KẾT LUẬN
CỦA BỘ CHÍNH TRỊ
Ngày 27 tháng 8 năm 1987
Về cuộc thảo luận Dự thảo Nghị quyết đổi mới
cơ chế quản lý kinh tế
--------------------------------------------------
Qua năm buổi thảo luận ở tổ và trực tiếp sửa chữa vào văn bản, các đồng chí Uỷ viên Trung ương đã có nhiều ý kiến về vấn đề đổi mới cơ chế quản lý kinh tế. Văn phòng Trung ương đã tổng hợp và thông báo các đồng chí Uỷ viên Trung ương biết.
Bộ Chính trị đề nghị kết luận của Hội nghị Trung ương như sau:
I- YÊU CẦU CẤP THIẾT CÓ NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG
VỀ ĐỔI MỚI MỘT BƯỚC CƠ BẢN CƠ CHẾ QUẢN LÝ KINH TẾ
1. Trong Hội nghị Trung ương, có một số đồng chí cho rằng lúc này Trung ương chưa nên ra nghị quyết về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế mà chỉ góp ý kiến để Bộ Chính trị ra nghị quyết trên cơ sở nâng cao Nghị quyết (dự thảo) 306 của Bộ Chính trị, vì điều kiện chưa chín muồi. Số đông đồng chí tán thành ra Nghị quyết Trung ương về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, vì nay cơ chế cũ không còn thích hợp, vừa kìm hãm các năng lực sản xuất, vừa gây mất trật tự, kỷ cương trong hoạt động kinh tế.
Về vấn đề này, Bộ Chính trị tán thành loại ý kiến thứ hai. Việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế là yêu cầu hết sức cấp bách, không thể trì hoãn, Hội nghị Trung ương ba cần ra nghị quyết về vấn đề này để có cơ sở cho Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng ban hành các văn bản pháp quy nhằm đáp ứng đòi hỏi cấp bách của cuộc sống là phải có cơ chế quản lý mới thích hợp thay thế cơ chế cũ đã lỗi thời. Không xây dựng cơ chế mới mà chỉ lên án, phê phán thì không thể xoá bỏ được nó. Nghị quyết Trung ương hai đã nêu rõ: mục tiêu bốn giảm chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển các hoạt động kinh tế sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Vướng mắc chính là thiếu cơ chế đúng để tổ chức, điều hành thực hiện Nghị quyết đó, vì vậy đổi mới cơ chế cũng là yêu cầu cấp bách để biến Nghị quyết Trung ương hai thành hiện thực.
Đáng lẽ chúng ta phải thảo luận trước về ba chương trình kinh tế lớn, xác định cơ cấu kinh tế, về kế hoạch 5 năm 1986-1990 rồi mới quyết định cơ chế quản lý kinh tế như chương trình công tác năm 1987 của Trung ương đã đề ra, nhưng việc chuẩn bị đề án ba chương trình và kế hoạch 5 năm làm chưa kịp, nên chúng ta phải chuyển sang bàn cơ chế quản lý kinh tế trước. Điều đó cũng cần thiết, vì ba chương trình kinh tế cũng như kế hoạch 5 năm phải được xây dựng và thực hiện theo cơ chế mới, không thể tiếp tục làm theo cách cũ, áp đặt từ trên xuống. Trong tình hình thực tế của nước ta hiện nay, việc đổi mới một bước cơ bản cơ chế quản lý kinh tế là điều kiện cần thiết để xây dựng và thực hiện tốt ba chương trình kinh tế và kế hoạch 5 năm, thúc đẩy quá trình sắp xếp lại sản xuất, tạo ra cơ cấu kinh tế mới, đồng thời quá trình bố trí lại cơ cấu kinh tế cũng sẽ tác động lại và tạo cơ sở cho việc bổ sung, nâng cao thêm cơ chế quản lý kinh tế.
2. Một số đồng chí Trung ương muốn Hội nghị Trung ương phải có nghị quyết hoàn chỉnh về cơ chế quản lý mới đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân và đối với mọi loại cơ sở.
