Chủ tịch Hồ Chí Minh trí tuệ lớn của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại (tiếp)

Nguyễn Phúc Luân

IV- Hồ Chí Minh: Quan điểm về bạn, thù và sách lược tập hợp lực lượng bên ngoài 

Đặt cách mạng nước ta trong mối quan hệ toàn cầu là một định hướng bất biến. Tuy nhiên, như đồng chí Trường Chinh đã nói: "Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn luôn xuất phát từ tình hình cụ thể trong từng giai đoạn cách mạng mà đề ra những mục tiêu chiến lược cụ thể nhằm đánh đổ những kẻ thù trước mắt". 

Cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của nhân dân ta diễn ra với một số đặc điểm sau đây: 

- Là một đất nước nhỏ thuộc địa và nửa phong kiến ở châu á đứng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc trong bối cảnh thế giới bị chi phối chủ yếu bởi các cường quốc thực dân, đế quốc chủ nghĩa. Cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công ở Nga, hệ thống xã hội chủ nghĩa hình thành tuy tạo ra đối trọng trong quan hệ quốc tế, nhưng trong hệ thống xã hội chủ nghĩa và phong trào công nhân quốc tế lại sớm nảy sinh bất đồng và chia rẽ. 

- Những giai đoạn quyết định của cách mạng được tiến hành trong vòng vây hãm của các thế lực thù địch, trong hậu phương của hệ thống thực dân, đế quốc. 

- Kẻ thù chủ yếu của độc lập, tự do thường là các thế lực thực dân, đế quốc, nước lớn phản động từ bên ngoài đến có sức mạnh quân sự, kinh tế... hơn ta nhiều lần. 

- Mục tiêu của cách mạng nước ta là đánh đổ ách thống trị của các thế lực bên ngoài giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. 

Những đặc điểm trên đã dẫn đến đường lối và phương thức cách mạng, nhất là trong thời kỳ trực tiếp cách mạng, có đặc thù riêng của Việt Nam, không giống các nước châu á và Đông Âu (cách mạng Trung Quốc đã tạo được thế liên hoàn với lực lượng cách mạng bên ngoài, nhất là với Liên Xô, và bằng nội chiến cách mạng để lật đổ kẻ thù trực tiếp là chế độ Tưởng Giới Thạch; Triều Tiên, Đông Âu giành chính quyền, xây dựng chế độ dân chủ mới, với sự trợ giúp của lực lượng Hồng quân Xô viết). Cách mạng Tháng Tám lật đổ ách thống trị ngoại bang bằng sức mạnh của khối đoàn kết dân tộc, "lấy sức ta mà tự giải phóng cho ta" và bằng lợi thế do thời cơ đem lại. Trong thời kỳ chiến tranh chống phát xít, Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến tiếp theo, khởi đầu cuộc chiến đấu bao giờ cũng thường phải đối phó với nhiều thế lực thù địch, trong một tương quan lực lượng tưởng chừng như "châu chấu đá xe". Sự chênh lệch to lớn trong cán cân lực lượng giữa ta với thế lực thù địch và chính sách phong toả của chúng đã trở thành thách thức sống còn đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc ở nước ta. 

Nguyễn ái Quốc, trong khi ra sức củng cố và mở rộng mặt trận đoàn kết các tầng lớp nhân dân, xây dựng thực lực, coi đó là nhân tố rất quan trọng để đương đầu với các thế lực thù địch, đã từ những biến động chính trị, kinh tế và xã hội kịp thời nhận thức khả nǎng làm chuyển hoá lực lượng bên ngoài, bao gồm cả lực lượng đối kháng, bằng những biện pháp đồng bộ thêm bạn bớt thù: "Muốn làm cách mạng thắng lợi thì phải phân biệt rõ ai là bạn ai là thù, phải thực hiện thêm bầu bạn, bớt kẻ thù"1. Thấm nhuần tinh thần đó Trung ương Đảng đã nêu bật trong Chỉ thị về kháng chiến, kiến quốc (11-1945): "... thuật ngoại giao là làm cho nước mình ít kẻ thù hơn hết và nhiều bạn đồng minh hơn hết". Thêm bạn bớt thù trở thành nhiệm vụ trung tâm của hoạt động đối ngoại, cơ sở của đường lối quốc tế, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. 

