I- Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm
1. Vào giữa thế kỷ XIX, nước Nga Sa hoàng mới bước vào con đường phát triển chủ nghĩa tư bản, vậy là có chậm hơn so với các nước Tây Âu. Nhưng đến năm 1861 khi bãi bỏ chế độ nông nô thì chủ nghĩa tư bản ở Nga phát triển nhanh chóng. Cùng với sự phát triển chủ nghĩa tư bản ở Nga, giai cấp công nhân Nga cũng phát triển, trong 25 năm (1865 - 1890) chỉ tính trong các xí nghiệp đại công nghiệp, số lượng công nhân tăng lên nhanh chóng, từ 7 vạn tăng lên gần một triệu rưỡi. Sang đầu thế kỷ XX, số lượng công nhân tăng lên gần 3 triệu.
Chủ nghĩa tư bản phát triển, chế độ nông nô bị bãi bỏ, nhưng công nhân và nông dân Nga vẫn phải sống dưới ách thống trị tàn bạo của chế độ Nga hoàng. Công nhân và nông dân, không được hưởng một chút quyền tự do chính trị nào cả.
Từ những năm 70 và nhất là từ những năm 80 của thế kỷ XIX, công nhân Nga bắt đầu thức tỉnh và đấu tranh chống bọn tư bản. Lúc đầu công nhân đấu tranh đập phá máy móc, cửa kính trong xưởng, phá hoại phòng làm việc và các cửa hàng của chủ. Nhưng dần dần những người công nhân tiên tiến hiểu được rằng, muốn đấu tranh chống tư bản thắng lợi, công nhân phải có tổ chức và thông qua tổ chức. Do đó các tổ chức đầu tiên của giai cấp công nhân Nga xuất hiện:
- Năm 1875: Hội liên hiệp công nhân miền Nam Nga thành lập ở Ôđétxa.
- Năm 1878: Hội liên hiệp công nhân miền Bắc Nga thành lập ở Pêtécbua.
Hai tổ chức đầu tiên này của giai cấp công nhân Nga bị Sa hoàng phá tan, nhưng phong trào công nhân ngày càng phát triển, các cuộc bãi công ngày càng tăng lên trong 5 năm (1881 - 1886) có tới 48 cuộc bãi công, số công nhân tham gia có tới 8 vạn người. Tuy bị Sa hoàng đàn áp dã man, nhưng phong trào công nhân ngày càng lên cao.
Nhờ cao trào công nhân trong nước đã chịu ảnh hưởng của phong trào công nhân Tây Âu, các tổ chức mácxít đầu tiên được thành lập ở Nga. Nhóm mácxít Nga đầu tiên ra đời năm 1883 gọi là Nhóm giải phóng lao động tổ chức ở Giơnevơ (Thụy Sĩ) do Plêkhanốp lãnh đạo. Nhóm giải phóng lao động đã cố gắng và có nhiều hình thức để truyền chủ nghĩa Mác vào nước Nga.
Khi Nhóm giải phóng lao động đấu tranh tuyên truyền chủ nghĩa Mác vào nước Nga thì phong trào dân chủ xã hội chưa xuất hiện ở nước Nga. Việc cần thiết trước mắt là phải dọn đường cho phong trào ấy về mặt lý luận, tư tưởng. Nhưng về mặt tư tưởng, khi truyền bá chủ nghĩa Mác vào nước Nga, nhóm này vấp phải trở ngại chính, đó là quan điểm tư tưởng của phái dân túy đang chiếm ưu thế trong công nhân tiên tiến và tầng lớp trí thức có tinh thần cách mạng. Phái dân túy cho rằng, lực lượng cách mạng chính là nông dân. Theo họ, có thể lật đổ Nga hoàng bằng các cuộc bạo động của nông dân. Phái dân túy không hiểu được giai cấp công nhân là lực lượng cơ bản của cách mạng. Họ còn chủ trương ám sát cá nhân, phủ nhận vai trò của quần chúng nên không hoạt động cách mạng trong quần chúng công nhân và nông dân.
Với quan điểm và phương pháp hoạt động như thế, phái dân túy đã làm cho quần chúng lao động lạc hướng, xao nhãng cuộc đấu tranh chống lại giai cấp áp bức bóc lột, lật đổ nền thống trị về chính trị của nó. Họ làm cho giai cấp công nhân không nhận rõ được vai trò của mình, kìm hãm việc thành lập một chính đảng độc lập của giai cấp công nhân.
Vì vậy, muốn truyền bá chủ nghĩa Mác vào nước Nga thì phải đấu tranh chống chủ nghĩa dân túy. Những tác phẩm và cuộc đấu tranh của Nhóm giải phóng lao động đã làm giảm ảnh hưởng tư tưởng dân túy trong giai cấp công nhân và trí thức cách mạng, nhưng họ không đánh bại hoàn toàn được phái dân túy vì họ phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng. Trong bản cương lĩnh đầu tiên của Nhóm giải phóng lao động vẫn còn ảnh hưởng tư tưởng của phái dân túy. Plêkhanốp không đả động đến vai trò giai cấp nông dân trong cách mạng, mà còn cho rằng, giai cấp tư sản tự do Nga, là một lực lượng có thể ủng hộ cách mạng, mặc dù, sự ủng hộ đó không vững chắc. Hơn nữa, Nhóm giải phóng lao động cũng như các tổ chức mácxít khác chưa hề liên hệ với phong trào công nhân. Do đó, họ mới thành lập được Đảng dân chủ xã hội Nga trên lý thuyết, chưa kết hợp chủ nghĩa xã hội khoa học với phong trào công nhân.
