Đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng dưới ánh sáng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh

1 - Ở một số nước, khi quan liêu, tham nhũng trở nên trầm trọng đã làm cho bộ máy nhà nước và các tổ chức xã hội rệu rã, mục nát, tê liệt, dẫn đến nguy cơ tồn vong của cả chế độ. 

Ở nước ta, chỉ nửa tháng sau khi chính quyền về tay nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ ra mặt trái của quyền lực. Trong thư đề ngày 17-9-1945 gửi các đồng chí tỉnh nhà Nghệ An, Người đã thẳng thắn nêu rõ trong cán bộ, đảng viên ở đây "có những người hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng hoặc độc hành độc đoán, hoặc "dĩ công vi tư" (lấy của chung làm của riêng) thậm chí dùng phép công để báo thù tư, làm cho dân oán đến Chính phủ và đoàn thể". Tiếp đó, những năm về sau, Người còn tiếp tục chỉ ra nhiều thói hư, tật xấu cần phải tẩy sạch trong cán bộ, đảng viên như bè phái, quân phiệt, quan liêu, hách dịch, hoạnh họe với dân,... Năm 1952, Người nói rõ những tệ nạn chủ yếu cần phải phòng, chống là quan liêu, tham ô, lãng phí. Theo Người, những tệ nạn đó là tội ác, là kẻ thù khá nguy hiểm của nhân dân, là bạn đồng hành của thực dân phong kiến, là giặc nội xâm, phá từ trong phá ra; những kẻ phạm tội này cũng như phạm tội làm Việt gian, mật thám. Năm 1958, Người phân tích nguồn gốc của các thứ tệ nạn xấu xa đó là chủ nghĩa cá nhân. Năm 1969, nhân ngày thành lập Đảng, Người công bố bài báo "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân"... Trong Di chúc, Người căn dặn:"Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân". 

2 - Quan liêu, tham nhũng, lãng phí gây nên nhiều tác hại, nên khắp nơi lên án mạnh mẽ và tìm nhiều biện pháp để phòng, chống. Đã có những quốc gia được coi là khá thành công trong công việc khó khăn này. Người ta tự hào vì cán bộ, công chức của họ về cơ bản đã đạt được tiêu chí "bốn không": không thể, không dám, không cần và không muốn tham nhũng. 

Ở nước ta, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo xét xử vụ án Trần Dụ Châu, phụ trách quân nhu, lợi dụng vị trí công tác để ăn chơi, tiêu xài xa hoa, lãng phí trong khi cán bộ, chiến sỹ đang chịu đói rét,... Việc Trần Dụ Châu bị kết án tử hình và vụ án được đăng tải công khai, đầy đủ trên 4 số báo Cứu quốc cho thấy sự cần thiết phải xử phạt nghiêm minh những kẻ tham nhũng. Sự công khai, minh bạch, nghiêm minh, dân chủ trong xử lý kỷ luật được nhân dân, cán bộ và chiến sỹ rất đồng tình. 

Thực hiện nghị quyết của Đảng và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ trước đến nay, chúng ta đề ra và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định,... về phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí cũng như các tiêu cực khác và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2004, Chính phủ chỉ đạo thanh tra nhiều dự án trọng điểm, phát hiện và xử lý nhiều sai phạm, thu về cho ngân sách trên 1.000 tỉ đồng và nay đang tiếp tục chỉ đạo thanh tra trên cả nước về quản lý, sử dụng đất đai, thanh tra các vụ việc tiêu cực ở một số tổng công ty, các công trình phục vụ SEAGames 22, việc xây dựng kho xăng dầu Đình Vũ... Ban Bí thư Trung ương Đảng lập nhiều đoàn kiểm tra, các tổ chức đảng trực thuộc Trung ương cũng đã lập gần 6.000 đoàn để tiến hành kiểm tra nhiều tỉnh, ban cán sự đảng và gần 17.000 đơn vị về việc lãnh đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Các ngành, các địa phương tiến hành kiểm tra, thanh tra việc sử dụng vốn ngân sách trong các dự án xây dựng đường giao thông nông thôn, các công trình thủy lợi và việc kiên cố hóa kênh mương, việc xây trường học, đánh bắt cá xa bờ, xây dựng cụm tuyến dân cư,... Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, năm 2004 cho biết, đã phát hiện và khởi tố gần 200 vụ án tham nhũng, trong đó có nhiều vụ vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng như vụ phân bổ hạn ngạch hàng dệt may ở Bộ Thương mại, các vụ tham nhũng ở Tổng Công ty Dầu khí, Tổng Công ty Xăng dầu Hàng không, Tổng Công ty Hàng hải, các vụ quản lý đất đai ở huyện đảo Phú Quốc, ở lòng hồ Trị An,... Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, giải quyết các vụ việc nổi cộm, bức xúc có liên quan đến quan liêu, tham nhũng, lãng phí có tiến bộ đáng kể. 

