Kết luận số 03-KL/TW ngày 28/8/1987 của Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương lần thứ ba về những chủ trương và biện pháp cấp bách nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ hai

 

KẾT LUẬN 
CỦA BỘ CHÍNH TRỊ 
TẠI HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG LẦN THỨ BA 
Số 03-NQ/TW, ngày 28 tháng 8 năm 1987

Về những chủ trương và biện pháp cấp bách nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ hai

-----------------------------

Nghị quyết Trung ương hai mới được hơn bốn tháng, các cấp, các ngành có nhiều cố gắng thực hiện Nghị quyết. Song tình hình phân phối lưu thông cho đến nay tiếp tục diễn biến xấu. Giá cả tăng với nhịp độ cao, ngân sách bội chi lớn, tiền vẫn phát hành thêm nhiều, đời sống nhân dân lao động, đặc biệt là công nhân viên chức và lực lượng vũ trang, khó khăn thêm.

Hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) đã tán thành những kết luận dưới đây của Bộ Chính trị về những chủ trương, biện pháp cấp bách nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương hai.

I- ĐẶT VẤN ĐỀ

1. Nghị quyết Trung ương hai là đúng đắn, thể hiện tinh thần và nội dung của Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng là: "Xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển hẳn hoạt động của nền kinh tế sang hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, làm cho toàn bộ hệ thống sản xuất, lưu thông hoạt động theo quy luật khách quan, tăng nhanh sản phẩm xã hội "nhằm" từng bước lập lại cân đối giữa khối lượng hàng hoá và khối lượng tiền tệ lưu thông, để giải quyết khâu then chốt là giảm dần đi tới chấm dứt lạm phát", thực hiện mục tiêu "bốn giảm", nâng cao vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh trong nền kinh tế và phát huy khả năng tích cực của các thành phần kinh tế khác, giải phóng sức sản xuất, mở rộng giao lưu hàng hoá.

2. Thực hiện Nghị quyết Trung ương hai phải có những bước đi phù hợp với điều kiện thực tế, vừa tích cực, vừa vững chắc. Khẩn trương thực hiện những biện pháp đã thấy rõ là cần thiết và có điều kiện làm; mặt khác, tránh lối làm chủ quan, nóng vội, giản đơn, nhất loạt, thiếu chuẩn bị, gây ra những biến động lớn, những hậu quả xấu về kinh tế và xã hội. Trong mỗi bước đi phải có sự đồng bộ về chính sách, biện pháp và tổ chức, đồng thời tập trung giải quyết khâu then chốt để xoay chuyển tình hình.

3. Chúng ta đang ở trong tình hình kinh tế - xã hội rất không bình thường: thiên tai lớn, lương thực thiếu gay gắt, mất cân đối lớn về vật tư, nhiên liệu, hàng hoá, ngoại tệ; bội chi ngân sách quá lớn, lạm phát nghiêm trọng, giá tăng nhanh; đời sống nhân dân lao động, nhất là đời sống công nhân viên chức, lực lượng vũ trang hết sức khó khăn; những hiện tượng tiêu cực trong Đảng, bộ máy nhà nước và trong xã hội phát triển tới mức đáng lo ngại; cơ chế tập trung quan liêu bao cấp chưa bị xoá bỏ hẳn, cơ chế quản lý kinh tế mới chưa hình thành, tình trạng tự do tuỳ tiện ngày càng phát triển; hậu quả hết sức nặng nề của những sai lầm, khuyết điểm của cuộc tổng điều chỉnh giá - lương - tiền năm 1985 chưa được khắc phục. So với tháng 10-1985, những khó khăn hiện nay trên các mặt kinh tế - xã hội lớn hơn nhiều.

Trong tình hình nghiêm trọng đó, phải có những biện pháp đặc biệt mới vượt qua được khó khăn và từng bước làm chuyển biến tình hình để thực hiện tốt các Nghị quyết Trung ương hai và ba.

4. Phải tăng cường hiệu lực lãnh đạo tập trung thống nhất của Trung ương đi đôi với phát huy mạnh mẽ tính năng động, sáng tạo của các cơ sở, địa phương và ngành; phải giữ vững kỷ cương, kỷ luật ở tất cả các cấp, các ngành.

Phải có tầm nhìn toàn cục và toàn diện, hiểu rõ thực trạng kinh tế - xã hội của đất nước và cuộc đấu tranh giữa hai con đường, giữa địch và ta, thống nhất ý chí và hành động của toàn Đảng, toàn dân, góp phần tích cực thực hiện các Nghị quyết Trung ương hai và ba.

