Báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI)

 

I – KIỂM ĐIỂM TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG HAI

Nghị quyết Trung ương hai ra đời mới được hơn bốn tháng, các chủ trương, chính sách của Trung ương chưa thể triển khai được hết. Từ Trung ương đến các cấp, các ngành đã làm việc với mức cố gắng cao nhưng kết quả đem lại chưa được như chúng ta mong muốn. Tình hình sản xuất và phân phối lưu thông tiếp tục diễn biến xấu. Đời sống nhân dân lao động, nhất là đời sống công nhân, viên chức và lực lượng vũ trang hết sức khó khăn.

Trong hơn bốn tháng qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã dành nhiều thời gian để bàn việc thực hiện Nghị quyết Trung ương hai. Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng thường xuyên trao đổi ý kiến với nhau khi ra các quyết định và trong quá trình chỉ đạo thực hiện các quyết định. Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng đã thực hiện một khối lượng công tác đáng kể: chỉ đạo huy động, vận chuyển lương thực từ Nam ra Bắc, giải thể các trạm kiểm soát cố định trên các trục giao thông và thực hiện những biện pháp quản lý thị trường; điều chỉnh một số giá thuộc diện Trung ương quản lý; ra những quy định tạm thời về giải quyết lương; chỉ đạo việc tính thử "đầu vào", "đầu ra" ở một số xí nghiệp; sửa đổi, bổ sung một số chế độ về du lịch, kiều hối, gửi tiền và hàng từ nước ngoài về; sửa lãi suất tín dụng; xây dựng đề án chuyển các hoạt động lương thực, ngân hàng, vật tư, nội thương sang kinh doanh (về nội thương, ngân hàng đang làm thử ở một số nơi). Một số chính sách quan trọng khác đang được xây dựng và chuẩn bị thông qua như chính sách sử dụng các thành phần kinh tế (không phải quốc doanh), luật đầu tư, thuế xuất nhập khẩu, quy định tiết kiệm, chế độ phân cấp ngân sách, chính sách giảm biên chế, v.v.. Quan hệ hợp tác kinh tế với Liên Xô được đổi mới và được xúc tiến triển khai với quy mô và khối lượng lớn.

Các địa phương, các ngành, các cơ sở đã có những cố gắng lớn trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, chế độ do Trung ương đề ra. Nhiều địa phương, với tinh thần trách nhiệm đối với tình hình sản xuất và đời sống nhân dân, đã chủ động đề ra một số chủ trương cụ thể và quy định tạm thời trong phạm vi địa phương. Kỷ luật chấp hành nghị quyết của Trung ương, các quyết định của Chính phủ và chế độ thỉnh thị báo cáo có tiến bộ.

Mặc dù chúng ta đã làm việc khẩn trương, song tình hình phân phối lưu thông chưa được cải thiện, vẫn tiếp tục đà "bốn tăng", đặc biệt từ đầu tháng 5 có sự đột biến xấu hết sức nghiêm trọng.

Giá tiếp tục tăng nhanh, từ giá thóc, gạo, giá vàng, đến giá hầu hết các mặt hàng khác. Giá bán lẻ trên thị trường xã hội trong quý IV - 1986 tăng bình quân mỗi tháng 18%, sang quý I-1987 giảm xuống 12%, từ tháng 4, tháng 5 lại tăng lên 16% và đến tháng 6 lên đến 19,8%. Trên lĩnh vực giá cả có nhiều hiện tượng tiêu cực và lộn xộn.

Lương thực tế của công nhân viên chức giảm sút nhanh. Tình trạng thu nhập không công bằng phát triển, chênh lệch quá xa giữa các vùng, các ngành, nghề, không theo nguyên tắc phân phối theo lao động. Chế độ lương và cách tính lương không thống nhất, Nhà nước không kiểm soát được. Những khoản thu nhập ngoài tiền lương dưới hình thức các loại tiền thưởng, phụ cấp, bồi dưỡng, v.v. và các kiểu "phân phối nội bộ" bằng hiện vật rất tuỳ tiện ở nhiều nơi đã gây ra những hậu quả xấu về kinh tế và xã hội.

Tài chính nhà nước thất thu lớn, nhất là thu trong khu vực quốc doanh, thu thuế công thương nghiệp, nông nghiệp, thất thoát trong thực hiện hợp đồng hai chiều với nông dân, bỏ sót nhiều nguồn thu. Riêng thuế công thương nghiệp, ước tính cả nước tỷ lệ thất thu khoảng 30%, có địa phương tới 50%. Đặc biệt những khoản thu lớn thông qua chênh lệch giá không được đưa vào ngân sách nhà nước.

Việc chi cũng hết sức tuỳ tiện và lãng phí. Chi cho bù giá, bù lương vẫn lớn. Bội chi ngân sách rất nghiêm trọng.

Tiền tệ lạm phát tiếp tục tăng với nhịp độ cao, sáu tháng đầu năm, mức bội chi tiền mặt đã xấp xỉ 1,5 lần mức bội chi cả năm 1986, mà Nhà nước vẫn thiếu tiền để trả lương, sản xuất và thu mua… Bội chi tiền mặt dưới hình thức tín dụng rất lớn. Tín dụng sai phương hướng: tập trung cho vay kinh doanh thương nghiệp, chủ yếu là cho các công ty, đơn vị thương nghiệp cấp huyện, cấp xã vay, trong khi các ngành và các đơn vị sản xuất được vay chiếm tỷ lệ rất thấp. Kỷ luật dùng và giữ tiền mặt hầu như không còn.

Các ngành phân phối lưu thông căn bản chưa chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, mua bán gặp nhiều ách tắc; tình trạng lộn xộn, móc ngoặc, tham ô, ăn cắp, làm ăn kém hiệu quả rất phổ biến. Nhiều khoản lãi kinh doanh chui vào túi riêng của những cá nhân và tập thể tiêu cực của nhiều ngành, không được đưa vào ngân sách nhà nước.

