Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc xây dựng nền y học kết hợp dân y với quân y và sự vận dụng của ngành y tế nước ta

GS. Đỗ Nguyên Phương, PTS. Nguyễn Khánh Bật, BS. Nguyễn Cao Thâm

I. Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc xây dựng nền y học kết hợp dân y với quân y 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc và là nhà vǎn hoá kiệt xuất, là lãnh tụ của Đảng, của dân tộc, đồng thời là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang. Hồ Chí Minh tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc, hiện thân của sự đoàn kết, sự kết hợp quân dân. Vì vậy, một nền y học, theo quan niệm của Người, phải bao gồm cả dân y và quân y và sự kết hợp giữa chúng với nhau. 

1. Việc kết hợp dân y với quân y là yêu cầu tất yếu khách quan 

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn nǎm của dân tộc, đất nước ta phải nhiều lần đứng lên chống giặc ngoại xâm. Có lẽ hiếm có một dân tộc nào trên thế giới như dân tộc Việt Nam trong quá trình tồn tại của mình lại có đến một nửa thời gian phải chống trả xâm lược để bảo vệ đất nước. Chính hoàn cảnh đó đã làm nên tính tất yếu phải có quân y trong nền y tế nước nhà. Quân y có những nét đặc thù để phù hợp với xây dựng quân đội, bảo đảm cho quân đội đủ sức khoẻ để đánh thắng kẻ thù. Có thể nói, nhờ có quân y và có sự kết hợp giữa dân y và quân y mà các cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm kéo dài của dân tộc ta đã giành được thắng lợi. 

Từ khi Đảng ta ra đời nǎm 1930 đến nay, thời gian đất nước bị chiến tranh nhiều hơn thời gian đất nước hưởng hoà bình. Có thể nói, gần 70 nǎm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã gần như liên tục chiến đấu chống giặc ngoại xâm để giành và giữ nền độc lập dân tộc. 

Từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thành lập nǎm 1945, cùng với sự phát triển của đất nước, cộng với những thành tựu của y học, việc kết hợp dân y với quân y đã có những bước tiến bộ, thể hiện tư tưởng chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc. Trong kháng chiến, để bảo đảm quân số tham gia chiến đấu, hạn chế thương vong, khắc phục những hậu quả và di chứng chiến tranh, lực lượng quân y đã được quan tâm, tập trung xây dựng hệ thống rộng khắp trong chiến tranh, biên chế với số lượng cần thiết, trang bị kỹ thuật y tế nhất định, thành lập các đơn vị dã chiến, các đội điều trị cơ động phục vụ chiến đấu. Quan điểm nêu trên đã được Hồ Chí Minh chỉ ra cách đây hơn nửa thế kỷ: Bộ đội ta thì nhiều mà nhân tài quân y thì còn thiếu. Vì vậy, ta phải có những cơ quan quân y lưu động. Tuy nhiên, do quy mô, tính chất của cuộc chiến tranh vừa rộng lớn, vừa phức tạp, nên riêng lực lượng quân y không thể đảm nhiệm được hết nhiệm vụ vận chuyển, cứu chữa thương bệnh binh kịp thời. Trong Thư gửi Hội nghị quân y, tháng 3-1948, Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Chúng ta vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Vì vậy, nhân tài chuyên môn nhất là nhân tài về môn y tế, chỉ sẽ thiếu chứ chưa có thừa". Hồ Chí Minh đòi hỏi "ngành thuốc phải cố gắng làm thoả mãn nhu cầu của đồng bào". Theo tư tưởng Hồ Chí Minh "đồng bào" nghĩa là tất cả những ai thừa nhận mình là con Rồng cháu Tiên, sinh ra từ bọc mẹ Âu Cơ, còn ngành thuốc chính là ngành y tế, bao gồm cả dân y lẫn quân y. Do vậy, để thực hiện đường lối kháng chiến và kiến quốc do Hồ Chí Minh và Đảng ta vạch ra, ngành y tế đã thực hiện sự kết hợp dân y với quân y trong quá trình kháng chiến. 

Nhưng sự kết hợp dân y với quân y không chỉ là yêu cầu tất yếu khách quan trong thời chiến mà còn là sự đòi hỏi của cả thời bình. Điều này nằm trong bản chất của tư tưởng Hồ Chí Minh: lực lượng vũ trang cách mạng từ nhân dân mà ra, quân y là từ dân y mà ra. 

Xuất phát từ mục đích của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. Tư tưởng chủ đạo xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lực lượng vũ trang từ nhân dân mà ra và vì nhân dân mà chiến đấu; lực lượng vũ trang của Việt Nam là một đội quân công tác và cũng là một đội quân chiến đấu. Như vậy, lực lượng vũ trang do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập là một bộ phận của lực lượng cách mạng Việt Nam. Họ là con em của nhân dân, từ nhân dân mà ra, được nhân dân chở che, dựa vào nhân dân mà chiến đấu, vì độc lập dân tộc, vì tự do hạnh phúc của nhân dân. 

Ngày 25-8-1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thành lập. Được sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Y tế trong Chính phủ ra đời do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm Bộ trưởng. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có một cơ quan trong Chính phủ chuyên lo công việc chǎm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Từ đây, nền y học của Nhà nước cách mạng từng bước hình thành và phát triển. 

Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới nền độc lập của Việt Nam. Đúng ba tuần lễ sau đó, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta một lần nữa. Tình thế đất nước khó tránh khỏi một cuộc chiến tranh. Muốn giữ vững được độc lập phải có một lực lượng vũ trang mạnh làm nòng cốt trong lực lượng cách mạng toàn dân. Các đơn vị vũ trang Vệ quốc quân, Vệ quốc đoàn phát triển nhanh chóng. Các đơn vị vệ quốc rầm rập Nam tiến để chặn bước xâm lược của thực dân Pháp đang diễn ra ở Nam Bộ từ ngày 23-9-1945. 

