợi ích của tập thể, là một bộ phận của lợi ích tập thể. Lợi ích chung của tập thể được bảo đảm thì lợi ích riêng của cá nhân mới có điều kiện để được thoả mãn. Lợi ích cá nhân gắn liền với lợi ích tập thể". 

4. Hồ Chí Minh với vấn đề giáo dục nhân cách con người, nhất là thế hệ trẻ 

Chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một trong những nội dung quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng. Trong đó, vấn đề giáo dục nhân cách con người, một trong những vấn đề lớn của tâm lý học, được Hồ Chủ tịch rất quan tâm, đặc biệt là đối với thanh, thiếu niên, vì thanh, thiếu niên như Người quan niệm, là "chủ nhân tương lai của đất nước". 

Trong công tác giáo dục con người, giáo dục nhân cách, Hồ Chí Minh chỉ rõ, phải giáo dục toàn diện. 

Về giáo dục, Người nói: "Giáo dục nhi đồng là một khoa học”, trong khoa học ấy, Hồ Chí Minh rất coi trọng việc nêu gương, Người khuyên các thầy cô giáo: "phải làm kiểu mẫu cho các em bắt chước", "học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu... Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức". 

Người đặc biệt chú trọng mặt đức dục, "điều trước tiên là dạy các cháu về đạo đức". Đức dục như Hồ Chí Minh hiểu, đó trước hết là tình yêu: yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu khoa học, yêu lao động và người lao động, thật thà, dũng cảm, sẵn sàng tham gia lao động và bảo vệ Tổ quốc. 

Về phương pháp dạy trẻ, Người chỉ rõ: "Trong lúc học, cũng cần làm cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học", "Đồng thời phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ, hoạt bát, tự động, trẻ trung của chúng...". Thật vậy, nếu trẻ thụ động về mặt trí tuệ thì không thể tự do về đạo đức được. Muốn phát triển nhân cách phải tạo cho con người tính tích cực chủ động. Con người tự chủ phát hiện ra cái gì mình cần học, chứ không phải con người thụ động học cái mà thầy giáo nhồi nhét. 

Đối với thanh, thiếu niên, tính tích cực của cá nhân tác động trực tiếp tới quá trình hình thành nhân cách. Chúng xác định mục đích theo những sở trường, sở đoản cá nhân, xác định triển vọng cho mỗi kế hoạch, hình thành lý tưởng cho cả cuộc đời... tất cả đều ảnh hưởng tới hoạt động của cá nhân và thông qua hoạt động đó sẽ thúc đẩy nhanh sự phát triển của nhân cách. Chính vì vậy mà học phải đi đôi với hành, "đồng thời học thì phải hành", "Nhà trường phải gắn liền với thực tế của nước nhà, với đời sống của nhân dân". 

Sự phát triển ý thức đạo đức phải song song với sự phát triển trí tuệ. Ở mức độ trí tuệ, sự phát triển đạo đức là ý thức được và khái quát được những phán đoán hành động hiện thực sẽ xảy ra trong những điều kiện bên ngoài nhất định, phán đoán về tính nhất quán của hành vi, khả năng chống lại những cám dỗ, những ảnh hưởng của hoàn cảnh. Sự đánh giá về đạo đức con người thường được gắn liền với sự đánh giá hành vi của họ. Hồ Chí Minh dạy thanh niên phải hành động: "Ở trường thì kính thầy, yêu bạn, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau; Ở nhà thì yêu kính, giúp đỡ cha mẹ; Ở xã hội thì tuỳ sức mình mà tham gia những việc có ích lợi chung..." 

Quan tâm tới tính tích cực của thanh niên tức là quan tâm không chỉ tới những yếu tố bên trong, những đặc điểm riêng cá nhân mà phải nhìn nhận mỗi người trong số họ như một nhân cách đang phát triển, đang trưởng thành và tự hoàn thiện, do đó ngày càng hướng đến những vị thế xã hội mới, những dạng hoạt động có ý nghĩa xã hội mới... Mục tiêu của tương lai, lý tưởng là cái người ta hướng tới, mặc dù trong hiện tại nó chưa xuất hiện. Trong khi so sánh giữa cái đang được chờ đợi với cái hiện hữu, người ta hành động, nỗ lực phấn đấu để làm sao chúng xích lại gần nhau và rút ngắn khoảng cách. Đó chính là những hành động ý chí, vượt qua mọi khó khăn bên trong và bên ngoài để đạt cho được những mục tiêu đã xác định. Hồ Chí Minh chỉ dẫn cho thanh niên phải hành động cụ thể, thiết thực, làm từ bé đến lớn, làm từ dễ, đến khó: "Việc gì cũng cần phải thiết thực: nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ chỗ nhỏ, dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hiện được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà làm không được". 

Hướng tới tương lai, nhận thức ngày càng rõ những mặt mạnh và mặt yếu của mình, cá nhân mỗi thanh, thiếu niên bắt đầu nghĩ về quá trình tự giáo dục, tự hoàn thiện bản thân, thông qua các dạng hoạt động như vui chơi, học tập và lao động. Nhân cách hướng tới chỗ tự tu dưỡng, tự hoàn thiện bằng sự thành đạt thông qua hoạt động do chính cá nhân tạo lập nên. Quan điểm chỉ coi giáo dục là cung cấp kiến thức, bỏ qua vai trò của các yếu tố bên trong, của tính tích cực cá nhân... đã hạ thấp vai trò và hiệu quả của giáo dục. Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định giáo dục phải: "phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em". 

Nghệ thuật chân chính của giáo dục chỉ thể hiện khi nó khơi dậy được sự tự vận động, tự sáng tạo trong tư duy, tự đề ra sáng kiến trong hành động độc lập, tự chủ, trong hoạt động của nhân cách con người. Hồ Chí Minh luôn luôn chú ý khích lệ những tiềm năng trong mỗi cá nhân con người. Đây chính là tư tưởng của Người lấy "xây" để "chống" và lấy "xây" làm chính. 

Hồ Chí Minh là một nhà tâm lý học thực hành đại tài và Người đã sử dụng rất thành công những tri thức tâm lý vào công tác tư tưởng./. 

Theo TS. Nguyễn Thị Phương Hoa,
tạp chí Thông tin công tác tư tưởng lý luận tháng 8/2005

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website