Nghị quyết số 04 -NQ/HNTW của Hội nghị lần thứ tư BCHTW Đảng (khoá VII) về những vấn đề cấp bách của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, ngày 14/01/1993

I- TÌNH HÌNH CÔNG TÁC BẢO VỆ SỨC KHOẺ 

1- Trong sự nghiệp chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngành y tế đã có nhiều đóng góp to lớn, đã đạt được nhiều thành tựu. Nhiều bệnh dịch và bệnh xã hội đã được khống chế hoặc loại trừ, sức khoẻ và tuổi thọ của nhân dân tăng. Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với chế độ ta. 

2- Tuy nhiên, việc chăm sóc sức khoẻ còn những vấn đề lớn phải giải quyết. Đó là tình trạng phát triển thể lực chậm, tỉ lệ người suy dinh dưỡng, mắc bệnh nhiễm khuẩn và nhiễm ký sinh trùng cao, nhất là bệnh sốt rét. Những di chứng chiến tranh còn lớn, các bệnh nghề nghiệp, ung thư, huyết áp cao... đang phát triển. 

Những năm gần đây, ngành y tế có nhiều biểu hiện xuống cấp, có mặt khá nghiêm trọng. Công tác vệ sinh phòng bệnh kém, chưa quan tâm đầy đủ các hoạt động mang tính quần chúng. Y tế cơ sở suy yếu. Nhiều bệnh viện xuống cấp cả về cơ sở vật chất, tổ chức quản lý, điều trị và tinh thần phục vụ. 

Một số chủ trương như thu viện phí, cho các cơ sở y tế nhà nước khám chữa bệnh ngoài giờ... tuy có giải quyết được một phần khó khăn, nhưng lại làm nảy sinh những vấn đề mới, những tiêu cực. Việc thu viện phí còn tuỳ tiện, gây nhiều khó khăn, phiền hà cho nhân dân, nhất là cho những bệnh nhân nghèo. Các cơ sở y tế tư nhân phát triển nhanh, giúp cho nhân dân khám chữa bệnh thuận lợi hơn, nhưng quản lý không chặt chẽ nên cũng gây ra những ảnh hưởng xấu đến việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân. 

Những biểu hiện tiêu cực trên đây đã làm tổn hại đến đạo lý, uy tín của ngành y tế và đạo đức của người thày thuốc dưới chế độ ta, gây bất bình trong nhân dân. 

3- Nguyên nhân chủ yếu của những yếu kém trên là: 

Ngành y tế chậm đổi mới. Công tác quản lý còn nhiều yếu kém, ít quan tâm đến các giải pháp xã hội như giáo dục dinh dưỡng và sức khoẻ, tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh. Chưa động viên tốt các tiềm năng của cộng đồng, của nền y học cổ truyền dân tộc; chưa có các biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa những hiện tượng tiêu cực. 

Các cấp bộ đảng và chính quyền còn xem nhẹ việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác chăm sóc sức khoẻ. Các đoàn thể nhân dân và tổ chức xã hội chưa chú trọng tổ chức và vận động nhân dân tham gia các phong trào vệ sinh phòng bệnh, rèn luyện thân thể, bảo vệ sức khoẻ. 

Đầu tư của Nhà nước còn hạn chế. Không kịp thời có chính sách hỗ trợ cho y tế cơ sở ở nông thôn khi thực hiện cơ chế khoán mới trong nông nghiệp. Tâm lý ỷ lại, hậu quả của nhiều năm thực hiện các chính sách bao cấp còn khá phổ biến. 

Kinh tế phát triển chậm, dân số tăng nhanh, hậu quả chiến tranh và thiên tai nặng nề, là những khó khăn đối với sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. 

II- NHỮNG QUAN ĐIỂM CƠ BẢN VÀ NHỮNG MỤC TIÊU 

A- NHỮNG QUAN ĐIỂM CƠ BẢN 

1- Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội, là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy chúng ta phấn đấu để mọi người đều được quan tâm chăm sóc sức khoẻ. 

2- Việc chăm sóc sức khoẻ và giải quyết các vấn đề về bệnh tật cần phải theo quan điểm dự phòng tích cực và chủ động, đẩy mạnh phong trào vệ sinh phòng bệnh, rèn luyện thân thể, đi đôi với nâng cao hiệu quả điều trị. 

3- Kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền dân tộc. 

4- Sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ là trách nhiệm của cộng đồng và mỗi người dân, là trách nhiệm của các cấp uỷ đảng và chính quyền, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội, trong đó ngành y tế giữ vai trò nòng cốt. 

5- Thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", đa dạng hoá các hình thức tổ chức chăm sóc sức khoẻ (nhà nước, tập thể, nhân dân) trong đó y tế Nhà nước là chủ đạo, tận dụng mọi tiềm năng sẵn có trong nước và mở rộng hợp tác quốc tế. 

B- CÁC MỤC TIÊU: 

Mục tiêu tổng quát là giảm tỷ lệ mắc bệnh, nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ, làm cho giống nòi ngày càng tốt. Các mục tiêu cụ thể: 

1- Từng bước khắc phục về cơ bản các bệnh nhiễm trùng và ký sinh trùng. Khống chế và giảm dần tỷ lệ mắc bệnh sốt rét và các bệnh dịch khác. Hạ dần tỷ lệ mắc bệnh bướu cổ, các bệnh lao, phong, hoa liễu...; khắc phục các hậu quả của chiến tranh trên lĩnh vực sức khoẻ. Chủ động phòng chống các bệnh SIDA, ung thư, cao huyết áp, tâm thần, bệnh nghề nghiệp; chống các tệ nạn xã hội như mãi dâm, ma tuý... 

2- Phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, đặc biệt là các dịch vụ khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ ban đầu. 

3- Thực hiện công bằng xã hội trong chăm sóc sức khoẻ, quan tâm những người có công với nước, những người nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số. Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em, hạ thấp tỷ lệ suy dinh dưỡng và các bệnh tật về dinh dưỡng ở trẻ em. 

III- CÁC CHÍNH SÁCH VÀ GIẢI PHÁP LỚN 

1- Tăng cường sự lãnh đạo và chỉ đạo của các tổ chức đảng và chính quyền các cấp, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, tạo ra phong trào chăm sóc sức khoẻ sâu rộng trong nhân dân. 

2- Ngành y tế phối hợp với các ngành, các đoàn thể, nhất là với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ và hỗ trợ về mặt kỹ thuật - chuyên môn, để nhân dân tự giác, chủ động xây dựng nếp sống trật tự, vệ sinh, có ý thức phòng bệnh, phòng dịch, bảo vệ môi trường, môi sinh, thường xuyên rèn luyện thân thể và tham gia tích cực vào các hoạt động chăm sóc sức khoẻ ở cơ sở. Phải tuân thủ điều lệ vệ sinh, nhất là vệ sinh ăn uống và thực phẩm, vệ sinh môi trường, vệ sinh lao động, vệ sinh nơi ở và nơi làm việc. 

Mở rộng các hoạt động chăm sóc sức khoẻ tại nhà. Khuyến khích các hoạt động nhân đạo vì sức khoẻ. Tạo điều kiện cho cán bộ chuyên môn y tế đã nghỉ hưu tham gia chăm sóc sức khoẻ nhân dân. 

3- Chấn chỉnh hệ thống chăm sóc sức khoẻ. 

a- Củng cố y tế cơ sở là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Nhà nước phải chăm lo xây dựng và có chính sách đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ y tế cơ sở. Việc xác định số cán bộ y tế cơ sở là viên chức nhà nước do Chính phủ nghiên cứu và quyết định. 

Tổ chức các đội y tế lưu động để chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân ở những nơi có khó khăn thuộc vùng cao, vùng núi, vùng sâu, hải đảo. 

b- Củng cố và phát triển các cơ sở y tế chuyên sâu. Trước mắt, đầu tư phát triển hai trung tâm y tế lớn, với trình độ cao ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, khi có khả năng sẽ phát triển trung tâm ở miền Trung. Phát triển một số lĩnh vực khoa học kỹ thuật y tế mà ta có ưu thế. Tạo điều kiện để các nhà khoa học có thể tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới. Chú trọng đào tạo cán bộ giỏi về y học chuyên sâu cũng như y tế cộng đồng. 

c- Sắp xếp và bố trí hợp lý hệ thống khám, chữa bệnh trên địa bàn dân cư, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ y tế gắn liền với nâng cao chất lượng chuyên môn. Nhanh chóng lập lại kỷ cương, trật tự và vệ sinh trong bệnh viện. 

