Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền dân tộc

(ĐCSVN)Trong các di cảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề quyền dân tộc chiếm một vị trí quan trọng. Tư tưởng về quyền dân tộc được Người nêu ở nhiều thời điểm khác nhau, thể hiện ở nhiều bài viết, bài nói chuyện nhưng nổi bật, tập trung và rõ nét nhất là tuyên bố của Người trong ngày lễ Độc lập của dân tộc. 

Đã là người Việt Nam, chắc chắn không ai có thể quên sự kiện lịch sử về lễ Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà tại quảng trường Ba Đình lịch sử mùa thu 1945. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình của Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và toàn thể quốc dân Việt Nam, trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam mới, khẳng định những quyền cơ bản của dân tộc Việt Nam và quyết tâm của nhân dân Việt Nam trong bảo vệ những quyền thiêng liêng đó. Sự kiện đó đã đặt một mốc son lịch sử về sự bắt đầu của thời kỳ phát triển mới của dân tộc Việt Nam. Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam mới đã trở thành một di sản văn hoá bất hủ của dân tộc Việt Nam, đồng thời là văn bản pháp lý khẳng định quyền của dân tộc Việt Nam đứng ngang hàng với các dân tộc trong thế giới đương đại. 

Khi viết Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh đã tra cứu và tham khảo bản Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791- hai bản Tuyên ngôn chứa đựng những tư tưởng tiên tiến của nhân loại về quyền con người. Theo đó xác định rằng, con người ta sinh ra là phải có quyền được sống, bình đẳng về quyền lợi, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Hồ Chí Minh tán thành những tư tưởng bất hủ nói trên và coi đó là điều thiêng liêng, hoàn toàn hợp với lẽ tự nhiên và bất khả xâm phạm: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Và: “ Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Trích dẫn những lời bất hủ đó, Hồ Chí Minh mặc nhiên khẳng định rằng những con người sống trên đất nước Việt Nam phải được hưởng những quyền cơ bản đó. Nhưng không chỉ có vậy, trong Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh đã tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam và phát triển tư tưởng về quyền lợi của con người thành quyền lợi của cả một dân tộc. Người viết “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”, đồng thời khẳng định ý chí của dân tộc Việt Nam quyết bảo vệ đến cùng quyền tự do, độc lập ấy: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”. 

Cuộc sống lầm than của dân tộc Việt Nam dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân Pháp đã thôi thúc người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước vào năm 1911, để đến ngày 2/9/1945, Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh thay mặt cho dân tộc Việt Nam vạch mặt, chỉ tên tội ác của chủ nghĩa thực dân, và tuyên bố về quyền của dân tộc Việt Nam phải được hưởng như các dân tộc văn minh khác cùng với ý chí quyết giữ vững những gì dân tộc đó đã giành được. Cũng để có lời tuyên bố trước toàn thế giới ngày 2/9 lịch sử ấy, Người đã phải mất hơn hai thập kỷ, và trải qua một cuộc hành trình đầy gian khổ khắp năm châu, bốn biển. Chính trong thời gian đó người đã chứng kiến nỗi thống khổ của các dân tộc ở đủ các loại nước, đến khi gặp được chủ nghĩa Mác – Lênin thì người đã hoàn toàn lý giải được nguồn gốc sinh ra nỗi thống khổ của không chỉ dân tộc Việt Nam mà của cả các dân tộc khác trên toàn thế giới. Dưới ánh sáng của học thuyết Mác - Lênin, trực tiếp là tư tưởng vĩ đại của V.I.Lênin trong “Sơ thảo luận cương các vấn đề dân tộc và thuộc địa”, Hồ Chí Minh hiểu rằng, nỗi thống khổ của tất cả các dân tộc bị áp bức nảy sinh và tồn tại kể từ khi xã hội loài người xuất hiện chế độ tư hữu, giai cấp và nhà nước, tất cả những quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm ấy của con người đã bị một số ít người chà đạp. Mặc dù những kẻ đó chẳng nhân danh cho ai cả, song chúng lại có thể mặc nhiên tước đoạt một cách vô nhân tính quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc không chỉ của quần chúng lao động trong nước, mà còn đối với cả giới cần lao trên toàn thế giới, chỉ vì chúng là những kẻ nắm quyền chi phối đại bộ phận những tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội, nên cũng nắm mọi quyền phân phối những của cải làm ra, đồng thời nắm luôn quyền thống trị và nô dịch người khác. Chính tại nước Mỹ và nước Pháp, quê hương của hai bản Tuyên ngôn với những lời bất hủ đó, nhưng với cả hai nước đó, giới cần lao cũng không có quyền bình đẳng, quyền được sống, tự do mưu cầu hạnh phúc. Song, còn một điều khác tệ hại hơn, đó là chủ nghĩa tư bản Pháp và chủ nghĩa tư bản Mỹ đã nhân danh lá cờ tự do, bác ái để nô dịch, chà đạp tự do của các dân tộc khác ở những xứ thuộc địa và phụ thuộc. Với Hồ Chí Minh, đó là những điều không thể chấp nhận vì quyền tự do, bình đẳng và mưu cầu hạnh phúc là những quyền thiêng liêng, không ai được phép xâm phạm. Đây chính là một trong những lý do để Hồ Chí Minh trở thành chiến sĩ cộng sản đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam và sự nghiệp giải phóng các dân tộc bị áp bức trên thế giới. 

