Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng dân quân du kích và chiến tranh du kích

Vũ Quang Hiền
Khoa lịch sử trường ĐHKHXH & NV

Những tư tưởng cách mạng và tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một di sản vô giá mà Người để lại cho Đảng, nhân dân và quân đội ta, trong đó tư tưởng về xây dựng lực lượng dân quân du kích (DQDK) và chiến tranh du kích (CTDK) là một trong những tư tưởng đã thâm nhập sâu sắc trong quần chúng và trở thành sức mạnh vật chất to lớn, đưa nhân dân ta đi đến thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh chống lại những tên đế quốc xâm lược lớn mạnh. 

1. Du kích là cách đánh giặc của dân tộc bị áp bức chống đế quốc 

Ngay từ khi đất nước ta bị chủ nghĩa thực dân Pháp thống trị, một vấn đề trọng đại được đặt ra cho dân tộc ta là làm thế nào một nước thuộc địa nửa phong kiến, đất không rộng, người không đông, kinh tế nghèo nàn, trình độ khoa học kỹ thuật lạc hậu, không có quân đội và vũ khí hiện đại, lại có thể đánh thắng được kẻ thù đế quốc hung bạo, có tiềm lực kinh tế và quân sự lớn mạnh, dựa trên một nền công nghiệp phát triển cao. 

Xuất phát từ lòng yêu nước thương dân, quyết chí giải phóng gông cùm nô lệ cho đồng bào, tiếp thu và phát triển lý luận cách mạng của thời đại, Hồ Chí Minh thấy được sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam. Người khẳng định: "chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước" và "phát động chủ nghĩa dân tộc" là "một chính sách mang tính hiện thực tuyệt vời"(1). Người đặt niềm tin ở truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc, "đó là một truyền thống quý báu của ta, từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước"(2). "Địch chiếm trời, địch chiếm đất, nhưng chúng không làm sao chiếm được lòng nồng nàn yêu nước của nhân dân ta"(3). Quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin coi sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Hồ Chí Minh tin tưởng ở sức mạnh vĩ đại và năng lực sáng tạo vô tận của quần chúng nhân dân. Sức mạnh của toàn dân vũ trang là một ưu thế tuyệt đối của chiến tranh nhân dân để đánh thắng chiến tranh xâm lược của mọi kẻ thù. Người khẳng định: 

"Cách mạng là việc chung của cả dân chúng"(4). "Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại nổi"(5). 

Hồ Chí Minh coi bạo lực cách mạng là bạo lực của quần chúng, vì thế phải giác ngộ và tổ chức quần chúng, dùng bạo lực cách mạng của quần chúng đập tan chính quyền đế quốc tay sai, giành chính quyền về tay nhân dân. Quan điểm khởi nghĩa và chiến tranh của Hồ Chí Minh là khởi nghĩa toàn dân, chiến tranh nhân dân. Năm 1924, trong một lần nói chuyện với hoạ sĩ Thụy Điển Êrich Giôhanxơn về việc giải phóng Việt Nam, Người nói "bằng cách khởi nghĩa vũ trang trong cả nước". "Người nói chuyện rất say sưa về tổ chức càng nhiều càng tốt những nhóm vũ trang của người nông dân và công nhân tại Việt Nam. Đó là những tế bào có thể hợp thành hạt nhân của cuộc khởi nghĩa mà Người tin chắc chắn sẽ nổ ra"(6). 

Tháng 1/1944 Hồ Chí Minh chỉ đạo, hướng dẫn một số đồng chí biên soạn bài giảng để đào tạo cán bộ, về sau in thành tác phẩm Con đường giải phóng. Tác phẩm chỉ rõ "du kích là một cách chiến tranh của dân chúng dùng khí giới ít và kém chống với đế quốc có khí giới tốt và nhiều"(7). CTDK là chiến tranh của nhân dân. Trong Bài ca du kích Người viết: 

Già nào, 

Trẻ nào. 

Lính nào, 

Da nào, 

Đàn ông nào, 

Đàn bà nào ! 

Kẻ có súng dùng súng, 

Kẻ có dao dùng dao, 

Kẻ có cuốc dùng cuốc, 

Kẻ có cào dùng cào, 

Thấy Tây cứ chém phứa 

Thấy Nhật cứ chặt nhào... (8) 

Đó là tư tưởng động viên toàn dân, vũ trang toàn dân. Già trẻ, gái trai, dân lính đều đánh giặc. 