2. Phong trào công nhân tự phát ngày càng phát triển mạnh ở Nga, đồng thời cũng đề ra yêu cầu phải kết hợp chủ nghĩa xã hội khoa học với phong trào công nhân. Lần đầu tiên ở Nga, Lênin đã thực hiện sự kết hợp đó. Năm 1895, Lênin hợp nhất các tổ chức của công nhân ở Pêtécbua thành Hội liên hiệp chiến đấu giải phóng giai cấp công nhân Pêtécbua. Tổ chức đó là mầm mống trọng yếu, tổ chức tiền thân của một đảng cách mạng dựa vào phong trào công nhân.
Nhưng không được bao lâu, Hội bị chính quyền Nga hoàng khủng bố, Lênin và các bạn chiến đấu của Người bị bắt. Khi Lênin bị bắt, thì trong thành phần của ban lãnh đạo Hội liên hiệp chiến đấu giải phóng giai cấp công nhân ở Pêtécbua có sự thay đổi lớn, một số nhân vật tự nhận là “thanh niên” còn Lênin và các bạn chiến đấu của Người là “già”. Họ chủ trương: công nhân chỉ nên đấu tranh về kinh tế chống lại bọn chủ, còn đấu tranh chính trị là công việc của giai cấp tư sản tự do và quyền lãnh đạo cuộc đấu tranh chính trị nên để cho giai cấp tư sản tự do. Đó là phái “kinh tế”, bao gồm bọn cơ hội, thỏa hiệp đầu tiên trong hàng ngũ các tổ chức Mácxít ở Nga. Lênin coi luận điệu tuyên truyền của phái “kinh tế” là phản lại chủ nghĩa Mác; là phủ nhận sự cần thiết phải thành lập một chính đảng độc lập của giai cấp công nhân; là mưu mô muốn biến giai cấp công nhân thành vật phụ thuộc về chính trị của giai cấp tư sản. Lênin cho rằng, phái “kinh tế” là trung tâm của chính sách thỏa hiệp và chủ nghĩa cơ hội; rằng, trong phong trào công nhân, nếu phái ấy thắng tức là phong trào cách mạng tan rã và chủ nghĩa Mác thất bại. Do đó, muốn thành lập được chính đảng của giai cấp vô sản phải đánh bại phái “kinh tế”.
3. Năm 1898, Đại hội lần thứ nhất của Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga tuyên bố thành lập Đảng. Đại hội không thông qua được cương lĩnh và điều lệ, Ban Chấp hành Trung ương do Đại hội bầu ra đều bị bắt. Sau Đại hội, sự dao động về tư tưởng, phân tán về tổ chức của Đảng càng biểu hiện rõ rệt. Phong trào công nhân ngày càng phát triển vững mạnh, tình thế cấp bách của cách mạng yêu cầu phải thành lập một đảng cách mạng tập trung thống nhất của giai cấp công nhân, có đủ khả năng lãnh đạo được phong trào cách mạng. Việc thành lập một đảng tập trung thống nhất của giai cấp công nhân lúc đó gặp rất nhiều khó khăn:
- Chính quyền Sa hoàng đàn áp dã man phong trào cách mạng. Chúng dùng mọi thủ đoạn bỏ tù, cho đi đầy các cán bộ ưu tú của Đảng.
- Một số lớn các Ban chấp hành của địa phương và cán bộ địa phương quen làm việc trong tình trạng lộn xộn về tư tưởng, phân tán về tổ chức nên không thấy được sự cần thiết cấp bách của một Đảng thống nhất tập trung.
- Trong Đảng lúc đó có một nhóm có cơ quan ngôn luận riêng (như: báo Tư tưởng công nhân và báo Sự nghiệp công nhân) đòi bào chữa về mặt lý luận cho sự dao động về tư tưởng, phân tán về tổ chức, họ phản đối việc thành lập một chính đảng cách mạng tập trung thống nhất. Nhóm đó chính là phái “kinh tế” trong Đảng dân chủ - xã hội Nga. Thực chất khuynh hướng của phái “kinh tế” Nga lúc đó là phủ nhận vai trò của lý luận cách mạng tức là vai trò của chủ nghĩa xã hội khoa học; sùng bái tính tự phát của phong trào công nhân; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với phong trào công nhân; phủ định cách mạng vô sản và chuyên chính vô sản.
Theo Lênin, muốn thành lập một chính đảng cách mạng tập trung thống nhất, trước hết, phải đánh bại các quan điểm tư tưởng cơ hội của phái “kinh tế” biểu hiện chủ nghĩa cơ hội Béstanh ở Nga.
Nhằm mục đích chống lại và đánh bại khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa đó của phái “kinh tế” ở Nga đồng thời cũng để chống chủ nghĩa cơ hội quốc tế, đặt cơ sở tư tưởng cho việc thành lập một chính đảng tập trung thống nhất của giai cấp công nhân, Lênin đã tập hợp các bài viết trong báo “Tia lửa” với nhan đề “Bắt đầu từ đâu” thành tác phẩm “Làm gì?” Lênin bắt đầu viết tác phẩm đó từ tháng 5 năm 1901 và xuất bản tháng 2 năm 1902.
II- Nội dung tác phẩm
Chương thứ nhất
Chủ nghĩa giáo điều và tự do phê bình
1. Khẩu hiệu “Tự do phê bình” là hình thái mở của chủ nghĩa cơ hội quốc tế
Sự phát triển của xu hướng cơ hội chủ nghĩa ở những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trong phong trào công nhân là sự phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản. Xu hướng ấy phát triển đặc biệt nhanh chóng trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi chủ nghĩa tư bản chuyển thành chủ nghĩa đế quốc.