Mặc dù cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong thời gian vừa qua, nhất là sau khi có Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII, đã đạt được những thành tựu nhất định, tạo ra chuyển biến tích cực, những tiến bộ rõ rệt nhưng nhìn chung, công tác phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nhiều bất cập, hiệu quả không cao. Đảng, Nhà nước ta đã nhận định chính xác, kịp thời về nguy cơ quan liêu, tham nhũng, nhưng triển khai thực hiện có trường hợp chưa trúng: chống còn thiếu kiên quyết, phòng còn thiếu biện pháp thiết thực, cụ thể. Vì vậy, quan liêu, tham nhũng, lãng phí nhiều lĩnh vực vẫn chưa bị ngăn chặn và đẩy lùi một cách có hiệu quả. 

Tệ quan liêu cũng còn nặng nề ở nhiều nơi, lãnh đạo không nắm được tình hình hoạt động của cấp dưới, sai phạm diễn ra lâu ngày mà không được phát hiện kịp thời (như trường hợp Lương Quốc Dũng ở Ủy ban Thể dục - thể thao, trường hợp Mai Thanh Hải ở Bộ Thương mại). Vì không sát dân, không sát cơ sở nên không nắm được, không dự báo được tình hình (vụ lộn xộn ở Tây Nguyên đầu tháng 4-2004, hoặc đề ra chủ trương không sát hợp lòng dân như việc tăng giá điện vừa qua...). Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo tuy có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều biểu hiện quan liêu nên tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, có đông người khiếu nại kéo lên Trung ương vẫn chưa được khắc phục triệt để. 

Đại hội IX của Đảng cũng như Hội nghị Trung ương 9, khóa IX, đề ra mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi quan liêu, tham nhũng nhưng chúng ta chưa đạt được mục tiêu này. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, trong đó nguyên nhân đáng chú ý là, sự chỉ đạo của các cấp ủy và chính quyền các cấp chưa thật sự kiên quyết, chưa tập trung đúng mức cho công tác này. Quyết tâm chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí tuy đã chuyển thành hành động cụ thể nhưng chưa đủ cao ở mức cần thiết nên việc chỉ đạo thực hiện còn kém hiệu quả. 

3 - Để khắc phục nguyên nhân nêu trên và các nguyên nhân khác, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí cần có những giải pháp khả thi, trong đó phải có việc triển khai sâu rộng việc giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống trong toàn Đảng, trong cán bộ, đảng viên và nhân dân với nội dung chủ yếu là học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, nhất là cán bộ, đảng viên phải trung với nước, hiếu với dân; biết yêu thương, quý trọng con người; phải rèn luyện, tu dưỡng suốt đời, nói phải đi đôi với làm, xây phải đi đôi với chống; chống những gì hủ bại, xấu xa, chống quan liêu, tham ô, lãng phí... Thấm nhuần tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh là phải biến nhận thức thành ý chí, thành tình cảm cách mạng, nâng cao quyết tâm khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao, kể cả nhiệm vụ chống quan liêu, tham ô, lãng phí... 

