Đề cương phát biểu ý kiến của đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn trong buổi kết thúc Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (ngày 10/12/1980)

Thưa các đồng chí, 

Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương chúng ta đã: 

- Thảo luận về phương hướng và nhiệm vụ của kế hoạch năm 1981. 

- Quyết định triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng. 

- Bầu bổ sung đồng chí Trần Quốc Hoàn, Uỷ viên Bộ Chính trị vào Ban Bí thư Trung ương Đảng. 

Phần lớn thì giờ của Hội nghị chúng ta dành cho việc thảo luận báo cáo về kế hoạch nhà nước năm 1981. Các đồng chí Trung ương đã phát biểu ý kiến làm sáng tỏ nhiều vấn đề quan trọng và đã góp ý kiến cụ thể vào bản dự thảo nghị quyết. Đề nghị Trung ương giao cho Bộ Chính trị nghiên cứu những ý kiến đó để chỉnh lý lại bản dự thảo thành nghị quyết chính thức. 

Hôm nay, thay mặt Bộ Chính trị, tôi xin tóm tắt lại những vấn đề đã thảo luận và nói thêm một số ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ của kế hoạch năm 1981. 

I- Đánh giá tình hình năm 1980 

1. Xem xét tình hình kinh tế - xã hội năm 1980 không thể tách rời cục diện chung của cách mạng nước ta trong 5 năm qua 

Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vô cùng phấn khởi đã đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, tên đế quốc đầu sỏ, kết thúc thắng lợi cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng, giành lại độc lập, thống nhất hoàn toàn cho đất nước. Đồng thời, lúc bấy giờ, Bộ Chính trị đã nhận thấy có thể xảy ra những tình huống xấu: 

Một là, sau chiến tranh, nền kinh tế và xã hội bị đảo lộn nặng nề, phải hết sức đề phòng nạn đói. 

Hai là, bọn phản động... có thể xâm lược nước ta, buộc nhân dân ta phải tiến hành một cuộc chiến tranh mới bảo vệ Tổ quốc. 

Năm năm qua, trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhân dân ta đã đánh thắng hai cuộc chiến tranh xâm lược..., bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và tạo thế vững chắc cho cách mạng của ba nước Đông Dương. Trên mặt trận kinh tế, chúng ta cũng thu được thành quả to lớn trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh, trong công cuộc cải tạo và bước đầu xây dựng kinh tế. Những thắng lợi đó khẳng định thế vững vàng của cách mạng nước ta. 

Song, do sự phá hoại toàn diện và âm mưu bành trướng của địch, do tình trạng yếu kém của nền kinh tế mà sản xuất nhỏ còn là phổ biến, và do những khuyết điểm của Đảng và Chính phủ trong việc lãnh đạo và quản lý kinh tế chậm được khắc phục, cách mạng nước ta còn gặp nhiều khó khăn. Chúng ta phải ra sức phấn đấu và phấn đấu rất gian khổ, vừa chống địch phá hoại và đề phòng những cuộc tiến công mới của chúng, vừa đẩy mạnh sản xuất và cải tiến quản lý kinh tế thì mới cải thiện được tình hình. Nhưng chúng ta rất phấn khởi, tin tưởng. Bởi vì,... ngày nay hơn bao giờ hết, nước ta có sức đủ mạnh, có thế rất vững để bảo vệ độc lập tự do của mình. Hơn nữa, mấy năm qua mặc dù địch họa ở hai đầu đất nước và thiên tai nặng nề dồn dập, chúng ta đã tránh được nạn đói. Nhớ lại tình hình nguy hiểm những năm 1977, 1978, chúng ta càng vững tin ở thế mạnh của cục diện cách mạng hiện nay. Chúng ta phải làm cho toàn Đảng, toàn dân hiểu đúng như vậy, để xua tan mọi tư tưởng bi quan. 

2. Phải đánh giá một cách đầy đủ, sáng tỏ mặt tiến bộ, mặt đi lên từ khi có Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu của Trung ương Đảng và Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phân phối, lưu thông. 