II- NHỮNG CHỦ TRƯƠNG VÀ BIỆN PHÁP CẤP BÁCH 
TRƯỚC MẮT

A- Về giá

Kiên quyết đấu tranh khắc phục tình trạng giá đột biến, loại trừ đầu cơ buôn lậu và những hành vi tranh mua, tranh bán, nâng giá, kích giá, mua bán vòng vèo, qua nhiều thang nấc trung gian, đẩy giá lên ăn chênh lệch giá.

Phải phấn đấu hạ giá thành và phí lưu thông, trên cơ sở tính toán giá thành hợp lý, có cân nhắc đến tình hình cung cầu, sức mua đồng tiền và giá cả đã hình thành thực tế trên thị trường, và xuất phát từ chính sách của Nhà nước để điều chỉnh giá cho hợp lý, từng bước ổn định giá cả. Việc điều chỉnh giá phải tiến hành theo một quy trình được tính toán cân nhắc thận trọng, không làm ồ ạt, dồn dập trong một thời gian ngắn dẫn tới một cuộc tổng điều chỉnh giá trên thực tế với những hậu quả nghiêm trọng không lường trước được. Phấn đấu tiến tới thực hiện cơ chế một giá, song trước mắt phải tuỳ tình hình thực tế của từng loại hàng mà áp dụng cơ chế một giá hoặc hai giá nhằm phục vụ tốt sản xuất, lưu thông hàng hoá, đời sống nhân dân và đấu tranh có hiệu quả với thị trường tự do, kiềm chế tốc độ trượt giá trên thị trường xã hội.

Theo tinh thần chỉ đạo đó, căn cứ vào tình hình hiện nay, Bộ Chính trị quyết định một số chủ trương và biện pháp về giá như sau:

1. Giá mua lương thực, thực phẩm, nông sản, thuỷ sản

Để thúc đẩy sản xuất phát triển và nắm nguồn hàng tại gốc, phải tích cực mở rộng việc ký kết hợp đồng mua bán với hợp tác xã, tập đoàn sản xuất.

a) Giá mua trong hợp đồng

Về tỉ giá giữa urê và thóc: trong quan hệ mua bán giữa Nhà nước với nông dân theo hợp đồng, áp dụng tỉ giá giữa phân đạm và thóc trong vụ hè thu và vụ mùa năm 1987 như sau:

1 urê = 2,5 thóc ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long,

1 urê = 2,2 thóc ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ và duyên hải miền Trung,

1 urê = 2 thóc ở các tỉnh Khu IV cũ (từ Bình - Trị - Thiên trở ra) và các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ,

1 urê = 1 hoặc 1,5 thóc ở các tỉnh miền núi phía bắc và các tỉnh Tây Nguyên.

Từ vụ đông xuân 1987-1988, sẽ áp dụng thống nhất trong cả nước tỉ giá 1 urê = 2 thóc (trừ các tỉnh Tây Nguyên và miền núi phía bắc) đi đôi với việc điều chỉnh hợp lý thuế nông nghiệp.

Trên cơ sở tỉ giá đó, thường vụ Hội đồng Bộ trưởng xác định tỉ giá giữa thóc với các loại vật tư khác, với các loại nông sản, thực phẩm, thuỷ sản để định giá mua trong hợp đồng các loại sản phẩm này.

b) Giao cho các ngành chủ quản, các địa phương quyết định mức giá mua ngoài hợp đồng

- Đối với thóc: Trên cơ sở làm tốt công tác giáo dục, vận động nông dân mua dưới giá thị trường tự do khoảng 5-10% (thấp hơn càng tốt). Khi cần thiết và ở những nơi cần thiết, phải có sự hướng dẫn của cấp trên để khỏi tranh nhau mua, đẩy giá lên. Phần lương thực mua ngoài hợp đồng để kinh doanh thì địa phương phải chịu trách nhiệm về lỗ lãi.

Có thể vận động nông dân cho Nhà nước vay thóc dư, khi trả thì bảo đảm mua lại được số thóc đã cho vay và có lãi hợp lý.

- Đối với các loại nông sản, thực phẩm, thuỷ sản: phải mở rộng việc mua theo hợp đồng mua bán. Phần mua ngoài hợp đồng sẽ do các ngành chủ quản, các địa phương quy định giá.

Đối với một số sản phẩm quan trọng đang có tình trạng tranh mua đẩy giá thị trường lên quá cao như tôm, cà phê, hồ tiêu..., Trung ương sẽ quy định khung giá tối đa, các địa phương định giá mua cụ thể trong giới hạn đó để dần kéo giá xuống mức hợp lý.

