Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 19/8/1977, Hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành Trung ương đảng (khoá IV)

 

Tập trung cao độ lực lượng cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển nông nghiệp

----------------------------------

Phần thứ nhất: Tình hình nông nghiệp và sự lãnh đạo nông nghiệp trong thời gian qua

I- Hai mươi năm qua, một trong những thắng lợi cơ bản và to lớn của cách mạng nước ta là miền Bắc đã sớm thực hiện hợp tác hoá nông nghiệp;quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở nông thôn được xác lập và ngày càng củng cố, giai cấp nông dân tập thể đã ra đời, sự thống nhất về chính trị và tinh thần ở nông thôn và liên minh công nông được tăng cường với chất lượng mới; nguồn gốc sinh ra đối kháng giai cấp ở nông thôn vĩnh viễn bị xoá bỏ. Công cuộc hợp tác hoá nông nghiệp đã thúc đẩy mạnh phong trào làm thuỷ lợi, cải tạo đất, sử dụng giống mới, áp dụng kỹ thuật thâm canh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật trong nông nghiệp. Đến nay, ở miền Bắc, đã xây dựng được một số cơ sở vật chất - kỹ thuật ban đầu cho nông nghiệp, giải quyết được một số vấn đề về khoa học - kỹ thuật nông nghiệp. Thuỷ lợi đã bảo đảm nước tưới cho 80 vạn hécta ruộng hai vụ lúa. Gần một vạn máy kéo và nhiều máy nhỏ đã được đưa vào nông nghiệp. Mạng lưới điện phục vụ nông nghiệp đã hình thành ở nhiều vùng. Nguồn phân bón, bao gồm cả phân hữu cơ và phân khoáng, tăng lên rõ rệt. Một số giống mới về cây trồng và gia súc đã được lai tạo và sử dụng rộng rãi. Hệ thống cơ quan nghiên cứu khoa học kỹ thuật và trạm, trại kỹ thuật đã được xây dựng. Một số vấn đề về khoa học - kỹ thuật nông nghiệp đã được kết luận và ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất.

Dựa vào ưu thế của quan hệ sản xuất mới, của cơ sở vật chất - kỹ thuật đã có, miền Bắc đã giữ vững và phát triển được sản xuất nông nghiệp trong điều kiện cả nước có chiến tranh, đưa vụ đông - xuân trở thành vụ sản xuất chính, đưa năng suất, sản lượng lúa và đàn lợn lên khá, hình thành một số vùng chuyên canh, phát triển một số ngành, nghề ở nông thôn, thực hiện việc phân phối tương đối công bằng và hợp lý trong thời chiến. Tuy thường gặp thiên tai nặng, dân số tăng gần gấp đôi, lương thực còn phải nhập một phần, nhưng đời sống nhân dân về cơ bản được bảo đảm và có những mặt được cải thiện. Trình độ chính trị, tư tưởng, văn hoá, kỹ thuật của nông dân, nhất là của nam, nữ thanh niên, được nâng cao rõ rệt; nông thôn mới đang được xây dựng ngày càng vững mạnh. Nền nông nghiệp hợp tác hoá và nông thôn mới đã góp phần trọng yếu củng cố hậu phương, tăng cường lực lượng quốc phòng, bảo đảm cho miền Bắc vừa sản xuất vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, vừa cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến, thực sự là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.

Gần đây, việc bước đầu tổ chức lại sản xuất trên địa bàn huyện và cải tiến quản lý nông nghiệp từ cơ sở, kết hợp với thuỷ lợi hoá và từng bước cơ giới hoá, đã mở ra cách làm mới để sử dụng hợp lý đất đai và lao động, phát triển sản xuất theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.

Hơn hai năm qua, từ sau khi được hoàn toàn giải phóng, nông thôn miền Nam đã có những biến đổi quan trọng. Tàn tích thực dân và phong kiến về ruộng đất được xoá bỏ triệt để; phần lớn nông dân đã có ruộng. ở nhiều nơi nông dân đang tập hợp lại dưới nhiều hình thức lao động tập thể ở trình độ giản đơn; phong trào quần chúng làm thuỷ lợi, phục hoá, tăng vụ, thâm canh, khai hoang đang có khí thế sôi nổi. Công tác chuyển dân ở một số thành phố, thị xã về nông thôn và đi xây dựng các vùng kinh tế mới được đẩy mạnh. Công tác điều tra cơ bản, quy hoạch và phân vùng kinh tế được xúc tiến. Một số cơ sở kinh tế quốc doanh đã được xây dựng. Nhà nước đã và đang điều động nhiều cán bộ kinh tế, kỹ thuật, cung cấp thêm máy kéo, máy bơm và vật tư kỹ thuật khác cho các tỉnh phía Nam.

Có những thành tựu to lớn trên đây, trước hết là do Đảng ta có đường lối đúng. Trong cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân với sự kết hợp đúng đắn nhiệm vụ chống đế quốc và phong kiến, Đảng đã tập hợp được đông đảo nông dân vào phong trào cách mạng. Sau khi hoàn thành cải cách ruộng đất ở miền Bắc, Đảng đã kịp thời lãnh đạo nông dân tiến hành hợp tác hoá nông nghiệp trong điều kiện công nghiệp chưa phát triển, gắn liền hợp tác hoá với thuỷ lợi hoá, thực hiện các biện pháp kỹ thuật thâm canh, đồng thời tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa công thương nghiệp tư bản tư doanh ở thành thị, xác lập chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Trong chiến tranh, ta đã kịp thời chuyển hướng kinh tế, lấy việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp làm trọng tâm, phát triển lực lượng cơ khí ở các địa phương. Đường lối "ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ", các chủ trương "đưa nông nghiệp đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa", "đưa chăn nuôi lên thành một ngành sản xuất chính", và "tổ chức lại sản xuất trên địa bàn huyện" là hoàn toàn đúng.

Nông dân lao động nước ta rất cách mạng; Đảng ta có cơ sở rộng lớn ở nông thôn; cán bộ, đảng viên và các cấp uỷ đảng gắn bó chặt chẽ với nhân dân; nhiều nơi đã tạo ra được phong trào sôi nổi trên mặt trận sản xuất nông nghiệp.

II- Chúng ta khẳng định thành tích to lớn, đồng thời cũng thấy rõ khuyết điểm và nhược điểm. ở miền Bắc, sản xuất nông nghiệp phát triển chậm. Lao động chưa được sử dụng tốt; vốn đầu tư phát huy hiệu quả kém; tiềm năng thâm canh, tăng vụ lớn nhưng chưa khai thác được nhiều; công tác khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới và định canh định cư đạt ít kết quả. Năng suất lúa chưa cao và chưa ổn định; màu giảm sút nặng cả về diện tích và sản lượng; nghiêm trọng nhất là diện tích đất thuộc bị giảm nhiều; sản lượng lương thực tính bình quân theo đầu người ngày càng thấp. Chăn nuôi, cây công nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, các ngành nghề ở nông thôn phát triển chậm. Rừng bị phá hoại nghiêm trọng và trồng mới rất kém. Hợp tác xã nông nghiệp loại trung bình và loại kém còn chiếm số đông; nông trường và lâm trường quốc doanh chưa được tổ chức và quản lý tốt. Năng suất lao động trong các cơ sở kinh tế tập thể và quốc doanh đều thấp.

ở miền Nam, nông nghiệp còn là sản xuất cá thể, công thương nghiệp tư bản tư doanh chưa được cải tạo; tình hình đó gây trở ngại rất lớn cho việc xây dựng chế độ làm chủ tập thể của nhân dân lao động, đưa sản xuất vào quy hoạch, kế hoạch và đưa khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp. Công tác thuỷ lợi và cải tạo đất còn rất lớn; nhiều nơi thiếu sức kéo nghiêm trọng. Nhiều vùng đất đai rộng lớn thiếu nhân lực để khai hoang. Tổ chức đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng, nhất là ở cấp huyện và cơ sở, còn yếu; cán bộ thiếu và chưa có nhiều kinh nghiệm về chỉ đạo và quản lý kinh tế.

Nhìn chung, nền nông nghiệp nước ta chưa bảo đảm được nhu cầu về lương thực, thực phẩm của nhân dân, nguyên liệu cho công nghiệp và nông sản xuất khẩu, chưa thực sự thành cơ sở để phát triển công nghiệp.

Tình trạng trên đây là do nền kinh tế nước ta còn phổ biến là sản xuất nhỏ, cơ sở vật chất kỹ thuật còn yếu kém, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề; do trong thời gian qua Đảng và Nhà nước phải tập trung sức vào chỉ đạo chiến tranh. Song về lãnh đạo, nhất là về chỉ đạo và tổ chức thực hiện, chúng ta có những khuyết điểm lớn.

1. Về đường lối

Chúng ta chưa nhận thức sâu sắc, nhất là trong chỉ đạo thực tế chưa quán triệt đầy đủ vị trí hàng đầu của nhiệm vụ phát triển nông nghiệp trong thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta; từ trung ương đến địa phương chưa thật tập trung sức để phát triển nông nghiệp, chưa tận dụng mọi thuận lợi về đất đai và lao động, chưa sử dụng một cách tập trung vật tư, tiền vốn, khoa học kỹ thuật cho nông nghiệp, chưa tạo ra được sức mạnh tổng hợp để giải quyết những yêu cầu cơ bản của nông nghiệp và nông thôn.

Chúng ta cũng chậm thấy những bước đi cụ thể của nông nghiệp từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Trong một thời gian khá dài, không nhận rõ hợp tác hoá nông nghiệp là để công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa và công nghiệp hoá trước hết là để củng cố và phát triển phong trào hợp tác hoá và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chưa kết hợp ngay từ đầu công nghiệp và nông nghiệp thành một cơ cấu kinh tế thống nhất, phần nào đã tách rời phát triển công nghiệp với phát triển nông nghiệp; không nhận rõ sự gắn bó chặt chẽ giữa cải tạo quan hệ sản xuất với phát triển lực lượng sản xuất, giữa thay đổi chế độ sở hữu với xây dựng chế độ quản lý mới, chế độ phân phối mới; không nhận rõ phải tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng ở nông thôn để tạo ra nền nông nghiệp mới, nông thôn mới và con người mới.

Chậm xác định mối quan hệ giữa trung ương, địa phương và cơ sở, nhất là vai trò của cấp tỉnh và cấp huyện trong sản xuất nông nghiệp, để phát triển và quản lý nông nghiệp theo một cơ cấu kinh tế thống nhất trong cả nước và thích hợp với đặc điểm của từng vùng, để nhanh chóng khai thác tiềm năng của nông nghiệp và thực hiện tích tụ từ dưới lên. Chậm tổ chức điều tra cơ bản để quy hoạch, phân vùng sản xuất và phân công lại lao động theo hướng tập trung, chuyên môn hoá, thực hiện thâm canh, tăng vụ đồng thời mở rộng diện tích canh tác trên địa bàn từng huyện, từng tỉnh, từng vùng và trong phạm vi cả nước. Chậm thấy huyện là đơn vị thích hợp để phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân, tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại lao động, tổ chức lại đời sống, kết hợp nông nghiệp với công nghiệp, kết hợp kinh tế tập thể với kinh tế toàn dân trong quá trình đi từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, đã duy trì quá lâu tình trạng sản xuất phân tán với năng suất lao động và hiệu quả kinh tế rất thấp trong từng hợp tác xã, trong từng đội sản xuất.

2. Về phương hướng phát triển sản xuất nông nghiệp

Chỉ đạo giải quyết vấn đề lương thực thiếu toàn diện. Khuyết điểm lớn nhất trong vấn đề này là xem nhẹ các loại màu trong cơ cấu lương thực, do đó đã để diện tích, năng suất, sản lượng màu giảm sút, trong khi ta có điều kiện phát triển mạnh các loại màu ở hầu khắp các vùng.

