(ĐCSVN) - Điều lệ Đảng được thông qua tại Đại hội X (năm 2006) khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc".
Đây là một định nghĩa mới về bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam so với định nghĩa đã ghi trong các Điều lệ Đảng từ Đại hội III (năm 1960) đến Đại hội IX (năm 2001):
"Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc".
Định nghĩa mới về bản chất Đảng được ghi trong Điều lệ Đại hội X chính là sự trở lại tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng. Tại Đại hội II của Đảng (năm 1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt cho toàn Đảng, đọc "Báo cáo chính trị". Bản Báo cáo này chứa đựng nhiều tư tưởng lớn, trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rất rõ về đội tiên phong của Đảng: "Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam". "Báo cáo chính trị" đã trở thành văn kiện Đảng. Sau đó, ở một số bài viết khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhắc lại Đảng là của giai cấp công nhân và của dân tộc Việt Nam, hoặc Đảng là của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Sở dĩ Người đặt vấn đề như vậy là vì Người đã nhìn thấy rất rõ quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam là một. Cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam, về thực chất, là một cuộc cách mạng do giai cấp nông dân tiến hành dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân Việt Nam mà đội tiên phong là Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Sự đúng đắn và sáng tạo đó rất phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam qua mỗi thời kỳ. Sự đúng đắn và sáng tạo này của Đảng, trên thực tế, đã chỉ đạo hướng tiến lên của nhân dân Việt Nam:
"Đảng ta luôn luôn giương cao ngọn cờ của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội, kiên quyết lãnh đạo toàn dân đấu tranh xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần bảo vệ hoà bình ở Đông Nam Á và thế giới".
Những tư tưởng lớn trên đây của Hồ Chí Minh đã thể chế "Điều lệ Đảng" được thông qua tại Đại hội II và được đưa vào đời sống chính trị trong sinh hoạt đảng. Phần: "Mục đích và tôn chỉ" của Điều lệ Đại hội II, viết:
"Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Mục đích của Đảng là phát triển chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, để thực hiện tự do, hạnh phúc cho giai cấp cống nhân, nhân dân lao động và tất cả các dân tộc đa số, thiểu số ở Việt Nam".
Điều lệ Đảng Đại hội III, phần:"Cương lĩnh chung", ghi:
"Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam, là đội tiền phong có tổ chức và là tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân".
Tuy ghi như vậy, nhưng trong "Báo cáo về việc sửa đổi Điều lệ Đảng", do Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ, trình bày tại Đại hội vào ngày 6 - 9 - 1960, lại giải thích:"...Đảng ta, Đảng của giai cấp công nhân, đồng thời lại là Đảng của dân tộc…".
Điều lệ Đảng Đại hội IV, ghi:
"Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân Việt Nam, là đội tiên phong, bộ tham mưu chiến đấu có tổ chức và là tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân Việt Nam".
Điều lệ Đảng Đại hội V, Đại hội VI cũng ghi như Điều lệ Đảng Đại hội IV. Điều lệ Đảng Đại hội VII, ghi thanh thoát hơn:
"Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc".
Điều lệ Đảng Đại hội VIII, Đại hội IX ghi như Điều lệ Đại hội VII.
Việc ghi: Đảng là của giai cấp công nhân là đúng với nguyên tắc xây dựng Đảng mà C.Mác, Ph.Ăng ghen, V.I.Lênin đã nêu ra. Đó là bản chất của Đảng Cộng sản. Có điều là khi trình bày bản chất của Đảng Cộng sản là Đảng của giai cấp công nhân, các nhà sáng lập chủ nghĩa cộng sản khoa học đều đặt nó trong một hoàn cảnh những nước có nền đại công nghiệp phát triển ở phương Tây, những nước mà số đông nhân dân là công nhân, trong khi đó, vị trí của nông dân và nhân dân lao động lại nhỏ bé. Còn ở phương Đông (trong đó có Việt Nam), thì ngược lại. Số đông lại là nông dân và nhân dân lao động. Số ít là công nhân, trí thức, thương gia. Những năm gần đây xuất hiện một tầng lớp mới nữa là doanh nhân, thực chất cũng là thương gia. Trong hoàn cảnh như vậy, khi xét về bản chất của Đảng Cộng sản, nếu chỉ thuần tuý xét Đảng là của giai cấp công nhân, có thể sẽ không thực tế. Nói như vậy, có thể ai đó sẽ bắt bẻ, cho rằng, khi xét về bản chất của Đảng Cộng sản, thường xét về tiêu chí lý tưởng, chứ không thể xét theo hoàn cảnh, theo thực tại. Xin thưa, sinh thời, C.Mác, Ph.