Trước tình hình một cuộc chiến tranh chống xâm lược khó tránh khỏi, trước nhu cầu lực lượng vũ trang phát triển nhanh chóng và cuộc chiến đấu ngày càng trở nên ác liệt, để chủ động xây dựng lực lượng y tế kịp thời cứu chữa những chiến sĩ bị thương và trực tiếp chǎm sóc sức khoẻ, bảo đảm sức chiến đấu của các đơn vị vệ quốc quân, tháng 12-1945, Bộ Y tế đã lập ra Ban y tế vệ quốc đoàn. Trên cơ sở đó và để đáp ứng đòi hỏi của cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp, tháng 3-1946, Cục Quân y trực thuộc Bộ Quốc phòng được thành lập. Như vậy, ngành quân y của lực lượng vũ trang cách mạng ra đời từ tổ chức y tế nhân dân - từ dân y. 

Ngành quân y ra đời, không ngừng được củng cố và phát triển nhanh chóng, đáp ứng đòi hỏi của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Cũng như ngành y tế nói chung, quân y được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng và trưởng thành. Trong quá trình đó, ngành quân y đã phối hợp chặt chẽ với dân y. Sự kết hợp này như một đòi hỏi tự nhiên của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Thực hiện sự kết hợp này cả quân y và dân y chẳng những hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng do nhân dân giao phó, mà còn là điều kiện để quân y và dân y không ngừng phát triển, trưởng thành. 

Như vậy, việc kết hợp dân y với quân y là một tất yếu khách quan bắt nguồn từ đường lối chính trị cũng như đường lối quân sự, đường lối chiến tranh nhân dân nhằm thực hiện tốt mục tiêu của Đảng là chǎm sóc sức khoẻ cho con người, tạo điều kiện, tiền đề để huy động tối đa nguồn lực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người luôn luôn quan tâm đến việc kết hợp giữa dân y với quân y. Người yêu cầu: "Y tế và quân y đều cố gắng làm việc... cần phải đoàn kết chặt chẽ, cộng tác mật thiết, phải ra sức đào tạo cán bộ, phát minh thêm thuốc mới". 

2. Sự kết hợp dân y với quân y phải được tiến hành một cách toàn diện, lâu dài và vững chắc 

Lực lượng vũ trang cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu và là một bộ phận hợp thành lực lượng cách mạng của dân tộc. Nếu lực lượng vũ trang từ nhân dân mà ra thì quân y cũng từ dân y mà ra, là một bộ phận của y tế Việt Nam. Việc kết hợp dân y với quân y trong quá trình cách mạng là sự kết hợp của hai bộ phận có cùng một nguồn gốc, cùng có một đích là chǎm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho lực lượng cách mạng nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập và tự do thực sự của dân tộc. 

Trên thế giới còn lực lượng đế quốc, phản động thì độc lập dân tộc và hoà bình còn bị đe doạ. Trong điều kiện đó, nhân dân ta vẫn phải đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ: xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, phải bảo vệ độc lập dân tộc. Do vậy, việc xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang và quân y là tất yếu. Sự kết hợp dân y với quân y sẽ là lâu dài trong suốt quá trình xây dựng, phát triển đất nước và giữ gìn độc lập của dân tộc. 

Lực lượng vũ trang của nước ta sinh ra và lớn lên trong điều kiện của xã hội Việt Nam. Nhu cầu về chǎm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ cũng chịu sự chế ngự của những điều kiện đó. Cho nên, dân y và quân y phải được kết hợp toàn diện trong quá trình xây dựng một nền y học của đất nước ta. Cả dân y và quân y đều quán triệt những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng một nền y tế Việt Nam khoa học, dân tộc, đại chúng; kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; xây dựng và thực hành y tế dự phòng; đào tạo và rèn luyện đội ngũ cán bộ của ngành, v.v.. 

Thực tiễn những thập kỷ qua là thực tiễn của sự kết hợp dân y với quân y hết sức đa dạng và toàn diện. Trong đào tạo cán bộ dân y từ trình độ y tế cơ sở đến đại học, sau đại học, chuyên sâu đều phải biết về quân y từ sơ cứu, cấp cứu đến những vết thương phức tạp của thương bệnh binh. Mặt khác, trong cuộc chiến tranh vệ quốc 30 nǎm (1945- 1975), nhiều cán bộ dân y đã được bổ sung cho ngành quân y; nhiều đề tài nghiên cứu y học đã trực tiếp phục vụ cho cuộc chiến đấu của dân tộc. Khi đất nước thanh bình, có những lực lượng quân y, quân y viện...được chuyển sang làm nhiệm vụ dân y: từ tháng 9-1989, Quân y viện 115 được chuyển sang dưới quyền quản lý của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ có sự kết hợp ngay từ khâu đào tạo cán bộ nên những cán bộ dân y được tǎng cường cho quân y và ngược lại đều đã phát huy tốt ngay từ đầu. Trong y tế dự phòng thể hiện sự kết hợp dân y với quân y vừa rộng, vừa hiệu quả. Do đặc điểm xây dựng lực lượng và nhiệm vụ lực lượng vũ trang có mặt ở khắp mọi miền của đất nước cho nên lực lượng quân y cũng phục vụ trên mọi miền của Tổ quốc. Và ở đâu có nhân dân thì ở đó có các lực lượng vũ trang và có quân y hoạt động. Họ vận động nhân dân vệ sinh phòng bệnh; bảo vệ môi trường; rèn luyện thân thể; bài trừ những hủ tục trong trị bệnh... Nhất là ở những vùng sâu, vùng xa lực lượng dân y còn nhiều hạn chế thì công tác chǎm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh... cho đồng bào do quân y đảm nhiệm phần lớn. Ngược lại, trong kháng chiến cũng như trong thời bình các cơ sở dân y đều có nhiệm vụ cấp cứu, sẵn sàng tiếp nhận thương bệnh binh. 

