Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 20/10/1980, Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành trung ương Đảng (khoá IV)



Hội nghị lần thứ tám của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, họp từ ngày 4 đến ngày 10-9-1980, đã xem xét bản Dự thảo Hiến pháp mới của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quyết định những biện pháp bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh Hiến pháp, sau khi được Quốc hội thông qua. 

Ban Chấp hành Trung ương Đảng tán thành nội dung cơ bản của Dự thảo Hiến pháp mới và bổ sung một số ý kiến để hoàn chỉnh Dự thảo Hiến pháp trước khi trình Quốc hội. 

Dự thảo Hiến pháp mới đã thể hiện được ý chí và nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với tinh thần và nội dung Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng là nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, xác định mối quan hệ khăng khít giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý; bảo đảm tiến hành thắng lợi ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá, thể chế hoá các chính sách cơ bản của Đảng trong giai đoạn mới của cách mạng nước ta, nhằm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. 

Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệt liệt biểu dương cán bộ và nhân dân cả nước đã nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, tích cực tham gia xây dựng Dự thảo Hiến pháp mới. 

Hiến pháp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hiến pháp của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước. Nó tổng kết những kinh nghiệm quý báu của 35 năm xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, kinh nghiệm thi hành Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959, khẳng định những thành quả cách mạng mà nhân dân ta đã giành được trong 50 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xác định phương hướng và mục tiêu phát triển của xã hội Việt Nam trong giai đoạn mới. 

Hiến pháp mới được ban hành trong năm 1980, năm Nhà nước ta vừa tròn 35 tuổi. Trải qua 35 năm đấu tranh kiên cường, Nhà nước và nhân dân ta đã giành được những thắng lợi rất vẻ vang, xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân ngày càng vững mạnh. 

Song công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội, nhất là quản lý kinh tế, còn nhiều khuyết điểm và nhược điểm. Pháp chế xã hội chủ nghĩa không được coi trọng đúng mức; pháp luật và thể lệ không đầy đủ, chậm được sửa đổi, bổ sung. Các chính sách và chế độ cụ thể về kinh tế và xã hội chưa thể hiện được sự nhất trí giữa ba lợi ích: lợi ích toàn xã hội, lợi ích tập thể, lợi ích của từng người lao động, một động lực quan trọng để phát triển kinh tế, xây dựng xã hội mới. 

Nhiều hoạt động của cơ quan dân cử ở các cấp còn mang tính chất hình thức. Bộ máy các cơ quan nhà nước cồng kềnh, quan liêu, kém hiệu lực. Các cơ quan quản lý kinh tế, các cơ quan chuyên trách bảo vệ pháp chế chậm được tăng cường. Phần lớn cán bộ trong bộ máy nhà nước của ta chưa được đào tạo, bồi dưỡng đầy đủ về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, về pháp lý xã hội chủ nghĩa và hành chính nhà nước. 

Trong khi cán bộ và nhân dân ta còn chịu ảnh hưởng tư tưởng và nếp sống của người sản xuất nhỏ, trình độ hiểu biết về pháp luật, nhận thức về nghĩa vụ, về quyền công dân và quyền làm chủ tập thể chưa đầy đủ, thì công tác tuyên truyền, giáo dục Hiến pháp, pháp luật chưa được coi trọng; công tác giám sát, kiểm tra việc thi hành Hiến pháp và pháp luật chưa được chặt chẽ. 

Những khuyết điểm nói trên đã dẫn đến tình trạng pháp chế xã hội chủ nghĩa bị buông lỏng, những hiện tượng tiêu cực trong đời sống kinh tế và xã hội không được kịp thời khắc phục, làm giảm hiệu quả của các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và cũng làm giảm lòng tin và tinh thần phấn khởi của nhân dân. 

II 

Sau khi Hiến pháp mới được ban hành, điều cực kỳ quan trọng là các tổ chức Đảng, các cơ quan nhà nước, các lực lượng vũ trang nhân dân, các đoàn thể nhân dân và mọi công dân đều phải nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của Hiến pháp, tự giác nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp. 

