Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 25/12/1978, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nhiệm vụ kinh tế năm 1979

I - Tình hình kinh tế năm 1978

Năm 1978, trong hoàn cảnh đặc biệt phức tạp,  khó khăn do hành động thù địch... và do thiên tai nặng nề trên cả hai miền gây ra, những kết quả đạt được trên mặt trận kinh tế tuy còn thấp, đã thể hiện những cố gắng liên tục và khả năng to lớn của nhân dân ta, của tất cả các ngành, các cấp.

Nhiều nhân tố tích cực đang hình thành và phát triển:

- Sự nhất trí cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về tình hình và nhiệm vụ mới theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương, thật sự đã tạo ra một sức mạnh to lớn, kể cả trên mặt trận kinh tế.

- Phong trào thuỷ lợi, tăng vụ, thâm canh, trồng màu tiếp tục phát triển. Diện tích gieo trồng, diện tích canh tác mới, diện tích trồng rừng, lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới tăng hơn các năm trước. Đảng bộ và nhân dân các vùng bị lũ, lụt nặng trong Nam, ngoài Bắc đã chiến đấu kiên cường, tích cực khắc phục hậu quả thiên tai, kịp thời ổn định đời sống, đẩy mạnh sản xuất, khôi phục nhanh các mặt hoạt động.

- Nhiều địa phương và cơ sở có thành tích khá toàn diện trong sản xuất nông nghiệp và huy động sản phẩm cho Nhà nước. Một số tỉnh trước đây vốn rất thiếu lương thực, nhưng do biết tập trung sức chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là phát triển mạnh hoa màu, nên đã tự giải quyết được nhu cầu lương thực của địa phương và có phần đóng góp cho trung ương.

- Có những xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh, hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, tập đoàn sản xuất, mặc dầu cũng gặp nhiều khó khăn, vẫn đẩy mạnh được sản xuất, đạt năng suất và hiệu quả cao, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Trong công nghiệp có những tiến bộ mới về cải tiến kỹ thuật, tìm kiếm nguyên liệu thay thế, v.v..

 miền Nam, công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh đã căn bản hoàn thành; phong trào hợp tác hoá nông nghiệp đang tiến triển thuận lợi.

- Công tác chiến đấu, phục vụ chiến đấu, tăng cường lực lượng quốc phòng, củng cố biên giới, bảo vệ an ninh chính trị triển khai nhanh, tốt và có hiệu quả.

Càng đi về địa phương, đi sát cơ sở, càng thấy rõ những nhân tố mới. Ngành nào, địa phương nào cũng có những đơn vị tiên tiến, những điển hình sinh động phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, làm tốt nhiệm vụ phát triển sản xuất, tổ chức đời sống, chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu.

Tuy nhiên, so với những nhiệm vụ kinh tế của kế hoạch 5 năm 1976-1980 thì kết quả đạt được trong ba năm qua còn rất thấp. Nền kinh tế nước ta hiện đứng trước những khó khăn nghiêm trọng:

Một là, sản xuất và thu nhập quốc dân tăng rất chậm trong khi dân số tăng nhanh; sản xuất không đủ tiêu dùng.

Hai là, xuất khẩu kém, giữa xuất và nhập mất cân đối ngày càng lớn. Việc nhập phụ tùng, nguyên liệu cần thiết cho sản xuất gặp nhiều khó khăn.

- Ba là, thu không đủ chi; thị trường, giá cả không ổn định; đời sống nhân dân lao động ở một số vùng, nhất là công nhân, viên chức có phần khó khăn hơn trước.

Trong khi đó, lao động, đất đai còn nhiều, chưa sử dụng hết; thiết bị, máy móc, vật tư chưa được kiểm kê chặt chẽ, chưa được quản lý và khai thác tốt để đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm đời sống.

Khó khăn nổi bật nhất hiện nay là:

- Thiếu lương thực.

- Thiếu ngoại tệ, nhất là ngoại tệ tư bản.

Tình hình nghiêm trọng trên đây là do những nguyên nhân khách quan và chủ quan tác động từ nhiều năm. Khuyết điểm chủ quan là nguyên nhân của tình trạng trì trệ kéo dài trong tổ chức và quản lý kinh tế.

Về khách quan

Trước hết là tình trạng không cân đối vốn có của một nền kinh tế lạc hậu và phụ thuộc, chịu ảnh hưởng nặng của chiến tranh và chủ nghĩa thực dân mới. Với cơ sở vật chất - kỹ thuật thấp kém, nền kinh tế nước ta chưa đủ sức tự trang bị về kỹ thuật, chưa đáp ứng được nhu cầu cơ bản của đời sống. Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thực hiện thống nhất đất nước, chúng ta thấy những tiềm năng, thuận lợi mới, nhưng chưa lường hết hậu quả của chiến tranh và các khó khăn, phức tạp do nền kinh tế nước ta còn những mặt phụ thuộc bên ngoài.

