Công nghiệp hoá dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh

Mạch Quang Thắng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

I. Quá trình công nghiệp hóa ở Việt Nam - thành tựu và những vấn đề đặt ra 

Công nghiệp hóa (CNH) là một nhiệm vụ tất yếu của cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta. Đại hội III của Đảng (9-1960) đã chính thức xác định: Công nghiệp hóa XHCN là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ ở nước ta. Thực hiện công nghiệp hóa XHCN là nhằm xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của CNXH, tạo điều kiện cơ bản cho CNXH thắng lợi. 

Đại hội III còn khẳng định: Thực hiện công nghiệp hóa XHCN ở miền Bắc nước ta là xây dựng một nền kinh tế XHCN cân đối và hiện đại, kết hợp công nghiệp với nông nghiệp và lấy công nghiệp nặng làm nền tảng, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, nhằm biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước có công nghiệp hiện đại và nông nghiệp hiện đại. 

Phương châm thực hiện CNH XHCN ở miền Bắc mà Đại hội III vạch ra là kết hợp những xí nghiệp quy mô lớn với những xí nghiệp quy mô vừa và nhỏ, kết hợp kỹ thuật hiện đại với kỹ thuật thô sơ, kết hợp xây dựng những xí nghiệp mới với việc tận dụng những xí nghiệp cũ, kết hợp phát triển công nghiệp trung ương với phát triển công nghiệp địa phương. 

Đảng ta cho rằng: điểm mấu chốt của CNH là ưu tiên phát triển công nghiệp nặng và chỉ rõ: cơ cấu và quy mô của công nghiệp nặng phải thích hợp với điều kiện và nhu cầu của ta, phù hợp với sự phân công hợp tác trong hệ thống XHCN. Công nghiệp nặng bao gồm những ngành mà nước ta nhất thiết phải xây dựng và có điều kiện xây dựng như điện lực, luyện kim, chế tạo cơ khí, nhiên liệu, vật liệu xây dựng, hóa học, v.v... và trong mỗi ngành, chúng ta sẽ xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cần thiết cho CNXH, tạo điều kiện để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của nhân dân về ăn, mặc, ở, học v.v... 

Đảng ta còn chủ trương kết hợp lực lượng của Nhà nước với lực lượng của nhân dân, kết hợp sự cố gắng của kinh tế quốc doanh với sự đóng góp của kinh tế tập thể, kết hợp phát triển vùng đồng bằng và vùng biển với phát triển vùng trung du, vùng núi, kết hợp sự lãnh đạo toàn diện của trung ương với việc phát huy tính chủ động sáng tạo của địa phương, kết hợp việc bảo đảm tích lũy XHCN với việc không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân lao động, kết hợp việc dựa vào lực lượng bản thân ta là chính với việc sử dụng tốt sự giúp đỡ của các nước anh em. 

Trong quá trình thực hiện đường lối CNH XHCN, Đảng ta còn cụ thể hóa thêm: coi cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt trong ba cuộc cách mạng. Đảng cũng thấy rõ hơn mối quan hệ giữa công nghiệp với nông nghiệp và công nghiệp nhẹ. Do vậy, Đảng ta đã xác định rõ hơn: ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ. 

Trải qua một quá trình hàng chục năm tiến hành CNH XHCN kể cả trong phạm vi miền Bắc và trong phạm vi cả nước sau ngày 30-4-1975, chúng ta có thể đánh giá một cách tổng quát những thành tựu và những vấn đề đặt ra như sau: 

Một là, Đảng ta đã xác định một cách đúng đắn đường lối CNH XHCN. 

Đường lối, chủ trương, phương châm CNH XHCN của Đảng là hoàn toàn xuất phát từ những vấn đề cơ bản của cuộc cách mạng XHCN, căn cứ yêu cầu của cách mạng Việt Nam, có tính đến những đặc điểm cụ thể của miền Bắc cũng như của cả nước là từ một nước nông nghiệp lạc hậu đi lên, cơ sở vật chất - kỹ thuật không có bao nhiêu, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Đường lối, chủ trương, phương châm đó cũng đã tính đến hoàn cảnh quốc tế, đến đặc điểm cách mạng nước ta trong mối quan hệ với các nước XHCN, nhất là với Liên Xô và Trung Quốc. 