Về vấn đề này, Bộ Chính trị đã thảo luận nhiều và đã đi đến kết luận:
- Hiện nay về khách quan ta chưa có cơ cấu kinh tế hợp lý, kinh tế còn năm thành phần, đang mất cân đối lớn, lạm phát trầm trọng và giá - lương - tiền đang rối ren; về chủ quan, ta chưa có đủ kiến thức và kinh nghiệm, nhiều vấn đề còn chờ sự vật phát triển mới sáng tỏ được. Vì vậy việc xoá bỏ cơ chế cũ, xây dựng cơ chế quản lý mới phải là một quá trình, có nhiều bước đi thích hợp. Trước mắt, phải chọn những vấn đề đã rõ và có thể kết luận được để ra nghị quyết mà tổ chức thực hiện, không thụ động chờ đợi. Cho nên nội dung Nghị quyết Trung ương lần này chỉ mới là đổi mới một bước cơ bản về cơ chế quản lý kinh tế, mở đầu bằng khâu chủ yếu là chuyển hoạt động của các đơn vị kinh tế sang kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện bước này, phải xây dựng chế độ tự chủ sản xuất, kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở, đồng thời đổi mới một mức cơ chế quản lý nhà nước về kinh tế, vừa tạo thuận lợi cho cơ sở, vừa tăng cường được hiệu lực quản lý của Nhà nước. Chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa tạo điều kiện khách quan cho việc nâng cao và hoàn chỉnh cơ chế quản lý mới. Dự thảo Nghị quyết đã đề cập đến nội dung cơ bản của cơ chế quản lý nhà nước đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân cũng như đối với cơ sở. Bộ Chính trị cho làm như vậy là phù hợp với đòi hỏi và khả năng thực tiễn lúc này.
- Đáng lẽ lần này Trung ương phải bàn được chế độ tự chủ sản xuất, kinh doanh đối với mọi loại đơn vị kinh tế - xã hội chủ nghĩa và Bộ Chính trị phải cụ thể hoá được chính sách đối với kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế gia đình mà Nghị quyết Trung ương hai đã phát triển Nghị quyết Đại hội VI. Nhưng chúng ta chỉ mới đề cập đến những nguyên tắc chung về chế độ tự chủ của các loại đơn vị kinh tế cơ sở và bàn được cơ chế quản lý đối với các đơn vị kinh tế quốc doanh, trước hết đối với xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, khâu then chốt có tác động mạnh đến sự chuyển biến của các tổ chức kinh tế và các thành phần kinh tế. Chúng ta chưa thể bàn được cơ chế quản lý đối với kinh tế tập thể trong nông nghiệp và tiểu, thủ công nghiệp vì chưa chuẩn bị được chu đáo đề án cơ chế quản lý đối với các loại cơ sở này. Khuyết điểm đó, đúng như một số đồng chí đã phê bình, thuộc về Bộ Chính trị. Bộ Chính trị xin nhận trách nhiệm. Đề nghị Trung ương giao cho Bộ Chính trị căn cứ vào tinh thần và nội dung Nghị quyết Trung ương ba, sớm bàn cơ chế quản lý cụ thể đối với hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp và cụ thể hoá chính sách đối với kinh tế cá thể, tư bản tư nhân, kinh tế gia đình để tạo ra cơ chế quản lý đồng bộ đối với mọi loại cơ sở.
Mặc dù có những sự hạn chế đó, nội dung đổi mới cơ chế quản lý kinh tế đưa ra bàn ở Hội nghị Trung ương lần này đánh dấu một bước phát triển mới trong công tác lãnh đạo và quản lý kinh tế của Đảng và Nhà nước ta, đặt nền móng cho việc hình thành cơ chế mới về quản lý kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI. Nội dung đó đã được nâng cao hơn Nghị quyết (dự thảo) 306 của Bộ Chính trị và cần được thể hiện thành nghị quyết của Hội nghị Trung ương.
Vì những lẽ trình bày trên, Bộ Chính trị đề nghị Trung ương ra nghị quyết trên cơ sở bản Dự thảo được chỉnh lý lại theo sự góp ý bổ sung, sửa chữa của các đồng chí Trung ương.
