Thưa các đồng chí Uỷ viên Trung ương,
Thưa các đồng chí,
Sau 10 ngày làm việc khẩn trương, hôm nay Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Khoá VII đã hoàn thành nhiệm vụ. Có được kết quả đó là do chúng ta đã động viên được trí tuệ và nhiệt tình của đông đảo cán bộ tham gia chuẩn bị Hội nghị từ khá sớm; các ban, ngành có liên quan đã làm tốt việc dự thảo các văn kiện trình Hội nghị; Bộ Chính trị đã chỉ đạo sát sao, thảo luận nhiều lần và kịp thời có ý kiến về nhiều vấn đề quan trọng để đưa vào dự thảo. Chúng ta cũng đã tham khảo ý kiến đóng góp rộng rãi của các đồng chí lão thành và nhiều chuyên gia để bổ sung, làm phong phú thêm nội dung các dự thảo nghị quyết. Đây là cách làm tốt mà chúng ta cần phát huy, làm cho các nghị quyết của Đảng gắn bó với cuộc sống, thể hiện được ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
Đương nhiên, bên cạnh việc chuẩn bị tốt đó, quyết định thành công của Hội nghị là do các Uỷ viên Trung ương và các đồng chí được mời dự hội nghị nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của những vấn đề đặt ra, đã thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến, thể hiện sự quan tâm và tinh thần trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân và đất nước.
Từ kinh nghiệm của mấy kỳ họp vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đang làm quen dần với cách làm việc mới, khẩn trương và có kết quả. Kinh nghiệm đó là nếu có sự chuẩn bị chu đáo thì một kỳ Hội nghị Trung ương có thể bàn và ra quyết định về nhiều vấn đề, nhất là đối với những vấn đề có liên quan mật thiết với nhau.
Qua thảo luận, Hội nghị chúng ta đã nhất trí cao về mấy điểm lớn sau đây:
Một là, xuất phát từ bản chất của Nhà nước và của chế độ ta: tất cả là do con người, tất cả vì hạnh phúc con người, chúng ta coi con người là nhân tố quyết định, là động lực to lớn nhất, là chủ thể sáng tạo mọi nguồn của cải vật chất và tinh thần của xã hội; đồng thời, coi hạnh phúc của con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chúng ta. Vì vậy, để thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh, phải ra sức chăm sóc, bồi dưỡng, phát huy cao độ nhân tố con người, đặc biệt là đối với thanh, thiếu niên, rường cột của nước nhà, những người sẽ kế tục cha anh đưa sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đến thắng lợi. Đó là vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách của cách mạng nước ta. Quan điểm cơ bản này cần thấu suốt trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội và phải thể hiện trong mọi mặt công tác của tất cả các ngành, các cấp, các đoàn thể và các tổ chức xã hội, trong sinh hoạt của mỗi gia đình.
Hai là, song song với phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng an ninh, chúng ta phải chăm lo ngay từ đầu xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội như giáo dục, y tế, dân số - kế hoạch hoá gia đình, phúc lợi công cộng, bảo hiểm xã hội; chăm lo xây dựng cơ sở vật chất đi đôi với phát triển văn hoá, tạo ra nền tảng tinh thần vững chắc của dân tộc và của chế độ. Phải làm cho mỗi con người phát triển toàn diện, xây dựng xã hội công bằng, giữ gìn và phát huy truyền thống nhân nghĩa của tổ tiên, tiếp thụ những tinh hoa của nhân loại, hội nhập với nền văn minh của thời đại nhưng vẫn luôn luôn thể hiện rõ bản sắc dân tộc Việt Nam. Phải chăm lo ngày hôm nay và cả ngày mai. Thế hệ trước phấn đấu vì hạnh phúc của mình và vì hạnh phúc của con cháu. Thế hệ sau lại kế thừa và phát huy những thành quả của cha anh. Như vậy, dân tộc ta sẽ phát triển, trường tồn trong độc lập, tự do, hạnh phúc, hướng tới dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh. Đó là lý tưởng, là mục tiêu cao cả trước mắt cũng như lâu dài mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nhất định phải phấn đấu thực hiện cho bằng được. Đó chính là con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam với những ưu việt thuộc về bản chất của chế độ mới.