Các chủ trương chính sách mới của Đảng và Nhà nước trên lĩnh vực kinh tế và sự cố gắng phấn đấu của các cấp, các ngành đang tạo ra những nhân tố mới, tích cực: sản xuất nông nghiệp (ở những nơi không bị thiên tai) có phát triển, thu mua lương thực, nông sản tăng khá; nhà nước nắm thêm được hàng, một số địa phương tăng thu cho ngân sách, có nơi bắt đầu bội thu. 

Việc làm thử cách khoán mới trong hợp tác xã nông nghiệp ở miền Bắc, làm thử trả lương sản phẩm trong xí nghiệp quốc doanh có tác dụng tốt. Phong trào lao động sản xuất bắt đầu có khí thế. Tình trạng trì trệ trong sản xuất bắt đầu chuyển biến theo hướng tốt: kỷ luật lao động được củng cố, năng suất lao động tăng, hiệu quả kinh tế có tiến bộ. 

Việc thực hiện hai nghị quyết nói trên, có những lệch lạc cần uốn nắn; song cần khẳng định rằng mặt tốt, mặt tích cực, lành mạnh là cơ bản. 

- Ra sức phát huy những nhân tố tích cực, áp dụng rộng rãi bài học thực tiễn tốt của cung cách quản lý kinh tế mới, nhất định chúng ta chuyển biến được tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. 

3. Tuy nhiên, những mặt tiến bộ đó chưa mạnh, chưa chiếm ưu thế. Tình hình kinh tế tài chính còn mất cân đối rất nghiêm trọng. Chúng ta bước vào năm 1981 với những khó khăn gay gắt về kinh tế và đời sống. 

- Những khó khăn nổi lên là: 

+ Thiếu lương thực. 

+ Thiếu năng lượng (điện, than, xăng, dầu). 

+ Thiếu nguyên liệu. 

+ Giá cả không ổn định, mức sống của công nhân viên chức giảm sút mạnh. 

+ Tài chính, tiền mặt bội chi quá lớn. 

+ Cán cân thanh toán quốc tế thiếu hụt nặng. 

Trong những khó khăn đó, có khó khăn bắt nguồn từ những nguyên nhân khách quan; song nhiều khó khăn chủ yếu là do khuyết điểm của Đảng và Chính phủ và các ngành, các cấp trong việc lãnh đạo và điều hành kinh tế. 

Chúng ta cần thấy rõ tình hình, hiểu đúng khó khăn và nguyên nhân của khó khăn, tăng cường đoàn kết nhất trí, đề cao tinh thần trách nhiệm, phát huy ý chí tự lực tự cường của toàn thể Trung ương, của mỗi ngành, mỗi cấp trong việc sửa chữa khuyết điểm, khắc phục khó khăn, cùng nhau phấn đấu tiếp tục đưa cách mạng mạnh mẽ tiến lên. 

II- Phương hướng, nhiệm vụ và những công tác chủ yếu của kế hoạch năm 1981 

A- Nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch những năm sắp tới và kế hoạch năm 1981 là: 

1. Đẩy mạnh sản xuất, cải tiến phân phối, lưu thông, ổn định và từng bước phát triển kinh tế, giảm bớt khó khăn, tiến lên đạt được một bước nhất định về cải thiện đời sống nhân dân. 

2. Tăng cường củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. 

3. Tiếp tục xây dựng có trọng điểm cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. 

4. Đẩy mạnh đúng đắn cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Cải tiến mạnh mẽ quản lý kinh tế. 

5. Củng cố quan hệ đặc biệt với Lào và Campuchia, đẩy mạnh hợp tác toàn diện với Liên Xô và tăng cường quan hệ kinh tế với các nước trong Hội đồng Tương trợ kinh tế. 

B- Nhiệm vụ và công tác chủ yếu năm 1981: 

1. Khai thác hai khả năng chủ yếu: lao động
 và đất đai. Sắp xếp lại và sử dụng tốt lao động trong từng xí nghiệp, từng hợp tác xã, tổ chức lại lao động trên địa bàn từng huyện và phân bố lại lao động trên phạm vi cả nước, để thâm canh, tăng vụ và mở rộng diện tích canh tác, đẩy mạnh chăn nuôi, trồng cây công nghiệp, mở mang ngành, nghề. 