II- VỀ NHỮNG NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA NGHỊ QUYẾT
Qua ý kiến của các đồng chí Trung ương đã phát biểu hoặc sửa chữa vào bản Dự thảo, Bộ Chính trị xin trình bày những điểm chính cần sửa chữa, bổ sung về nội dung Nghị quyết. Những góp ý về câu chữ sẽ được chữa thẳng vào văn bản, những chỗ trùng lặp sẽ cố gắng loại bỏ, khi chỉnh lại Dự thảo Nghị quyết để Trung ương thông qua.
1. Về tiêu đề của Nghị quyết
Có ý kiến đề nghị đảo ngược trật tự, đưa ý "đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế" lên trên nhằm nhấn mạnh vai trò và ý nghĩa của quản lý nhà nước.
Chúng tôi đề nghị Trung ương giữ tiêu đề như đã trình ra Trung ương, vì khâu chủ yếu của bước đổi mới cơ chế quản lý kinh tế từ nay đến năm 1990 là "chuyển hoạt động của các đơn vị kinh tế quốc doanh sang kinh doanh xã hội chủ nghĩa". Như đã trình bày ở phần trên, muốn chuyển sang kinh doanh xã hội chủ nghĩa, các đơn vị kinh tế phải được tự chủ và Nhà nước phải đổi mới phương thức và bộ máy quản lý. Sự "đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế" trước hết cũng nhằm thực hiện khâu chủ yếu đó, nên để sau là hợp lý.
Cũng có ý kiến đề nghị ghi đầy đủ chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa như vẫn thường nói. Bộ Chính trị cho rằng kinh doanh xã hội chủ nghĩa đã bao hàm cả phương thức hạch toán kinh tế, do đó, có thể viết gọn, nhất là ở tiêu đề.
2. Về phần thứ nhất: Thực trạng quản lý kinh tế và nhiệm vụ đổi mới cơ chế quản lý kinh tế
- Về phần đánh giá thực trạng quản lý, đa số ý kiến nhất trí với Dự thảo. Một số đồng chí đề nghị bổ sung cho rõ hơn và nhấn mạnh mặt chủ yếu là cơ chế tập trung quan liêu bao cấp về cơ bản chưa bị xoá bỏ; còn tình trạng tự do tuỳ tiện cũng nghiêm trọng và có ở cả các cấp, các ngành từ trung ương đến cơ sở, cũng cần được khắc phục, nhưng không nên đánh đồng với mặt chủ yếu của thực trạng quản lý.
Bộ Chính trị thấy ý kiến đó là chính đáng, cần viết rõ hơn trong Nghị quyết. Nhưng không nên chỉ nói vì tập trung quan liêu, bao cấp mà đẻ ra tự do tuỳ tiện, phải thấy rõ tự do, phân tán, tuỳ tiện còn là sản phẩm của sản xuất nhỏ và còn do nguyên nhân thiếu giữ vững trật tự, kỷ cương, buông lỏng chuyên chính vô sản, kỷ luật và pháp luật quản lý mà sinh ra để có các biện pháp thích hợp về kinh tế, giáo dục, hành chính, tổ chức nhằm khắc phục chúng.
- Một số đồng chí muốn đánh giá thực trạng kinh tế. Về vấn đề này, đề nghị đến Hội nghị Trung ương bốn sẽ bàn kỹ; trong phạm vi Nghị quyết này chỉ đề cập đến thực trạng kinh tế trong giới hạn làm xuất phát điểm cho việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế hiện nay.
- Về nguyên nhân, nói chung, các đồng chí nhất trí với bốn nguyên nhân trong Dự thảo, chỉ có sửa đổi về chi tiết hoặc nhấn mạnh điểm này hay điểm khác. Bộ Chính trị sẽ căn cứ ý kiến của các đồng chí mà sửa Dự thảo.
- Về nhiệm vụ, mục đích, nội dung đổi mới có tính nguyên tắc, các đồng chí đề nghị phải thêm mục đích thúc đẩy tiến bộ khoa học - kỹ thuật, phải nhấn mạnh hơn nguyên tắc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế gắn với sắp xếp, tổ chức lại sản xuất, tạo ra cơ cấu kinh tế mới.
Đó là những đề nghị đúng. Bộ Chính trị sẽ bổ sung vào Dự thảo Nghị quyết.
