Nghị quyết số 03-NQ/HNTW Hội nghị lần thứ ba BCHTW Đảng khoá VII, ngày 29/6/1992 về nhiệm vụ quốc phòng và bảo vệ an ninh quốc gia, chống diễn biến hoà bình của địch

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, VII, trong thời gian qua, sự nghiệp quốc phòng và bảo vệ an ninh quốc gia đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và làm nghĩa vụ quốc tế. Tuy nhiên, trước diễn biến mới của tình hình, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải tiếp tục củng cố quốc phòng, tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia, chống diễn biến hoà bình của địch.

Phần I

Tình hình và nhiệm vụ quốc phòng,
an ninh của đất nước

.....

II- Nhiệm vụ quốc phòng và bảo vệ an ninh quốc gia trong thời gian tới

Cương lĩnh của Đảng đã khẳng định: "Trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng đất nước, nhân dân ta luôn luôn nâng cao cảnh giác, củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị, xây dựng an toàn xã hội, bảo vệ Tổ quốc và các thành quả cách mạng".

Để chấp hành Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VII, nhiệm vụ quốc phòng và an ninh của nhân dân ta trong các năm tới là:

Trên cơ sở phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước, truyền thống cách mạng, tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường, thống nhất ý chí và hành động, kiên định xây dựng chủ nghĩa xã hội, đề cao cảnh giác cách mạng, giữ vững ổn định về chính trị, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, triển khai có kết quả chiến lược, sách lược đối ngoại, xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân, nâng cao chất lượng các lực lượng vũ trang, chấp hành thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ độc lập, an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa, đập tan âm mưu và hoạt động diễn biến hoà bình, bạo loạn lật đổ của kẻ thù và sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống phức tạp khác có thể xảy ra.

Trong nhiệm vụ chung trên đây, chống diễn biến hoà bình, bạo loạn lật đổ là nhiệm vụ cấp bách  hàng đầu và phải được kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ sẵn sàng ứng phó với các tình huống khác.

- Để chấp hành tốt nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, cần nắm vững một số quan điểm cơ bản và tư tưởng chỉ đạo sau đây:

1. Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

2. Gắn chặt nhiệm vụ quốc phòng và nhiệm vụ an ninh, hai mặt có quan hệ khăng khít với nhau của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

3. Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của toàn dân và của Nhà nước. Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân và của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước để xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân, quán triệt tư tưởng cách mạng tiến công, tích cực, chủ động, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của địch.

4. Ra sức ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng phong trào quần chúng, củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia, làm trong sạch môi trường xã hội, làm cơ sở giữ vững ổn định về chính trị và nâng cao sức mạnh về quốc phòng, an ninh, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh trong các kế hoạch kinh tế - xã hội.

5. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội và công an, đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng và an ninh. Nâng cao chất lượng quân đội và công an, bảo đảm vững vàng trong mọi tình huống.

6. Thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng, nhân tố quyết định mọi thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

7. Tăng cường quan hệ về Đảng và Nhà nước với các nước xã hội chủ nghĩa, mở rộng quan hệ hợp tác và đoàn kết hữu nghị với các nước khác, đặc biệt là với các nước láng giềng và khu vực.

Phương châm chỉ đạo của chúng ta là: trên cơ sở nhanh chóng phát triển đất nước về mọi mặt, trước hết là về kinh tế, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị, chủ động nắm vững tình hình, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, toàn diện của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước và chính quyền các cấp, quyết tâm ngăn ngừa, không để xảy ra bạo loạn lật đổ, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước ta.

Khi có nguy cơ xảy ra thì kiên quyết, chủ động trấn áp bằng sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng và sự chỉ huy thống nhất của chính quyền. Sử dụng biện pháp chính trị là chủ yếu; khi cần thiết thì phải sử dụng lực lượng vũ trang. Lấy lực lượng công an làm nòng cốt, kết hợp chặt chẽ với bộ đội địa phương và dân quân tự vệ để hỗ trợ cho nhân dân đấu tranh; việc sử dụng bộ đội chủ lực phải theo kế hoạch thống nhất của trên. Phải gắn bó với dân, tỉnh táo phân biệt rõ mâu thuẫn nội bộ nhân dân với mâu thuẫn địch-ta, phân biệt và tách lực lượng chống đối với quần chúng bị mơ hồ, kích động; chia cắt, phân hóa lực lượng chống đối, cô lập cao độ và đánh trúng bọn đầu sỏ, ngoan cố, không để chúng hình thành tổ chức, liên kết lực lượng với nhau ở trong nước và ngoài nước. Xử lý tình huống nhanh, gọn, không để kéo dài, lan rộng, sẵn sàng đánh bại lực lượng vũ trang của đế quốc và phản động quốc tế từ ngoài can thiệp vào.

