Dân chủ xã hội chủ nghĩa - mục tiêu và động lực của đổi mới

Cùng với việc kiểm điểm đánh giá tình hình, Văn kiện Đại hội X đề cập đạm nét vấn đề dân chủ, khẳng định dân chủ XHCN vừa là mục tiêu, vừa là động lực của đổi mới. 

Trong thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 20 năm đổi mới, có thành tựu của phát huy sức mạnh nền dân chủ XHCN. Cùng với việc kiểm điểm đánh giá tình hình, vấn đề dân chủ được đề cập đậm nét trong Văn kiện Đại hội X, khẳng định dân chủ XHCN vừa là mục tiêu, vừa là động lực của đổi mới. Xã hội XHCN mà chúng ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, do nhân dân lao động làm chủ... 

Dân chủ XHCN gắn liền với Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. 

Như vậy, dân chủ XHCN nằm trong hệ mục tiêu của đổi mới, thể hiện bản chất ưu việt của CNXH. Để đi lên CNXH, cùng với phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, đẩy mạnh CNH, HĐH, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhất thiết phải xây dựng thành công nền dân chủ XHCN, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh... 

Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ XHCN, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân được Đảng ta tổng kết là một trong năm bài học lớn của đổi mới. 

Đảng ta nhận thức rằng, dân chủ XHCN thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. 

Phấn đấu cho quyền làm chủ thật sự của nhân dân được thực hiện, nhân dân là chủ thể của quyền lực, mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân, Nhà nước là người nhận quyền lực xã hội do nhân dân ủy giao phó để tổ chức và thực hiện đường lối chính trị của Đảng, hành động vì quyền lợi của nhân dân, làm điều lợi, tránh điều hại cho dân, chăm lo phát triển sức dân, bồi dưỡng và tiết kiệm sức dân theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Nhân dân là người chủ xã hội, cho nên nhân dân không chỉ có quyền, mà còn có trách nhiệm tham gia hoạch định, thi hành các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân có quyền làm chủ thì đồng thời cũng có nghĩa vụ của người chủ.

Một nền dân chủ chân chính, tiến bộ và hiện đại bao giờ cũng gắn liền quyền với nghĩa vụ, lợi ích với trách nhiệm. Đó là quan hệ mật thiết không thể tách rời, nó thấm nhuần trong các quan hệ giữa công dân với Nhà nước, cá nhân với xã hội, thành viên với cộng đồng. Tất cả được luật pháp điều chỉnh, điều tiết, chi phối để dân chủ không biến dạng thành các hành vi phản dân chủ. 

Pháp luật, như đã nói, là công cụ đầy hiệu lực của quản lý, bảo đảm cho quyền lực của nhân dân được thực hiện, thông qua sức mạnh của Nhà nước. Pháp luật không tách rời dân chủ, cũng như không có dân chủ nào ở bên ngoài pháp luật. Đó là một chỉnh thể toàn vẹn. Sự vận động và phát triển lành mạnh của dân chủ đòi hỏi sự hiện diện của Nhà nước pháp quyền XHCN, trong đó, pháp luật là giới hạn, là hành lang vận động của dân chủ. Mọi tổ chức trong xã hội, mọi công dân và công chức phải hoạt động theo đúng chuẩn mực luật pháp, hợp hiến và hợp pháp. Sự kiểm soát, điều tiết hành vi của mỗi cá nhân cũng như hoạt động của từng tổ chức không chỉ có sự tác động của luật pháp, mà còn được định hướng bởi đạo đức. Điều đó làm nổi bật đặc trưng pháp lý và nhân văn của dân chủ XHCN. 

Bằng cách đó, đạt được mục tiêu dân chủ sẽ dẫn tới sự phát triển tích cực, lành mạnh của cá nhân và xã hội. Trong các thể chế dân chủ của nền dân chủ XHCN, mối quan hệ giữa dân chủ với tập trung trong nguyên tắc (hay chế độ) tập trung dân chủ của hoạt động chính trị và quan hệ giữa dân chủ với đoàn kết, đồng thuận và hợp tác của cộng đồng xã hội, trong đời sống xã hội là những mối quan hệ nổi bật. Giải quyết đúng các mối quan hệ này sẽ chẳng những làm cho dân chủ thật sự là mục tiêu, mà còn là động lực phát triển. Đó là sự thống nhất và tác động lẫn nhau giữa mục tiêu và động lực của dân chủ. 

Trong mối quan hệ giữa tập trung và dân chủ trong tổ chức và hoạt động của các tổ chức chính trị, dân chủ cần có tập trung như một bảo đảm tất yếu, không thể thiếu. 