Trước đây, khi ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác chưa rộng lớn thì những người cơ hội chủ nghĩa đứng ngoài hàng ngũ của những người mácxít để chống lại chủ nghĩa Mác. Nhưng đến nửa thứ hai thế kỷ XIX, chủ nghĩa Mác đã trở thành một trào lưu tư tưởng tiến bộ nhất của loài người đã thu được thắng lợi hoàn toàn và ngày càng mở rộng ảnh hưởng trong phong trào công nhân: Sự thắng lợi của chủ nghĩa Mác đã buộc kẻ thù của chủ nghĩa Mác phải đội lốt những người Mácxít để chống lại chủ nghĩa Mác. Vì vậy, thời kỳ này, khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa xuất hiện ngay trong hàng ngũ những người Mácxít. Bọn cơ hội lúc này không dám công khai phủ nhận chủ nghĩa Mác nữa, nhưng chúng lại tiến hành việc xuyên tạc chủ nghĩa Mác, vứt bỏ linh hồn của chủ nghĩa Mác, nhằm phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản.
Cuộc đấu tranh giữa khuynh hướng Mácxít và cơ hội chủ nghĩa trong phong trào xã hội dân chủ quốc tế “có lúc bừng lên sáng rực như một ngọn lửa chói lòa, có lúc lại dịu xuống âm ỉ dưới đống tro tàn của nghị quyết ngừng chiến trang nghiêm”.
Các luận điệu phê phán chủ nghĩa Mác là “giáo điều”, “cũ kỹ” chỉ là một hình thức mới của chủ nghĩa cơ hội quốc tế. Trong các đảng dân chủ - xã hội Tây Âu, trào lưu cơ hội chủ nghĩa ngày càng được củng cố và hành động dưới chiêu bài “tự do phê bình” Mác và đòi hỏi “xét lại” học thuyết của Mác.
Sau khi Ăngghen mất (1895), bọn cơ hội chủ nghĩa đứng đầu là Béstanh đã chủ trương biến Đảng dân chủ cách mạng thành Đảng dân chủ cải lương, chủ trương thi hành cải cách xã hội. Béstanh phủ nhận khả năng có thể đem lại cho chủ nghĩa xã hội cơ sở khoa học, phủ nhận tình trạng bần cùng ngày càng tăng nhanh sự vô sản hóa và những mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản ngày càng trầm trọng. Béstanh còn tuyên bố rằng, ngay cả các quan hệ về mục đích cuối cùng cũng không vững chắc gì cả và kiên quyết bác bỏ ý niệm về chuyên chính vô sản; phủ nhận sự đối lập về nguyên tắc không thể điều hòa giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa xã hội; phủ nhận thuyết đấu tranh giai cấp; phủ nhận chuyên chính vô sản.
Những quan điểm cơ hội chủ nghĩa đó của chủ nghĩa xét lại Béstanh chẳng những chỉ là “chủ nghĩa Béstanh lý luận” mà đã được Milơrăng ở Pháp biến thành “chủ nghĩa Béstanh thực tiễn”. Khuynh hướng mới “Tự do phê bình” là khuynh hướng phê bình theo lối tư sản tất cả những tư tưởng cơ bản của chủ nghĩa Mác. Đó là thứ tự do của khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa trong Đảng dân chủ - xã hội; thứ tự do đem lại hệ tư tưởng vô sản vào thống trị phong trào công nhân; biến Đảng dân chủ - xã hội cách mạng thành Đảng dân chủ - xã hội cải lương. Đó là thực chất của các khuynh hướng “mới” trong phong trào dân chủ xã hội quốc tế lúc bấy giờ.
2. Chủ nghĩa cơ hội xét lại Bécstanh phát triển nhanh chóng vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX không phải là ngẫu nhiên mà có nguồn gốc kinh tế, nguồn gốc lịch sử và xã hội của nó
- Nguồn gốc kinh tế, là sự mua chuộc tầng lớp trên trong giai cấp công nhân bằng hình thức siêu lợi nhuận thuộc địa.
- Nguồn gốc lịch sử là thời kỳ chủ nghĩa tư bản phát triển tương đối hòa bình, các hình thức đấu tranh nghị trường được sử dụng rộng rãi.
- Nguồn gốc xã hội là sự tham gia đông đảo của các phần tử tiểu tư sản trí thức vào Đảng dân chủ - xã hội khi chủ nghĩa Mác đã trở thành một cái mốt rất hấp dẫn đối với tầng lớp thanh niên tiểu tư sản trí thức.
3. Lênin trình bày rõ vai trò, tầm quan trọng của lý luận cách mạng là vạch trần thái độ khinh thường lý luận của phái “kinh tế” ở Nga
Lênin phân tích lý do vì sao lý luận cách mạng lại có tầm quan trọng lớn đối với Đảng dân chủ - xã hội Nga và trình bày những tư tưởng của Mác-Ăngghen nói về vai trò của lý luận:
“Nếu thực sự cần phải liên hợp thì cứ ký kết những thỏa hiệp nhằm đạt những mục tiêu thực tiễn của phong trào, nhưng chớ có buôn bán nguyên tắc, chớ có “nhân nhượng” về lý luận”. Tư tưởng của Mác là như thế, ấy vậy mà trong chúng ta đã có những người đã nhân danh Mác mà tìm cách làm giảm ý nghĩa quan trọng của lý luận.
Lênin đã dẫn chứng những lời nhận xét của Ăngghen năm 1874 về tầm quan trọng của lý luận trong phong trào dân chủ - xã hội. Ăngghen khẳng định rằng, cuộc đấu tranh vĩ đại của Đảng dân chủ - không phải chỉ có hai hình thức chính trị và kinh tế mà có ba hình thức. Ăngghen đặt cuộc đấu tranh lý luận ngang với cuộc đấu tranh chính trị và kinh tế vấn đề lý luận ngày càng quan trọng đối với những người lãnh đạo.