II. Vài nét về thực trạng của việc kết hợp dân y với quân y 

1. Như đã trình bày ở trên, do sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tháng 12-1945, Bộ Y tế đã lập ra Ban y tế Vệ quốc đoàn. Tháng 3-1946, Cục quân y trực thuộc Bộ Quốc phòng được thành lập. Từ đây, ngành quân y nước ta không ngừng được củng cố và phát triển nhanh chóng, đáp ứng đòi hỏi của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. 

Để tǎng cường sự phối, kết hợp giữa dân y với quân y, một tháng sau Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 21-1-1947, Hội nghị liên tịch hai bộ: Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng đã đề ra chương trình hợp tác quân y với dân y. Có thể nói, Hội nghị này đã đặt cơ sở vững chắc, lâu dài cho quá trình kết hợp quân - dân y. Để cho sự phối kết hợp được chặt chẽ, về mặt tổ chức, một Uỷ ban Liên bộ Quốc phòng - Y tế ở miền Bắc và miền Trung đã ra đời. ở Nam Bộ, ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, đã thành lập Sở Quân y. Tổ chức này hoạt động và phát triển suốt trong thời gian cuộc kháng chiến chống Pháp. 

Trong kháng chiến, sự kết hợp giữa dân y với quân y thể hiện trên tất cả các hoạt động nhằm thực hiện tốt những quan điểm xây dựng nền y học nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự kết hợp chặt chẽ và toàn diện này đã mang lại kết quả to lớn: làm cho ngành y tế Việt Nam (quân y và dân y) thực hiện tốt hai nhiệm vụ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ cách mạng giao cho ngành: bồi dưỡng sức dân và đẩy mạnh kháng chiến, kiến quốc. 

Cùng với sự phát triển của đất nước, cộng với những thành tựu của y học, việc kết hợp dân y với quân y đã có những bước trưởng thành, thể hiện sinh động tư tưởng "toàn dân giữ nước, cả nước đánh giặc" và khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng ta. Sự phát triển của kết hợp dân y với quân y đã tạo ra sức mạnh tổng hợp của ngành y tế, đáp ứng được yêu cầu bảo vệ, chǎm sóc sức khoẻ của nhân dân trong mọi tình huống với hiệu quả cao. 

Để bảo đảm tốt cho cuộc kháng chiến, lực lượng quân y đã được Đảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo, tập trung xây dựng hệ thống tổ chức rộng khắp trong toàn quân. 

Trên cơ sở xác định mục tiêu của sự kết hợp, cǎn cứ vào tình hình cụ thể, Bộ Y tế có kế hoạch củng cố hệ thống lực lượng dân y, tǎng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ y tế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ thu dung cứu chữa thương, bệnh binh, vận chuyển tải thương, tẩy uế chiến trường, phòng chống dịch bệnh ở từng địa phương và trong cả nước. ở địa bàn không có chiến tranh xảy ra, các cơ sở y tế dân y đã thành lập các đội điều trị gọn, nhẹ, phù hợp với tình hình thời chiến, phối hợp với lực lượng quân y cứu chữa thương binh, bệnh binh trong chiến tranh. 

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế, hệ thống dân y trên các tuyến đã tổ chức bố trí lực lượng, chuẩn bị kế hoạch vận chuyển, tiếp nhận cứu chữa thương bệnh binh. Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, chủ động phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ cho nên lực lượng dân y đã thực hiện tốt chức nǎng nhiệm vụ của mình trong thời chiến. Chỉ tính riêng trong chiến tranh biên giới phía bắc từ ngày 17-2-1979 đến ngày 20-3-1979, chúng ta đã có một hệ thống tổ chức cứu chữa thương, bệnh binh bao gồm: 9.167 giường bệnh; 1.201 bác sĩ (trong đó quân y có 361, dân y có 840); 4.620 y sĩ (quân y 1.241, dân y 3.379); 8.186 y tá (quân y 3.449, dân y 4.737); hàng trǎm đội phẫu thuật. Với hệ thống tổ chức đó, ngành y tế đã bảo đảm cứu chữa cho 7.842 thương binh (trong đó lực lượng dân y đã thu dung điều trị 4.415 thương binh, chiếm 53,6% số thương binh trên toàn tuyến), hạn chế tối đa tỷ lệ tử vong... Số liệu trên cho thấy, trong chiến tranh, nếu không kết hợp dân y với quân y thì lực lượng quân y không đủ khả nǎng cứu chữa thương, bệnh binh, bảo đảm quân số cho chiến trường. 

Song song với công tác thu dung cứu chữa thương, bệnh binh, lực lượng dân y một mặt tích cực đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế cung cấp cho quân đội; mặt khác, trong công tác nghiên cứu đã kết hợp tìm ra những phương pháp điều trị tối ưu, hạn chế hậu quả của vết thương; tìm ra những loại thuốc mới, phòng chống các loại bệnh dịch có tính chất lây lan như viêm gan, sốt rét... những bệnh mà cán bộ, chiến sĩ hay bị mắc trong các chiến trường. Trong quá trình thực hiện kết hợp, có sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương đến cơ sở và được tổ chức chặt chẽ mang lại hiệu quả cao, góp phần tích cực vào thắng lợi chung của dân tộc. Chính trong quá trình đó, sự kết hợp giữa dân y và quân y ngày càng được hoàn thiện cả về lý luận và hình thức tổ chức. 

