Nghị quyết số 04-NQ/HNTW Hội nghị lần thứ tư BCHTW Đảng (Khóa VII) về một số nhiệm vụ văn hoá, văn nghệ những năm trước mắt, ngày 14/01/1993

I

Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là một mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Văn học, nghệ thuật là bộ phận trọng yếu của nền văn hoá dân tộc, thể hiện khát vọng của nhân dân về chân - thiện - mỹ. Phát triển đường lối văn hoá, văn nghệ đúng đắn của Đảng qua các thời kỳ trước, Nghị quyết Đại hội VI, Đại hội VII và Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị Khoá VI đã tạo điều kiện cho văn hoá, văn nghệ đạt nhiều thành tựu, đáp ứng một phần nhu cầu hưởng thụ văn hoá của các tầng lớp nhân dân, đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới.

Hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật phong phú hơn về nội dung và đề tài, đa dạng hơn về hình thức, thể loại và phong cách biểu hiện. Một số tác phẩm mới có giá trị tư tưởng và nghệ thuật được quần chúng hoan nghênh. Nhiều hình thức văn hoá truyền thống được khôi phục. Các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là phát thanh, truyền hình ngày càng phát triển, làm phong phú những hình thức và phương tiện đưa văn hoá, văn nghệ đến với đông đảo nhân dân. Một số hoạt động văn hoá được tổ chức trên quy mô cả nước, thu hút hàng triệu lượt người tham gia. Giao lưu văn hoá với nước ngoài từng bước được mở rộng.

Đội ngũ văn nghệ sĩ và cán bộ văn hoá gồm nhiều lớp kế tiếp nhau, trải qua thử thách, ngày càng phát triển và trưởng thành. Trước khó khăn của đất nước và những biến động quốc tế phức tạp trong mấy năm gần đây, đại bộ phận vẫn tin tưởng, gắn bó với Đảng và sự nghiệp cách mạng của dân tộc, giữ vững phẩm chất, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển văn hoá, văn nghệ.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, tình hình văn hoá, văn nghệ có nhiều điều đáng lo ngại: lối sống chạy theo đồng tiền, những thị hiếu không lành mạnh, những hủ tục, mê tín tăng nhanh; nhiều văn hoá phẩm độc hại lan tràn trên thị trường. Trong sáng tác và lý luận, phê bình nảy sinh một số khuynh hướng sai lầm: phủ nhận thành tựu cách mạng và văn hoá, văn nghệ cách mạng; tách văn nghệ khỏi sự lãnh đạo của Đảng; xúc phạm anh hùng, vĩ nhân của dân tộc; khuynh hướng "thương mại hoá", truyền bá lối sống thực dụng, sa đoạ, bạo lực phát triển. Các thế lực thù địch đã và đang lợi dụng những tác phẩm xấu để chống phá ta.

Những tiêu cực trên đây có phần chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nước ta và những diễn biến quốc tế phức tạp mấy năm gần đây, nhất là sự tan rã của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Nhưng, nguyên nhân chủ yếu để cho tình hình tiêu cực xảy ra nghiêm trọng và kéo dài là do lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước từ trung ương đến các cấp đã buông lỏng, hữu khuynh, bố trí sai một số cán bộ chủ chốt, thiếu những luật lệ, thể chế của Nhà nước, thiếu đầu tư thích đáng cho lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, thiếu tổ chức động viên nhân dân biểu dương, cổ vũ những nhân tố tích cực và phê phán, lên án những biểu hiện tiêu cực, độc hại trong lĩnh vực văn hoá, văn nghệ.

Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị Khoá VI thể hiện những quan điểm đổi mới có nguyên tắc của Đảng trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, có tác dụng thúc đẩy hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Nhưng nghị quyết chưa đánh giá thật đúng tính phức tạp của cuộc đấu tranh trên mặt trận này, chưa lường trước và đề ra được những biện pháp nhằm hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường đối với văn hoá, văn nghệ. Việc truyền đạt và tổ chức thực hiện nghị quyết lại có nhiều sai sót. Trước những lệch lạc xuất hiện trong văn hoá, văn nghệ, một số cấp uỷ và cơ quan nhà nước không kịp thời phân rõ đúng sai, thường né tránh, rụt rè trong việc xử lý; cũng có nơi sử dụng những biện pháp hành chính không thích hợp. Một số văn nghệ sĩ đảng viên dao động, giảm sút lòng tin, không giữ vững lập trường của Đảng.