Lênin khẳng định “không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng”, “chỉ đảng nào có được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong”.
Theo Lênin: “Nhiệm vụ của họ là phải học tập, ngày càng nhiều hơn, tất cả các vấn đề lý luận; phải tự giải thoát, ngày càng nhiều hơn, khỏi ảnh hưởng của những câu cổ truyền của thế giới quan cũ, và không bao giờ được quên rằng chủ nghĩa xã hội, từ khi đã trở thành một khoa học, còn phải được coi là một khoa học, nghĩa là phải được nghiên cứu”.
Chương thứ hai
Tính tự phát của quần chúng và tính tự giác của đảng dân chủ - xã hội
Vào giữa những năm 90 của thế kỷ XIX, phong trào công nhân Nga chủ yếu là công nhân công nghiệp đã phát triển rộng rãi và mạnh mẽ.
Sự phát triển sâu rộng đó của phong trào công nhân đòi hỏi phải có đảng lãnh đạo, nhưng lúc đó lại chưa có đảng. Trong Đảng dân chủ - xã hội Nga xuất hiện khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa của phái “kinh tế” sùng bái tính tự phát của phong trào công nhân. Họ cả quyết rằng, hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa có thể phát sinh từ phong trào tự phát của giai cấp công nhân. Những quan điểm đó của phái “kinh tế” dẫn đến thủ tiêu vai trò của tính tự giác; thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng đối với phong trào công nhân; đánh lạc hướng giai cấp công nhân khỏi con đường đấu tranh chính trị; hạn chế phong trào công nhân trong đấu tranh kinh tế cải thiện đời sống theo lối của công đoàn chủ nghĩa, chứ không phải hướng cuộc đấu tranh của công nhân đi lên đấu tranh thủ tiêu cả chế độ tư bản chủ nghĩa. Lênin đã phê phán những quan điểm cơ hội chủ nghĩa đó của khuynh hướng “mới”. Lênin chỉ rõ mối quan hệ giữa chủ nghĩa xã hội với phong trào công nhân; khẳng định Đảng là người đưa yếu tố tự giác vào phong trào công nhân; là người kết hợp chủ nghĩa xã hội với phong trào công nhân. Lênin đã phân tích và nêu bật mối quan hệ giữa tính tự phát và tính tự giác trong phong trào công nhân. Sùng bái tính tự phát của phong trào công nhân là hướng mọi việc đi đến thủ tiêu Đảng, làm cho giai cấp công nhân không có Đảng, là tước đi khí giới của giai cấp công nhân.
Phái “kinh tế” đã lừa dối giai cấp công nhân khi chúng nói rằng: Hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa có thể phát sinh từ trong phong trào tự phát của giai cấp công nhân. Thật ra, hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa không phải phát sinh từ phong trào tự phát mà từ khoa học. Không chịu thừa nhận quan điểm đó tức là vạch đường cho hệ tư tưởng tư sản thâm nhập vào phong trào công nhân, là thủ tiêu việc kết hợp chủ nghĩa xã hội khoa học với phong trào công nhân, tức là thủ tiêu Đảng, là phản bội lại giai cấp công nhân.
Lênin đã so sánh các cuộc bãi công của công nhân Nga vào khoảng giữa những năm 90 với những cuộc bãi công vào những năm 60, 70 là những cuộc bãi công kèm theo “tự phát” phá hoại máy móc. Lênin chỉ rõ rằng, so với những cuộc bãi công có kèm theo “tự phát” phá hoại máy móc vào những năm 70 thì những cuộc bãi công vào giữa những năm 90 có thể gọi là tự giác được. Nhưng những cuộc bãi công vào giữa những năm 90 cũng mới là những cuộc đấu tranh công đoàn chủ nghĩa, chứ chưa phải là những cuộc đấu tranh dân chủ - xã hội được. Những cuộc đấu tranh đó chứng tỏ công nhân đã cảm thấy sự đối kháng giữa thợ và chủ, nhưng công nhân không có và không thể có ý thức về sự đối lập không có gì điều hoà được giữa quyền lợi của họ với toàn bộ nền trật tự chính trị và xã hội tồn tại tức là ý thức dân chủ - xã hội.
Từ thực tiễn của phong trào công nhân Nga và lịch sử các nước, Lênin đã đi đến kết luận là: “Công nhân trước đây không thể có ý thức dân chủ - xã hội được. Ý thức này chỉ có thể là từ bên ngoài đưa vào. Lịch sử tất cả các nước chứng thực rằng chỉ do lực lượng của độc bản thân mình thôi thì giai cấp công nhân chỉ có thể đi đến ý thức công liên chủ nghĩa, tức là đi đến chỗ tin rằng phải đoàn kết lại thành hội liên hiệp, phải đấu tranh chống bọn chủ, phải đòi hỏi chính phủ ban hành những luật này hay luật khác cần thiết cho công nhân… Còn học thuyết xã hội chủ nghĩa thì phát sinh ra từ các lý luận triết học, lịch sử, kinh tế, do những người có học thức trong các giai cấp hữu sản, những trí thức xây dựng nên”.
Lênin đã phê phán quan điểm của phái “kinh tế” khi họ đánh giá quá cao hệ tư tưởng và đánh giá quá đáng vai trò yếu tố tự phát. Tức là phong trào công nhân thuần túy tự nó có khả năng tạo ra và sẽ tạo ra cho nó một hệ tư tưởng độc lập, chỉ cần là công nhân, giành được vận mệnh của mình trong tay những người lãnh đạo”. Lênin cho đó là một sai lầm nghiêm trọng của phái “kinh tế”.