ở thành thị, thu hút lực lượng lao động vào sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu. Nghiên cứu tổ chức các trường vừa học vừa làm nhằm sử dụng số thanh niên học sinh chưa có việc. Chuyển một bộ phận không có hiệu quả kinh tế trong biên chế hành chính sang sản xuất. 

Nghiên cứu và ban hành Luật nghĩa vụ lao động và Luật ruộng đất. 

- Sắp xếp lại cơ cấu kinh tế, bố trí đầu tư phải tập trung cao cho mặt trận nông nghiệp, trước hết phục vụ nhiệm vụ sản xuất lương thực, thực phẩm; coi trọng đầu tư cho sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, cho thăm dò và khai thác dầu khí; đồng thời bố trí đầu tư thích đáng cho các ngành điện, than, giao thông vận tải, cơ khí để đáp ứng yêu cầu của nông nghiệp và công nghiệp nhẹ. 

Thực hiện cho bằng được việc xây dựng tập trung, đồng bộ, dứt điểm các công trình trọng điểm, bảo đảm sớm đạt các mục tiêu ưu tiên. Khắc phục tình trạng xây dựng kéo dài và lãng phí. Trong khi làm tốt nhiệm vụ trước mắt, phải nắm chắc phương hướng chiến lược lâu dài. 

2. Nhiệm vụ hàng đầu là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ở tất cả các vùng trong nước nhằm giải quyết lương thực, thực phẩm, cung ứng nguyên liệu cho công nghiệp, và tạo ra những cơ sở sản xuất nông sản xuất khẩu. 

Trong vấn đề lương thực, thực phẩm, phải cố gắng rất cao để tăng sản lượng lúa, đồng thời có chuyển biến mạnh về mầu, đậu tương, rau, cá. Về nguyên liệu cho công nghiệp, đặc biệt cố gắng tạo một tiến bộ rõ trong việc giải quyết nguyên liệu cho mặc, bằng những biện pháp đồng bộ: trồng đay, dâu, bông, gai, bông goòng; gia công kéo sợi và dệt. 

+ Về địa bàn sản xuất nông nghiệp: 

- Nắm vững trọng điểm lương thực số một của cả nước là Đồng bằng sông Cửu Long. 

- Phát huy cao độ khả năng và truyền thống thâm canh, tăng vụ của Đồng bằng sông Hồng. 

- Đầu tư thích đáng khai thác tiềm năng của Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ về cây công nghiệp xuất khẩu để phục vụ cho nông nghiệp và công nghiệp. 

- Tận dụng khả năng khai thác các vùng khác nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực tại chỗ. 

ở tất cả các vùng, phải đẩy mạnh cả trồng trọt và chăn nuôi đưa hai ngành này từng bước lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. 

+ Về sản xuất công nghiệp và về đời sống: cố gắng hết sức chăm lo cho Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, bảo đảm cung ứng đủ lương thực, thực phẩm theo định lượng cho nhân dân cung ứng nguyên liệu, năng lượng khá hơn cho công nghiệp và cố gắng sắp xếp thêm việc làm cho những người chưa có việc. 

3. Tạo một chuyển biến mạnh mẽ trên mặt trận phân phối, lưu thông. Nắm vững chuyên chính vô sản, kết hợp ba loại biện pháp: kinh tế, hành chính, giáo dục, bảo đảm cho Nhà nước quản lý tốt thị trường, nắm tiền, nắm hàng, nhất là lương thực, ổn định từng bước tài chính, tiền tệ, cải tiến giá cả, tiền lương, thực hiện phân phối và phân phối lại hợp lý thu nhập của tầng lớp dân cư, chú ý cải thiện đời sống công nhân, viên chức. 