"Chiến tranh ngày nay phức tạp và hết sức khó khăn, không dùng toàn lực của nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó không thể nào thắng được"(9). Hồ Chí Minh hết sức coi trọng vai trò của con người cầm vũ khí: "Không thể cậy vũ khí mà có thể quyết định được thắng lợi. Phải xem những người cầm vũ khí có phải là những chiến sĩ hăng hái đánh trận không"(10). Tự đặt câu hỏi "lý do nào đã sinh ra chiến tranh du kích", Hồ Chí Minh trả lời: "Trước hết là do chủ nghĩa yêu nước, tình cảm đối với Tổ quốc. Sau đó là lòng căm thù mạnh mẽ đối với bọn xâm lược dã man... Nhìn thấy cảnh nhà bị đốt cháy, ruộng vườn bị phá hoại, vợ bị hãm hiếp, cha mẹ bị giết chết, các con bị thiêu sống... Cảnh tượng đó không phải đã dồn nông dân Việt Nam tới một nỗi thất vọng tiêu cực, mà một ham muốn trả thù cho những người thân, tới lòng can đảm lẫm liệt trong chiến đấu(11). 

CTDK là một phương thức để phát động toàn dân chống quân xâm lược "Du kích tổ chức khéo thì toàn dân gái trai già trẻ, sĩ nông công thương, ai cũng có thể tham gia. Người thì lo đánh giặc, người thì lo tiếp tế, tình báo, liên lạc, tuyên truyền mọi người đều có dịp phụng sự Tổ quốc"(12). 

Lực lượng toàn dân được tổ chức và giác ngộ sẽ là sức mạnh to lớn đánh thắng kẻ thù xâm lược Toàn dân khởi nghĩa, toàn dân nổi dậy là nét đặc sắc của cách mạng tháng Tám dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chí Minh, thể hiện thiên tài quân sự Hồ Chí Minh. 

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, khi ta đã có lực lượng quân chính quy hơn 8 vạn người và có khả năng đánh vận động chiến, Hồ Chí Minh vẫn hết sức coi trọng CTDK. Đó là một trong hai hình thái cơ bản của chiến tranh nhân dân và giữ địa vị rất quan trọng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta. 

CTDK là biểu hiện sinh động và cụ thể của việc phát động toàn dân đánh giặc. Trong bài Chiến lược của quân ta và của quân Pháp (13-12- 1946), Người viết: "Về phương pháp tác chiến, chúng ta áp dụng vận động chiến song song với du kích chiến. Vận động chiến có mục đích trừ diệt một số lớn địch quân. Còn du kích chiến là huy động dân quân ở địa phương vừa quấy rối, vừa làm hao mòn lực lượng của chúng... Để thực hiện du kích chiến, chúng ta tổ chức ra đội cảm tử, đội phá hoại, đội đánh úp, đội đánh mai phục, đội cướp lương thực, súng đạn, đội trinh sát. Kế hoạch tiêu thổ vườn không nhà trống, kế hoạch bất hợp tác phải được đem áp dụng một cách triệt để. Trong thành phố, ngoài những hầm hố, những chướng ngại vật, chúng ta phải biến mỗi nhà thành một ổ kháng chiến, phải đo đường hầm thông từ phố nọ sang phố kia. Trên các ngả đường quan lộ đã đành đắp nhiều ụ đất làm chướng ngại vật, nhưng trên mạt đường còn phải đặt nhiều địa lôi, nhất là ở những chỗ có cầu cống... Chúng ta phải dùng đủ mọi phương pháp để cản trở quân địch, địch đến một chỗ nào cũng không thể tiến quân được. Để kháng chiến lâu dài, mỗi làng ngay từ bây giờ phải biến ra một thành luỹ kháng chiến" (13). 

Hồ Chí Minh chủ trương phát động toàn dân kháng chiến toàn diện, đánh giặc bằng mọi vũ khí có trong tay. Khi nói chuyện với các đại biểu thân sĩ, trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hoá (2 - 1947) Người chỉ rõ: "Nó dùng vũ khí tối tân thì ta đánh du kích"(14). 

Sau khi giặc Pháp tiến công ra ngoài Hà Nội, Hồ Chí Minh viết thư gửi đồng bào toàn quốc (5 - 3 - 1947): "Địch càng rải ra nhiều nơi thì lực lượng địch càng mỏng mảnh. Ta càng sẵn cơ hội mà đánh du kích để tiêu diệt nó dân dân, để đi đến thắng lợi cuối cùng (15). 

