Nghị quyết số 04 - NQ/HNTW của Hội nghị lần thứ tư BCHTW Đảng (khoá VII) về chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình, ngày 14/01/1993

I- TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC DÂN SỐ VÀ KẾ HOẠCH HOÁ GIA ĐÌNH TRONG THỜI GIAN QUA 

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã sớm đề ra chủ trương, chính sách về dân số và kế hoạch hoá gia đình, và đã đạt được một số kết quả: 

Đã phát động cuộc vận động về kế hoạch hoá gia đình, từng bước huy động các lực lượng xã hội tham gia, tranh thủ được sự giúp đỡ về vật chất và kinh nghiệm của quốc tế, đã giảm số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ trên 6 con (vào những năm 60) xuống khoảng 4 con hiện nay. 

Tuy nhiên những kết quả đạt được còn rất thấp so với yêu cầu. Đến cuối năm 1992, dân số Việt Nam đã lên đến 70 triệu người. Nếu cứ tiếp tục tốc độ tăng dân số hằng năm trên 2% và bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có gần 4 con như hiện nay, thì cứ khoảng 30 năm một lần dân số Việt Nam sẽ tăng gấp đôi. 

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng tăng dân số quá nhanh trước hết là do các cấp uỷ đảng và chính quyền chưa thực sự quán triệt chủ trương coi việc giảm tốc độ gia tăng dân số là một quốc sách, lơi lỏng việc lãnh đạo và chỉ đạo tổ chức thực hiện; phong trào quần chúng thực hiện kế hoạch hoá gia đình chưa được phát động rộng khắp; công tác tuyên truyền giáo dục nhằm khắc phục ảnh hưởng tâm lý và tập quán cũ làm còn yếu; đầu tư của Nhà nước cho công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình chưa thoả đáng; dụng cụ và phương tiện cho công tác này còn thiếu nghiêm trọng; bộ máy chuyên trách yếu kém, thống kê dân số không chính xác. 

Sự gia tăng dân số quá nhanh là một trong những nguyên nhân quan trọng cản trở tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, gây khó khăn lớn cho việc cải thiện đời sống, hạn chế điều kiện phát triển về mặt trí tuệ, văn hoá và thể lực của giống nòi. Nếu xu hướng này cứ tiếp tục diễn ra thì trong tương lai không xa đất nước ta sẽ đứng trước những khó khăn rất lớn, thậm chí những nguy cơ về nhiều mặt. 

Vì vậy, làm tốt công tác kế hoạch hoá gia đình, thực hiện gia đình ít con, giảm nhanh tỉ lệ phát triển dân số, tiến tới ổn định quy mô dân số là vấn đề rất quan trọng và bức xúc đối với nước ta. 

II- CHÍNH SÁCH DÂN SỐ VÀ KẾ HOẠCH HOÁ GIA ĐÌNH TRONG THỜI GIAN TỚI 

1- Công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế - xã hội hàng đầu của nước ta, là một yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội. 

2- Giải pháp cơ bản để thực hiện công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình là vận động, tuyên truyền và giáo dục gắn liền với đưa dịch vụ kế hoạch hoá gia đình đến tận người dân; có chính sách mang lại lợi ích trực tiếp cho người chấp nhận gia đình ít con, tạo động lực thúc đẩy phong trào quần chúng thực hiện kế hoạch hoá gia đình. 

3- Đầu tư cho công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình là đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp rất cao. Nhà nước cần tăng mức chi ngân sách cho công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình, đồng thời động viên sự đóng góp của cộng đồng và tranh thủ sự viện trợ của quốc tế. 

4- Huy động lực lượng của toàn xã hội tham gia công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình, đồng thời phải có bộ máy chuyên trách đủ mạnh để quản lý theo chương trình mục tiêu, bảo đảm cho các nguồn lực nói trên được sử dụng có hiệu quả và đến tận người dân. 

5- Để đạt được mục tiêu trong thời gian tương đối ngắn, điều có ý nghĩa quyết định là Đảng và chính quyền các cấp phải lãnh đạo và chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình theo chương trình. 

B- Mục tiêu: 

Mục tiêu tổng quát: Thực hiện gia đình ít con, khoẻ mạnh, tạo điều kiện để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. 

Mục tiêu cụ thể: Mỗi gia đình chỉ có một hoặc hai con, để tới năm 2015 bình quân trong toàn xã hội mỗi gia đình (một cặp vợ chồng) có 2 con, tiến tới ổn định quy mô dân số từ giữa thế kỷ XXI. Tập trung mọi nỗ lực nhằm tạo chuyển biến rõ rệt ngay trong thập kỷ 90 này. 

C- Các giải pháp đến năm 2000: 

1- Sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình. 

Công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình phải là một nội dung trọng tâm trong chương trình hoạt động cụ thể của các cấp uỷ đảng, các cơ quan nhà nước, đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội, là trách nhiệm của mỗi gia đình. Không một tổ chức và cá nhân nào đứng ngoài cuộc vận động này. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt ở các cấp trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo công tác này, huy động toàn xã hội tham gia, quyết tấm thực hiện mục tiêu đã đề ra. 

