Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 17/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1
  • Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1
  • 498/QĐ-TTg
  • Quyết định
  • Đầu tư - Xây dựng
  • 17/04/2017
  • 17/04/2017
  • Thủ tướng Chính phủ
  • Trịnh Đình Dũng
Nội dung:

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 498/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 4 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN HỆ THỐNG THỦY LỢI CÁI LỚN - CÁI BÉ GIAI ĐOẠN 1


THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số Điều Luật Đầu tư công;

Xét đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2832/TTr-BNN-XD ngày 05 tháng 4 năm 2017 và Báo cáo kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định liên ngành số 07/BC-HĐTĐLN ngày 03 tháng 4 năm 2017 về thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; Báo cáo thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn số 2706/BC-BKHĐT ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, tỉnh Kiên Giang và Cà Mau,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 tỉnh Kiên Giang và Cà Mau với nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu đầu tư:

- Kiểm soát mặn, giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp của các tỉnh: Kiên Giang, Hậu Giang và tỉnh Bạc Liêu thuộc lưu vực sông Cái Lớn - Cái Bé. Đồng thời, góp phần phát triển thủy sản ổn định ở vùng ven biển của tỉnh Kiên Giang;

- Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tạo nguồn nước ngọt cho vùng ven biển để giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô, phòng chống cháy rừng, đặc biệt trong những năm hạn hán, góp phần phát triển kinh tế xã hội ổn định;

- Tăng cường khả năng thoát lũ, tiêu úng, tiêu chua cải tạo đất phèn;

- Kết hợp phát triển giao thông thủy, bộ trong vùng dự án.

2. Quy mô đầu tư:

Xây dựng cụm công trình giai đoạn 1, gồm các hạng mục:

- Cống Cái Lớn, cống Cái Bé;

- Đê nối hai cống Cái Lớn, Cái Bé với Quốc lộ 61;

- Kênh nối sông Cái Lớn - Cái Bé;

- Sửa chữa cống âu Tắc Thủ.

3. Loại, cấp công trình và nhóm dự án.

a) Loại, cấp công trình: Công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, cấp I.

b) Nhóm dự án: Nhóm A.

4. Tổng mức đầu tư dự kiến: 3.309,5 tỷ đồng (Ba nghìn, ba trăm lẻ chín tỷ, năm trăm triệu đồng).

5. Cơ cấu nguồn vốn: Vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 và vốn Ngân sách Nhà nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, trong đó:

- Vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 - 2020: 3.300 tỷ đồng (Ba nghìn, ba trăm tỷ đồng).

- Vốn ngân sách Nhà nước (đã cấp phát): 9,5 tỷ đồng (Chín tỷ năm trăm triệu đồng).

6. Địa điểm đầu tư: tỉnh Kiên Giang, tỉnh Cà Mau

7. Thời gian thực hiện: 5 năm (2017-2021).

8. Tiến độ thực hiện:

- Năm 2017: Hoàn thành bước chuẩn bị đầu tư, lập thiết kế, giải phóng mặt bằng.

- Các năm tiếp theo: Khởi công xây dựng và thực hiện đầu tư theo tiến độ dự án được duyệt.

9. Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

10. Chủ đầu tư: Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10.

11. Những vấn đề lưu ý giai đoạn sau:

+ Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của dự án, trong đó có đánh giá làm rõ mức độ ảnh hưởng, tác động đến môi trường nước, đất trong khu vực dự án, các giải pháp giảm thiểu, khắc phục tình trạng này sau khi có dự án;

+ Nghiên cứu tác động của công trình đến vùng hưởng lợi, từ đó tổ chức lại sản xuất của vùng phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nguồn nước. Xây dựng định hướng quy hoạch sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản ... để sử dụng hiệu quả hệ thống công trình sau khi hoàn thành.

+ Về công tác quản lý vận hành: Xây dựng mô hình, cơ cấu tổ chức quản lý công trình liên tỉnh, hệ thống; xây dựng quy trình vận hành hệ thống để làm rõ ảnh hưởng của cống Cái Lớn - Cái Bé với vùng dự án; trang bị các thiết bị quan trắc, giám sát ... để đảm bảo việc vận hành hệ thống đúng mục tiêu, khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước và giám sát, bảo vệ môi trường; tính toán xác định chi phí vận hành dự án sau khi hoàn thành và xác định phương án nguồn vốn chi phí này (sau đầu tư).

+ Nghiên cứu, cập nhật công nghệ thi công tiên tiến để đề xuất áp dụng.

+ Bổ sung đánh giá, phân tích so chọn giải pháp bao lớn bằng cống Cái Lớn - Cái Bé như đã lập và phương án bao vừa để giải quyết từng tiểu khu vực có mục đích dùng nước sản xuất khác nhau (mặn/ngọt/lợ).

+ Xác định vị trí âu thuyền Ninh Quới cho phù hợp với tính toán kiểm soát mặn của cống Cái Lớn, Cái Bé.

+ Đề xuất giải pháp lấy nước mặn cho vùng sản xuất lúa tôm (nuôi tôm nước lợ) thuộc huyện Hồng Dân, Phước Long tỉnh Bạc Liêu; rà soát, bổ sung quy hoạch cho một số hạng mục trong Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2; nghiên cứu cơ sở khoa học, đề xuất các giải pháp trữ nước ngọt, cấp ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt trong điều kiện hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu, sụt lún và đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông ảnh hưởng đến vùng Bán đảo Cà Mau.

+ Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt.

Điều 2. Tổ chức thực hiện.

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:

a) Tiếp thu đầy đủ ý kiến được nêu tại Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định liên ngành số 07/BC-HĐTĐLN ngày 03 tháng 4 năm 2017; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án; thực hiện trình tự, thủ tục quyết định đầu tư dự án theo đúng quy định của Luật đầu tư công và pháp luật liên quan;

b) Tổ chức triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định của Luật đầu tư công, Luật xây dựng và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan; bảo đảm chất lượng, tiến độ thực hiện và mục tiêu đầu tư;

c) Nghiên cứu, đề xuất đầu tư công trình giai đoạn 2 của dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính căn cứ vào khả năng cân đối vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020, bố trí kinh phí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để thực hiện Dự án.

3. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định này; báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Điều khoản thi hành.

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

2. Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài Nguyên và Môi trường; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, thành phố Cần Thơ và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

 

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG

(đã ký)

Trịnh Đình Dũng

 

 

Văn bản khác

Số hiệu
Trích yếu
Ngày ban hành
Ngày hiệu lực
File
43/2017/NĐ-CP
14/04/2017
01/06/2017

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website