Củng cố quốc phòng và bảo vệ an ninh quốc gia, chống diễn biến hòa bình của địch là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trong đó quân đội nhân dân và công an nhân dân là những lực lượng nòng cốt. Cùng với việc củng cố nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, cần ra sức xây dựng các lực lượng vũ trang thật sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Phần II

Nhiệm vụ quốc phòng và những chủ trương, biện pháp lớn

I

Trong mấy năm qua, các lực lượng vũ trang với sự tham gia, giúp đỡ của toàn dân, của các ngành và các địa phương, đã chấp hành nghiêm chỉnh các nghị quyết của Đảng về quốc phòng. Đã thực hiện có kết quả một cuộc điều chỉnh chiến lược, bố trí lại lực lượng trên các hướng chiến trường, tăng cường tổ chức phòng thủ trên các khu vực trọng yếu, củng cố thế trận chiến tranh nhân dân, bổ sung kế hoạch phòng thủ đất nước. Nền quốc phòng toàn dân đã được củng cố thêm, các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố từng bước được triển khai xây dựng, lực lượng dân quân tự vệ được chấn chỉnh theo hướng bảo đảm chất lượng, giảm bớt số lượng, lực lượng dự bị động viên tương đối lớn, chương trình giáo dục về quốc phòng cho sinh viên, học sinh được cải tiến. Tổ chức quân đội đã được chấn chỉnh một bước quan trọng, giảm lớn tổng quân số và phấn đấu nâng dần chất lượng các mặt. Đã chấp hành tốt nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Campuchia và cách mạng Lào. Hệ thống các nhà máy sản xuất quốc phòng được duy trì và củng cố thêm. Điểm nổi lên là quân đội đã được tăng cường xây dựng về mặt chính trị, làm cơ sở cho việc nâng cao chất lượng tổng hợp và chấp hành các nhiệm vụ được giao. Trước tình hình quốc tế và trong nước có những diễn biến phức tạp, quân đội đã tỏ ra vững vàng về chính trị, kiên định mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, chấp hành tốt nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, đối chiếu với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới thì còn có những mặt yếu kém và nhược điểm cần ra sức khắc phục: chất lượng tổng hợp của nhiều đơn vị còn hạn chế, công tác bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật có nhiều khó khăn lớn, công tác bảo đảm đời sống còn chật vật, chính sách đối với lực lượng vũ trang chậm được đổi mới, ngân sách quốc phòng hạn hẹp, trình độ của nhiều cán bộ chưa ngang tầm nhiệm vụ, thế trận quốc phòng toàn dân chưa được củng cố toàn diện và vững chắc… Trong các nguyên nhân của các tồn tại có một điểm đáng lưu ý là nhiều nội dung về quốc phòng trong các nghị quyết của Đảng chưa được quán triệt sâu sắc và chấp hành tốt trong cán bộ các ngành, các cấp của Đảng và Nhà nước, nhiều nội dung chưa được thể chế hóa về mặt Nhà nước.

II

Để chấp hành nhiệm vụ quốc phòng và an ninh chung trên đây, trong lĩnh vực quốc phòng trong thời gian tới, các lực lượng vũ trang phải cùng với toàn dân, các ngành, các cấp của Đảng và Nhà nước thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác  lớn sau đây:

1. Chấp hành tốt nhiệm vụ phòng chống diễn biến hòa bình và bạo loạn lật đổ. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, với các ngành, các cấp có nhiệm vụ nắm chắc âm mưu và hoạt động của các lực lượng thù địch ở trong nước và ngoài nước, bổ sung hoàn chỉnh kế hoạch A2, huấn luyện và diễn tập ở những nơi cần thiết, cùng với toàn dân ngăn ngừa và kịp thời đập tan mọi âm mưu và hoạt động chống phá của kẻ thù. Đồng thời nghiên cứu kỹ các tình huống khác có thể xảy ra, xây dựng các phương án đối phó, từng bước kịp thời triển khai các công việc cần thiết để thực hiện một cách chặt chẽ.

Củng cố các tổ chức nắm địch. Đẩy mạnh công tác vận động nhân dân của quân đội, tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị ở các địa phương.

2. Từng bước củng cố nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân. Tăng cường công tác giáo dục về quốc phòng cho toàn dân, trước hết là đối với cán bộ các ngành, các cấp của Đảng và Nhà nước. Xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành, quận, huyện, làng xã đạt cho được các yêu cầu chủ yếu, trước hết là về xây dựng dân quân tự vệ, xây dựng lực lượng dự bị động viên, bộ đội địa phương đủ sức bảo đảm an ninh chính trị và bảo vệ địa phương. Từng thời kỳ tổ chức diễn tập ở các cấp. Thực hiện có kết quả kế hoạch tăng cường bảo vệ các địa bàn trọng điểm, vùng biển, hải đảo, các vùng biên giới, xây dựng các công trình quốc phòng trọng điểm cần thiết. Đẩy mạnh công tác chuẩn bị động viên (cả về nhân lực, vật lực và công nghiệp quốc phòng).

3. Tập trung sức nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang

Coi trọng xây dựng các lực lượng vũ trang về chính trị, bảo đảm các lực lượng vũ trang vững vàng về chính trị trong mọi tình huống, là một lực lượng trung kiên của Đảng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, củng cố vững chắc sự lãnh đạo của Đảng đối với các lực lượng vũ trang và sự nghiệp quốc phòng. Đẩy mạnh việc xây dựng các tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng các tổ chức thanh niên và công đoàn trong quân đội.

Trên cơ sở xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tập trung sức xây dựng quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, với quân số thường trực hợp lý và có chất lượng cao. Coi trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại trường và tại chức, nâng cao chất lượng huấn luyện, bộ đội sát với thực tiễn, nghiên cứu hoàn chỉnh đường lối quân sự và nghệ thuật quân sự. Xúc tiến công tác tổng kết chiến tranh. Bảo đảm đời sống và giải quyết tốt các vấn đề về chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội. Bằng các biện pháp có hiệu quả, tăng cường công tác bảo đảm kỹ thuật để giữ được khối vũ khí trang bị hiện có sử dụng được lâu dài. Quản lý chặt chẽ bộ đội trên tất cả các mặt, nâng cao kỷ luật của quân đội.