Trong quá trình chỉ đạo và trực tiếp tham gia vào việc thực hiện nhiệm vụ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những kinh nghiệm, bài học về trí tuệ và sách lược đáng chú ý như sau: 

1- Về nhận thức và sách lược đối với kẻ thù trong từng giai đoạn cách mạng 

a. Đứng trước nanh vuốt của nhiều thế lực thù địch chống cách mạng nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như Đảng ta luôn tỉnh táo phân biệt đâu là kẻ thù tiềm tàng và đâu là kẻ thù trực tiếp, nguy hiểm trước mắt. Từ sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã cho rằng: "Kẻ thù chính của chúng ta lúc này là thực dân Pháp xâm lược. Phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng"3 mặc dù lúc bấy giờ Pháp là đối tượng tranh thủ của Liên Xô (trước đây) và Mỹ mới chính là đối thủ hàng đầu của Liên Xô và là kẻ thù bên ngoài cần công kích, kiềm chế của cách mạng Trung Quốc. Chỉ thị "Kháng chiến kiến quốc" tháng 11-1945 còn vạch rõ sách lược: cần phải "đặt riêng bọn thực dân Pháp xâm lược ra một bên mà đánh (đừng bỏ cả Pháp, Anh, ấn vào một bị và đừng coi họ là kẻ thù ngang nhau, đừng công kích nước Pháp và dân Pháp, chỉ công kích bọn thực dân Pháp)" . 

Với Mỹ cũng vậy, tuỳ từng thời điểm khác nhau ta không coi Mỹ như Pháp, Anh. Sau Cách mạng Tháng Tám, ta đấu tranh ngǎn chặn sự giúp đỡ của Anh, Mỹ cho Pháp, đồng thời nhằm thúc đẩy xu hướng trao trả độc lập cho một số nước phụ thuộc và chưa muốn dính líu vào Đông Dương trong giới cầm quyền của nước Mỹ lúc bấy giờ, trong dịp trả lời phóng viên Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kêu gọi: "Việt Nam hy vọng Mỹ sẽ giúp các dân tộc nhỏ giành độc lập như Tổng thống Rudơven đã thường nói". 

Tuy vậy, từ nǎm 1950 trở đi, với việc Mỹ tǎng cường giúp Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương và gây chiến tranh xâm lược ở Triều Tiên, chúng ta mới coi Mỹ là kẻ thù nguy hiểm sau thực dân Pháp và đề ra khẩu hiệu chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Nhạy cảm trước mưu đồ của Mỹ muốn thay thế Pháp thống trị Đông Dương, sau khi Pháp lập cứ điểm Điện Biên Phủ với sự hỗ trợ của Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Mỹ không những là kẻ thù của nhân dân thế giới mà Mỹ còn đang biến thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Việt - Miên - Lào" . 

b. Trong nhận thức về kẻ thù, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh: "Biết sức ta, biết sức địch trǎm trận đều thắng". Thấy chỗ mạnh, chỗ yếu của địch cũng như biết sức ta là cơ sở để định ra đối sách chống lại thế lực thù địch. Người nhắc nhở: "chớ có chủ quan khinh địch", cần "thấy chỗ mạnh của nó, vũ khí mới, tiền của nó nhiều" và "bọn Mỹ có một tiềm lực về kinh tế và quân sự", coi đó là chỗ mạnh nhất để chúng chống lại ta. Mặt khác, Người nhấn mạnh: nhưng ta cũng biết được những khuyết điểm của nó, mà đó là những khuyết điểm rất cơ bản. 

Người cho rằng "chiến tranh chỉ là thủ đoạn để đạt mục đích chính trị". Chiến tranh xâm lược chống lại độc lập tự do của nhân dân ta và áp đặt ách thống trị của chúng, do vậy luôn mang tính chất phi nghĩa, tàn bạo và không hợp lòng dân, trái với xu thế thời cuộc. 