Việc xác định mục tiêu CNH XHCN của Đảng là phù hợp vì đã nhấn mạnh tới việc xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho CNXH, ngoài ra còn nhấn mạnh việc tạo ra cơ cấu kinh tế hợp lý, kể cả mối quan hệ giữa các vùng và giữa tích lũy với bảo đảm đời sống nhân dân. 

Đường lối của Đảng về CNH XHCN được phản ánh tại Đại hội III đã được thực hiện và là cơ sở để sau này đến Đại hội VIII năm 1996, Đảng ta xác định rõ hơn mục tiêu trong thời kỳ mới: Xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng, an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Từ nay đến năm 2020, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bán trở thành một nước công nghiệp. 

Hai là, quá trình thực hiện CNH XHCN đã tạo ra được cơ sở vật chất - kỹ thuật bước đầu cho CNXH. 

Đây là thành tựu rất quan trọng của nước ta trong điều kiện một nước nông nghiệp lạc hậu lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Vốn dầu tư xây dựng kinh tế nói chung và cho công nghiệp nói riêng tăng mạnh. Đến năm 1975, số xí nghiệp công nghiệp tăng gấp 16,5 lần số xí nghiệp năm 1955. Nhiều khu công nghiệp lớn đã hình thành. Trong cơ cấu công nghiệp, đã có những cơ sở đầu tiên của các ngành công nghiệp nặng quan trọng như điện, than, cơ khí, luyện kim, hóa chất, vật liệu xây dựng, đồng thời một số ngành công nghiệp nhẹ cũng được xây đựng v.v… 

Người ta có thể đánh giá hiệu quả thấp của các khu công nghiệp, sự hạn chế về phía nước ta trong việc sử dụng giúp đỡ của các nước XHCN trong việc xây đựng các nhà máy, xí nghiệp, nhưng một thực tế hiển nhiên là các khu công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp đó đã đóng vai trò to lớn, là những "con chim đầu đàn" trong nền công nghiệp Việt Nam. 

Sản phẩm công nghiệp đã đáp ứng được nhu cầu của sản xuất và đời sống của nhân dân và mở rộng xuất khẩu. Doanh nghiệp nhà nước chiếm 70% giá trị sản lượng công nghiệp. Những năm gần đây, nền công nghiệp nước ta có sự đổi mới về cơ cấu, cơ chế quản lý và công nghệ có bước phát triển mới góp phần quan trọng tạo nhịp độ tăng trưởng kinh tế tương đối khá. 

Với quá trình thực hiện CNH, miền Bắc nước ta dần dần bảo đảm được về cơ bản hàng tiêu dùng (cuối năm 1964), góp phần bảo đảm hậu cần tại chỗ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và bảo đảm đời sống nhân dân. 

Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi năm 1975, chúng ta đã tận dụng dược cơ sở công nghiệp cũ và bước đầu phát huy năng lực của các cơ sở đó. 

Ba là, quá trình CNH XHCN đã tạo ra đội ngũ giai cấp công nhân và những người lao động hùng hậu, làm cơ sở vững chắc cho khối liên minh công nhân, nông dân và tầng lớp tri thức do giai cấp công nhân lãnh đạo. 

Đến năm 1996, số lượng giai cấp công nhân nước ta đã lên khoảng 5 triệu người (chiếm khoảng 13% lực lượng lao động toàn xã hội). Con số đó thật ra không nhiều, nó phản ánh một thực trạng đất nước ta CNH dù trải qua mấy chục năm nhưng cũng chỉ mới là bước đầu, nhưng nó lại có ý nghĩa lớn đối với một nước vốn từ nông nghiệp lạc hậu đi lên CNXH. Lực lượng công nhân đã nắm giữ quyền làm chủ trong hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật, các ngành kinh tế then chốt trong nền kinh tế quốc dân. 

Những kết quả trên đây tuy là bước đầu nhưng là thành tựu cực kỳ quan trọng không những có ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội mà còn có ý nghĩa lớn về chính trị. 

Song, quá trình thực hiện đường lối CNH XHCN cũng bộc lộ một số hạn chế. 