Trước sự vận động nhanh chóng, năng động, đa dạng, phong phú của thực tiễn cách mạng nước ta, việc vận dụng một cách sáng tạo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh vào xây dựng và thực hiện nghiêm túc tiêu chuẩn đạo đức, lối sống, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống bộ máy công quyền đã, đang và luôn luôn là một đòi hỏi cấp bách. Hướng tới việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chúng ta đang từng bước xây dựng và ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xây dựng và ban hành các quy định, quy chế, hướng dẫn việc thực thi cụ thể. Nổi bật mấy khía cạnh sau: 

+ Quy chế xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tiêu cực, lãng phí lớn. 

+ Quy chế khuyến khích, biểu dương, bảo vệ người có tinh thần đấu tranh, tố cáo đúng những vi phạm. 

+ Quy chế khuyến khích tự giác trong tự phê bình và sửa chữa khuyết điểm, xử lý cán bộ, đảng viên có khuyết điểm nhưng che giấu và những người lợi dụng phê bình để thực hiện những ý đồ xấu. 

+ Quy định về tặng quà, nhận quà biếu. 

+ Quy định một số khâu, lĩnh vực bắt buộc không dùng tiền mặt khi thanh toán. 

+ Quy định về chống quan liêu, nhũng nhiễu; chế độ làm việc sâu sát cơ sở. 

+ Hướng dẫn thực hiện việc cán bộ lãnh đạo chủ trì và cấp ủy cấp trên trực tiếp phải chịu trách nhiệm liên đới nếu để tổ chức cơ sở đảng yếu kém. 

Để vận dụng sáng tạo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh vào cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng có hiệu quả phải huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân vào cuộc đấu tranh đó. Tập trung tạo cho được dư luận, ý thức xã hội phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa cá nhân, đồng thời nêu gương "người tốt, việc tốt". Tiếp tục thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội. Có cơ chế để nhân dân, các cơ quan báo chí, Mặt trận Tổ quốc tham gia đóng góp ý kiến và giám sát công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí,... trên các lĩnh vực, kể cả lĩnh vực công tác cán bộ. Thực hiện tốt hơn Quy chế Dân chủ ở cơ sở thông qua nhiều hình thức, như lập đường dây nóng, tổ chức hòm thư góp ý, phát hiện, thông qua Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, xã hội, nghề nghiệp, nhằm tạo điều kiện cho nhân dân tham gia góp ý và giám sát hoạt động của cán bộ, đảng viên. 

Vấn đề cải tiến và nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình phải được thực hiện thường xuyên và theo định kỳ trong sinh hoạt nội bộ đảng với phương thức cấp trên trực tiếp chỉ đạo và gợi ý cấp dưới, tập thể thường vụ cấp ủy gợi ý cá nhân kiểm điểm. Duy trì phương châm thực hiện tự phê bình từ trên xuống, từ trong ra, "trên trước, dưới sau", "lãnh đạo trước, đảng viên sau". Trong kiểm điểm, phải phân tích rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân yếu kém, khuyết điểm và quy rõ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm cá nhân người lãnh đạo và đề ra các biện pháp sửa chữa khuyết điểm,... Nội bộ tổ chức đảng phải nâng cao tinh thần đoàn kết, tinh thần trách nhiệm để kịp thời phát hiện, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, không để vi phạm nhỏ thành vi phạm lớn, vi phạm một người thành vi phạm của nhiều người; phấn đấu khắc phục tình trạng vụ việc tiêu cực chủ yếu do quần chúng, do báo chí, do cấp trên kiểm tra, thanh tra phát hiện... 

Chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí là công việc của toàn Đảng, toàn dân, trước hết là các cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các đơn vị đó. Người đứng đầu phải là tấm gương sáng về cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Người đứng đầu mà tham lam, cũng tìm cách chiếm nhà, chiếm đất trái phép... thì không thể chống tiêu cực được. Nước ở đầu nguồn phải sạch, nước ở đầu nguồn dơ bẩn thì rất khó. Không chỉ vậy, người đứng đầu phải gương mẫu thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phải thật sự kiên quyết chống tham nhũng, kể cả những biểu hiện tham nhũng của người thân trong gia đình của mình. Phải tích cực chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tích cực khắc phục các hạn chế, sửa chữa khuyết điểm, yếu kém của tập thể, cá nhân ở đơn vị, địa bàn được phân công phụ trách và phải thực sự chịu trách nhiệm về những công việc đó. Cùng với sự gương mẫu của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên phải nêu gương trước cấp dưới, trước nhân dân. Về việc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán hai chữ "cộng sản" mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước"(1). 

