Chủ tịch Hồ Chí Minh trí tuệ lớn của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại (tiếp)

Nguyễn Phúc Luân

V- Đường lối quốc tế, chính sách đối ngoại và hoạt động ngoại giao là bộ phận hợp thành của chiến lược cách mạng nước ta trong thời đại Hồ Chí Minh 

Điểm lại lịch sử cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của nhân dân ta từ nhiều thế kỷ trước cho đến nay, điều dễ cảm nhận trước hết là trong thời đại Hồ Chí Minh, nhất là từ khi có Đảng, phong trào yêu nước và cách mạng nước ta mới có được đường lối quốc tế rõ ràng, gắn được với xu thế phát triển của thế giới, chọn đúng vị thế của cách mạng nước ta trong quan hệ toàn cầu. Hơn nữa, cũng từ đó cách mạng nước ta mới có sách lược nhất quán về mối quan hệ bạn - thù và sắp xếp lực lượng bên ngoài đi đến hình thành một hệ thống chủ trương và biện pháp sách lược trong việc xử lý những vấn đề quốc tế có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến lợi ích chiến lược của sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. 

Đường lối quốc tế của cách mạng nước ta bắt nguồn từ "Đường cách mệnh" (1927), "Chính cương vắn tắt" và "Sách lược vắn tắt" (1930), v.v., do Nguyễn ái Quốc đề xướng. Nó được thể hiện sinh động trong chiến lược đứng về phe dân chủ chống phát xít và tiến đến vấn đề dân tộc giải phóng trong Chiến tranh thế giới thứ hai (Nghị quyết Trung ương 6, 7 và 8). Đặc biệt, nó được khẳng định thành hệ thống bốn điểm về chính sách ngoại giao trong chương trình của Việt Minh trước tổng khởi nghĩa (1944) và được Người khái quát thành những nguyên tắc, được coi như cơ sở của đường lối đối ngoại của nước Việt Nam mới, trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945. 

Như vậy là, đường lối quốc tế của cách mạng nước ta được Người vạch ra cùng một lúc với việc hình thành đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, và nó được ấp ủ từ những tháng nǎm Người chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc lập ra Đảng tiên phong và thể hiện sinh động trong tiến trình Cách mạng Tháng Tám. Nó được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình cách mạng Việt Nam trước khúc quanh thời đại đòi hỏi phải điều chỉnh chiến lược nhằm phục vụ tốt hơn cho mục tiêu cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử. 

Điều cần đặt ra để xem xét, nghiên cứu là: vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức tầm quan trọng và đưa đường lối đối ngoại, vận động quốc tế vào "tổng lộ tuyến" như vậy? 

Theo quan điểm Hồ Chí Minh, trong đấu tranh giải phóng dân tộc chống lại các nước lớn xâm lược, đường lối đối ngoại và hoạt động ngoại giao có thể trở thành vũ khí, thậm chí là một binh chủng tiến công quân thù, góp phần quan trọng làm thay đổi cục diện đấu tranh, tương quan lực lượng có lợi cho nước nhỏ. Lý giải về "đánh bằng mưu" trong binh pháp của Tôn Tử, Người nhấn mạnh: "... dùng binh giỏi nhất là đánh bằng mưu. Thứ hai là đánh bằng ngoại giao. Thứ ba mới đánh bằng binh. Vây thành mà đánh là kém nhất... (Như quân Đức vây thành Xtalingrát mà không lấy được mà từ đó bị thất bại đến cùng)" . 

Nhận thức về vai trò quan trọng của hoạt động đối ngoại, ngay dù trong một cuộc chiến hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: "Ngày nay... ngoại giao ai thuận lợi hơn, thì thắng". 

Quan điểm cơ bản trên đây được Hồ Chí Minh và Đảng ta vận dụng trong việc đề ra và thực hiện đường lối đối ngoại và mạng lưới hoạt động ngoại giao, vận động quốc tế suốt những chặng đường đấu tranh trong hơn nửa thế kỷ qua. 

- Trước hết, với cương vị Chủ tịch Chính phủ kiêm phụ trách công tác Ngoại giao, trong nǎm 1945-1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì phấn đấu giữ vững chủ quyền ngoại giao, coi vấn đề "có ngoại giao riêng" là nhân tố quan trọng để hoàn chỉnh nền độc lập: "Nếu quân đội và ngoại giao Việt Nam ở dưới quyền Pháp tức là Việt Nam chưa độc lập hẳn và vẫn là thuộc địa của Pháp" . 

Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 về đại thể đã ghi nhận những quyền dân tộc cơ bản của dân tộc Việt Nam. Tuy vậy, vấn đề "ngoại giao riêng" vẫn là một trong ba vấn đề mà hai bên chưa đi đến thoả hiệp, sẽ được bàn tiếp ở Hội nghị chính thức Pháp - Việt. Vào lúc cuộc hoà đàm Phôngtennơblô bắt đầu, trong tuyên bố tại Pari ngày 12-7-1946, Người lại khẳng định đòi hỏi: Việt Nam có quyền phái Đại sứ và lãnh sự đi các nước, coi đó như là một yêu cầu tiên quyết để đi đến thoả hiệp giữa hai bên. 