Hiến pháp mới là đạo luật cơ bản của Nhà nước ta. Nó thể chế hoá đường lối và những chính sách lớn của Đảng trong giai đoạn mới; cho nên nó có tác dụng chỉ đạo hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Việc thi hành Hiến pháp gắn liền với sự nghiệp cách mạng của toàn dân và mọi hoạt động của Nhà nước, nhất là trong việc xây dựng và phát triển kinh tế, ổn định và từng bước cải thiện đời sống của nhân dân. Việc thi hành Hiến pháp phải nhằm đáp ứng những yêu cầu cấp bách của cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, làm cho quần chúng phấn khởi và tin tưởng. 

Để bảo đảm cho Hiến pháp được thi hành nghiêm chỉnh, có hiệu lực và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, cần làm tốt những việc sau đây: 

1. Tuyên truyền, giáo dục sâu rộng về Hiến pháp và pháp luật trong cán bộ và nhân dân 

Sau khi Hiến pháp mới được ban hành, cần tổ chức một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để cán bộ và nhân dân nghiên cứu Hiến pháp và thảo luận việc thi hành Hiến pháp. Kết hợp với cuộc sinh hoạt chính trị này mà phát động một đợt thi đua xã hội chủ nghĩa trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nhằm thực hiện có kết quả tốt các nhiệm vụ trước mắt. Các cấp uỷ Đảng, các chi bộ Đảng phải lãnh đạo chặt chẽ cuộc sinh hoạt chính trị và đợt thi đua xã hội chủ nghĩa đó. 

Mỗi cán bộ, đảng viên, nhân viên phải liên hệ kiểm điểm và sửa chữa ngay những việc làm sai trái, như: không gương mẫu chấp hành chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tham ô, hối lộ, lãng phí; lạm dụng chức quyền ức hiếp quần chúng, xâm phạm quyền công dân, quyền làm chủ tập thể của nhân dân; thiếu tinh thần trách nhiệm, gây thiệt hại đến tài sản xã hội chủ nghĩa và lợi ích của quần chúng. 

Động viên nhân dân nhận xét, phê bình công việc quản lý của các cơ quan nhà nước, các cơ quan của Đảng và của các đoàn thể trong mặt trận, của các cán bộ, đảng viên, nhân viên, đồng thời tự phê bình những thiếu sót trong việc thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân đối với công việc chung của Nhà nước, của xã hội, như: tôn trọng và bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, nộp thuế, trả nợ cho Nhà nước, làm nghĩa vụ lương thực, nộp sản phẩm công nghiệp cho Nhà nước, làm nghĩa vụ quân sự, v.v.. 

Thường xuyên phổ biến và giải thích pháp luật trong nhân dân, làm cho mọi người hiểu rõ quyền và nghĩa vụ công dân, thi hành nghiêm chỉnh Hiến pháp, pháp luật. 

Đưa việc học tập Hiến pháp và pháp luật hiện hành của nước ta vào chương trình giảng dạy của các trường đại học, trung học chuyên nghiệp, các trường của Đảng và của các đoàn thể. Sửa đổi và bổ sung chương trình giáo dục công dân ở trường phổ thông cho phù hợp với tinh thần và nội dung của Hiến pháp mới. 

2. Đẩy mạnh công tác xây dựng pháp luật, kiện toàn pháp chế xã hội chủ nghĩa, tăng cường quản lý xã hội theo pháp luật. 

Các cơ quan nhà nước, từ trung ương đến cơ sở, phải tăng cường quản lý xã hội theo pháp luật; thực hiện đúng mối quan hệ Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý; bảo đảm cho mọi công dân được bình đẳng trước pháp luật, thực hiện được quyền và nghĩa vụ của mình để làm chủ trong cả nước, ở địa phương và ở cơ sở. 