Theo Lênin: “Mọi sự sùng bái tính tự phát là phong trào công nhân, coi nhẹ vai trò của “yếu tố tự giác”, coi nhẹ vai trò của Đảng dân chủ - xã hội thì đều có nghĩa là “dù người ta muốn hay không muốn - là tăng cường ảnh hưởng của hệ tư tưởng tư sản đối với công nhân””.
Lênin cũng vạch ra rằng: chủ nghĩa xã hội và đấu tranh giai cấp có một nguồn gốc chung trong những quan hệ kinh tế của chủ nghĩa tư bản; trong cuộc đấu tranh chống lại sự nghèo khổ và lầm than của quần chúng do chủ nghĩa tư bản gây nên. Nhưng chủ nghĩa xã hội và cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân xuất hiện từ những tiền đề khác nhau. Giác ngộ chủ nghĩa xã hội ngày nay chỉ có thể dựa trên cơ sở sự hiểu biết khoa học sâu sắc. Bản thân giai cấp công nhân không thể tạo ra khoa học kinh tế và kỹ thuật hiện đại. Người nắm được khoa học lại không phải là giai cấp công nhân, mà là những trí thức tư sản. Chính chủ nghĩa xã hội hiện đại đã sinh ra trong đầu óc của một vài người thuộc tầng lớp đó và chính nhờ họ mà chủ nghĩa xã hội đã tuyên truyền đến những người vô sản tiên tiến nhất về mặt tri thức, những người vô sản này sau đó đưa chủ nghĩa xã hội vào cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản ở những nơi mà điều kiện cho phép. Như vậy, ý thức xã hội chủ nghĩa là một yếu tố từ bên ngoài đưa vào cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản, chứ không phải là một cái gì xuất hiện một cách tự phát từ cuộc đấu tranh đó . (Lập luận này Lênin trích lại lời của Causki về Dự thảo cương lĩnh của Đảng dân chủ - xã hội mà Lênin cho là đúng và có ý nghĩa).
Từ sự phân tích trên, Lênin khẳng định: “Đã không thể có một hệ tư tưởng độc lập, do chính ngay quần chúng công nhân xây dựng nên trong quá trình phong trào của họ, thì vấn đề đặt ra chỉ là như thế này: hệ tư tưởng tư sản hoặc hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Không có hệ tư tưởng trung gian (vì nhân loại không tạo ra một hệ tư tưởng “thứ ba” nào cả...). Vì vậy, mọi sự coi nhẹ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa, mọi sự xa rời hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa đều có nghĩa là tăng cường hệ tư tưởng tư sản”.
Trong phần cuối chương này, Lênin vạch rõ sai lầm cơ bản của “khuynh hướng mới” trong Đảng dân chủ - xã hội Nga là sùng bái tính tự phát. “Khuynh hướng mới” đã lừa dối giai cấp công nhân, đánh lạc hướng giai cấp công nhân dẫn đến thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng - yếu tố mà không có nó thì giai cấp công nhân không thể làm cách mạng vô sản, không thực hiện được chuyên chính vô sản.
Đảng mácxít là người đại biểu cho tính tự giác của công nhân, là người đem yếu tố tự giác vào phong trào công nhân bằng cách kết hợp chủ nghĩa xã hội khoa học với phong trào công nhân.
Những người theo “khuynh hướng mới” cơ hội chủ nghĩa trong Đảng dân chủ - xã hội không hiểu được rằng: “Tính tự phát của quần chúng đòi hòi ở chúng ta, những người dân chủ - xã hội phải biểu hiện một tính tự giác cao. Cao trào tự phát của quần chúng càng tăng lên và phong trào càng mở rộng, thể hiện sự cần thiết có một ý thức cao trong công tác lý luận, chính trị và tổ chức của Đảng dân chủ - xã hội, càng phải tăng lên vô cùng nhanh chóng hơn”.
Chương thứ ba
Chính trị công liên chủ nghĩa và chính trị dân chủ - xã hội
Sùng bái tính tự phát của phong trào công nhân đã đẩy phái “kinh tế” không những đến chỗ hạ thấp lý luận cách mạng mà còn hạ thấp cả nhiệm vụ chính trị của Đảng và của giai cấp công nhân. Phái “kinh tế” hạn chế nhiệm vụ của phong trào công nhân trong cuộc đấu tranh kinh tế có tính chất nghề nghiệp chống lại bọn chủ và chính phủ để cải thiện điều kiện lao động trong khuôn khổ xã hội tư bản. Họ nêu ra khẩu hiệu: “Đem lại cho chính cuộc đấu tranh kinh tế một tính chất chính trị!”, thực chất là che giấu khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa của họ nhằm hạ thấp chính trị xã hội chủ nghĩa xuống trình độ chính trị công liên chủ nghĩa. Vì nhiệm vụ chính trị của họ đã đề ra đó không phải là lật đổ chế độ chuyên chế để đấu tranh đòi những cải cách dân chủ.
Trong chương này, Lênin phê phán khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa của phái “kinh tế” trong vấn đề cương lĩnh và sách lược, phê phán sùng bái tính tự phát của phái “kinh tế”. Điều đó được biểu hiện trong việc hạ thấp nhiệm vụ chính trị của Đảng, của giai cấp công nhân như thế nào? Vạch rõ sự khác nhau căn bản giữa chính trị công liên chủ nghĩa và chính trị dân chủ - xã hội, từ đó chỉ ra vai trò của Đảng dân chủ - xã hội trong việc giáo dục tổ chức và lãnh đạo giai cấp công nhân thực hiện nhiệm vụ chính trị dân chủ - xã hội là phải lật đổ chế độ chuyên chế, thủ tiêu chủ nghĩa tư bản, thực hiện cách mạng vô sản và chuyên chính vô sản.
