TS. Phạm Thành Dung
Phó trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Phân viện Hà Nội
Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của Đảng cộng sản và của dân tộc Việt Nam, là chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá kiệt xuất thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người để lại kho tàng lý luận, tư tưởng cách mạng và khoa học vô giá. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của sự vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cách mạng Việt Nam; là sự kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, sự tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại và hệ thống những quan điểm toàn diện, sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao là một bộ phận hợp thành trong hệ thống tư tưởng cách mạng của Người, trong đó bao gồm hệ thống những quan điểm của Người về quốc tế và những hình thức, biện pháp, nghệ thuật xử sự trong quan hệ quốc tế nhằm phục vụ sự nghiệp cách mạng trong từng thời kỳ. Tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động đối ngoại rất rộng lớn và sâu sắc, có thể khai thác từ nhiều góc độ khác nhau. Đây là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn vô cùng quan trọng, thể hiện bản chất cách mạng và khoa học, lý luận và thực tiễn trong tư tưởng của Người. Những tư tưởng của Người luôn là kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam nói chung và nền ngoại giao nói riêng phát triển, từng bước nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Xuất phát từ ý nghĩa của vấn đề trên, bài viết đi sâu tìm hiểu nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao:
1. Đường lối đối ngoại, chính sách ngoại giao là bộ phận quan trọng trong hệ thống đường lối chính trị của cách mạng Việt Nam.
Thực tiễn lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc cho thấy chỉ đến khi có Đảng ra đời mới có đường lối chính trị hoàn chỉnh, thực sự cách mạng. Trong hệ thống đường lối chính trị đó thì đường lối đối ngoại là một bộ phận quan trọng, nhằm phục vụ đường lối chính trị nói chung. Đường lối đối ngoại đầu tiên của nước ta được Bác Hồ xây dựng trong "Đường cách mệnh" (1927), "Chính cương sách lược vắn tắt" (1930). Tiếp đó được nêu trong hệ thống 4 điểm về chính sách đối ngoại trong chương trình Việt Minh trước Tổng khởi nghĩa (1944), sau đó được thông qua Hội nghị Quốc dân Tân Trào (8/1945). Đặc biệt quan điểm về đường lối đối ngoại được Bác thể hiện trong Tuyên ngôn độc lập (2/9/1945) và thông qua báo cáo về chính sách đối ngoại của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (3/10/1945). Trong văn kiện các Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam luôn coi chính sách đối ngoại là một bộ phận quan trọng trong hệ thống đường lối chính sách của Đảng ta được Bác Hồ xây dựng, đều thể hiện quan điểm giai cấp vô sản chân chính. Không dừng lại ở đó, Hồ Chí Minh còn coi mặt trận ngoại giao như một binh chủng vũ khí lợi hại, cho phép thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho ta, bất lợi cho địch. Trong khi lý giải về cách đánh bằng mưu, Bác chỉ rõ: "Dùng binh giỏi nhất, là đánh bằng mưu. Thứ hai là đánh bằng ngoại giao. Thứ ba mới là đánh bằng binh" (1).
Những quan điểm tư tưởng cơ bản trên của Bác được minh chứng trong thực tiễn cách mạng Việt Nam thông qua hệ thống đường lối chính trị nhất quán, khách quan khoa học; được thông qua các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc trong thời kỳ cách mạng, là nền tảng chỉ đạo nền ngoại giao Việt Nam phát triển.
2. Độc lập chủ quyền về ngoại giao là một trong những chuẩn mực, tiền đề bảo đảm độc lập dân tộc thực sự.
Độc lập chủ quyền của dân tộc là tiền đề xây dựng nền ngoại giao độc lập tự chủ, có độc lập chủ quyền mới có được nền ngoại giao riêng. Ngược lại có nền ngoại giao tự chủ là chuẩn mực để khẳng định độc lập thực sự của dân tộc. Sau cách mạng thành công (1945-1946) với cương vị Chủ tịch Chính phủ kiêm Bộ trưởng ngoại giao, Bác kiên trì đấu tranh xây dựng và bảo vệ nền ngoại giao của dân tộc. Nguồn cội đó là nhân tố quan trọng hoàn chỉnh nền độc lập dân tộc. Bác chỉ rõ: nếu quân đội và ngoại giao Việt Nam ở dưới quyền Pháp tức là Việt Nam chưa độc lập hẳn và vẫn là thuộc địa của Pháp; đồng thời Hồ Chí Minh còn khẳng định: độc lập có nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp của bên ngoài. Tư tưởng này của Bác, không chỉ là nguyện vọng chính đáng của mọi dân tộc mà đã trở thành chuẩn mực trong quan hệ quốc tế hiện đại. Sau Hiệp định sơ bộ (6/3/1946), những quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam được thừa nhận, song vấn đề "ngoại giao độc lập" còn phải tranh đấu vì Pháp chưa thoả thuận. Mặt khác Bác cho rằng độc lập, chủ quyền về ngoại giao là tiền đề thực hiện quyền bình đẳng, dân chủ giữa các quốc gia dân tộc trong đời sống quốc tế.