4 - Với quyết tâm cao hơn, được sự ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân, các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị cần chỉ đạo kiên quyết hơn, tập trung hơn vào nhiệm vụ phòng, chống quan liêu, tham nhũng và các tiêu cực khác. Cần chú ý một số công việc sau:

Trước hết về công tác cán bộ. Phải tiếp tục rà soát, bổ sung và thực hiện tốt quy trình kiểm tra, đánh giá, lựa chọn người vào cấp ủy, đề bạt, bổ nhiệm, bố trí cán bộ, nhất là bố trí người đứng đầu theo hướng dân chủ, công khai, xóa bỏ độc quyền trong công tác nhân sự; ngăn chặn việc chạy chức, chạy quyền (nếu có, vì đây cũng là một dạng tham nhũng), phục vụ tốt công tác nhân sự, trước mắt phục vụ Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội X của Đảng. 

Thứ hai, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, các quy định, hướng dẫn có liên quan đến công tác quản lý kinh tế, xã hội, nhất là trên các lĩnh vực thường xảy ra tham nhũng, lãng phí theo hướng dân chủ, công khai, bảo đảm tài sản nào cũng có chủ.

Kiện toàn các cơ quan bảo vệ pháp luật, kỷ luật của Đảng, Nhà nước (kiểm tra, công an, tòa án, viện kiểm sát, thanh tra, kiểm toán) thực sự trong sạch, vững mạnh làm nòng cốt cho việc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác. 

Thứ ba, đẩy mạnh hơn nữa công tác điều tra, kiểm tra, thanh tra ngay cả đối với hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật, kỷ luật của Đảng. Tiếp tục tập trung kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trong một số lĩnh vực trọng điểm như đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý và sử dụng đất đai; quản lý và sử dụng tài sản công, việc đánh giá tài sản công trong khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; kiểm tra công tác đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển và quy hoạch cán bộ; đẩy mạnh công tác kiểm tra các hoạt động tư pháp, nội vụ. 

Xử lý nghiêm minh theo pháp luật của Nhà nước và kỷ luật của Đảng những cán bộ, đảng viên tham nhũng, nhũng nhiễu dân và những kẻ bao che cho tham nhũng, dù người đó là ai, ở cương vị, cấp bậc công tác nào. 

- Nêu cao cảnh giác, không để kẻ xấu lợi dụng việc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng để kích động, lôi kéo quần chúng gây mất ổn định chính trị và làm những việc không tốt khác. Chỉ đạo chặt chẽ mọi hoạt động và sự phối hợp hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng, chống quan liêu, tham nhũng. Tham gia nghiên cứu đề xuất việc thành lập một cơ quan thường trực có chức năng chịu trách nhiệm chính và phối hợp, điều hòa các hoạt động chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. 

5 - Phòng, chống tham nhũng, quan liêu và các tiêu cực khác là cuộc đấu tranh khó khăn, phức tạp, nhiều trường hợp đòi hỏi phải có lòng quả cảm, đức hy sinh. Chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tốt trong cuộc đấu tranh đó. Tuy nhiên, so với yêu cầu chúng ta chưa đạt, cũng chưa đáp ứng đầy đủ lòng mong muốn của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, không vô cảm trước những nỗi bức xúc của nhân dân, nhận thức đúng đắn, nâng cao quyết tâm hơn nữa, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết hơn nữa, có chương trình kế hoạch cụ thể, các tổ chức đảng thực sự vào cuộc, phát huy được sự tham gia, đóng góp của nhân dân thì nhất định chúng ta sẽ đạt được kết quả tốt hơn nhiều so với những gì chúng ta đã đạt được. 

Theo TS, Vũ Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Tạp chí Cộng sản tháng 9/2005

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website