Lênin chỉ rõ: Cuộc đấu tranh về kinh tế của công nhân chống lại bọn chủ và Chính phủ chỉ là một cuộc đấu tranh theo lối công đoàn chủ nghĩa, là chỉ cốt để cải thiện điều kiện bán sức lao động của họ cho bọn tư bản mà thôi. Còn lợi ích của giai cấp công nhân, nhiệm vụ chính trị của giai cấp công nhân là không những đấu tranh để đòi cải thiện đời sống mà còn là để thủ tiêu chủ nghĩa tư bản.
Muốn nâng cao được tính tích cực cách mạng của công nhân, Đảng dân chủ - xã hội không chỉ dừng lại không thể tự bó mình vào một việc “cổ động chính trị về mặt kinh tế” như phái “kinh tế” nêu lên là còn phải tổ chức những phát hiện chính trị trên mọi lĩnh vực.
Ý thức giai cấp của giai cấp công nhân không thể là một ý thức chính trị chân chính, khi công nhân không quen chống lại mọi sự quá lạm, mọi biểu hiện độc đoán, áp bức tàn bạo mặc dù giai cấp nào là nạn nhân chăng nữa - và chống lại theo quan điểm dân chủ - xã hội, không phải theo quan điểm nào khác.
Nhiệm vụ của những nhà chính luận xã hội dân chủ là đi sâu mở rộng và tăng cường những phát hiện chính trị và cổ động chính trị. Lênin đã vạch rõ: ý thức chính trị vì giai cấp chỉ có thể đem lại từ bên ngoài vào cho người công nhân, nghĩa là từ bên ngoài cuộc đấu tranh kinh tế, từ bên ngoài phạm vi quan hệ giữa thợ và chủ. Người ta chỉ có thể tìm được nhận thức ấy trong lĩnh vực duy nhất là lĩnh vực những mối quan hệ giữa tất cả các giai cấp, các tầng lớp nhân dân với nhà nước và chính phủ, lĩnh vực những mối quan hệ giữa tất cả các giai cấp với nhau.
Lênin cũng chỉ rõ rằng: Người dân chủ - xã hội không nên lấy người thư ký hội công liên làm lý tưởng, tức là người chỉ biết tiến hành và giúp đỡ tiến hành cuộc đấu tranh kinh tế chống bọn chủ và chính phủ mà người dân chủ - xã hội, người chiến sĩ tiên phong của giai cấp công nhân phải là người đại biểu cho nhân dân, biết chống lại mọi biểu hiện độc đoán, áp bức, để giải phóng thực sự cho giai cấp công nhân. Đảng dân chủ - xã hội phải giáo dục chính trị cho giai cấp công nhân, tổ chức và lãnh đạo giai cấp công nhân đấu tranh chính trị, nhằm lật đổ chế độ chuyên chế, thủ tiêu chủ nghĩa tư bản; còn “mọi sự sùng bái tính tự phát của phong trào quần chúng, mọi sự hạ thấp chính trị dân chủ - xã hội xuống ngang với chính trị công liên chủ nghĩa, (nếu chính là sự chuẩn bị cơ sở để biến phong trào công nhân thành công cụ của phái dân chủ tư sản. Phong trào công nhân tự phát, tự nó, chỉ có thể sản sinh ra (và tất nhiên chỉ sản sinh ra) chủ nghĩa công liên mà thôi; mà chính trị công liên chủ nghĩa của giai cấp công nhân chính là chính trị tư sản của giai cấp công nhân”.
Người dân chủ - xã hội phải lợi dụng những tia sáng giác ngộ chính trị mà cuộc đấu tranh kinh tế đã chiếu rọi vào công nhân để nâng cao công nhân đến mức giác ngộ chính trị dân chủ - xã hội.
Tuyên truyền tư tưởng thù địch của giai cấp công nhân đối với chế độ quân chủ chuyên chế, tư tưởng đối lập quyền lợi của công nhân với quyền lợi của chủ chưa phải là đủ mà còn cần phải tố cáo tất cả mọi hình thức của ách chuyên chế cảnh sát thể hiện ra trong mọi lĩnh vực của đời sống và hoạt động, trong hoạt động nghề nghiệp cũng như trong hoạt động của người công nhân nói chung, hoạt động cá nhân, gia đình, tôn giáo, khoa học... như thế mới là giác ngộ chính trị dân chủ - xã hội cho công nhân.
Chương thứ tư
Lối làm việc thủ công nghiệp của phái “kinh tế” - và tổ chức của những người cách mạng
Chủ nghĩa cơ hội của phái “kinh tế’ biểu hiện trong nhiệm vụ chính trị ở chỗ là đã hạ thấp nhiệm vụ chính trị dân chủ - xã hội xuống thành nhiệm vụ chính trị công liên chủ nghĩa. Ngoài ra, họ còn hạ thấp nhiệm vụ tổ chức, bào chữa cho tính chất thủ công, chủ nghĩa thực tiễn nhỏ nhặt và tính chất rời rạc của các tổ chức địa phương, thu hẹp quy mô tổ chức của giai cấp công nhân. Phái “kinh tế” muốn duy trì mãi tình trạng rời rạc, phân tán về mặt tổ chức của Đảng, và như vậy, tức là thủ tiêu Đảng.
