Kết luận số 09-KL/TW ngày 28/8/1990, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương (khóa VI) về một số vấn đề kinh tế - xã hội cấp bách

 

KẾT LUẬN 
CỦA HỘI NGHỊ LẦN THỨ CHÍN BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG
 
(KHOÁ VI)
 
Số 09-NQ/HNTW, ngày 28 tháng 8 năm 1990

Về một số vấn đề kinh tế - xã hội cấp bách
-----------------------------------



Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương (khoá VI) đã thảo luận và kết luận về một số vấn đề kinh tế - xã hội cấp bách. 

Hội nghị nhận định:

I

Từ đầu năm 1990 đến nay, trong hoàn cảnh tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nhiều mặt đến nước ta, toàn Đảng, toàn dân ta đã có những cố gắng lớn giữ vững ổn định chính trị, phát huy những tiến bộ đạt được trong năm 1989, tiếp tục thu được những kết quả tích cực trên một số mặt kinh tế - xã hội.

Sản xuất lương thực vụ chiêm xuân và hè thu đạt xấp xỉ cùng kỳ năm 1989, cơ bản đáp ứng nhu cầu lương thực trong cả nước và xuất khẩu được 1,1 triệu tấn gạo. Công nghiệp tiếp tục được sắp xếp lại, một số ngành công nghiệp quốc doanh trung ương quan trọng như điện, dầu khí, ximăng, giấy, chế biến nông sản thực phẩm... phát triển khá. Một số xí nghiệp quốc doanh sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Giao thông vận tải phục vụ tốt hơn việc đi lại và vận chuyển hàng hoá. Hệ thống thông tin liên lạc được cải thiện một phần. Việc mua bán của nhân dân thuận tiện hơn. Xuất khẩu bảy tháng đầu năm 1990 tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư của nước ngoài tiếp tục được mở rộng.

Song, mấy tháng gần đây tình hình kinh tế - xã hội có những phức tạp và khó khăn mới, cần được xử lý kịp thời.

Trong sản xuất nông nghiệp, phân bón thiếu; giá phân bón và lương thực tăng đột biến; nguồn tài chính và vật tư cho nhiều chương trình hợp tác về cây công nghiệp không được các nước ngoài thực hiện đúng hợp đồng.

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhìn chung đình trệ, công nghiệp địa phương giảm sút nhiều cả ở khu vực quốc doanh và tập thể, nhiều cơ sở thua lỗ kéo dài, bán và thanh lý tài sản một cách vô nguyên tắc. Nhiều cơ sở thiếu vốn và vật tư để hoạt động, hàng hoá không bán được, chủ yếu là do chất lượng kém và bị hàng nước ngoài nhập lậu ồ ạt lấn át hàng sản xuất trong nước.

Thương nghiệp quốc doanh không giữ được vai trò điều hoà lưu thông, kinh doanh thua lỗ, để tư thương núp bóng làm ăn trái phép, trốn thuế. Các hợp tác xã mua bán hầu như tê liệt. Nhiều cơ sở buôn bán của cơ quan nhà nước, đoàn thể, đơn vị quân đội, công an không chấp hành đúng luật pháp góp phần làm rối thị trường.

Trong hoạt động xuất, nhập khẩu, tổ chức kinh doanh quá phân tán; việc cấp giấy phép xuất, nhập khẩu có nhiều sơ hở, tình trạng tranh mua trong nước, tranh bán ngoài nước, sử dụng lãng phí ngoại tệ để nhập hàng xa xỉ và hàng tiêu dùng mà trong nước sản xuất được tiếp tục diễn ra nghiêm trọng, vượt ngoài sự kiểm soát của Nhà nước. Tệ nhập khẩu hàng lậu lan tràn.

Ngân sách thất thu lớn, nhất là thất thu thuế đối với kinh tế ngoài quốc doanh; nhiều khoản chi ngân sách rất cần thiết bị cắt giảm, mặt khác sử dụng ngân sách lãng phí nhiều. Bội chi ngân sách và tiền tệ vượt xa mức dự tính kế hoạch.

Lượng tiền phát hành để chi cho ngân sách quá lớn. Quản lý tài chính, tiền tệ vừa để thất thoát tài sản của Nhà nước, vừa gây khó khăn trở ngại cho sản xuất kinh doanh. Việc tổ chức lưu thông tiền tệ qua ngân hàng còn nhiều khuyết điểm, việc chuyển ngân hàng sang kinh doanh còn nhiều lúng túng.

