Phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương (Khoá VII)

Thưa các đồng chí Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương,

Thưa các đồng chí Trung ương,

Thưa các đồng chí,

Hôm nay, Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương  (khoá VII) bắt đầu làm việc.

Năm tháng qua, kể từ Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, chúng ta đã triển khai nhiều công tác nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội VII. Đại hội đảng bộ các cấp (vòng 2) đã và đang được tiến hành. Việc bố trí cán bộ và sắp xếp một bước tổ chức ở các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể nhân dân ở cấp Trung ương và tỉnh, thành phố về cơ bản đã hoàn thành.

Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, đi đôi với việc giữ vững sự ổn định chính trị, chúng ta đã bảo đảm cho nền kinh tế không bị đảo lộn lớn. Sự chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành có tiến bộ, nhất là trong việc dự báo tình hình, xử lý các cân đối lớn, điều hoà lương thực, chuyển hướng thị trường xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, công tác xây dựng đảng về tư tưởng, chính trị, tổ chức còn nhiều việc chưa làm tốt, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp.

Năm tháng qua, chúng ta đã có một số hoạt động đối ngoại quan trọng:

- Bộ Chính trị ta cử đại diện đặc biệt đến Bắc Kinh tiến hành cuộc gặp cấp cao Việt - Trung bàn về bình thường hoá quan hệ (tháng 7-1991) và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta đi thăm chính thức Trung Quốc (tháng 11-1991).

- Nước ta tham gia ký kết Hiệp định Pari về Campuchia.

- Bộ Chính trị Đảng ta hội đàm với Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (tháng 10-1991) và hội đàm với Ban Thường vụ Đảng Nhân dân Campuchia (tháng 11-1991).

- Đồng chí Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước ta đi thăm chính thức một số nước Đông Nam á.

- Ta có một số cuộc gặp với đại diện Mỹ để bàn việc bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ.

Hội nghị Trung ương hai chúng ta họp trong bối cảnh nói trên có những nhiệm vụ sau đây:

1. Cho ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp ổn định và phát triển kinh tế - xã hội trong các năm 1992-1995.

2. Cho ý kiến về những quan điểm và nội dung cơ bản sửa đổi Hiến pháp năm 1980.

3. Cho ý kiến về chương trình toàn khoá của Ban Chấp hành Trung ương, về quy chế làm việc của Trung ương và quy chế Hội đồng Cố vấn.

4. Cho ý kiến về nhiệm vụ của chúng ta trước tình hình mới ở Liên Xô và Campuchia.

5. Cho ý kiến về một số vấn đề nhân sự.

Thưa các đồng chí,

Trước khi Trung ương bước vào thảo luận, tôi xin nêu lên một số ý kiến về hai đề án chính của Hội nghị này:

1. Về nhiệm vụ và giải pháp ổn định, phát triển kinh tế - xã hội trong các năm 1992-1995, 1992.

Đây là một vấn đề lớn và phức tạp đòi hỏi Trung ương thảo luận đi đến sự nhất trí cao về những quan điểm, phương hướng và giải pháp cơ bản trên cơ sở Cương lĩnh và Chiến lược đã được Đại hội VII thông qua. Tôi đề nghị Hội nghị Trung ương tập trung thảo luận một số vấn đề sau đây:

- Chúng ta phải làm gì và làm như thế nào để thực hiện nhiệm vụ quan trọng bậc nhất mà Đại hội VII đã quyết định là phải ra sức đẩy mạnh sản xuất, từng bước đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội?

Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách nhằm giải phóng lực lượng sản xuất, phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, bước đầu đem lại hiệu quả rõ rệt trong cuộc sống, được nhân dân đồng tình.