4. Khắc phục mọi khó khăn, bảo đảm đời sống vật chất và văn hóa của bộ đội không bị giảm sút và được cải thiện một phần. Bổ sung, ban hành các chính sách cần thiết đối với quân đội và hậu phương quân đội và giải quyết tận tình các vấn đề về chính sách. Đẩy mạnh lao động sản xuất của các đơn vị thường trực nhằm bảo đảm đời sống và góp phần giải quyết chính sách.

5. Bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật là một vấn đề chiến lược. Khẩn trương xây dựng quy hoạch trang bị, trên cơ sở đó tăng cường công tác bảo đảm kỹ thuật, thực hiện tốt việc dồn dịch, bảo quản, liêm cất, dự trữ, sửa chữa vũ khí, trang bị, củng cố hệ thống kho tàng, hệ thống xí nghiệp sửa chữa và sử dụng chặt chẽ, có hiệu quả.

Khắc phục mọi khó khăn, duy trì và củng cố hệ thống các xí nghiệp quốc phòng, nâng cao chất lượng sản xuất vũ khí, trang bị, sản xuất phụ tùng thay thế một số trang bị có khả năng, triển khai xây dựng một số nhà máy sản xuất có nhu cầu bức thiết, có kế hoạch từng bước đổi mới và bổ sung vũ khí, trang bị hiện đại. Trong thời bình, Nhà nước đầu tư và có chính sách phù hợp để động viên các xí nghiệp quốc phòng sản xuất các mặt hàng  dân dụng.

6. Củng cố, chấn chỉnh các tổ chức làm kinh tế của quân đội gắn với chiến lược quốc phòng, từng bước ổn định nhiệm vụ và nâng cao hiệu quả kinh tế. Chú trọng tham gia xây dựng các vùng kinh tế Bắc, Trung, Nam, đặc biệt trên các địa bàn chiến lược quan trọng.

Chỉ đạo thực hiện tốt cơ chế quản lý kinh tế của Nhà nước đối với các tổ chức làm kinh tế và các loại xí nghiệp công nghiệp quốc phòng.

7. Tập trung sức xây dựng, nâng cao chất lượng toàn diện của đội ngũ cán bộ, trước hết là chất lượng chính trị, nâng cao trình độ chỉ đạo, chỉ huy, chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức khoa học kỹ thuật, năng lực quản lý bộ đội, phong cách công tác và quan hệ với quần chúng, bảo đảm chuyển tiếp đội ngũ một cách vững chắc, trọng điểm là cán bộ chủ trì, chỉ huy, chính trị ở các đơn vị và cơ quan cấp chiến lược, chiến dịch, coi trọng đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật bậc trên đại học, phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ cán bộ trong việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và xây dựng lực lượng vũ trang. Giải quyết chu đáo các vấn đề về chính sách đối với cán bộ. Khẩn trương khắc phục tình trạng thiếu cán bộ cơ sở.

8. Chấp hành Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực quốc phòng, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học quân sự và kỹ thuật quân sự, xúc tiến công tác tổng kết chiến tranh và biên soạn lịch sử quân sự, kết luận các công trình nghiên cứu đã dự thảo. Dự thảo đề án chiến lược quốc phòng từ 1995 đến năm 2000 và xa hơn nữa.

9. Trên cơ sở nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Nhà nước thể chế hóa, kịp thời ban hành các cơ chế và quyết định, bảo đảm các mặt cho quốc phòng và các chế độ, chính sách cần thiết.

III. Một số chủ trương, biện pháp chủ yếu để chấp hành có kết quả nhiệm vụ quốc phòng.

1. Tập trung sức xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng trong quân đội. Đây là khâu then chốt trong xây dựng quân đội, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của tất cả các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương.

Các ngành của Nhà nước có trách nhiệm bổ sung cho quân đội những cán bộ và nhân viên kỹ thuật cần thiết và phân công cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ cao tham gia phát triển khoa học kỹ thuật quân sự. Các trường của Nhà nước có trách nhiệm đào tạo cán bộ và nhân viên kỹ thuật cần thiết cho quân đội. Các trường đào tạo sĩ quan và nhân viên kỹ thuật của quân đội là một bộ phận trong hệ thống các trường của Nhà nước, được các cơ quan chức năng của Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để chấp hành tốt nhiệm vụ đào tạo cán bộ và nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.

Các ngành các cấp có trách nhiệm cần tổ chức chặt chẽ công tác tuyển quân, chỉ đưa vào quân đội những thanh niên có đủ tiêu chuẩn quy định, được chuẩn bị về tư tưởng để có cơ sở động viên chấp hành tốt nghĩa vụ quân sự tại ngũ và phục vụ lâu dài trong quân đội. Đối với những quân nhân đã hết hạn tại ngũ trở về, các địa phương và các ngành có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết chu đáo công ăn việc làm.

2. Bảo đảm trang bị cho các lực lượng vũ trang là một vấn đề chiến lược hết sức quan trọng và cấp bách.

Trong tình hình hiện nay cần có những biện pháp kiên quyết và cấp bách. Phải phát huy cao độ tinh thần tự lực tự cường, khai thác triệt để mọi nguồn lực trong quân đội và trong nền kinh tế quốc dân, đồng thời tranh thủ sự hợp tác quốc tế có thể có được, phấn đấu duy trì tốt phần lớn vũ khí, trang bị hiện có, cải tiến, nâng cao tính năng chiến đấu và từng bước tạo thêm nguồn dự trữ cho chiến tranh. Có kế hoạch từng bước đổi mới và bổ sung vũ khí, trang bị hiện đại.

