TS. Cao Thanh
Trưởng khoa CNXHKH, Phân viện Hà Nội
Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một mong ước duy nhất: đất nước được độc lập tự do, nhân dân ấm no hạnh phúc, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và Người đã phấn đấu quên mình cho mục đích đó. Ngươi đã để lại những giá trị tư tưởng khoa học và cách mạng trên các lĩnh vực, trong đó có những di sản có giá trị về nhận thức, vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Hồ Chí Minh khẳng định: không có chủ nghĩa xã hội khoa học thì không có lập trường giai cấp công nhân vững vàng.
Từ chủ nghĩa yêu nước, Hồ Chí Minh đã vạch ra bản chất của chủ nghĩa đế quốc và nguyên nhân gây ra những nỗi khổ của nhân dân lao động trong nước cũng như trên thế giới. Từ chủ nghĩa yêu nước, Người đã đến với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và phong trào cộng sản thế giới, phân biệt được các loại hình chủ nghĩa cơ hội, cải lương đang hoành hành ở các nước châu Âu. Từ những tiền đề khách quan đó cộng với sự thiên tài về khoa học và nhạy cảm chính trị, Hồ Chí Minh đã đến và tiếp thu được những giá trị tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin, chuyển từ chủ nghĩa yêu nước sang chủ nghĩa xã hội khoa học. Người nói: không có lực lượng gì ngăn cản được mặt trời mọc. Không có lực lượng gì ngăn trở được lịch sử loài người tiến lên. Cũng không có lực lượng gì ngăn trở được CNXH phát triển. Người khẳng định "Không có lý luận về chủ nghĩa cộng sản khoa học thì không thể có lập trường giai cấp công nhân vững vàng"1. Bởi vì chủ nghĩa xã hội khoa học là cơ sở lý luận và phương pháp luận trực tiếp để giác ngộ lý tưởng XHCN, giữ vững niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân lao động vào con đường đi lên CNXH, vào sự tất thắng của CNXH đối với chủ nghĩa tư bản. Mặt khác, chủ nghĩa xã hội khoa học là cơ sở lý luận trực tiếp để các đảng cộng sản đề ra đường lối chính sách đúng đắn, sáng tạo trong quá trình tiến hành cách mạng XHCN đến thắng lợi. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên "Phải học những điểm cơ bản, những điều a, b, c về chủ nghĩa cộng sản". Người nói: chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết ấm no trên trái đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui hoà bình, hạnh phúc.
Cách mạng dân tộc dân chủ gắn liền với cách mạng XHCN. Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý chủ nghĩa xã hội khoa học và bổ sung phát triển tư tưởng về cách mạng XHCN ở Việt Nam. Đó là cuộc cách mạng XHCN diễn ra ở một nước từ chế độ thuộc địa phong kiến "Sau khi giành thắng lợi trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội". Người nói: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản". Người đã tìm được con đường cách mạng đúng đắn cho dân tộc ta. Đó là con đường kết hợp giữa đấu tranh giai cấp với đấu tranh dân tộc, kết hợp giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Người cho rằng: giải phóng dân tộc phải gắn liền với giải phóng giai cấp, độc lập dân tộc không thể tách rời CNXH và chủ nghĩa cộng sản. Hồ Chí Minh đã nắm bắt được nội dung, tính chất của thời đại. Thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH đã tạo ra khả năng khách quan cho những nước ở trình độ khác nhau có thể bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa để tiến thẳng lên CNXH. Qua thực tiễn cách mạng Việt Nam cho thấy Hồ Chi Minh đã vận dụng sáng tạo nguyên lý về sự chuyển biến cách mạng dân tộc lên cách mạng XHCN, đồng thời Người đã nêu ra lý luận về xây dựng CNXH trong khi vẫn tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.
Lực lượng có khả năng lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc dân chủ để tiến lên CNXH ở Việt Nam là giai cấp công nhân. Giai cấp công nhân Việt Nam tuy còn non trẻ và nhỏ bé song là một giai cấp cách mạng triệt để nhất. Vừa mới ra đời, giai cấp công nhân Việt Nam đã sớm giác ngộ chính trị thông qua việc tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin và nhanh chóng trở thành một lực lượng chính trị độc lập, có uy tín chính trị cao lại có đội tiên phong là Đảng cộng sản lãnh đạo. Ngay từ năm 1924 tại Đại hội quốc tế cộng sản, Người khẳng định: "Trong thời đại ngày nay chỉ có giai cấp công nhân là người có sứ mệnh duy nhất lãnh đạo cách mạng, những trào lưu cơ hội chủ nghĩa mơn trớn nông dân, coi nông dân là một lực lượng chủ yếu, là động lực duy nhất của cách mạng, đều chỉ tiến tới chủ nghĩa phiêu lưu, chủ nghĩa cực đoan". Luận cương chính trị của Đảng cộng sản Đông Dương được thông qua tại hội nghị lần thứ nhất của Trung ương Đảng (họp tháng 10 năm 1930) đã ghi rõ: "Trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền... vô sản cầm quyền lãnh đạo thì cách mạng mới thắng lợi".
