Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của đạo đức trong cách mạng xã hội chủ nghĩa và trong xây dựng đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh

Quan điểm của C. Mác và Ph. Ăngghen về vai trò của đạo đức trong tiến trình phát triển của xã hội và trong cách mạng xã hội chủ nghĩa

C. Mác và Ph. Ăngghen vừa là nhà khoa học, vừa là những chiến sĩ cách mạng kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Các ông nhận thấy những giá trị đạo đức của giai cấp vô sản dưới chủ nghĩa tư bản sẽ hình thành nên đạo đức của xã hội tương lai, đó là đạo đức cộng sản, một kiểu đạo đức mang tính nhân văn, nhân đạo nhất trong lịch sử phát triển của nhân loại.

Đứng vững trên lập trường duy vật và phương pháp biện chứng, C. Mác và Ph. Ăngghen đã kế thừa những hạt nhân hợp lý trong đạo đức tiến bộ của nhân loại và bổ sung, phát triển nhiều nội dung mới để tiến hành một cuộc cách mạng trong lịch sử tư tưởng về đạo đức. Trong “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”, C. Mác và Ph. Ăngghen chỉ rõ: Sự sản xuất ra đời sống tinh thần luôn biến đổi theo quá trình sản xuất vật chất; những tư tưởng thống trị của một thời đại bao giờ cũng chỉ là những tư tưởng của giai cấp thống trị. Trong các xã hội có đối kháng giai cấp, tư tưởng đạo đức thống trị chính là tư tưởng đạo đức của giai cấp thống trị. Tuy nhiên, cùng với sự vận động, phát triển của xã hội, địa vị chủ đạo của các giai cấp cũng luôn biến đổi. Theo đó, đạo đức xã hội không phải là cái bất biến, mà thường biến đổi theo tồn tại xã hội. C. Mác và Ph. Ăngghen còn chỉ rõ cơ sở hình thành đạo đức là nền tảng kinh tế - xã hội, gắn liền với quá trình giáo dục, rèn luyện đạo đức và hoạt động thực tiễn của con người. Nền tảng đó đóng vai trò to lớn đối với sự hình thành, phát triển của đạo đức mới - đạo đức cộng sản. Theo Ph. Ăngghen, “Nếu như lợi ích đúng đắn là nguyên tắc của toàn bộ đạo đức, thì do đó, cần ra sức làm cho lợi ích riêng của con người cá biệt phù hợp với lợi ích của toàn thể loài người”(1). Những giá trị tốt đẹp đó chỉ có thể được phát triển đầy đủ trong xã hội cộng sản chủ nghĩa.

Đặc biệt, C. Mác và Ph. Ăngghen nhận thấy vị trí, vai trò to lớn của đạo đức nói chung và đạo đức cộng sản trong tiến trình phát triển của xã hội. Trong nhiều tác phẩm kinh điển, các ông đã phân tích sâu sắc các luận đề: đạo đức phản ánh mối quan hệ giữa người và người; sự phong phú trong quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng xã hội tạo điều kiện để phát triển đời sống tinh thần - đạo đức của mỗi cá nhân; sự rèn luyện đạo đức trong lao động sản xuất có kỷ luật, kỹ thuật và tự giác. Trong giáo dục, rèn luyện nâng cao đạo đức, nhân cách của người cộng sản, C. Mác và Ph. Ăngghen đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề giáo dục, rèn luyện đạo đức cho thế hệ trẻ, bởi nó có ý nghĩa quyết định đến tương lai của mỗi dân tộc và của toàn nhân loại. Theo các ông, trong giáo dục nói chung cũng như giáo dục đạo đức, cần có sự kết hợp giữa 3 loại giáo dục: giáo dục trí óc, giáo dục thể dục và giáo dục kỹ thuật. Việc kết hợp giữa lao động sản xuất được trả công với các loại giáo dục trí óc, thể dục và kỹ thuật sẽ nhanh chóng nâng trình độ nói chung của giai cấp công nhân lên cao hơn trình độ nói chung của các giai cấp trong xã hội.