Đánh giá đúng kẻ thù trong tư duy Hồ Chí Minh còn có nghĩa là phải hiểu cặn kẽ "tâm địa" của thế lực thù địch, thấy rõ những bước đi của chúng chẳng những trong ý đồ tǎng cường mở rộng chiến tranh mà cả trong quan hệ quốc tế, nhất là trong quan hệ giữa các nước lớn, phục vụ cho việc giành thắng lợi trong chiến tranh. Ví dụ, trong lúc phe xã hội chủ nghĩa có bất đồng, mâu thuẫn Xô - Trung trở nên gay gắt và Mỹ phát động chiến tranh xâm lược ở nước ta, nhìn rõ ý đồ thâm hiểm lợi dụng sự rạn nứt trong đồng minh chiến lược của ta để cô lập ta, Người cảnh báo: "Mọi âm mưu của đế quốc Mỹ hòng chia rẽ Việt Nam với Trung Quốc và chia rẽ các nước xã hội chủ nghĩa sẽ thất bại thảm hại". 

Từ hiểu rõ kẻ thù, nhất là hiểu rõ đặc tính cường quốc đế quốc, thực dân của nó, kết hợp với diễn biến đấu tranh giữa ta với kẻ thù chính, và trong khi kiên trì mục tiêu cuối cùng, Người còn chú ý đến việc mở lối thoát "trong danh dự" cho thế lực thù địch khi điều kiện cho phép. Với Pháp, Người "không để bỏ lỡ một thời cơ nào có thể hoà giải với nước Pháp". Với Mỹ, Người nói: "Đế quốc Mỹ chỉ có thể chọn một trong hai con đường. Hoặc là chuẩn bị tinh thần chờ đón một trận Điện Biên Phủ, hoặc là thi hành đúng Hiệp nghị Giơnevơ nǎm 1954, tức là chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam và đình chỉ khiêu khích miền Bắc, rút hết quân đội và vũ khí về Mỹ... Nếu đế quốc Mỹ khôn hồn theo con đường thứ hai, nhân dân Việt Nam sẵn sàng hoan tống một cách lịch sự". Người còn chỉ thị:"... đối với Mỹ phải có cách chủ động để đi tới cho nó rút ra, vì rất phức tạp. Một tay đánh, một tay mở cho nó ra, trước cửa cần có rèm chống" . 

c. Để "bớt thù", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo tư tưởng của Lênin về lợi dụng mâu thuẫn giữa các thế lực thù địch trong hoàn cảnh một nước nhỏ, thuộc địa ở châu á chống lại nhiều thế lực cường quốc, thực dân bên ngoài và sự áp đặt của các nước lớn để đưa cách mạng đến thắng lợi. 

Như lịch sử đã ghi nhận, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đứng đầu trong việc đề ra và triển khai chủ trương "Hoà để tiến", lợi dụng mâu thuẫn về lợi ích giữa các đế quốc lớn ở Đông Dương mà cụ thể là giữa Mỹ - Tưởng và Anh - Pháp, thực hiện sách lược đấu tranh đi đôi với thoả hiệp có nguyên tắc với từng bên, lúc thì dùng Mỹ - Tưởng để kiềm chế Pháp, lúc thì thoả hiệp với Pháp, dùng Pháp để đẩy Tưởng ra khỏi nước ta, tạo được tình thế ít kẻ thù nhất, tranh thủ thời gian chuẩn bị lực lượng, chủ động bước vào cuộc kháng chiến trong một cục diện có lợi nhất cho cách mạng. 

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, vấn đề lợi dụng sự khác nhau về lợi ích giữa các thế lực thù địch, hướng tới cô lập triệt để kẻ thù chính cũng được vận dụng có kết quả. Điều đó chẳng những đã phân hoá, làm suy yếu các thế lực thực dân, đế quốc chủ nghĩa vốn có quan hệ đối địch với cách mạng nước ta mà còn từng bước xác lập quan hệ với các xu hướng chính trị, các tầng lớp nhân dân và lực lượng tiến bộ ở các nước đế quốc, tư bản chủ nghĩa. 