Các ngành và các cơ sở sản xuất do những biến động về giá - lương - tiền, lại thiếu vật tư, nguyên liệu, năng lượng, nhiên liệu, tiền vốn, nên sản xuất gặp nhiều khó khăn, không đạt kế hoạch cả về sản lượng và chất lượng, hàng hoá đưa ra thị trường xã hội ngày càng giảm; việc hạch toán kinh tế không thống nhất, rất tuỳ tiện, mang nặng tính hình thức; tình trạng lãi giả, lỗ thật tiếp tục diễn ra ở nhiều đơn vị cơ sở.

Thực trạng nói trên tiếp tục làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan nhà nước.

Tình hình trên đây có những nguyên nhân sâu xa và khách quan. Hậu quả nặng nề của những sai lầm nhiều năm trong lãnh đạo kinh tế, đặc biệt trong cuộc tổng điều chỉnh về giá - lương - tiền tháng 9-1985 chưa được khắc phục. Liên tiếp vụ mùa 1986, vụ chiêm xuân và vụ hè thu 1987, nhiều nơi trong cả nước bị thiên tai, mất mùa nặng. Tình trạng đặc biệt căng thẳng về tiền lương kéo theo nhiều sự căng thẳng khác.

Năm nay những mất cân đối lớn về nguồn vật chất, về năng lượng, nguyên liệu, vật tư cũng gay gắt hơn so với mọi năm. Nhà nước không còn dự trữ vật tư, hàng hoá.

Chúng ta không đánh giá thấp những khó khăn khách quan hết sức to lớn lâu dài, song, điều quan trọng là phải phân tích sâu sắc những nguyên nhân chủ quan, nêu rõ những khuyết điểm và nhược điểm của Đảng và Nhà nước, của các cấp, các ngành trong lãnh đạo và điều hành thực hiện Nghị quyết Trung ương hai:

Một là, thiếu sót lớn nhất trong sự chỉ đạo của Trung ương, của Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng là chậm cụ thể hoá Nghị quyết Trung ương hai thành chính sách, thể chế và quy định.

Một số việc lẽ ra cần tập trung chỉ đạo hơn nữa để giải quyết nhanh, nhưng chưa làm như: chấn chỉnh việc cung ứng vật tư cho sản xuất, tận thu đủ thuế công thương nghiệp, thuế nông nghiệp, thu nợ, giải thể những tổ chức trung gian không cần thiết trong hệ thống thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, không cho những tổ chức, cơ quan và đơn vị lực lượng vũ trang không có chức năng thương nghiệp tham gia buôn bán, ngăn chặn tệ tranh mua, tranh bán, kích giá lên cao để ăn chênh lệch giá, quy định cách tính lương và bù giá vào lương, đề ra những quy định cụ thể về tiết kiệm chi, v.v..

Sự chậm trễ ấy có phần do phân phối lưu thông là một vấn đề cực kỳ phức tạp, phải giải quyết trong tình hình kinh tế nước ta rất không bình thường, thời gian nghiên cứu các phương án kinh tế quá ít, trong khi tất cả chúng ta, ở các cấp, các ngành lại thiếu kiến thức, kinh nghiệm và năng lực giải quyết. Khi xác định một số chủ trương, chính sách cụ thể, không phải không còn những quan điểm và ý kiến khác nhau. Chẳng hạn như ý kiến khác nhau về việc vận dụng nguyên tắc tập trung dân chủ, quy luật giá trị, xử lý mối quan hệ kế hoạch - thị trường, về bước đi trong việc xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa hoặc cả những cách hiểu khác nhau về nội dung "bốn giảm", lạm phát…

Hai là, một số chủ trương, biện pháp kinh tế đã đề ra không phù hợp với tình hình thực tế, và không đồng bộ nên cấp dưới khó thi hành, do đó không có hiệu lực, chẳng hạn: Nhà nước chỉ đạo giữ quá lâu giá bán lẻ hình thành ở các địa phương cuối tháng 4-1987 trong khi lạm phát với mức độ lớn và giá thị trường tăng nhanh hằng tháng; quyết định khung giá bán lẻ kinh doanh thương nghiệp đối với một số mặt hàng thì phù hợp, nhưng đối với nhiều mặt hàng thì thấp hơn hoặc cũng có một số ít mặt hàng cao hơn giá thực tế đang bán ở từng địa phương; lại không hướng dẫn phương thức bán tương ứng làm cho các ngành và các địa phương rất lúng túng, bị động, dẫn đến tình trạng bên dưới làm khác với quyết định của bên trên, làm chui, làm lén, mạnh ai nấy làm.

Ba là, trong lúc cơ chế quản lý kinh tế cũ chưa bị xoá bỏ, cơ chế quản lý kinh tế mới chưa hình thành, chúng ta đã có những sơ hở lớn,buông lỏng vai trò cực kỳ quan trọng của kế hoạch nhà nước và không giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng và Nhà nước. Nhà nước chưa kịp thời sửa đổi cơ chế kế hoạch hoá để thực hiện tốt việc phân phối, cung ứng và bảo đảm cân đối những vật tư chiến lược và nguồn ngoại tệ cho những mục tiêu trọng điểm của nền kinh tế quốc dân (như bảo đảm phân bón, thuốc trừ sâu cho sản xuất nông nghiệp, nguyên liệu vật tư cho sản xuất những hàng tiêu dùng thiết yếu, và ngành hải sản và một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực…), có khuynh hướng thả nổi cho các ngành, các địa phương và cơ sở "tự chạy" vật tư một cách tràn lan, mất trật tự. Có nơi "tự chạy" tốt, chấp hành đúng các chính sách và quy định của Nhà nước, nhưng rất nhiều nơi "tự chạy" một cách vô tổ chức, kết quả là một phần quan trọng vật tư của Nhà nước bị xâu xé, thất thoát, đi lòng vòng qua nhiều tầng nấc và bị đẩy giá lên quá cao, gây ra nhiều hiện tượng tiêu cực, Nhà nước không nắm lại được sản phẩm với khối lượng và giá cả tương ứng với số vật tư bỏ ra. Công tác kế hoạch hoá về mặt giá trị bị xem nhẹ và gần như không thực hiện được. Vai trò điều khiển tập trung thống nhất của Nhà nước thông qua kế hoạch ngày càng suy yếu nghiêm trọng. Tình hình phân phối lưu thông ngày càng rối ren, lộn xộn.