Ba là, để từng bước thực hiện mục tiêu trên đây, chúng ta phải xác định những chủ trương, chính sách và giải pháp đúng đắn. Hội nghị Trung ương đã thảo luận và chỉ rõ chúng ta cần và có thể làm được nhiều việc hơn nữa về mặt xã hội ngay cả trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo, với nhiều khó khăn chồng chất đang phải ra sức khắc phục, với nguồn ngân sách còn eo hẹp hiện nay. Vấn đề then chốt là biết cách làm. Xuất phát từ quan điểm: xây dựng đất nước là sự nghiệp của toàn dân. Nguồn ngân sách đầu tư phát triển con người là cần thiết và quan trọng. Chúng ta phải tiết kiệm, chống tham nhũng, chống lãng phí để có thêm ngân sách đầu tư vào việc đó. Song mặt khác, điều quan trọng hơn nữa là phương pháp và chính sách đúng đắn để huy động được nguồn lực con người, nguồn lực của nhân dân, của toàn xã hội. Xét cho cùng thì chính ngân sách nhà nước cũng là tiền do dân đóng góp, cũng là của toàn dân. Dù có đi vay thì nhân dân vẫn là người làm ra để trả. Đương nhiên, Đảng phải lãnh đạo, Nhà nước phải quản lý để toàn dân đoàn kết một lòng, đồng tâm nhất trí xây dựng đất nước, làm nên lịch sử. Thấm nhuần sâu sắc quan điểm này, chúng ta có thể tìm ra giải pháp thích hợp để giải quyết những vấn đề xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm".
Điều đáng mừng là dù còn nhiều khó khăn, song công cuộc đổi mới mấy năm qua đã đạt những thành tựu rất quan trọng, nền kinh tế có bước phát triển mới, cho phép chúng ta chăm lo được nhiều hơn đến những vấn đề xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ của nhân dân, phát triển văn hoá, kế hoạch hoá gia đình, tạo công ăn việc làm, săn sóc những người thuộc diện chính sách, đền ơn đáp nghĩa đối với những người có công với nước, chăm sóc thiếu niên, nhi đồng... Vì vậy, việc Trung ương bàn và ra nghị quyết về một số vấn đề xã hội là đúng lúc và có những thuận lợi hơn trước đây. Từ những quan điểm lớn trên đây, Hội nghị Trung ương đã ra nghị quyết về giáo dục và đào tạo, một số nhiệm vụ văn hoá - văn nghệ trong những năm trước mắt, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ của nhân dân, dân số - kế hoạch hoá gia đình và công tác thanh niên, với những phương hướng, mục tiêu, giải pháp cụ thể trong từng lĩnh vực mà ở đây tôi không nhắc lại.
Hội nghị Trung ương đã góp nhiều ý kiến bổ sung bản kiểm điểm sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ sau Đại hội VII. Bộ Chính trị hoan nghênh ý kiến đóng góp của Trung ương, xin tiếp thu để phát huy những ưu điểm, sửa chữa những thiếu sót và tham khảo những ý kiến khác của các đồng chí nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, cùng Ban Chấp hành Trung ương phấn đấu thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội VII và các Nghị quyết Hội nghị Trung ương.
Thưa các đồng chí,
Có nghị quyết tốt là đòi hỏi đầu tiên. Song điều quyết định là việc triển khai tổ chức và chỉ đạo thực hiện. Thành bại chính là ở khâu này. Và đây vẫn đang là khâu yếu mà chúng ta phải khắc phục cho được.
Trước hết, cần đổi mới cách truyền đạt nghị quyết, không phải học tập triền miên để quán triệt nghị quyết, mà phải cùng với việc truyền đạt nhanh chóng tinh thần và nội dung nghị quyết, cần có ngay kế hoạch, chương trình hành động và từng bước triển khai thực hiện.