2- Vấn đề "thêm bầu bạn" mở rộng đội ngũ đồng minh, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ quốc tế to lớn đã trở thành một nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh 

Nắm được những đặc điểm của thời đại mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức khả nǎng tranh thủ đoàn kết quốc tế để góp phần làm thay đổi thế và lực cuộc đấu tranh cách mạng của nước ta. Người chủ trương "nǎm châu bốn biển một nhà", liên hiệp lực lượng cách mạng vô sản với giải phóng thuộc địa, gắn sự nghiệp đấu tranh vì độc lập tự do của nhân dân ta với xu thế thời đại và vạch ra một định hướng mới cho việc tập hợp lực lượng bên ngoài: Ai làm cách mạng đều là đồng chí của ta, ai chống Nhật, Pháp đều là đồng minh của ta cả... Người đã từng bước mở rộng đoàn kết quốc tế trên cơ sở Việt Nam muốn "là bạn với các nước dân chủ" và gắn cuộc đấu tranh của nhân dân ta với xu hướng thời đại, tạo dựng một tập hợp lực lượng rộng rãi, bao gồm nhiều tầng lớp nhân dân, xu hướng chính trị, xã hội và tôn giáo khác nhau, ủng hộ sự nghiệp chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. 

Tư tưởng "thêm bầu bạn", tranh thủ lực lượng bên ngoài của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua vận dụng trong thực tiễn cách mạng nước ta, nổi lên những vấn đề cơ bản cần chú ý: 

Một là, thể hiện sự nhất quán về quan điểm: chỉ trên cơ sở tự lập tự cường, phát huy hết sức nǎng động chủ quan, không ngừng củng cố sức mạnh đoàn kết dân tộc bên trong, mới có thể tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, sự hợp tác rộng rãi của các lực lượng khác nhau bên ngoài, mở rộng đội ngũ bạn bè có lợi nhất cho việc thực hiện mục tiêu chiến lược cách mạng từng thời kỳ. Người đã chỉ ra rằng: "Độc lập của Việt Nam luôn luôn nhờ ở nơi lực lượng của Việt Nam". Trong khó khǎn cũng như lúc thuận lợi, Người thường nhắc: "muốn người ta giúp cho thì trước mình phải tự giúp mình đã". 

Trong khi định ra đường lối quốc tế và sách lược tập hợp lực lượng bên ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn luôn nhấn mạnh nhân tố bên trong, coi nhân tố bên trong là nhân tố quyết định. Tǎng cường sức mạnh tự thân trở thành cơ sở hàng đầu để tranh thủ đồng minh và bạn bè tránh được sự áp đặt, chèn ép và tình trạng phụ thuộc vào đồng minh, nhất là các nước lớn: "Ta có mạnh thì họ mới "đếm xỉa đến". Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay kẻ khác, dầu là kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy". 

Vào thời điểm ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra chủ trương đoàn kết, tranh thủ sự ủng hộ đồng tình của quốc tế: Cần phải "dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ tích cực của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và của nhân dân yêu chuộng hoà bình và công lý trên toàn thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ". Rõ ràng, đối tượng đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chống Mỹ rất rộng rãi, nhưng Người vẫn luôn nhấn mạnh dựa vào sức mình là chính. Sức hậu thuẫn thế giới thường được tǎng cường và phát triển theo tỷ lệ thuận với những thắng lợi của nhân dân ta là một minh chứng quan điểm mở rộng đoàn kết quốc tế trên cơ sở tự lập tự cường của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Hai là, thể hiện định hướng nói trên vào thực tiễn quan hệ quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã khôn khéo tuỳ từng thời điểm cụ thể, giương cao ngọn cờ hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. 