Nhiều ngành, địa phương và cơ sở năng động, sáng tạo, song cũng còn nhiều biểu hiện thiếu quan điểm toàn cục, thiếu hiểu biết tình hình chung của đất nước, chấp hành kỷ luật không nghiêm, điều hành không chặt chẽ để xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán, kích giá để ăn chênh lệch giá không chính đáng, "phân phối nội bộ" tràn lan, định tiền lương không theo năng suất, hiệu quả, định các mức tiền thưởng không đúng chế độ, để nợ thuế, nợ hợp đồng, thất thu thuế quá lớn, chi xây dựng cơ bản, chi cho liên hoan, hội  họp rất lãng phí...

Trên lĩnh vực phân phối lưu thông, chúng ta đã xem nhẹ cuộc đấu tranh giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, giữa ta và địch, buông lỏng chỉ đạo công tác cải tạo tư thương và quản lý thị trường, để bọn đầu cơ buôn lậu đục khoét hoành hành ngay trên các mặt hàng của Nhà nước, phá hoại nền kinh tế, làm hư hỏng, tha hoá một bộ phận công nhân, viên chức nhà nước và cả lực lượng vũ trang. Kẻ địch phá ta về kinh tế, rõ nhất là trong các hoạt động buôn lậu qua biên giới, cả trên mặt biển, buôn lậu vàng, đôla, tuồn tiền giả ra thị trường, tung tin đồn nhảm, gây những "cơn sốt" về giá vàng, đôla, v.v.. Chúng ta đã không kiên quyết đấu tranh khắc phục những tình trạng không lành mạnh nói trên.

Bốn là, chúng ta chưa khẩn trương sắp xếp lại tổ chức sản xuất, lưu thông vật tư, hàng hoá, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước các ngành, các cấp. Việc điều chỉnh lại những điểm không hợp lý trong các chế độ phân công, phân cấp hiện hành chưa làm được bao nhiêu, hệ thống tổ chức quản lý còn chồng chéo, chia cắt với nhiều tầng nấc trung gian, bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, nặng nề, kém hiệu lực.

II – CHỦ TRƯƠNG, BIỆN PHÁP CẤP BÁCH VỀ PHÂN PHỐI LƯU THÔNG

Các chủ trương, biện pháp cấp bách dưới đây về phân phối lưu thông được xác định trên cơ sở nắm vững những phương hướng và tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương hai.

Chúng ta cần nhận rõ: thực hiện Nghị quyết Trung ương hai là một quá trình, phải làm từng bước và đồng bộ. Định các chính sách, cơ chế cụ thể về giá, lương, tài chính, tiền tệ, chuyển các hoạt động phân phối lưu thông sang hạch toán kinh doanh trong tình hình khó khăn hiện nay phải thận trọng, cân nhắc từng mặt trong phương án tổng thể. Đi đôi với sự chuẩn bị đồng bộ về chính sách và các phương án  kinh tế cụ thể, phải đặc biệt chú ý chuẩn bị nguồn vật tư, hàng hoá, tiền mặt và các phương tiện thanh toán khác, chuẩn bị về tổ chức, cán bộ, chuẩn bị công tác chính trị, tư tưởng, chuẩn bị các phương án chủ động đối phó với những hoạt động phá hoại của bọn đầu cơ, buôn lậu và kẻ địch. Khẩn trương nhưng không vội vàng nôn nóng, không gây xáo động lớn về kinh tế, chính trị và tâm lý xã hội.

Những chủ trương và chính sách về phân phối lưu thông phải nhằm mục tiêu giải phóng mọi năng lực sản xuất, thúc đẩy sản xuất phát triển, gắn liền với thực hiện từng bước mục tiêu "bốn giảm", từng bước ổn định tình hình kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện toàn diện nhiệm vụ đổi mới cơ chế quản lý và cơ cấu kinh tế.

Trước mắt, cần đề ra những biện pháp cấp bách để áp dụng trong năm 1987, đến cuối năm sẽ sơ kết và điều chỉnh, bổ sung.

Các cấp, các ngành phải thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý kinh tế. Phải có quan điểm toàn cục, bảo đảm lập lại sự kiểm soát tập trung của trung ương trên những vấn đề liên quan lợi ích cả nước; trung ương phải tăng cường quản lý vĩ mô, tập trung sự chỉ đạo tập trung trước hết bằng việc tăng cường vai trò của kế hoạch Nhà nước, xây dựng chính sách, luật pháp; mặt khác phải mở rộng quyền chủ động cho địa phương, ngành, quyền tự chủ của các đơn vị cơ sở, xử lý những vấn đề sát với thực tế mà Trung ương không thể giải quyết tốt từ bên trên.

Phải kiên quyết lập lại trật tự xã hội chủ nghĩa trên mặt trận phân phối lưu thông, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng và Nhà nước, thống nhất ý chí và hành động của toàn Đảng, toàn dân, mọi người làm theo Nghị quyết của Đảng và các quyết định của Nhà nước.

A- Biện pháp và chính sách cụ thể

Về giá:

a) Về giá mua nông sản:

- Giá mua thóc.

Trước mắt, việc mua lương thực vụ hè thu và vụ mùa trong hợp đồng theo tỉ giá sau đây:

+ Ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long: 1 urê = 2,5 thóc.

+ Các tỉnh miền Đông Nam Bộ trở ra đến Quảng Nam - Đà Nẵng: 1 urê = 2,2 thóc.

+ Các tỉnh đồng bằng sông Hồng (từ Bình Trị Thiên trở ra): 1 urê = 2 thóc.

+ Các tỉnh Tây Nguyên và miền núi phía bắc: 1 urê = 1 đến 1,5 thóc.

Tỉ giá nói trên là tỉ giá dùng trong quan hệ mua bán với đơn vị và người sản xuất lương thực.

Mức giá mua thóc vụ hè thu và vụ mùa 1987 trong hợp đồng kinh tế.

+ Ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là 25 đ/kg.

+ Ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ trở ra đến Quảng Nam - Đà Nẵng là 28,4đ/kg.

+ Ở các tỉnh phía bắc (từ Bình Trị Thiên trở ra) là 31 đ/kg.

Đối với các xã vùng giữa, vùng cao miền núi phía bắc và các tỉnh Tây Nguyên thì giữ nguyên tỷ lệ urê và thóc như trên, nhưng mức giá bán vật tư và giá mua thóc thì theo mức giá quy định trong khu vực.

Điều quan trọng hàng đầu là phải đổi mới cơ chế cung ứng vật tư, bỏ ngay các khâu trung gian không cần thiết, cung ứng được vật tư (phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu, điện...), hàng hoá thiết yếu, dịch vụ kỹ thuật cho đơn vị và người trực tiếp sản xuất lương thực, theo kế hoạch sản xuất và theo định mức kỹ thuật bảo đảm mua đại bộ phận lương thực hàng hoá thông qua hợp đồng kinh tế.

Giá mua thóc ngoài hợp đồng phải đúng theo nguyên tắc thật sự thuận mua vừa bán.

Trong lúc thị trường tự do còn chứa đựng nhiều yếu tố tiêu cực, Nhà nước phải đấu tranh chống đầu cơ, tuỳ tiện nâng giá, phải giáo dục, thuyết phục nông dân bán thóc cho Nhà nước với giá phải chăng, không chạy theo giá thị trường tự do. Hội đồng Bộ trưởng xác địnhkhung giá mua thóc ngoài hợp đồng, hướng dẫn các địa phương vận dụng; các địa phương cần tính toán, cân đối nhu cầu mua để bán theo giá kinh doanh, hết sức tránh đặt mức giá mua chênh lệch không hợp lý giữa địa phương này với địa phương khác, nhất là ở các vùng giáp ranh, gây nên tình trạng tranh mua tranh bán gây thêm rối ren, lộn xộn trên thị trường.

Giá mua thịt lợn.

Cần có quy hoạch sớm và dành đất để lập các vành đai thực phẩm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Sông Đà… Các tổ chức kinh doanh của Nhà nước phải có chính sách và kế hoạch sản xuất, chế biến thức ăn gia súc, tổ chức tốt việc gia công và giúp đỡ cho nông dân phát triển chăn nuôi (giống, thuốc thú y, v.v.) rồi thu mua sản phẩm gia công theo hợp đồng, Nhà nước ký hợp đồng bán thức ăn, và nếu nông dân có yêu cầu thì bán cả vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, mua thịt lợn của các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, của nông dân.

Mức giá mua thịt lợn hơi trong hợp đồng được xác định so với giá thóc mua trong hợp đồng  từng vùng như sau:

+ Ở các tỉnh phía bắc: 1 kg lợn hơi bằng giá mua từ 5 đến 6 kg thóc.

+ Ở các tỉnh duyên hải miền Trung: bằng giá mua từ 6 đến 6,5 kg thóc.

Ở các tỉnh Nam Bộ: 1 kg lợn hơi bằng giá mua khoảng 8 kg thóc.

Ngoài ra, Nhà nước mua thịt lợn ngoài hợp đồng theo giá thuận mua vừa bán.

- Giá mua sản phẩm cây công nghiệp.

+ Giá mua trong hợp đồng: Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng xác định tỉ giá hợp lý giữa thóc và các loại sản phẩm cây công nghiệp, định mức giá mua các sản phẩm này tương ứng với giá thóc mua trong hợp đồng.

Nhà nước mua sản phẩm cây công nghiệp theo giá trong hợp đồng tương ứng với giá trị số vật tư nông nghiệp (phân bón, xăng dầu, dịch vụ kỹ thuật, thuốc trừ sâu…) mà Nhà nước cung ứng cho nông dân theo giá Nhà nước chỉ đạo.

Đối với vùng chuyên canh sản xuất cây công nghiệp, nếu thiếu lương thực thì Nhà nước bán lương thực cho người sản xuất theo giá kinh doanh (không bù lỗ) và cố gắng ổn định trong từng vụ.

Giá mua ngoài hợp đồng: Theo nguyên tắc thuận mua vừa bán, nhưng không được chạy theo giá thị trường tự do.

Nhà nước có chính sách thuế hợp lý đối với vùng trồng cây công nghiệp, đối với kinh tế vườn, nhất là các cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, để bảo đảm tương quan hợp lý về thu nhập giữa người trồng cây công nghiệp và người sản xuất lương thực, nhằm khuyến khích các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, nông dân hăng hái phát triển sản xuất theo hướng chuyên canh, thâm canh cây trồng thích hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của từng vùng.

b) Giá mua cá:

 Nhà nước cung ứng đủ xăng dầu, máy, thuyền, lưới, ngư cụ, lương thực, hàng hoá thiết yếu cho ngư dân thông qua hợp đồng kinh tế để nắm được đại bộ phận tôm, cá theo giá chỉ đạo; tổ chức lại nghề cá đi đôi với củng cố và kiện toàn tổ chức hệ thống kinh doanh hải sản (ngành hải sản, nội thương, ngoại thương). Tăng cường tổ chức quản lý và cải tạo thị trường, chấm dứt tình trạng tranh mua, đẩy giá hải sản, thuỷ sản lên cao.

c) Giá bán lẻ hàng tiêu dùng:

Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương hai, việc thực hiện cơ chế một giá đối với hàng tiêu dùng là một quá trình, cần tiến hành từng bước, có cân nhắc, tính toán chặt chẽ, phù hợp với khả năng cân đối tiền - hàng và ngân sách, không để tác động xấu đến đời sống công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang.

Trước mắt, xét trên các mặt cân đối tiền - hàng, căn cứ vào quỹ hàng hoá của Nhà nước định mức giá ổn định đến hết năm 1987 đối với sáu mặt hàng định lượng bán cho công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang là để hãm một bước nhịp độ tăng giá, giảm lạm phát, bảo vệ giá trị đồng tiền Việt Nam, khắc phục một bước những khó khăn trong đời sống của họ.