Sau khi ban hành Hiến pháp mới, phải cụ thể hoá những điều quy định trong Hiến pháp bằng các luật. Trước mắt, phải chuẩn bị gấp các luật về bầu cử Quốc hội và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, các luật về tổ chức Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, Toà án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân, để trình Quốc hội thông qua vào cuối năm 1980 và nửa đầu năm 1981. Đặc biệt chú trọng xây dựng, sửa đổi và bổ sung các luật về kinh tế và quản lý kinh tế. Các luật đó phải nhằm nâng cao pháp chế xã hội chủ nghĩa trong các hoạt động kinh tế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển sản xuất và kinh doanh, xoá bỏ những sự phiền hà đối với nhân dân. Trong kế hoạch 5 năm tới, phải ban hành Luật lao động, Luật nghĩa vụ quân sự, Luật quốc tịch, Luật xét khiếu tố, các luật hình sự và dân sự theo trình tự thích đáng để cụ thể hoá Hiến pháp và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa của nước ta. 

Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp cần thực hiện đầy đủ chức năng giám sát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội. 

Chính phủ, các bộ, các uỷ ban ngang bộ, các uỷ ban nhân dân các cấp, các cơ quan kiểm sát và thanh tra nhà nước, các cơ quan quản lý kinh tế, văn hoá, xã hội, trong phạm vi trách nhiệm của mình, phải thường xuyên kiểm tra việc thi hành pháp luật trong bộ máy nhà nước; bảo đảm quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền làm chủ tập thể của nhân dân; xử lý nghiêm minh các việc làm sai trái Hiến pháp và pháp luật. 

Các đoàn thể trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam căn cứ vào điều lệ của đoàn thể mình mà tích cực tham gia giám sát, kiểm tra việc thi hành Hiến pháp và pháp luật của các cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước, các đoàn viên, hội viên và nhân dân. 

3. Kiện toàn bộ máy nhà nước 

Kết hợp với việc tổ chức bộ máy nhà nước theo Hiến pháp mới mà kiện toàn các cơ quan, nâng cao chất lượng cán bộ, sửa đổi lề lối làm việc, làm cho bộ máy nhà nước gọn nhẹ, phát huy đầy đủ hiệu lực, khắc phục được chủ nghĩa quan liêu, giấy tờ. 

Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp cần hoạt động thật sự. Đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân phải thường xuyên liên hệ chặt chẽ với cử tri, hướng dẫn cử tri thực hiện đúng các quyết định của Nhà nước, phản ánh ý kiến, nguyện vọng của nhân dân với các cơ quan hữu quan và tích cực đóng góp vào việc giải quyết những kiến nghị chính đáng của nhân dân. 

Kiện toàn bộ máy quản lý kinh tế ở trung ương, các ngành, các địa phương và cơ sở. Tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan quản lý tổng hợp, cải tiến tổ chức quản lý ngành của các bộ và Uỷ ban Nhà nước; phân cấp quản lý đích đáng cho cấp tỉnh và cấp huyện; tích cực kiện toàn bộ máy quản lý cấp huyện. Đặc biệt coi trọng việc kiện toàn các cơ quan chuyên trách bảo vệ pháp chế (toà án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, uỷ ban thanh tra, uỷ ban pháp chế, v.v.). Chấn chỉnh tổ chức pháp chế của các bộ và Uỷ ban Nhà nước để giúp các cơ quan này xây dựng các dự án pháp luật và thi hành đúng pháp luật. Gấp rút tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp lý và cán bộ hành chính nhà nước các cấp. 

4. Ra sức phấn đấu tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành Hiến pháp, đạt một chuyển biến tốt trong kinh tế và đời sống 

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành Hiến pháp, cần phải ra sức phấn đấu để đạt một chuyển biến tốt trong công tác kinh tế và trong đời sống. Muốn vậy, các cấp, các ngành phải soát lại công việc của mình và đề ra những mục tiêu, biện pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả nghị quyết của các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu của Trung ương Đảng và Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị; khắc phục mọi khó khăn trước mắt, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1980, đồng thời xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch năm 1981 và kế hoạch Nhà nước 5 năm 1981-1985. 

Các cấp bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể, phải có những biện pháp tích cực xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của công dân, nhất là ở cơ sở. Nhà nước sớm ban hành những chính sách khuyến khích người lao động và bảo đảm sự nhất trí giữa ba lợi ích: lợi ích toàn dân, lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân. 