Sớm lựa chọn phương án quy hoạch trang bị thích hợp. Tập trung sức nâng cao khả năng bảo đảm kỹ thuật, củng cố kho tàng, nâng cao tốc độ bảo dưỡng, niêm cất, sửa chữa vũ khí, trang bị. Phối hợp chặt chẽ lực lượng khoa học kỹ thuật trong quân đội và ngoài quân đội phục vụ cho công tác bảo đảm kỹ thuật và bảo đảm trang bị. Biện pháp quan trọng nhất là duy trì và từng bước phát triển hệ thống công nghiệp quốc phòng. Từng bước triển khai và xúc tiến công tác chuẩn bị động viên công nghiệp.

3. Cải tiến, đổi mới các chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội cho phù hợp với tính chất lao động đặc thù của lực lượng vũ trang và theo khả năng cho phép của nền kinh tế để góp phần động viên cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng yên tâm phục vụ lâu dài sự nghiệp quốc phòng. Chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội. Cải tiến tiền lương của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và công nhân viên chức quốc phòng phù hợp với tính chất đặc thù của lao động quốc phòng. Sửa đổi điều lệ đãi ngộ quân nhân khi bị thương, hy sinh, về hưu, chuyển ngành, phục viên…

4. Hội nghị Trung ương quyết nghị tăng ngân sách quốc phòng và an ninh, bảo đảm mức cần thiết tối thiểu cho việc trang bị và nuôi dưỡng các lực lượng vũ trang (bao gồm ba thứ quân và công an nhân dân). Trung ương giao cho Bộ Chính trị chỉ đạo, Chính phủ tính toán và báo cáo với Quốc hội để quyết định. Đồng thời, quân đội và công an cần tổ chức làm kinh tế, tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để cải thiện đời sống. Chính phủ cần xem xét, xác định phần ngân sách quốc phòng và an ninh trong ngân sách hàng năm của các địa phương cho phù hợp.

Phần III

Nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia,
chống diễn biến hòa bình của địch

I- Đánh giá kết quả công tác bảo vệ an ninh
quốc gia

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội đã có những đổi mới về quan điểm, đường lối, chủ trương, phương pháp công tác, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ thành quả cách mạng, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới.

Hiện nay, đất nước ta chưa ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tình hình an ninh quốc gia còn diễn biến phức tạp. Ngoài yếu tố khách quan, chúng ta còn nhiều sơ hở, yếm kém:

- Một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành và nhân dân ta còn ảo tưởng, mơ hồ, mất cảnh giác trước các thủ đoạn "diễn biến hòa bình" của địch. Mặt khác, đây là cuộc đấu tranh chính trị phức tạp, kẻ địch có nhiều âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt, một số cán bộ, đảng viên lại thiếu bản lĩnh, kinh nghiệm, việc tổ chức đấu tranh còn lúng túng.

- Các trận địa an ninh, nhất là an ninh nội bộ, an ninh kinh tế, tư tưởng, văn hóa và an ninh biên giới còn nhiều sơ hở. Tình trạng lộ bí mật còn nghiêm trọng.

- Công tác tư tưởng chưa chú trọng đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" và các thủ đoạn, luận điệu chống chủ nghĩa xã hội của kẻ thù.

- Công tác quản lý kinh tế - xã hội còn nhiều mặt buông lỏng, các hoạt động văn hóa, báo chí, xuất bản còn nhiều thiếu sót. Đạo đức, lối sống có những mặt xuống cấp nghiêm trọng. Pháp chế, kỷ cương không được thực hiện nghiêm minh. Một bộ phận cán bộ, đảng viên tha hóa biến chất, xa rời quần chúng, tham nhũng… làm giảm lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

- Phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc chưa phát triển đồng đều, rộng khắp. Việc tổ chức các biện pháp phòng ngừa, giải quyết nguyên nhân và điều kiện xã hội nảy sinh tội phạm chưa được quan tâm đúng mức. Tệ nạn xã hội phát triển rất nghiêm trọng.

- Lực lượng Công an nhân dân tuy đã đạt được những thành tích quan trọng, nhưng chưa được xây dựng và trang bị thực sự ngang tầm với đòi hỏi của tình hình mới; các hiện tượng tiêu cực, cửa quyền, sách nhiễu dân… chưa được ngăn chặn có hiệu quả.

II- Nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia
chống "diễn biến hòa bình"

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ do Đại hội lần thứ VII của Đảng đề ra, mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia trong giai đoạn cách mạng hiện nay là: bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, đánh bại âm mưu và hoạt động diễn biến hòa bình, chủ động loại trừ bạo loạn, lật đổ và sẵn sàng đánh bại các âm mưu, hành động khác của kẻ thù; giữ vững hòa bình, ổn định, phục vụ công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước. Từ nay đến năm 1995, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần thực hiện thắng lợi một số nhiệm vụ sau đây:

1. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, gắn xây dựng Đảng với bảo vệ Đảng, đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp đổi mới cũng như toàn bộ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, làm thất bại mọi âm mưu, hành động lật đổ Đảng và Nhà nước ta.

2. Xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân; nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước. Mở rộng dân chủ với nhân dân và thực hiện chuyên chính với kẻ thù. Củng cố và xây dựng các ngành nội chính trong sạch, vững mạnh, đảm bảo giữ vững kỷ cương, luật pháp.