Tháng 3-1947, trả lời câu hỏi về cuộc "tranh luận náo nhiệt" về vấn đề Việt Nam ở Quốc hội Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa nêu rõ lập trường của nhân dân ta: "Nếu nước Pháp ưng thuận để nước ta thống nhất và độc lập đủ quyền kinh tế, quân sự, ngoại giao như Mỹ đã ưng thuận với Phi Luật Tân, Anh đã ưng thuận với ấn Độ thì dân ta rất sẵn sàng hợp tác thân thiện trong khối Liên hiệp Pháp" . 

- Hai là, quan điểm về chủ quyền ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện ở việc định ra phương hướng chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ dựa trên cơ sở lợi ích chiến lược của cuộc chiến đấu trong một giai đoạn lịch sử, lợi ích lâu dài của dân tộc và phù hợp với những chuẩn mực quốc tế (quyền dân tộc cơ bản, quyền dân tộc tự quyết, v.v. đã được quốc tế thừa nhận rộng rãi sau Chiến tranh thế giới thứ hai), phù hợp với xu thế thời đại. 

Trả lời phỏng vấn của báo chí nước ngoài, Người nói: "Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào"1 đã thể hiện quyết tâm chống lại mọi hình thức áp đặt và ách thống trị bên ngoài, nhất là của các nước lớn. Trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945, Người đã khẳng định quyết tâm xoá bỏ mọi quan hệ bất bình đẳng và nêu ra đạo lý làm nền tảng cho chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ đi đến hình thành một định hướng mới cho quan hệ quốc tế của Nhà nước Việt Nam độc lập: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do" . 

Chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ theo Hồ Chí Minh còn phản ánh tư duy biết khẳng định được cái riêng trong cái chung: "Trong tình hình quốc tế hiện nay, những đặc điểm dân tộc và những điều kiện riêng biệt ở từng nước ngày càng trở thành nhân tố quan trọng trong việc vạch ra chính sách của mỗi đảng cộng sản và mỗi đảng công nhân... 

Dân tộc Việt Nam chẳng hạn phải vạch rõ những phương pháp và những biện pháp riêng của mình". Tuy nhiên, Người cũng vạch rõ: "không thể nào hạn chế những hoạt động hiện nay và tương lai của chúng tôi trong khuôn khổ dân tộc thuần tuý", rằng "những hoạt động đó có muôn vàn sợi dây liên hệ với cuộc đấu tranh chung của thế giới tiến bộ". 

Chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ rõ ràng không hướng tới sự đơn độc, biệt lập. Trái lại theo quan điểm của Hồ Chí Minh, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ phải đi đôi với mở rộng quan hệ quốc tế. Tǎng cường đoàn kết quốc tế, gắn với xu thế bên ngoài là mục tiêu hướng tới của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ. 

- Ba là, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ lâu coi "lấy sức ta mà tự giải phóng cho ta" là phương thức, là nguồn động lực chủ yếu để phát triển cách mạng nước ta. Hợp với lôgích đó, chính sách đối ngoại độc lập tự chủ cũng như các chủ trương và chính sách đối nội khác đều dựa vào sức mình, trí tuệ của mình là chính. Người coi tự lập, tự cường "là cái gốc", là "cái điểm mấu chốt" của mọi chính sách và sách lược. Cǎn dặn cán bộ làm công tác ngoại giao, Người nói: Về chính trị, quân sự, kinh tế, nội chính, ngoại giao của ta là tự lực cánh sinh. Phải hiểu thấu đáo lắm vấn đề này, không thì sẽ đi xiêu vẹo ngay đấy. Trên thực tế, vận dụng trí tuệ này của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nước ta đã giữ được thế cân bằng cần thiết trong quan hệ quốc tế, vượt qua nhiều thách thức và tạo được sự ủng hộ lớn hơn từ bên ngoài, tranh thủ môi trường quốc tế ngày càng thuận lợi hơn cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta trong từng thời kỳ lịch sử. 