2. Trong điều kiện thời bình, nhất là khi cả nước bước vào thời kỳ cách mạng mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đưa nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu đến nǎm 2020 về cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại, thực hiện "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, vǎn minh", một mặt phải chǎm lo phát triển kinh tế, mặt khác phải chǎm lo bảo vệ sức khoẻ của con người. 

Từ kết quả của việc kết hợp giữa dân y với quân y trong thời chiến, cǎn cứ vào tình hình thực tế của lực lượng quân, dân y, Đảng, Nhà nước ta từng bước thể chế hoá, đưa công tác kết hợp dân y với quân y lên một bước phát triển mới, phù hợp với điều kiện của giai đoạn phát triển hiện nay. 

Về tổ chức, trên cơ sở Chỉ thị 109/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về công tác y tế quân đội; Thông tư liên Bộ Quốc phòng - Y tế số 22, 09, 03, các địa phương đã tiến hành xây dựng bộ máy chỉ đạo, điều hành thống nhất các lực lượng quân - dân y với những hình thức, biện pháp hoạt động phong phú. Tại Hội nghị kết hợp quân - dân y toàn quốc lần thứ nhất (1990), lần thứ hai (1995), lãnh đạo hai Bộ Y tế và Quốc phòng thống nhất hình thành Chương trình y tế 12 "Kết hợp quân - dân y xây dựng nền quốc phòng toàn dân và phục vụ sức khoẻ nhân dân" với những nội dung cơ bản là tham gia củng cố y tế cơ sở, phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh và đào tạo nhân viên y tế. 

Qua nhiều nǎm hoạt động, được sự chỉ đạo của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng, Chương trình y tế 12 được triển khai tổ chức thực hiện trên toàn quốc, góp phần tích cực vào công tác chǎm sóc sức khoẻ của cộng đồng. 

Quán triệt mục tiêu, yêu cầu của công tác chǎm sóc, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng trong tình hình mới, các cấp uỷ, chính quyền địa phương đã xây dựng bộ máy điều hành thống nhất các lực lượng quân - dân y với những tên gọi khác nhau như Ban chỉ huy kết hợp quân - dân y, Ban chỉ đạo thống nhất quân - dân y... Các hoạt động kết hợp quân - dân y cũng được triển khai rộng rãi với nhiều hình thức và biện pháp phong phú. 

ở tuyến cơ sở, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, các đơn vị quân y kết hợp, hiệp đồng với y tế, chính quyền địa phương tham gia củng cố mạng lưới y tế. Bằng phương thức xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các trạm y tế, đầu tư trang thiết bị khám chữa bệnh, đào tạo, bổ túc, huấn luyện nhân viên y tế, bước đầu các đơn vị đã củng cố được mạng lưới y tế ở những cơ sở còn yếu và thiếu. Dưới hình thức kết nghĩa, các đơn vị quân y cử đội ngũ y, bác sĩ tǎng cường khám, chữa bệnh cho nhân dân từng đợt theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương. ở một số nơi, do đặc điểm, tình hình cụ thể, đã thực hiện lồng ghép tổ chức quân - dân y trên cơ sở kết hợp giữa cơ sở điều trị của quân y, dân y thành một cơ sở điều trị chung. Đối với những vùng xa xôi, hẻo lánh, nơi tổ chức dân y quá yếu kém, có thể nói còn "trắng", lực lượng quân y đóng quân tại đây trực tiếp đảm nhận nhiệm vụ của y tế cơ sở. Ngược lại, ở những nơi lực lượng quân y còn mỏng thì các cơ sở điều trị của dân y đảm nhận việc khám, chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ trong quân đội. 

ở tuyến sau, các cơ sở điều trị lớn, các viện nghiên cứu việc kết hợp giữa dân y với quân y cũng được triển khai một cách toàn diện. Trong khi các bệnh viện dân y không đủ khả nǎng tiếp nhận, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân thì các cơ sở y tế của quân y đã "mở cửa", coi việc khám chữa bệnh cho nhân dân cũng là một nhiệm vụ. Thực tế các bệnh viện lớn của quân đội những nǎm qua đã tiếp nhận, điều trị có hiệu quả một khối lượng lớn bệnh nhân thuộc đối tượng của dân y, góp phần tích cực vào việc giải quyết khó khǎn trước mắt của ngành y tế; củng cố tình cảm gắn bó quân dân đã được xây dựng ngay từ những ngày đầu của cách mạng. Đối với những cǎn bệnh hiểm nghèo, những ca điều trị phức tạp và những dự án, đề tài nghiên cứu khoa học, các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo quân - dân y có sự phối hợp chặt chẽ, hội chẩn nghiên cứu tìm ra phương pháp điều trị thích hợp, ứng dụng các thành tựu y học thế giới, làm cho nền y học nước nhà cả dân y lẫn quân y có những bước phát triển mới. 