Trong quá trình chỉ đạo kháng chiến, Hồ Chí Minh luôn quan tâm phát triển CTDK ở vùng sau lưng địch, biến hậu phương của địch thành tiền phương của ta, thành những khu du kích và căn cứ du kích: 

"Chiến trường sau lưng địch phải mở rộng du kích chiến để tiêu diệt và tiêu hao những bộ phận nhỏ của địch, để chống địch càn quét bảo vệ tính mạng tài sản cho dân để khuấy rối, phá hoại, kiềm chế địch, tuyên truyền và giáo dục quần chúng những vùng đó, thu hẹp nguồn nguỵ binh của địch, mở rộng vùng du kích và căn cứ du kích của ta, đặng thành lập và củng cố những căn cứ kháng chiến sau lưng địch"(16). 

Hồ Chí Minh khẳng định: "Được tổ chức tốt, chiến tranh du kích là một sức mạnh không thể đánh bại chống bọn xâm lược nước ngoài"(17). 

CTDK có tác dụng chiến lược vô cùng to lớn trong việc tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận nhỏ quân địch, góp gió thành bão, gây cho địch những tổn thất và khó khăn nghiêm trọng; góp phần kiềm chế, phân tán lực lượng địch, làm địch bị bao vây, chia cắt ở khắp nơi, tạo ra thế chiến lược có lợi cho ta. "Cùng lúc bị tấn công ở sau lưng bởi chiến tranh du kích và ở ngoài mặt trận bởi quân đội nhân dân, thế là bọn xâm lược Pháp sẽ bị đánh bại"(18). 

Phát động CTDK là một phương thức đấu tranh có hiệu lực to lớn để động viên, tổ chức và rèn luyện quần chúng nhân dân trở thành những chiến sĩ kiên cường đánh giặc, giữ làng, bảo vệ đất nước. 

Địa vị và tác dụng của CTDK vô cùng to lớn. Đó là phương thức của quần chúng cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, để thực hành khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền cơ sở về tay nhân dân. Đó cũng là phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân, kết hợp CTDK với chiến tranh chính quy để đánh thắng chiến tranh xâm lược của đế quốc. 

2. Dân qnân du kích là một lực lượng chiến lược 

DQDK là lượng đông đảo nhất được vũ trang và có tổ chức ở cơ sở, không thoát ly sản xuất. Đó là lực lượng bám đất, bám dân, vừa đánh giặc, vừa cày ruộng, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa là quân, vừa là dân. Đó là lực lượng hùng hậu để bổ sung cho bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương. 

Tổ chức của du kích rất linh hoạt, rộng rãi. "ở các nơi gần thành phố, họ là những người công nhân; ở vùng nông thôn, họ là nhỡng người nông dân. Nhưng cũng có cả những thầy giáo, sinh viên, thương nhân và những người yêu nước khác". Ngoài những đơn vị gồm những người hăng hái, khỏe mạnh, còn có cả các đội "bạch đầu quân", nữ du kích, thiếu nhi du kích. "Các chiến sỹ du kích đều tin tưởng vào lực lượng to lớn của mình và có một niềm tin không lay chuyển vào thắng lợi cuối cùng. Họ không sợ các vũ khí chiến tranh hiện đại..."(19). Đó là một trong ba thứ quân của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, làm nòng cốt để phát động toàn dân đánh giặc. 

Trong Chỉ thị thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (22 - 12 - 1944) Hồ Chí Minh nêu rõ "Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân, cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện(20). Chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc Hồ Chí Minh đề ra một trong những Công việc khẩn cấp bây giờ là "Tổ chức du kích khắp nơi, tăng gia sản xuất khắp nơi"(21). 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân của ta đã hình thành trong kháng chiến chống Pháp, giải quyết yêu cầu tác chiến phân tán và tập trung, vừa có lực lượng cơ động chiến lược, vừa có lực lượng tại chỗ rộng khắp, thường xuyên chiến đấu giam chân, phân tán lực lượng địch, tạo điều kiện cho bộ đội đánh những trận lớn. "Chúng ta có ba lực lượng quân sự: Vệ quốc quân, bộ đội địa phương và dân quân đu kích: Vệ quốc quân phải lo đánh trận để tiêu diệt địch. Bộ đội địa phương phải phụ trách những trận vừa vừa và phải chuẩn bị chiến trường sẵn sàng khi Vệ quốc quân đánh những trận to ở địa phương mình. Dân quân du kích là một lực lượng rộng rãi, khắp cả nước. Xã nào, thôn nào cũng có dân quân du kích. Nó như một tấm lưới rộng mênh mông, bao trùm cả nước. Hễ giặc Pháp và Việt gian bước chân đến đâu là mắc phải lưới đó ngay"(22). 