Hậu quả của chiến tranh chưa khắc phục xong, thì hành động xâm lấn và phá rối của bọn phản động... lại gây thêm khó khăn, thiệt hại cho nền kinh tế, buộc ta phải tăng chi phí quốc phòng.

Thiên tai nặng trong hai năm 1977, 1978 gây mất mùa liên tiếp, làm hao hụt một khối lượng lớn lương thực.

Về chủ quan

1. Trong xây dựng kế hoạch cũng như tổ chức thực hiện, chưa thấu suốt quan điểm độc lập, tự chủ, vươn lên tự lực giải quyết những vấn đề kinh tế cấp bách mà  ta có khả năng giải quyết, như: tích cực tăng vụ và thâm canh lúa đi đôi với tận lực sản xuất và chế biến màu để có đủ lương thực; phát triển các loại cây có chất đạm, chất đường, chất béo, các loại rau quả, đẩy mạnh chăn nuôi, mở mang nghề cá để có thêm thực phẩm; ra sức trồng dâu nuôi tằm, trồng đay, bông để giải quyết vấn đề mặc; đẩy mạnh sản xuất vôi, lân, làm nhiều phân chuồng, phân xanh để tăng năng suất cây trồng; tìm mọi cách khai thác vật tư trong nước để giảm nhập khẩu; triệt để tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, vật tư...

2. Trong bố trí kế hoạch kinh tế, chưa nắm vững nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là ra sức phát triển sản xuất nông nghiệp, đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Chưa đầu tư tập trung và đồng bộ cho nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp, cho các vùng trọng điểm để có khối lượng lớn về sản phẩm hàng hoá; thực hiện chậm việc phân bố lại lao động, mở rộng diện tích đất nông nghiệp; chưa coi trọng đúng mức phát triển chăn nuôi cân đối với trồng trọt.

Chưa dồn sức xây dựng nhanh những cơ sở cần thiết về cơ khí, năng lượng, giao thông vận tải để phục vụ nông nghiệp; chưa chú trọng đầu tư chiều sâu để tận dụng công suất thiết bị, máy móc; chưa quan tâm tạo nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng.

Chưa tập trung sức khai thác các thế mạnh về hàng xuất khẩu từ nông sản, lâm sản, hải sản, khoáng sản và gia công cho nước ngoài. Chưa đầu tư đúng mức và đồng bộ để tạo ra nguồn hàng xuất khẩu chủ lực. Sử dụng hàng nhập lãng phí và kém hiệu quả.

Trong xây dựng cơ bản, kéo dài tình trạng phân tán dàn đều, không tập trung xây dựng nhanh những ngành và cơ sở sản xuất cấp thiết nhất đối với nền kinh tế; bố trí khối lượng công trình không cân đối với khả năng vật liệu và lực lượng thi công, chậm đưa công trình vào sử dụng.

Công tác kế hoạch hoá tập trung quan liêu, gò bó, chưa phát huy tính chủ động của các cơ sở, các địa phương và các ngành. Kế hoạch vừa kém tích cực, vừa thiếu vững chắc. Một số chỉ tiêu đề ra không thực hiện được.

3. Các chính sách kinh tế chưa thật sự khuyến khích sản xuất, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở, các địa phương và các ngành phát huy hết khả năng; chưa khuyến khích và đòi hỏi người lao động làm việc có kỷ luật, có  kỹ thuật, tiết kiệm lao động, vật tư, tiền vốn, đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả tốt. Một số chính sách cụ thể về thu mua, giá cả, tiền lương, tín dụng không phù hợp, tác động không tốt đối với sản xuất và đời sống.

4. Hệ thống tổ chức sản xuất chậm được chấn chỉnh. Tổ chức và quản lý ở cơ sở quá kém, lãng phí nghiêm trọng lao động, vật tư, không tuân thủ các quy trình, quy phạm kỹ thuật, các tiêu chuẩn, định mức, do đó năng suất thấp, giá thành cao, chất lượng kém.

Việc xây dựng huyện tiến hành quá chậm.

Trong từng ngành, chậm hình thành các tổ chức sản xuất, kinh doanh chuyên môn hoá và hiệp tác. Tình trạng chồng chéo, cản trở lẫn nhau giữa các ngành, giữa ngành với cấp, nhất là giữa kinh tế trung ương và kinh tế địa phương, chậm được khắc phục.

5. Bộ máy quản lý và công tác chỉ đạo thực hiện chưa bảo đảm chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng

Bộ máy quản lý chậm được cải tiến và kiện toàn. Biên chế hành chính quá nặng.