Theo Hồ Chí Minh, trong một đất nước, quyền lợi của mỗi cá nhân bao giờ cũng gắn liền với quyền lợi của cả dân tộc, đất nước. Nước mất thì nhà tan, nước độc lập thì dân tộc mới độc lập, con người mới có tự do. Trích dẫn những tư tưởng bất hủ trong hai bản Tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp, Hồ Chí Minh muốn khẳng định một điều: tất cả những quyền mà hai bản tuyên ngôn tư sản đó nêu lên đã không tồn tại đối với đất nước và dân tộc Việt Nam. Hơn tám mươi năm bọn thực dân Pháp đã lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp nước Việt Nam, áp bức dân tộc Việt Nam. Hành động đó là trái với đạo lý, cũng tức là trái với lẽ tự nhiên như tư tưởng của hai bản tuyên ngôn tư sản đã khẳng định. Vì lẽ đó, dân tộc Việt Nam phải đứng lên, quyết giành lấy những quyền thiêng liêng nhất của con người và của dân tộc và khi đã giành được thì quyết bảo vệ đến cùng. Sau này Người còn có dịp phát triển quyết tâm đó trong lời kêu gọi nhân dân cả nước nêu cao ý chí quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Cần nói rằng, tư tưởng về giành quyền bình đẳng, được sống, tự do mưu cầu hạnh phúc của một dân tộc trong con người Hồ Chí Minh không phải đến khi viết Tuyên ngôn Độc lập mới xuất hiện, tư tưởng này đã nung nấu trong con người Hồ Chí Minh từ rất lâu, ít nhất cũng là từ trước khi Người ra đi tìm đường cứu nước mùa hè năm 1911, đặc biệt là trong thời kỳ Người đến châu Âu, sống ở Pari cho đến khi gia nhập đảng Xã hội Pháp, những năm 1914 – 1920 ở Hồ Chí Minh đã nung nấu tư tưởng giải phóng dân tộc Việt Nam và giải phóng các “dân tộc thuộc địa”. Đến khi gặp được chủ nghĩa Mác - Lênin, thông qua “ Sơ thảo luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa”, thì tư tưởng đó đã được chắp cánh. Nhờ tiếp cận và nghiên cứu Sơ thảo luận cương của Lênin, Hồ Chí Minh đã có bước ngoặt cơ bản về nhận thức chính trị. Người coi đó là “con đường giải phóng”, “con đường cứu sống dân tộc Việt Nam”. Hơn 20 năm tiếp sau cho đến ngày viết Tuyên ngôn Độc lập, là chặng đường lịch sử Hồ Chí Minh đấu tranh không mệt mỏi vì mục tiêu “giải phóng dân tộc Việt Nam”. Trong suốt chặng đường đầy gian khổ đó, lúc tù đầy trong nhà lao đế quốc, khi cháo bẹ, rau măng trong hang núi, để thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng vì độc lập, tự do của Tổ quốc và dân tộc, đồng thời cũng là bước khởi đầu cho một lý tưởng cách mạng lớn lao và vĩ đại hơn - tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng nhân loại, chưa khi nào ngọn lửa đấu tranh vì quyền lợi của dân tộc Việt Nam trong con người Hồ chí Minh ngừng cháy. Sau này, khi nửa nước đã được giải phóng, với cương vị chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Hồ Chí Minh càng có điều kiện để thực hiện các quyền của dân tộc. Người nhắc nhở Chính phủ chăm lo mọi mặt cho đời sống nhân dân, với tinh thần “nhân dân chỉ cảm nhận được quyền của mình trong một nước độc lập khi ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặc, mọi người được học hành”. Còn đối với nửa nước chưa được giải phóng, Người tập trung theo dõi, chỉ đạo chặt chẽ phong trào cách mạng miền Nam, hàng ngày, hàng giờ giành tình cảm cho đồng bào miền Nam. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền lợi dân tộc trong Tuyên ngôn Độc lập là bản hùng ca bất diệt của dân tộc Việt Nam - một dân tộc có bề dày truyền thống đấu tranh giành và giữ độc lập, được cất lên trước toàn thế giới tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 biểu hiện ý chí sắt đá về quyết tâm giữ vững quyền tự do, độc lập ấy là không gì có thể khuất phục. Còn đối với thế giới đương đại, Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam mới là hồi kèn thúc giục các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc vùng lên, đặt dấu mốc lịch sử mở đầu trào lưu phi thực dân hoá trong thế giới đương đại và quá trình đó đã diễn ra. 

Năm 2006, Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng mác xít chân chính do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, tiến hành đại hội để tiếp tục thực hiện những tư tưởng vĩ đại của Người vì một đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Dù trong điều kiện lịch sử mới cách mạng Việt nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhất định Đảng sẽ lãnh đạo nhân dân ta thực hiện thắng lợi những tư tưởng của Hồ Chí Minh về quyền lợi dân tộc. 

PGS.TS Lại Ngọc Hải
Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự – Bộ Quốc phòng

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website