Thiếu những chủ trương, biện pháp tích cực để thực hiện thâm canh, tăng vụ, mở thêm diện tích, phát huy ưu thế của nông nghiệp nhiệt đới; trình độ thâm canh ở nhiều vùng còn thấp; các biện pháp kỹ thuật thâm canh chưa thành quy chế chặt chẽ trong sản xuất.

Chưa thấy rõ chăn nuôi là ngành rất quan trọng gắn liền với trồng trọt, bảo đảm đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất cây trồng và năng suất lao động. Do đó, không tích cực thực hiện chủ trương đưa chăn nuôi lên thành ngành sản xuất chính; dành ít đất, đầu tư không thoả đáng và giải quyết chậm các vấn đề cụ thể về giống, thức ăn, phòng trừ dịch bệnh, kéo dài tình trạng mất cân đối nghiêm trọng giữa chăn nuôi và trồng trọt.

Về cây công nghiệp, không tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh, không giải quyết đồng bộ các khâu quy hoạch phân vùng sản xuất, kỹ thuật, tổ chức và chính sách, cho nên không ổn định được sản xuất cho từng vùng, năng suất cây trồng không tăng và không tạo được khối lượng sản phẩm hàng hoá lớn.

Không coi trọng đúng mức việc phát triển các ngành nghề thủ công, tiểu công nghiệp ở nông thôn.

Kết hợp không chặt lâm nghiệp với nông nghiệp, bảo vệ, tu bổ, cải tạo, trồng rừng với khai thác rừng, phát triển nghề rừng với phát triển chăn nuôi; thiếu những biện pháp có hiệu quả để ngăn chặn nạn đốt phá rừng.

Chưa đẩy mạnh sản xuất để xuất khẩu nhằm nhập khẩu máy móc trang bị nhanh cho nông nghiệp. Thiếu phương hướng cụ thể và biện pháp tích cực để phát triển mạnh nguồn hàng nông sản xuất khẩu.

3. Về xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật trong nông nghiệp

Do chưa tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyên canh, phương hướng sản xuất ở nhiều vùng không thật rõ và không ổn định, và do thiếu kết hợp chặt chẽ giữa cải tạo với xây dựng, cho nên việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho nông nghiệp vừa qua làm chậm và phát huy hiệu quả kém.

Công tác thuỷ lợi thiếu quy hoạch chặt chẽ từ đầu khớp với quy hoạch sản xuất; chậm xây dựng thành hệ thống hoàn chỉnh từ đầu mối đến đồng ruộng; chưa làm tốt việc quản lý, sử dụng công trình.

Ở Trung ương cũng như ở từng địa phương, thiếu biện pháp tích cực để tăng nhanh các loại phân bón.

Đầu tư không đúng mức cho khâu giống và chậm trễ trong việc xây dựng hệ thống quốc gia về các cây, con chính.

Khuyết điểm lớn là để kéo dài tình trạng thiếu công cụ sản xuất, nhất là các loại công cụ thường và công cụ cải tiến. Số máy kéo hiện có không được sử dụng tốt, do sử dụng không tập trung, trang bị không đồng bộ, chuẩn bị địa bàn hoạt động kém, phụ tùng và cơ sở sửa chữa thiếu, công nhân lành nghề thiếu và quản lý kém.

Việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp tiến hành chậm, chỉ đạo không tập trung, không chặt chẽ.

4. Về tư tưởng và văn hoá

Ba cuộc cách mạng chưa được tiến hành một cách đồng bộ để xây dựng và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới, phát triển mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Công tác tư tưởng, văn hoá thiếu nội dung sát hợp, thiếu những hình thức và phương pháp có hiệu quả để nâng cao ý thức và quyền làm chủ tập thể của nông dân xã viên trong lao động sản xuất, xây dựng hợp tác xã, làm nghĩa vụ đối với Nhà nước, để nâng cao trình độ hiểu biết về kỹ thuật và quản lý cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, để thực hiện nếp sống mới xã hội chủ nghĩa. Một số hiện tượng tiêu cực như quan liêu, mệnh lệnh, làm dối, báo cáo sai sự thật, tham ô, lãng phí, phân phối không công bằng... chậm được khắc phục làm ảnh hưởng đến tinh thần phấn khởi sản xuất của quần chúng. Nhiều tập tục lạc hậu trong nông thôn ở nhiều nơi, nhất là ở miền núi, chưa bị xoá bỏ đang gây nhiều trở ngại cho sản xuất.

5. Về tổ chức và quản lý

Cách tổ chức và quản lý hiện nay không phát huy đầy đủ hiệu lực chỉ đạo tập trung của Chính phủ, năng lực và trách nhiệm của các ngành ở Trung ương, cũng không phát huy được quyền chủ động và tinh thần sáng tạo của các địa phương và các đơn vị sản xuất. Tình trạng vừa tập trung quan liêu, vừa phân tán, tản mạn, tình trạng kém trách nhiệm, cục bộ, bản vị trong quản lý làm cho sự chỉ đạo nông nghiệp kém hiệu lực và công việc tiến hành rất chậm trễ.

Bộ máy trực tiếp chỉ đạo và quản lý nông nghiệp không theo kịp yêu cầu chỉ đạo, quản lý, kinh doanh nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Chậm thực hiện chủ trương phân cấp quản lý và tạo điều kiện vật chất cho tỉnh, huyện để tỉnh, huyện chủ động hơn trong việc chỉ đạo phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và công nghiệp địa phương.

Thiếu kế hoạch và biện pháp tích cực để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý kinh tế nông nghiệp, nhất là chủ nhiệm và trưởng kế toán hợp tác xã. Cán bộ kỹ thuật nông nghiệp đã được đào tạo khá nhiều nhưng yếu về khả năng thực hành, chưa được sử dụng và bồi dưỡng tốt, bố trí về cơ sở sản xuất còn ít.

Chỉ đạo chính sách không kịp thời. Chính sách giá cả, thu mua nông sản, đầu tư, tín dụng, cung ứng vật tư cho nông nghiệp, nhiều chế độ và chính sách trong hợp tác xã chưa có tác dụng thúc đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, khuyến khích các đơn vị thực hiện đúng chế độ kinh doanh xã hội chủ nghĩa.

Phần thứ hai: Phương hướng, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp trong giai đoạn mới

Cả nước đã giành được độc lập, thống nhất, hoà bình và đi lên chủ nghĩa xã hội, sự nghiệp phát triển nông nghiệp có những thuận lợi rất cơ bản.

Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã đề ra đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội rất đúng đắn và sáng tạo. Đội ngũ cán bộ ta trưởng thành trong 20 năm qua đã có những tri thức và kinh nghiệm cần thiết để cải tạo và xây dựng nền nông nghiệp mới của cả nước theo đường lối của Đại hội. Điều kiện thiên nhiên của nước ta cho phép phát triển nông, lâm, ngư nghiệp với tốc độ nhanh và sản phẩm phong phú. Nước ta có nhiều tiềm năng về đất đai, có nguồn nhân lực dồi dào; nhân dân ta rất cách mạng và cần cù lao động. Ngày nay ta đã có điều kiện để phân bố lại lao động, bố trí lại sản xuất trên quy mô lớn trong phạm vi cả nước, khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên phong phú và nguồn nhân lực dồi dào nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân và xây dựng Tổ quốc giàu mạnh. Ta có điều kiện mở rộng quan hệ kinh tế với các nước xã hội chủ nghĩa anh em và các nước khác dưới nhiều hình thức, có thể phát huy ưu thế của nền nông, lâm, ngư nghiệp nhiệt đới để đẩy mạnh xuất khẩu đổi lấy thiết bị, vật tư nhằm trang bị cho nông, lâm, ngư nghiệp và các ngành kinh tế khác.

Mặt khác, phải ra sức khắc phục nhiều khó khăn. Diện tích đất nông nghiệp và diện tích rừng kinh doanh còn ít; từ Nghĩa Bình trở ra phía Bắc thường bị bão, lũ, hạn, rét; khả năng chống thiên tai còn hạn chế; hậu quả chiến tranh còn nặng nề; cơ sở vật chất kỹ thuật còn ở trình độ thấp. ở miền Nam, nông nghiệp chưa được cải tạo và công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh ở thành thị mới bắt đầu, cuộc đấu tranh chống các thế lực phản động còn diễn ra phức tạp; trong khi đó, cơ sở đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng ở nhiều xã, ấp còn yếu; ở miền Bắc, quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp chưa được củng cố và tăng cường, trình độ quản lý kinh tế còn thấp, quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động chưa được phát huy tốt.

Trong điều kiện đất nước vừa ra khỏi chiến tranh, dân số tăng nhanh, và do thời tiết không thuận lợi cho mấy vụ sản xuất vừa qua, thiếu hụt về lương thực đang là khó khăn rất lớn ảnh hưởng nhiều đến đời sống nhân dân, đến sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa và toàn bộ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Quán triệt đường lối chung về xây dựng chủ nghĩa xã hội và đường lối xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý của Nhà nước đối với nông nghiệp, tích cực xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng - cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt - nhằm đưa nông nghiệp từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, xoá bỏ nguồn gốc sinh ra bóc lột, xoá bỏ nghèo nàn và lạc hậu, xây dựng nông thôn mới, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Tích cực phân bố lại lao động giữa các vùng và trên từng địa bàn, kết hợp tổ chức và sử dụng hợp lý lao động với việc tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật cho nông nghiệp để tăng nhanh năng suất lao động trong nông nghiệp. Đẩy mạnh thuỷ lợi hoá, từng bước thực hiện cơ khí hoá và điện khí hoá, đẩy mạnh việc áp dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất; thực hiện chuyên canh trên từng vùng tập trung; thâm canh trên toàn bộ diện tích và mở rộng diện tích canh tác; cân đối trồng trọt với chăn nuôi; kết hợp nông nghiệp với lâm nghiệp, ngư nghiệp; kết hợp nông nghiệp với công nghiệp; kết hợp cải tạo với xây dựng, xác lập với hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trên cả nước; kết hợp Nhà nước với nhân dân, trung ương với địa phương và cơ sở, kinh tế và quốc phòng; xây dựng huyện thành đơn vị kinh tế nông - công nghiệp.

Trong những năm trước mắt, trên mặt trận kinh tế, phải nắm vững nhiệm vụ hàng đầu là phát triển vượt bậc sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, giải quyết cho được vấn đề lương thực thực phẩm, tạo ra những điều kiện vật chất thuận lợi để thực hiện cùng một lúc hai yêu cầu cơ bản và cấp bách là xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân.

Trong cả nước, phải dấy lên cao trào lao động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp nhằm ba mục tiêu:

1. Bảo đảm lương thực, thực phẩm cho toàn xã hội (bao gồm cả thức ăn cho chăn nuôi) và có lương thực dự trữ.

2. Cung ứng nguyên liệu nông sản, lâm sản, hải sản cho công nghiệp, trước hết là nguyên liệu cho công nghiệp thực phẩm, công nghiệp dệt và giấy, công nghiệp chế biến cao su, chế biến gỗ và công nghiệp sản xuất một số hàng tiêu dùng thiết yếu.

3. Tăng nhanh nguồn hàng xuất khẩu để đổi lấy thiết bị, vật tư nhằm trang bị kỹ thuật mới cho nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển công nghiệp.