Nhà nước định giá bán gạo cho công nhân, viên chức và các đối tượng chính sách, thống nhất trong cả nước là 50 đ/kg. Nơi đã tính giá gạo vào lương với mức giá cao hơn thì điều chỉnh xuống đúng mức giá thống nhất này.

Cơ sở và điều kiện để thực hiện  được chủ trương nói trên là Nhà nước thu đủ và thu đúng thuế nông nghiệp (1,2 triệu tấn thóc), mua theo hợp đồng kinh tế hai chiều (khoảng hai triệu đến 2,2 triệu tấn thóc) và thu phí thuỷ lợi và công dịch vụ kỹ thuật (30 vạn tấn).

Giá gạo định 50 đ/kg là giá được nâng lên gấp 10 lần so với giá bán hiện nay cho công nhân, viên chức (theo Quyết định 42a của  Hội đồng Bộ trưởng) phù hợp với hệ thống giá mới, khả năng ngân sách và khả năng tiền mặt từ nay đến cuối năm. Ai không mua hoặc không mua hết tiêu chuẩn định lượng về gạo, Nhà nước sẽ thanh toán số lương thực không mua đó theo giá kinh doanh thương nghiệp.

Nếu chúng ta phấn đấu giữ được ổn định giá gạo từ nay đến cuối năm thì tình hình giá cả sẽ có một bước chuyển biến tốt.

Đối với các đối tượng có quan hệ kinh tế với Nhà nước, Nhà nước sẽ bán lương thực theo giá kinh doanh thương nghiệp (không bù lỗ) và cho tính vào giá gia công hoặc vào giá thành sản phẩm, nhằm xoá các hiện tượng tiêu cực trong gia công, vừa xoá sự bao cấp tràn lan của Nhà nước.

Đối với những hàng công nghiệp tiêu dùng quan trọng do  Trung ương định giá thì Nhà nước căn cứ vào mức giá kinh doanh thực tế đã hình thành và tình hình trượt giá đang diễn ra để soát xét, điều chỉnh lại những giá bất hợp lý, định lại khung giá hợp lý, đi đôi với hướng dẫn tổ chức các phương thức bán hàng thích hợp cho các địa phương vận dụng để các tổ chức kinh doanh của thương nghiệp xã hội chủ nghĩa mua được, bán được, mở rộng dần kinh doanh, vươn lên chiếm lĩnh thị trường, bảo đảm đưa hàng đến người tiêu dùng theo giá nhà nước, tránh mua đi bán lại, đầu cơ. Các tổ chức kinh doanh của Nhà nước (của Trung ương, của tỉnh, thành phố, của huyện, quận), các hợp tác xã mua bán phải công bố công khai giá quy định tại các cửa hàng để nhân dân biết và kiểm tra, không được tuỳ tiện nâng giá những mặt hàng không thuộc thẩm quyền định giá, mà phải góp phần đấu tranh giảm dần nhịp độ tăng giá.

Nhà nước phải chăm lo tăng quỹ hàng hoá đi đôi với việc tăng cường thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán, đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực đang phát triển đến mức nghiêm trọng trong ngành thương nghiệp, đổi mới cơ chế kinh doanh thương nghiệp, loại bỏ những tầng nấc trung gian không cần thiết, giảm mạnh những phí lưu thông không hợp lý.

d) Giá bán buôn vật tư và hàng hoá tiêu dùng:

- Về giá bán buôn vật tư:

Giá bán vật tư cung ứng cho sản xuất công nghiệp trong năm 1987 được xác định theo đúng thông số để tính đầu vào đã được thông qua trong Kết luận của Bộ Chính trị (ngày 29-4-1987), có điều chỉnh trong trường hợp cần thiết, sẽ do Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng xem xét, quyết định và công bố cho thực hiện trên cơ sở kết quả tính thử ở một số xí nghiệp vừa qua. Đây là một bước đi dần vào hạch toán  kinh doanh. Cuối năm 1987 sẽ sơ kết, nếu cần thì có sự điều chỉnh.

Về giá vật tư cung ứng cho nông nghiệp, Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng căn cứ vào tỉ giá và mức giá mua thóc trong hợp đồng kinh tế để định mức giá cụ thể.

Định giá bán vật tư nông nghiệp thống nhất trong cả nước hoặc cho từng vùng lớn. Tổ chức cung ứng vật tư đến huyện hoặc địa điểm gần nhất của cơ sở sản xuất; các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất đến nhận tại đó theo giá chỉ đạo. Vật tư của địa phương tự nhập thêm như phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu, thép, xi măng, nếu đưa vào hợp đồng hai chiều thì bán theo một giá thống nhất của Nhà nước và Trung ương bù chênh lệch. Sắp tới, Nhà nước trung ương phải tích cực phấn đấu bảo đảm toàn bộ việc nhập khẩu các vật tư nói trên để các địa phương không phải lo tự nhập nữa.

Giá bán buôn hàng tiêu dùng được xác định theo nguyên tắc lấy giá bán lẻ trừ lùi chiết khấu thương nghiệp, được ổn định trong thời gian ba tháng hoặc sáu tháng, tuỳ theo từng loại mặt hàng.

Các cơ quan có trách nhiệm cần tính lại chiết khấu lưu thông vật tư và chiết khấu thương nghiệp, đồng thời định lại vốn lưu động cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Với sự điều chỉnh giá trên đây, chúng ta tiếp tục khắc phục một bước hậu quả của cuộc tổng điều chỉnh giá tháng 10-1985. Lần này, tình hình kinh tế chung lại có nhiều khó khăn, phức tạp, cho nên càng phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng và nghiêm chỉnh chấp hành những quy định của Trung ương, phải đề cao kỷ luật chấp hành giá do Nhà nước quy định, tăng cường việc thanh tra giá.