3. Thông qua các đoàn thể mà tổ chức, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia bảo vệ an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, làm thất bại âm mưu diễn biến hòa bình của địch.

4. Quốc phòng, an ninh phải phục vụ đắc lực nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển kinh tế, từng bước giải quyết các vấn đề xã hội, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân là cơ sở và điều kiện có ý nghĩa quyết định bảo đảm quốc phòng, an ninh ngày càng vững mạnh.

5. Bảo vệ vững chắc an ninh chính trị nội bộ. Cấp ủy và thủ trưởng các ngành, các cấp có trách nhiệm trực tiếp trong công tác quản lý và bảo vệ nội bộ.

6. Chăm lo xây dựng các lực lượng công an nhân dân vững mạnh, chú trọng xây dựng lực lượng an ninh nhân dân, đủ sức đối phó với mọi tình huống, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và an ninh quốc gia.

7. Thực hiện chính sách đối ngoại đúng đắn, linh hoạt;  phối hợp chặt chẽ công tác đối ngoại với công tác an ninh, quốc phòng.

III- Các công tác lớn

1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, đối với việc xây dựng và củng cố vững chắc trận địa tư tưởng xã hội chủ nghĩa

Việc thống nhất tư tưởng và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ta có ý nghĩa quan trọng, tạo nên sức mạnh đánh bại mọi âm mưu, hoạt động của địch.

Phải làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta quán triệt sâu sắc và nhất trí cao với đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước; nâng cao cảnh giác, làm thất bại âm mưu và thủ đoạn "diễn biến hòa bình" của địch; đề cao ý thức tổ chức kỷ luật trong cán bộ, đảng viên, chống phát ngôn vô trách nhiệm. Kết hợp chặt chẽ công tác giáo dục chính trị tư tưởng với công tác chống địch phá hoại tư tưởng.

Đẩy mạnh phong trào xây dựng nền văn hóa mới và con người mới xã hội chủ nghĩa, đấu tranh xóa bỏ lối sống không lành mạnh, thực dụng, suy đồi; bảo vệ thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc.

Kiện toàn công tác lãnh đạo và quản lý các hoạt động báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình. Chọn lọc và bố trí những cán bộ tin cậy có phẩm chất và năng lực tốt phụ trách các cơ quan thông tin tuyên truyền. Kiểm tra và lãnh đạo chặt chẽ công tác báo chí, nhất là các tờ báo có tiếp nhận các nguồn tài trợ từ bên ngoài. Các cơ quan thông tin đại chúng, các ngành văn hóa, văn nghệ phải hoạt động theo đúng định hướng công tác tư tưởng của Đảng. Tăng cường hơn nữa tính chiến đấu, chủ động đấu tranh sắc bén, kịp thời vô hiệu hóa các luận điệu chiến tranh tâm lý, phá hoại tư tưởng của địch và các khuynh hướng tư tưởng trái với đường lối của Đảng. Phát huy vai trò tích cực của trí thức, văn nghệ sĩ trong cuộc đấu tranh tư tưởng. Khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc; chấn hưng, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc.

Kiểm soát và quản lý chặt chẽ các loại văn hóa phẩm từ nước ngoài đưa vào nước ta; phát hiện, tiêu hủy kịp thời các loại có nội dung phản động, đồi trụy. Phát động quần chúng tự giác và tích cực ngăn chặn việc loan truyền các luận điệu chiến tranh tâm lý của địch và phần tử xấu.

Khẩn trương xây dựng quy chế về hội thảo để bảo đảm hiệu quả thiết thực và tránh tác động xấu. Việc tổ chức hội thảo phải xin phép cấp có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về nội dung hội thảo; không được làm lộ bí mật nhà nước hoặc biến hội thảo thành diễn đàn truyền bá những quan điểm chống lại đường lối của Đảng.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người Việt Nam định cư ở nước ngoài gắn bó với quê hương, đất nước, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt ở nước ngoài tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường công tác tư tưởng và tổ chức quản lý lưu học sinh, lao động nước ta ở nước ngoài phát huy nhân tố tích cực, hạn chế tiêu cực, không để bọn phản động tác động, lôi kéo.

2. Coi trọng công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ

Thực hiện tốt nghị quyết về công tác xây dựng Đảng, chú trọng bảo vệ Đảng, đảm bảo đoàn kết, thống nhất về tư tưởng và hành động trong toàn Đảng.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội, đoàn thể nhân dân cần hết sức coi trọng công tác bảo vệ an ninh nội bộ, thường xuyên nắm tình hình, chăm lo giáo dục chính trị, quản lý cán bộ, đảng viên. Tích cực phòng ngừa, ngăn chặn, không để kẻ địch thâm nhập phá hoại nội bộ, mua chuộc, lôi kéo cán bộ ta. Thực hiện nghiêm túc những quy định về kỷ luật tổ chức của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy bảo vệ cơ quan, xí nghiệp. Chấn chỉnh việc thực hiện quy chế cử đoàn ra nước ngoài, đoàn nước ngoài vào nước ta và quan hệ tiếp xúc với người nước ngoài, để vừa đáp ứng yêu cầu mở rộng quan hệ đối ngoại, vừa bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật nội bộ Đảng, bảo vệ cán bộ, đảng viên. Đối với số cán bộ, đảng viên có nhận thức lệch lạc, mơ hồ, mất cảnh giác thì phải vừa giáo dục, vừa đấu tranh, phê phán. Đối với số có quan hệ trái phép với người nước ngoài, tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật nội bộ Đảng thì tùy mức độ vi phạm mà xử lý theo kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước. Đối với số có quan điểm sai trái mà đi tuyên truyền, tập hợp lực lượng, có hoạt động bè phái, chống đối Đảng, Nhà nước và chế độ thì phải xử lý nghiêm minh theo kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước.