Ra sức phấn đấu để, trong vòng vài kế hoạch 5 năm, tạo ra được sự chuyển biến cơ bản trong nền nông nghiệp nước ta theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa với trình độ tập trung hoá, chuyên môn hoá, hiệp tác hoá ngày càng cao, với cơ sở vật chất kỹ thuật ngày càng hiện đại, với năng suất lao động và trình độ thâm canh ngày càng tiến bộ, chất lượng sản phẩm ngày càng tốt, giá thành ngày càng hạ, để đáp ứng được yêu cầu về lương thực, thực phẩm và nông sản của toàn xã hội, của sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa và nâng cao không ngừng đời sống nhân dân.

Đến năm 1980, phải đạt và vượt những chỉ tiêu sau đây:

- 21 triệu tấn lương thực.

- 16,5 triệu con lợn, 1 triệu tấn thịt hơi, trên 1 triệu tấn cá, 3,5 tỷ quả trứng, 22-25 vạn tấn đường.

- 98 vạn hécta cây công nghiệp và cây ăn quả.

- 50 vạn hécta chuyên sản xuất để xuất khẩu.

- Khai hoang 1 triệu hécta, phục hoá 50 vạn hécta.

- Trồng mới 1,2 triệu hécta rừng, khai thác 3,5 triệu m3 gỗ.

- Đưa 1,8 triệu lao động đi mở mang vùng kinh tế mới.

- Đầu tư khoảng 5 tỷ đồng cho thuỷ lợi.

- 50% diện tích gieo trồng được cày bừa bằng máy.

- Một lao động làm từ 1 đến 2 hécta gieo trồng; tiến tới đạt bình quân 3 tấn thóc và 3-4 con lợn/ 1hécta gieo trồng.

Về phương hướng bố trí sản xuất trong 5 năm trước mắt:

Đẩy mạnh sản xuất lương thực và thực phẩm đi đôi với cải tiến từng bước cơ cấu bữa ăn theo hướng giảm dần tiêu dùng chất bột, tăng dần các loại thức ăn giàu dinh dưỡng, tăng dần các loại thức ăn chế biến sẵn.

Ra sức thâm canh tăng năng suất, tăng vụ và mở rộng diện tích lúa ở những nơi có điều kiện, chú trọng hai vùng trọng điểm là đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng. Tập trung chỉ đạo để tăng nhanh diện tích, năng suất và sản lượng màu ở tất cả các vùng, tổ chức tốt việc chế biến màu, đưa màu vào cơ cấu lương thực chính của người, tăng nguồn thức ăn cho chăn nuôi. ở đồng bằng, tăng vụ màu trên diện tích lúa theo công thức: 2 lúa + 1 màu hoặc 1 lúa + 2 màu hoặc 1 lúa + 1 màu tuỳ theo điều kiện từng nơi; tích cực biến vụ đông thành một vụ sản xuất chính ở đồng bằng Bắc Bộ. ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, duyên hải Trung Bộ và vùng trung du, miền núi Bắc Bộ, đưa tỷ trọng màu trong sản lượng lương thực lên 40 đến 50% vào năm 1980. Hình thành những vùng chuyên canh màu trong từng huyện, từng tỉnh và những vùng chuyên canh màu tập trung quy mô lớn của cả nước. Chú trọng phát triển ngô, cao lương, sắn, khoai lang, khoai tây, và tận dụng đất để phát triển các loại cây có bột khác. Phát triển mạnh các loại rau, đậu. Hình thành nhanh các vành đai thực phẩm chung quanh thành thị và khu công nghiệp. Phát triển các loại cây cho chất đạm và chất dầu: Tăng nhanh diện tích đậu tương, chủ yếu tập trung ở phía Nam; mở rộng diện tích lạc, vừng, dừa ở duyên hải Trung Bộ và đồng bằng Nam Bộ nhưng không để lấn đất lúa; phát triển sở, cọ dầu ở các vùng trung du và miền núi. Tăng nhanh diện tích mía: hình thành những vùng mía mới gắn liền với xây dựng các nhà máy đường lớn ở Đông Nam Bộ và một số nơi khác; ở những tỉnh có đất đồi, có thể phát triển các vùng mía nhỏ khoảng một vài nghìn hécta để đáp ứng nhu cầu của địa phương. Phát triển dứa, chuối, hình thành nhanh vùng chuyên sản xuất dứa, chuối xuất khẩu, và phát triển các loại cây ăn quả khác theo từng vùng chuyên canh và trồng phổ biến.

Về các loại cây công nghiệp - xây dựng nhanh các vùng trồng bông, chủ yếu tập trung ở Thuận Hải, Phú Khánh, Cheo Reo; mở nhanh diện tích dâu tằm, trồng tập trung ở Lâm Đồng, ở các vùng đất đồi ở một số tỉnh miền Trung và miền Bắc, trồng phân tán rộng rãi trên đất vườn và bờ ruộng. Phát triển hàng chục vạn hécta đay, cói ở một số tỉnh phía Bắc và ở đồng bằng sông Cửu Long. Tăng nhanh diện tích trồng cao su, cà phê tập trung ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; phát triển chè, chủ yếu ở trung du, miền núi Bắc Bộ, Khu IV cũ và ở Tây Nguyên. Tăng diện tích thuốc lá; phát triển cây hồ tiêu ở Phú Quốc và Đông Nam Bộ; phát triển ca cao ở Tây Nguyên. Phát triển mạnh các loại cây làm thuốc để bảo đảm nhu cầu trong nước và tiến tới có một số mặt hàng xuất khẩu có giá trị. Chú trọng phát triển cây quế ở Quảng Nam - Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Thanh Hoá, Hoàng Liên Sơn. Phát triển các loại cây cho tinh dầu và hương liệu như hồi, sả, bạc hà, hương nhu, v.v. vừa trồng tập trung thành vùng, vừa tận dụng đất trồng phân tán.

Về chăn nuôi - tận dụng mọi khả năng để phát triển mạnh chăn nuôi theo hướng sản xuất lớn. Phải căn cứ vào việc bố trí cơ cấu cây trồng ở từng nơi mà đưa chăn nuôi lên cân đối với trồng trọt ngay trên địa bàn từng huyện, từng vùng và từng tỉnh. Phát triển chăn nuôi ở cả ba khu vực: quốc doanh, tập thể và gia đình; nâng cao dần tỷ trọng chăn nuôi quốc doanh và tập thể. Tăng nhanh đàn lợn cả về số lượng và trọng lượng đầu con; phát triển đàn trâu, bò để cày kéo và lấy thịt; xây dựng các vùng chăn nuôi bò sữa ở Mộc Châu, Lâm Đồng, tích cực chuẩn bị điều kiện để phát triển đàn trâu sữa. Phát triển mạnh chăn nuôi gà tập trung, nhất là ở các vùng chung quanh thành phố, khu công nghiệp; phát triển đàn vịt ở các vùng đồng bằng và ven biển. Phát triển dê, thỏ, ngựa, ong ở những nơi có điều kiện. Phát triển mạnh nghề nuôi cá, tôm trên các mặt nước ở cả đồng bằng, trung du, miền núi và ven biển.

Về lâm nghiệp - kết hợp chặt chẽ lâm nghiệp với nông nghiệp và công nghiệp chế biến ngay trong từng hợp tác xã, nông trường, lâm trường, trên từng huyện, từng vùng ở miền núi, trung du và bờ biển. Xây dựng lâm nghiệp thành một ngành kinh tế quan trọng, trực tiếp góp phần giải quyết những nhu cầu về xây dựng cơ bản, về ăn, mặc, hàng tiêu dùng của nhân dân và tăng sản phẩm hàng hoá xuất khẩu. Phải kinh doanh rừng một cách tổng hợp, coi trọng cả ba khâu: bảo vệ và tu bổ rừng, trồng rừng, khai thác và chế biến lâm sản.

Phủ kín nhanh các đồi núi trọc và các bãi cát ven biển. Trồng những khu rừng tập trung cho nhu cầu công nghiệp và rừng cây đặc sản theo hướng chuyên môn hoá và thâm canh. Phát động sâu rộng, liên tục phong trào trồng cây gây rừng và bảo vệ rừng. Thông qua việc tổ chức lại sản xuất mà làm tốt cuộc vận động định canh, định cư. Thực hiện nhanh chủ trương giao đất, giao rừng cho các hợp tác xã kinh doanh theo quy hoạch, kế hoạch, chính sách của Nhà nước; phát triển lực lượng lao động làm nghề rừng, xây dựng thêm lâm trường quốc doanh; giải quyết tốt vấn đề lương thực cho những nơi thiếu ăn, nhanh chóng chấm dứt tình trạng phá rừng làm rẫy.

Phải có kế hoạch và biện pháp cụ thể để phát triển rất mạnh sản xuất cho xuất khẩu. Trong việc bố trí sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp, phải tạo ra những vùng chuyên sản xuất để xuất khẩu của cả nước, của từng tỉnh, từng huyện. Phát triển mạnh các loại sản phẩm xuất khẩu có giá trị như rau quả, dứa, chuối, cao su, cà phê, chè, thuốc lá, hồ tiêu, quế, đậu tương, lạc, dược liệu, hương liệu, một số sản phẩm chăn nuôi, tôm, cá, đồ mộc, đồ mây tre mỹ nghệ, gỗ dán, gỗ lạng. Phải đầu tư kỹ thuật và áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến để phát triển sản xuất và chế biến sản phẩm xuất khẩu với chất lượng cao. Có chính sách thoả đáng về đầu tư, về giá cả. Cho phép các tỉnh, các huyện sau khi hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước, được xuất khẩu một số loại sản phẩm để đổi lấy thiết bị, vật tư trang bị cho kinh tế của địa phương.

Phần thứ ba: Những chủ trương và biện pháp lớn

I- Hoàn thành công tác quy hoạch vùng nông, lâm nghiệp

Hoàn thành nhanh công tác quy hoạch tổng thể và quy hoạch cụ thể trên địa bàn từng huyện; xác định rõ địa bàn và phương hướng nhiệm vụ của từng hợp tác xã, nông trường, lâm trường để triển khai việc bố trí lại sản xuất. Trước hết, phải hoàn chỉnh sớm quy hoạch ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Hội đồng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp các ngành và các địa phương hoàn thành sớm công tác quy hoạch vùng, phân bố lại sản xuất và lao động trong phạm vi cả nước. Tập trung đủ lực lượng cán bộ và tăng cường phương tiện để làm nhanh, làm tốt việc này ở tất cả các địa phương; có sự phân công và phân cấp hợp lý để duyệt kịp thời các phương án quy hoạch vùng.

Tăng cường công tác quản lý ruộng đất và quản lý rừng. Ban hành pháp lệnh về quản lý ruộng đất, chấn chỉnh công tác quản lý ruộng đất và quản lý rừng từ trên xuống dưới, bảo đảm cho đất đai được sử dụng đúng quy hoạch với hiệu quả cao, chấm dứt tình trạng lãng phí đất, sử dụng đất một cách tuỳ tiện và chấm dứt tệ nạn đốt phá rừng.

II- Đẩy mạnh thâm canh tăng vụ trên toàn bộ diện tích canh tác

Đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, áp dụng những thành tựu mới về "cách mạng sinh học", đi vào chuyên canh kết hợp với kinh doanh tổng hợp trên từng vùng; thâm canh tăng vụ và bảo vệ, bồi dưỡng, cải tạo đất trên toàn bộ diện tích canh tác.

Tổng kết và phổ biến kịp thời những kinh nghiệm thâm canh của các điển hình tiên tiến hiện có trên các vùng, xác định các công thức thâm canh, luân canh, tăng vụ cho từng vùng, nhằm đạt năng suất cao về các loại cây, con; phấn đấu đưa hệ số sử dụng ruộng đất lên 2 và trên 2, tuỳ theo tình hình cụ thể từng nơi.

III- Mở thêm diện tích canh tác mới

Trong việc mở thêm diện tích mới, các hướng chính là đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Đồng thời, mở thêm diện tích ở các tỉnh duyên hải Khu V cũ, Khu IV cũ, trung du, miền núi và ven biển Bắc Bộ.