Nhiều vấn đề đã có quyết định cụ thể nhưng không được chấp hành tích cực và nghiêm chỉnh; thiếu biện pháp thiết thực, không định rõ trách nhiệm và thời hạn thực hiện. Các kinh nghiệm hay, điển hình tốt chưa được kịp thời tổng kết và nhân rộng ra.

Việc cải tạo xã hội chủ nghĩa công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Nam chưa gắn chặt với việc tổ chức lại sản xuất công nghiệp và lưu thông phân phối dưới các hình thức thích hợp, với việc xây dựng và quản lý tốt hoạt động của các ngành. Năng lực sản xuất chưa được tận dụng, có phần bị mất mát, hư hỏng; việc thu mua, nắm nguồn hàng trong tay Nhà nước đạt kết quả thấp; Nhà nước chưa hoàn toàn làm chủ được thị trường.

Việc xoá bỏ tàn dư bóc lột phong kiến và các hình thức bóc lột tư bản chủ nghĩa ở nông thôn và việc cải tạo nông nghiệp ở nhiều tỉnh miền Nam làm chậm. Một số tỉnh chưa thật sự gắn liền việc đẩy mạnh hợp tác hoá với việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp.

Quần chúng chưa thật sự làm chủ trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức sản xuất và đời sống; phong trào cách mạng của quần chúng chưa phát triển rộng khắp; tệ quan liêu, cửa quyền, gây phiền hà cho dân, vi phạm quyền làm chủ của quần chúng ở các cấp, nhất là ở cơ sở, vẫn còn nặng. Các hiện tượng tiêu cực như ăn cắp, lười biếng, lãng phí, làm ăn phi pháp chưa được khắc phục.

*
*    *

Về các khuyết điểm trên, các ngành, các cấp từ trung ương đến cơ sở đều có trách nhiệm. Mỗi ngành, mỗi cấp phải nghiêm khắc tự phê bình về khuyết điểm của mình, định rõ thời hạn sửa chữa bằng được, không chờ đợi và đổ trách nhiệm cho cơ quan khác, người khác.

Bộ Chính trị chưa giải quyết kịp thời một số chủ trương, chính sách kinh tế, một số vấn đề về tổ chức, cán bộ. Ban Bí thư chịu trách nhiệm chính về những thiếu sót trong công tác tổ chức, cán bộ, công tác tư tưởng và vận động quần chúng; chưa kiểm tra chặt chẽ hoạt động của bộ máy nhà nước, phát hiện và uốn nắn sai sót, tổng kết điển hình tiên tiến; chưa cùng Thường vụ Hội đồng Chính phủ giải quyết kịp thời các vấn đề về chính sách và quản lý kinh tế.

Hội đồng Chính phủ, nhất là Thường vụ Hội đồng Chính phủ, chịu trách nhiệm chính về những khuyết điểm trong việc tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, trong các chính sách, trong tổ chức quản lý kinh tế và quản lý nhà nước, trong việc điều hành, phối hợp hoạt động của các ngành, các cấp; giải quyết công việc cho cấp dưới chưa cụ thể và kịp thời.

Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước chịu trách nhiệm chính về những khuyết điểm trong công tác kế hoạch hoá, chưa phát huy tính chủ động của các cơ sở, các địa phương và các ngành để xây dựng kế hoạch, bố trí các cân đối kinh tế quốc dân một cách tích cực và vững chắc.

Từng bộ, tổng cục chịu trách nhiệm về những khuyết điểm trong việc cụ thể hoá chủ trương của Đảng, xây dựng kế hoạch, chính sách và chỉ đạo thực hiện ở ngành mình. Cách làm việc còn quan liêu, không sát cơ sở, không nắm toàn ngành, chưa xây dựng quan hệ tốt với các địa phương.

Các tỉnh, thành chưa thật sự làm chủ việc xây dựng kinh tế ở địa phương, chưa chủ động khai thác và phát huy mọi khả năng để đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm nhu cầu đời sống nhân dân, đóng góp cho trung ương và trang bị cho kinh tế địa phương.

Các huyện, các đơn vị cơ sở còn bị động, chờ đợi cấp trên, chưa phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tận dụng năng lực sản xuất sẵn có và phát huy sáng kiến của quần chúng để xây dựng kế hoạch, tăng năng suất lao động, mở rộng mặt hàng, tổ chức đời sống.

II- Nhiệm vụ kinh tế năm 1979

Trong tình hình mới, phải ra sức xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của quần chúng để thực hiện đồng thời ba nhiệm vụ chung:

Một là, ổn định và bảo đảm đời sống nhân dân.

Hai là, tăng cường quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc.

Ba là, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu trước mắt, đồng thời chuẩn bị điều kiện phát triển cho những năm sau.

