(ĐCSVN) - Đã gần một thế kỷ đi qua, nhưng tác phẩm đầu tay “Yêu sách (tám điểm) của nhân dân An Nam” bằng tiếng Pháp và bản dịch thành thơ “Việt Nam yêu cầu ca” của Bác sẽ còn được truyền tụng và trường tồn mãi mãi.
Nửa đầu năm 1919, ở Pháp có một tài liệu được phân phát rộng rãi như tờ truyền đơn cách mạng, đó là bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Quốc tế vì hoà bình họp ở Vécxây (Versailles). Bản yêu sách tám điểm bằng tiếng Pháp này đã được đăng toàn văn trên báo L' Humanité số ra ngày 18-6-1919 phía dưới có ghi: “Thay mặt nhóm những người yêu nước An Nam - Nguyễn Ái Quốc”. Sau đó, chính bản yêu sách này đã được Nguyễn Ái Quốc dịch ra tiếng Việt theo thể thơ lục bát chuyển về phổ biến rộng rãi với đồng bào trong nước dưới nhan đề “Việt Nam yêu cầu ca”.
Dưới đây là toàn văn bản “Yêu sách” (được dịch ra tiếng Việt) và nguyên văn “Yêu cầu ca” bằng thơ của Bác dưới bút danh Nguyễn Ái Quốc:
“Yêu sách của nhân dân An Nam
Từ ngày Đồng minh thắng trận, tất cả các dân tộc bị lệ thuộc đều chứa chan hy vọng rằng theo những lời cam kết chính thức và trịnh trọng mà các cường quốc Đồng minh đã tuyên bố với toàn thế giới, trong cuộc đấu tranh của văn minh chống dã man, thì tiền đồ một thời đại công lý và chính nghĩa nhất định phải đến với họ.
Trong khi chờ cho nguyên tắc dân tộc sẽ từ lý tưởng chuyển thành hiện thực do quyền tự quyết thiêng liêng của các dân tộc được thừa nhận thật sự, nhân dân nước An Nam trước kia, nay là xứ Đông-Pháp, xin trình với các quý Chính phủ trong Đồng minh nói chung và với Chính phủ Pháp đáng kính nói riêng, những yêu sách sau đây:”
Đoạn mở đầu nói trên đã được Bác diễn tả bằng mươi dòng thơ dân dã
“Việt Nam yêu cầu ca
Rằng nay gặp hội Giao hoà,
Muôn dân hèn yếu gần xa vui tình.
Cậy rằng các nước đồng minh,
Đem gương công lý giết hình dã man.
Mấy phen công bố rõ ràng,
Dân nào rồi cũng được trang bình quyền.
Việt Nam xưa cũng oai thiêng,
Mà nay đứng trước thuộc quyền Lang sa.
Lòng thành tỏ nỗi xót xa,
Giám xin đại quốc soi qua chút nào.
Tiếp theo là tám điểm yêu sách gồm:
«1. Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị; »
« Một xin tha kẻ đồng bào
Vì chưng chính trị mắc vào tù giam » ;
« 2. Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu; xoá bỏ hoàn toàn các toà án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam; »
« Hai xin phép luật sửa sang,
Người Tây, người Việt hai phương cùng đồng.
Những toà đặc biệt bất công,
Dám xin bỏ đứt rộng dung dân lành ; »
“3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận;”
“Ba xin rộng phép học hành,
Mở mang kỹ nghệ, lập thành công thương;”
“4. Tự do lập hội và hội họp;”
“Bốn xin được phép hội hàng;”
“5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương;”
“Năm xin nghĩ ngợi nói bàn tự do;”
“6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ;”
“Sáu xin được phép lịch du,
Bốn phương mặc sức, năm châu mặc tình;”
“7. Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật;”
“Bảy xin hiến pháp ban hành,
Trăm điều phải có thần linh pháp quyền;”
“8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người do người bản xứ bầu ra, tại nghị viện Pháp để giúp cho nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ.”
“Tám xin được cử nghị viên,
Qua Tây thay mặt giữ quyền thổ dân;”
“Đưa ra những yêu sách trên đây, nhân dân An Nam trông cậy vào chính nghĩa thế giới của tất cả các cường quốc và đặc biệt tin vào lòng độ lượng của nhân dân Pháp cao cả, tức là của những người đang nắm vận mệnh của nhân dân An Nam, của những người, do chỗ nước Pháp là một nước cộng hoà, nên được coi là những người bảo hộ cho nhân dân An Nam. Khi nhân dân An Nam nhắc đến sự “bảo hộ” của nhân dân Pháp, thì không lấy thế làm hổ nhục chút nào mà trái lại còn lấy làm vinh dự; vì nhân dân An Nam biết rằng nhân dân Pháp đại biểu cho tự do và công lý, và không bao giờ từ bỏ lý tưởng cao cả của mình và tình bác ái toàn thế giới. Vì thế, nghe theo tiếng nói của những người bị áp bức, là nhân dân Pháp sẽ làm tròn nhiệm vụ của mình đối với nước Pháp và đối với Nhân loại.
“Tám điều cặn tỏ xa gần,
Chứng nhờ vạn quốc công dân xét tình.
Riêng nhờ dân Pháp công bình,
Đem lòng đoái lại của mình trong tay.
Pháp dân nức tiếng xưa nay,
Đồng bào, bác ái sánh tày không ai!
Nỡ nào ngảnh mặt ngơ tai,
Để cho mấy ức triệu người bơ vơ.
Dân Nam một dạ ước mơ,
Lâu nay từng núp bóng cờ tự do.
Rộng xin dân Pháp xét cho
Trong phò tiếng nước sau phò lẽ công.”
Và cuối cùng là những lời lẽ tâm tình của người dịch Bản yêu sách gửi đồng bào trong nước:
“Dịch mấy chữ quốc âm bày tỏ
Để đồng bào lớn nhỏ được hay.
Hoà bình may gặp hội này,
Tôn sùng công lý, đoạ đày dã man.
Nay gặp hội khải hoàn hỉ hả
Tiếng vui mừng khắp cả đồng- dân.
Tây vui chắc đã mười phần,
Lẽ nào Nam lại chịu thân tôi đòi.
Hẵng mở mắt mà soi cho rõ
Nào Ai Lan, Ấn Độ, Cao Ly,
Xưa, hèn phải bước suy di,
Nay, gần độc lập cũng vì dân khôn.
Hai mươi triệu quốc hồn Nam Việt
Thế cuộc này phải biết mà lo.
Đồng bào, bình đẳng, tự do,
Xét mình rồi lại đem so với người
Ngổn ngang lời vắn ý dài,
Anh em đã thấu lòng này cho chưa.
Nguyễn Ái Quốc »
Đã trải qua gần một thế kỷ, nhưng tác phẩm đầu tay của người thanh niên yêu nước cách mạng Nguyễn Tất Thành xuất hiện dưới bút danh Nguyễn Ái Quốc – “Bản yêu sách tám điểm” nguyên văn bằng tiếng Pháp, được Bác dịch thành áng thơ lục bát tài tình "Việt Nam yêu cầu ca” sẽ còn được lưu giữ và trường tồn mãi mãi./.
Thuỳ Dương