Sau Cách mạng Tháng Tám đến nǎm 1954, trong vận động quốc tế, Người nêu ra yêu cầu Việt Nam được độc lập trong khối Liên hiệp Pháp, độc lập về chính trị, nhân nhượng về kinh tế, đòi chấm dứt cuộc "chiến tranh huynh đệ tương tàn". Sau Hiệp nghị Giơnevơ, đòi hoà bình thống nhất nước nhà trên cơ sở dân chủ, quyền tự quyết dân tộc và không có sự can thiệp của bên ngoài... Vào lúc Giônxơn vừa leo thang chiến tranh vừa lừa bịp rêu rao hoà bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: Ta giương cao ngọn cờ hoà bình vì rất có lợi cho ta và sớm đưa ra trong công luận quốc tế lập trường bốn điểm của Việt Nam dân chủ cộng hoà, cơ sở giải quyết hoà bình cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra ở Việt Nam. Trong thư gửi đến gần 70 vị đứng đầu nhà nước và chính phủ trên thế giới (24-1-1966), Người nhấn mạnh: "Để giải quyết vấn đề Việt Nam, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã đưa ra lập trường 4 điểm, thể hiện những điều khoản chủ yếu của Hiệp định Giơnevơ nǎm 1954 về Việt Nam. Đó là lập trường hoà bình"1. Đồng thời, Người khẩn thiết kêu gọi các chính phủ và nhân dân yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới hãy kiên quyết chặn tay bọn tội phạm chiến tranh Mỹ và "... tǎng cường ủng hộ và giúp đỡ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân chúng tôi" . 

Hoà bình, chính nghĩa, vì độc lập tự do của Việt Nam trên thực tế đã trở thành sức mạnh động viên nhiều tầng lớp xã hội, chính giới, cũng như xu hướng tín ngưỡng khác nhau, đoàn kết với cuộc chiến đấu của nhân dân ta đưa đến sự hình thành một lực lượng tiến bộ hùng hậu, một mặt trận nhân dân thế giới vì Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược. 

Ba là, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người mở ra trang sử mới cho mối quan hệ đoàn kết hữu nghị và giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc anh em láng giềng, đặc biệt là giữa các dân tộc Đông Dương. Từ chính sách đối ngoại đầu tiên của Nhà nước ta (10-1945) Người đã khẳng định: với Ai Lao và Cao Miên, thì dây liên lạc "lấy dân tộc tự quyết làm nền tảng lại càng phải chặt chẽ hơn" và phải giúp đỡ lẫn nhau. Quán triệt quan điểm tôn trọng lẫn nhau và coi việc "giúp bạn là tự giúp mình", Người cǎn dặn cán bộ, chiến sĩ sang giúp bạn: "Phải tôn trọng chủ quyền, tôn trọng phong tục, tập quán, kính yêu nhân dân nước bạn". Vận dụng những quan điểm đó vào thực tiễn hai cuộc đấu tranh lâu dài chống ngoại xâm, vì độc lập tự do của nhân dân Đông Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng và phát triển quan hệ hữu nghị và tình đoàn kết chiến đấu của ba dân tộc Việt Nam - Lào- Campuchia. Trong khi tích cực giúp đỡ cách mạng hai nước láng giềng anh em, Người vẫn coi trọng gìn giữ quan hệ Nhà nước, quan hệ cá nhân với Quốc vương hai nước Lào và Campuchia, với mục đích hội tụ được sức mạnh của các dân tộc, các tầng lớp xã hội, tín ngưỡng khác nhau ở mỗi nước trên bán đảo Đông Dương, hướng vào đánh bại kẻ thù chung của ba dân tộc, vì hoà bình, độc lập tự do và phát triển của mỗi nước. 