Phải hết sức quan tâm đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân, nhất là ăn, mặc, ở; đó là yêu cầu cấp bách trước mắt, là một nội dung cơ bản của việc xây dựng quyền làm chủ tập thể, đẩy mạnh ba cuộc cách mạng, bồi dưỡng lực lượng nhằm hoàn thành tốt cả ba nhiệm vụ.

Phải ra sức tăng cường quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Có phương hướng xây dựng quốc phòng đúng, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, tận dụng lực lượng quân đội làm kinh tế; quản lý chặt chi phí quốc phòng, tiết kiệm sức người, sức của để giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế.

Phải dồn sức xây dựng cho được những cơ sở vật chất - kỹ thuật quan trọng và cấp bách nhất; tạm hoãn hoặc giảm bớt xây dựng những công trình chưa thật cần thiết hoặc chưa có điều kiện làm ngay.

Trong việc thực hiện ba nhiệm vụ nói trên, phải nắm vững vấn đề quan trọng nhất là bảo đảm cho người lao động có việc làm, có đủ ăn, đủ mặc. Muốn vậy, phải tận dụng hai thế mạnh của ta là lao động và đất đai cùng các tư liệu sản xuất khác hiện có.

Trong năm 1979, phải thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế sau đây:

1. Tập trung sức đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp toàn diện, nhất là lương thực, thực phẩm. Kết hợp chặt chẽ nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp

Phải nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, dùng hết lao động, đất đai, máy móc và mọi khả năng khác để làm lương thực, thực phẩm.

Năm 1979, phấn đấu đạt cho được 16 đến 17 triệu tấn lương thực, trong đó có khoảng 4 triệu tấn màu quy thóc. Những nơi có điều kiện làm lương thực phải ra sức tăng vụ, thâm canh, mở thêm diện tích canh tác.

Về lúa phải tập trung đầu tư, tăng thêm lao động, giải quyết nước và sức kéo để sớm mở ra hai vụ ở đồng bằng sông Cửu Long, nhất là ở ba tỉnh Minh Hải, Hậu Giang, Kiên Giang. Đẩy mạnh thâm canh ở đồng bằng Bắc Bộ, đưa vào sản xuất cho hết diện tích còn hoang, hoá ở miền Bắc.

Mở rộng và chỉ đạo chặt chẽ phong trào thuỷ lợi nhằm đạt hiệu quả tốt nhất.

Dành 10 đến 15% diện tích canh tác cho chăn nuôi, tích cực đưa chăn nuôi lên thành ngành sản xuất chính, kết hợp chăn nuôi với trồng trọt. Sản xuất nhiều vôi, lân, tăng nhanh phân chuồng, phân xanh, bảo đảm chỉ tiêu nhập phân đạm, cung ứng đủ thuốc trừ sâu.

Về màu, phát triển mạnh ở mọi  nơi, nhất là ở miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, trung du, miền núi; mở nhanh vụ đông ở đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Khu IV cũ; trồng các loại màu thích hợp ở đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải Trung Bộ.

Nhà nước phải xây dựng những khu vực lớn làm màu, kết hợp thủ công với cơ giới; khuyến khích hợp tác xã, gia đình sản xuất màu. Phải giải quyết tốt vấn đề đào dỡ, phơi sấy, chế biến và vận chuyển màu. Xây dựng hàng loạt cơ sở chế biến màu tập trung, trang bị rộng rãi công cụ cải tiến cho các hợp tác xã và gia đình chế biến màu.

Phấn đấu nâng tỷ lệ màu trong cơ cấu bữa ăn.

Bộ Nông nghiệp phải trình kế hoạch cụ thể về các vùng lúa, vùng màu để Chính phủ quyết định ngay đầu năm 1979. Đối với từng vùng, phải có phương án kinh tế - kỹ thuật đúng, xác định mục tiêu cần đạt, phương tiện cần có, yêu cầu đối với từng ngành, từng địa phương, định rõ trách nhiệm thực hiện và cán bộ phụ trách.

Bộ Lương thực và thực phẩm, Bộ Nông nghiệp, Bộ Cơ khí và luyện kim phải xây dựng kế hoạch cụ thể về chế biến màu để trình Chính phủ quyết định đầu năm 1979.

Giữ vững và thực hiện kiên quyết mục tiêu xây dựng các vùng kinh tế mới đã được xác định ở Đại hội lần thứ IV của Đảng và ở Hội nghị lần thứ hai của Ban Chấp hành Trung ương. Tập trung chỉ đạo một số địa bàn trọng điểm ở đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và một số tỉnh miền núi phía bắc để tạo ra sản lượng lương thực, thực phẩm và nguồn hàng xuất khẩu quan trọng.

Chính phủ phải có kế hoạch tích cực và cụ thể đẩy mạnh việc phân bố lại lao động trong cả nước, trước hết cho các địa bàn trọng điểm nói trên.