3. Về phần thứ hai: Chế độ tự chủ sản xuất, kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở
Về phần này, các đồng chí đều thấy đã nâng cao hơn một bước so với Nghị quyết (dự thảo) 306. Song nhiều đồng chí muốn có sơ kết, kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết (dự thảo) 306. Một số đồng chí muốn thêm phần cơ chế đối với hợp tác xã nông nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp. Một số ít đồng chí muốn nâng cao hơn nữa nội dung của đổi mới cơ chế quản lý đối với cơ sở, như muốn chuyển chỉ tiêu pháp lệnh sang đơn đặt hàng hoặc đấu thầu, muốn thương mại hoá vật tư, muốn mở rộng quyền tiêu thụ sản phẩm cho cơ sở, v.v.. Một số đồng chí đề nghị Nhà nước phải bổ sung vốn cho xí nghiệp khi Nhà nước điều chỉnh giá làm giảm vốn của xí nghiệp, cho tất cả các xí nghiệp được trực tiếp xuất, nhập khẩu. Có một số đồng chí đề nghị không nên điều tiết thu nhập của các xí nghiệp và đánh thuế thu nhập. Một số ít đồng chí không tán thành nói giao tài sản toàn dân cho tập thể lao động làm chủ mà phải nói giao cho giám đốc và tập thể lao động làm chủ; không tán thành lập Hội đồng xí nghiệp và Đại hội công nhân viên chức quyết định kế hoạch của xí nghiệp. Một số đồng chí cho rằng vai trò của Đảng chưa được xác định đúng, v.v..
Về những ý kiến trên, Bộ Chính trị đề nghị như sau:
- Dự thảo Nghị quyết Trung ương không thể chỉ quy định nguyên tắc chung chung vì chưa có văn bản pháp quy kèm theo, cũng không thể quy định quá cụ thể đối với từng loại đơn vị cơ sở kinh tế quốc doanh, mà chỉ định ra những chủ trương có tính nguyên tắc đối với cơ sở kinh tế quốc doanh; những chủ trương có tính nguyên tắc ấy không những chỉ phù hợp với các loại đơn vị cơ sở công nghiệp quốc doanh, mà cũng phù hợp với các loại đơn vị cơ sở kinh tế quốc doanh khác. Từ những chủ trương có tính nguyên tắc này, Hội đồng Bộ trưởng sẽ quy định cơ chế quản lý kinh tế cụ thể cho từng loại đơn vị cơ sở kinh tế quốc doanh.
- Những điều nêu trong Dự thảo Nghị quyết là dựa trên cơ sở sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết (dự thảo) 306 mà tiếp tục tháo gỡ thêm vướng mắc cho cơ sở, như quy định xí nghiệp không phải duyệt toàn bộ kế hoạch trước cấp trên, được hạch toán vật tư tự lo bằng giá thực mua, được mở rộng quyền huy động vốn và sử dụng vốn, v.v.. Nhưng trong Dự thảo Nghị quyết không kiểm điểm rườm rà về việc thực hiện Nghị quyết 306.
- Dự thảo Nghị quyết lần này bổ sung hẳn quyền làm chủ tập thể của người lao động trong xí nghiệp, trong đó giám đốc là một thành viên, vừa đại diện cho tập thể lao động đó, vừa đại diện cho Nhà nước; nói đến Nhà nước giao một phần tài sản của toàn dân cho tập thể lao động làm chủ sản xuất, kinh doanh là theo ý nghĩa đó. Việc thành lập Hội đồng xí nghiệp là hoàn toàn cần thiết để thay mặt cho tập thể lao động trực tiếp tham gia quản lý xí nghiệp cùng giám đốc. Việc Đại hội công nhân viên chức quyết định kế hoạch của xí nghiệp là thể hiện việc nâng cao quyền làm chủ của tập thể lao động.
- đồng ý bổ sung vốn cho xí nghiệp khi Nhà nước tổng điều chỉnh làm giảm vốn của xí nghiệp.
- Về vai trò của đảng uỷ trong xí nghiệp, Dự thảo Nghị quyết viết theo quy định của Điều lệ Đảng và chỉ thị gần đây của Ban Bí thư; vấn đề này sẽ được nghiên cứu bổ sung hoàn chỉnh thêm trong quá trình thực hiện.