Phải chú trọng đầy đủ việc bảo vệ môi trường trong công tác khai hoang. Khai hoang phải đi liền với bảo vệ và cải tạo đất, xây dựng đồng ruộng; khai hoang đến đâu, đưa vào sản xuất đến đấy theo hướng chuyên canh và thâm canh phù hợp với điều kiện đất, nước, khí hậu ở từng vùng. Các lực lượng khai hoang chính là nhân dân các tỉnh đồng bằng đông dân, quân đội, các nông trường quốc doanh. Sử dụng lao động thủ công đi đôi với tận dụng khả năng cơ giới; chọn nơi dễ làm trước, nơi khó làm sau; phát động cho được phong trào cách mạng của quần chúng đi mở vùng kinh tế mới. Có kế hoạch triển khai công việc một cách tích cực và vững chắc.

Trên các vùng kinh tế mới, tuỳ theo điều kiện cụ thể mà thành lập nông trường, lâm trường quốc doanh hoặc hợp tác xã, không chia đất cho cá nhân kinh doanh riêng lẻ. Gắn chặt ngay từ đầu kinh tế quốc doanh với kinh tế tập thể và kinh tế phụ gia đình, trồng trọt với chăn nuôi, nông nghiệp với lâm nghiệp, sản xuất với chế biến, nông nghiệp, lâm nghiệp với công nghiệp.

IV- Phân bố lại lao động và tăng năng suất lao động

Phân bố lại lao động trong phạm vi cả nước theo yêu cầu tổ chức lại và phát triển sản xuất nông nghiệp. Phân bố lại lao động và tổ chức tốt lao động trong từng hợp tác xã và trên địa bàn huyện để thâm canh, tăng vụ, phát triển toàn diện trồng trọt, chăn nuôi, thủ công nghiệp, tiểu công nghiệp, mở mang thuỷ lợi, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, xây dựng nông thôn mới.

ở vùng bình quân ruộng đất thấp, phải khẩn trương đưa lao động đi mở các vùng kinh tế mới. Nói chung nên đưa lao động trẻ, khoẻ đi trước, và khi sản xuất đã tương đối ổn định sẽ đưa gia đình tới. Phải có tổ chức chuyên trách ở trung ương và ở các địa phương, đồng thời phải huy động các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, thương nghiệp, tài chính, ngân hàng, y tế, giáo dục, văn hoá, v.v. để phục vụ tốt nhiệm vụ này.

Lực lượng lao động được điều đến các vùng kinh tế mới phải gồm: lao động trực tiếp sản xuất, lao động xây dựng cơ bản, lao động làm dịch vụ, có nam, có nữ, có cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật.

Cùng với việc phân bổ lại lao động, phải làm tốt công tác định canh định cư. Phải từ phương án tổ chức lại sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa và phát triển văn hoá ở các tỉnh, huyện miền núi mà xây dựng kế hoạch định canh định cư ở các vùng cao. Tổ chức đồng bào vào các hợp tác xã nông - lâm nghiệp, thu hút một phần vào các lâm trường, nông trường, xí nghiệp của Nhà nước; giải quyết tốt vấn đề cung ứng lương thực cho những vùng chưa đủ ăn.

Tổ chức lực lượng học sinh và giáo viên các trường học tham gia sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, phù hợp với từng lứa tuổi, bảo đảm thực hiện mục đích nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đồng thời góp phần tăng thêm của cải cho xã hội.

Quân đội có nhiệm vụ tham gia xây dựng cơ bản (làm thuỷ lợi, làm đường, khai hoang, xây dựng đồng ruộng, nhà ở...), chuẩn bị địa bàn cho nhân dân mở mang sản xuất nông, lâm nghiệp, chuẩn bị địa bàn cho việc định canh, định cư; đồng thời trực tiếp xây dựng một số nông trường, lâm trường quốc doanh ở một số vùng cần mở nhanh sản xuất trên quy mô lớn. Các nông trường, lâm trường quốc doanh do quân đội phụ trách phải sản xuất, kinh doanh theo đúng quy hoạch, kế hoạch và các chế độ, chính sách của Nhà nước, có quan hệ chặt chẽ với địa phương, thực sự trở thành những đơn vị tiêu biểu cho phương thức sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.

Chính phủ sẽ quyết định cụ thể về kế hoạch, chỉ tiêu và giải quyết các điều kiện cần thiết để quân đội triển khai công tác.

V- Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho nông nghiệp

Để tăng nhanh cơ sở vật chất kỹ thuật cho nông nghiệp, phải kết hợp sử dụng lao động thủ công với phương tiện cơ giới, phát huy trách nhiệm và tính chủ động sáng tạo của các địa phương và các ngành trung ương.

Giải quyết tốt vấn đề nước, phân, giống, công cụ, phòng trừ sâu bệnh cho trồng trọt, vấn đề thức ăn, giống, phòng chống dịch bệnh và cơ sở chuồng trại cho chăn nuôi.

Tập trung cao sức của Nhà nước, của nhân dân và của quân đội để phát triển nhanh thuỷ lợi. Nhà nước và nhân dân cùng làm; kết hợp lao động thủ công với cơ giới; kết hợp công trình to, vừa và nhỏ; làm đồng bộ từ công trình đầu mối đến kênh mương và xây dựng đồng ruộng; làm tập trung, dứt điểm và tổ chức quản lý tốt để phát huy nhanh hiệu quả.

Ngành thuỷ lợi cần tập trung lực lượng đẩy mạnh công tác khảo sát, thiết kế, thi công; phân cấp và tạo điều kiện cho tỉnh, huyện chủ động thiết kế, thi công các công trình ít phức tạp về kỹ thuật. Phải dành ưu tiên vật tư cho thuỷ lợi và quản lý chặt chẽ vật tư, tiền vốn theo định mức, đơn giá sát hợp. Phát động phong trào quần chúng sôi nổi kết hợp với chỉ đạo chặt chẽ về kinh tế và kỹ thuật.

Đồng bằng sông Cửu Long là địa bàn ưu tiên số một về phát triển thuỷ lợi. Cần nạo vét các hệ thống kênh mương cũ, đào thêm nhiều kênh, rạch tiêu nước, rửa phèn và tưới nước, đắp đập ngăn nước mặn, xây dựng các hệ thống bơm điện và bơm dầu, để đến năm 1980 bảo đảm nước cho 1,1 triệu hécta làm hai vụ lúa/năm và mở thêm hàng chục vạn hécta lúa. ở đồng bằng sông Hồng, phải làm xong việc hoàn chỉnh công tác thuỷ nông, phát huy tốt công suất các công trình sẵn có, xây dựng thêm các công trình để thu hẹp diện tích còn bị úng, bảo đảm thâm canh tăng năng suất và tăng nhanh diện tích làm vụ đông. ở miền Đông Nam Bộ, cần xây dựng nhiều hồ, đập chứa nước, nhiều trạm bơm và phát triển nhanh các loại giếng để khai thác nước ngầm nhằm tăng nhanh diện tích ruộng hai vụ lúa, bảo đảm nước cho các vùng chuyên canh quy mô lớn về ngô, đậu tương, mía, chăn nuôi, và phục vụ sinh hoạt của nhân dân. ở các tỉnh duyên hải Khu V cũ và Tây Nguyên, xây dựng nhanh nhiều hồ, đập, trạm bơm và đào giếng, bảo đảm tưới cho vùng lúa, vùng bông, một số vùng chuyên canh màu và cây công nghiệp, bảo đảm nước cho chăn nuôi bò và cho sinh hoạt của nhân dân. Chú trọng phát triển thuỷ lợi ở các tỉnh thuộc Khu IV cũ để tạo điều kiện bảo đảm thâm canh, tăng vụ nhanh hơn và mở mang thêm nhiều diện tích mới. Tích cực xây dựng thuỷ nông ở các tỉnh trung du, miền núi Bắc Bộ để mở rộng diện tích tưới nước cho ruộng hai vụ lúa, tưới cho màu, cây công nghiệp, phục vụ chăn nuôi, phục vụ sinh hoạt của nhân dân. Nghiên cứu để xây dựng sớm các hồ chứa nước kết hợp thủy lợi với thuỷ điện ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và một số nơi khác ở miền núi.

Về phân bón, trước hết tăng nhanh phân chuồng, làm cho việc sử dụng phân chuồng trở thành tập quán ở miền Nam. Phát triển mạnh bèo hoa dâu, điền thanh và các loại phân xanh khác. Tận dụng mùn rác và phù sa để bồi dưỡng và cải tạo đất. Cung cấp than đá cho nông thôn làm chất đốt để trả lại rạ cho đồng ruộng và dùng rơm làm thức ăn cho trâu bò. Đẩy mạnh sản xuất vôi, lân, apatít nghiền và cố gắng tăng thêm phân đạm cho nông nghiệp. Khắc phục khó khăn về vận tải để đưa than và phân bón về nông thôn kịp thời vụ.

Tận dụng năng lực sản xuất cơ khí trong nước, bao gồm cơ khí quốc doanh trung ương, địa phương, quân đội, hợp tác xã và tư nhân ở miền Nam, đồng thời mở rộng quan hệ kinh tế với nước ngoài để đẩy mạnh tốc độ cơ giới hoá nông nghiệp. Chú trọng cơ giới hoá trước các khâu làm đất, làm thuỷ lợi, khai hoang, vận chuyển, thu hoạch, phơi sấy, chế biến, nhất là tập trung giải quyết vấn đề sức kéo. Trang bị máy nông nghiệp đồng bộ và cơ sở sửa chữa cho một số huyện để rút kinh nghiệm. Bảo đảm cung cấp điện cho nông nghiệp.

Về khâu làm đất, chú trọng sử dụng tốt trâu bò và tận dụng công suất máy kéo hiện có, đồng thời tăng thêm máy kéo cỡ lớn, vừa và nhỏ; quy hoạch và xây dựng các địa bàn cơ giới hoá nông nghiệp, bao gồm quy hoạch sản xuất, xây dựng thuỷ lợi, cải tạo đồng ruộng, mở mang giao thông nông thôn, bố trí lại khu dân cư, v.v. để sử dụng máy một cách tập trung; trang bị đủ máy công tác, tổ chức sản xuất và cung ứng đủ các loại phụ tùng; xây dựng hệ thống xí nghiệp sửa chữa máy nông nghiệp. Đào tạo nhanh và tốt đội ngũ công nhân, bảo đảm có đủ công nhân làm 2-3 ca/ngày; bồi dưỡng cán bộ, nâng cao tay nghề của công nhân. Tổ chức quản lý chặt chẽ, thực hiện hạch toán kinh tế ở trạm máy kéo. Có tổ chức và chính sách đúng để tận dụng máy nông nghiệp của tư nhân ở miền Nam. Ưu tiên phân phối máy mới cho đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên.

Giải quyết đủ công cụ thường và công cụ cải tiến có chất lượng tốt cho lao động làm thuỷ lợi, khai hoang, làm đất, vận chuyển, thu hoạch, chế biến; tăng nhanh xe bánh lốp do súc vật và người kéo. Phân công rõ giữa cơ khí trung ương và cơ khí địa phương, giữa cơ khí chung và cơ khí chuyên ngành thuộc Bộ Nông nghiệp và Bộ Lâm nghiệp, cung ứng đủ vật tư và có chính sách giá cả hợp lý để đẩy mạnh sản xuất các loại công cụ. Khuyến khích phát huy các sáng kiến cải tiến công cụ, kịp thời xác nhận và cho sản xuất hàng loạt những công cụ cải tiến tốt.

Giải quyết tốt vấn đề giống, trước hết là giống những cây, con chính, bảo đảm đến năm 1980 cung ứng đủ giống tốt cho các nông trường, hợp tác xã và nhân dân, loại bỏ những giống xấu.