Bảo vệ nghiêm ngặt các cơ quan đầu não, các bộ phận quan trọng thiết yếu, các cơ quan đại diện và công dân Việt Nam ở nước ngoài; bảo vệ an toàn lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.

Đảng ủy Công an Trung ương có kế hoạch tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ Đảng, chính quyền, phối hợp với cấp ủy đảng và thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh với những phần tử chống đối Đảng, Nhà nước và bọn nội gián.

3. Tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách về kinh tế - xã hội, gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự

Đi đôi với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, phải thực hiện công bằng xã hội, gắn chặt việc thực hiện những nhiệm vụ kinh tế - xã hội với đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu; xử lý nghiêm những vụ đã phát hiện. Mọi hành vi gây tổn hại đến lợi ích của nhân dân và của xã hội đều phải xử lý theo đúng pháp luật, không miễn trừ bất kỳ ai. Các cơ quan của Đảng và toàn thể cán bộ, đảng viên phải gương mẫu giữ gìn trật tự, kỷ cương, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật Nhà nước.

Phát triển kinh tế nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường, mở rộng quan hệ hợp tác với nước ngoài phải đi đôi với bảo đảm an ninh quốc gia, giữ vững kỷ cương, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Tăng cường pháp chế quản lý kinh doanh, xuất nhập khẩu, đầu tư, trong đó chú trọng bảo vệ an ninh kinh tế, ngăn chặn hoạt động phá hoại, đánh cắp bí mật, lôi kéo, mua chuộc cán bộ.

4. Củng cố các trận địa an ninh nhân dân, chú trọng các địa bàn trọng điểm.

Đặc biệt chú ý là Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn khác, vùng Tây Nguyên, vùng biên giới, nhất là tuyến biên giới Tây Nam ...; các cơ sở kinh tế, quốc phòng quan trọng, các khu vực tập trung đầu tư của nước ngoài.

Cần chú trọng củng cố tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở, các lực lượng dân quân tự vệ, nâng cao tinh thần làm chủ, ý thức cảnh giác, phòng gian bảo mật. Phát động sâu rộng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Chủ động xây dựng các phương án bảo vệ an ninh, trật tự; phương án phòng, chống địch xâm nhập, phá hoại, gây rối, gây bạo loạn, xung đột biên giới, hải đảo và các tình huống đột xuất, bất ngờ.

Chủ động giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp, bất bình trong nội bộ nhân dân, loại bỏ những yếu tố, mầm mống có thể gây mất ổn định về chính trị, trước hết là những "điểm nóng", những nhân tố mất ổn định mà địch có thể lợi dụng, kích động gây rối an ninh, trật tự.

5. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nghiên cứu phân tích thông tin của Đảng, Nhà nước, quân đội, công an nhằm tăng cường công tác nắm tình hình một cách chủ động, sâu rộng, toàn diện về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch chống phá nước ta từ mọi hướng, trên mọi lĩnh vực, địa bàn, đối với mọi loại đối tượng. Phát hiện kịp thời những âm mưu, ý đồ chiến lược, chiến thuật và những chuyển hướng trong phương thức, thủ đoạn hoạt động diễn biến hòa bình của chúng trong từng thời điểm, phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích, dự báo các tình huống. Trên cơ sở đó, chủ động có biện pháp phòng ngừa, tấn công đẩy lùi và ngăn chặn từ xa.

6. Chủ động và liên tục tấn công tội phạm, giữ vững an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự an toàn xã hội

- Tập trung phát hiện, đấu tranh với bọn tình báo, gián điệp nước ngoài, bọn phái viên của các trung tâm phá hoại tư tưởng, chống chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; bọn phản động lợi dụng tôn giáo, trọng điểm là Thiên chúa giáo, bọn phản động lợi dụng vấn đề dân tộc và bọn chống đối trong ngụy quân, ngụy quyền, đảng phái phản động cũ; những phần tử cơ hội, bất mãn trở thành phản động.

Cần nghiên cứu, phân tích cụ thể từng loại đối tượng, đánh giá đúng bản chất để xử lý đúng. Phải chia cắt lực lượng phản cách mạng, phá tan âm mưu câu kết tập hợp lực lượng của chúng ở trong nước và giữa bọn ở trong nước với bọn ở nước ngoài. Nghiêm trị bọn cầm đầu ngoan cố, trong các tổ chức chống đối; đồng thời có kế hoạch phân hóa nội bộ chúng, tranh thủ lôi kéo bọn tay chân, cô lập, không để chúng tập hợp thành lực lượng và móc nối với bọn chống đối bên ngoài.

- Kiên quyết trấn áp mạnh bọn tội phạm hình sự nguy hiểm, chuyên nghiệp, bọn côn đồ hung hãn, bọn hoạt động trộm cướp có ổ nhóm, có vũ khí, bọn chống đối hành hung người thi hành công vụ. Tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát tại các tụ điểm, địa bàn phức tạp về hình sự. Kịp thời hoàn chỉnh hồ sơ đưa ra truy tố các vụ nghiêm trọng. Chống mọi biểu hiện hữu khuynh, né tránh trong đấu tranh, nhất là trong đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu, trong xử lý các vụ có liên quan đến nội bộ.