2. Giá bán buôn vật tư

Trung ương định giá vật tư chiến lược do Nhà nước quản lý.

Đối với loại vật tư để sản xuất hàng tiêu dùng, tính đúng và tính đủ giá ngay. Nếu mặt hàng nào đội giá thị trường thì đưa dần và tiến tới đưa đủ.

Đối với các loại vật tư để sản xuất tư liệu sản xuất thì phải tuỳ loại sản phẩm mà định mức tính đúng, tính đủ cho phù hợp; có loại trước mắt Nhà nước còn phải tạm thời chịu bù lỗ hoặc trợ giá, khi có điều kiện thì phải kịp thời điều chỉnh lên để không bị lỗ, tiến tới có lãi.

3. Giá bán lẻ

Chính sách giá hàng tiêu dùng phải nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, làm hàng tốt, giá phải chăng, mở rộng lưu thông giữa thành thị và nông thôn, góp phần cải thiện đời sống của nhân dân lao động, có tích luỹ cho Nhà nước, đấu tranh cải tạo thị trường và bình ổn vật giá.

Về cơ chế định giá

Trung ương trực tiếp định giá đối với những mặt hàng thiết yếu, định khung giá đối với một số mặt hàng quan trọng lưu thông trong phạm vi cả nước hoặc trên vùng rộng, trên cơ sở đó ngành, địa phương quyết định mức giá bán lẻ các mặt hàng này.

Các mặt hàng còn lại, ngành, địa phương định giá bán lẻ trên nguyên tắc bảo đảm kinh doanh và không được đẩy giá cao hơn giá thị trường.

Hội đồng Bộ trưởng quy định cụ thể danh mục những mặt hàng theo cơ chế phân cấp định giá nói trên.

4. Về tỉ giá giữa đồng Việt Nam và ngoại tệ

Việc xác định tỉ giá kết toán nội bộ giữa đồng Việt Nam và các ngoại tệ là một vấn đề hết sức phức tạp. Tỉ giá đó phải góp phần mở rộng kinh doanh xuất nhập khẩu có hiệu quả, khuyến khích người làm ra hàng xuất khẩu, khuyến khích xuất nhập khẩu với khu vực xã hội chủ nghĩa, hạn chế nhập khẩu những hàng không cần thiết, bảo hộ sản xuất và phát triển kinh tế trong nước.

Phải tuỳ theo tình hình xuất nhập khẩu trong từng thời gian, giá thị trường trong nước và giá trên thị trường thế giới, kết hợp với chính sách thuế xuất nhập khẩu và thu bù chênh lệch ngoại thương mà định tỉ giá kết toán nội bộ thích hợp đối với các loại vật tư, hàng hoá xuất nhập khẩu.

Về tỉ giá kiều hối: phải định trên cơ sở tỉ giá chính thức giữa đồng Việt Nam với đồng đôla Mỹ và có một cơ chế thưởng thích hợp để khuyến khích nguồn kiều hối gửi về nước và khách du lịch. Tỉ giá kiều hối phải được quy định và thực hiện thống nhất trong cả nước.

Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng khẩn trương nghiên cứu phương án các loại tỉ giá hối đoái cụ thể trình Bộ Chính trị xét duyệt.

B- Về lương

Thực hiện thống nhất chế độ tiền lương, cách tính lương và mức tiền lương trong phạm vi cả nước, chấm dứt tình trạng mỗi nơi làm một cách.

Trong tình hình hiện nay, chưa thể khôi phục ngay tiền lương thực tế ngang mức lương tháng 9-1985, chưa đủ điều kiện trả lương hoàn toàn bằng tiền một cách bình thường và bán mọi mặt hàng thiết yếu theo một giá kinh doanh thương nghiệp.

Trong khu vực sản xuất vật chất, mức lương được quy định bằng 70% tiền lương cơ bản thực tế tháng 9-1985 để thống nhất hạch toán trong các xí nghiệp và làm căn cứ tính toán đơn giá tiền lương trong giá thành. Các xí nghiệp sản xuất làm ăn giỏi, đạt hiệu quả kinh tế cao, có thể dùng tiền để thưởng cho công nhân, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, mức tiền lương và thưởng cũng không vượt quá 100% mức lương thực tế tháng 9-1985. Các cá nhân, xí nghiệp sản xuất làm ăn kém, thì không có thưởng.

Mức lương và thưởng trong các ngành lưu thông (lương thực, nội thương, ngoại thương, vật tư, ăn uống...) cần được kiểm soát chặt chẽ không để định cao hơn so với các ngành trực tiếp sản xuất vật chất.