Đối với Trung Hoa cũng vậy, trong thời kỳ trước và sau Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh chủ trương một mặt cương quyết, khôn khéo chống mưu đồ Hoa quân nhập Việt của Tưởng Giới Thạch (1943-1944) và âm mưu chiếm đóng lâu dài, lật đổ chính quyền cách mạng của chúng (1945-1946), mặt khác, Người không ngừng cổ vũ, kêu gọi giúp đỡ sự nghiệp "kháng Nhật của người Trung Hoa" và cố gắng giữ quan hệ với chính quyền Tưởng Giới Thạch, nhằm phân hoá Tưởng với Pháp, qua quan hệ với Tưởng để biết được chính sách của Mỹ, Anh, v.v. với Đông Dương và dùng Hoa Nam làm hậu cứ tiếp tế và huấn luyện cán bộ phục vụ cho cách mạng Việt Nam. Sau Cách mạng Tháng Tám, vào thời điểm gay cấn nhất trong quan hệ giữa ta với chính quyền Tưởng Giới Thạch, Người tuyên bố: "Với Trung Hoa: hai nước Trung Hoa và Việt Nam có liên lạc với nhau về kinh tế và chính trị thì hai dân tộc không thể không có sự tương trợ, tương thân"1. Những nǎm đầu kháng chiến chống Pháp, Người đã nhiều lần chỉ thị cho lãnh đạo các tỉnh biên giới giữ quan hệ với các địa phương Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc, cử người sang thǎm hỏi, tìm hiểu động tĩnh, giữ yên biên thuỳ để trong nước yên tâm đánh giặc. 

Với nước Trung Hoa mới, quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc được Người xây dựng từ những thập kỷ trước, ngày càng tǎng cường. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong số ít lãnh tụ một nước châu á đến viếng thǎm Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đầu tiên và sớm mở ra quan hệ chính thức với Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, trên cơ sở tuyên bố ngày 14-1-1950, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. 

Trong quan hệ với chính phủ và nhân dân các nước láng giềng, chính sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như của Đảng ta là luôn hướng tới lợi ích đại cục, vì lợi ích lâu dài của mỗi nước, phù hợp với đặc điểm tình hình của mỗi nước và tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc và chủ quyền lãnh thổ của mỗi quốc gia... nhằm tạo ra sự ổn định bên ngoài để thực hiện mục tiêu chiến lược quan trọng của cách mạng nước ta trong từng thời kỳ. 

Bốn là, luôn luôn sáng suốt phân biệt giữa các tầng lớp nhân dân lao động, tiến bộ ở các nước thù địch với thế lực thực dân, đế quốc xâm lược. Người luôn coi nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ như là đồng minh tự nhiên, không chút hận thù và còn đặt lòng tin vào sự thức tỉnh lương tri của họ. 

Giữa nǎm 1964, Mỹ đã nếm mùi thất bại trong chiến tranh đặc biệt và chuẩn bị cho bước leo thang chiến tranh quy mô lớn bằng sự kích động tư tưởng dân tộc nước lớn ở Mỹ. Nhằm phân hoá, cô lập kẻ thù, đồng thời phân biệt rõ nhân dân lao động, tiến bộ Mỹ với các thế lực cầm quyền phản động, hiếu chiến, Người đã tuyên bố rõ quan điểm của Việt Nam về nước Mỹ: "Chúng tôi phân biệt nhân dân Mỹ với đế quốc Mỹ"; "Chúng tôi muốn có những quan hệ hữu nghị và anh em với nhân dân Mỹ mà chúng tôi rất kính trọng"1. Người tin rằng mỗi khi "lương tâm người Mỹ nổi giận" sẽ góp phần thay đổi cục diện cuộc chiến tranh: "Nhân dân Mỹ đánh từ trong đánh ra, nhân dân ta đánh từ ngoài vào. Hai bên giáp công mạnh mẽ, thì đế quốc Mỹ nhất định sẽ thua, nhân dân Việt - Mỹ nhất định sẽ thắng"2. Khái quát trên đây của Người đã trở thành hiện thực: Chính quyền Mỹ đã phải đối phó với hai trận tuyến và đều thất bại ở cả trên đất Mỹ lẫn ở chiến trường Việt Nam. Nhận rõ vai trò quan trọng của việc đoàn kết với các tầng lớp nhân dân Mỹ, Người chỉ thị cho các cán bộ ngoại giao của ta phải chú ý đẩy mạnh hoạt động tranh thủ sự ủng hộ, đoàn kết của nhân dân Mỹ, coi đó là một lực lượng quan trọng trong cuộc đấu tranh chống Mỹ. 