Về tỉ giá kết toán nội bộ và tỉ giá hối đoái phi mậu dịch:

+ Việc xác định tỉ giá kết toán nội bộ vật tư, hàng hoá xuất nhập khẩu phải góp phần thực hiện được yêu cầu có tính nguyên tắc là kinh doanh xuất nhập khẩu phải hoà vốn hoặc có lãi (lấy lãi mặt hàng này bù lỗ mặt hàng khác, lấy lãi hàng nhập bù lỗ hàng xuất, nhưng tính chung là phải hoà vốn hoặc có lãi). Trước hết phải khuyến khích người xuất khẩu, song phải tuỳ tình hình cụ thể mà thực hiện từng bước. Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng cần tiếp tục nghiên cứu, lấy thêm ý kiến rộng rãi của các chuyên gia để xác định tỉ giá hợp lý sớm trình Bộ Chính trị quyết định.

Đối với phần vật tư mà các cơ sở và các địa phương tự lo, cách giải quyết như sau:

Trung ương có trách nhiệm lo cân đối vật tư cho sản xuất cả nước. Các cơ sở và địa phương uỷ thác cho Trung ương nhập khẩu. Nếu vì lý do nào đó, nhất thời Trung ương không đảm nhiệm nổi, thì phải tạm thời để cho cơ sở và địa phương tự nhập; Trung ương quy định cho một số trung tâm khu vực có cảng đảm nhiệm xuất nhập khẩu cho cả khu vực dưới sự kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước. Các cơ sở, địa phương phải ưu tiên nhập khẩu thông qua xuất nhập khẩu với khu vực xã hội chủ nghĩa, coi xuất nhập khẩu với khu vực tư bản chủ nghĩa là thứ yếu.

Nhà nước sớm ban hành thuế xuất nhập khẩu, kết hợp với thu bù chênh lệch ngoại thương để bảo hộ sản xuất trong nước, hỗ trợ xuất khẩu, hướng dẫn nhập khẩu, quản lý giá cả và thị trường nội địa, khắc phục tranh mua, tranh bán, đẩy giá lên cao.

- Về tỉ giá  kiều hối:

 Định lại tỉ giá kiều hối ngang với tỉ giá chính thức đồng đôla và có thưởng với mức độ khác nhau tuỳ theo kiều hối được gửi về dưới các hình thức khác nhau (ngoại tệ, thiết bị, vật tư, hàng tiêu dùng…). Tỉ giá và mức thưởng nói trên được áp dụng thống nhất trong cả nước.

Tỉ giá hối đoái đối với các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, khách du lịch từ các nước không phải xã hội chủ nghĩa thì áp dụng chính sách giá bán hàng và dịch vụ thấp hơn giá thị trường quốc tế trong khu vực khoảng 10-15%, sau một thời gian sẽ xem xét thay đổi lấy gần hay ngang giá.

B- Về tiền lương và đời sống

 Đi đôi với việc thực hiện chủ trương tích cực giảm biên chế hành chính, và để góp phần giảm bớt phát hành tiền mặt, tổ chức lại phân phối hàng hoá, cần thực hiện chế độ lương, phương pháp tính lương và phụ cấp thống nhất trong phạm vi cả nước (bao gồm: cơ cấu tiền lương, mặt hàng định lượng, mức định lượng, giá các mặt hàng định lượng, và tỉ lệ % so với mức lương thực tế tháng 9-1985). Cụ thể là:

- Đối với khu vực sản xuất, phải căn cứ vào mức lương cơ bản để tính đơn giá cho đơn vị sản phẩm để thực hiện chế độ lương khoán, dựa trên cơ sở các ngành và đơn vị sản xuất xác định lại định mức kinh tế - kỹ thuật hợp lý và tổ chức nghiệm thu, kiểm tra chất lượng chặt chẽ; công nhân được hưởng lương tuỳ theo hiệu quả sản xuất, kinh doanh của xí nghiệp và kết quả năng suất lao động của từng người.

- Đối với những người hưởng lương trong các lực lượng vũ trang, bảo đảm mức lương tối thiểu thực tế bằng 70% mức lương tháng 9-1985.

Bảo đảm cung cấp hiện vật cho các chiến sĩ.

Đối với công nhân viên chức hành chính, sự nghiệp, tại chức và nghỉ hưu, bảo đảm mức lương thực tế tối thiểu bằng 65% mức lương tháng 9-1985. Ngành y tế và ngành giáo dục cần tổ chức làm việc thêm tập thể ngoài giờ, lấy tiền tăng thêm thu nhập cho những người làm việc trong hai ngành đó.

- Ban hành chế độ trợ cấp cho cán bộ xã, phường phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước, bảo đảm cho anh chị em yên tâm công tác.

Nhà nước phải tích cực lo quỹ hàng hoá cung ứng theo định lượng, với giá ổn định từ nay đến hết năm 1987, sáu mặt hàng thiết yếu nhất (khi Nhà nước thay đổi giá sáu mặt hàng  định lượng thì tính lại lương). Phần lương ngoài sáu mặt hàng định lượng được tính lại ba tháng một lần theo chỉ số giá trượt trong thời gian đó ở từng khu vực và khả năng tài chính của Nhà nước.

Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo thống nhất phương pháp tính lương và phụ cấp.

Những nơi đang thực hiện bù giá vào lương, mà tiền lương thực tế chưa vượt quá 65% mức lương tháng 9-1985 thì được tiếp tục thực hiện.

Nhà nước phải áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt, xóa bỏ những khoản thu nhập không chính đáng bằng hiện vật hoặc bằng tiền do cơ sở, địa phương, ngành tự đặt ra ngoài chế độ chính sách Nhà nước đã quy định.

C- Về tài chính

Tăng cường quản lý các xí nghiệp quốc doanh, thực hiện tiết kiệm, tăng năng suất, giảm chi phí để tăng thu từ khu vực quốc doanh vào ngân sách nhà nước, thực hiện tập trung các khoản thu chênh lệch giá còn tồn đọng ở các ngành, địa phương và cơ sở vào ngân sách nhà nước.