Trước hết, trong nhận thức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng về CNH XHCN có biểu hiện nôn nóng, duy ý chí, ham làm to về quy mô mà không chú ý đúng mức đến hiệu quả. 

Quan điểm về CNH XHCN là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên CNXH chưa được thấu suốt và cụ thể hóa nhằm từng bước tạo ra cơ cấu kinh tế kết hợp chặt chẽ giữa công nghiệp với nông nghiệp. Một khuyết điểm rõ nhất là trong bố trí cơ cấu kinh tế thường là chủ quan, muốn đi nhanh mà lại không tính điều kiện và khả năng thực tế và không kết hợp ngay từ đầu công nghiệp và nông nghiệp thành một cơ cấu hợp lý. Nhìn chung, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra những chỉ tiêu, kế hoạch quá cao về xây dựng cơ bản, nhất là trong thời kỳ 1975 - 1980. Chúng ta đã không coi trọng đúng mức việc khôi phục và sắp xếp lại nền kinh tế, thiên về xây dựng công nghiệp nặng và những công trình có quy mô lớn, không tập trung sức giải quyết cơ bản nông nghiệp và công nghiệp nhẹ sản xuất hàng tiêu đùng - những ngành được xác định là cơ sở cho phát triển công nghiệp nặng. Do vậy, đầu tư cho công nghiệp nặng, xây dựng cơ bản thì nhiều so với vốn hiện có nhưng hiệu quả rất thấp. 

Trên thực tế ở một số nơi, CNH được hiểu một cách thô thiển là cứ xây dựng nhà máy, xí nghiệp thật nhiều. Điều này dã bị trả giá khi công nghệ nhanh chóng lạc hậu, khi thị trường đã chuyển đổi cơ chế và buộc phải cạnh tranh cả lực lượng lao động và nhất là cạnh tranh sản phẩm làm ra. Điều này cũng tác động tiêu cực đến vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh đối với nền kinh tế quốc dân khi chuyển từ cơ chế tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường. 

Thứ hai, nền công nghiệp, công nghệ nước ta còn nhiều yếu kém. 

Trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp nước ta vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Điều này phản ánh tốc độ CNH còn chậm và chưa vững chắc. Tỷ trọng công nghiệp trong GDP năm 1993 còn thấp, mới chỉ vẻn vẹn 20%, những năm sau có cao hơn nhưng mức tăng không đáng kể. Tỷ trọng lao động công nghiệp chỉ chiếm khoảng 13% lực lượng lao động toàn xã hội. 

Nhưng đáng chú ý là lao động thủ công còn phổ biến, phần do sử dụng máy móc làm ra trong giá trị tổng sản phẩm xã hội đến năm 1996 mới chiếm khoảng 35%. Công nghiệp nước ta chưa đủ sức tự đầu tư phát triển, khả năng trang bị cho nền kinh tế quốc dân, trước hết là cho sản xuất nông nghiệp chưa đáng kể. 

Ngành cơ khí mà Đảng ta chủ trương ưu tiên xây dựng trong mấy chục năm qua rất non yếu, công nghệ lạc hậu nhanh mà không kịp thời đổi mới. Nhìn chung, ngành cơ khí chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu về các loại công cụ, máy móc, phụ tùng ít phức tạp. Các ngành công nghiệp nguyên vật liệu cơ bản chưa phát triển. Đến năm 1996, nước ta còn phải nhập tới 60% sắt thép, 90% nhiên liệu (trừ điện, than), 80% phân bón hóa học... Công nghiệp chế biến kém phát triển. 

Nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả. Công nghiệp ngoài quốc doanh còn chiếm tỷ trọng nhỏ, kỹ thuật lạc hậu. Hệ thống môi trường pháp lý cũng như kết cấu hạ tầng chưa rạo ra điều kiện đầy đủ cho đầu tư của nước ngoài. Trình độ công nghệ nhìn chung rất lạc hậu. Mạng lưới dịch vụ công nghệ cũng như năng lực đánh giá, lựa chọn công nghệ còn bất cập so với yêu cầu. 

Thú ba, khoa học và công nghệ nước ta còn gặp nhiều khó khăn và lạc hậu. 