III- Tăng cường sự lãnh đạo thường xuyên và chặt chẽ của Đảng đối với việc thi hành Hiến pháp và pháp luật 

Việc thi hành Hiến pháp và pháp luật, cũng như việc thực hiện các nhiệm vụ khác, phụ thuộc vào sự lãnh đạo của Đảng, vào tư tưởng và hành động của cán bộ, đảng viên. 

Các cấp uỷ đảng, từ trung ương đến cơ sở, phải thường xuyên chăm lo việc xây dựng bộ máy chính quyền, thật sự tôn trọng nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước, không bao biện làm thay các cơ quan đó; lãnh đạo, kiểm tra chặt chẽ việc thi hành Hiến pháp và pháp luật; xử lý nghiêm minh việc tuỳ tiện định ra những quy định, thể lệ trái với Hiến pháp và pháp luật, cũng như trái với đường lối, chính sách của Đảng, vi phạm quyền làm chủ tập thể của nhân dân. 

Cấp uỷ Đảng phải lãnh đạo chặt chẽ công tác tuyên truyền, giáo dục trong Đảng và trong nhân dân về nội dung Hiến pháp, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ và nhân dân trong việc thi hành Hiến pháp và pháp luật, đấu tranh chống mọi luận điệu của địch xuyên tạc, phá hoại việc thi hành Hiến pháp và pháp luật. Tổ chức cho cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cao cấp và trung cấp của Đảng, nghiên cứu kỹ những vấn đề cơ bản về Nhà nước và pháp quyền theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước xã hội chủ nghĩa. 

Các chi bộ Đảng phải hàng ngày giáo dục, kiểm tra đảng viên trong việc gương mẫu thi hành Hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp và pháp luật là chủ trương, chính sách cơ bản của Đảng được thể chế hoá, "Nhà nước hoá" để cho mọi người tuân theo. Những cán bộ, đảng viên phạm khuyết điểm nặng, làm sai chính sách của Đảng, Hiến pháp và pháp luật Nhà nước, phải xử trí nghiêm minh và kịp thời. Những người vi phạm nghiêm trọng quyền làm chủ tập thể của nhân dân, ức hiếp quần chúng, hành động trái với Hiến pháp, pháp luật thì coi như không đủ tư cách đảng viên, phải đưa ra khỏi Đảng. 



* * 

Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời là một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của Nhà nước và nhân dân ta. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta sẽ sử dụng Hiến pháp mới như một vũ khí sắc bén của mình trong việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, trong việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, xây dựng nếp sống có văn hoá, có kỷ cương, kiên quyết bài trừ những biểu hiện tiêu cực, những việc làm gây ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. 

Hiện nay, chúng ta đang gặp những khó khăn lớn về kinh tế và đời sống. Song tình hình đó không làm thay đổi cục diện của cách mạng nước ta đang tiếp tục đi lên vững chắc. Trong những tháng trước mắt, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kiên quyết tập trung lực lượng làm tốt những công tác cấp bách trên các mặt kinh tế, xã hội, chính trị, tư tưởng, ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Điều quan trọng là phải thực hiện Hiến pháp một cách thiết thực, đem lại những thắng lợi, những thành quả, những tiến bộ từng năm, từng tháng, những lợi ích cụ thể cho quần chúng. 

Ban Chấp hành Trung ương Đảng tin rằng việc ban hành và thi hành Hiến pháp mới của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, thúc đẩy việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng và hoàn thiện chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, tạo thêm sức mạnh cho toàn dân ta đấu tranh giành những thắng lợi mới, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, xây dựng thành công một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới. 



* * 

Sau khi Quốc hội ban hành Hiến pháp mới, Nghị quyết này sẽ được phổ biến và thảo luận đến tận chi bộ. Ban Bí thư sẽ có hướng dẫn cần thiết để chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết quan trọng này. 

T/m Ban Chấp hành trung ương Tổng Bí thư
Lê duẩn
Lưu tại Kho Lưu trữ 
Trung ương Đảng.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website