II

Nhiệm vụ trung tâm của văn hoá, văn nghệ nước ta là góp phần xây dựng con người Việt Nam về trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, có nhân cách tốt đẹp, có bản lĩnh vững vàng ngang tầm sự nghiệp đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh.

Trong những năm trước mắt, các hoạt động văn hoá, văn nghệ phải được phát triển lành mạnh, phong phú, đa dạng, đáp ứng những nhu cầu thiết yếu về đời sống tinh thần của nhân dân; phấn đấu có nhiều tác phẩm tốt về công cuộc đổi mới, phản ánh những hiện tượng, những nhân tố, những xu hướng tích cực trong cuộc sống; lấy việc xây dựng và sáng tạo những giá trị mới, việc bồi dưỡng, bảo vệ và phát huy mọi tài năng làm mục tiêu lớn nhất. Mặt khác, kiên quyết phê phán những hiện tượng tiêu cực, những khuynh hướng lệch lạc, đấu tranh chống mọi hành động và luận điệu thù địch với Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội, đẩy lùi các tệ nạn xã hội đang phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc. Cùng với việc phấn đấu đạt được những mục tiêu nói trên, cần tích cực chuẩn bị điều kiện cho sự phát triển mạnh mẽ nền văn hoá Việt Nam vào cuối thập kỷ 90, bước vào thế kỷ XXI.

Nền văn hoá mà Đảng ta lãnh đạo toàn dân xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Cần nắm vững các tư tưởng chỉ đạo sau đây:

1. Vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là cốt lõi tư tưởng trong văn hoá, văn nghệ nước ta. Sự nghiệp văn hoá, văn nghệ là bộ phận khăng khít của sự nghiệp đổi mới. Thấm nhuần và thực hiện quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Văn hoá, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy".

2. Bảo đảm dân chủ, tự do cho mọi sự sáng tạo và hoạt động văn hoá, vun đắp các tài năng, đồng thời đề cao trách nhiệm của văn nghệ sĩ trước công chúng, dân tộc và thời đại.

3. Phát triển văn hoá dân tộc đi liền với mở rộng giao lưu văn hoá với nước ngoài, tiếp thụ những tinh hoa của nhân loại, làm giàu đẹp thêm nền văn hoá Việt Nam. Ngăn chặn và đấu tranh chống sự xâm nhập của các loại văn hoá độc hại, bảo vệ nền văn hoá dân tộc.

4. Nâng cao tính chiến đấu của các hoạt động văn hoá và văn học, nghệ thuật, khẳng định mạnh mẽ và sâu sắc những nhân tố mới, những giá trị cao đẹp của dân tộc ta, khắc phục những gì cản trở quá trình đi lên của đất nước. Phê phán cái sai, lên án cái ác, cái xấu là để hướng con người tới cái đúng, cái tốt, cái đẹp. Đấu tranh không khoan nhượng chống các luận điệu độc hại của các thế lực thù địch.

5. Văn hoá, văn nghệ là sự nghiệp của toàn xã hội. Phát triển các hoạt động văn hoá văn nghệ của Nhà nước, tập thể và cá nhân theo đường lối của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Khắc phục tình trạng "hành chính hoá" các tổ chức văn hoá, nghệ thuật và xu hướng "thương mại hoá" trong lĩnh vực này.

III

Để đạt những mục tiêu nêu trên, cần tập trung thực hiện những biện pháp sau:

1. Làm cho cán bộ, đảng viên quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư về văn hoá, văn nghệ. Mở một đợt sinh hoạt chính trị - tư tưởng về Nghị quyết này trong giới văn hoá, văn nghệ và cán bộ tuyên huấn, khoa giáo.

2. Kiện toàn các cơ quan, đoàn thể làm công tác văn hoá, văn nghệ về mặt tổ chức và cán bộ.

Thành lập đảng đoàn ở các hội văn nghệ và ban cán sự đảng ở các cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá, văn nghệ.