- Sắp xếp lại mạng lưới và đổi mới phương thức cung ứng vật tư kỹ thuật, thu mua các loại hàng, bán buôn và bán lẻ hàng tiêu dùng, đấu tranh kiên quyết chống sự phá hoại của địch trên mặt trận lưu thông. 

- Nắm vững diễn biến của tình hình, bổ sung kịp thời các phương án cụ thể để thực hiện triệt để, đồng bộ Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị. 

4. Nắm vững vai trò chiến lược của xuất nhập khẩu và hết sức đẩy mạnh xuất khẩu 

- Mở rộng kinh tế đối ngoại, đẩy mạnh xuất - nhập khẩu, trước hết và chủ yếu với Liên Xô và khối SEV, là một nhiệm vụ chiến lược cực kỳ quan trọng, một bộ phận của đường lối kinh tế. 

Tổ chức và mở rộng từng bước quy mô sản xuất xuất khẩu, cố gắng nâng cao chất lượng, nhằm nhập vật tư, kỹ thuật, trước hết là phân đạm, thuốc trừ sâu cho nông nghiệp. Thí dụ: ngay từ bây giờ, phải đặt vấn đề trồng mía, sản xuất đường để xuất khẩu mua phân đạm. Mọi ngành, mọi địa phương, mọi cơ sở, hễ có khả năng, thì đều phải làm hàng xuất khẩu. 

Bắt đầu hình thành một số vùng cây công nghiệp xuất khẩu: mía đường, thuốc lá, chè, rau, quả, cà phê, cao su, đồng thời phát triển các mặt hàng xuất hải sản, lâm sản, mỹ nghệ, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp. 

Khuyến khích mạnh xuất khẩu. Ngoài việc mở rộng hoạt động ngoại thương của Trung ương, cho phép Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các thành phố và tỉnh khác mở rộng xuất nhập khẩu, có sự kiểm tra của Nhà nước. 

5. Cải tiến mạnh mẽ quản lý kinh tế 

+ Đổi mới kế hoạch hóa kinh tế, 
bảo đảm kế hoạch quán triệt đường lối của Đảng, xứng đáng là cương lĩnh thứ hai. 

Cân đối kế hoạch trên ba khâu cơ bản: cả nước, địa phương và cơ sở, thể hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động ở ba cấp. Đặc biệt chú ý xây dựng kế hoạch từ cấp huyện nhằm thực hiện việc kết hợp lao động với đất đai và kết hợp nông công nghiệp trên địa bàn huyện. 

Làm kế hoạch từ cơ sở, mở rộng quyền tự chủ tài chính của cơ sở, quyền chủ động của các ngành, các địa phương. 

Kết hợp kế hoạch hoá với vận dụng thị trường, gắn liền kế hoạch với các chính sách đòn bẩy. 

Tăng cường căn cứ khoa học, bảo đảm kế hoạch cân đối hiện thực, khai thác được các khả năng và thoả mãn được các nhu cầu hợp lý. 

+ Phương hướng chung của việc cải tiến quản lý kinh tế là xoá bỏ chế độ quản lý theo lối hành chính bao cấp, chuyển mạnh sang phương thức kinh doanh xã hội chủ nghĩa, lấy kế hoạch làm trung tâm, vận dụng đúng đắn các quan hệ hàng hoá tiền tệ, thực hiện hạch toán kinh tế, bảo đảm sự nhất trí giữa ba lợi ích, khuyến khích hơn nữa lợi ích của người lao động và lợi ích tập thể, coi trọng hiệu quả kinh doanh. 

Thật sự coi trọng vai trò của các biện pháp kinh tế, cải tiến mạnh các đòn bẩy kinh tế, kiên quyết xoá bỏ tính chất bao cấp tràn lan trong các chính sách kinh tế, tài chính. 

Theo phương hướng đó, mọi chính sách, chế độ, cơ chế hiện hành cản trở việc khai thác các khả năng, trói buộc các cơ sở và địa phương, gây vướng mắc cho nhau giữa các ngành đều phải sửa chữa ngay. 

Giải quyết dứt khoát và không cầu toàn vấn đề phân cấp quản lý giữa trung ương và địa phương. 