Phong trào bảo vệ, chǎm sóc sức khoẻ của cộng đồng, kết hợp quân - dân y còn được thể hiện ở công tác phòng chống dịch bệnh, phòng chống và khắc phục thảm hoạ của thiên nhiên. Đây là những vấn đề nan giải thường xảy ra nhanh, bất ngờ, gây hậu quả lớn trong phạm vi rộng. Do đó, khi xảy ra, đòi hỏi một khối lượng lớn cả về chuyên môn lẫn phương tiện. Nhận rõ tính chất nguy hiểm và phức tạp của vấn đề trên, Ban quân - dân y từ trung ương tới cơ sở luôn có kế hoạch phòng, chống tập trung vào những vùng trọng điểm. Việc làm đó đã trở thành nền nếp và truyền thống của ngành y tế nước ta. Các đơn vị quân y tuỳ theo điều kiện cụ thể của mình phối hợp chặt chẽ với các đội vệ sinh phòng dịch, các cơ sở y tế đia phương tham gia tích cực trong việc phòng, chống dịch tả, sốt rét, viêm gan, viêm não Nhật Bản, thực hiện có hiệu quả các chương trình tiêm chủng mở rộng, phòng chống bướu cổ, thực hiện dân số - kế hoạch hoá gia đình và phòng chống HIV/AIDS. ở những vùng xảy ra bão lụt, được sự chỉ đạo của Cục Quân y, các đơn vị đã cử các tổ quân y tham gia cùng với y tế cơ sở tiến hành cứu chữa người bị nạn, tẩy uế môi trường và phòng chống dịch bệnh. Những vụ lụt, bão trên địa bàn các tỉnh thuộc Quân khu 2,3,4, đồng bằng sông Cửu Long, các đơn vị quân y của Quân khu 2, Quân khu 3, Quân khu 4, Quân khu 5, Quân khu 7, Quân khu 9, Quân đoàn 4 và các cơ sở thuộc Cục Quân y đã chủ động, khi có bão lụt là có mặt cứu chữa người bị thương, bị nạn và ở lại hàng tháng nơi xảy ra bão lụt trực tiếp chǎm sóc sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh cho nhân dân. Đáng chú ý, đầu tháng 11-1997, trước hậu quả nghiêm trọng của cơn bão số 5, quân y Quân khu 9 và Hải quân đã cử hơn 50 tổ quân y đem theo hơn 100 cơ số thuốc, có mặt ngay từ những giờ đầu sau bão, tham gia cứu nạn, cứu chữa người bị thương, bị nạn và làm vệ sinh môi trường. Trong dịp các cơn bão số 4, 5, 6 đổ vào miền Trung, các lực lượng quân y cũng đã phát huy trách nhiệm của mình trước dân. 

Từ những vấn đề trên, có thể khẳng định chủ trương kết hợp dân y với quân y trong công tác chǎm sóc, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với điều kiện của ngành y tế nước ta, phù hợp với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó cũng là sự cố gắng của Đảng và Nhà nước nước ta nhằm vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tế. 

Kết quả đạt được trong những nǎm qua đã tạo ra những tiền đề, cơ sở vật chất để củng cố phát triển mạng lưới y tế, nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu y học vào cuộc sống, hình thành những mô hình kết hợp quân - dân y hoạt động có hiệu quả. 

Tuy nhiên, cũng chính trong quá trình thực hiện sự kết hợp còn bộc lộ những hạn chế nhất định. ở một số địa phương, do chưa quán triệt đầy đủ nội dung các vǎn bản của Nhà nước, của ngành về thực hiện sự kết hợp dân y với quân y trong chǎm sóc, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân và bộ đội, nên chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của hai lực lượng y tế. Một mặt, có những đơn vị quân y nhận thức về vai trò của mình chưa toàn diện, cụ thể, tham gia chưa đều vào chương trình y tế của Nhà nước. Mặt khác, có nơi chính quyền và tổ chức y tế chưa tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng quân y tham gia vào phong trào chung của địa phương. Công tác khám, chữa bệnh ở các cơ sở điều trị của quân đội do ảnh hưởng của cơ chế cũ nên tiếp nhận điều trị cho nhân dân với số lượng còn thấp hơn so với nhu cầu. Việc cử các đoàn quân y xuống cơ sở khám, chữa bệnh cho nhân dân chủ yếu được tiến hành theo từng đợt, chưa trở thành nền nếp thường xuyên. 

Để làm tốt công tác kết hợp giữa dân y với quân y trong việc chǎm sóc và bảo vệ sức khoẻ của cộng đồng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII) tháng 1-1993 đã chỉ rõ: "Phát huy truyền thống kết hợp quân - dân y trong vệ sinh phòng chống dịch, khám chữa bệnh, đào tạo cán bộ và nghiên cứu khoa học. Bệnh viện quân đội kết hợp chữa bệnh cho nhân dân. ở những nơi xa xôi, vùng biên giới, cần dựa vào lực lượng quân y và y tế công an biên phòng làm nòng cốt để xây dựng phong trào y tế cơ sở". 

Quán triệt Nghị quyết đó, ngày 20-6-1996, Chính phủ ra Nghị quyết số 37/CP về định hướng chiến lược chǎm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong giai đoạn 1996-2000. Trên cơ sở phân tích mạng lưới y tế trong toàn quốc và nhiệm vụ của cách mạng, Nghị quyết chỉ rõ: "Kết hợp quân y và dân y để phát huy sức mạnh của toàn ngành y tế Việt Nam phục vụ sự nghiệp chǎm sóc sức khoẻ nhân dân, phục vụ các nhiệm vụ về quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị, quân y hỗ trợ cho dân y ở những vùng có nhiều khó khǎn trong phòng chống dịch bệnh và khắc phục hậu quả thiên tai". 

Nhìn một cách tổng quát, trong cả thời kỳ dài từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập nǎm 1945 đến nay, ngành y tế - cả dân y và quân y - đã có nhiều đóng góp to lớn. Sự phát triển của ngành y tế, trong đó có sự kết hợp giữa dân y với quân y, đã làm cho công tác chǎm sóc sức khoẻ của nhân dân nói chung, bộ đội nói riêng được đẩy lên một bước, nhiều bệnh dịch và bệnh xã hội đã được khống chế hoặc bị loại trừ, sức khoẻ của nhân dân, trong đó có bộ đội, nhìn chung được tǎng lên. Thành quả đáng trân trọng của sự kết hợp dân y với quân y đã góp phần củng cố mối quan hệ máu thịt quân - dân, củng cố lòng tin của nhân dân ta đối với chế độ. 