Kết hợp chặt chẽ phòng ngừa với tấn công tội phạm, coi phòng ngừa và giáo dục cải tạo là biện pháp cơ bản nhất trong việc ngăn ngừa và đẩy lùi tội phạm. Sử dụng đồng bộ các biện pháp, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, kết hợp chặt chẽ giữa xã hội, nhà trường, đoàn thể và gia đình để loại trừ những nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm. Tổ chức các hình thức liên kết lực lượng (công an, quân đội, đoàn thanh niên, công đoàn…) trong công tác vận động nhân dân giữ gìn an ninh, trật tự.

Tập trung giải quyết các tệ nạn xã hội, không để lây lan, phát triển. Tổ chức quét mạnh các ổ cờ bạc, mãi dâm, ma túy. Phải đặc biệt đề phòng, ngăn ngừa hiểm họa SIDA. Nghiêm trị bọn chủ chứa, cải tạo số mãi dâm chuyên nghiệp. Xử lý nghiêm những người phụ trách các khách sạn, nhà khách của Nhà nước, các cơ sở văn hóa, du lịch… tự mình tổ chức hoặc do thiếu tinh thần trách nhiệm, để nhân viên lợi dụng tổ chức "kinh doanh" các tệ nạn xã hội dưới mọi hình thức. Phải làm tốt công tác giáo dục, quản lý cải tạo (tại chỗ bằng gia đình và phong trào quần chúng và đưa đi các trại tập trung giáo dục cải tạo) các loại đối tượng lưu manh côn đồ, gái mãi dâm chuyên nghiệp, tái phạm nhiều lần. Nhà nước cần ban hành các văn bản pháp luật làm cơ sở cho công tác đấu tranh chống các tệ nạn xã hội.

7. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh, trật tự ở biên giới, vùng biển, hải đảo của Tổ quốc. Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị hợp tác với các nước láng giềng. Thiết lập trật tự kỷ cương đối với biên giới quốc gia và quan hệ biên giới. Thực hiện tốt các chính sách kinh tế - xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo; chăm lo củng cố cơ sở chính trị, giữ vững đoàn kết dân tộc, đảm bảo an ninh, trật tự, chủ quyền biên giới và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Chủ động phát hiện, ngăn chặn kẻ địch từ ngoài xâm nhập, móc nối với bọn phản động bên trong phá hoại biên giới. Có kế hoạch bảo vệ chặt chẽ mốc biên giới, chống các hoạt động xâm canh xâm cư.

Xúc tiến đàm phán hoạch định biên giới, vùng biển với các nước; thông qua thương lượng để giải quyết hòa bình các vấn đề tranh chấp, kiềm chế không để xảy ra xung đột vũ trang, không để đế quốc Mỹ và các thế lực thù địch lợi dụng can thiệp.

Nhà nước cần sớm ban hành luật biên giới quốc gia và các văn bản dưới luật để tổ chức quản lý nhà nước đối với biên giới, vùng biển của Tổ quốc, chỉ đạo việc thực hiện công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trong tình hình hiện nay.

8. Xây dựng các lực lượng công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, có sức chiến đấu cao, là lực lượng tin cậy của Đảng và Nhà nước, xung kích trên mặt trận đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, chống "diễn biến hòa bình" của địch

Xây dựng lực lượng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, dựa vào nhân dân và làm nòng cốt cho phong trào nhân dân để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm ổn định chính trị và các quyền tự do, dân chủ của công dân, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước, đấu tranh phòng ngừa và chống các loại tội phạm.

Tiếp tục đổi mới sự chỉ đạo, đổi mới công tác nghiệp vụ, phương pháp, phong cách làm việc. Thực hiện đúng đường lối công an nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dựa vào dân, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, củng cố vững chắc phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, kết hợp biện pháp quần chúng với các biện pháp nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật, hành chính và biện pháp vũ trang; xây dựng thế trận an ninh nhân dân, kết hợp chặt chẽ với thế trận quốc phòng toàn dân; củng cố các tuyến và địa bàn an toàn về an ninh, trật tự; củng cố lực lượng công an cơ sở, các lực lượng nửa chuyên trách; xây dựng mạng lưới an ninh nhân dân rộng khắp.

Có kế hoạch đào tạo, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, pháp luật, ngoại ngữ, khoa học kỹ thuật cho cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân. Hết sức chú trọng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng; kiên quyết loại khỏi ngành công an những phần tử sa đọa, biến chất; xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh. Ưu tiên tuyển chọn cán bộ ở các ngành, học sinh tốt nghiệp các trường đại học để bổ sung cho các đơn vị cần thiết.

Tổ chức bộ máy công an từ trung ương đến cơ sở cần tiếp tục cải tiến theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng về mọi mặt, có sức chiến đấu cao; giảm mạnh biên chế ở những bộ phận hành chính, giảm bớt lực lượng cảnh sát, tăng thêm lực lượng an ninh, tăng cường cho các đơn vị trực tiếp chiến đấu. Có cơ chế chỉ đạo, chỉ huy thống nhất xuyên suốt từ trên xuống dưới về chính trị, tổ chức và nghiệp vụ của toàn lực lượng công an nhân dân, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy và chính quyền các cấp. Cần chấn chỉnh cơ chế tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy đối với bộ đội biên phòng theo nguyên tắc tập trung, thống nhất dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Nội vụ.

Xây dựng cơ chế phối hợp, hiệp đồng chiến đấu giữa công an nhân dân, quân đội nhân dân, các ngành nội chính, tư tưởng, văn hóa, đối ngoại trong cuộc đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch.