Nhà nước phải chỉ đạo công tác giống, kết luận các loại giống thích hợp cho từng vùng, xây dựng hệ thống giống quốc gia từ trung ương tới cơ sở. Thực hiện phân cấp, phân công hợp lý giữa trung ương, địa phương và cơ sở trong việc sản xuất giống từng loại cây, từng loại con để sớm có đủ giống tốt cho sản xuất đại trà. Riêng về giống lợn, bên cạnh các cơ sở giống của Nhà nước và của tập thể, vẫn phải khuyến khích nhân dân phát triển chăn nuôi lợn giống. Cố gắng đưa nhanh những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác giống, chú ý các khâu bình tuyển, lai tạo, sản xuất, bảo quản, ngăn ngừa giống thoái hoá và tạo ra những giống mới ổn định thích hợp với điều kiện nước ta. Nhập thêm một số giống cây và giống con cần thiết.

Làm tốt công tác phòng chống sâu, bệnh, bảo vệ cây trồng và gia súc. Củng cố hệ thống bảo vệ cây trồng và hệ thống thú y, mở rộng màng lưới này đến hợp tác xã và nông trường. Chú trọng những vùng sản xuất giống, những vùng chuyên canh quy mô lớn, những xí nghiệp chăn nuôi tập trung, những vùng chuyên sản xuất để xuất khẩu. Phát triển công tác dự báo, theo dõi và kiểm dịch, nhất là đối với giống. Vận động nhân dân nghiêm túc thực hiện những quy chế, thể lệ và biện pháp bảo vệ sản xuất, phòng trừ dịch bệnh. Chú trọng dùng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh không gây hại cho người. Phát triển sản xuất thuốc, dụng cụ tiêm phòng, bình bơm thông thường và phụ tùng sửa chữa, từng bước mở rộng sử dụng cơ giới trên những vùng sản xuất tập trung lớn. Nghiên cứu để sớm tổ chức những trung tâm nông hoá ở từng vùng hoặc ở huyện để đảm nhiệm việc bảo quản và hướng dẫn sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú y và tổ chức phòng trừ sâu bệnh.

Giải quyết tốt vấn đề thức ăn để đưa chăn nuôi lên cân đối với trồng trọt và phát triển theo hướng sản xuất lớn. Ngoài việc hướng dẫn nông dân sử dụng tốt đất kinh tế phụ gia đình để sản xuất thức ăn gia súc, phải kiên quyết dành 10-15% diện tích trồng trọt của các hợp tác xã để sản xuất thức ăn gia súc và hình thành ở từng tỉnh, từng huyện những vùng chuyên sản xuất thức ăn gia súc. Quy hoạch lại và cải tạo sớm các đồng cỏ tự nhiên và xây dựng các đồng cỏ thâm canh ở các vùng chăn nuôi quan trọng. Tận dụng đất dưới tán rừng để trồng thức ăn và phát triển chăn nuôi. Phát triển sản xuất bột cá; tận dụng tốt phụ phẩm của trồng trọt. Phát triển hệ thống chế biến thức ăn gia súc ở các cấp, bao gồm cả các cơ sở chế biến thức ăn tổng hợp, cơ sở sơ chế rau, màu, ủ chua cỏ và thức ăn xanh.

Cần có kế hoạch và biện pháp cụ thể giải quyết tốt yêu cầuphơi sấy, chế biến màu và các nông sản khác bằng phương tiện thủ công, nửa cơ giới và cơ giới để bảo đảm phát triển mạnh hoa màu và cây công nghiệp. Trang bị công cụ sơ chế cho các đơn vị sản xuất; xây dựng các cơ sở chế biến màu, sản xuất thức ăn gia súc ở huyện và các xí nghiệp tinh chế ở tỉnh.

Chỉ đạo chặt chẽ và kịp thời các ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, vật tư, nội thương, ngoại thương trong việc trang bị kỹ thuật và cung ứng vật tư kỹ thuật cho nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp.

VI- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật

Các yêu cầu chính đối với công tác khoa học kỹ thuật là:

- Sớm xây dựng một nền nếp quản lý kỹ thuật phù hợp với phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa để bảo đảm đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao trên diện rộng.

- Xác định những khâu kỹ thuật cụ thể đối với những cây con chủ yếu làm cơ sở cho việc xây dựng các quy trình kỹ thuật, các tiêu chuẩn và định mức, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất một cách nhanh chóng và vững chắc, từng bước thực hiện cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, như thuỷ lợi hoá, cơ giới hoá, hoá học hoá, điện khí hoá và áp dụng những thành tựu mới về cách mạng sinh học.

- Xác định được nhanh chóng những căn cứ khoa học (tự nhiên, kinh tế, xã hội) để tổ chức lại nền sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp phù hợp với yêu cầu và đặc điểm của từng địa phương.

- Làm nhanh, làm tốt công tác điều tra cơ bản, góp phần đẩy mạnh việc phân vùng, quy hoạch sản xuất ở từng vùng, từng huyện, đến từng đơn vị sản xuất.

ở miền Bắc, chú trọng các khâu kỹ thuật nhằm bảo đảm làm tốt mạ xuân và giải quyết cơ cấu của bộ giống lúa mùa để cho cả hai vụ lúa xuân và lúa mùa đều có năng suất cao và ổn định, đồng thời tạo điều kiện cho việc mở rộng vụ đông, đưa vụ đông trở thành một vụ sản xuất chính ở đồng bằng. ở miền Nam, chú trọng xác định cơ cấu các giống lúa, bố trí hợp lý các mùa, vụ sản xuất ở các vùng khác nhau, nhằm phát huy cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có, tránh được những mặt không thuận lợi và tận dụng những mặt thuận lợi của khí hậu, thời tiết, thuỷ văn. Trên phạm vi cả nước, cần nghiên cứu giải quyết tốt việc nhân và sản xuất các giống cây lương thực (lúa, ngô, sắn, khoai lang, khoai tây), các loại cây công nghiệp quan trọng (như đậu tương, lạc, cọ dầu, sở, mía, bông, dâu tằm, cao su, cà phê, chè, thuốc lá, cây làm thuốc...). Đặc biệt chú trọng giải quyết giống ngô năng suất cao để phát triển chăn nuôi. Về giống con, chú trọng chọn lọc, lai tạo, nhân và sản xuất giống lợn, giống trâu bò lấy thịt và lấy sữa, giống gia cầm... Làm tốt hơn nữa việc nghiên cứu cải tạo đất chua, mặn, đất bạc màu, kỹ thuật thâm canh trên đất dốc, việc sản xuất và sử dụng các loại phân khoáng, phân hữu cơ, việc chế tạo và sử dụng các loại máy kéo và máy nông nghiệp, việc phòng chống sâu bệnh, chuột và dịch bệnh, việc phơi sấy, chế biến và bảo quản các loại nông sản, nhất là màu.

Củng cố và phát triển mạng lưới viện nghiên cứu chuyên đề và chuyên ngành với cơ sở thực nghiệm bố trí hợp lý ở từng vùng, gắn được việc nghiên cứu với việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Bố trí, sử dụng tốt đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ khoa học kỹ thuật đi chuyên sâu vào từng cây, từng con, và bám sát từng vùng kinh tế. Thành lập Viện khoa học và kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam.

Bồi dưỡng kiến thức khoa học kỹ thuật cho cán bộ và nhân dân ở cơ sở, nhằm xây dựng những lực lượng lao động chuyên môn có khả năng nắm vững và thực hiện các biện pháp khoa học kỹ thuật trong các hợp tác xã, nông trường, lâm trường, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đưa kịp thời khoa học - kỹ thuật nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp vào các trường phổ thông và các lớp bổ túc văn hoá ở nông thôn. Động viên và tổ chức tốt lực lượng cán bộ giảng dạy và học sinh các trường đại học và trung học chuyên nghiệp tích cực tham gia nghiên cứu và thực nghiệm khoa học - kỹ thuật phục vụ nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp.

VII- Củng cố, hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, cải tạo xã hội chủ nghĩa

đối với nông nghiệp ở miền Nam

Xác lập quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa đồng nhất trong cả nước dưới hai hình thức sở hữu toàn dân và tập thể để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.

Trên cơ sở tổ chức lại nền nông nghiệp trong phạm vi cả nước và trên địa bàn huyện mà tích cực củng cố và tăng cường hợp tác xã và nông trường, lâm trường quốc doanh ở miền Bắc, tiến hành hợp tác hoá nông nghiệp và đẩy mạnh xây dựng nông trường, lâm trường quốc doanh ở miền Nam, hướng dẫn kinh tế gia đình nông dân, làm cho kinh tế quốc doanh, tập thể và gia đình hỗ trợ nhau cùng phát triển theo quy hoạch của từng vùng và kế hoạch của Nhà nước.

1. Củng cố hợp tác xã nông nghiệp ở miền Bắc

Phải từ tổ chức lại sản xuất trên địa bàn huyện mà tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý trong từng hợp tác xã.

Đưa các hợp tác xã đi vào chuyên canh và thâm canh theo quy hoạch và kế hoạch sản xuất của từng huyện, gắn trồng trọt với chăn nuôi, phát triển ngành nghề; tổ chức và phân công lao động theo hướng chuyên môn hoá để sử dụng tốt đất đai, sử dụng hết lao động và tăng năng suất lao động, xây dựng thêm cơ sở vật chất kỹ thuật, thực hiện tốt quy trình sản xuất, các định mức kinh tế kỹ thuật, đưa công tác quản lý kinh tế và kỹ thuật vào nền nếp. Phát huy quyền làm chủ tập thể của xã viên trong sản xuất và phân phối, khắc phục tình trạng mệnh lệnh, độc đoán, quan liêu; khắc phục tình trạng phân tán, thực hiện việc quản lý tập trung, thống nhất của Ban quản trị hợp tác xã. Cải tiến chế độ quản lý tài vụ; thực hiện chế độ tài chính công khai, có thanh toán quyết toán hằng năm; ngăn ngừa và khắc phục tình trạng tham ô, lãng phí, chi tiêu không có nguyên tắc. Cải tiến công tác phân phối trong hợp tác xã nhằm khuyến khích mọi người tích cực lao động và không ngừng cải thiện đời sống của xã viên. Kết hợp chặt chẽ kinh tế tập thể và kinh tế gia đình. Phải đạt được kết quả: tăng nhanh sản lượng và chất lượng nông sản, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, tăng tích luỹ của hợp tác xã, tăng phần đóng góp cho Nhà nước và tăng thu nhập của xã viên từ kinh tế tập thể.

Từng tỉnh, từng huyện phải củng cố cho được các hợp tác xã yếu, kém, có kế hoạch đưa các hợp tác xã này lên ngang trình độ các hợp tác xã khá và tiên tiến hiện nay trong một thời gian ngắn.

Thông qua việc tổ chức lại sản xuất trên địa bàn huyện, tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý hợp tác xã mà mở rộng và ổn định quy mô hợp tác xã ở vùng lúa vào khoảng 300-500 hécta canh tác, và ở vùng trồng cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc lớn và làm nghề rừng vào khoảng một vài ngàn hécta. Phân cấp cho Uỷ ban nhân dân tỉnh xét duyệt việc điều chỉnh địa giới hành chính xã.

Tăng cường cán bộ kinh tế và kỹ thuật cho hợp tác xã. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật một cách đồng bộ cho các hợp tác xã. Nhà nước cần bổ nhiệm trưởng kế toán, trưởng kỹ thuật, và quản lý chặt chẽ chủ nhiệm hợp tác xã để ổn định lâu dài đội ngũ cốt cán của hợp tác xã.

Chuẩn bị ban hành điều lệ mới của hợp tác xã cho thích hợp với tình hình mới.