Đối với các lực lượng vũ trang, những người hưởng lương được hưởng mức lương ít nhất bằng 60% mức lương thực tế tháng 9-1985. Xem xét giải quyết với mức khá hơn đối với số ở các tuyến biên giới phía bắc và các lực lượng đang làm nhiệm vụ quốc tế.

Đối với các chiến sĩ, phải bảo đảm cung cấp bằng hiện vật theo những định mức và định lượng. Tổng cục Hậu cần cùng các ngành và các địa phương có liên quan định ra phương thức cung ứng thuận tiện nhất cho chiến sĩ trong lực lượng vũ trang; tuyệt đối không để những vướng mắc trong quan hệ về vốn, về giá giữa các ngành chủ quản với các địa phương làm ảnh hưởng đến việc cung ứng hiện vật theo định lượng.

Đối với khu vực hành chính, sự nghiệp: mức lương thực tế được quy định bằng 55% mức lương thực tế tháng 9-1985.

Dựa trên mối quan hệ tỉ lệ chung về các mức lương trên đây, Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng xem xét giải quyết cụ thể các chế độ trợ cấp đối với những gia đình đông người ăn theo, trợ cấp, phụ cấp cho các đối tượng thuộc diện chính sách ưu tiên, ưu đãi và trợ cấp xã hội, ưu tiên đặc biệt cho các thương - bệnh binh nặng; giải quyết chế độ phụ cấp đối với các cán bộ xã, phường.

Với mức lương nói trên, những người hưởng lương vẫn phải tiếp tục chịu đựng nhiều khó khăn trong đời sống. Trên cơ sở tăng năng suất lao động xã hội và nguồn thu ngân sách sẽ tiếp tục giải quyết từng bước vấn đề tiền lương.

Nhà nước xác định số mặt hàng thiết yếu cần định lượng cho cán bộ, công nhân viên chức thích hợp với từng vùng (ví dụ miền núi có thể không cần chất đốt mà cần muối) nhưng không quá sáu mặt hàng. Giá sáu mặt hàng thiết yếu định lượng cung ứng trong lương do Nhà nước định thống nhất trong cả nước, hoặc theo vùng. Các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở phải chấp hành nghiêm chỉnh. Những nơi đã bù giá vào lương thì cho tiếp tục làm, nhưng mức bù không được vượt quá mức lương thực tế theo quy định chung nói trên. Nơi nào đã bù giá ở mức cao phải rút xuống theo quy định thống nhất.

Để giảm bớt lượng tiền mặt ra thị trường, trả lương một phần bằng hiện vật, một phần bằng tiền mặt, làm thử ở một số nơi rồi mở rộng.

C- Về tài chính, tiền tệ, hàng hoá

Những biện pháp cấp bách về phân phối lưu thông phải nhằm từng bước lập lại thế cân đối trong thu chi ngân sách và thu chi tiền mặt của Nhà nước, giữa khối lượng hàng hoá và khối lượng tiền tệ lưu thông, nhằm giảm dần đi đến chấm dứt lạm phát.

Để giảm tỷ lệ bội chi ngân sách và giảm bội chi tiền mặt một cách thiết thực, phải đồng thời tạo nguồn thu và khai thác triệt để mọi nguồn thu đối với các thành phần kinh tế, trước hết là ở trong kinh tế quốc doanh và các tầng lớp dân cư mà hiện nay còn thất thu quá lớn. Phải trên cơ sở tăng thu mà chi, phải triệt để tiết kiệm mọi khoản chi.

Các cấp phải đặc biệt quan tâm chỉ đạo phong trào đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực trong các mặt hoạt động kinh tế từ trong bộ máy của Đảng, của Nhà nước và ngoài xã hội, giữ vững kỷ cương và luật pháp trong chỉ đạo điều hành về kinh tế nói chung, tài chính, tiền tệ và giá cả nói riêng.

Hội đồng Bộ trưởng triển khai những biện pháp đồng bộ dưới đây về ngân sách, tiền mặt, hàng hoá và kinh doanh xuất nhập khẩu.