- Về điều tiết thu nhập quá cao của những xí nghiệp có điều kiện thuận lợi hơn về sản xuất và thị trường tiêu thụ, đề nghị giữ như Dự thảo Nghị quyết vì: sự điều tiết ấy là điều tiết quỹ tiêu dùng của xã hội, thể hiện qua mức thu nhập thực tế, kể cả lương, thưởng và phúc lợi bình quân. Nếu xí nghiệp không muốn điều tiết, xí nghiệp có thể tăng đầu tư vào sản xuất, giữ mức thu nhập như bình quân trong xã hội, Nhà nước không đánh thuế vào quỹ phát triển sản xuất. Trong khi chưa ban hành chế độ thuế thu nhập, cần có chính sách điều tiết thu nhập cao. Chúng ta khuyến khích mọi người lao động sản xuất để có thu nhập cao, song quá một mức nhất định phải điều tiết một tỷ lệ nào đó để bảo đảm công bằng xã hội và phân phối lại thu nhập cho các mục tiêu khác về kinh tế và xã hội. Đương nhiên, những người thu nhập thấp được miễn thuế; do đó không ngại việc đánh thuế này gây thêm khó khăn cho những người thu nhập thấp.
4. Về phần thứ ba: Đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế
Nhiều đồng chí chưa thoả mãn với phần này, muốn đề cập đến một cách toàn diện và cụ thể hơn về nhiều mặt.
Bộ Chính trị cho rằng những ý kiến của các đồng chí là chính đáng. Song vấn đề này rất phức tạp, liên quan đến nhiều quan điểm, chủ trương lớn của Đảng như kinh tế trung ương và kinh tế địa phương, quan hệ giữa quản lý theo ngành, theo địa phương và vùng lãnh thổ, vị trí và vai trò cấp huyện, vị trí và vai trò cấp xã ở nông thôn và cấp phường ở thành phố, cả nước nên quản lý nhà nước theo mấy cấp là hợp lý, v.v.. Nhưng những vấn đề này lại chưa được thảo luận chu đáo để thống nhất cao về nhận thức, quan điểm. Vả lại, thực tiễn cũng chưa phát triển đủ mức làm sáng tỏ những vấn đề đó. Vì vậy lần này Trung ương chỉ mới giải quyết được những vấn đề cần thiết đã sáng tỏ có thể kết luận được. Đó là những vấn đề sau đây:
a) Phải phân biệt rõ một bước chức năng quản lý nhà nước về kinh tế (dùng khái niệm này thay cho khái niệm quản lý hành chính kinh tế vì quản lý nhà nước về kinh tế có cả nội dung chính sách kinh tế, biện pháp kinh tế, biện pháp tư tưởng, biện pháp hành chính, để tránh hiểu lầm Nhà nước quản lý kinh tế chỉ có dùng mệnh lệnh hành chính) với chức năng trực tiếp quản lý sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh tế, các cấp nhà nước không làm thay chức năng quản lý sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh tế. Những điều quy định về chức năng quản lý nhà nước về kinh tế nêu trong Dự thảo Nghị quyết chỉ là những nét lớn, làm cơ sở cho việc biên soạn lại Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng, chính quyền các cấp và Điều lệ hoạt động của từng loại bộ. Bộ Chính trị sẽ căn cứ vào nghị quyết được Trung ương thông qua để chỉ đạo Hội đồng Bộ trưởng làm tốt các mặt thể chế hoá này.
b) Trong việc phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, cũng chỉ mới nêu lên những nét lớn về nội dung trách nhiệm chính quyền trung ương và nội dung trách nhiệm chính quyền tỉnh, thành, và trong việc phân giao quản lý cơ sở cũng chỉ mới nêu lên nguyên tắc cấp nào quản lý có lợi nhất thì giao cho cấp ấy quản lý. Đây là cơ sở quan trọng để ban hành các văn bản pháp quy mới về phân cấp quản lý và để tiến hành phân giao cơ sở sắp tới. Đồng ý với một số đồng chí Uỷ viên Trung ương là chưa nên ghi cụ thể phân giao loại cơ sở gì cho địa phương quản lý, mà để Hội đồng Bộ trưởng xem xét sau.