Trong việc xây dựng các khu kinh tế mới, phải chuẩn bị tốt về tổ chức và cán bộ, bảo đảm đạt hiệu quả kinh tế, tránh làm hình thức. Củng cố vững chắc các khu kinh tế mới đã xây dựng. Tính toán chu đáo quy hoạch của từng địa bàn, mở diện tích đến đâu, đưa vào sản xuất và thâm canh đến đó. Chú trọng ngay từ đầu những quy định về chống xói mòn, bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Nhà nước phải giải quyết tốt lương thực cho kế hoạch xây dựng các khu kinh tế mới; các địa phương đưa người đi và các địa phương tiếp nhận người đến phải cùng nhau đảm nhận một phần lương thực. Lập một tổ chức mạnh, có đủ quyền lực, trực thuộc Hội đồng Chính phủ, chuyên trách công tác xây dựng các khu kinh tế mới; giao cho cơ quan này đảm nhiệm công tác định canh, định cư.

Đẩy mạnh trồng rừng, bảo vệ rừng và khai thác rừng một cách hợp lý, kết hợp chặt chẽ lâm nghiệp với nông nghiệp; bằng mọi cách chấm dứt nạn phá rừng, cháy rừng và lãng phí lâm sản. Tăng thêm đầu tư để sớm tạo ra nguồn xuất khẩu lớn về gỗ và các lâm sản khác.

Đẩy mạnh đánh, bắt hải sản, tổ chức tốt việc nuôi tôm, cá nước ngọt, nước lợ; ra sức khai thác khả năng lớn về xuất khẩu hải sản. Tăng cường cơ sở hậu cần cho nghề cá, bảo đảm sửa chữa tàu thuyền, cung ứng phụ tùng, nhiên liệu, dụng cụ đồ nghề.

Đi đôi với đẩy mạnh sản xuất phải chuyển biến một cách căn bản công tác thu mua nắm nguồn hàng nông sản, lâm sản và hải sản, nhằm bảo đảm nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

2. Đẩy mạnh xuất khẩu để bảo đảm yêu cầu nhập khẩu

Tăng cường đầu tư để tăng nhanh năng lực xuất khẩu, trước hết trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, khoáng sản và gia công xuất khẩu. Mạnh dạn nhập khẩu vật tư, nguyên liệu để tăng xuất khẩu, với điều kiện bảo đảm có hiệu quả kinh tế tốt.

Nhanh chóng tạo ra những vùng xuất khẩu lớn về nông sản (cao su, cà phê, lạc, đỗ, dứa, chuối, thuốc lá, chè, đay, tơ tằm, cói, v.v.), về chăn nuôi, về hải sản và lâm sản. Tích cực khai thác và cung ứng đủ nguyên liệu để tăng mức xuất khẩu hàng mây, tre, cói, hàng mỹ nghệ. Mở rộng gia công cho các nước về các mặt hàng sợi, dệt và may mặc, thêu, thảm len, dược liệu, ... Thành lập những công ty chuyên doanh phụ trách các mặt hàng xuất khẩu quan trọng từ trồng trọt, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

Ban hành ngay trong quý I năm 1979 một số chính sách khuyến khích xuất khẩu: bảo đảm cung ứng đủ lương thực cho những vùng, những người sản xuất hàng xuất khẩu; điều chỉnh một số giá mua để khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu; các ngành, các địa phương và các cơ sở được sử dụng một phần ngoại tệ thích đáng trong kim ngạch xuất khẩu của mình để nhập vật tư, nguyên liệu cần thiết.

Tính toán chặt chẽ các yêu cầu nhập khẩu và chi ngoại tệ. Kiên quyết giảm nhập những vật tư, hàng hoá mà trong nước sản xuất được; tận dụng khả năng khai thác mọi nguồn vật tư, nguyên liệu trong nước.

3. Phát triển sản xuất hàng tiêu dùng

Năm 1979, phải cố gắng bảo đảm tốt hơn nhu cầu về hàng tiêu dùng, nhất là những hàng sản xuất với nguyên liệu trong nước như đồ gỗ, giấy viết, chiếu cói, đồ sành sứ, thuỷ tinh, kim khí, v.v..

Tích cực giải quyết vấn đề mặc bằng cách đẩy mạnh trồng dâu, nuôi tằm ở khắp nơi, từ những khu vực có điều kiện chuyên canh lớn, cho đến vườn nhà, bờ vùng, bờ thửa. Tăng nhanh diện tích trồng đay, mở rộng vững chắc diện tích trồng bông. Xây dựng sớm các cơ sở kéo sợi mới để mở rộng dệt gia công cho nước ngoài. Trong điều kiện khó khăn hiện nay, việc phân phối vải phải ưu tiên cho đồng bào miền núi, cho những người lao động làm những việc mau hư hỏng quần áo, tránh phân phối bình quân.