Các Uỷ viên Trung ương, các cấp uỷ đảng, các ban cán sự, các đảng đoàn, nhất là các đảng bộ thuộc các ngành trực tiếp liên quan phải nắm vững tinh thần và nội dung nghị quyết, trên cơ sở kiểm điểm trách nhiệm của mình, phân tích tình hình, khẩn trương nghiên cứu, lập kế hoạch, chương trình để giải quyết từng vấn đề một cách cụ thể, thiết thực, lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của nhân dân. Trên cơ sở gắn những nội dung Hội nghị Trung ương 2, 3 và 4 vào chương trình hành động thống nhất, đồng bộ mà xác định thứ tự công việc, từ những việc bức thiết nhất cần làm sớm, đến những việc lâu dài, cơ bản hơn để tiến hành theo kế hoạch, định thời hạn hoàn thành đối với từng việc. Trong đó, chúng ta luôn luôn khẳng định: phát triển kinh tế là trọng tâm; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là yếu tố quyết định thắng lợi.
Việc truyền đạt nghị quyết và triển khai thực hiện có thể kết hợp với việc tổng kết công tác cuối năm và xác định nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong năm mới, làm một cách thiết thực, có hiệu quả, hết sức tránh hình thức. Riêng ngành văn hoá - văn nghệ cần có kế hoạch mở đợt sinh hoạt để kiểm điểm sâu sắc những mặt làm được và những mặt tiêu cực trong thời gian qua, đề ra biện pháp cụ thể; phát huy những mặt tốt, kịp thời uốn nắn, khắc phục những thiếu sót, lệch lạc; kiện toàn tổ chức và cán bộ; tạo ra bước phát triển mới trong hoạt động sáng tạo văn hoá, văn nghệ. Đồng thời, phân tích những hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch trong lĩnh vực văn hoá, văn nghệ để chủ động đấu tranh có hiệu quả, làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn của chúng.
Các tổ chức đảng trong các cơ quan nhà nước cần khẩn trương chỉ đạo việc thể chế hoá nội dung các nghị quyết, đôn đốc việc soạn thảo các dự luật cần thiết để sớm trình Quốc hội thông qua; cần sớm có quyết định về các chính sách cụ thể, về các công tác lớn phải làm ngay từ đầu năm 1993 trên các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, dân số - kế hoạch hoá gia đình, chỉ đạo việc đầu tư ngân sách cho các hoạt động văn hoá xã hội theo những quan điểm và chủ trương đã nêu trong các nghị quyết Trung ương. Phải làm tốt việc kiểm tra, sơ kết và tổng kết để kịp thời rút kinh nghiệm.
Đảng đoàn mặt trận và các đoàn thể phải có chương trình, kế hoạch phát huy vai trò của mặt trận và đoàn thể mình, tích cực đi sâu, đi sát từng cơ sở để vận động nhân dân, làm dấy lên những phong trào rộng rãi của nhân dân thực hiện nghị quyết của Đảng, pháp luật và chính sách của Nhà nước, tạo ra cách nghĩ, cách làm, cách giải quyết các vấn đề xã hội theo tinh thần đổi mới.
Nhân dân luôn luôn nhìn vào việc làm để đánh giá cán bộ, đảng viên cũng như để xác định thái độ và hành động của họ. Vì vậy, để thực hiện tốt nghị quyết Hội nghị Trung ương, toàn thể cán bộ, đảng viên phải nghiêm chỉnh, gương mẫu trong hành động, mỗi đồng chí phải có chương trình, kế hoạch nâng cao trình độ, phải chịu khó, kiên trì học tập, vì chỉ có nâng cao hiểu biết, thường xuyên trau dồi kiến thức thì mới có thể thực hiện được vai trò lãnh đạo của mình. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, trong việc bảo vệ và nâng cao sức khoẻ, trong đời sống vật chất và văn hoá, trong việc kế hoạch hoá gia đình, nuôi dạy con em cũng như trong mọi sinh hoạt xã hội. Bất kỳ hành động sai trái nào của cán bộ, đảng viên, không tuân thủ pháp luật, không chấp hành chính sách đều làm tổn hại đến uy tín của Đảng, đều ảnh hưởng tiêu cực đến việc thi hành nghị quyết. Mỗi đảng viên cần hiểu rõ rằng nghị quyết của Đảng là có tính bắt buộc đối với bản thân, vì vậy phải nghiêm chỉnh chấp hành, làm gương cho mọi người noi theo.