- Cách mạng Việt Nam đi theo đường lối độc lập tự cường thì chính sách đối ngoại, hoạt động ngoại giao phải lấy sức mạnh bên trong làm điểm tựa, "... nếu tự mình không có thực lực làm cơ sở thì không thể nói gì đến ngoại giao". Đảng ta cũng cho rằng: "Muốn ngoại giao được thắng lợi phải biểu dương thực lực", coi việc xây dựng thực lực chính trị, kinh tế, quân sự, bên trong là nhân tố quan trọng, tạo thế mạnh cho đấu tranh trên mặt trận đối ngoại. Và ngược lại, thắng lợi ngoại giao cũng sẽ tạo những tiền đề để phát triển thực lực cách mạng trong nước. Đánh giá ý nghĩa việc lập quan hệ ngoại giao với các nước xã hội chủ nghĩa nǎm 1950, Người nói: "Mấy nǎm kháng chiến đã đưa lại cho nước ta một cuộc thắng lợi to nhất trong lịch sử Việt Nam, tức là hai nước lớn nhất trên thế giới - Liên Xô và Trung Quốc dân chủ, và các nước dân chủ mới đã thừa nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà... Chắc rằng cuộc thắng lợi chính trị ấy sẽ là cái đà cho những thắng lợi quân sự sau này". Mục tiêu của chính sách đối ngoại và hoạt động ngoại giao Hồ Chí Minh không những nhằm nâng cao vị trí quốc tế của công cuộc cách mạng mà còn hướng tới góp phần tích cực vào việc cải thiện tương quan lực lượng có lợi nhất cho cách mạng trong từng thời điểm nhất định, Cách mạng Tháng Tám và chủ trương "Hoà để tiến" là một ví dụ. Tổng kết nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Người chỉ rõ: lúc đó "chúng ta có hai kẻ thù trực tiếp là đế quốc Nhật và thực dân Pháp và một kẻ địch gián tiếp là phản động Quốc dân đảng Trung Quốc. Nghĩa là sức địch rất to lớn. 

... Chúng ta chưa có chính quyền, chưa có quân đội chính quy, Mặt trận dân tộc còn nhỏ hẹp và bí mật. Nghĩa là sức ta rất thiếu thốn. 

Nhưng vì ta khéo lợi dụng điều kiện quốc tế ở ngoài, vì ta khéo đoàn kết và khéo động viên trong nước, cho nên ta đã đổi thế yếu thành thế mạnh, đã thắng ba kẻ địch, đã đưa cách mạng đến thắng lợi, độc lập đến thành công". 

- Bốn là: Thực tiễn lịch sử đã khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi chính sách đối ngoại và hoạt động ngoại giao trên cơ sở độc lập, tự chủ là phương tiện hữu hiệu để gắn dân tộc với thời đại, gắn sức mạnh tự thân của cuộc chiến đấu của dân tộc Việt Nam với xu thế thời đại. Trong khi coi "cách mạng Việt Nam là bộ phận của cách mạng thế giới", Người cǎn dặn cán bộ đối ngoại: "... phải làm đúng đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Phải tǎng cường đoàn kết hữu nghị... với tất cả các nước xã hội chủ nghĩa, tǎng cường hữu nghị với các dân tộc bị áp bức, với nhân dân thế giới... vì lợi ích của hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội". 

Như vậy là theo quan điểm Hồ Chí Minh, với bên trong, ngoại giao phối hợp với chính trị, kinh tế, quân sự để bồi đắp thực lực và với bên ngoài, ngoại giao phải tạo điều kiện để gắn dân tộc với thời đại, tạo ra thế và lực mới nhằm đưa đến cải thiện so sánh lực lượng toàn cục giữa ta với các thế lực thù địch, ngày càng có lợi cho cách mạng nước ta. Đó là nhiệm vụ, đồng thời là mục tiêu mà Người đặt ra và kiên trì phấn đấu từ khi khai sinh ra nền ngoại giao độc lập. 

- Nǎm là: Ra đời trong cuộc chiến đấu sống còn của dân tộc, luôn đương đầu với nhiều thế lực thù địch hùng mạnh ở bên ngoài; chịu ảnh hưởng của trí tuệ Hồ Chí Minh, nền ngoại giao Việt Nam mới luôn thể hiện tính chiến đấu cách mạng cao và tinh thần tiến công mạnh mẽ. Nó càng trở nên nǎng động, tích cực hơn trong bước chuyển biến thời cuộc nước ta và khúc quanh của sự biến quốc tế. 

Theo Người, ngoại giao có vai trò quan trọng trong việc chủ động vận dụng sách lược lợi dụng sự khác nhau về lợi ích để phân hoá thế lực thù địch, làm suy yếu từng bộ phận, đi đến cô lập và đánh thắng kẻ thù chính trong từng thời kỳ cách mạng. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn hiện diện trong quan hệ quốc tế với vai trò nổi bật như là người đề xướng và trực tiếp chỉ huy các đợt tấn công trên mặt trận đối ngoại để kiềm chế xung lực của kẻ thù, thúc đẩy xuống thang chiến tranh, buộc đối phương đi vào khả nǎng do ta lựa chọn tuỳ lúc, mở ra cục diện "đánh - đàm", mà ở đó ta có thể phát huy hết sức mạnh chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao và sức mạnh cộng hưởng của dân tộc và thời đại, tạo những tiền đề về tinh thần và vật chất để xoay chuyển chiều hướng cuộc đấu tranh ngày càng bất lợi cho thế lực thù địch, thực hiện phương châm chiến lược giành thắng lợi từng bước để tiến đến giành thắng lợi cuối cùng. 

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5

(ĐCSVN) - Tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước; quy định mới về xét tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú"; vi phạm quy định về khai thác thủy sản trong khu vực cấm bị phạt tới 90 triệu đồng;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2024.

Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

(ĐCSVN) - Đồng chí Trương Thị Mai vừa ký Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website