Khẩn trương triển khai các biện pháp để tăng nhanh các nguồn thu của ngân sách nhà nước trong kinh tế quốc doanh, tập thể và cá thể. Thu đúng, thu đủ các loại thuế hiện hành, đặc biệt là thuế công thương nghiệp. Để chống thất thu có hiệu quả, doanh thu để tính thuế phải theo đúng thời giá hoặc tính theo chỉ số trượt giá hằng tháng. Bổ sung pháp lệnh thuế công thương nghiệp, và ban hành một số loại thuế khác (như thuế xuất nhập khẩu, thuế trước bạ,…) để động viên thêm nguồn thu qua thuế.

Thực hiện chế độ sử dụng biên lai Nhà nước và tem thuế do Bộ Tài chính ban hành để kiểm soát doanh thu và các mặt hàng kinh doanh, dịch vụ thuộc các thành phần kinh tế.

Ban hành chế độ thu các loại phí (sử dụng các loại xe cơ giới, phí về các thủ tục hành chính, v.v.). Xúc tiến cải tiến tổ chức ngành thuế, thực hiện quản lý song trùng của ngành dọc và của địa phương, đồng thời kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực trong ngành thuế, nâng cao phẩm chất đội ngũ cán bộ thuế.

Thực hiện nghiêm túc tổng mức chi đầu tư xây dựng cơ bản năm 1987 sau khi đã tính yếu tố trượt giá, không xây dựng những công trình ngoài kế hoạch và không được duyệt dù là bằng bất kỳ nguồn vốn nào. Thanh toán ngay các khoản chi xây dựng cơ bản đã thực hiện trong bảy tháng đầu năm 1987.

Trong tháng 9-1987, phải trình ban hành danh mục các biện pháp triệt để tiết kiệm chi trong sản xuất và tiêu dùng đối với các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế và nhân dân, và thi hành thống nhất trong cả nước từ 1-10-1987. Sửa đổi ngay chế độ phân cấp quản lý ngân sách cho các cấp địa phương hiện hành nhằm bảo đảm tính tập trung thống nhất của ngân sách nhà nước từ ngân sách cấp xã đến ngân sách trung ương, phát huy tính năng động và quyền chủ động tài chính của địa phương và cơ sở; thực hiện trách nhiệm phải đi đôi với quyền hạn, nghĩa vụ gắn liền với lợi ích.

Ngân sách phải bảo đảm cấp đủ vốn lưu động tự có cho các tổ chức kinh tế quốc doanh mới thành lập và bắt đầu đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, khi điều chỉnh giá thì phải bảo đảm vốn lưu thông cần thiết theo giá mới. Tính toán lại chiết khấu lưu thông đối với hệ thống vật tư hàng hoá khi lãi suất tín dụng ngân hàng và giá cả đã thay đổi.

D- Về tiền tệ

Tích cực thu tiền mặt, tăng vòng quay của đồng tiền qua ngân hàng, động viên tiền nhàn rỗi trong xã hội, mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt trong thu mua qua hợp đồng hai chiều, trong việc bán sáu mặt hàng định lượng cho công nhân viên chức, quản lý tiền mặt của các xí nghiệp quốc doanh, tập thể và các hội tư nhân có doanh số lớn nếu còn thiếu thì có kế hoạch phát hành tiền đúng lúc, đúng khối lượng và đúng nơi cần thiết để bảo đảm có đủ tiền mặt cho thu mua lương thực, nông sản, hàng xuất khẩu, chi trả lương và trả công của các hợp tác xã tiểu, thủ công nghiệp.

Hạn chế đến mức thấp nhất việc phát hành tiền để bù đắp thiếu hụt ngân sách nhà nước.

Chấn chỉnh việc quản lý quỹ dự trữ phát hành tiền của Nhà nước và quỹ điều hoà phát hành của ngân hàng nhà nước. Tách kho tiền của Nhà nước khỏi ngân hàng. Khi đưa tiền từ kho tiền sang ngân hàng kinh doanh phải có lệnh của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Tăng cường quản lý hoạt động tín dụng ngân hàng, trước mắt ngân hàng thực hiện cho vay theo khả năng huy động các nguồn vốn tiền tệ trong xã hội, tăng nhanh vòng quay vốn tín dụng để mở rộng nghiệp vụ cho vay, chủ yếu phục vụ cho ba chương trình kinh tế lớn.

Soát xét lại hệ thống lãi suất tín dụng ngân hàng bao gồm lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay.

Mở thêm các ngân hàng chuyên nghiệp, như Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Công thương nghiệp, v.v. theo tinh thần Nghị quyết Trung ương hai.

Đ- Quản lý xuất nhập khẩu và ngoại tệ

Nhà nước trung ương phải quản lý chặt chẽ các hoạt động xuất nhập khẩu với khu vực tư bản chủ nghĩa, tập trung việc xuất nhập khẩu những mặt hàng chủ yếu vào những đầu mối nhất định của Trung ương, khu vực hoặc theo các liên đoàn xuất nhập khẩu của Bộ Ngoại thương và của các bộ quản lý ngành. Mở rộng chế độ uỷ thác xuất nhập khẩu. Sớm ban hành cơ chế và chính sách bảo đảm cho các địa phương xuất khẩu sang khu vực xã hội chủ nghĩa không lỗ và có lãi.

Chỉ những địa phương sản xuất ra sản phẩm và các tổ chức kinh tế trung ương làm chức năng xuất nhập khẩu mới có quyền được mua các sản phẩm để xuất khẩu; các tổ chức kinh tế ở các địa phương khác không được treo giá cao để hút hàng, phải thông qua liên doanh, liên kết sản xuất, chế biến, dịch vụ và thông qua hợp đồng kinh tế với các tổ chức sản xuất, kinh doanh của địa phương có sản phẩm để có hàng xuất khẩu.

Các đơn vị kinh tế không được dùng ngoại tệ để thanh toán trong các giao dịch ở trong nước.

Thực hiện nghiêm túc chế độ Nhà nước trung ương thống nhất quản lý ngoại tệ, bảo đảm lợi ích cho các địa phương, các đơn vị được quyền sử dụng ngoại tệ.

Thông qua thuế xuất nhập khẩu và thu bù chênh lệch ngoại thương để hướng dẫn và quản lý việc xuất khẩu, nhập khẩu theo đúng chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, để ngăn chặn các tổ chức kinh tế, các địa phương kích giá lên để tranh mua hàng xuất và cạnh tranh nhau để tranh bán trên thị trường quốc tế.