2. Củng cố và phát triển mạnh nông trường quốc doanh

Nông trường quốc doanh có nhiệm vụ:

- Bảo đảm cho Nhà nước nắm chắc một khối lượng lớn lương thực, thực phẩm để chủ động hơn trong việc đáp ứng nhu cầu của khu vực phi nông nghiệp; sản xuất được một khối lượng quan trọng nông sản làm nguyên liệu cho công nghiệp và làm hàng xuất khẩu.

- Có tích luỹ để tự trang bị lại và tái sản xuất mở rộng và góp phần quan trọng tạo tích luỹ cho Nhà nước.

- Sản xuất và cung ứng một số giống tốt về một số cây, con chính.

- Làm gương mẫu cho các hợp tác xã trên các mặt sản xuất, quản lý, kỹ thuật, và giúp đỡ các hợp tác xã trong vùng cùng tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.

Tích cực củng cố các nông trường quốc doanh đã có. Các nông trường phải sử dụng hết đất đai đã được giao, thâm canh trên toàn bộ diện tích, thực hiện tốt hạch toán kinh tế, giao nộp đủ sản phẩm theo kế hoạch và có lãi.

Mở thêm nhiều nông trường trồng lúa ở Tây Nam Bộ, nhiều nông trường trồng ngô, đậu tương, lạc, mía, cao su, chè, ca cao, chăn nuôi trâu bò lấy thịt, lấy sữa ở Tây Nguyên, trồng cây ăn quả ở Đông Nam Bộ, trồng sắn, cà phê, cao su, bông ở một số tỉnh thuộc Khu V cũ. Các nông trường phải kết hợp chặt chẽ trồng trọt với chăn nuôi, nông nghiệp với lâm nghiệp, sản xuất với chế biến, đi đầu trong việc đưa khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tổ chức tốt lao động, sử dụng cả công cụ thủ công, cải tiến và cơ giới, thực hiện tốt hạch toán kinh tế, kinh doanh với hiệu quả kinh tế cao.

Nói chung, các nông trường đều do tỉnh hoặc huyện quản lý tuỳ theo nhiệm vụ và quy mô sản xuất của từng nông trường. Các tổng công ty, liên hiệp xí nghiệp, công ty thuộc Bộ Nông nghiệp chỉ trực tiếp quản lý những nông trường sản xuất giống, những cây, con quan trọng, sản xuất những cây, con đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, trồng cây đặc sản quý, chuyên sản xuất để xuất khẩu với quy mô lớn.

3. Tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp ở miền Nam

Mục đích cải tạo xã hội chủ nghĩa là đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, xoá bỏ bóc lột và nguồn gốc sinh ra bóc lột, tăng năng suất lao động, phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống mới ở nông thôn. Đó là nguyện vọng chung của nông dân, đồng thời cũng là yêu cầu bức thiết của việc tổ chức lại nền nông nghiệp và của sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa nước nhà.

Trong điều kiện sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp đã bước đầu phát triển và từ lâu đã gắn chặt với guồng máy thương nghiệp tư bản chủ nghĩa ở thành thị, trung nông giữ tỷ trọng lớn về ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác ở nông thôn, phải kết hợp chặt chẽ cải tạo nông nghiệp với cải tạo công thương nghiệp tư doanh; phải từ tổ chức lại sản xuất trên địa bàn huyện, xây dựng huyện thành cơ cấu kinh tế nông - công nghiệp mà tiến hành hợp tác hoá ở cơ sở; phải kết hợp hợp tác hoá với thuỷ lợi hoá và từng bước cơ giới hoá nông nghiệp; phải có chủ trương, chính sách đúng, có tổ chức chỉ đạo chặt chẽ, phát động phong trào quần chúng mạnh mẽ để bảo đảm vừa tiến hành hợp tác hoá tốt, vừa phát triển mạnh sản xuất.

Phải làm tốt những việc sau đây:

- Hoàn thành việc quy hoạch, phân vùng ở các tỉnh và các huyện ở miền Nam để bố trí lại nền nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.

- Kiện toàn bộ máy cấp huyện và từng bước xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho huyện, làm cho cấp huyện làm được nhiệm vụ cung ứng vật tư, phụ tùng, thiết bị, cung ứng hàng tiêu dùng đến tận tay người nông dân, thực hiện hợp đồng hai chiều để thu mua nông sản, loại trừ hẳn thương nghiệp tư bản chủ nghĩa khỏi thị trường nông thôn, chỉ đạo và hướng dẫn nông dân đi vào sản xuất theo quy hoạch và kế hoạch của huyện.

- Khẩn trương chuẩn bị lực lượng cán bộ bằng nhiều phương thức: tuyển chọn và đào tạo cán bộ địa phương; chuyển ra một số lớn cán bộ quân đội để đào tạo thành cán bộ huyện và cán bộ quản lý hợp tác xã; điều động cán bộ có kinh nghiệm từ miền Bắc vào tăng cường cho các địa phương ở miền Nam.

- Tích cực củng cố cơ sở đảng, chính quyền, nông hội và các đoàn thể quần chúng ở nông thôn, ra sức xây dựng lực lượng cốt cán trong nông dân. Mở đợt giáo dục sâu rộng trong Đảng và trong nhân dân về con đường xã hội chủ nghĩa và hợp tác hoá nông nghiệp, làm cho mọi người, trước hết là cán bộ, đảng viên, thấu suốt đường lối, chủ trương phát triển và cải tạo nông nghiệp của Đảng.

- Phát động phong trào cách mạng mới của nông dân: phong trào lao động sản xuất tập thể trong các tập đoàn sản xuất và các hình thức tổ chức hiệp tác giản đơn. Thông qua đó mà hướng nông dân đi vào sản xuất theo đúng quy hoạch và kế hoạch của Nhà nước, đoàn kết tương trợ phát triển sản xuất, làm thuỷ lợi, thâm canh, tăng vụ, phục hoá, khai hoang, làm nghĩa vụ với Nhà nước; đồng thời tập dượt cho nông dân, cho cán bộ lề lối làm ăn tập thể, chuẩn bị khi có điều kiện thì tiến lên thành lập hợp tác xã.

- Tích cực chỉ đạo làm thí điểm tổ chức lại sản xuất trên địa bàn huyện và xây dựng hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ở cơ sở trên các địa bàn kinh tế khác nhau để nắm chắc tình hình, rút kinh nghiệm và lấy thực tế đào tạo cán bộ tại chỗ.

Xúc tiến việc điều tra tình hình nông thôn để xây dựng các chính sách cụ thể:

- Có chính sách thoả đáng đồng thời làm tốt công tác chính trị, đẩy mạnh phong trào quần chúng để thu hút được phần lớn trung nông vào hợp tác xã ngay từ đầu, bảo vệ và tiếp tục phát huy hiệu quả của các tư liệu sản xuất hiện có. ở những nơi ruộng đất của các hộ nông dân lao động chênh lệch nhau nhiều, có thể duy trì việc trả hoa lợi ruộng đất cho phần diện tích chênh lệch trong một thời gian.

Không đưa vào hợp tác xã những vườn cây ăn quả và ao, hồ nhỏ. ở những nơi có vườn cây ăn quả tập trung thành vùng chuyên canh lớn thì Nhà nước có chính sách thu mua, chính sách thuế thích đáng. Có thể thành lập hợp tác xã chuyên kinh doanh cây ăn quả hoặc kinh doanh nuôi tôm, cá ở những nơi có điều kiện thuận lợi, quần chúng thật sự tự nguyện và đã sẵn sàng có cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật cần thiết; những hợp tác xã này phải hoạt động tốt, bảo đảm phát triển sản xuất và nâng cao từng bước đời sống xã viên.

Đối với máy nông nghiệp cỡ lớn và vừa của tư nhân, Nhà nước có thể mua lại để tổ chức thành các trạm máy nông nghiệp huyện, hoặc tổ chức thành tổ kinh doanh máy nông nghiệp của tư nhân hoạt động dưới sự quản lý của chính quyền địa phương và theo hợp đồng ký kết với các đơn vị sản xuất nông nghiệp. Đối với các loại máy vừa và nhỏ của nông dân, hợp tác xã có thể mua lại và tổ chức những người có tay nghề thành các tổ, đội chuyên sử dụng cơ giới.

- Các chính sách đầu tư, tín dụng, cung ứng vật tư, thu mua, giá, đầu tư phải nhằm phát triển sản xuất và thúc đẩy phong trào hợp tác hoá nông nghiệp.

- Có chính sách phân phối đúng trong hợp tác xã nhằm khuyến khích những xã viên lao động tập thể tích cực, có năng suất cao, đồng thời bảo đảm đời sống của những người già cả, neo đơn, tăng nhanh quỹ tích luỹ và phúc lợi tập thể của hợp tác xã và làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước. Ngay từ đầu một số hợp tác xã có thể thực hiện hạch toán kinh tế, trả công bằng tiền cho lao động, bán lương thực cho gia đình xã viên theo nhu cầu cần thiết.

Mỗi tỉnh phải xây dựng thí điểm một huyện và một vài hợp tác xã vào cuối năm 1977 và đầu năm 1978. Trên cơ sở làm tốt thí điểm mà mở rộng một cách tích cực và vững chắc việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất trên địa bàn huyện. Cố gắng hoàn thành về cơ bản việc xác lập quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở nông thôn miền Nam trong vài năm đầu của những năm 80.

VIII- Tăng cường công tác tư tưởng và văn hoá

Đi đôi với việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, phải coi trọng việc xây dựng đời sống tinh thần và văn hoá mới ở nông thôn.

Công tác tư tưởng và văn hoá phải được tăng cường để góp phần tạo ra phong trào cách mạng liên tục trong quần chúng nhằm thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ và chỉ tiêu về nông nghiệp do Đại hội Đảng đề ra, đồng thời xây dựng nền văn hoá mới và con người mới.

Công tác tư tưởng và văn hoá hiện nay phải làm tốt bốn nhiệm vụ sau đây: một là, thông qua phong trào cách mạng của quần chúng, ra sức giáo dục cho nông dân tư tưởng xã hội chủ nghĩa, hiểu rõ đường lối, chủ trương, nhiệm vụ, đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, có ý thức và năng lực làm chủ tập thể, tinh thần tự lực tự cường, tinh thần cách mạng tiến công trong sản xuất, tính tổ chức kỷ luật, ý thức cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội và làm tốt các nghĩa vụ đối với Nhà nước, v.v. chống tư tưởng của các giai cấp bóc lột và khắc phục những biểu hiện tiêu cực của người sản xuất nhỏ. Hai là, ra sức nâng cao trình độ văn hoá, trình độ khoa học - kỹ thuật, sức khoẻ và tay nghề của người lao động, nhằm nâng cao năng lực làm chủ tập thể và tăng năng suất lao động. Ba là, mở rộng các hoạt động văn hoá, văn nghệ, truyền thanh, truyền hình, y tế, vệ sinh, thể dục thể thao, v.v. nhằm thoả mãn từng bước những nhu cầu về văn hoá của nhân dân. Bốn là, tích cực đào tạo, bồi dưỡng các loại cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ khoa học, kỹ thuật và nghiệp vụ.

Việc xây dựng đời sống tinh thần và văn hoá mới ở nông thôn phải được tiến hành theo kế hoạch ở từng cơ sở và trên địa bàn huyện. Từ nay đến năm 1980, mỗi cơ sở, mỗi huyện tuỳ theo khả năng, cố gắng xây dựng tương đối tốt các cơ sở vật chất sau đây: nhà trẻ, lớp mẫu giáo, trường phổ thông, trường bổ túc văn hoá, trường hoặc lớp dạy nghề, nhà truyền thống, câu lạc bộ, thư viện, trạm truyền thanh; các cơ sở hoạt động văn hoá nghệ thuật, thể dục thể thao, trạm y tế, nhà hộ sinh, bệnh viện, v.v.. Việc xây dựng các cơ sở vật chất nói trên chủ yếu phải dựa vào lao động của hợp tác xã, của địa phương, ngân sách địa phương có đầu tư cần thiết.