Hết sức khuyến khích các cơ sở, các địa phương và các ngành, cả quốc doanh, tập thể và tư nhân, tận dụng nguyên liệu trong nước, phế liệu, phế phẩm để sản xuất hàng tiêu dùng, kể cả hàng xuất khẩu.

4. Các ngành công nghiệp nặng và giao thông vận tải phải phục vụ tốt hơn cho nông nghiệp và các hoạt động kinh tế quan trọng khác; đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, tăng nhanh năng lực sản xuất và vận chuyển, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng.

Đặc biệt chú trọng phát triển than, điện, cơ khí, phân bón, vật liệu xây dựng. Đẩy mạnh thăm dò dầu khí. Tăng thêm năng lực đi đôi với cải tiến quản lý giao thông - vận tải, nhất là đường sắt, đường biển, đường sông.

5. Chấn chỉnh công tác xây dựng cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả vốn đầu tư.

Hết sức tập trung cho các mục tiêu quan trọng và cấp bách, tạm hoãn những công trình chưa thật cấp thiết, chưa có điều kiện hoàn thành đồng bộ. Chỉ khởi công mới những công trình có đủ vật tư bảo đảm tiến độ xây dựng và có nguyên liệu khi công trình được huy động vào sản xuất. Tăng cường đầu tư phục vụ xuất khẩu, đầu tư tạo nguyên liệu, đầu tư bổ sung để tận dụng công suất hiện có. Bảo đảm đủ vốn, vật liệu, lực lượng thi công cho các công trình chuyển tiếp, nhất là công trình hoàn thành trong năm 1979 - 1980.

Đối với các công trình dưới hạn ngạch, từng ngành, từng địa phương phải căn cứ vào khả năng thực tế để bố trí sát, đúng, kiên quyết khắc phục tình trạng xây dựng phân tán dàn đều, kéo dài thời gian thi công, không bảo đảm chất lượng.

6. Tiếp tục hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam

ở miền Bắc, phải làm tốt việc tổ chức lại sản xuất, củng cố hợp tác xã, mở rộng phong trào làm theo Định Công, Vũ Thắng... bảo đảm sau vài năm không còn hợp tác xã kém, nát, trì trệ.

ở miền Nam, phấn đấu đến năm 1980 căn bản hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, gắn liền với tổ chức lại sản xuất và phát triển sản xuất.

Thi hành nghiêm chỉnh chỉ thị của Bộ Chính trị về xoá bỏ tàn dư bóc lột phong kiến và các hình thức bóc lột tư bản chủ nghĩa ở nông thôn, điều chỉnh ruộng đất, đẩy mạnh hợp tác hoá nông nghiệp, phát triển nhanh chóng và vững chắc tập đoàn sản xuất và hợp tác xã.

Việc xây dựng và củng cố hợp tác xã phải gắn liền với việc xây dựng huyện và kiện toàn cấp huyện.

Củng cố và nâng cao kết quả cải tạo xã hội chủ nghĩa công thương nghiệp tư doanh ở miền Nam. Quản lý tốt các xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh; hoàn thành việc cải tạo các cơ sở tư doanh còn lại theo các hình thức thích hợp; tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại các ngành, nghề tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp; phát triển nhanh hơn nữa thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, chuyển tư sản thương nghiệp và một phần tiểu thương sang sản xuất.

7. Bảo đảm các yêu cầu về tăng cường quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị, củng cố các vùng biên giới, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

8. Ra sức xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động.

Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế nói trên, điều có ý nghĩa quyết định là xây dựng và phát huy cho được quyền làm chủ tập thểcủa nhân dân lao động ở cơ sở, địa phương và trong cả nước.

Từng cơ sở, từng địa phương, từng ngành phải có kế hoạch và hình thức tổ chức cụ thể thực hiện quyền làm chủ của quần chúng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Trên lĩnh vực kinh tế, quyền làm chủ đó là làm chủ lao động, làm chủ đất đai, làm chủ sản xuất, phân phối và tổ chức đời sống, thể hiện trong việc kế hoạch hoá và quản lý kinh tế, bảo đảm sự nhất trí giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, giữa nghĩa vụ và quyền lợi, phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của cả tập thể và từng người lao động.

Cần xây dựng thành chế độ việc các tổ chức đảng và chính quyền thường xuyên tiếp xúc với quần chúng, và việc quần chúng kiểm tra, góp ý kiến với các cấp lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Kiên quyết chống mọi hành vi ức hiếp quần chúng, ăn cắp của công; thi hành kỷ luật nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm quyền làm chủ tập thể của nhân dân.