1. Về ngân sách

a) Khẩn trương triển khai các biện pháp để tăng nhanh các nguồn thu trong kinh tế quốc doanh, tập thể và cá thể. Cải tiến quản lý xí nghiệp quốc doanh, tăng sản lượng, bảo đảm chất lượng, tăng năng suất lao động, tiết kiệm vật tư, hạ giá thành sản phẩm và phí lưu thông để bảo đảm nghĩa vụ nộp cho ngân sách nhà nước. Thu đúng, thu đủ các loại thuế hiện hành, đặc biệt là thuế công thương nghiệp. Để chống thất thu có hiệu quả, doanh thu để tính thuế phải theo đúng thời giá hoặc tính theo chỉ số trượt giá hằng tháng. Bổ sung pháp lệnh thuế công thương nghiệp, và ban hành một số loại thuế khác (như thuế xuất nhập khẩu, thuế trước bạ, thuế nhà đất...) để động viên thêm nguồn thu qua thuế.

Thực hiện chế độ sử dụng biên lai nhà nước và tem thuế do Bộ Tài chính ban hành để kiểm soát doanh thu và các mặt hàng kinh doanh, dịch vụ thuộc các thành phần kinh tế.

Ban hành chế độ thu các loại phí (sử dụng các loại xe cơ giới, phí về các thủ tục hành chính, v.v.). Chấn chỉnh ngành thuế, tăng cường cán bộ, nhân viên có phẩm chất tốt và có nghiệp vụ cho ngành thuế, thực hiện quản lý song trùng của ngành dọc và của địa phương, đồng thời kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực trong ngành thuế.

b) Ban hành quyết định về những điều khoản tiết kiệm triệt để trong sản xuất, xây dựng và chi tiêu hành chính, có sự kiểm tra chặt chẽ và thưởng phạt nghiêm minh.

- Tiết kiệm khoảng 10% số vật tư, nguyên liệu so với định mức đang thực hiện.

- Đình chỉ ngay việc thi công các công trình xây dựng cơ bản ngoài kế hoạch và cả những công trình trong kế hoạch nhưng xét chưa cần thiết ngay và không có hiệu quả thiết thực.

Thực hiện đúng tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản được Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt lại và không để dư nợ sang năm sau.

- Không tổ chức các cuộc hội họp lớn, ăn uống linh đình nhân dịp sơ kết, tổng kết, đón nhận huân chương, hoàn thành kế hoạch của ngành, địa phương, cơ sở.

- Đình chỉ việc mua sắm trang bị, thiết bị của cơ quan, xí nghiệp (trừ trường học, bệnh viện và các trường hợp phải mua sắm tiện nghi để bảo dưỡng các cơ sở không để xuống cấp hay hư hỏng, do Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng xét duyệt).

- Quy định lại chế độ phân phối, quản lý và sử dụng xe con cho thích hợp với tình hình hiện nay. Giảm mạnh việc dùng xe con để đưa đón riêng từng người đi làm việc hằng ngày từ nhà đến cơ quan, tận dụng phương tiện đưa đón tập thể của từng cơ quan hoặc tổ chức đưa đón công cộng của các công ty xe khách (trừ bộ trưởng, bí thư, chủ tịch tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương và chức vụ tương đương bộ trưởng trở lên). Giao Bộ Vật tư (đối với các cơ quan trung ương) và uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố (đối với các cơ quan địa phương) tính toán lại nhu cầu xe con cần cho công tác của từng cơ quan, tổ chức thu hồi xe thừa, cắt giảm ngay 20% - 30% số lượng xăng của quý IV năm 1987 đã được duyệt cho các cơ quan, đơn vị hành chính.

Đối với những xe dôi ra, nếu là các loại xe mới nhập hai - ba năm nay từ các nước tư bản chủ nghĩa thì chuyển cho các công ty du lịch để kinh doanh, các loại xe con của các nước xã hội chủ nghĩa thì giao cho các công ty xe khách để tổ chức xe tắc xi, tăng thêm phương tiện đi lại cho nhân dân trên các tuyến đường ngắn.

c) Kiểm tra và huy động ngay vào sản xuất quốc doanh hoặc tập thể mọi nguồn vật tư, hàng hoá ứ đọng ở cảng, tồn kho của các ngành, các cấp, các xí nghiệp sản xuất, cơ sở kinh doanh (kể cả trong quân đội, công an). Điều chỉnh kịp thời giá một số hàng hoá tiêu dùng cao cấp hoặc không thuộc loại thiết yếu (bia, rượu, thuốc lá...) mà thị trường có thể chấp nhận được, nhằm tăng thu cho ngân sách, thu tiền mặt về ngân hàng, góp phần tích cực chống lạm phát.

d) Khi thực hiện từng bước giá bán buôn và giá bán lẻ mới về vật tư hàng hoá thì tiến hành kiểm kê tồn kho vật tư, hàng hoá của các tổ chức cơ quan, xí nghiệp quốc doanh, các tổ chức kinh tế tập thể và tư nhân để thu hồi chênh lệch về ngân sách nhà nước, việc này phải làm bí mật và kịp thời.