Như vậy là, ở Hồ Chí Minh không thoáng bận tư tưởng dân tộc hẹp hòi. Tiến hành kháng chiến chống Pháp xâm lược nhưng vẫn yêu mến vǎn hoá Pháp, nhân dân Pháp. Kháng chiến chống Mỹ giành độc lập tự do cho dân tộc nhưng vẫn trân trọng truyền thống tự do của nước Mỹ, người Mỹ. 

Nǎm là, kết hợp hoạt động ngoại giao nhà nước với vận động tranh thủ sự đồng tình, đi đến ủng hộ ngày càng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân ở nhiều nước khác nhau trên thế giới cùng chung hoặc khác nhau về ý thức hệ đối với sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta. 

Trước sự bất đồng, chia rẽ giữa các nước anh em, đồng minh chiến lược của cách mạng, Người chủ trương và thực sự góp phần vào giải quyết bất hoà trong các nước xã hội chủ nghĩa trên cơ sở quan điểm độc lập, "có lý có tình" chống lại khuynh hướng áp đặt cho nhau, võ đoán và tránh việc đứng về phía này để chống phía kia, có hại cho lợi ích đại cục và lợi ích chiến lược của cuộc đấu tranh của nhân dân ta. 

Với Liên Xô và Trung Quốc, Người chú trọng việc phát huy, thúc đẩy mặt tích cực trong chính sách đối ngoại của hai nước này. Hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh trong quan hệ quốc tế, hướng việc tranh thủ đoàn kết song phương Liên Xô, Trung Quốc với cuộc chiến đấu vì tự do độc lập của ta, phát huy vai trò của mỗi nước trong việc tranh thủ những xu thế chính trị, lực lượng khác nhau trên thế giới có lợi cho ta. 

Đoàn kết, tranh thủ sự đồng tình, chi viện của đồng minh chiến lược là tư tưởng cơ bản của Hồ Chí Minh trong đường lối quốc tế của cách mạng nước ta. Tuy vậy, Người còn nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cần phải tiếp cận với nhiều lực lượng bầu bạn rộng lớn cả bên ngoài ý thức hệ, để mở rộng đội ngũ đồng minh, hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ cứu nước. Người chủ trương thúc đẩy sự thức tỉnh lương tri của nhân dân các nước chống đế quốc Mỹ, kẻ thù số một của loài người và của hoà bình thế giới, gắn phong trào đấu tranh vì hoà bình, dân sinh, dân chủ ở các nước trên thế giới với hoạt động chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. 

Để hướng tới một mặt trận thống nhất hành động như mong muốn, trong bối cảnh có sự chuyển hoá lực lượng phức tạp, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng ta cần "có chính sách đúng đắn, phải là làm sao vui lòng được mọi người, làm vui lòng từ người "binh nhất, binh nhì". Tuy không được vừa lòng họ 100% nhưng không được làm mất lòng ai 100%, vì cách mạng của ta phải dựa vào họ giúp đỡ. Ta phải luôn giúp đỡ họ và mong cho tất cả đều đoàn kết". "Ngoại giao của ta là cốt tranh thủ nhiều người ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước ta". 

Có thể nói, tư tưởng "thêm bầu bạn, bớt kẻ thù" và "đoàn kết - đại đoàn kết, thành công, đại thành công" của Chủ tịch Hồ Chí Minh được chính Người cùng Đảng và Nhà nước ta vận dụng thành công trong quan hệ quốc tế đưa đến những thành công to lớn. Chưa bao giờ một cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của một dân tộc nhỏ yếu, chống lại những "đế quốc to" mà được sự quan tâm theo dõi, ủng hộ mạnh mẽ và bền bỉ của loài người tiến bộ đến như thế. Đặc biệt là trong cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược nhân dân ta lại nhận được sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân của chính hai nước đã đưa quân đến xâm lược nước ta. 

Những thực tiễn lịch sử nổi bật đó đã khẳng định sự đúng đắn, hợp thời đại của tư tưởng, chiến lược và nghệ thuật mở rộng và tǎng cường đoàn kết quốc tế của Hồ Chí Minh. 

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website