Tình hình vỡ hụi, vỡ nợ ở các quỹ tín dụng đang gây hậu quả rất xấu cả về kinh tế, chính trị và xã hội.

Giá phân bón, xăng dầu, thóc gạo, vàng, đôla… tăng nhanh, có lúc đột biến kéo giá nhiều mặt hàng khác tăng theo.

Đời sống của cán bộ, nhân viên hành chính, sự nghiệp, lực lượng vũ trang, các đối tượng hưởng chính sách xã hội, một bộ phận người lao động trong kinh tế quốc doanh, hợp tác xã và một bộ phận nông dân có nhiều khó khăn.

Tệ tham nhũng trong nhiều cơ quan nhà nước và cơ sở kinh tế quốc doanh làm cho quần chúng rất bất bình.

II

Tình hình kinh tế - xã hội nói trên có những nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Những nguyên nhân khách quan là:

+ Nền kinh tế mất cân đối nặng, đất nước chưa thoát khỏi lạm phát và khủng hoảng.

+ Quá trình chuyển sang cơ chế thị trường có quá nhiều điều mới mẻ về quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh mà ta chưa có nhiều kinh nghiệm, rất lúng túng khi xử lý.

+ Những biến động của tình hình quốc tế có những mặt bất lợi cho ta: Mỹ và một số nước khác vẫn thi hành chính sách cấm vận đối với nước ta, biến động về chính trị và kinh tế - xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, v.v..

Những nguyên nhân chủ quan là:

+ Công tác quản lý, điều hành của các cấp, các ngành và ở cấp vĩ mô nói chung chưa làm tốt việc dự báo tình hình và có nhiều thiếu sót (trong việc chấp hành các nghị quyết Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương sáu; điều hành cung ứng phân bón, lương thực, quản lý xuất khẩu gạo, quản lý tài chính, thu thuế, xuất, nhập khẩu, chống hàng nhập lậu, quản lý hoạt động ngân hàng, quỹ tín dụng, dự trữ quốc gia, thực hiện pháp luật, v.v.). Việc nghiên cứu, xem xét, xử lý những vấn đề về vốn, chính sách tín dụng còn những điểm chưa phù hợp với yêu cầu của sản xuất kinh doanh, gây thêm khó khăn cho các đơn vị kinh tế quốc doanh.

+ Tổ chức quản lý và biên chế bộ máy còn cồng kềnh, quan liêu, kém hiệu lực; biên chế nặng nề; năng lực đội ngũ cán bộ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu.

+ Tình trạng vô kỷ luật, không tôn trọng kỷ cương luật pháp, đặc biệt trên các lĩnh vực kế hoạch, tài chính, tiền tệ, tín dụng, giá cả, xuất nhập khẩu, thị trường, v.v. là nghiêm trọng. Tư tưởng cục bộ, bản vị khá nặng nề, vì lợi ích cá nhân, đơn vị, ngành và địa phương mà không chấp hành đúng chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Tệ tham nhũng, hối lộ, lãng phí chậm được khắc phục, việc trừng trị không nghiêm.

III

Chúng ta phải có những biện pháp cấp bách và có hiệu lực để giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội nói trên nhằm tiếp tục làm chuyển biến tốt tình hình kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện kế hoạch 5 năm 1991-1995 và chuẩn bị tốt Đại hội lần thứ VII của Đảng.

Tư tưởng chỉ đạo giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội cấp bách là:

- Kiên định thực hiện chủ trương đổi mới cơ chế quản lý kinh tế do Nghị quyết Đại hội VI của Đảng đề ra, đưa mọi hoạt động kinh tế đi vào hạch toán kinh doanh theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phấn đấu nâng cao hiệu quả, thích ứng với những điều kiện của nền kinh tế thị trường và những đòi hỏi mới của quan hệ kinh tế đối ngoại. Không vì những khó khăn trước mắt mà dao động, quay trở lại cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp trước đây.

- Chủ động có những phương án khác nhau để thích ứng với tình hình mới, khi chúng ta phải tích cực phấn đấu cân bằng về cơ bản cán cân thương mại và thay đổi phương thức thanh toán trong quan hệ kinh tế với khu vực I từ đầu năm 1991, nhất là phải nhập khẩu thêm nhiều vật tư chiến lược từ khu vực II. Cần xử lý đồng bộ các vấn đề kinh tế - xã hội liên quan.