Ăng ghen, V.I Lênin, Hồ Chí Minh đều nói chủ nghĩa xã hội, trước hết, nó phải được gieo trên miếng đất của hiện thực. Nếu xa rời miếng đất của hiện thực, chủ nghĩa xã hội sẽ trở nên khô cằn. Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu cũng chỉ vì xây dựng chủ nghĩa xã hội một cách cứng nhắc, không hiện thực, nên đã dẫn đến sụp đổ đáng tiếc. Chúng ta hãy đọc lại "Điều lệ Đảng Cộng sản Liên Xô" thời kỳ M.Goócbachốp làm Tổng Bí thư, thấy ghi trong Điều lệ những câu rất "lập trường": "Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân Liên Xô"; "Chủ nghĩa Mác-Lênin là hòn đá tảng,...". Có điều là trong Điều lệ Đảng lại không thấy nói đến các dân tộc Xô Viết. Rút cục, Đảng Cộng sản Liên Xô đã sụp đổ. Tất nhiên, còn nhiều nguyên nhân khác dẫn đến sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô. Song, nguyên nhân này rất quan trọng. Sau khi sụp đổ, Đảng Cộng sản Liên bang Nga được phép tham gia với tư cách là một đảng trong các cuộc bầu cử năm 1990, giành 1.068 ghế trong Đuma, nhưng vẫn không nắm được chính quyền. Theo vết xe của Liên Xô, các đảng cộng sản cầm quyền ở Đông Âu quá nặng về thuyết trình vấn đề giai cấp, trong khi đó, lại không đếm xỉa gì đến vấn đề dân tộc, bỏ rơi vấn đề dân tộc, nên rút cục, không cầm quyền nổi. Quyền lực nhà nước bỗng chốc rơi vào tay những người không cộng sản. Trong hầu hết các trường hợp, các đảng cộng sản cầm quyền trước đó, đã giải tán, hoặc cải cách dưới các tên khác nhau nhằm cạnh tranh với các đảng mới để giành phiếu bầu và ảnh hưởng chính trị. Mặc dù có giai đoạn, các chính phủ cộng sản được bầu lại ở Anbani, Bungari, ngay cả những chế độ theo đường lối này cũng bị các lực lượng đối lập đánh bại trong các cuộc bầu cử. Tại Ba Lan, "Phong trào Đoàn kết" do Lech Walesa cầm đầu, đã giành được gần như tất cả các cơ quan nhà nước vào năm 1989. Tại Séc (và một tổ chức tương tự ở Slovakia), "Diễn đàn công dân" của Václav Havel giành thắng lợi áp đảo trước các ứng cử viên cộng sản trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 1990. Những người cộng sản từng nắm quyền một thời ở Hunggari và Đức cũng bị thất thế. Sau sự ra đi của chế độ cộng sản ở Đông Âu, các nước này xuất hiện nhiều đảng cánh tả: Ba Lan có hơn 100 đảng, Rumani có hơn 80 đảng, Bungari có hơn 50 đảng. Số liệu điều tra gần đây liệt kê hơn 500 đảng chính trị, một con số kỷ lục về nhiều đảng chính trị từ trước tới nay ở Đông Âu. Nêu vấn đề này để thấy một kinh nghiệm xây dựng Đảng là phải hết sức thực tế. Hãy nhìn thẳng vào sự thật để tổng kết lý luận, tìm ra đường lối là phương pháp, phương thức hiệu nghiệm giữ vững sự lãnh đạo của Đảng.
Phải nói rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã xử lý rất đúng đắn mối quan hệ giữa vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của giai cấp công nhân Việt Nam, đồng thời, cũng đánh giá cao vai trò của nhân dân, của dân tộc Việt Nam. Trong dân tộc có yếu tố giai cấp, trong giai cấp có yếu tố dân tộc. 54 dân tộc Việt Nam bao gồm các giai cấp, các tầng lớp lao động khác nhau mà đặc điểm là sự cùng có chung lợi ích và mục đích. Đó là sự thống nhất của xã hội về chính trị, tư tưởng, văn hoá. Mục tiêu chung là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Quan hệ của 54 dân tộc được xây dựng trên cơ sở kết hợp hài hoà lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là cơ sở chính trị của mối quan hệ qua lại giữa các giai cấp và các dân tộc ở Việt Nam. Tất cả 54 dân tộc và các giai cấp ở Việt Nam đều có chung một lãnh thổ, một nhà nước, một chính phủ, một đảng. Vì vậy, nó không có sự cách biệt giữa giai cấp và dân tộc. Nhân dân Việt Nam và giai cấp công nhân Việt Nam đều hành động với tư cách một cộng đồng xã hội. Trong tiến trình đi lên của xã hội, giai cấp và dân tộc đều gặp nhau trên những điểm tương đồng, đều là đồng chí, đều là anh em. Tính thống nhất về mặt lý luận và xã hội giữa dân tộc và giai cấp dẫn đến giống nhau và sự hoà hợp trong đời sống chính trị, tinh thần và văn hoá. Đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc tuy có khác nhau về phương pháp, phương thức tiến hành, nhưng đều chung một mục đích là giành độc lập cho dân tộc, tự do cho giai cấp. Vì vậy, đây chính là hai mặt của một vấn đề. Tuy hai là một. Lịch sử đấu tranh cách mạng của Việt Nam qua các thời kỳ, giai đoạn, cho thấy, khi nào mà bóc tách vấn đề giai cấp ra khỏi vấn đề dân tộc là y như cách mạng gặp khó khăn. Giai đoạn đấu tranh từ năm 1930 đến năm 1935 và giai đoạn thực hiện cải cách ruộng đất đã minh chứng cho vấn đề này.