Tuy vậy, việc chǎm sóc sức khoẻ cho nhân dân nói chung và bộ đội nói riêng vẫn còn nhiều bất cập. Trong nhiều nguyên nhân có nguyên nhân sự phối hợp giữa dân y với quân y có nơi, có lúc chưa nhịp nhàng. Quan điểm lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự kết hợp giữa dân y với quân y chưa được quán triệt vận dụng tốt vào trong thời bình, nhất là trong điều kiện cơ chế thị trường, mở cửa. Khi chuyển sang cơ chế thị trường, một số cơ sở quân y đã vươn lên phục vụ một phần nào cho nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân nhưng quan điểm phục vụ chưa thống nhất, nặng về dịch vụ, chưa hướng theo quan điểm kết hợp giữa dân y và quân y để phục vụ nhân dân, nhất là gia đình chính sách. 

III. Một số vấn đề có tính giải pháp vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về kết hợp dân y với quân y trong giai đoạn cách mạng hiện nay 

1. Cần có nhận thức đúng và sâu sắc về sự cần thiết và tầm quan trọng của sự kết hợp giữa dân y với quân y 

Kết hợp dân y với quân y là một nhiệm vụ mang tính chiến lược, quyết định sự thành công hay thất bại của công tác bảo đảm y tế, chǎm sóc sức khoẻ cộng đồng. Đây là một thực tế lịch sử, đã được chứng minh qua các giai đoạn của cách mạng. Sự kết hợp đó không chỉ bảo đảm tính kịp thời - yếu tố cơ bản của công tác điều trị mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao trong việc sử dụng cơ sở vật chất - kỹ thuật và đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế. Với ý nghĩa đó, sự kết hợp giữa dân y với quân y phải được vận dụng, phát triển phù hợp với yêu cầu của cách mạng. 

Ngành y tế, các cấp bộ Đảng và chính quyền không được xem nhẹ việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác chǎm sóc sức khoẻ của nhân dân nói chung và bộ đội nói riêng. ở đây, vai trò của các tổ chức quân đội thực sự quan trọng đối với phối hợp hoạt động giữa quân y và dân y. Cần quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh để đạt mục tiêu: 

- Phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng quân - dân y trên từng địa bàn tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chǎm sóc sức khoẻ của bộ đội, nhân dân theo định hướng chiến lược mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII) và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII đã nêu. 

- Nâng cao chất lượng của các loại hình tổ chức kết hợp dân y với quân y, xây dựng loại hình kết hợp mới đáp ứng yêu cầu chǎm sóc sức khoẻ của bộ đội, nhân dân một cách kịp thời, với hiệu quả cao; thực hiện toàn diện các nội dung của chương trình y tế quốc gia. 

2. Trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng của việc kết hợp dân y với quân y, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng cần thống nhất để cụ thể hoá các chức nǎng, nhiệm vụ và vị trí của từng lực lượng trong việc chǎm sóc sức khoẻ cộng đồng 

Đây là cơ sở pháp lý để từng lực lượng tổ chức triển khai thực hiện. Quán triệt quan điểm của Đảng và Nhà nước, những nǎm qua, lãnh đạo hai Bộ đã có những quy định cụ thể cho quân y và dân y về chức nǎng, nhiệm vụ của công tác y tế phục vụ thời chiến. Hiện nay, xu thế hoà bình, hợp tác để phát triển kinh tế là xu thế chủ yếu của thời đại. Công tác y tế, nhất là quân y, cũng phải chuyển từ nhiệm vụ chủ yếu là cứu chữa thương, bệnh binh sang bảo vệ, chǎm sóc sức khoẻ của cộng đồng. Nhà nước cần có cơ chế thích hợp để các cơ quan nghiên cứu khoa học, cơ sở điều trị của quân đội hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ, chǎm sóc sức khoẻ cho cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, nghiên cứu điều trị các loại vết thương do chiến tranh hiện đại gây ra, sẵn sàng đối phó, đáp ứng được yêu cầu khi có chiến tranh. Mặt khác, quân y có nhiệm vụ phối hợp với các cơ sở dân y nghiên cứu những biện pháp, cách thức phòng chống dịch bệnh, xây dựng mạng lưới y tế cơ sở, tiếp nhận điều trị bệnh nhân, đáp ứng nhu cầu của nhân dân với nỗ lực, cố gắng cao nhất; sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất đã được trang bị, phát huy nǎng lực sáng tạo, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế ngành quân y trong công tác bảo vệ, chǎm sóc sức khoẻ của nhân dân. 

3. Các tổ chức kết hợp giữa dân y với quân y cần phải được thể chế hoá, hình thành mạng lưới thống nhất từ trung ương đến cơ sở; thể hiện các mối quan hệ ngang dọc, hoạt động nhịp nhàng với hiệu quả cao 

Công tác tổ chức là một công tác có ý nghĩa quan trọng, quyết định thành công của việc thực hiện thắng lợi đường lối cách mạng. Chiến lược bảo vệ, chǎm sóc sức khoẻ của nhân dân thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng về xây dựng và phát triển nguồn lực con người. Thực tiễn những nǎm qua chứng tỏ công tác kết hợp dân y với quân y bằng những hình thức thích hợp đã tạo nên sức mạnh tổng hợp thực hiện có hiệu quả chiến lược của Đảng. Tuy nhiên, bước sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, công tác bảo vệ, chǎm sóc sức khoẻ của bộ đội, nhân dân đòi hỏi phải được tiến hành đồng bộ, toàn diện với chất lượng tốt hơn, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ mới. Xuất phát từ yêu cầu đó, phải tiến hành công tác tổ chức để kết hợp dân y với quân y và phải bảo đảm được các yêu cầu sau: 

- Bảo đảm sự chỉ huy điều hành thống nhất, phát huy được tính nǎng động, sáng tạo của cơ sở (cả cơ sở dân y và cơ sở quân y). 