- Toàn Đảng, toàn dân nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường đi đôi với mở rộng quan hệ quốc tế, xây dựng ý chí làm cho dân giàu, nước mạnh, phát huy trí thông minh và óc sáng tạo, khai thác tốt nhất mọi khả năng sẵn có và tiềm tàng. Cố gắng tạo nhiều việc làm cho người lao động, mọi người phải lao động có năng suất cao, hiệu quả tốt.

- Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và mọi công dân phải nêu cao ý thức tiết kiệm xây dựng đất nước; chống xa hoa, lãng phí. Thực hành tiết kiệm là một chính sách có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, cần có những chế độ và luật pháp bảo đảm.

- Thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, giữ vững kỷ cương, tôn trọng luật pháp, trong các hoạt động kinh tế - xã hội, xử lý nghiêm minh những cá nhân và đơn vị có hành vi phạm pháp.

IV

Phương hướng giải quyết một số vấn đề kinh tế - xã hội cấp bách:

1. Về nông nghiệp

- Tiếp tục tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư thoả đáng cho mặt trận sản xuất nông nghiệp. Bằng mọi cách, Trung ương cùng với các địa phương chủ động lo đủ và kịp thời hơn phân bón, thuốc trừ sâu cho nông nghiệp. Cần tạo mọi điều kiện cho các tổ chức kinh doanh về vốn, thị trường, chính sách thuế để tiêu thụ hết số nông sản hàng hoá của nông dân.

Xử lý kịp thời các vụ tranh chấp về ruộng đất.

- Nhà nước điều hoà hợp lý việc lưu thông phân bón và lương thực giữa các vùng, không để xảy ra tình trạng đột biến về giá phân bón và lương thực.

2. Về công nghiệp

- Tạo điều kiện về vốn, thị trường để đẩy mạnh sản xuất, đồng thời coi trọng sắp xếp lại sản xuất công nghiệp (bao gồm cả tiểu thủ công nghiệp).

Đối với những cơ sở sản xuất kinh doanh có hiệu quả, sản phẩm làm ra thuộc nhu cầu thiết yếu của xã hội, sản phẩm có giá trị xuất khẩu hoặc thay thế hàng nhập khẩu, Nhà nước cần ưu tiên giải quyết các yêu cầu về vật tư, tiền vốn (kể cả vốn lưu động và vốn đầu tư chiều sâu) để mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Những cơ sở làm ăn thua lỗ kéo dài (nhất là những cơ sở quốc doanh quận, huyện) thì phải tìm nhiều biện pháp thích hợp, kể cả việc thay đổi phương hướng sản xuất, cơ cấu tổ chức và cán bộ quản lý để nâng cao hiệu quả; nếu cuối cùng vẫn không có tiến bộ thì kiên quyết chuyển đổi hình thức sở hữu hoặc giải thể. Nhà nước cần hướng dẫn xử lý thoả đáng về tài sản, công nợ dây dưa và chính sách đối với người lao động, tránh gây hậu quả xấu về kinh tế, xã hội, chính trị.

Thực hiện việc giao vốn, làm thử các hình thức quản lý xí nghiệp quốc doanh.

Hướng dẫn các thành phần kinh tế trong tiểu thủ công nghiệp cải tiến quản lý, đẩy mạnh sản xuất.

- Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho công nghiệp, cả thị trường trong nước (đặc biệt là thị trường nông thôn) và thị trường ngoài nước.

Thực hiện các biện pháp về kinh tế đi đôi với tuyên truyền, khuyến khích nhân dân dùng hàng sản xuất trong nước và áp dụng các biện pháp hành chính, kể cả việc cấm nhập khẩu một số ít mặt hàng, bảo vệ hàng sản xuất trong nước.

Kiên quyết chống buôn lậu trong toàn xã hội, đặc biệt chống buôn lậu trên biển, ở các vùng biên giới.

3. Về thương nghiệp

Chấn chỉnh gấp thương nghiệp quốc doanh theo hướng tập trung kinh doanh những mặt hàng thiết yếu đối với sản xuất và đời sống, nắm chắc bán buôn và tổ chức tốt dự trữ lưu thông một số mặt hàng chủ yếu để có thể chủ động ổn định thị trường, giá cả. Xóa bỏ tình trạng khoán trắng trong thương nghiệp và sử dụng tư thương vô nguyên tắc để cho tư thương núp bóng nhà nước trốn thuế và đầu cơ, buôn lậu.