6. Đưa nhanh khoa học kỹ thuật vào sản xuất 


Đi đôi với nghiên cứu cơ bản, công tác khoa học kỹ thuật phải nhằm phục vụ cho các mục tiêu chủ yếu của kế hoạch trong những năm sắp tới. 

Đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các sáng chế phát minh đã được kết luận vào sản xuất. Trong nông nghiệp, áp dụng rộng rãi vào sản xuất đại trà các giống mới về cây trồng và gia súc, trước hết là những giống lúa mới, chịu mặn, chịu úng, chống được sâu rầy. 

Tăng cường quản lý kỹ thuật trong từng đơn vị cơ sở và từng ngành. Tìm các giải pháp kỹ thuật ăn khớp với sự đổi mới phương thức quản lý. Bổ sung và xây dựng mới các tiêu chuẩn chất lượng, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật. 

Ban hành và thực hiện một số chính sách đối với cán bộ khoa học kỹ thuật và trí thức trong nước và Việt kiều. Sử dụng tài năng, chăm lo đời sống, đãi ngộ xứng đáng, khen thưởng kịp thời, khuyến khích sáng chế phát minh, khuyến khích áp dụng tiến bộ kỹ thuật. 

7. Thực hành nghiêm ngặt chính sách tiết kiệm 

Hiện nay tình trạng lãng phí trong xây dựng, trong sử dụng thiết bị, máy móc, vật tư kỹ thuật rất lớn; việc tiêu hao năng lượng, nguyên liệu, vật liệu trong đơn vị sản phẩm rất cao; việc mất mát vật tư, hàng hoá trong khâu bốc xếp, vận chuyển bảo quản rất nặng. 

Đặt việc tiết kiệm xăng dầu, than, điện, sắt thép, lương thực, các hoá chất nhập khẩu thành mục tiêu phấn đấu cụ thể cho từng ngành, từng cấp, từng cơ sở, từng đơn vị là một biện pháp cực kỳ quan trọng để khắc phục sự mất cân đối về vật tư kỹ thuật và phương tiện vật chất hiện nay. 

Có tổ chức, chính sách, chế độ thu nhặt, sử dụng phế liệu, phế phẩm, phục hồi phụ tùng... 

Trong chế độ khoán, phải hết sức khuyến khích tiết kiệm, khuyến khích bảo quản máy móc, thiết bị. 

Khen thưởng thích đáng những thành tích tiết kiệm và phạt nghiêm khắc những sai lầm, khuyết điểm về lãng phí, tham ô. 

- Tổ chức nghiên cứu để ra một chương trình tiết kiệm toàn diện. 

8. Đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam, hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. 

Đối với cải tạo nông nghiệp ở miền Nam: nắm vững mục đích đẩy mạnh sản xuất phát triển, cần tìm hình thức, cách làm và bước đi thích hợp để tiến hành cải tạo, nhưng kiên quyết và dứt khoát đưa nông dân vào con đường hợp tác hoá, đấu tranh chống sự câu kết giữa bọn tư sản trá hình với phú nông để bóc lột nông dân và chống phá cải tạo. 

Nơi nào làm xong cải tạo, phải có kế hoạch củng cố các hình thức làm ăn tập thể, nâng cao trình độ quản lý. 

- Đối với công thương nghiệp tư doanh, phải làm tốt đăng ký kinh doanh, kết hợp các biện pháp, các lực lượng đấu tranh chống đầu cơ, buôn lậu để quản lý và làm chủ thị trường. Tổ chức và mở rộng kinh doanh thương nghiệp của Nhà nước. Tiếp tục cải tạo tiểu thương, sắp xếp lại và phát triển các ngành, nghề tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp. Tận dụng các lực lượng sản xuất cá thể (còn tồn tại lâu dài) và thành phần tư sản (khi chưa hoàn thành cải tạo) để đẩy mạnh sản xuất và giao lưu hàng hoá dưới sự hướng dẫn quản lý của Nhà nước. 

Làm tốt cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp ở miền Bắc. 