Trong sự nghiệp CNH XHCN, nước ta có công nghệ ở trình độ thấp, hệ thống thiết bị lạc hậu từ 2 đến 4 thế hệ so với thế giới, lại bị chắp vá từ nhiều nguồn và rất thô sơ (chỉ tiêu tự động hóa chưa đạt 20%). Tình hình công nghệ như vậy dẫn tới một hiệu quả là tiêu hao năng lượng cao, ô nhiễm môi trường, năng suất, chất lượng hàng hóa thấp, khả năng cạnh tranh kém. Năng suất lao động công nghiệp chỉ đạt mức 30% mức trung bình của thế giới. 

Công nghệ tiên tiến nhập vào nước ta chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong các dự án liên doanh với nước ngoài, phần chi phí về vật tư, nguyên liệu nhập rất lớn, có khi quá 70% hàm lượng công nghệ góp phần vào giá trị gia tăng còn thấp, chỉ đạt khoảng 20%. Trong khi đó, số công nghệ được sinh sản trong nước nhờ các hoạt động nghiên cứu - triển khai còn rất ít. Trong thời đại bùng nổ thông tin nhưng tình trạng thiếu thông tin còn nhiều, thiếu cán bộ hiểu biết công nghệ và công tâm trong việc mua công nghệ nước ngoài. Việc phân bổ đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật bộc lộ nhiều nhược điểm. Tỷ lệ cán bộ khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp còn rất chấp: năm 1990 đạt 32% (trong khi đó các nước trong khu vực đều đạt trên 50%). Việc đào tạo nghề có lúc buông lỏng, công tác đào tạo lại "hổng" nhiều kiến thức. 

Hệ thống chính sách để đẩy mạnh công nghệ, phát triển đội ngũ khoa học - công nghệ chưa cải tiến kịp thời và đồng bộ. Việc đầu tư kinh phí cho hoạt động khoa học và công nghệ từ ngân sách nhà nước hàng năm đều không quá 1% chi ngân sách, đến năm 2000 mới cố gắng đạt mức 2% (trong khi đó nhiều nước trong khu vực phổ biến là trên 2% chưa kể lấy từ nhiều nguồn khác ngoài ngân sách nhà nước). Chính sách khen thưởng, đãi ngộ chưa tạo ra được động cơ hướng khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế, đổi mới công nghệ. 

II. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh 

Sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH của nước ta đứng trước những thuận lợi và khó khăn mới so với thời kỳ Hồ Chí Minh còn sống. 

Đó là nước ta đã hình thành cơ chế thị trường, kinh tế nước ta vẫn kém phát triển, bốn nguy cơ như Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Đại hội VII đã chỉ ra và những thách thức lớn đối với sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH. Một yêu cầu lớn đặt ra cho nước ta để thực hiện CNH, HĐH là tranh thủ thời cơ, phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, đẩy lùi nguy cơ, vượt qua thử thách. Vận dụng những quan điểm của Hồ Chí Minh về CNH XHCN trong giai đoạn cách mạng mới, chúng ta có thể đề cập chủ yếu trên một số vấn đề sau đây: 

- Trong CNH, HĐH đất nước, vấn đề quan trọng là tìm và khai thác các nguồn lực. Trong các nguồn lực, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, phải coi nội lực là chính, có tính chất quyết định, nguồn lực bên ngoài đóng vai trò quan trọng. 

Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh ý chí tự lực tự cường. Sự nghiệp CNH, HĐH phải là sự nghiệp của toàn dân, của các thành phần kinh tế. Tâm lý ỷ lại bên ngoài là hoàn toàn xa lạ đối với việc cần phải dẩy mạnh CNH HĐH. Trong tình hình hiện nay, hợp tác quốc tế được đặt trên một cơ sở mới khi mà hệ thống XHCN không còn, sự giúp đỡ kiểu cũ trong thời kỳ bao cấp cũng không còn thì lại càng không được ỷ lại, trông chờ. Hơn nữa, mọi sư viện trợ từ nguồn vốn bên ngoài phải được sử dụng một cách có hiệu quả nhất trên tinh thần dựa vào sức mình là chính. 

Nhưng tự lực tự cường không có nghĩa là đóng cửa mà cần phải tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngay từ cuối năm 1946, trong một bức thư gửi Liên Hiệp quốc, Hồ Chí Minh đã bày tỏ quan hệ đối ngoại về kinh tế như sau: 

"Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực: 

a. Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình. 

b. Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế. 

c. Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hiệp quốc". 