Như vậy, tập trung không đối lập với dân chủ mà chỉ đối lập với tự do vô chính phủ, tính phân tán, cát cứ, cục bộ địa phương và thói phường hội. Dân chủ không đối lập với tập trung, mà chỉ đối lập với quan liêu, chuyên chế, độc tài. 

Với Đảng Cộng sản Việt Nam, nhờ giữ vững tập trung dân chủ mà Đảng ta là một Đảng chiến đấu, Đảng hành động, có sức mạnh của tính tổ chức, tính kỷ luật. Với Nhà nước pháp quyền XHCN, tập trung dân chủ sẽ làm tăng hiệu lực của quản lý, nhất là quản lý kinh tế, quản lý các nguồn lực của phát triển. 

Với các đoàn thể chính trị xã hội trong hệ thống chính trị, tập trung dân chủ cũng là một đòi hỏi khách quan, tất yếu do mục tiêu thực thi dân chủ và quyền làm chủ của quần chúng quy định. 

Ở đây có tính đặc thù của Mặt trận cần phải được lưu ý. Trên phương diện tổ chức và hệ thống tổ chức các cấp của Mặt trận với thiết chế bộ máy Ủy ban MTTQ các cấp, thì vận hành theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong mối quan hệ giữa Mặt trận với các tổ chức thành viên của nó, với Đảng và Nhà nước, nhân tố chi phối lại là hiệp thương dân chủ dựa trên sự đồng thuận, hợp tác, thỏa thuận, tôn trọng và thuyết phục lẫn nhau, chứ không phải tập trung dân chủ. Vì lẽ đó, cần phải kết hợp, tập trung dân chủ với hiệp thương dân chủ thực hiện dân chủ ở nước ta. 

Trong đời sống xã hội, trong cộng đồng xã hội và dân tộc, đoàn kết để thúc đẩy dân chủ và muốn đoàn kết thật sự thì phải bảo đảm dân chủ. Chỉ có thật sự tôn trọng và tin cậy lẫn nhau thì mới có thể đoàn kết thực tâm, thực lòng vì mục tiêu chung, lợi ích chung. 

Chính điều này cho thấy sự cần thiết phải xây dựng văn hóa dân chủ trong đời sống xã hội để mọi quan hệ ứng xử giữa con người với con người và tổ chức thấm nhuần tinh thần bình đẳng, tôn trọng, tin cậy, hợp tác để cùng phát triển. Đó là những vấn đề cần được nghiên cứu và ứng dụng bởi các cơ chế, quy chế xây dựng dựa trên các chuẩn mực khoa học pháp lý- đạo đức và văn hóa. Theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, phát huy dân chủ, văn kiện Đại hội X còn đề cập đến những tư tưởng về sự cần thiết phải xác lập các cơ chế bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong mọi hoạt động và hành vi, cơ chế phát huy vai trò tư vấn, phản biện và giám sát xã hội của Mặt trận, của các đoàn thể chính trị - xã hội đối với các quyết sách của Đảng và Nhà nước. Để phát huy dân chủ và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, vấn đề hoàn thiện luật pháp trở nên cực kỳ bức xúc và hệ trọng. 

Đó là những bảo đảm cần thiết để phát huy vai trò động lực của dân chủ trong xã hội. 

Qua thực tiễn đổi mới, tư duy lý luận của Đảng cũng đã vươn tới những quan điểm mới, mở ra một khả năng và triển vọng tốt đẹp để xây dựng xã hội ta thành một xã hội dân chủ, trong đó nhân dân là người chủ chân chính của Nhà nước và xã hội, là chủ thể quyền lực. Vấn đề đặt ra là cần phải thực hành dân chủ rộng rãi và nghiêm túc, trước hết là dân chủ trong Đảng. Sự phát triển lành mạnh dân chủ trong Đảng chẳng những làm tăng sức mạnh của Đảng, mà còn nêu gương, thúc đẩy dân chủ trong xã hội. Thực hiện dân chủ rộng rãi sẽ là chiếc chìa khóa vạn năng giải quyết mọi khó khăn. Luận đề tư tưởng quan trọng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tỏ rõ vai trò, mục tiêu và động lực của dân chủ đối với sự phát triển xã hội. 

Tư tưởng dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa và phong cách dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được Đảng ta quán triệt, vận dụng vào sự nghiệp đổi mới, vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, đổi mới hệ thống chính trị hiện nay. 

Theo GS. TS Hoàng Chí Bảo, báo Nhân dân ngày 15/4/2006

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website