đ) Đi đôi với việc chống những mặt tiêu cực trong hoạt động xổ số kiến thiết, cần tiếp tục mở rộng để bổ sung nguồn thu ngân sách. Ban hành những hình thức công trái thích hợp, hấp dẫn (ngắn hạn, dài hạn, bằng tiền, bằng hiện vật, v.v.).

e) Thu hồi số lương thực các địa phương còn nợ thuế và nợ đối lưu vật tư; các ngành trung ương còn nợ các địa phương cũng phải bàn bạc với các địa phương để trả dần.

g) Trong khi chờ đợi sửa đổi toàn diện cơ chế phân cấp ngân sách, nhằm bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Trung ương và địa phương, thực hiện việc điều động một phần chênh lệch giá và kết dư ngân sách địa phương về ngân sách trung ương để phục vụ yêu cầu chung. Đồng thời tăng cường giám đốc và thanh tra tài chính xí nghiệp, tuyển lựa kế toán trưởng có đủ phẩm chất và trình độ nghiệp vụ, giải quyết đủ vốn lưu động tự có cho các xí nghiệp để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Dùng các biện pháp trên đây, có thể giảm được mức bội chi ngân sách năm 1987 thấp hơn mức đã dự tính.

2. Về tiền mặt

Hội đồng Bộ trưởng phải chỉ đạo giữ được mức bội chi tiền mặt dưới mức được dự tính.

Biện pháp chỉ đạo trong bốn tháng cuối năm để làm cơ sở cho những năm sau là:

a) Hoạt động tiền tệ, tín dụng ngân hàng phải hướng vào khai thác và tập trung mọi nguồn hàng vào thương nghiệp xã hội chủ nghĩa.

Trên cơ sở nắm hàng và đẩy mạnh bán ra thông qua thương nghiệp mà tăng mạnh nguồn thu bán hàng bằng tiền mặt nộp vào ngân hàng, đạt được tỷ lệ bình quân 75% so với tổng doanh số bán lẻ của thương nghiệp xã hội chủ nghĩa.

Đồng thời, phối hợp chặt với các ngành liên quan, đẩy mạnh hơn nữa các nguồn thu tiền mặt bằng các con đường phi hàng hoá: các khoản dịch vụ  thu thuế, đặc biệt là thuế công, thương nghiệp.

b) Thực hiện ngay việc điều chỉnh cơ cấu đầu tư của tín dụng ngân hàng, tập trung vốn tín dụng cho việc thực hiện ba chương trình kinh tế lớn. Trước mắt, việc tăng khối lượng tín dụng ngân hàng phải đi liền với mở rộng huy động các nguồn vốn tiền tệ trong xã hội và tăng nhanh vòng quay vốn tín dụng.

Tính toán lại giá thành, phí và chiết khấu lưu thông hợp lý; ngân hàng phối hợp với ngành tài chính giải quyết yêu cầu vốn lưu động tự có cho các tổ chức kinh tế quốc doanh theo giá mới, soát xét lại để điều chỉnh hợp lý biểu lãi suất mới về tiền gửi và cho vay của Ngân hàng Nhà nước.

c) Mở rộng các hình thức thanh toán không bằng tiền mặt kể cả phần sản phẩm hàng hoá mua trong hợp đồng kinh tế và một phần chi trả tiền lương.

Kiên quyết không chi trả bằng tiền mặt cho các khoản thanh toán mua bán hàng hoá và dịch vụ giữa các đơn vị kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể có tài khoản tại ngân hàng.

d) Thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát chi lương, tiền thưởng; dự trữ vật tư, hàng hoá; quyết toán đủ số lượng sản phẩm tương ứng với số lượng vật tư, nguyên liệu được cung ứng; kỷ luật giá; thu nộp ngân sách; xây dựng cơ bản... định lại mức tồn quỹ tiền mặt của các đơn vị kinh tế phù hợp với yêu cầu kinh doanh hợp lý; xử lý nghiêm và phạt tiền những trường hợp vi phạm.

Đồng thời, ngân hàng phải bảo đảm chi trả bằng tiền mặt các yêu cầu chi cần thiết và hợp lý của các đơn vị kinh tế, ưu tiên cho những đơn vị bảo đảm được nguồn thu tiền mặt theo kế hoạch và nộp tiền mặt nhanh, đủ vào ngân hàng.