Nhà nước cần sớm ban hành các văn bản thể chế hóa chính sách đối với công an nhân dân, hậu phương công an nhân dân và cải tiến tiền lương của công an nhân dân như đối với quân đội nhân dân. Tăng cường và ổn định ngân sách an ninh với tỷ lệ thích đáng để đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Phần IV

Tổ chức thực hiện

1. Ban Bí thư ra chỉ thị và chỉ đạo việc phổ biến quán triệt trong toàn Đảng, hệ thống chính quyền, các đoàn thể, toàn quân và toàn dân những nội dung cần thiết của Nghị quyết này theo phạm vi, mức độ xác định cho từng đối tượng. Cần làm sâu sắc và chặt chẽ, giữ đúng nguyên tắc bảo mật.

2. Nhà nước khẩn trương thể chế hóa các chủ trương đã được quyết nghị. Cần ban hành các văn bản pháp quy về chính sách đối với quân đội và công an, cơ chế bảo đảm ngân sách quốc phòng và an ninh, cơ chế đầu tư cho công nghiệp quốc phòng và một số công trình quốc phòng lớn, cơ chế quản lý đối với các tổ chức làm kinh tế…, phấn đấu đưa việc thực hiện các cơ chế, quyết định của Nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh đi dần vào nền nếp.

3. Cấp ủy và chính quyền các cấp, đảng ủy, đảng đoàn, ban cán sự và thủ trưởng của các ngành kiểm điểm việc chấp hành nhiệm vụ quốc phòng và an ninh trong phạm vi chức trách của cấp mình trong thời gian qua, đánh giá tình hình quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực, địa phương mình phụ trách và đề ra kế hoạch cụ thể thực hiện Nghị quyết này.

Các tỉnh, thành phố cần xem xét, bổ sung các phương án bảo vệ an ninh, trật tự thường xuyên và phòng chống đột xuất, ngăn ngừa bạo loạn, báo cáo lên Đảng ủy Công an Trung ương. Đối với các vấn đề thuộc lĩnh vực quốc phòng, báo cáo lên Đảng ủy quân sự quân khu để tổng hợp báo cáo lên Đảng ủy Quân sự Trung ương. Định kỳ sơ kết, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nghị quyết.

4. Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Nội vụ có trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo, ra các chỉ thị, nghị quyết nhằm cụ thể hóa những yêu cầu, nhiệm vụ, nội dung các mặt công tác thuộc chức năng của lực lượng công an nhân dân đã đề cập trong Nghị quyết này. Hướng dẫn và phối hợp với các tỉnh, thành phố khẩn trương tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm xử lý các tình huống phức tạp đã xảy ra; phối hợp với các trường đảng mở các lớp tập huấn về những kinh nghiệm này cho các cấp, các ngành.

5. Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng ra các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn cần thiết cho các ngành, các địa phương trong phạm vi chức năng và chủ động tổ chức hiệp đồng với các ngành, các địa phương thực hiện các kế hoạch có liên quan chung trong lĩnh vực quốc phòng.

6. Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và các ngành, các đoàn thể giúp Ban Bí thư Trung ương chỉ đạo việc giáo dục trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, về cuộc đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" nhằm củng cố lòng tin, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng và tư tưởng tiến công địch; đồng thời xây dựng cơ chế hoạt động để thường xuyên và chủ động trong công tác đấu tranh chống địch phá hoại tư tưởng.

7. Ban Cán sự Đảng ở nước ngoài phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Ban Việt kiều Trung ương và Ban Đối ngoại Trung ương xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ cán bộ, lưu học sinh, công nhân hợp tác lao động và cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài, chống địch tác động, mua chuộc lôi kéo vào các hoạt động chống phá Việt Nam; đồng thời chủ động tấn công địch từ bên ngoài nhằm phân hóa, hạn chế các hoạt động tuyên truyền chiến tranh tâm lý, phá hoại tư tưởng của các thế lực thù địch đối với nước ta.

8. Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Ban Nội chính Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Tư tưởng - văn hóa Trung ương và các ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu sâu về chiến lược "diễn biến hòa bình" của địch tiến hành đối với Việt Nam và đề xuất các biện pháp đấu tranh.

9. Ban Đối ngoại Trung ương nghiên cứu đề xuất hình thức trao đổi với các đảng cộng sản, các nước xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực đấu tranh chống âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch với chủ nghĩa xã hội.

10. Các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các tỉnh, thành phố phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, định kỳ hàng quý sơ kết đánh giá tình hình, kết quả việc triển khai thực hiện Nghị quyết này ở ngành và địa phương mình. Tổ chức tốt việc phối hợp thông tin kịp thời giữa các cơ quan chức năng có liên quan.

11. Đảng ủy Quân sự Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương chủ trì phối hợp với Ban Nội chính Trung ương theo dõi quá trình thực hiện Nghị quyết này để giúp Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương chỉ đạo chung. Hằng quý phải tổ chức họp kiểm điểm việc thực hiện, sơ kết đánh giá những việc đã làm và chưa làm được; những mặt sơ hở, yếu kém của ta để kịp thời rút kinh nghiệm chỉ đạo, đề ra những phương hướng, nội dung biện pháp mới.

... Các tài liệu học tập, nghiên cứu cho từng cấp, từng đối tượng do Ban Bí thư chỉ đạo biên soạn và quy định ... quản lý cho chặt chẽ.

T/M Ban Chấp hành Trung ương Đảng
Tổng Bí thư

Đỗ Mười

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website