Trong quan hệ kinh tế đối ngoại phục vụ cho sư nghiệp CNH, HĐH theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã nêu trên đây, phải chủ động hội nhập vào nền kinh tế thế giới nhưng kiên quyết giữ vững độc lập, tự chủ. Phải hợp tác trên tinh thần bình đẳng, cùng có lợi không can thiệp công việc nội bộ của nhau. Như vậy, chúng ta không hợp tác quốc tế, tạo ra nguồn lực bên ngoài bằng bất cứ giá nào. 

Trong tất cả các nguồn lực để phát triển đất nước nói chung và đối với sự nghiệp công nghiệp hóa XHCN nói riêng, Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh vai trò quyết định của nhân tố nguồn lực con người. Trước hết, phải phát huy nguồn lực con người, động viên toàn dân xây dựng đất nước, không ngừng tăng đầu tư cho phát triển. 

Nói đến nguồn lực con người, trong thời kỳ hiện nay, đất nước ta đang có thuận lợi và đồng thời lại có những khó khăn lớn. Cái khó khăn nhiều khi lại nằm trong cái thuận lợi. Chẳng hạn lực lượng lao động của nước ta đông, trẻ so với tỷ lệ dân cư. Đây là lợi thế của nước ta so với nhiều nước khác trên thế giới. Có thể coi đây là "tài nguyên" quan trọng bậc nhất của nước ta. 

Nhưng vấn đề đó sẽ trở thành "con dao hai lưỡi", sẽ trở thành một khó khăn lớn khi nguồn lực con người này có một chất lượng không bảo đảm yêu cầu cho sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH. Nói đến chất lượng nguồn lực này, phải kể đến các yếu tố sau đây: thể lực; sự giác ngộ chính trị; có tri thức cần thiết cho công việc của mình. Ba yếu tố trên đây là những yếu tố cơ bản trong việc xây dựng nguồn lực con người của CNH, HĐH đất nước. Điều này liên quan đến tất cả các ngành, các cấp trong việc đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục cũng như chăm 1o sức khỏe cho con người. Hồ Chí Minh coi trọng yếu tố con người mà cơ bản là đòi hỏi phải vừa có đức, vừa có tài, trên cơ sở đó có lúc Người cho rằng đức là gốc. 

- Trong sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH, một vấn đề cơ bản được đặt ra theo tư tưởng Hồ Chí Minh, là cơ cấu công - nông nghiệp. Hồ Chí Minh xác định nền kinh tế nước ta đi bằng hai chân: công nghiệp và nông nghiệp. Do vậy, trong CNH, HĐH, trước hết phải chú trong tới CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn. 

Từ một nước nông nghiệp lạc hậu đi lên CNXH, Hồ Chí Minh coi nông nghiệp là một cơ sở cho phát triển công nghiệp, đồng thời công nghiệp phải thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra ở các vùng khác nhau tùy theo điều kiện của từng vùng nhưng nhìn một cách tổng thể của cả nước vẫn là cơ cấu công - nông nghiệp. 

Thực hiện các Nghị quyết Đại hội VIII, IX trên vấn đề CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn là phải chú trọng phát triển nông nghiệp một cách toàn diện (hiểu nông nghiệp bao gồm cả nông - lâm - ngư nghiệp), hình thành các vùng chuyên canh tập trung để tạo ra nhiều hàng hóa có chất lượng cao, số lượng bảo đảm để cung ứng tốt cho nhu cầu thị trường trong nước và thị trường ngoài nước đồng thời đáp ứng tốt cho công nghiệp chế biến. Phát triển nông nghiệp toàn diện với chất lượng tốt cũng là để bảo đảm an toàn lương thực cho toàn xã hội, nhân tố bảo đảm cho chính sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. 

CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn còn yêu cầu phải thực hiện thủy lợi hóa, điện khí hóa, cơ giới hóa sinh học hóa, v.v... Coi trọng việc đưa tiến bộ khoa học vào nông nghiệp, trước hết là tạo giống, nguồn nguyên liệu lớn, chất lượng cao cho công nghiệp chế biến. Phát triển mạnh cơ sở chế biến nông - lâm - thủy sản và các cơ sở nông nghiệp vệ tinh cho công nghiệp ở thành thị. Phát triển các ngành, các làng nghề truyền thống. Coi trọng việc giải quyết nước sạch, phát triển các công trình điện, đường, trường, trạm ở nông thôn, tạo ra bộ mặt nông thôn mới khang trang, sạch đẹp, văn minh. 

Đồng thời với những nhiệm vụ trên đây, phải hoàn thành cơ bản việc giao đất khoán rừng cho hộ nông dân, điều chỉnh việc phân bổ vốn và huy động thêm nguồn vốn cho phát triển nông - lâm - ngư nghiệp và kinh tế nông thôn. Có chính sách khuyến khích và trợ giúp nông dân trong xây dựng kết cấu hạ tầng, chuyển giao công nghệ, giải quyết khó khăn về vốn, về giá cả vật tư nông nghiệp và hàng nông sản, về thị trường tiêu thụ nông sản v.v... 

- Thực hiện CNH, HĐH theo tư tưởng Hồ Chí Minh đòi hỏi phải đẩy mạnh việc xây dựng giai cấp công nhân. 

Hồ Chí Minh luôn luôn trăn trở đối với việc xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam. Một yêu cầu đặt ra hiện nay là phải nhanh chóng xây dựng giai cấp công nhân đông về số lượng, mạnh về chất lượng. 

Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp, tức là lực lượng sản xuất sẽ đạt trình dộ tương đối hiện đại, lao động sử dụng bằng máy móc sẽ thay thế phần lớn lao động thủ công, cơ bản thực hiện được điện khí hóa toàn quốc, năng suất lao động xã hội cao, GDP tăng từ 8 đến 10 lần so với năm 1990, công nghiệp và dịch vụ sẽ chiếm tỷ trọng rất lớn trong GDP và trong lao động xã hội thì số lượng giai cấp công nhân Việt Nam sẽ phải phát triển vượt bậc. 

Trong số lượng ngày càng tăng của giai cấp công nhân, cơ cấu sẽ rất da dạng, nằm trong tất cả các khu vực kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, liên doanh, kể cả trong nhưng công ty có vốn 100% của nước ngoài. Trước đây, trong các nước tư bản chủ nghĩa, CNH phải trải qua thời gian dài hàng trăm năm; vì thế cơ cấu giai cấp - xã hội cũng biến đổi một cách lâu dài. Còn với thời gian khoảng hơn 20 năm, ở nước ta, sự chuyển biến cơ cấu ấy là rất nhanh, vì vậy còn phải chú ý đến cả sự ổn định xã hội, nghĩa là nó phải được diễn ra theo tính tất yếu sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. 

Nhưng thời kỳ CNH, HĐH ở nước ta không chỉ làm cho giai cấp công nhân có sự tăng cường về số lượng và biến đổi về coư cấu giai cấp đó trong các khu vực kinh tế mà còn và chủ yếu là sự tăng cường chất lượng. Nói đến giai cấp công nhân để đảm nhận vai trò lãnh đạo cách mạng là nói đến giai cấp công nhân tiên tiến, nghĩa là công nhân của nền đại công nghiệp, hiểu theo nghĩa công nhân đã được giác ngộ sâu sắc về chính trị, về ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong đại công nghiệp và trình độ học vấn, trình độ tay nghề cao v.v.. Vì vậy, đây là một nhiệm vụ quan trọng, một yêu cầu nghiêm khắc đối với quá trình xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ CNH, HĐH. 

Trong việc xây dựng giai cấp công nhân, cần chú ý ở vấn đề nhận thức coi đó là một điều kiện rất cơ bản để xây dựng đảng, xây dựng chế độ XHCN và bảo đảm cho thắng lợi của sự nghiệp CNH, HĐH. Phải chú trọng nâng cao giác ngộ giai cấp, tinh thần yêu nước, tự lực tự cường và đặc biệt là nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp cho công nhân. Chú trọng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân. Phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, vai trò của các tập thể chính trị - xã hội, đặc biệt là vai trò của Công đoàn trong việc tập hợp, vận động công nhân xây dựng đất nước. 

Tạp chí Sinh hoạt lý luận, số 6/2001

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website