Ban Tuyên huấn Trung ương, Ban Khoa giáo Trung ương, Bộ Văn hoá, Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Bộ Lao động, Tổng cục Thể dục thể thao, các Hội Văn học - nghệ thuật, v.v. chỉ đạo các địa phương làm kế hoạch và giúp đỡ các địa phương một cách thiết thực trong việc xây dựng đời sống tinh thần và văn hoá ở nông thôn ăn khớp với kế hoạch chung.

IX - Xây dựng huyện, tổ chức lại sản xuất

trên địa bàn huyện

Đại hội Đảng lần thứ IV đã quyết định: "Xây dựng huyện vững mạnh, thực sự trở thành đơn vị kinh tế nông - công nghiệp; lấy huyện làm địa bàn tổ chức lại sản xuất, tổ chức và phân công lại lao động một cách cụ thể và kết hợp công nghiệp với nông nghiệp, kinh tế toàn dân với kinh tế tập thể, công nhân với nông dân. Xây dựng chính quyền cấp huyện thành một cấp kế hoạch toàn diện và có ngân sách, một cấp quản lý sản xuất, quản lý phân phối và đời sống".

Trong điều kiện kỹ thuật và quản lý hiện nay, với quy mô khoảng vài vạn hécta và 15-20 vạn dân ở đồng bằng, 2-5 vạn hécta và 10-15 vạn dân ở trung du, 4-5 vạn hécta đất đai kinh doanh và 5-7 vạn dân ở miền núi, huyện là địa bàn thích hợp để tổ chức lại sản xuất nông, lâm nghiệp, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Mỗi huyện là một tiểu vùng sản xuất nông, lâm nghiệp và công nghiệp trong một tỉnh, có thể tự cân đối được trồng trọt và chăn nuôi, kết hợp tốt nông nghiệp với lâm nghiệp, ngư nghiệp; kết hợp sản xuất với chế biến; mở mang nhiều ngành nghề thủ công nghiệp và tiểu công nghiệp, nhiều xí nghiệp công nghiệp chế biến nông, lâm, hải, thuỷ sản với quy mô thích hợp, sử dụng có hiệu quả các loại máy nông nghiệp. Huyện là địa bàn kết hợp sản xuất với lưu thông phân phối, phát triển văn hoá và xây dựng cuộc sống mới ở nông thôn. Trong mỗi huyện, vừa có kinh tế quốc doanh (nông trường, trạm, trại, nhà máy, cửa hàng...) vừa có kinh tế tập thể. Nơi có điều kiện thì tổ chức những đơn vị sản xuất liên doanh giữa các hợp tác xã, giữa các nông trường, giữa nông trường với hợp tác xã. Huyện cũng là địa bàn để tăng cường an ninh chính trị và củng cố quốc phòng, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng.

Các hợp tác xã, các nông trường, lâm trường quốc doanh, các xí nghiệp công nghiệp, các cơ sở liên doanh trong huyện liên kết với nhau thành một cơ cấu sản xuất, làm cho huyện trở thành đơn vị kinh tế nông - công nghiệp, trong đó từng xí nghiệp, nông trường, lâm trường và hợp tác xã là những đơn vị hạch toán kinh tế.

Tổ chức lại sản xuất và tổ chức đời sống trên địa bàn huyện một cách toàn diện nhằm giải quyết ngày càng tốt hơn các vấn đề ăn, mặc, ở , đi lại, học hành, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân và làm tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Phải thực hiện những biện pháp sau đây:

- Dựa vào quy hoạch, phân vùng kinh tế chung và điều kiện tài nguyên, đất đai, khí hậu, thời tiết và kinh nghiệm sản xuất của nhân dân từng huyện mà xây dựng quy hoạch tổng thể, quy hoạch cụ thể trên địa bàn huyện, từng vùng nhỏ và từng hợp tác xã, nông trường, lâm trường; xây dựng phương án kinh tế, kỹ thuật bảo đảm phát huy tốt nhất sức lao động và các điều kiện sản xuất. Kết hợp quy hoạch sản xuất với quy hoạch dân cư, xây dựng nông thôn mới.

- Triển khai ngay việc đưa sản xuất đi vào chuyên canh theo từng vùng và nhanh chóng đưa chăn nuôi lên cân đối với trồng trọt.

- Tổ chức và phân công lại lao động trên địa bàn huyện để vừa bảo đảm sản xuất của các hợp tác xã, vừa tạo được một lực lượng lao động do cấp huyện trực tiếp nắm nhằm phục vụ các yêu cầu xây dựng cơ bản và sản xuất công nghiệp. Tạo điều kiện cho huyện có ngân sách và quỹ dự trữ lương thực cần thiết để chủ động sử dụng lao động vào việc xây dựng kinh tế, phát triển văn hoá trong huyện.

- Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết cho huyện: đẩy mạnh công tác thuỷ lợi; phát triển công nghiệp địa phương bao gồm các ngành nghề thủ công, tiểu công nghiệp có quan hệ đến sản xuất, chế biến, xây dựng và đời sống ở nông thôn, các cơ sở sản xuất công cụ, vật liệu xây dựng, đồ mộc..., các cơ sở sản xuất thức ăn gia súc, chế biến nông sản, lâm sản, thuỷ sản, trạm máy kéo và cơ sở sửa chữa cơ khí. Xây dựng hệ thống giao thông vận tải phục vụ cơ giới hoá nông nghiệp, phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Xây dựng hệ thống kho, mạng lưới cung cấp vật tư kỹ thuật, hàng công nghiệp cho nhân dân thu mua nông sản, lâm sản, hải sản; xây dựng các trại giống cây, giống con, trạm bảo vệ thực vật, trạm thú y và những trạm kỹ thuật khác... Xây dựng các trường lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở và lao động kỹ thuật.

- Uỷ ban nhân dân huyện vừa là cơ quan hành chính, vừa là cơ quan kinh tế, trực tiếp điều hành sản xuất và quản lý các mặt kinh tế, văn hoá, nội chính trên địa bàn huyện, dựa vào các bộ phận chuyên môn mà chỉ đạo và quản lý các hợp tác xã, các nông trường, lâm trường và các cơ quan kinh tế khác trong huyện. Nhà nước cần sớm ban hành quy chế về cấp huyện, định rõ chức năng, nhiệm vụ và tổ chức, biên chế của bộ máy chính quyền cấp huyện, gọn, nhẹ và có hiệu lực.

Tăng cường lực lượng cán bộ một cách đồng bộ và ra sức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho cấp huyện để, trong vòng vài năm, bộ máy cấp huyện có đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ mới.

Các ngành ở Trung ương phải cùng các tỉnh, thành chỉ đạo các huyện triển khai công việc, giải quyết những khó khăn, mắc mứu có liên quan đến công việc và trách nhiệm của ngành mình.

Sơ kết kịp thời kinh nghiệm xây dựng các huyện điểm của Trung ương. Mỗi tỉnh chỉ đạo một huyện điểm đồng thời triển khai việc xây dựng các huyện khác theo kế hoạch.

X- Về kế hoạch hoá và chính sách

1. Phương pháp kế hoạch hoá phải vừa phát huy đầy đủ tính chủ động, sáng tạo của các cấp tỉnh, huyện, cơ sở, vừa bảo đảm sự quản lý tập trung của Trung ương.

Phải xây dựng kế hoạch nông nghiệp, lâm nghiệp từ cơ sở hợp tác xã, nông trường, lâm trường, xí nghiệp và trên địa bàn. Các huyện phải có kế hoạch từng năm, từng vụ và tiến tới có quy hoạch, kế hoạch dài hạn về sản xuất và tổ chức đời sống.

Cải tiến hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh của Nhà nước để cho tỉnh, huyện và cơ sở sản xuất có quyền chủ động hơn trong việc tổ chức lại sản xuất, tổ chức công tác lưu thông phân phối và xây dựng đời sống vật chất và văn hoá trong địa phương.

2. Soát lại hệ chính sách đòn bẩy kinh tế để có sự điều chỉnh, bổ sung cần thiết, nhằm khuyến khích phát triển sản xuất (thâm canh, tăng vụ, khai hoang, thuỷ lợi hoá, cơ giới hoá, tăng năng suất lao động...). Kết hợp đúng đắn kế hoạch hoá với vận dụng quy luật giá trị, để bảo đảm hai yêu cầu cơ bản là tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật và thoả mãn nhu cầu vật chất, văn hoá của nhân dân.

Các chính sách của Nhà nước phải bảo đảm sự nhất trí giữa lợi ích chung của toàn xã hội với lợi ích của từng đơn vị sản xuất và quyền lợi chính đáng của từng người lao động, xây dựng và phát triển quan hệ hợp lý giữa sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể.

ở miền Bắc, cần sớm ổn định nghĩa vụ bán lương thực và nông sản cho Nhà nước. Tiến tới lấy huyện làm đơn vị giao nghĩa vụ. Thực hiện hợp đồng hai chiều và có chính sách khuyến khích bán lương thực, nông sản cho Nhà nước, để thu mua được ngày càng nhiều sản phẩm.

Đối với nông dân cá thể ở miền Nam, ngoài chính sách thu thuế bằng sản phẩm, Nhà nước thông qua hợp đồng hai chiều và làm tốt công tác chính trị tư tưởng để nắm cho được phần lớn nông sản hàng hoá.

Điều chỉnh sớm một số giá mua nông sản thấy rõ là không hợp lý, như giá mua thóc, mua màu, mua thịt, giá cây giống, con giống... Giá mua phải bảo đảm bù đắp đủ chi phí sản xuất hợp lý và có lãi cho người sản xuất.

Tăng cường đầu tư để mở rộng diện tích canh tác và đưa dân ở các vùng quá đông người đi mở mang các vùng kinh tế mới với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Giảm dần tỷ trọng đầu tư qua ngân sách, mở rộng đầu tư cho nông nghiệp qua ngân hàng cho vay vốn.

Phải có chính sách phát triển toàn diện kinh tế miền núi. Phát huy thế mạnh của miền núi về lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc lớn và cây công nghiệp dài ngày; nắm vững điều kiện địa lý, địa hình, khí hậu, thời tiết ở từng vùng để có sự chỉ đạo thích hợp về phương hướng sản xuất, cơ cấu cây trồng, biện pháp kỹ thuật, về phát triển thuỷ lợi và giao thông vận tải. Đối với vùng rẻo cao, phải tích cực vận động định canh định cư, kết hợp việc bố trí dân cư, phát triển kinh tế với việc củng cố quốc phòng. Ngoài việc vận động nhân dân tận dụng đất tại chỗ để trồng hoa màu thích hợp, Nhà nước cần cung ứng thêm lương thực để tổ chức nhân dân trồng rừng, bảo vệ rừng, đẩy mạnh chăn nuôi, trồng các cây đặc sản, phát triển thuỷ lợi kết hợp với thuỷ điện, mở rộng hệ thống giao thông vận tải, làm tốt quy hoạch dân cư, nâng cao từng bước đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân các dân tộc.