Sắp xếp lại, giảm bớt tổ chức và biên chế quá đông trong thương nghiệp quốc doanh. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên thương nghiệp quốc doanh phương thức kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường.

Đấu tranh chống những hành vi tiêu cực trong ngành thương nghiệp quốc doanh.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các tổ chức thương nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế.

4. Về xuất nhập khẩu

- Nhanh chóng sắp xếp lại các tổ chức kinh doanh và dịch vụ xuất nhập khẩu cả trung ương và địa phương theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI), tránh cả hai khuynh hướng phân tán hoặc tập trung quá mức, trước mắt bảo đảm sự quản lý chặt chẽ của trung ương đối với việc xuất khẩu lúa gạo.

- Nghiên cứu và tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế, chính sách về xuất, nhập khẩu nhằm nâng cao hiệu quả xuất, nhập khẩu, đáp ứng các nhu cầu sản xuất và tiêu dùng cần thiết trong nước. Xem xét kỹ từng mặt hàng nhập khẩu, có mặt hàng khuyến khích nhập, có mặt hàng phải hạn chế nhập, có một số ít mặt hàng phải cấm nhập.

Thực hiện việc Nhà nước thống nhất quản lý ngoại tệ nhằm hướng dẫn sử dụng hợp lý nguồn ngoại tệ, tập trung thêm ngoại tệ cho nhập khẩu những vật tư thiết yếu; bảo đảm cho người có ngoại tệ quyền sử dụng ngoại tệ hợp pháp. Các tổ chức có ngoại tệ gửi tại ngân hàng được rút ra để chi trả một cách thuận tiện.

Tăng cường hàng rào thuế quan, nghiêm trị những tổ chức và cá nhân buôn lậu qua biên giới.

5. Về giá cả

Nhà nước cần dự báo sớm những biến động của thị trường trong nước, ngoài nước, chủ động có những chủ trương và biện pháp đồng bộ để sắp xếp lại hệ thống các loại giá cho thích hợp, với bước đi vững chắc, hạn chế tác động xấu đến sản xuất, lưu thông và đời sống của nhân dân.

6. Về tài chính, tiền tệ

- Để khắc phục tình trạng thất thu thuế hiện nay, ngành tài chính phải gấp rút cải tiến nghiệp vụ và tổ chức bộ máy thu thuế. Các cấp uỷ đảng và cấp chính quyền, đoàn thể cần tăng cường chỉ đạo công tác thu thuế, bổ sung các cán bộ có năng lực và phẩm chất tốt cho ngành thuế.

- Giảm chi những công trình chưa thiết yếu; quản lý chặt hơn chi hành chính, ngăn chặn việc chi tiêu lãng phí trong các cơ quan nhà nước, các đoàn thể, các đơn vị kinh tế quốc doanh, bảo đảm những khoản chi thiết yếu, trong đó có yêu cầu chi đầu tư chiều sâu nhằm đổi mới kỹ thuật, mở rộng sản xuất, chi để sắp xếp số lao động dôi ra, chi cho giáo dục, y tế, khắc phục khó khăn về đời sống cho công nhân, viên chức hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang, cán bộ hưu trí và các đối tượng hưởng chính sách xã hội.

- Các tỉnh, thành phố cần phấn đấu tự cân đối ngân sách và có đóng góp ngân sách cho trung ương để trung ương có điều kiện đáp ứng các nhu cầu chung của cả nước, của những vùng gặp nhiều khó khăn.

Trên cơ sở tăng thu, tiết kiệm chi, phấn đấu kiềm chế mức bội chi ngân sách.

- Xử lý toàn diện hơn ở tầm vĩ mô việc cân đối tiền - hàng trong xã hội, đổi mới tổ chức và hoạt động ngân hàng, có dự trữ cần thiết về tiền. Chú ý lo vốn cho các cơ sở kinh tế, nhất là các cơ sở hoạt động tốt để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Bảo đảm giá trị tiền nhân dân gửi ở quỹ tiết kiệm. Phát hành tiền đi đôi với thu hồi tiền về ngân hàng.