Sự xuất hiện của giai cấp công nhân có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng thế giới. Chính giai cấp công nhân đã tạo ra những tổ chức của mình (đảng cộng sản, đảng công nhân, các công đoàn) để đấu tranh chống giai cấp tư sản. Trong cuộc đấu tranh này, giai cấp công nhân bảo vệ và biểu hiện cả lợi ích của tất cả những người lao động nói chung. Vì vậy, giai cấp công nhân là giai cấp mang hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa, đặt nhiệm vụ cho mình là thủ tiêu chế độ tư bản chủ nghĩa bằng những cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và chiếm lấy quyền lãnh đạo chính trị. Là một giai cấp tiên tiến nhất, có tổ chức nhất, gắn liền với sở hữu toàn dân, giai cấp công nhân thực hiện việc lãnh đạo các tầng lớp còn lại trong dân cư. Song, giai cấp công nhân không thể hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình nếu không liên minh với nông dân và nhân dân lao động. Đây chính là vấn đề liên quan và gắn bó giữa giai cấp và dân tộc.
Năm 1858, C.Mác, Ph.Ăng ghen nêu khẩu hiệu: "Vô sản thế giới đoàn kết lại!". Khẩu hiệu này mang tính chất đấu tranh giai cấp thuần tuý. Hơn 60 năm sau, V.I.Lênin nêu khẩu hiệu:"Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!". Khẩu hiệu của V.I.Lênin mang tính chất đấu tranh giai cấp kết hợp với đấu tranh dân tộc. V.I.Lênin hiệu triệu công nhân, nông dân và nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc. Khẩu hiệu mà C Mác, Ph.Ăng ghen nêu ra phù hợp với cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân các nước có nền công nghiệp phát triển ở phương Tây. Khẩu hiệu của V.I.Lênin hoàn toàn phù hợp với các dân tộc phương Đông, ở đó có những cánh đồng bát ngát phì nhiêu nhiều hơn xưởng máy. Như vậy, V.I.Lênin đã có bước phát triển đột phá chủ nghĩa Mác. Sự đột phá này, đã tạo thành chủ nghĩa Mác - Lênin. Hồ Chí Minh đã triệt để khai thác tư tưởng này của V.I.Lênin vào sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam. Cả V.I.Lênin và Hồ Chí Minh đều là những người tri thức trong việc sáng tạo chủ nghĩa Mác. Ngay từ năm 1924, trong "Báo cáo gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản", Nguyễn Ái Quốc viết:"Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung "cơ sở lịch sử của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được". Đó là sự phát triển lý luận sáng tạo, mạnh dạn của Nguyễn Ái Quốc đối với chủ nghĩa Mác.
Giải quyết tốt vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc là cơ sở để giải quyết vấn đề dân tộc - giai cấp gắn liền với chủ nghĩa xã hội. "Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc". Ngay từ năm 1951, trong "Chính cương Đảng Lao động Việt Nam" được thông qua tại Đại hội II, Đảng khẳng định: "Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam nhất định sẽ đưa Việt Nam tiến tới chủ nghĩa xã hội". Lúc ấy, Đảng đã vạch ra một con đường đấu tranh lâu dài, trải qua ba giai đoạn: giai đoạn 1 chủ yếu làm nhiệm vụ hoàn thành giải phóng dân tộc; giai đoạn 2 chủ yếu làm nhiệm vụ xoá bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, thực hiện người cày có ruộng, phát triển kỹ nghệ, hoàn thành chế độ dân chủ nhân dân; giai đoạn 3 chủ yếu làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, tiến lên thực hiện chủ nghĩa xã hội. Ba giai đoạn này là một quá trình xuyên suốt từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ngày nay, chúng ta đang thực hiện nhiệm vụ của giai đoạn 3. Lực lượng để thực hiện nhiệm vụ của cả 3 giai đoạn chính là giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, tầng lớp trí thức và nhân dân lao động.
Chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội là yếu tố sóng đôi hướng tới xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, giàu có. Những cơ sở lý luận trên đây đã phần nào biện minh cho quan điểm Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam và của dân tộc Việt Nam. Song, khi đặt vấn đề đó ra, phải chăng sẽ nảy sinh hai "đội tiên phong"? Thực ra, trong trường hợp này, giữa hai mệnh đề được nối bằng liên từ "và", nên không thể hiểu đó là hai đội tiên phong. Trong lịch sử văn kiện Đảng có lần đã ghi: "Đảng ta luôn luôn giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội". Về sau có điều chỉnh lại: "Đảng ta luôn luôn giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội", hoặc "ngọn cờ của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội", như Hồ Chí Minh nói.
Với Đảng Cộng sản Việt Nam, bản chất và nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng luôn luôn là Đảng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam. Nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng vẫn là nguyên tắc tập trung dân chủ. Quan điểm này làm cho chế độ của chúng ta đứng vững trong những cơn bão táp chính trị thế giới đang diễn ra.
PGS.TS Đức Vượng