Trong chương này, Lênin giành một phần quan trọng để phê phán những quan điểm cơ hội chủ nghĩa của phái “kinh tế” về mặt tổ chức và chỉ rõ cho những người dân chủ - xã hội của giai cấp công nhân là phải có một tổ chức đảng thống nhất, tập trung của giai cấp công nhân thì mới hoàn thành được nhiệm vụ chính trị lịch sử của giai cấp công nhân.
Lê nin chỉ rõ: Phái “kinh tế” bênh vực cho lối làm việc thủ công nghiệp là cản trở việc thành lập một tổ chức của những người cách mạng. Nguồn gốc của khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa về mặt tổ chức cũng bắt ngồn từ chỗ sùng bái tính tự phát. Lối làm việc thủ công nghiệp gắn liền với chủ nghĩa kinh tế. Do đó, muốn thanh toán được chủ nghĩa kinh tế nói chung (tức là thanh toán được quan niệm hẹp hòi về lý luận của chủ nghĩa Mác, về vai trò của Đảng dân chủ - xã hội với những nhiệm vụ chính trị của Đảng) thì phải dẹp cả sự hẹp hòi của chúng ta trong công tác tổ chức. Nguồn gốc chung của sự bất đồng ý kiến giữa phái “kinh tế” và những người dân chủ - xã hội cách mạng là ở chỗ “những người kinh tế chủ nghĩa luôn đi chệch ra ngoài dân chủ - xã hội và hướng về chủ nghĩa công liên trong các nhiệm vụ tổ chức cũng như các nhiệm vụ chính trị”.
Cuộc đấu tranh của Đảng dân chủ - xã hội rộng lớn và phức tạp hơn nhiều so với cuộc đấu tranh kinh tế của công nhân chống bọn chủ và chính phủ. Do đó, tổ chức của những người cách mạng phải khác tổ chức của công nhân, chứ không phải là tổ chức công nhân có thể thay thế cho tổ chức những người cách mạng. Tổ chức của những người cách mạng phải bao gồm trước hết và chủ yếu những người lấy hoạt động cách mạng làm chuyên nghiệp, “còn tổ chức của công nhân thì trước hết phải có tính chất nghề nghiệp phải hết sức rộng và càng có ít tính chất bí mật càng tốt”.
Lênin khẳng định rằng: Nếu không có một tổ chức của những người cách mạng như vậy thì không thể có phong trào cách mạng vững chắc được. Tổ chức của những người cách mạng có tính chất quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Lênin nói: “Hãy cho chúng tôi một tổ chức những người cách mạng và chúng tôi sẽ làm đảo ngược nước Nga lên!”.
Nhiệm vụ của những người dân chủ - xã hội là phải chú ý đến việc nâng cao trình độ công nhân lên trình độ những người cách mạng, chứ không phải tự hạ thấp xuống trình độ quần chúng công nhân như ý muốn của những người kinh tế chủ nghĩa.
Lênin đưa ra kết luận: “Cuộc đấu tranh tự phát của giai cấp vô sản sẽ không trở thành cuộc “đấu tranh giai cấp” thực sự của giai cấp vô sản, chừng nào nó chưa được một tổ chức mạnh mẽ gồm những người cách mạng lãnh đạo”. Tổ chức mạnh mẽ đó là tổ chức Đảng - một tổ chức thống nhất và tập trung của giai cấp vô sản - bao gồm trước hết và chủ yếu là những người lấy hoạt động cách mạng làm chuyên nghiệp. Chỉ với tổ chức như vậy mới khắc phục được tình trạng phân tán, tản mạn trong Đảng.
Chương thứ năm
Kế hoạch xây dựng một tờ báo chính trị của toàn nước Nga
Trong chương trình này, Lênin vạch ra kế hoạch xây dựng Đảng về mặt tổ chức, Lênin phát triển tư tưởng này trong các bài “Bắt đầu từ đâu?” đăng trên báo “Tia lửa” từ tháng 5-190l.
Trước tình trạng phân tán, tản mạn trong Đảng lúc đó thì việc xây dựng một Đảng cách mạng tập trung, thống nhất của giai cấp công nhân sẽ phải bắt đầu từ đâu là rất quan trọng.
Lênin nói: “Toàn bộ đời sống chính trị là một dây xích vô tận gồm một loạt mắt xích vô tận. Toàn bộ nghệ thuật của nhà chính trị chính là ở chỗ tìm ra cái mắt xích và bám thật chắc lấy nó, cái mắt xích mà người ta khó mà làm cho rời khỏi tay mình được, cái mắt xích quan trọng nhất trong một thời gian nhất định và đảm bảo chắc chắn nhất cho người nắm mắt xích ấy làm chủ được toàn bộ dây xích”.
Thiên tài của Lênin về mặt tổ chức là lúc này thành lập được tờ báo chính trị cho toàn nước Nga. Nó là cái mắt xích quan trọng nhất để xây dựng một Đảng thống nhất tập trung của giai cấp công nhân. Do đó, Lênin đề ra kế hoạch xây dựng Đảng bắt đầu từ việc xây dựng một tờ báo chính trị chung cho toàn nước Nga.
Lênin đánh giá rất cao vị trí và tầm quan trọng của báo Đảng: “Tờ báo không phải chỉ là người tuyên truyền tập thể và người cổ động tập thể, mà lại còn là người tổ chức tập thể nữa”. Lênin cũng coi tờ báo chính trị cho toàn nước Nga “như những giàn dáo mà người ta dựng lên xung quanh một tòa nhà đang xây dựng, những giàn dáo ấy thể hiện rõ hình thù của tòa nhà, làm cho quan hệ giữa những người thợ xây được dễ dàng, giúp họ phân phối công việc cho nhau và nhìn bao quát được những kết quả chung đạt được bằng lao động có tổ chức”.