Có những chính sách, giải pháp mạnh mẽ, được thể chế hoá thành các văn bản pháp quy. 

2- Kinh phí cho công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình. 

Bảo đảm đủ kinh phí cho công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình theo kế hoạch do Chính phủ quyết định. 

Thực hiện phương thức quản lý các nguồn kinh phí theo chương trình mục tiêu, bảo đảm phân bổ và sử dụng có hiệu quả. 

3- Hệ thống tổ chức làm công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình. 

Kiện toàn Uỷ ban dân số và kế hoạch hoá gia đình các cấp từ trung ương đến cơ sở. Cơ quan thường trực của Uỷ ban dân số và kế hoạch hoá gia đình các cấp được bố trí đủ cán bộ chuyên trách có năng lực, gắn chặt với các ngành, các cấp trong việc quản lý và điều phối việc thực hiện chương trình dân số và kế hoạch hoá gia đình. 

Hệ thống làm công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình phải được bố trí đến tận thôn, xóm, bản, làng, phố phường để đưa công tác truyền thông dân số và kế hoạch hoá gia đình và việc cung cấp các dịch vụ kế hoạch hoá gia đình đến tận người dân. 

4- Công tác thông tin, giáo dục, tuyên truyền. 

Tăng cường công tác thông tin về dân số, tuyên truyền rộng rãi các chủ trương và biện pháp kế hoạch hoá gia đình, thực hiện giáo dục dân số với nội dung thích hợp, hình thức đa dạng, có sự tham gia của toàn xã hội, mở rộng đến các vùng, các đối tượng, nhất là vùng nông thôn và đối với lớp trẻ, nhằm làm cho mọi người, trước hết là lớp trẻ, chuyển biến sâu sắc nhận thức, hiểu rõ sự cần thiết và lợi ích của kế hoạch hoá gia đình, chấp nhận gia đình ít con. 

5- Dịch vụ kế hoạch hoá gia đình. 

Cung cấp đầy đủ, kịp thời dụng cụ, phương tiện theo yêu cầu của người sử dụng. Từng bước đa dạng hoá các biện pháp tránh thai, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, an toàn và thuận tiện. Đặc biệt tăng tỉ lệ nam giới chấp nhận và sử dụng các biện pháp kế hoạch hoá gia đình. 

Củng cố và phát triển màng lưới dịch vụ kế hoạch hoá gia đình thông qua hệ thống y tế của nhà nước, song song với việc tăng cường vai trò của cộng đồng để đưa dịch vụ đến từng gia đình và người sử dụng, bán rộng rãi các phương tiện, dụng cụ kế hoạch hoá gia đình. Khuyến khích các tổ chức, tập thể và tư nhân làm dịch vụ kế hoạch hoá gia đình dưới sự quản lý nhà nước của Bộ Y tế. 

6- Một số chính sách và quy định cụ thể cần sớm ban hành. 

Có chính sách khuyến khích về tinh thần và vật chất với những cặp vợ chồng tích cực thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình. 

Khuyến khích về tinh thần và thù lao về vật chất cho những người vận động thực hiện và làm dịch vụ kế hoạch hoá gia đình. 

Có biện pháp hành chính với những đảng viên, viên chức nhà nước không thi hành chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình. Các đoàn thể nhân dân xây dựng những quy ước cụ thể xử lý đối với những trường hợp sinh 3 con trở lên. 

Sản xuất và nhập khẩu các phương tiện kế hoạch hoá gia đình tiên tiến. Bảo hộ các mặt hàng kế hoạch hoá gia đình sản xuất trong nước có chất lượng cao, khuyến khích xuất khẩu các mặt hàng đó; miễn thuế nhập khẩu đồng thời nghiêm cấm tái xuất các mặt hàng kế hoạch hoá gia đình. 

Trợ giá đối với các mặt hàng kế hoạch hoá gia đình bán rộng rãi với giá rẻ trên thị trường. 

Xây dựng cơ chế đầu tư, huy động và quản lý có hiệu quả các nguồn lực cho chương trình dân số và kế hoạch hoá gia đình. 

Xây dựng các chính sách cụ thể về bảo vệ và phát triển một số dân tộc ít người đang có chiều hướng suy giảm dân số. 

Sửa đổi và ban hành một số chính sách kinh tế - xã hội nhằm hỗ trợ cho công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình, bao gồm: cải thiện chế độ dinh dưỡng và chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em, giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, tạo công ăn việc làm, phân bổ dân cư hợp lý, xoá nạn mù chữ, nâng cao dân trí, mở rộng các thiết chế văn hoá, phát triển nông thôn, bảo hiểm sức khoẻ và tuổi già, v.v.. 

T/M BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG 
Tổng Bí thư 
Đã ký: Đỗ Mười

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website