Bên cạnh giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo thì giai cấp nông dân là một trong hai động lực chính" của cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam.
Giai cấp nông dân Việt Nam là một giai cấp đông đảo, chiếm tỷ lệ lớn trong dân cư. Đó là giai cấp tích cực chống đế quốc phong kiến. Khác với giai cấp nông dân nhiều nước, nông dân Việt Nam chưa hề đi theo giai cấp tư sản nhỏ bé về kinh tế và bạc nhược về chính trị. Nông dân Việt Nam rất cách mạng nhưng không thể giữ vai trò lãnh đạo vì họ là những người tư hữu nhỏ, không đại diện cho một phương thức sản xuất tiên tiến. Họ lại không có hệ tư tưởng riêng. Vì vậy trong cách mạng dân tộc dân chủ ở nước ta, giai cấp nông dân chỉ có thể đi với giai cấp vô sản và chịu sự lãnh đạo của giai cấp này. Chỉ có sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, với hệ tư tưởng tiên tiến và cách mạng thì giai cấp nông dân mới được giải phóng và sức mạnh của giai cấp nông dân mới được phát huy mạnh mẽ. Ngược lại giai cấp công nhân Việt Nam chỉ có thể thực hiện được vai trò lãnh đạo của mình trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ khi phát huy được sức mạnh của giai cấp nông dân, coi "nông dân là động lực của cách mạng". Chính nhờ xác định đúng đắn vai trò của nông dân Việt Nam, nhờ có khối liên minh công - nông vững chắc ngay từ cách mạng dân tộc dân chủ mà chúng ta đã chiến thắng được tất cả các thế lực xâm lược nước ngoài và thủ tiêu chế độ phong kiến cùng bọn tay sai đế quốc, giải phóng dân tộc, đưa đất nước tiến lên CNXH.
Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới.
Sự nghiệp hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh là sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh giải phóng dân tộc và giai cấp, kết hợp tinh thần yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Người nói: "Sự nghiệp của người bản xứ gắn mật thiết với sự nghiệp vô sản thế giới; Mỗi khi chủ nghĩa cộng sản giành được chút ít thắng lợi trong một nước nào đó nhất là trong quốc gia đế quốc chủ nghĩa thì đó cũng là thắng lợi của người An Nam"2.
Hồ Chí Minh là người đặt vấn đề và giải quyết vấn đề dân tộc thuộc địa, mối quan hệ giữa cuộc cách mạng dân tộc dân chủ với cách mạng XHCN ở mỗi nước và các nước trên thế giới cũng như ba nước Đông Dương: Việt Nam, Lào, Campuchia.
Đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hồ Chí Minh luôn làm rõ tính tất yếu khách quan, tính đoàn kết anh em giúp đỡ lẫn nhau giữa nhân dân các nước XHCN, bạn bè quốc tế và ba nước Đông Dương. Vì vậy, trong quá trình chỉ đạo cách mạng Việt Nam, Người đã để lại những kinh nghiệm quý báu về chiến lược, sách lược, về quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Người coi cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới.
Người thường xuyên giáo dục cán bộ, đảng viên và toàn dân phải hết lòng giúp đỡ và ủng hộ cách mạng Lào, Campuchia và Cu Ba... vì sự trưởng thành của cách mạng nước bạn. Người đã cử hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Việt Nam sang sát cánh chiến đấu và công tác cùng nhân dân nước bạn vì người hiểu rõ "Giúp nhân dân nước bạn là tự mình giúp mình".
Xây dựng CNXH là sự nghiệp của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.