- Tổ chức điều trị, phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, chi viện kịp thời về kỹ thuật, cán bộ chuyên môn, giải quyết được toàn diện các mặt bảo đảm y tế cho địa phương và trong cả nước. Kết hợp dân y với quân y không phải chỉ chú trọng đến khám, chữa bệnh mà còn rất chú trọng đến công tác phòng chống dịch bệnh cho nhân dân. Chỉ tính riêng trong công tác phòng chống sốt rét từ nǎm 1991 trở lại đây, các cơ sở dân y và quân y đã khám và điều trị cho 215.000 lượt người, xét nghiệm máu 88.300 lam, tẩm màn chống muỗi được 87.869 chiếc, đã cử 10.600 lượt cán bộ, nhân viên quân y tham gia tiêm chủng mở rộng, nhỏ vắc xin phòng bại liệt cho 65.500 cháu, tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho 66.100 cháu, cho 141.000 cháu uống vitamin A. 

- Thực hiện nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, gắn trách nhiệm của cấp uỷ và chính quyền địa phương cũng như cơ quan chuyên môn với công tác chǎm sóc, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân. 

Cǎn cứ vào nhiệm vụ của công tác y tế trong chiến lược bảo vệ, chǎm sóc sức khoẻ của nhân dân, yêu cầu về tổ chức kết hợp dân - quân y, cần củng cố hệ thống tổ chức, biên chế cơ quan quân y các cấp và các tổ chức y tế ở cơ sở bảo đảm có đủ trình độ làm tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương về công tác chuyên môn. Đối với cán bộ quân y, phải được đào tạo và trang bị những kiến thức cơ bản về công tác y tế cộng đồng, ngược lại, cán bộ dân y phải được trang bị kiến thức cơ bản về y tế quân sự. ở nơi trọng điểm, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, tức là những nơi quân đội bố trí lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, cần xây dựng cơ sở khám chữa bệnh đủ mạnh để vừa đáp ứng được công tác khám chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ, vừa có thể làm tốt công tác y tế ở địa phương. 

Trong kết hợp dân - quân y, cần đặc biệt chú trọng đến việc tạo nguồn cán bộ, nhân viên y tế cho vùng sâu, vùng xa. Từ nǎm 1991 đến nay, quân y đã đào tạo cho dân y 3.800 y sĩ, dược sĩ, y tá, dược tá. Gần đây, một hình thức mới của sự kết hợp dân - quân y được triển khai ở Quân khu 5 và Quân khu 1 là lựa chọn những quân nhân thực hiện nghĩa vụ quân sự ở vùng sâu, vùng xa có phẩm chất đạo đức tốt, có nguyện vọng chǎm sóc, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, số này khi gần hết thời hạn nghĩa vụ, chuyển sang đào tạo y tá. Sau khi tốt nghiệp chuyển họ về địa phương công tác. 

Chương trình 12 kết hợp dân - quân y là chương trình y tế lớn thực hiện chủ trương của Đảng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng y tế. Hiện nay, Chương trình càng có vị trí quan trọng, nhưng cần đề ra những mục tiêu, biện pháp đúng đắn, cụ thể, phù hợp với yêu cầu, kết hợp dân - quân y trong tình hình mới. 

Để thực hiện các mục tiêu của Chương trình 12, phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị tiến hành công việc. Kinh nghiệm của binh chủng Phòng không cho thấy: Các bên tham gia chương trình đều tích cực làm việc với trách nhiệm cao nên mọi công việc triển khai đúng kế hoạch. Sau một nǎm hoạt động, các mục tiêu của Chương trình đạt kết quả tốt. Bệnh xá đơn vị, các phòng điều trị được củng cố. Công tác vệ sinh phòng bệnh, chǎm sóc bảo vệ sức khoẻ bộ đội có nhiều chuyển biến tốt. Nhiều cán bộ chiến sĩ tích cực tham gia chương trình, hết lòng vì sự nghiệp chǎm sóc sức khoẻ bộ đội và nhân dân. 

Qua thực tế chứng tỏ công tác tổ chức, xây dựng kế hoạch triển khai các mục tiêu của chương trình rất quan trọng. Kế hoạch càng cụ thể, sát thực, chặt chẽ, càng dễ tổ chức thực hiện và hiệu quả càng cao. Đồng thời, trong việc thực hiện Chương trình 12, cần sử dụng lực lượng hợp lý, kinh phí đạt hiệu quả cao. Việc khám, chữa bệnh cho học sinh, cho bộ đội và nhân dân phải được xây dựng thành quy chế, giao cho lực lượng dân - quân y thực hiện. Quân y có điều kiện học tập, rèn luyện nâng cao trình độ. Các đồng nghiệp dân y có thêm kinh nghiệm tổ chức, xây dựng phong trào. Hai bên có điều kiện trao đổi, hợp tác xây dựng lực lượng, bảo đảm cho các phương án luyện tập và làm tốt việc chǎm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, bộ đội. Do kinh phí hỗ trợ rất ít nên sử dụng kinh phí trong chương trình phải thật tiết kiệm, hợp lý. 

4. Kết hợp dân y với quân y phải được triển khai toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và đối với tất cả các đơn vị 

Thực tế trong thời chiến cũng như thời bình cho thấy, ở mỗi lĩnh vực, mỗi lực lượng y tế có một thế mạnh khác nhau. Sự kết hợp giữa hai lực lượng sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp của ngành y tế, bảo đảm đủ sức khám, chữa bệnh cho nhân dân và bộ đội trong mọi tình huống. 