Theo Lênin, một tờ báo như thế không những là một phương tiện để đoàn kết Đảng về mặt tư tưởng mà còn là một phương tiện để thống nhất về mặt tổ chức các địa phương của Đảng.
Trong phần kết luận, Lênin tóm tắt về ba thời kỳ trong lịch sử Đảng dân chủ - xã hội Nga:
- Thời kỳ thứ nhất từ 1884 đến 1894:
Là thời kỳ phát sinh và củng cố lý luận về cương lĩnh xã hội. Phái dân chủ - xã hội lúc đó còn ít, nó tồn tại mà không có phong trào công nhân. Đó là thời kỳ phôi thai thành chính đảng.
- Thời kỳ thứ hai từ 1894 – 1898:
Phái dân chủ - xã hội ra đời và phát triển thành một phong trào xã hội thành cao trào của quần chúng nhân dân rồi thành một chính đảng. Đó là thời kỳ ấu trĩ và trưởng thành. Việc thành lập một chính đảng vào mùa thu năm 1898 là sự kiện nổi bật và đồng thời cũng là hành động cuối cùng của những người dân chủ - xã hội thời kỳ này.
- Thời kỳ thứ ba bắt đầu từ l898:
Đó là thời kỳ phân tán, tản mạn do tự phong trào công nhân ngày càng phát triển tràn lan khắp nước Nga, nhưng trình độ giác độ của những người lãnh đạo không theo kịp, không đáp ứng được sự rộng lớn và sức mạnh của cao trào tự phát. Họ lạc hậu không những về phương diện lý luận mà cả về phương diện thực tiễn (lối làm việc thủ công nghiệp).
Do đó, muốn kết thúc thời kỳ thứ ba này thì phải phê phán nghiêm khắc những sai lầm cơ hội chủ nghĩa của họ và cả hai phương diện lý luận cũng như thực tiễn. Có như vậy mới thành lập một Đảng tập trung thống nhất, một tổ chức cách mạng chiến đấu của giai cấp công nhân Nga.
III- Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của tác phẩm
1. Ý nghĩa lịch sử và thực tiễn của tác phẩm “Làm gì?” đối với việc thành lập, xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân Nga và giai cấp công nhân quốc tế là ở chỗ:
- Tác phẩm “Làm gì?” đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp các tổ chức địa phương xung quanh tờ báo “Tia lửa” để thực hiện kế hoạch của Lênin về xây dựng Đảng.
- Tác phẩm ra đời khi thế giới bước vào thời đại đế quốc chủ nghĩa và cách mạng vô sản, khi những khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa trong phong trào dân chủ - xã hội quốc tế còn mạnh, những lãnh tụ của Quốc tế II sau khi Ăngghen mất đã chuyển sang lập trường cơ hội chủ nghĩa. Với tác phẩm “Làm gì?”, Lênin đã bảo vệ học thuyết cách mạng của chủ nghĩa Mác, chống lại sự xuyên tạc của các thứ chủ nghĩa cơ hội.
- Tác phẩm “Làm gì?” đã đánh bại lý luận cơ hội chủ nghĩa của phái “kinh tế” ở Nga, một biến dạng của chủ nghĩa cơ hội Tây Âu. Lênin đã lý giải rất khoa học nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác: Đảng là sự kết hợp giữa chủ nghĩa xã hội khoa học với phong trào công nhân.
- Lênin đã phát triển những tư tưởng của Mác và Ăngghen và hoàn chỉnh học thuyết về đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, một học thuyết thống nhất, chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn. Học thuyết về đảng kiểu mới là một trong những cống hiến lớn lao của Lênin vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác. Học thuyết đó là nền tảng lý luận, là kim chỉ nam hành động cho đảng kiểu mới của giai cấp công nhân Nga và các Đảng Cộng sản các nước trên thế giới.
2. Vận dụng các nguyên lý của Lênin trong tác phẩm “Làm gì?” cùng các nguyên lý khác của học thuyết Mác - Lênin về đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, Đảng ta trở thành một đảng Mác - Lênin rất vững mạnh, một bộ phận kiên cường của phong trào cộng sản quốc tế.
Đảng ta từ khi thành lập đến nay luôn khẳng định và không ngừng nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố cơ bản quyết định mọi thắng lợi của cách mạng.
Để hoàn thành thắng lợi sự nghiệp đổi mới Đảng ta phải không ngừng đổi mới và chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa xét lại, phát triển và bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về mọi mặt. Chúng ta phải xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
3. Tác phẩm “Làm gì?” của Lênin mặc dù ra đời cách đây gần một thế kỷ nhưng những tư tưởng cơ bản về Đảng trong tác phẩm nổi tiếng nay vẫn còn ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với việc thành lập, xây dựng và củng cố các đảng Mác - Lênin chân chính.
Đối với những người cộng sản chúng ta, trước hết là cán bộ của Đảng, cán bộ nghiên cứu và làm công tác Đảng, việc nghiên cứu nắm vững tư tưởng của Lênin trong tác phẩm “Làm gì?” sẽ giúp chúng ta những cơ sở khoa học để quán triệt sâu sắc hơn nữa những quan điểm về xây dựng Đảng của Đảng ta, từ đó vận dụng vào thực tiễn công tác của mình; đồng thời, giúp chúng ta có cơ sở khoa học để phê phán những quan điểm cơ hội, xét lại trên lĩnh vực xây dựng Đảng hiện nay trong nước và trong phong trào cộng sản quốc tế.
Theo “Giới thiệu tác phẩm của C. Mác, Ph. Ăngghen, V.I Lênin, Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước”, nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999.