Chỉnh đốn và tăng cường các viện nghiên cứu, các khoa và các trường thuộc bộ môn văn học và nghệ thuật, các báo, tạp chí văn nghệ và các trang văn nghệ trên báo chí, đài phát thanh và vô tuyến truyền hình.

Nâng cao chất lượng sách giáo khoa về văn học và đội ngũ giảng viên trong các trường văn hoá, nghệ thuật và các trường phổ thông, đại học. Có chế độ cấp học bổng cho học sinh nghệ thuật; có chế độ ưu đãi những tài năng sáng tạo.

Sắp xếp lại tổ chức và hoạt động ngành điện ảnh. Chỉnh đốn công tác xuất bản, in và phát hành. Phổ biến rộng rãi những tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật; cấm sản xuất, xuất bản và phổ biến những tác phẩm, phim ảnh, băng hình độc hại, phản động và đồi truỵ.

Bố trí đúng cán bộ, bảo đảm cán bộ chủ chốt phụ trách văn hoá, văn nghệ có quan điểm đúng đắn, có trình độ hiểu biết, có năng lực lãnh đạo, quản lý, có phẩm chất tốt và có khả năng đoàn kết các lực lượng sáng tạo, nhiệt tâm vì sự nghiệp chung.

3. Đầu tư có trọng điểm và tài trợ cho các hoạt động văn hoá, văn nghệ phục vụ đại chúng hoặc những tác phẩm, công trình có giá trị cao nhưng không có hoặc ít có khả năng đem lại doanh thu. Tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh các chế độ lương, thù lao, mua bán tác phẩm, thuế, chính sách khuyến khích sáng tác, v.v. bảo đảm cho văn nghệ sĩ chuyên nghiệp có thể sống bằng nghề nghiệp chính của mình.

Thực hiện tốt quyết định của Nhà nước tặng giải thưởng quốc gia hằng năm về văn hoá, văn nghệ.

4. Thể chế hoá kịp thời những chủ trương, biện pháp nêu trong Nghị quyết Trung ương. Có chương trình nghiên cứu và ban hành sớm các văn bản pháp quy thuộc lĩnh vực hoạt động văn hoá, nghệ thuật. Trước mắt, tập trung xây dựng một số luật cần thiết như Luật xuất bản, Luật bảo vệ di tích văn hoá dân tộc...

5. Đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ và phát triển văn hoá, văn nghệ dân tộc. Bằng mọi cách, đưa những giá trị văn hoá, văn nghệ dân tộc và thế giới đến với nhân dân.

Tiếp tục mở rộng các loại hình thông tin đại chúng, hiện đại hoá các phương tiện nghe, nhìn, tăng cường việc phát hành sách báo để chuyển tải được tốt và nhanh các giá trị văn hoá, văn nghệ.

Khôi phục và phát triển hệ thống thư viện từ trung ương đến cơ sở. Xây dựng thư viện quốc gia có tầm cỡ, đáp ứng được yêu cầu phát triển trí tuệ của nhân dân, yêu cầu nghiên cứu khoa học và văn hoá, văn nghệ.

Đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá.

Đầu tư nâng cấp và chống xuống cấp các bảo tàng, các di tích lịch sử và văn hoá, xây dựng những tượng đài, trước hết là những tượng đài về các anh hùng dân tộc và danh nhân văn hoá.

6. Có chính sách toàn diện bảo vệ và phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

7. Mở rộng giao lưu văn hoá với nước ngoài dưới nhiều hình thức: giới thiệu rộng rãi những giá trị văn hoá của dân tộc ta với thế giới, đưa vào nước ta những giá trị văn hoá của nhân dân các nước; mở rộng xuất nhập khẩu văn hoá phẩm; khuyến khích việc trao đổi với nước ngoài và các đoàn văn hoá, nghệ thuật... Có quy định nghiêm ngặt bảo vệ những giá trị văn hoá của dân tộc, chống thâm nhập vào nước ta những tác phẩm xấu, độc hại.

8. Xây dựng có trọng điểm cơ sở vật chất và kỹ thuật cho hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thông tin đại chúng, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước đuổi kịp trình độ kỹ thuật tiên tiến của thế giới.

 

T/M BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG 
TỔNG BÍ THƯ

ĐỖ MƯỜI

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website