Còn quan hệ giữa chính quyền tỉnh - thành với chính quyền huyện - quận, giữa chính quyền huyện - quận với chính quyền xã - phường, thì còn phải nghiên cứu tiếp, lần này chưa thể đề ra được.
c) Phải thay đổi nội dung và phương pháp kế hoạch hoá kinh tế quốc dân của Nhà nước và thực hiện tốt các chính sách kích thích và điều tiết sản xuất đã đề ra trong Nghị quyết Trung ương hai, gắn Nghị quyết Trung ương hai và Nghị quyết Trung ương ba sắp ban hành thành một thể thống nhất về cơ chế quản lý nhà nước về kinh tế; nhằm tạo môi trường sản xuất kinh doanh cho các đơn vị kinh tế cơ sở, đồng thời cũng quy định giới hạn bắt buộc xí nghiệp không được vượt qua và làm cho các cấp chính quyền thiết lập được sự kiểm soát đối với hoạt động của các đơn vị kinh tế cơ sở.
d) Từ cơ chế quản lý bằng mệnh lệnh trực tiếp là chủ yếu chuyển dần sang cơ chế quản lý bằng biện pháp kinh tế là chủ yếu, vai trò của pháp luật và kiểm tra thực hiện pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về kinh tế có vị trí cực kỳ quan trọng. Vì vậy phải tăng cường công cụ pháp luật trong quản lý nhà nước về kinh tế.
đ) Qua thực hiện Nghị quyết lần này, chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh dần nội dung đổi mới cơ chế quản lý nhà nước về kinh tế.
5. Phần thứ tư, thứ năm của Nghị quyết: Vấn đề cán bộ, vấn đề chỉ đạo và tổ chức thực hiện
Các đồng chí Uỷ viên Trung ương có một số ý kiến nhấn mạnh hoặc bổ sung vấn đề đã nêu trong Dự thảo. Bộ Chính trị sẽ dựa vào đó để hoàn chỉnh Dự thảo Nghị quyết.
Về bước đi, có ý kiến đề nghị từ nay đến năm 1988 là bước chuẩn bị, năm 1989 mới thi hành, năm 1990 mới mở rộng.
Về vấn đề này, Bộ Chính trị đề nghị giữ như nội dung Dự thảo: phải gấp rút chuẩn bị về mọi mặt (tư tưởng, bồi dưỡng cán bộ, điều kiện vật chất, văn bản pháp quy) để bắt đầu từ kế hoạch năm 1988 đã có một bộ phận xí nghiệp chuyển sang kinh doanh xã hội chủ nghĩa, trước hết là những xí nghiệp hợp tác với Liên Xô, những xí nghiệp chế biến và sản xuất hàng tiêu dùng có nguồn vật tư và tiêu thụ sản phẩm tương đối ổn định và có điều kiện nội tại có thể chuyển ngay sang kinh doanh thuận lợi, không nên để quá chậm sang năm 1988 mới thực hiện. Đồng thời phải chỉ đạo một vài bộ và vài tỉnh, thành phố chuyển cho được sang cơ chế quản lý mới để rút kinh nghiệm.
Đến năm 1989, có thể triển khai trên phạm vi rộng hơn và sang năm 1990 đã có thể cơ bản chuyển các đơn vị kinh tế và bộ máy nhà nước sang thực hiện cơ chế quản lý mới này.
III- KẾT LUẬN CHUNG
Đề nghị Ban Chấp hành Trung ương thông qua các kết luận chính trên đây, và giao cho Bộ Chính trị căn cứ vào các kết luận này và những ý kiến của các đồng chí Uỷ viên Trung ương để tu chỉnh văn bản dự thảo thành Nghị quyết chính thức của Ban Chấp hành Trung ương về "Chuyển các đơn vị kinh tế quốc doanh sang kinh doanh xã hội chủ nghĩa, đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế".
Đề nghị Trung ương giao cho Bộ Chính trị quyết định thời điểm và cách công bố Nghị quyết, chỉ đạo Hội đồng Bộ trưởng sớm có các văn bản pháp quy để thi hành Nghị quyết Trung ương.
_____________
Nguồn: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 48, tr.291-303.