đ) Đẩy mạnh biện pháp huy động và tăng nhanh số dư tiền gửi tiết kiệm, thu hút bớt tiền thừa trong dân; tập trung nhanh tiền mặt về ngân hàng, trước hết bằng việc cải tiến các hình thức thu chi tiền mặt của ngân hàng gắn với những đơn vị kinh tế có doanh số hoạt động tiền mặt lớn để tăng nhanh vòng quay đồng tiền.

e) Phấn đấu bằng mọi biện pháp, để trong năm 1987 tăng thêm vòng quay tiền mặt qua quỹ ngân hàng để giảm bớt tương ứng lượng tiền phát hành vào lưu thông.

3. Để tăng cường lực lượng hàng hoá, trước hết phải phấn đấu tăng nhanh vòng quay hàng và tiền, gắn chặt bán với mua. Đồng thời phải xử lý có hiệu quả thực sự các chính sách và biện pháp dưới đây:

a) Tập trung sức giải quyết đồng bộ vật tư, nguyên liệu cho sản xuất hàng công nghiệp tiêu dùng, đặc biệt là những loại hàng phù hợp với nhu cầu của nông thôn.

Đối với những vật tư, hàng hoá đã có kế hoạch nhập khẩu và còn đọng ở Liên Xô và các nước Đông Âu, cần khẩn trương đưa nhanh về đúng thời gian và đúng cảng; bộ chủ quản phải tiếp nhận nhanh và đủ để tổ chức cung ứng kịp thời.

Mặt khác, phải kết hợp chặt chẽ giữa ngoại thương và các bộ liên quan khác để tạo nhanh nguồn hàng hoá cho tiêu dùng và vật tư đồng bộ cho sản xuất, khai thác mọi nguồn vật tư, hàng hoá với mức cao nhất để phục vụ sản xuất và tiêu dùng xã hội, tăng nhanh nguồn thu ngân sách và tiền mặt. Có thể vay nhập trước một số hàng công nghiệp (nguyên liệu và hàng) rồi xuất trả sau.

b) Tập trung, huy động mọi nguồn hàng vào thương nghiệp xã hội chủ nghĩa trước hết vào thương nghiệp quốc doanh trung ương, chú ý huy động cả hàng tồn đọng trong kho, ở cảng... để điều hoà hợp lý giữa thành thị và nông thôn.

c) Thực hiện có kết quả Chỉ thị 199 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc cấm tư nhân buôn bán một số vật tư hàng hoá nhà nước thống nhất quản lý (xăng dầu, phân đạm, than, xi măng, sắt thép...) bằng cách thực hiện kiểm kê, kiểm soát chặt chẽ, buộc những tư thương có kinh doanh những mặt hàng đó phải bán lại cho Nhà nước trong thời hạn một tuần kể từ sau khi kiểm kê, theo giá bán lẻ của Nhà nước; nếu không tự nguyện chấp nhận yêu cầu đó thì xử lý tịch thu và phạt theo luật pháp.

Đồng thời với việc tăng cường chỉ đạo hơn nữa công tác cải tạo và quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát đăng ký kinh doanh của tư thương, điều tra phát hiện và nghiêm trị bọn đầu cơ buôn lậu, móc ngoặc tuồn hàng của Nhà nước ra ngoài, cần khẩn trương tiến hành kiểm tra giấy chứng nhận kinh doanh thương nghiệp và dịch vụ của các cơ quan và tổ chức kinh tế; những tổ chức không có chức năng buôn bán mà vẫn buôn bán trên thị trường phải bị đình chỉ ngay; vốn liếng, phương tiện kinh doanh và hàng hoá dùng vào việc kinh doanh buôn bán trái phép phải bị tịch thu nộp vào ngân sách; những người có trách nhiệm trong các đơn vị, cơ quan đó phải bị xử lý theo luật pháp.

d) Quản lý xuất nhập khẩu và ngoại tệ

Nhà nước trung ương phải quản lý chặt chẽ các hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là với khu vực tư bản chủ nghĩa, tập trung việc xuất nhập khẩu những mặt hàng chủ yếu vào những đầu mối nhất định của Trung ương, khu vực hoặc các liên đoàn xuất nhập khẩu của Bộ Ngoại thương và của các bộ quản lý ngành. Sớm ban hành cơ chế và chính sách bảo đảm cho các địa phương xuất khẩu sang khu vực xã hội chủ nghĩa có lợi bằng hoặc hơn xuất khẩu sang khu vực ngoài xã hội chủ nghĩa.