- Hoàn thiện chế độ khoán đã có từ trước, áp dụng rộng rãi khoán sản phẩm trên nguyên tắc: bảo đảm sản xuất phát triển, không phương hại đến quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, không cản trở xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho nông nghiệp, không giảm nghĩa vụ đối với Nhà nước. 

- Tổ chức lại sản xuất, sắp xếp lại lao động, để tăng năng suất trồng trọt và chăn nuôi, phát triển ngành nghề. Tăng cường kinh tế tập thể, đồng thời giúp đỡ kinh tế của gia đình xã viên. Kết hợp chặt chẽ xây dựng hợp tác xã với xây dựng huyện. 

Đối với cơ sở quốc doanh và tập thể trong công nghiệp, thương nghiệp, đặc biệt coi trọng cải tiến quản lý, mở rộng trả lương theo sản phẩm, lương khoán và cải tiến chế độ tiền thưởng, hết sức chú ý khuyến khích tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, vật liệu, bảo quản tốt vật tư kỹ thuật, hàng hoá, nâng cao công suất sử dụng của thiết bị, máy móc... nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế và chất lượng sản phẩm, chất lượng xây dựng, chất lượng phục vụ. 

9. Tổ chức tốt việc quân đội tham gia xây dựng kinh tế. Tiếp tục quán triệt đường lối kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trong tình hình mới. Sử dụng hàng chục vạn quân đội làm nhiệm vụ xây dựng cơ bản phục vụ nông nghiệp và công nghiệp, và đảm nhận một số nhiệm vụ mũi nhọn quan trọng. Chú ý tổ chức chu đáo, quản lý chặt chẽ, theo đúng các chính sách chế độ kinh tế và các quy trình kỹ thuật, nhằm đạt năng suất hiệu quả cao, đem lại lợi ích thiết thực. Đồng thời phải bảo đảm các đơn vị làm kinh tế và lực lượng vũ trang nói chung luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, làm tốt nhiệm vụ củng cố quốc phòng, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. 

10. Đẩy mạnh hoạt động văn hoá, giáo dục góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội đã đề ra. Giữ vững và phát triển sự nghiệp giáo dục sát với hoàn cảnh từng miền, và phù hợp với tình hình thực tế của nền kinh tế, tích cực chuẩn bị và từng bước thực hiện cải cách giáo dục. Phát triển mạnh và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá quần chúng, văn học, nghệ thuật, thể dục, thể thao nhằm giáo dục lòng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội, cổ vũ ý chí chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, động viên khí thế lao động, xây dựng văn hoá mới và con người mới, phê phán và xoá bỏ các hiện tượng tiêu cực, các tập quán lạc hậu, đấu tranh trừ bỏ di sản độc hại của nền văn hoá nô dịch. 

Tiếp tục phát triển mạnh sự nghiệp y tế, nhất là ở miền Nam, miền núi, và các vùng biên giới, hết sức chăm lo làm tốt công tác phòng bệnh, phòng dịch. Chú ý đúng mức xây dựng công nghiệp dược phẩm, nhất là sản xuất thuốc chữa bệnh thông thường bằng dược liệu trong nước. 

11. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khắc phục tư tưởng ỷ lại vào bên ngoài. 

Dựa vào Liên Xô và cộng đồng các nước xã hội chủ nghĩa để tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, đó là nguyên tắc lý luận và là kinh nghiệm thực tiễn sáng tỏ. Nhưng dựa vào không phải là lệ thuộc và cũng không phải là ỷ lại. 

Các nước anh em hiện nay đều gánh vác nghĩa vụ quốc tế nặng nề. Lại thêm thế giới ngày nay đang khủng hoảng về năng lượng và lương thực. Cộng đồng xã hội chủ nghĩa có khó khăn trong việc cung ứng cho ta vật tư kỹ thuật. Ta phải nêu cao tinh thần tự lực tự cường, vươn lên tự đáp ứng đến mức cao nhất những nhu cầu bức thiết của mình. 

Thiếu xăng dầu, thì phải tiết kiệm. Nơi nào và việc gì còn có thể thì dùng sức súc vật, sức gió, sức người làm động lực. 

