G20 đại diện cho 85% nền kinh tế toàn cầu và hai phần ba dân số thế giới, với các thành viên chính gồm: G7, Liên minh châu Âu (EU) các nước Argentina, Úc, Brasil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Nga, Ảrập Saudi, Nam Phi, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiệm vụ chính của nhóm là thúc đẩy các cuộc thảo luận mang tính chất xây dựng cởi mở giữa các quốc gia công nghiệp và các quốc gia có nền kinh tế mới nổi về các vấn đề liên quan đến sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu. Bằng cách góp phần vào việc tăng cường cơ cấu tài chính quốc tế, tạo điều kiện đối thoại về các chính sách quốc gia, hợp tác quốc tế và các cơ quan tài chính quốc tế, nhóm này đã góp phần quan trọng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu.
Về mặt tổ chức, G-20 hoạt động mà không có ban thư ký hay nhân viên thường xuyên. Ghế Chủ tịch của G20 được xoay vòng giữa các thành viên hàng năm; vị trí này được chọn từ nhóm các quốc gia khu vực khác nhau. Năm 2010, Chủ tịch của G20 là Hàn Quốc và trong năm 2011 tới sẽ là Pháp.
Vị trí Chủ tịch là một trong 3 thành viên thuộc ban quản lý xoay vòng, gồm chủ tịch khoá trước, hiện tại và tương lai. Chủ tịch đương nhiệm sẽ thành lập một ban thư ký lâm thời trong thời gian đương nhiệm nhằm điều hành các nhóm làm việc và tổ chức các cuộc họp của G20. Vai trò của ban quản lý ba thành viên này là đảm bảo tính liên tục trong công việc và quản lý trong những năm làm chủ nhà.
Các hoạt động chính thức của NhómG20 bao gồm các hội nghị thường niên cấp bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ươngvà hội nghị thượng đỉnh của các nguyên thủ quốc gia (tên chính thức là Hội nghị thượng đỉnh G20 về thị trường tài chính và kinh tế thế giới).Để đảm bảo cho diễn đàn kinh tế toàn cầu và các tổ chức gắn kết với nhau, các Giám đốc điều hành của Quỹ tiền tệ quốc tế, Chủ tịch Ngân hàng thế giới, Chủ tịch Ủy ban tài chính tiền tệ quốc tế, Ủy ban phát triển của IMF và Ngân hàng thế giới cũng tham gia vào các cuộc họp của G20. Do đó, G20 đã quy tụ tất cả các quốc gia có nền kinh tế mới nổi lớn và các quốc gia có ngành công nghiệp quan trọng trên toàn thế giới lại với nhau. Điều này tạo cho nhóm có một vị trí đặc biệt quan trọng trong việc quản lý, chi phối nền kinh tế nói chung, hệ thống tài chính nói riêng trên toàn cầu.
Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên của Nhóm G20 được tổ chức vào ngày 14 và 15 tháng 11- 2008 tại Washington D.C để thảo luận về các vấn đề liên quan đến cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Cuộc gặp mặt cấp cao được tổ chức theo lời mời của Tổng thống Pháp Nicholas Sarkozy vàThủ tướng Anh Gordon Brown.
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai của nhóm G20 diễn ra vào ngày 2 tháng 4 năm 2009 tại London, Anh. Hội nghị lần này bàn thảo một số vấn đề mấu chốt như: giải cứu kinh tế thế giới thóat khỏi khủng hoảng; siết chặt hơn nữa các quy chế trong họat động ngân hàng; mở rộng vai trò của IMF; trợ giúp các nước đang phát triển; chống chủ nghĩa bảo hộ.
Bắt đầu từ Hội nghị lần thứ 3 diễn ra tại Pittsburg (Mỹ) vào tháng 9 năm 2009, các nước tham dự đã thống nhất tổ chức Hội nghị G20 định kỳ và đưa nó thành diễn đàn kinh tế lớn nhất thế giới. Các nhà lãnh đạo G20 một mặt thống nhất duy trì kế hoạch kích cầu và chính sách đối phó khủng hoảng cho đến khi kinh tế thế giới hồi phục hoàn toàn, mặt khác quyết định mở rộng chủ đề thảo luận sang các vấn đề toàn cầu khác như tăng cường viện trợ lương thực cho các nước nghèo, vấn đề an toàn năng lượng và biến đổi khí hậu.
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 4 diễn ra tại Toronto (Canada) vào tháng 6- 2010 vừa qua đã tập trung thảo luận một cách toàn diện các vấn đề chính như hợp tác tìm kiếm một cơ chế tăng trưởng bền vững, cân bằng và lâu dài, cải cách quy chế tài chính, cải cách các cơ quan tài chính thế giới, trong đó có Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), vấn đề tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển, thiết lập mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu, tự do thương mại .v.v. đồng thời đẩy mạnh hơn nữa vai trò của G20 như một tổ chức lãnh đạo kinh tế toàn cầu và là diễn đàn thảo luận hợp tác kinh tế quốc tế lớn nhất thế giới.
Hội nghị thượng đỉnh G20 cuối cùng của năm 2010 với chủ đề “Vượt qua khủng hoảng để cùng tăng trưởng”, được tổ chức vào ngày 11,12 tháng 11 tại Seoul, Hàn Quốc. Các chủ đề chính được thảo luận tại Hội nghị cấp cao lần này gồm bốn nội dung: hợp tác quốc tế về chính sách tỷ giá hối đoái; xây dựng mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu; vấn đề cùng phát triển; cải cách tổ chức tài chính trong đó có Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Việt Nam, với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2010 và là khách mời của chủ nhà Hàn Quốc đã tham dự các phiên họp của Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này, tại Hội nghị Chủ tịch ASEAN 2010 đã đưa ra một số ý kiến đề nghị: G20 tiếp tục có biện pháp hỗ trợ các nước đang phát triển không rơi lại vào nhóm nước thu nhập thấp, G20 xem xét thiết lập thí điểm cơ chế tham vấn chính sách với một số tổ chức khu vực, bao gồm ASEAN, xem xét thành lập Mạng lưới G20 về chia sẻ kiến thức với sự tham dự của các nước trong và ngoài G20, khẳng định ASEAN cũng như Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước G20 triển khai chương trình này...