Phát động phong trào thi đua sôi nổi trong cả nước, nâng cao tinh thần chủ động, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân nhằm khắc phục khó khăn, tận dụng mọi khả năng sản xuất hiện có, tăng năng suất lao động, thực hành tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng. Muốn vậy, đi đôi với công tác tuyên truyền, động viên, phải có các chính sách kinh tế thích hợp, cải tiến tổ chức và quản lý, giải quyết tốt các yêu cầu thiết thực trong sản xuất và đời sống.

III- Cải tiến tổ chức và quản lý

Những việc phải thực hiện trong năm 1979 là:

1. Thật sự đổi mới kế hoạch hoá cả nội dung và phương pháp

Trong kế hoạch hoá, phải xuất phát chủ yếu từ lao động, đất đai, rừng, biển và các tư liệu sản xuất hiện có để khai thác hết tiềm lực, bảo đảm cho kế hoạch vừa tích cực vừa vững chắc.

Kế hoạch phải được xây dựng từ cơ sở, từ huyện. Mở rộng quyền kế hoạch hoá để cho các cơ sở, các địa phương, các ngành làm chủ được kế hoạch của mình, Uỷ ban Kế hoạch phải làm tốt nhiệm vụ tổng hợp và cân đối.

Phải thể hiện chủ trương kinh tế của Đảng thành các phương án kinh tế - kỹ thuật tốt, phát huy trí tuệ của đội ngũ cán bộ kinh tế và cán bộ khoa học, kỹ thuật. Kế hoạch nhà nước phải là bản tổng hợp các phương án kinh tế - kỹ thuật được lựa chọn kỹ.

Ngày từ đầu năm 1979, các đồng chí trong Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng Chính phủ cùng các đồng chí phụ trách ngành về các địa phương trọng điểm kiểm tra công việc, giải quyết tại chỗ các vấn đề cần thiết về sản xuất và đời sống, chỉ đạo việc tính toán lại kế hoạch từ cơ sở. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước phải tổng hợp, hoàn chỉnh kế hoạch năm 1979 gắn liền với xây dựng số kiểm tra của kế hoạch năm 1980, đồng thời xúc tiến làm kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981 - 1985).

2. Đẩy mạnh việc xây dựng huyện và kiện toàn cấp huyện

Các ngành và các địa phương phải hợp sức triển khai việc xây dựng huyện trong cả nước theo Chỉ thị số 33 của Bộ Chính trị, biến huyện thành đơn vị kinh tế nông - công nghiệp, thành pháo đài chiến đấu bảo vệ đất nước. Phải làm ngay từ đầu năm 1979 một số việc sau đây:

Đưa phần lớn huyện uỷ viên về xã và hợp tác xã, đưa một nửa tỉnh uỷ viên về làm bí thư huyện.

Từng ngành trung ương phải chuyển một bộ phận cán bộ quản lý và khoa học, kỹ thuật về tăng cường cho huyện, giúp huyện làm chủ được quy hoạch và kế hoạch, áp dụng khoa học - kỹ thuật để thâm canh, tăng vụ, phân công lại lao động, phát triển ngành nghề, tổ chức đời sống, kết hợp kinh tế với quốc phòng. Từng ngành phải xây dựng ngành mình trên địa bàn huyện, liên kết với các ngành khác để tạo nên sức mạnh tổng hợp phục vụ tốt cơ sở.

Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng Chính phủ cần chỉ đạo chặt việc xây dựng huyện và kiện toàn cấp huyện; có bộ phận chuyên lo kiểm tra, đôn đốc thường xuyên; tập trung chỉ đạo một số huyện có vị trí quan trọng để rút kinh nghiệm.

3. Cải tiến một bước các chính sách kinh tế

Trước mắt, giải quyết ngay một số vấn đề sau đây:

- Thi hành trong cả nước Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị về thu mua lương thực bao gồm ba điểm: thuế, hợp đồng hai chiều, mua theo giá thoả thuận đối với số lương thực còn lại. Vận dụng tinh thần đó để cải tiến chính sách thu mua các sản phẩm khác của kinh tế tập thể và cá thể.

- Mở rộng quyền cho các xí nghiệp, các đơn vị kinh tế tập thể và cá thể được sản xuất và lưu thông thuận tiện (với giá cả linh hoạt) những mặt hàng không do Nhà nước quản lý và cung ứng vật tư); đặc biệt khuyến khích việc sản xuất những mặt hàng dùng nguyên liệu trong nước, dùng phế liệu, phế phẩm.

- Sửa đổi một số giá mua hàng xuất khẩu và nguyên liệu, làm hàng xuất khẩu. Quy định phần ngoại tệ dành cho các cơ sở, các địa phương, các ngành làm hàng xuất khẩu.