Như vậy, tư tưởng của Bác về nền ngoại giao độc lập không lệ thuộc vào bên ngoài, là nền tảng tư tưởng quan trọng của nền ngoại giao Việt Nam mới. Điều kiện này càng có ý nghĩa hết sức trọng đại trong xu thế toàn cầu hoá trên mọi lĩnh vực của đời sống nhân loại ngày nay.
3. Chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, tự lực, tự cường đồng thời mở rộng quan hệ quốc tế.
Trên cơ sở quan điểm của nền ngoại giao độc lập, không có sự can thiệp từ bên ngoài, Bác cho đây là chuẩn mực bảo đảm quyền độc lập thực sự của một quốc gia. Không chỉ dừng ở một nền ngoại giao riêng về danh nghĩa mà phải là thực chất, thể hiện những hình thức, những bước đi, những biện pháp xử sự trong quan hệ quốc tế trên cơ sở độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường. Từ lâu, Bác thường căn dặn "lấy sức ta giải phóng cho ta", Người coi tự lập, tự cường là "cái gốc", "cái điểm mấu chốt" của mọi chính sách, là phương thức, nguồn động lực phát triển đất nước. Bác khẳng định nguồn lực trong nước có ý nghĩa quyết định, lợi thế quốc tế là quan trọng, song tính chủ động lựa chọn là hình thức, biện pháp trong quan hệ quốc tế dựa trên tiềm lực của bản thân ta "dân tộc Việt Nam chẳng hạn phải vạch ra những phương pháp và biện pháp riêng của mình". Đồng thời Bác cũng chỉ rõ độc lập tự chủ trong ngoại giao không dừng lại ở việc chủ động hoạch định chính sách, biện pháp mà điều quan trọng hơn là phải biết chủ động khai thác nội lực trên tinh thần tự lực, tự cường. Mặt khác tự lực, tự cường không đồng nghĩa với khép kín, đóng cửa, cô lập mà tăng cường quan hệ quốc tế. Bác từng chỉ rõ một trong những nguyên nhân suy yếu của các dân tộc phương đông là sự cô lập. Bác còn cho rằng cách mạng Việt Nam là bộ phận của cách mạng thế giới, gắn bó mật thiết với phong trào cách mạng và tiến bộ trên thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội.
Tư tưởng của Bác về tự lực, tự cường đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với thời đại đã được kiểm nghiệm và Đảng ta coi đây là bài học kinh nghiệm thành công của Việt Nam.
4. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH song linh hoạt, sáng tạo, mềm dẻo và biết nhân nhượng có nguyên tắc.
Kiên định nguyên tắc chiến lược, song sáng tạo, linh hoạt mềm dẻo trong sách lược là nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh. Độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc, xây dựng CNXH vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu cơ bản, lâu dài. Đó là "Cái bất biến" để "ứng vạn biến" bằng chủ trương, biện pháp, hình thức thích hợp. Tư tưởng này của Bác, thể hiện hoạt động ngoại giao vừa là khoa học, song còn là nghệ thuật; nghệ thuật trong hoạt động ngoại giao của Bác được hình thành trên cơ sở tư duy khoa học về thế giới với những phân tích, dự báo để có đối sách đối ngoại tối ưu. Nghệ thuật ngoại giao thể hiện trên các phương diện sau:
- Dự đoán tình hình thế giới, khi Pháp đầu hàng Đức, Bác rời châu Âu về Trung Quốc để lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người dự đoán cách mạng thắng lợi, vào năm 1945. Khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị "Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" (12/3/1945) và chuẩn bị Tổng khởi nghĩa; khi có tin Nhật sắp đầu hàng, quân đồng minh sắp vào Đông Dương tước vũ khí Nhật, Bác Hồ đã tuyên bố với thế giới nước Việt Nam độc lập và quyết tâm bảo vệ tự do và độc lập dân tộc...
- Biết giành thắng lợi từng bước tiến tới thắng lợi hoàn toàn, sau khi cách mạng thành công (1945), chính quyền cách mạng gặp nhiều khó khăn, phải chống thù trong giặc ngoài để bảo toàn thành quả cách mạng, Bác chủ trương ký Tạm ước sơ bộ 6/3/1946, đây là cơ sở cho Hiệp định Giơnevơ 1954 và Hiệp định Pari 1973 sau này.
- Mềm dẻo, linh hoạt trong tập hợp lực lượng, thêm bạn, bớt thù tạo ra mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ chống kẻ thù. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ không những nhân dân tiến bộ trên thế giới ủng hộ ta, Bác còn phân biệt đế quốc Pháp, Mỹ với nhân dân lao động tiến bộ Pháp, nhân dân tiến bộ Mỹ, điều đó thể hiện qua việc tranh thủ các nước láng giềng trong khu vực. Bác Hồ chủ trương xây dựng đoàn kết chiến lược với Lào, Campuchia, tranh thủ ủng hộ của Trung Quốc, thiết lập quan hệ với Thái Lan, ấn Độ, Mianma, Inđônễla...
Hoạt động đối ngoại của Việt Nam thời kỳ đổi mới đã và đang thu được những thắng lợi quan trọng. Đó là kết quả thể hiện sự phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao trong hoàn cảnh mới.
Tạp chí Giáo dục lý luận, số 5/2001