Đối với y tế cơ sở, cần tǎng cường hình thức ký kết, kết nghĩa giữa các tổ chức y tế, sẵn sàng chi viện lẫn nhau trong công tác xây dựng cơ sở vật chất, trao đổi kinh nghiệm điều trị, cứu chữa người bị bệnh. 

Trong công tác vệ sinh phòng bệnh, cần xác định đây là trách nhiệm chung của các cấp, trong đó lực lượng y tế, kể cả dân y lẫn quân y, làm nòng cốt. Tổ chức quân y các cấp cần phối hợp, hỗ trợ tổ chức dân y tiến hành tuyên truyền giáo dục trong nội bộ quân đội và trong nhân dân để thực hiện các chương trình phòng chống dịch bệnh. Khi có dịch bệnh xảy ra, các lực lượng cần nhanh chóng cử cán bộ chuyên môn thực hiện nhiệm vụ giám sát, quản lý dịch trong khu vực, theo kế hoạch đã được xây dựng. 

Công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, nhân viên y tế là một trong những nhân tố quan trọng của công tác bảo vệ, chǎm sóc sức khoẻ cộng đồng. Hiện nay, nhu cầu khám, chữa bệnh của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ngày càng tǎng. Hơn nữa, là một nước đang phát triển, nhưng trên đất nước ta, nhiều cǎn bệnh hiểm nghèo có xu hướng phát triển cả về chủng loại lẫn tính chất và quy mô. Trước những diễn biến phức tạp đó, công tác nghiên cứu khoa học phải có sự phối hợp giữa các nhà khoa học đầu ngành thuộc các lực lượng y tế để tìm ra các biện pháp điều trị có hiệu quả, ứng dụng được thành tựu của y học thế giới. Các cơ sở đào tạo cần đổi mới về nội dung, chương trình, hình thức, phương pháp và đối tượng đào tạo phù hợp với yêu cầu mới, bảo đảm có đủ cán bộ, nhân viên y tế ở các cấp, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. 

Hơn 50 nǎm qua, mạng lưới y tế đã được xây dựng trong cả nước. Lực lượng y tế quân đội cũng có bước phát triển. Theo yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, hầu hết các địa phương đều có lực lượng vũ trang đóng quân. Vì vậy, công tác kết hợp dân y với quân y phải được thực hiện ở tất cả các cấp trong quân đội và ở tất cả các địa phương. Đơn vị nào, địa phương nào cũng phải coi đó là một trong những nhiệm vụ chính trị của mình trong chiến lược phát triển con người. Tuy nhiên, từng cấp có thể có những mô hình cụ thể khác nhau, nhưng nhất thiết phải có sự tham gia của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn của cả hai lực lượng. 

5. Cần tiến hành tổng kết công tác kết hợp dân y với quân y trong hơn 50 nǎm qua, trên cơ sở nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, xây dựng, củng cố, hoàn thiện chiến lược về kết hợp dân - quân y với những nội dung, nhiệm vụ cụ thể 

Đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, đòi hỏi phải có chủ trương, tổ chức thực hiện chặt chẽ. Xây dựng chiến lược kết hợp dân y với quân y không thể dừng lại ở việc tổng kết thực tiễn, mà còn chỉ ra những vấn đề làm cơ sở cho việc cải tiến nội dung, chương trình đào tạo ở các trường, làm mục tiêu cho các cơ sở nghiên cứu và là tiền đề cho sự vận dụng của mỗi địa phương. Chính vì vậy, nó phải được tiến hành một cách khách quan, khoa học, sát với tình hình thực tiễn, thể hiện được quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chiến lược con người, xác định rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp và các đơn vị quân đội. 

6. Tǎng cường kinh phí cho hoạt động kết hợp dân y với quân y 

Đảng và Nhà nước cần có chính sách tài chính hợp lý bảo đảm cho việc thực hiện kết hợp dân y với quân y. Chú trọng đầu tư về y tế cho những vùng hiện đang còn gặp khó khǎn về cơ sở vật chất, cán bộ khoa học kỹ thuật, việc chǎm sóc sức khoẻ cho nhân dân và cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang chưa bảo đảm nhu cầu tối thiểu. Trên cơ sở phát triển kinh tế chung của cả nước, hằng nǎm cần dành một khoản kinh phí thích hợp cho chương trình thanh toán một số bệnh dịch đang có xu hướng tái phát ở nước ta như sốt rét, tả, lỵ, thương hàn, viêm gan, viêm não Nhật Bản... 

Nền kinh tế nước ta trong những nǎm qua tuy có bước phát triển nhưng so với yêu cầu chung thì còn gặp nhiều khó khǎn, nhất là đối với công tác bảo vệ, chǎm sóc sức khoẻ của nhân dân. Tình hình đó đòi hỏi công tác y tế phải có những bước đi thích hợp, vững chắc, phát huy tính nǎng động, sáng tạo, khơi dậy những tiềm nǎng sẵn có phục vụ cho chiến lược xây dựng con người, đáp ứng với yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Kết hợp dân y với quân y là một trong những giải pháp để thực hiện yêu cầu đó. Chính vì vậy, những giải pháp trên đây không chỉ có ý nghĩa trước mắt, mà còn có tác dụng lâu dài, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức nǎng, cấp uỷ, chính quyền các cấp. Chỉ có như vậy, chúng ta mới thực hiện đầy đủ những quan điểm của Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về kết hợp dân - quân y trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới

(ĐCSVN) - Ngày 23/5/2024, đồng chí Lương Cường đã ký ban hành Quy định 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

(ĐCSVN) - Ngày 9/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website