Tuy nhiên, chúng ta chưa phát huy đầy đủ khả năng của các thành phần kinh tế, chưa xây dựng được những cơ sở vật chất - kỹ thuật cần thiết để tạo bước phát triển nhanh của nền kinh tế quốc dân. Cơ sở hạ tầng còn rất yếu kém, thiết bị máy móc và công nghệ của nhiều xí nghiệp rất lạc hậu, nhiều tiềm năng trong sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp chưa được khai thác tốt. Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, trong đó thiếu vốn là một nguyên nhân quan trọng và có tính chất quyết định trực tiếp nhất. Do đó, vấn đề đặt ra là chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện chính sách và cơ chế để phát huy khả năng của các thành phần kinh tế phát triển sản xuất và dịch vụ, giải quyết tốt mối quan hệ giữa tích luỹ và tiêu dùng. Chúng ta cần lãnh đạo từng địa phương, từng ngành, từng cơ sở cho đến từng gia đình, từng người dân có ý thức đầy đủ về vấn đề này, thực hiện triệt để tiết kiệm, tiết kiệm trong sản xuất và tiết kiệm trong tiêu dùng, dành dụm đồng vốn cho sản xuất, xây dựng đất nước và đầu tư có trọng điểm tạo cơ sở cho bước phát triển sau.

Làm được như thế thì góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng nhanh sản phẩm cho xã hội và thu nhập quốc dân, nâng cao mức sống của nhân dân và tăng nguồn thu cho ngân sách, từng bước xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Đặt vấn đề chiến lược đẩy mạnh khai thác tiềm năng kinh tế của trung du và miền núi cũng là với tinh thần đó. Rất mong các đồng chí phân tích để làm sáng tỏ, đi đến thống nhất cao về các quan điểm và giải pháp cần thực hiện.

- Về chống lạm phát, tuy đạt một số kết quả nhất định, nhưng đó chưa cơ bản, chưa vững chắc. Xu hướng giá cả ngày càng tăng cao hơn trong năm 1991 và đặc biệt là tình trạng tăng đột biến liên tục của giá vàng và đôla gần đây đang tác động rất xấu đến nhiều hoạt động kinh tế - xã hội; đến tâm lý, lòng tin của nhân dân đối với sự điều hành của Nhà nước.

Chúng ta cần phân tích những nguyên nhân trực tiếp, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan gây ra tình trạng lạm phát tăng trong năm 1991, từ đó đề ra được những giải pháp thích hợp để từng bước ổn định tình hình tài chính, tiền tệ, kiềm chế mức lạm phát trong năm 1992 và giảm dần trong những năm tới. ở Hội nghị Trung ương này, chúng ta cần có sự nhất trí cao đối với các chủ trương: tiếp tục chống bao cấp qua tín dụng, tiền lương, giá cả; quản lý ngoại hối và chống buôn lậu; phân cấp quản lý ngân sách...

- Về kinh tế quốc doanh, cần thảo luận: vì sao đã nhiều năm, nhiều nghị quyết của Đảng đã đặt ra vấn đề củng cố kinh tế quốc doanh, làm cho kinh tế quốc doanh đóng được vai trò chủ đạo nền kinh tế quốc dân, mà đến nay, nhìn  tổng quát tình trạng suy yếu, kém hiệu quả của lĩnh vực kinh tế này vẫn chưa được khắc phục? Về quan điểm còn gì vướng mắc, cản trở? Về nội dung chính sách, kế hoạch, biện pháp tổ chức và chỉ đạo có gì không phù hợp và chúng ta phải giải quyết như thế nào?

- Một vấn đề nữa cực kỳ nóng bỏng, vừa có nội dung kinh tế, vừa có ý nghĩa xã hội và chính trị rất quan trọng là vấn đề chống tham nhũng. Hiện nay tệ tham nhũng vẫn đang phát triển một cách nghiêm trọng. Đó là cái ung nhọt lớn đang phá hoại tài sản đất nước, phá hoại uy tín của Đảng và Nhà nước, đang làm nhân dân rất bất bình và lo ngại. Tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương chúng ta không những phải thể hiện được quyết tâm cao, mà quan trọng hơn là phải đề ra được kế hoạch, biện pháp tiến hành cuộc đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả, bất kể kẻ tham nhũng là ai, ở cấp lãnh đạo nào.