C. Mác và Ph. Ăngghen nhấn mạnh: Trong xã hội có giai cấp, đạo đức trước hết phản ánh và bảo vệ lợi ích, địa vị của giai cấp thống trị trong xã hội đó. Khi đạo đức đứng ra bảo vệ lợi ích của các giai cấp tiến bộ, cách mạng, thì đạo đức đó đóng vai trò thúc đẩy xã hội phát triển. Trong xã hội tư bản, chủ nghĩa cá nhân tư sản là nguyên tắc cơ bản của đạo đức tư sản. Trong buổi bình minh của xã hội tư bản, chủ nghĩa cá nhân tư sản đóng một vai trò tích cực. Dưới khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, bác ái” của cách mạng tư sản, động lực lợi ích của chủ nghĩa cá nhân tư sản đã chiến thắng những quan hệ đẳng cấp chật hẹp của chế độ phong kiến. Nhưng cũng chính sự phát triển phiến diện của chủ nghĩa tư bản đã đẩy chủ nghĩa cá nhân tư sản đến đỉnh điểm của nó. Ngoài mặt tích cực là thúc đẩy sản xuất phát triển, giai cấp tư sản đã để lại cho xã hội không ít những hậu quả tiêu cực: vấn đề công lý và nền đạo đức trong xã hội không được bảo đảm bình thường, con người trở nên ích kỷ, đạo lý trong xã hội ngày càng suy đồi. Sự bình đẳng chỉ mang tính chất hình thức chứ không được thực hiện trong thực tế cuộc sống. Sự che đậy mối quan hệ bóc lột của xã hội tư bản bằng những “hình mẫu đạo đức tất yếu” của giai cấp tư sản là hoàn toàn giả tạo. Vấn đề trách nhiệm đạo đức cá nhân biến thành sự bắt buộc từ bên ngoài, xa lạ với lợi ích, nguyện vọng của người lao động.

Theo C. Mác và Ph. Ăngghen, chủ nghĩa cá nhân cực đoan và quyền tự do bóc lột không giới hạn được hình thành và tồn tại trong xã hội tư bản đã dẫn đến tình trạng méo mó nhân cách, trạng thái tâm lý lạnh lẽo, xa lánh nhau trong quan hệ giữa người và người, thậm chí con người trở nên thù định nhau. Giai cấp tư sản đã làm cho giữa người và người không còn mối liên hệ nào khác ngoài quan hệ lợi - hại trắng trợn và sự giao dịch tiền bạc nhạt nhẽo, lối “trả tiền ngay không tình nghĩa”. Nó biến giá trị con người thành giá trị mua bán, đổi chác. Tất cả các hoạt động, cùng với trí tuệ và tình cảm, danh dự và lương tâm của con người đều trở thành đối tượng mua bán. Lòng tham không đáy chi phối trong mọi lĩnh vực hoạt động của giai cấp tư sản. Nhưng cũng trong lòng xã hội tư bản đã chứa đựng mầm mống của đạo đức tiến bộ, tiêu biểu cho lợi ích tương lai của những người bị áp bức, đó là đạo đức của giai cấp vô sản. Cuộc đấu tranh không ngừng giữa các kiểu đạo đức trong xã hội tư bản đã mở rộng các khả năng phát triển đạo đức trong tương lai của một xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Giai cấp vô sản là giai cấp bị áp bức cuối cùng trong lịch sử loài người. Đạo đức cộng sản là đạo đức tiến bộ nhất, bởi nó kế thừa và phát triển các giá trị tích cực của các kiểu đạo đức đã có của văn minh nhân loại. Đạo đức vô sản trở thành vũ khí sắc bén của quần chúng nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh xóa bỏ tàn tích của chế độ xã hội cũ, xây dựng cuộc sống mới, con người mới xã hội chủ nghĩa. Đó là biện chứng của sự phát triển đạo đức trong xã hội.