Hồ Chí Minh khẳng định rằng: muốn cách mạng XHCN thành công phải có chính đảng lãnh đạo. Đảng cộng sản Việt Nam nắm quyền lãnh đạo trong điều kiện một nước vừa thoát khỏi chế độ thuộc dịa phong kiến, lực lượng đảng viên ít, trình độ cán bộ, đảng viên còn hạn chế, kinh nghiệm lãnh đạo và quản lý đất nước để xây dựng một chế độ xã hội mới chưa có. Do vậy, Người đòi hỏi mỗi đảng viên phải không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ và năng lực công tác. Đảng phải thường xuyên xây dựng và đổi mới, tăng cường và hoàn thiện vai trò lãnh đạo của mình trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Người nói: muốn xây dựng được CNXH Đảng phải huy động được sức mạnh của nhân dân ta. Đảng phải tập hợp được quần chúng xung quanh mình thì khó khăn đến mấy cũng vượt qua. Đồng thời Đảng lãnh đạo là phải thường xuyên chăm lo đến cuộc sống của dân từ việc nhỏ như: tương, cà, mắm, muối, đến việc lớn như tham gia quản lý đất nước. Đảng phải biết tổ chức công nhân, nông dân, trí thức, các tầng lớp xã hội vào các "phong trào thi đua yêu nước" để "khắc phục khó khăn, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm". Người khẳng định "Sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp phong trào thi đua yêu nước với cuộc vận động chống tham ô, lãng phí, quan liêu, làm cho mọi người thấm nhuần ý thức làm chủ nhà nước và tinh thần cần kiệm xây dựng Tổ quốc, thì chúng ta nhất định thắng lợi vẻ vang trong công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa" 3.
Xây dựng CNXH ở Việt Nam là một sự nghiệp cách mạng khó khăn, gian khổ, lâu dài và phải xuất phát từ thực tế của nước ta.
Cách mạng XHCN không chỉ đơn thuần là thủ tiêu chính quyền của giai cấp thống trị, thiết lập nhà nước XHCN, mà điều căn bản là cải tạo xã hội cũ, xây dựng thành công CNXH. Theo Hồ Chí Minh: CNXH là "ai làm nhiều thì hưởng nhiều, ai làm ít thì hưởng ít, ai không làm thì không hưởng, tất nhiên trừ những người già cả, đau yếu và trẻ con", "Chủ nghĩa xã hội là dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh". Nhưng sự nghiệp cách mạng đó lại diễn ra ở một nước vừa thoát khỏi chế độ thuộc địa phong kiến, chưa qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, chưa có tiền đề vật chất của CNXH, đời sống mọi mặt của nhân dân lại hết sức khó khăn. Bên cạnh đó lại bị các thế lực thù địch luôn tìm cách phá hoại, thủ tiêu CNXH ở nước ta. Do vậy, Người nói: "Trong sự nghiệp xây dựng CNXH, chúng ta nhất định có những khó khăn. Biến đổi một xã hội cũ thành một xã hội mới, không phải là một chuyện dễ", "chủ nghĩa xã hội không thể làm mau được mà phải làm dần dần", "không thể một sớm một chiều".
Người nói: xây dựng CNXH là lấy nhà máy, xe lửa, ngân hàng... làm của chung. ở nông thôn phải có tổ đổi công để tăng gia sản xuất tiến lên hợp tác xã, tiến lên nông trường. ở thành thị Chính phủ có những xí nghiệp lớn, trong các xí nghiệp đó công nhân phải thi đua sản xuất và quản lý. Đồng thời Nhà nước phải thuyết phục các nhà tư sản chung vốn, hợp tác với Chính phủ để sản xuất.
Tuy nhiên, Người cho rằng xây dựng CNXH ở nước ta "không thể giống Liên Xô" và các nước khác vì họ có "phong tục tập quán, có lịch sử địa lý riêng". Chúng ta xây dựng CNXH có những thuận lợi: "Dân ta dược rèn luyện trong chiến đấu và đoàn kết chặt chẽ. Dân tin cậy vào Đảng, Chính phủ và đoàn kết xung quanh Đảng. Dân ta cần cù lao động, các nước anh em giúp đỡ tận tình...", "đánh đổ giai cấp địch đã khó, đấu tranh xây dựng chủ nghĩa xã hội còn gian khổ, khó khàn nhiều hơn"4. Hồ Chí Minh cho ràng: muốn khắc phục khó khăn và phát triển thuận lợi thì mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tập đoàn đều phải có tư tưởng XHCN, nghĩ đến lợi ích toàn dân trước lợi ích cá nhân. Tư tưởng xã hội chủ nghĩa là chống tư tưởng cá nhân chủ nghĩa. Đó là cuộc đấu tranh gian khổ gay go.
Ngoài ra Hồ Chí Minh còn để lại những giá trị tư tưởng về việc nhận thức, vận dụng sáng tạo những nguyên lý của CNXH khoa học vào cách mạng Việt Nam trên các lĩnh vực: con người, dân tộc, tôn giáo, gia đình, xây dựng nền dân chủ XHCN... Ngày nay, vận dụng và kế thừa những di sản tư tưởng của Hồ Chí Minh, Đảng ta dã có đường lối, chính sách đúng đắn, vượt qua bao khó khăn thử thách đưa đất nước từng bước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, tiếp tục bước vào thời kỳ CNH,HĐH đất nước trên cơ sở giữ vững định hướng XHCN.
Tạp chí Giáo dục lý luận, số 10/2000