2. Về sửa đổi Hiến pháp, cải cách bộ máy nhà nước và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước

Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước. Sửa đổi Hiến pháp là một công việc hệ trọng, là một trong những nội dung lớn của việc đổi mới hệ thống chính trị mà Cương lĩnh của Đảng đã vạch ra.

Tại Hội nghị Trung ương này chúng ta sẽ thảo luận và xác định những quan điểm cơ bản chỉ đạo việc sửa đổi Hiến pháp. Đồng thời chúng ta cũng sẽ thảo luận về một vấn đề rộng lớn, phức tạp và bức thiết là "những quan điểm và phương hướng cơ bản cải cách bộ máy nhà nước và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước". Đây là những vấn đề vừa là đòi hỏi cấp bách của thực tiễn cách mạng, vừa có ý nghĩa cơ bản và lâu dài. Trong quá trình chuẩn bị, còn những ý kiến khác nhau về tổ chức bộ máy nhà nước ở Trung ương cũng như ở địa phương, có những vấn đề tuy về quan điểm, nguyên tắc thì nhất trí với nhau nhưng ý kiến về nội dung cụ thể thì khác nhau, cần được phân tích kỹ lưỡng. Về phương thức lãnh đạo của Đảng, Đại hội VII mới xác định những quan điểm chung, Hội nghị này cần cụ thể hoá thêm một bước.

Đề nghị các đồng chí Trung ương dành thời gian nghiên cứu và tập trung thảo luận về hệ thống những quan điểm và phương hướng  cơ bản cải cách bộ máy nhà nước và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.

Việc sửa đổi Hiến pháp, cải cách bộ máy Nhà nước phải trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối chính trị của Đảng ta, xuất phát từ thực tiễn hoạt động của chính quyền nhân dân ở nước ta trong mấy chục năm qua và truyền thống lâu đời của xã hội và dân tộc Việt Nam, đồng thời nghiên cứu những kinh nghiệm và kiến thức tiên tiến trên thế giới.

Thưa các đồng chí,

Ngoài hai vấn đề lớn nói trên, như tôi đã trình bày, Hội nghị của chúng ta còn phải giải quyết một số công việc quan trọng khác. Chương trình của Hội nghị Trung ương lần này khá nặng, nhưng thời gian hội nghị có hạn, không cho phép kéo dài thêm. Vì vậy, Hội nghị chúng ta phải có cách làm việc tốt.

Đoàn Chủ tịch Hội nghị đề nghị: đối với các vấn đề nhiệm vụ và giải pháp ổn định và phát triển kinh tế - xã hội trong các năm 1992-1995, sửa đổi Hiến pháp năm 1980, nhân sự, chúng ta thảo luận ở hội trường và có biểu quyết về từng nội dung quan trọng.

Về các vấn đề tình hình Liên Xô, tình hình Campuchia và nhiệm vụ của chúng ta; chương trình làm việc toàn khoá, quy chế làm việc của Trung ương và quy chế Hội đồng Cố vấn thì Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có dịp báo cáo với các đồng chí hoặc gửi văn bản xin ý kiến trước, đề nghị từng đồng chí Trung ương sửa trực tiếp vào văn bản và gửi đến Đoàn Chủ tịch theo hạn định. Đoàn Chủ tịch sẽ thông báo kết quả ý kiến đóng góp và tiếp thu rồi biểu quyết thông qua; trường hợp nếu có ý kiến lớn khác nhau thì mới tổ chức thảo luận ngắn về những ý kiến khác nhau đó ở hội trường trước khi biểu quyết.

Việc thảo luận ở hội trường cần ngắn gọn, rõ ràng, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, đúng tầm của Trung ương, không đi sâu vào những vấn đề riêng của địa phương mình, ngành mình. Đặc biệt cần tranh luận về những ý kiến khác nhau để làm rõ vấn đề và có căn cứ kết luận.

Với tinh thần và cách làm việc nói trên, chúng ta tin tưởng rằng Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương (khoá VII) sẽ thành công tốt đẹp.

Tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị Trung ương hai (khoá VII).


Lưu tại Kho
Lưu trữ
Trung ương Đảng.  

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website