- Xác định danh mục vật tư, hàng hoá do Nhà nước thống nhất quản lý. Quy định trách nhiệm và quyền hạn của liên hiệp xí nghiệp và xí nghiệp liên hợp trong việc lập kế hoạch, lên đơn hàng vật tư, trực tiếp liên hệ với nguồn cung ứng vật tư (kể cả vật tư nhập khẩu). Bảo đảm huy động dễ dàng nguồn vật tư ứ đọng vào sản xuất. Khuyến khích tận dụng vật tư sẵn có, thực hành nghiêm ngặt chế độ tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu. Bảo đảm cung ứng vật tư đồng bộ, kịp thời, thuận tiện, với chi phí ít nhất; quyết toán vật tư theo khối lượng sản phẩm đã sản xuất dựa trên các định mức tiến bộ.

- Ban hành các quy định cụ thể về ngân sách tỉnh, thành và ngân sách huyện; nâng cao trách nhiệm, quyền hạn của tỉnh, thành và huyện đối với công tác tài chính ở địa phương. Quy định tỷ lệ lãi hoặc tiền thưởng cho các địa phương cung ứng được nhiều nguyên liệu cho sản xuất.

Xí nghiệp trung ương cũng như xí nghiệp địa phương đều phải đóng góp theo tỷ lệ thích đáng vào ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

- Điều chỉnh giá bán một số hàng; thực hiện từng bước việc thống nhất giá trong cả nước. Xoá bỏ những khoản bù lỗ không hợp lý trong ngân sách nhà nước. Giảm bớt việc bán theo giá cung cấp những mặt hàng không thiết yếu.

- Xúc tiến nghiên cứu cải tiến chính sách tiền lương, chính sách giá, chính sách phân bố lại lao động, xây dựng vùng kinh tế mới, chính sách tài chính, tín dụng phục vụ sản xuất.

4. Thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương về kiện toàn tổ chức và cải tiến chế độ làm việc

Giải quyết sớm sự phân công, phân cấp giữa các ngành, giữa trung ương, địa phương và cơ sở.

Khẩn trương tổ chức lại sản xuất của ngành bằng cách thành lập liên hiệp xí nghiệp, công ty phù hợp với đặc điểm của từng ngành, để thật sự đi vào hạch toán kinh doanh, tránh lắp lại dưới hình thức biến tướng cách làm ăn hành chính quan liêu cũ.

Cải tổ bộ máy của bộ và tổng cục, giao quyền quản lý kinh doanh, kể cả quyền xuất, nhập khẩu, cho các công ty, liên hiệp xí nghiệp, còn bộ và tổng cục thì chủ yếu làm tốt công tác quản lý hành chính kinh tế: lập quy hoạch phát triển; xây dựng chính sách, chế độ; chỉ đạo phát triển khoa học, kỹ thuật; xác định tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật; đào tạo cán bộ và công nhân. Trên cơ sở đó, giảm biên chế hành chính để tăng lao động cho khu vực sản xuất, bổ sung cán bộ cho huyện và cơ sở.

Nhanh chóng kiện toàn tổ chức và cán bộ của một số bộ, tổng cục mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương đã đề ra.

Ban Bí thư cần tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời nhân tố tích cực, tổng kết điển hình tiên tiến, uốn nắn sai sót, lệch lạc; chỉ đạo chặt công tác tổ chức, cán bộ, công tác tư tưởng và vận động quần chúng.

Cải tiến mạnh mẽ chế độ làm việc của Hội đồng Chính phủ, nhất là của Thường vụ Hội đồng Chính phủ, nhằm tăng cường chỉ đạo, điều hành thống nhất và phối hợp có hiệu lực đối với các ngành, các cấp; giải quyết kịp thời các vấn đề về chính sách và tổ chức quản lý kinh tế; chỉ đạo chặt các công tác trọng tâm, các địa bàn trọng điểm; giao quyền rõ ràng cho các ngành, các cấp.

Làm tốt công tác cán bộ và củng cố các tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể ở cơ sở gắn liền với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế. Các ban cán sự đảng ở các bộ và tổng cục, các tỉnh uỷ, thành uỷ phải hiểu rõ tình hình cán bộ, kiên quyết tăng cường cán bộ có năng lực, hiểu biết kinh tế và kỹ thuật cho các liên hiệp xí nghiệp, công ty, xí nghiệp liên hợp, các huyện và các cơ sở.

Phải nắm lại đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật và công nhân để có kế hoạch bồi dưỡng, sử dụng đúng. Đặc biệt coi trọng việc đào tạo công nhân lành nghề, để đáp ứng đủ yêu cầu của việc xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật mới và phát triển kinh tế trong các kế hoạch sau. Có chính sách đãi ngộ thoả đáng và thái độ rộng rãi để sử dụng cho được cán bộ khoa học, kỹ thuật và công nhân giỏi ở các vùng mới giải phóng.

Lưu tại Kho Lưu trữ

Trung ương Đảng.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website