Ban hành sớm chính sách thuế thích hợp đối với các loại hàng hoá có giá trị lớn, hoặc có tính chất buôn bán do Việt kiều gửi về cho thân nhân, hoặc do Việt kiều và khách du lịch mang vào và mang ra khỏi nước.

Sử dụng mọi biện pháp để loại trừ bọn đầu cơ, buôn lậu ngoại tệ (kể cả vàng) ở trong nước cả khách nước ngoài và Việt kiều về nước.

Nhà nước thực hiện các biện pháp toàn diện để sớm chấm dứt việc lưu hành tiền Việt Nam tại Lào và Campuchia.

E- Về chấn chỉnh tổ chức thương nghiệp và cải tạo, quản lý thị trường

1. Cần chấn chỉnh lại tổ chức của các ngành lưu thông vật tư, nội thương, lương thực cụ thể là:

Tổ chức lại hệ thống cung ứng vật tư thành một hệ thống thống nhất, đưa thẳng vật tư đến huyện, thị, tiểu vùng trong huyện, hoặc các hộ tiêu thụ lớn. Bỏ công ty vật tư cấp huyện, chỉ lập trạm hoặc cửa hàng vật tư ở huyện. Có cơ chế quản lý vật tư chặt chẽ, kiên quyết cấm việc các tổ chức kinh doanh vật tư, các tỉnh, huyện hoặc xã tự tiện nâng giá bán vật tư hoặc dùng vật tư sai mục đích kế hoạch nhà nước nhằm kiếm lời ăn chênh lệch giá. Cần đặc biệt quản lý, sử dụng tốt các vật tư, nguyên liệu của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đưa cho ta qua hợp tác kinh tế, bảo đảm thực hiện đầy đủ cam kết của ta với bạn.

- Bỏ các công ty thương nghiệp cấp huyện (trừ công ty ăn uống, dịch vụ). ở các huyện, chỉ tổ chức các trạm hoặc cửa hàng thu mua, bán buôn, hoặc bán lẻ của tỉnh hay của Trung ương.

- Nhà nước trung ương phải nắm lương thực bằng một tổ chức kinh doanh lương thực thống nhất để điều hoà trong phạm vi cả nước. Tổ chức này sẽ được giao nhiệm vụ nắm nguồn lương thực từ thuế nông nghiệp, từ mua bằng hợp đồng kinh tế, không phân cấp cho địa phương. Các địa phương quản lý phần lương thực mua ngoài hợp đồng kinh tế để đưa vào kinh doanh. Không phân cấp quản lý lương thực cho cấp huyện.

2. Đối với tổ chức kinh doanh xuất nhập khẩu:

Tổ chức các liên đoàn xuất nhập khẩu để quản lý thống nhất việc xuất, nhập khẩu từng (hoặc vài ba) mặt hàng quan trọng của tất cả các ngành, các địa phương, cơ sở là thành viên của liên đoàn.

Không tổ chức công ty xuất nhập khẩu ở các quận, huyện.

trọng là xác định đúng một số việc cấp bách nhất để tập trung sức tổ chức chỉ đạo thực hiện cho thật tốt từ nay đến cuối năm 1987, tạo đà cho việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương hai trong năm 1988:

1. Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng chọn một số vấn đề quan trọng nhất và cấp bách nhất để nhanh chóng 3. Cần tăng cường cải tạo và quản lý thị trường, chấm dứt tình trạng các cơ quan của Nhà nước, đoàn thể quần chúng, các đơn vị quân đội, công an… không có chức năng kinh doanh thương nghiệp cũng tham gia buôn bán để ăn chênh lệch giá. Cải tạo để sử dụng, sử dụng để cải tạo các hộ tư doanh có kỹ thuật, có nghiệp vụ; xoá bỏ tư sản thương nghiệp; sắp xếp lại các tiểu thương trong các ngành hàng Nhà nước cho phép kinh doanh. Đấu tranh chống đầu cơ buôn lậu. Kịp thời đấu tranh chống mọi thủ đoạn phá hoại của địch.

Gắn việc thu thuế công thương nghiệp, việc đấu tranh chống tệ tiêu cực trong hệ thống lưu thông hàng hoá, vật tư với việc cải tạo và quản lý thị trường.

III- TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN

Những chủ trương, chính sách nói trên được Trung ương đóng góp ý kiến và được toàn Đảng, toàn dân đồng tâm nhất trí thực hiện sẽ đánh dấu một bước quan trọng tiến tới "bốn giảm" theo tinh thần Nghị quyết Trung ương hai.

Chúng ta không có ảo tưởng từ nay đến cuối năm 1987 đã có thể "bốn giảm" nhanh, nhưng phải tìm mọi cách thực hiện "bốn giảm" được một bước, dù là một bước nhỏ.

Trong thời gian đó chúng ta cũng không thể giải quyết hết các vấn đề, thực hiện xong các chủ trương, biện pháp đã nêu ở trên. Không những thế, còn khá nhiều vấn đề quan trọng về phân phối lưu thông mà Đảng ta cần tiếp tục nghiên cứu suy nghĩ, thảo luận và làm sáng tỏ cả về lý luận và thực tiễn, cả về quan điểm và chính sách cụ thể. Nhưng điều quan ban hành một số thể chế, chính sách và quy định cụ thể về giá, lương, tài chính, tiền tệ, chấn chỉnh khâu cung ứng vật tư, nhất là vật tư nông nghiệp, chấn chỉnh và tăng cường thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, giải quyết một số yêu cầu cấp bách về lương thực, giảm biên chế hành chính, v.v..

2. Thực hiện giá bán gạo 50đ/kg cho công nhân viên chức và tính lương 65%, 70% so với lương thực tế tháng 9-1985 cho khu vực hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang theo những quy định của Hội đồng Bộ trưởng về thống nhất chế độ lương, phương pháp tính lương và phụ cấp trong cả nước và về thời gian thực hiện.

Lưu tại Kho Lưu trữ

Trung ương Đảng.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website