Phần thứ tư: Tăng cường tổ chức chỉ đạo của Đảng và nhà nước, làm tốt công tác cán bộ và động viên cao độ sức mạnh làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân

1. Trước hết, phải tạo ra sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, tư tưởng, làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thấm nhuần đường lối chung và đường lối kinh tế của Đảng, nắm thật vững nhiệm vụ hàng đầu trong những năm trước mắt, là phát triển nông nghiệp gắn liền với phát triển lâm nghiệp, ngư nghiệp. Phát huy cao độ ý thức làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, tinh thần tự lực tự cường, tinh thần cách mạng tiến công và tinh thần khoa học, tạo ra cho được một sự chuyển biến mới về lãnh đạo, chỉ đạo, về tác phong công tác và lề lối làm việc của các cấp, các ngành, tạo ra cho được một phong trào quần chúng hăng hái lao động sản xuất, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Bộ Chính trị dành thời gian thích đáng cho việc lãnh đạo nông, lâm, ngư nghiệp, có những cuộc họp chuyên đề giải quyết các vấn đề lớn có liên quan đến nông, lâm, ngư nghiệp. Ban Bí thư tăng cường kiểm tra đôn đốc các ngành, các địa phương trong việc thực hiện các chủ trương của Trung ương. Kiện toàn Ban Nông nghiệp của Đảng để giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư nghiên cứu, kiểm tra về mặt nông, lâm nghiệp.

Chính phủ tập trung chỉ đạo nông, lâm, ngư nghiệp, cụ thể hoá kịp thời hơn nữa đường lối chủ trương của Đảng, biến đường lối chủ trương của Đảng thành kế hoạch, pháp lệnh, thể chế, quy định của Nhà nước, ban hành các chính sách cụ thể, tổ chức sự hiệp đồng giữa các ngành, các cấp bảo đảm triển khai nhanh công việc, giải quyết kịp thời những yêu cầu vật chất và những vấn đề mà địa phương và cơ sở đặt ra.

Ban Bí thư cùng với Thường vụ Hội đồng Chính phủ chăm lo việc xây dựng các huyện, chỉ đạo chặt chẽ công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp ở miền Nam, ngăn ngừa và uốn nắn những lệch lạc làm trở ngại cho sản xuất.

Tăng cường Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Hải sản, giao đầy đủ quyền hạn về xây dựng kế hoạch, về vật tư, tiền vốn, điều chỉnh và bổ sung cán bộ, làm cho các bộ ấy có đủ sức thực hiện ba chức năng: hành chính kinh tế; chỉ đạo quản lý kinh doanh; nghiên cứu, ứng dụng, chỉ đạo khoa học kỹ thuật và đào tạo cán bộ.

Phải tăng cường Tổng cục khai hoang, Tổng cục trang bị kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp, bố trí cán bộ có năng lực phụ trách và sớm đưa công tác của các tổng cục đi vào nền nếp. Thành lập các tổng công ty, công ty hoặc xí nghiệp liên hợp đối với những cây, con đang phát triển lớn, chuyên môn hóa cao, sản xuất trên những địa bàn tập trung và có quy mô chế biến lớn, như cao su, mía đường, cà phê và chè, chăn nuôi lấy thịt và lấy sữa, chăn nuôi theo phương pháp công nghiệp, các giống cây, giống con và hàng xuất khẩu. Các tổ chức này quản lý cả sản xuất, chế biến, gắn các đơn vị sản xuất và kinh doanh từ Trung ương, tỉnh, huyện đến cơ sở thành hệ thống.

Thành lập Ban Cải tạo nông nghiệp miền Nam, với nhiệm vụ giúp Trung ương Đảng và Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng cấp huyện, tổ chức lại sản xuất trên địa bàn huyện và tiến hành hợp tác hoá nông nghiệp ở miền Nam.

Các bộ, các tổng cục phải đưa nội dung phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp vào chương trình hoạt động chính của ngành, phải có kế hoạch và biện pháp cụ thể về từng chuyên đề, phải huy động bộ máy của ngành để phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp và có một đồng chí lãnh đạo của ngành phụ trách, bảo đảm thực hiện các hợp đồng đúng kế hoạch, đúng thời gian.

Thực hiện phân cấp quản lý và tạo điều kiện để phát huy đầy đủ vai trò của cấp tỉnh trong việc xây dựng kinh tế địa phương thành cơ cấu công - nông nghiệp. Làm cho tỉnh chủ động trong việc bố trí kế hoạch, vừa bảo đảm nhu cầu của địa phương, vừa làm tròn nghĩa vụ do Trung ương giao cho, cùng với các bộ xây dựng các huyện thành đơn vị kinh tế nông - công nghiệp. Cải tiến và tăng cường công tác quản lý ở các đơn vị cơ sở.

2. Ra sức xây dựng, củng cố các đảng bộ và chi bộ ở nông thôn

Qua việc tổ chức lại sản xuất trên địa bàn huyện và xây dựng, củng cố, tăng cường hợp tác xã mà nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, kiện toàn các cấp uỷ, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí tốt cán bộ, nâng cao chất lượng của chi bộ và đảng bộ cơ sở về mọi mặt, tiếp tục nâng cao chất lượng đảng viên, đưa những người không đủ tiêu chuẩn ra khỏi Đảng.

ở miền Nam, tính tiền phong, tính chiến đấu của chi bộ, đảng bộ cơ sở ở nông thôn phải thể hiện trong việc kiên quyết lãnh đạo nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể, sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, ra sức phát triển sản xuất theo đúng quy hoạch và kế hoạch và hăng hái làm nhiệm vụ với Nhà nước. Giáo dục sâu rộng về chủ nghĩa xã hội trong các đảng bộ ở miền Nam, xây dựng tư tưởng làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa và nâng cao kiến thức chính trị, kinh tế, văn hoá, làm cho đảng viên đi đầu và có đủ sức lãnh đạo quần chúng trong phong trào hợp tác hoá và sản xuất nông nghiệp. Qua các phong trào này mà củng cố và tăng cường tổ chức cơ sở, rèn luyện cán bộ, đảng viên, xây dựng cốt cán trong quần chúng, tuyển chọn những người tiên tiến và kiên định để bồi dưỡng và bổ sung vào đội ngũ của Đảng.

3. Đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ

Yêu cầu cấp bách hiện nay là tăng cường cán bộ có chất lượng cho huyện và chuẩn bị cán bộ quản lý và kỹ thuật cho hợp tác xã. Kiên quyết giảm nhẹ biên chế hành chính ở Trung ương, ở tỉnh, đưa một số cán bộ quân đội ra làm kinh tế, tăng cường cán bộ cho huyện, cho các hệ thống kinh doanh và các đơn vị trực tiếp sản xuất.

Sử dụng tốt cán bộ khoa học kỹ thuật và nghiệp vụ hiện có, nhất là số cán bộ có trình độ trên đại học và đại học, kể cả số cán bộ kinh tế, kỹ thuật đã làm việc dưới chế độ cũ ở miền Nam. Có chính sách khuyến khích cán bộ ngày càng chuyên sâu vào từng cây, từng con, từng ngành nghề, sẵn sàng đi tới những nơi sản xuất cần đến. Có chính sách thích đáng đối với cán bộ xã và cán bộ hợp tác xã.

Triển khai kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nhằm bảo đảm các yêu cầu về cải tạo nông nghiệp ở miền Nam, tăng cường hợp tác xã ở miền Bắc, phát triển nông trường quốc doanh, xây dựng huyện, v.v..

Tăng cường và nâng cao chất lượng các trường đại học hiện có, từng bước xây dựng các trường cao đẳng bố trí theo các vùng kinh tế, trước hết ở các tỉnh lớn nhằm đào tạo kỹ sư thực hành và cán bộ quản lý cho hợp tác xã và nông trường, lâm trường quốc doanh; tăng cường các trường trung cấp chuyên nghiệp về kỹ thuật và quản lý ở các tỉnh và mở các lớp bồi dưỡng ngắn ngày cho cán bộ ở cơ sở.

Chú ý phát triển hình thức vừa học, vừa lao động sản xuất, thực nghiệm và nghiên cứu khoa học. Coi trọng tổng kết kinh nghiệm để bồi dưỡng cán bộ một cách thiết thực. Cải tiến công tác tuyển sinh để đưa ngày càng nhiều thanh niên nông dân, nhất là cán bộ, xã viên trẻ vào học ở các trường, sau đó phân công trở về địa phương. Ngoài hình thức đào tạo dài hạn, hết sức coi trọng hình thức đào tạo tại chức và bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ quản lý và kỹ thuật các cấp.

ở miền Nam, phải chú trọng việc xây dựng, bồi dưỡng cốt cán trong các tầng lớp nhân dân lao động.

4. Phát động quần chúng

Dựa vào các chi bộ và đảng bộ cơ sở, các đoàn thể quần chúng như Nông hội, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn, các tổ chức kinh tế cơ sở, huy động tốt các cơ quan tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, để tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng trong Đảng, trong nhân dân, phát động phong trào cách mạng liên tục của nông dân lao động và các tầng lớp nhân dân đi vào công cuộc cải tạo và xây dựng nông nghiệp và phục vụ nông nghiệp với khí thế hào hùng của những người làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh các phong trào thâm canh, tăng vụ, làm thuỷ lợi, làm phân bón, khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới, tiến quân vào khoa học kỹ thuật, hăng hái gia nhập hợp tác xã, v.v..

Phải thông qua phong trào cách mạng của quần chúng mà giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng ý thức làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, phát huy lòng tự hào của nông dân lao động nước ta đã từng một lòng một dạ đi theo Đảng đánh thắng những đế quốc mạnh, xoá bỏ giai cấp địa chủ phong kiến. Làm cho mọi người nông dân lao động hiểu con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường xoá bỏ vĩnh viễn ách bóc lột giai cấp, đưa đất nước đến giàu mạnh, đưa nhân dân đến đời sống ấm no, hạnh phúc. Làm cho quần chúng đông đảo kiên định đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, đoàn kết chặt chẽ, ủng hộ và thực hiện mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước; nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tỉnh táo đề phòng và kiên quyết đấu tranh chống lại mọi mưu mô và hành động chia rẽ dân tộc, chia rẽ lương, giáo, và phá hoại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Giáo dục giai cấp công nhân về nhiệm vụ phục vụ nông nghiệp và phát động phong trào công nhân phục vụ nông nghiệp.

Phải có nhiều hình thức tổ chức và động viên phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp, như việc mở hội nghị những người tích cực trên từng mặt sản xuất nông nghiệp, kịp thời tổng kết và nêu gương những điển hình tiên tiến, phát động và tổ chức quần chúng học tập và làm theo các điển hình ấy. ở các tỉnh miền Nam, cần mở Đại hội đại biểu Nông hội để phát động nông dân thực hiện cuộc vận động hợp tác hoá nông nghiệp. Tiếp tục mở các đại hội đại biểu nông dân tập thể ở miền Bắc để vận động các hợp tác xã nông nghiệp củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh sản xuất, chuẩn bị tiến tới Đại hội đại biểu nông dân tập thể toàn quốc.

*

*      *

Tiềm lực của đất nước ta về nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp rất to lớn, chúng ta có những thuận lợi rất cơ bản nhưng khó khăn trước mắt cũng không ít. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hãy ra sức phấn đấu, đưa nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp phát triển vượt bậc, thực hiện đầy đủ những mục tiêu đã được Đại hội lần thứ IV của Đảng đề ra.

Thành công trên mặt trận nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp trong kế hoạch 5 năm 1976 - 1980 hết sức quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa của chúng ta.

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết giành cho được những thắng lợi lớn, tạo điều kiện vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa và cải thiện một bước đời sống của nhân dân ta.

Hãy kiên quyết tập trung lực lượng của cả nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, phát động phong trào quần chúng rộng lớn đi vào lao động sản xuất, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện thành công Nghị quyết của Đại hội lần thứ IV của Đảng về mặt phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng nông thôn mới, con người mới xã hội chủ nghĩa!

 

T/M Ban Chấp hành Trung ương

Lê Duẩn

 

 

Lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng

 

 

 

 

 

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website