C. Mác và Ph. Ăngghen đã chỉ rõ vị trí, vai trò của đạo đức trong mối quan hệ với chính trị. Theo đó, từ khi xã hội có sự phân chia thành giai cấp, đạo đức chủ đạo trong xã hội luôn luôn là đạo đức của giai cấp thống trị xã hội. Đạo đức từ chỗ là sự biểu hiện những lợi ích cơ bản của mọi thành viên trong cộng đồng xã hội đã trở thành đại biểu cho lợi ích giai cấp, trước hết là lợi ích của giai cấp thống trị xã hội. Mặc dù phản ánh đời sống xã hội dưới các hình thức khác nhau nhưng đạo đức và chính trị đều biểu hiện lợi ích kinh tế của một giai cấp nhất định và phục vụ mục đích của nó. Khi đó, ý thức đạo đức được thấm sâu vào ý thức chính trị, biến đổi dưới ảnh hưởng của ý thức chính trị và làm cho ý thức chính trị được hiện thực hóa bởi hành động tự nguyện, tự giác của mỗi người. Đạo đức với vai trò của một quan hệ tinh thần sâu sắc luôn tồn tại xuyên suốt và điều tiết tất cả các quan hệ xã hội, trong đó có quan hệ chính trị. Mặc dù ý thức chính trị luôn giữ vai trò chi phối tính chất và định hướng hoạt động của ý thức đạo đức, nhưng điều đó không làm thay đổi hoàn toàn bản chất đích thực của đạo đức - với tư cách là một trong những yếu tố tạo nên nền tảng tinh thần của xã hội. Ý thức chính trị luôn duy trì mối quan hệ mật thiết với ý thức đạo đức, thậm chí có lúc muốn đồng nhất tiêu chí, chuẩn mực đạo đức của công dân với tiêu chí, phẩm chất chính trị của công dân. Chính trị, do đặc tính của mình, luôn giữ vai trò là một mặt, một phần của đời sống xã hội công dân. Muốn trở thành ý thức thống trị và mang tính phổ biến trong xã hội, ý thức chính trị không thể xuất phát từ chủ nghĩa vị kỷ, độc đoán của một giai cấp, mà phải hàm chứa trong nó những giá trị nhân văn, những giá trị đạo đức. Lý tưởng cộng sản chủ nghĩa đã khẳng định tính tất yếu thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chính sự tin tưởng vào thắng lợi đó đã củng cố lòng tin và tinh thần lạc quan cách mạng, tinh thần tự nguyện, tự giác hy sinh quên mình vì lợi ích của nhân dân của những đảng viên cộng sản. Chỉ có kết hợp chặt chẽ với đạo đức thì các mục tiêu và hoạt động chính trị mới trở thành phổ biến và phát huy được sức mạnh tinh thần, nội lực to lớn của đông đảo quần chúng nhân dân.

Theo C. Mác, các hệ thống lý luận đạo đức của các giai cấp khác nhau trong xã hội thường biểu biện giá trị đạo đức của cả thời quá khứ, hiện tại và tương lai. Tất nhiên, các hệ thống lý luận đạo đức biểu hiện giá trị đạo đức của xã hội tương lai luôn gắn liền với tư tưởng chính trị của các giai cấp tiến bộ trong xã hội hiện tại. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, lợi ích của giai cấp công nhân căn bản thống nhất với lợi ích của người lao động, và cũng từ đó, đạo đức và chính trị càng trở nên gắn bó mật thiết với nhau, đồng thời trở thành những yếu tố căn bản trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới xã hội chủ nghĩa. Dưới chế độ xã hội mới này, “chính trị là đức, chuyên môn là tài”; hai mặt đó luôn thống nhất với nhau trong nhân cách của người cách mạng. Sự phát triển của đạo đức mới không tách rời với cuộc đấu tranh xóa bỏ tàn tích tư tưởng, đạo đức, lối sống cũ, cũng như mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ, nhằm xây dựng, hoàn thiện lý luận và thực tiễn đạo đức mới - đạo đức cộng sản. Đạo đức cộng sản ngày càng phát huy vai trò to lớn của nó trong đời sống xã hội khi kết hợp duy trì trật tự xã hội và điều hành xã hội bằng pháp luật với tăng cường ý thức thực hành của mọi người bằng các quy tắc, chuẩn mực đạo đức. Pháp quyền là ý chí của giai cấp cầm quyền và buộc các thành viên của xã hội phải tuân theo bằng sức mạnh cưỡng chế của nó. Sự thống nhất giữa đạo đức và pháp luật chỉ thực sự có được trong xã hội mới xã hội chủ nghĩa, bởi ở đó quần chúng nhân dân đã thực sự làm chủ xã hội và nhà nước xã hội chủ nghĩa là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Khi đó, luật pháp và các quy tắc đạo đức xã hội có sự thống nhất căn bản về mục đích, nhằm bảo vệ lợi ích của nhân dân. Các quy phạm pháp luật được người dân thực hiện một cách tự nguyện, tự giác, coi như các chuẩn mực, nguyên tắc đạo đức tối thiểu, còn các chuẩn mực, nguyên tắc đạo đức được coi như luật pháp tối đa của toàn xã hội.

Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, sức mạnh của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản và sự điều hành của nhà nước xã hội chủ nghĩa sẽ thúc đẩy xã hội phát triển mạnh mẽ. Điều đó cho thấy tính chất của mối quan hệ giữa đạo đức với chính trị nói chung và pháp luật nói riêng trong xã hội xã hội chủ nghĩa có sự thay đổi căn bản so với các xã hội trước đây do giai cấp bóc lột cầm quyền. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, đạo đức có mặt trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, góp phần duy trì đời sống xã hội trong tính ổn định, giàu chất nhân văn của nó. Từ đó có thể thấy, quan điểm, tư tưởng mang tính khoa học sâu sắc của C. Mác và Ph. Ăngghen về đạo đức nói chung và đạo đức cộng sản nói riêng đã tạo nên bước ngoặt cách mạng trong đạo đức học và làm nên giá trị trường tồn của học thuyết Mác về đạo đức; đồng thời tạo ra tiền đề cho bước phát triển tiếp theo của đạo đức học mác-xít giai đoạn Lênin.