Thiếu phương tiện cơ giới, thì dùng phương tiện nửa cơ giới và thủ công, tổ chức tốt lao động để làm, chứ không ngồi chờ xe, chờ máy. 

Thiếu nguyên liệu, vật liệu bên ngoài, thì phải biết xuất để nhập, đồng thời cố gắng tìm nguyên liệu, vật liệu trong nước để thay thế. 

Tóm lại, phải biết kinh doanh, phát huy lực lượng và trí tuệ của quần chúng, khắc phục khó khăn mà làm, không chờ đợi, không ỷ lại. Khẩu hiệu phấn đấu trong kinh tế hiện nay là: với phương tiện, vật tư bằng hoặc ít hơn trước, phải làm ra sản phẩm nhiều hơn và tốt hơn trước. 

III- Kiện toàn tổ chức, tăng cường lãnh đạo và quản lý kinh tế, phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng 

Thi hành nghiêm chỉnh Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác tổ chức. Yêu cầu là phải đạt tới một sự chuyển biến sâu sắc, mạnh mẽ về công tác tổ chức, trước hết là tổ chức lãnh đạo và quản lý kinh tế. 

1. Trong năm 1981, phải làm ngay những công tác cấp bách sau đây: 

a) Trước hết, sắp xếp lại cán bộ ở những cương vị chủ chốt trong hệ thống kinh tế quốc dân, kiện toàn tổ chức các ban của Đảng, các cơ quan quản lý tổng hợp, các bộ quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật, nhất là hệ thống các ngành liên quan đến mặt trận nông nghiệp, mặt trận phân phối, lưu thông. 

b) Thực hiện nhanh, gọn, tốt việc chia tách, sát nhập, thành lập một số Bộ mới, Ban mới mà Bộ Chính trị đã quyết định. 

c) Tuyển chọn, bố trí đúng những khung cán bộ chủ chốt cho các xí nghiệp, các cơ sở trọng điểm về sản xuất, xây dựng và giao thông, như các nhà máy cơ khí, điện, các mỏ than, các xí nghiệp công nghiệp thực phẩm và hàng tiêu dùng quan trọng, các cảng, các công trường, nông trường lớn, các huyện trọng điểm. 

d) Chỉ đạo chặt chẽ việc củng cố tổ chức cơ sở Đảng, nhất là ở nông thôn, xí nghiệp, trước mắt gắn liền với việc hoàn thành công tác phát thẻ đảng viên vào cuối năm 1981. Kiện toàn các tỉnh uỷ, huyện uỷ hiện còn yếu, nhất là các huyện trọng điểm lúa và cây công nghiệp. 

2. Sửa đổi lề lối làm việc của các ngành, các cấp. Thực hiện các biện pháp đề cao trách nhiệm, tăng cường kỷ luật. Cải tiến chế độ làm việc của Trung ương; chấn chỉnh công tác thông tin kinh tế; xây dựng nền nếp chuẩn bị và thông qua các quyết định theo một trình tự khoa học, tập trung được trí tuệ của cán bộ quản lý, cán bộ khoa học, kỹ thuật để có thể chọn được những phương án tốt nhất về kinh tế. Sửa chữa khuyết điểm trong việc tổ chức thực hiện các quyết định; giải quyết nhanh việc sửa đổi các chính sách; tăng cường và làm tốt công tác kiểm tra; nhanh chóng kết luận về các sáng kiến và nhân tố mới nảy sinh, phát huy ưu điểm và sáng tạo, khắc phục kịp thời những khuyết điểm, lệch lạc của bên dưới. 

3. Làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, giáo dục sâu sắc lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và nâng cao ý chí phấn đấu cách mạng của toàn Đảng, toàn dân. 