- Về xử lý tình trạng vỡ nợ tín dụng, cần buộc các quỹ tín dụng và huy động lực lượng thu hồi các khoản nợ để trả cho dân, trừng trị những kẻ lừa đảo, chây ỳ. Các xí nghiệp quốc doanh làm ăn có hiệu quả có vật tư, tài sản bảo đảm, có khả năng trả nợ thì cần được Nhà nước cho vay để trả nợ quỹ tín dụng. Phải xác định trách nhiệm trả nợ là của xí nghiệp vay nợ, không để xí nghiệp trút trách nhiệm cho Nhà nước.

- Điều hành việc lưu thông tiền tệ một cách vững chắc, kiên quyết kiềm chế lạm phát, không để xảy ra tái lạm phát cao.

7. Về trợ cấp khó khăn cho cán bộ, nhân viên hành chính, sự nghiệp

Trong tình hình chỉ số giá sinh hoạt đã tăng nhiều so với lần điều chỉnh lương gần nhất (đầu năm 1989) là lương giữa khu vực hành chính, sự nghiệp với khu vực sản xuất đã cách xa nhau nhiều, việc trợ cấp khó khăn cho khu vực hành chính, sự nghiệp, lực lượng vũ trang, cán bộ hưu trí, các đối tượng hưởng chính sách xã hội là cần thiết. Hội đồng Bộ trưởng cần sớm có quyết định cụ thể về vấn đề này.

Tích cực khắc phục tình trạng thu nhập bất công, quá chênh lệch giữa các tầng lớp nhân dân và cán bộ, công nhân, viên chức.

8. Về chống tham nhũng

Thực hiện kiên quyết hơn nữa các biện pháp chống tham nhũng mà Hội đồng Bộ trưởng đã đề ra. Xử lý nghiêm và kịp thời các vụ vi phạm, trước hết là các vụ tham nhũng nghiêm trọng trong cơ quan đảng, cơ quan nhà nước, đơn vị quân đội, công an, cơ sở kinh tế quốc doanh, bất kể thuộc ngành nào, cấp nào. Các cấp uỷ đảng, các đảng viên phải gương mẫu đi đầu trên mặt trận chống tham nhũng, góp phần củng cố tổ chức đảng các cấp, làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

9. Về tổ chức và cán bộ

Các cơ quan đảng, Nhà nước, đoàn thể quần chúng, các ngành, các cấp phải trên cơ sở định rõ chức năng, nhiệm vụ đổi mới phương thức hoạt động mà khẩn trương tinh giản hợp lý tổ chức, biên chế bộ máy hiện quá cồng kềnh, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ quản lý, nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới.

*
*    *

Tình hình kinh tế - xã hội đang có khó khăn gay gắt, nếu không được khắc phục kịp thời sẽ gây hậu quả xấu chẳng những cần được khắc phục kịp thời để tạo điều kiện thuận lợi bước vào thực hiện kế hoạch năm 1991, kế hoạch 5 năm 1991-1995 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dài hạn. Trong các biện pháp cấp bách, việc chống nhập hàng lậu lan tràn đi đôi với đẩy mạnh sản xuất và bảo vệ hàng sản xuất trong nước, việc sử dụng hợp lý nguồn ngoại tệ, việc chấn chỉnh quản lý tài chính, tiền tệ là những việc có tính thời sự nóng bỏng, có ý nghĩa quyết định, cần làm ngay và làm tốt.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhấn mạnh ý thức trách nhiệm và vai trò quan trọng của tất cả các đồng chí Uỷ viên Trung ương ở các cấp, các ngành và của Hội đồng Bộ trưởng trong việc chỉ đạo và điều hành dựa theo kết luận này.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu toàn thể cán bộ, đảng viên, tất cả các ngành, các cấp nghiêm chỉnh giữ vững kỷ luật, kỷ cương, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương (khoá VI) tin tưởng rằng, với sự đồng tâm nhất trí và ý thức trách nhiệm cao đối với đất nước, toàn Đảng, toàn dân ta sẽ thực hiện tốt các biện pháp giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội cấp bách hiện nay, bảo đảm cho sự nghiệp đổi mới tiếp tục phát triển và thắng lợi.




T/M BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG
TỔNG BÍ THƯ

NGUYỄN VĂN LINH


_______________

Nguồn: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 50, tr.296-308.

 

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website