Chỉ những địa phương sản xuất ra sản phẩm mới có quyền được mua các sản phẩm đó để xuất khẩu. Các tổ chức kinh tế trung ương làm chức năng xuất nhập khẩu và các tổ chức kinh tế của các địa phương khác phải thông qua liên doanh, liên kết sản xuất hoặc ký hợp đồng mua bán sản phẩm với các tổ chức kinh tế địa phương sở tại, không được treo giá cao để hút hàng hoặc thông qua tư thương để thu gom hàng xuất khẩu của địa phương khác.

Cấm việc dùng ngoại tệ để thanh toán trong các giao dịch ở trong nước cũng như việc mua, bán hàng hoá tại các cửa hàng của Nhà nước mà phải sử dụng đồng tiền Việt Nam.

Thực hiện nghiêm túc chế độ Nhà nước trung ương thống nhất quản lý ngoại tệ, bảo đảm lợi ích cho các địa phương, các đơn vị được quyền sử dụng ngoại tệ.

Thông qua thuế xuất nhập khẩu, thuế hàng hoá nhập khẩu và chế độ thu, bù chênh lệch ngoại thương để hướng dẫn và quản lý việc xuất khẩu, nhập khẩu theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo vệ hàng hoá sản xuất trong nước, thay biểu thuế xuất thích hợp đối với các loại hàng hoá do Việt kiều gửi về cho thân nhân, hoặc do Việt kiều và khách du lịch mang vào hoặc mang ra khỏi nước ta.

Sử dụng mọi biện pháp để loại trừ bọn đầu cơ, buôn lậu ngoại tệ (kể cả vàng) ở trong nước, cả khách nước ngoài và Việt kiều về nước, sớm có biện pháp để chấm dứt việc mang tiền Việt Nam và vàng sang Lào và Campuchia.

đ) Chấn chỉnh tổ chức phân phối lưu thông

Hội đồng Bộ trưởng cần có kế hoạch khẩn trương chấn chỉnh tổ chức các ngành phân phối lưu thông: lương thực, vật tư, vận tải, nội thương, ngoại thương, ngân hàng, thuế, ... bảo đảm mua tại nơi sản xuất, bán đến người tiêu dùng, loại bỏ những tổ chức trung gian, tình trạng bán vòng vèo, gây chậm trễ và làm thất thoát vật tư, hàng hoá,tiền bạc của Nhà nước.

Đi đôi với chấn chỉnh tổ chức, phải sắp xếp lại cán bộ, có biện pháp cụ thể tăng cường công tác giáo dục, nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ đi đôi với bồi dưỡng trình độ công tác nghiệp vụ cho anh chị em; đồng thời loại bỏ số cán bộ đã thoái hoá, biến chất.

Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng điều hành việc thực hiện các biện pháp cấp bách trên đây.

*

*   *

Thực hiện Nghị quyết Trung ương hai trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn là một cuộc phấn đấu gay go, phức tạp. Bộ Chính trị yêu cầu tất cả các cấp uỷ đảng từ các đồng chí Uỷ viên Trung ương đến các đảng viên bình thường phải nghiêm túc chấp hành các nghị quyết của Trung ương Đảng, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Hội đồng Bộ trưởng. Khi gặp những vướng mắc trong việc thực hiện hoặc có ý kiến khác thì có thể phản ánh, kiến nghị lên trên. Song trong khi chưa có quyết định mới, phải nghiêm chỉnh chấp hành. Chỉ có tăng cường đoàn kết, đồng tâm, nhất trí trong Đảng và trong nhân dân mới có thể thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ nặng nề đang đặt ra trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Việc giải quyết những vấn đề cấp bách về phân phối lưu thông gắn chặt với cuộc vận động làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội đồng thời gắn chặt với công cuộc cải tạo và quản lý thị trường, đấu tranh kiên quyết và nghiêm trị bọn đầu cơ, buôn lậu, bọn chuyên làm hàng giả; chống địch phá hoại kinh tế ta. Các tổ chức và cơ quan của Đảng, Nhà nước, đoàn thể quần chúng, quân đội và công an không có chức năng kinh doanh thương nghiệp dứt khoát không được tham gia buôn bán dưới bất cứ hình thức nào.

Cần triệt để giữ bí mật kinh tế của Đảng và Nhà nước, nhất là những bí mật về giá, lương, tài chính, tiền tệ, v.v..

Bản Kết luận này của Bộ Chính trị được phổ biến đến tận các chi bộ đảng.


T/M BỘ CHÍNH TRỊ

TỔNG BÍ THƯ


NGUYỄN VĂN LINH






_________________

Nguồn: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 48, tr.304-322.

 

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website