d- Tổ chức lại ngành dược và trang thiết bị y tế ở trung ương và địa phương. Củng cố ngành dược và trang thiết bị y tế quốc doanh, lập lại trật tự trong sản xuất, xuất nhập khẩu và lưu thông phân phối thuốc và trang thiết bị y tế. Ngăn chặn nguồn nhập thuốc bất hợp pháp. Nghiêm trị bọn sản xuất và buôn bán thuốc giả. Có chính sách bảo hộ thuốc sản xuất trong nước có chất lượng cao. Kiện toàn các cơ sở kiểm tra chất lượng thuốc và nghiên cứu khoa học dược. Khai thác tiềm năng các thành phần kinh tế trong nước và mở rộng hợp tác quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho nước ngoài đầu tư vốn, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để xây dựng và phát triển ngành công nghiệp dược và trang thiết bị y tế, đặc biệt là công nghiệp sản xuất nguyên liệu làm thuốc. Có chính sách ưu tiên phát triển dược liệu, nhất là dược liệu quý hiếm. 

đ- Phát huy truyền thống kết hợp quân dân y trong vệ sinh phòng chống dịch, khám chữa bệnh, đào tạo cán bộ và nghiên cứu khoa học. Bệnh viện quân đội kết hợp chữa bệnh cho nhân dân. ở những nơi xa xôi, vùng biên giới cần dựa vào lực lượng quân y và y tế công an biên phòng làm nòng cốt để xây dựng phong trào y tế cơ sở. 

e- Nhà nước cho phép tổ chức bệnh viện, phòng khám và các dịch vụ y tế tư nhân, và có quy chế quản lý chặt chẽ. 

4- Triển khai mạnh mẽ việc nghiên cứu, ứng dụng và hiện đại hoá y học cổ truyền dân tộc, kết hợp với y học hiện đại. Phát triển nuôi trồng cây, con làm thuốc, trang bị thêm phương tiện cho việc khám chữa bệnh và sản xuất thuốc y học cổ truyền dân tộc. Khẩn trương đào tạo đội ngũ cán bộ và cán bộ đầu đàn y học dân tộc. Tăng thêm đầu tư và nâng cấp các cơ sở y học dân tộc. 

5- Đổi mới phương thức chỉ đạo và hoạt động của ngành y tế nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước ở tất cả các cấp. Triển khai Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân và các văn bản dưới luật, giáo dục luật pháp y tế và tăng cường công tác thanh tra y tế, từng bước xây dựng và phát triển hệ thống thông tin y tế. 

6- Có chính sách đầu tư hợp lý và tạo nguồn ngân sách để duy trì hoạt động và phát triển hệ thống y tế: Nhà nước cần tăng cường đầu tư hơn nữa về ngân sách bảo vệ sức khoẻ. Thực hiện cấp ngân sách y tế theo đầu người dân và thay đổi các cơ chế quản lý ngân sách cho phù hợp, tăng cường sự quản lý và điều hành của ngành y tế đối với ngân sách y tế. 

Trong khi khẩn trương phát triển bảo hiểm y tế, tiếp tục thu một phần viện phí nhưng phải chấn chỉnh cách thu và quản lý chặt chẽ việc thu chi. Nhà nước có biện pháp thực hiện chính sách xã hội về y tế. 

Vận động các tổ chức, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động bảo vệ sức khoẻ. Các khoản này phải được sử dụng đúng mục tiêu, đúng đối tượng, không để bị lạm dụng. 

7- Chính sách đối với cán bộ y tế. 

Đào tạo một đội ngũ cán bộ có cơ cấu đồng bộ, thích hợp với từng giai đoạn phát triển của hệ thống y tế, giáo dục y đức và tinh thần phục vụ, truyền thống "thầy thuốc như mẹ hiền", bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng phù hợp với nhiệm vụ được giao. Coi trọng việc trang bị kiến thức phòng bệnh cho cán bộ y tế. Chăm lo đời sống cán bộ y tế. Xây dựng chính sách tiền lương tương xứng với những đặc thù nghề nghiệp. Ngăn chặn và khắc phục mọi hành vi tiêu cực trong việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. 

Quan tâm đào tạo cán bộ y tế cơ sở theo hướng cơ sở cử người đi đào tạo để trở về phục vụ cơ sở. 

Có chính sách thoả đáng thu hút lao động y tế đến những địa bàn cần ưu tiên (miền núi, vùng cao, vùng sâu...). 

T/M BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG
Tổng Bí thư 
Đã ký: Đỗ Mười

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website