Các cấp uỷ và tổ chức Đảng phải nắm chắc và làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, làm cho toàn Đảng và mọi tầng lớp nhân dân thấu suốt tình hình và nhiệm vụ trước mắt, hiểu sâu thắng lợi và cục diện cách mạng,..., đồng thời hiểu rõ nội dung cuộc đấu tranh giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Trên cơ sở đó, bồi dưỡng lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, coi đó là động lực mạnh nhất để nâng cao ý chí chiến đấu, chống mọi biểu hiện bi quan, dao động, củng cố lòng tin ở cách mạng, chế độ, kiên định con đường đấu tranh đánh bại kẻ thù, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng vượt qua mọi khó khăn để giành thắng lợi. 

Công tác tư tưởng phải tiến hành sâu rộng, linh hoạt sắc bén, bám sát đời sống kinh tế, xã hội, đi vào từng gia đình, từng người lao động, kịp thời giải đáp những thắc mắc của quần chúng, đập tan mọi luận điệu chiến tranh tâm lý của địch. 

4. Điều quan trọng đặc biệt để chuyển biến về kinh tế - xã hội là phải nhất thiết phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, bảo đảm cho quần chúng tự nguyện, tự giác dấy lên và nuôi dưỡng phong trào cách mạng luôn luôn sôi nổi trong quá trình đẩy mạnh ba cuộc cách mạng ở cơ sở. 

Các cấp ủy Đảng phải quan tâm lãnh đạo phong trào quần chúng, lãnh đạo các đoàn thể Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, tổ chức Nông dân tập thể, củng cố tổ chức, phát huy vai trò là những thành viên của hệ thống chuyên chính vô sản, là người công tác đắc lực với Nhà nước trong việc quản lý kinh tế, quản lý xã hội, là trường học về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản đối với đoàn viên, hội viên. 

Mặt khác, hết sức chăm lo đến đời sống, cải thiện điều kiện ăn, ở, sức khoẻ của người lao động. Trong quản lý kinh tế, phải bảo đảm thực hiện sự nhất trí giữa ba lợi ích, khiến người lao động thật sự gắn bó với sản xuất, thật sự quan tâm đến năng suất lao động và hiệu quả kinh tế. Đó là một biện pháp quan trọng phát huy tính tích cực cách mạng của quần chúng, khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong lao động sản xuất. 

Lãnh đạo chặt chẽ phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa, phát hiện và bồi dưỡng điển hình, phát động thi đua học tập, làm theo điển hình, bằng cách mở hội nghị những người tiên tiến đạt năng suất cao, có sáng kiến cải tiến tổ chức lao động, cải tiến kỹ thuật, mở đại hội bình bầu chiến sĩ thi đua ở từng ngành, từng cấp, cho đến đại hội toàn quốc. 



* * 

Tình hình và nhiệm vụ hiện nay đòi hỏi phải tạo được một sự chuyển biến về kinh tế - xã hội, mở đầu cho thời kỳ kế hoạch 5 năm 1981 - 1985. Muốn thực hiện được điều đó, trước hết phải chuyển biến mạnh mẽ trong sự lãnh đạo và quản lý kinh tế của Trung ương Đảng và Chính phủ. 

Trước mắt chúng ta còn nhiều khó khăn, song chưa bao giờ lực lượng cách mạng hùng hậu như ngày nay, chưa bao giờ chúng ta có những điều kiện và khả năng to lớn như ngày nay để giữ vững độc lập và phát triển kinh tế, bảo đảm nhu cầu thiết yếu trước mắt và cải thiện từng bước đời sống của nhân dân. 

Với sức mạnh của truyền thống đoàn kết nhất trí, Ban Chấp hành Trung ương chúng ta quyết động viên toàn Đảng, toàn dân phấn đấu tiến lên một cách vững chắc, đồng thời dồn lực lượng tranh thủ thời gian, giành những bước tiến vượt bậc ở một số mũi tiến công, mở ra cục diện mới cho cả nền kinh tế, thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1981, chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng. 

Chúng ta tin rằng Hội nghị Trung ương này mở đầu sự chuyển biến về tổ chức chỉ đạo của toàn Đảng, của tất cả các ngành, các cấp theo hướng đó. 

Lưu tại Kho Lưu trữ
Trung ương Đảng

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website