Quan điểm của V. I. Lênin về vai trò của đạo đức cộng sản trong cách mạng xã hội chủ nghĩa và trong xây dựng đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh

V. I. Lê-nin đã kế thừa xuất sắc và vận dụng sáng tạo, phát triển toàn diện các quan điểm, tư tưởng của đạo đức học mác-xít nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng nền đạo đức mới, nền văn hóa mới, con người mới trong chế độ mới xã hội chủ nghĩa. V. I. Lênin từng chỉ rõ: Phải xây dựng đảng cầm quyền thật sự là một đảng tiêu biểu cho “trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại”. Bằng thiên tài sáng tạo của một lãnh tụ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, V. I. Lênin đã khởi thảo nhiều nguyên lý của đạo đức nói chung và đạo đức cộng sản nói riêng. Qua đó, đưa đạo đức học mác-xít phát triển lên một tầm cao mới - sự thống nhất, gắn kết chặt chẽ giữa lý luận đạo đức với thực tiễn đạo đức; sự thống nhất, gắn kết đó còn được thể hiện một cách sinh động bằng chính tư tưởng và tấm gương đạo đức mẫu mực của V. I. Lênin.

Là người kế tục xuất sắc chủ nghĩa Mác trong điều kiện lịch sử mới, V. I. Lênin kiên quyết đấu tranh với các quan điểm duy tâm, tôn giáo và cơ hội, xét lại trong việc xuyên tạc quan điểm, tư tưởng của C. Mác và Ph. Ăngghen về đạo đức; qua đó, bảo vệ, phát triển sáng tạo các quan điểm, tư tưởng đạo đức học mác-xít. V.I. Lênin là người đầu tiên định nghĩa và phân tích sâu sắc nội dung khái niệm “đạo đức cộng sản”, đồng thời khẳng định đó là đạo đức của những người lao động sáng tạo ra xã hội mới cộng sản chủ nghĩa, mà giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội. Do vậy, mọi định hướng phát triển của đạo đức đó phải gắn chặt với nhiệm vụ chính trị của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh thủ tiêu chế độ tư bản chủ nghĩa và xây dựng thành công chế độ mới xã hội chủ nghĩa. V. I. Lênin chỉ rõ mối liên hệ giữa đạo đức và lợi ích của giai cấp vô sản: “Đạo đức của chúng ta là từ những lợi ích của cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản mà ra”(2). Lợi ích là động lực mạnh mẽ thúc đẩy con người hoạt động. Lợi ích ấy càng trở nên mạnh mẽ khi nó gắn liền với quảng đại quần chúng nhân dân đã được giác ngộ lý tưởng và đạo đức cách mạng, đứng lên đấu tranh giành lại những lợi ích chính đáng của mình mà lâu nay bị giai cấp thống trị tước đoạt.

V. I. Lênin đặt niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong cải tạo triệt để các tàn tích của đạo đức tư sản, tiểu tư sản, đồng thời xây dựng cho mình một nền đạo đức mới - nền đạo đức cộng sản. Ông kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa hư vô và chủ nghĩa “tả khuynh” trong việc phủ nhận sự tồn tại của đạo đức trong xã hội xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở đó, ông khẳng định tính tất yếu của sự ra đời đạo đức cộng sản và vai trò to lớn của nó trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa duy vật lịch sử, kế thừa những tinh hoa đạo đức của nhân loại và trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, ông đã luận chứng và xây dựng một hệ thống lý luận về đạo đức cộng sản; khẳng định giá trị của đạo đức cộng sản là phục vụ cho tiến bộ xã hội và hạnh phúc của con người.

Theo V. I. Lênin, lý tưởng đạo đức cao quý nhất của người cộng sản, của đạo đức cộng sản luôn gắn bó với lý tưởng chính trị, là động lực thúc đẩy lý tưởng chính trị trở thành hiện thực cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ông khẳng định: “Cuộc đấu tranh giai cấp còn tiếp tục và nhiệm vụ của chúng ta là làm cho tất cả mọi lợi ích phụ thuộc vào cuộc đấu tranh này. Và đạo đức cộng sản của chúng ta cũng phải phục tùng cuộc đấu tranh này. Chúng ta nói rằng: Đạo đức đó là những gì góp phần phá hủy xã hội cũ của bọn bóc lột và góp phần đoàn kết tất cả những người lao động chung quanh giai cấp vô sản đang sáng tạo ra xã hội mới, của những người cộng sản”(3). V. I. Lênin cho rằng, người cộng sản có đạo đức trước hết phải là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ tri thức ngày càng cao và có năng lực hành động đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Để tiến hành công tác giáo dục đạo đức cộng sản có hiệu quả, ông nêu ra một số vấn đề cơ bản có tính nguyên tắc, như vấn đề gắn giáo dục đạo đức cộng sản với những tiến bộ về đạo đức của nhân loại và truyền thống đạo đức của dân tộc; vấn đề đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội làm động lực trong giáo dục đạo đức cộng sản; vấn đề kết hợp quá trình tổ chức giáo dục, rèn luyện đạo đức của tập thể với quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện đạo đức của cá nhân... Ông nêu rõ: Trong giáo dục đạo đức cộng sản, phải kiên quyết đấu tranh chống bệnh phô trương hình thức, thói kiêu ngạo, công thần, những biểu hiện thủ tiêu đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, lạc hậu trong cuộc sống, hoặc thái độ phủ nhận các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc và nhân loại.

Trong điều kiện Đảng Cộng sản cầm quyền và lãnh đạo đất nước, một trong những vấn đề cấp thiết được V. I. Lênin nêu lên là phải kiên quyết đấu tranh ngăn ngừa tệ quan liêu, tham nhũng, xa hoa, lãng phí xảy ra ngay trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Ông cảnh báo: “Toàn bộ các công việc của tất cả các cơ quan kinh tế của chúng ta bị khốn khổ trước hết về quan liêu... Nếu có cái gì sẽ làm tiêu vong chúng ta thì chính là cái đó”(4). Ông còn nhấn mạnh: “Nếu còn có thể hối lộ được, thì cũng không thể nói đến chính trị được. Trong trường hợp này thậm chí cũng không thể nói đến làm chính trị được, vì mọi biện pháp đều sẽ lơ lửng trên không trung, sẽ hoàn toàn không mang lại kết quả gì”(5). Đặc biệt, ông nhiều lần căn dặn: Mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta nếu không tự bôi nhọ đạo đức, thanh danh của mình, thì không ai có thể hạ thấp được uy tín của họ, không một thế lực phản cách mạng nào ở trong nước và quốc tế có thể phá vỡ được mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với quần chúng nhân dân.

Tiếc rằng, những lời di huấn của V. I. Lênin đã không được thực hiện nghiêm túc và triệt để ngay trên đất nước Xô-viết vĩ đại. Các phần tử cơ hội, xét lại đã lợi dụng sự mất cảnh giác của những người cách mạng chân chính để tìm cách chui sâu, leo cao vào các cơ quan đảng và nhà nước, đặc biệt là ở cấp trung ương, rồi sau đó trở thành những tác nhân chủ yếu gây nên sự tan rã của Đảng Cộng sản, làm sụp đổ nhanh chóng chế độ xã hội chủ nghĩa ngay tại quê hương của vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản thế giới. Đó là bài học nhãn tiền rất sâu sắc về việc Đảng phải không ngừng chăm lo giáo dục, rèn luyện đạo đức cộng sản cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và cho toàn dân, đặc biệt là trong mỗi bước ngoặt của cách mạng.

Trung thành và vận dụng sáng tạo quan điểm của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng, giáo dục đạo đức cộng sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam luôn coi trọng việc giáo dục, rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn: Đạo đức là cái “gốc” của mỗi người cách mạng; nếu người cách mạng “không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(6).

Hiện nay, đất nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh thế giới đang diễn ra mạnh mẽ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế mở cửa, hội nhập đang trở thành xu thế chung của thế giới. Sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc ta đang có nhiều thuận lợi, song cũng đứng trước không ít khó khăn, thử thách. Vì vậy, đòi hỏi Đảng ta phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và trí tuệ của đảng cầm quyền, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta thực sự là một đảng “đạo đức” và “văn minh”, với đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa có đức, vừa có tài, vừa “hồng”, vừa “chuyên”./.

-------------------------------------------------

(1) C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 2, tr. 199-200

(2) V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, t. 41, tr. 367

(3) V.I. Lênin: Sđd, t. 41, tr. 369

(4) V.I. Lênin: Sđd, t. 54, tr. 235

(5) V.I. Lênin: Sđd, t. 44, tr. 218

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 292

 

Phùng Đông, Tạp chí Cộng sản

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website