DQDK cùng với những vũ khí thô sơ làm cho CTDK có một sức mạnh tiềm tàng vô tận, tạo khả năng tiêu hao, tiêu diệt địch ở khắp mọi nơi. Trong Lời tựa viết cho bản dịch cuốn Tỉnh uỷ bí mật của nhà văn Phêđổốp (của Liên Xô cũ) Hồ Chí Minh viết: "... du kích là một lực lượng cực kỳ to lớn trong chiến tranh giải phóng dân tộc. Sức du kích thật mạnh thì chiến tranh giải phóng nhất định thắng lợi. Tổ chức chặt chẽ và rộng khắp, trong vùng địch và xung quanh vùng địch, làng nào, huyện nào, tỉnh nào cũng có du kích thì nó trở thành một tấm lưới sắt, một thứ "thiên la, địa võng" mà địch không tài gì thoát ra được. Địch đi đến đâu cũng bị chặn đánh. Địch làm cái gì cũng bị phá hoại. Du kích làm cho địch có mắt cũng như mù, có tai cũng như điếc, có chân tay cũng như què. Một bộ phận địch thì bị du kích tỉa dần, tỉa mòn. Bộ phận địch còn sống sót thì ăn không yên, ngủ không yên, nghe gió thổi chim kêu cũng hoảng sợ, rồi cũng bị tiêu diệt nốt"(23). 

ở vùng tự do DQDK là lực lượng xung kích trong lao động sản xuất, "thực hành tự cấp tự túc bằng cách thiết thực, bằng cách tăng gia sản xuất"(24). DQDK là công cụ chuyên chính chủ yếu của chính quyền nhân dân ở cơ sở, đồng thời là lực lượng chiến đấu phối hợp và là nguồn bổ sung cho bộ đội. Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng những tổ chức dân quân du kích không thoát ly sản xuất. Những tổ chức dân quân du kích ấy chẳng những có thể phụ trách việc đàn áp bọn phản cách mạng, giữ gìn trị an trong làng xã bảo vệ lợi ích của quần chúng, đấu tranh với địch và phối hợp tác chiến với bộ đội chủ lực, mà lại có thể dùng để bổ sung bộ đội chủ lực"(25). 

DQDK là một trong các lực lượng xây dựng và bảo vệ hậu phương của ta. Trong mọi cuộc chiến tranh, hậu phương vững mạnh là một nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi. Địch luôn phá hoại hậu phương ta bằng mọi thủ đoạn. Lực lượng vũ trang ta phải chiến đấu bảo vệ hậu phương. Nhưng bộ đội chủ lực cần tập trung tác chiến, không thể dàn ra khắp mọi nơi. Vì thế DQDK và bộ độ địa phương là lực lượng quan trọng để xây dựng và bảo vệ hậu phương một cách có hiệu quả. 

Với một lực lượng nhỏ bé, DQDK có thể góp thắng lợi nhỏ thành thắng lợi lớn, làm tê liệt bộ máy ngụy quyền, biến hậu phương của địch thành tiền phương của ta, mở những cơ sở rộng lớn đến những khu vực tự do sau lưng địch. "Đội du kích trong lúc hoạt động đánh quân thù cần có vài nơi đứng chân làm cơ sở... đội du kích hoạt động phát triển nhiều thì chỗ cơ sở đầu tiên ấy có thể trở nên căn cứ địa vững vàng, nhất là sau khi đội du kích đuổi được giặc và thành lập chính quyền cách mạng trong địa phương"(26). 

"Khi du kích đã khá đông thì có căn cứ địa, nghĩa là một vùng khá rộng, hiểm trở, dân chúng tổ chức vững vàng, quân lính địch khó vào được. Du kích dùng nơi đó làm nơi đứng chắc chắn, tiến có thể đánh và phát triển được, lui có thể dứng và giữ gìn lực lượng được"(27). 

Căn cứ du kích là nơi đứng chân của lực lượng DQDK và lực lượng vũ trang nói chung, nhưng hoạt động CTDK lại là điều kiện để củng cố và mở rộng những căn cứ du kích trong vùng sau lưng địch. Trong báo cáo đọc tại Hội nghị lần thứ tư của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá 2) Hồ Chí Minh nêu rõ: "Chiến trường sau lưng địch phái mở rộng du kích chiến để tiêu diệt và tiêu hao những bộ phận nhỏ của địch; ... mở rộng vùng du kích và căn cứ du kích của ta, đặng thành lập những căn cứ du kích sau lưng địch"(28). 

Sức mạnh của toàn dân vũ trang là một ưu thế tuyệt đối của chiến tranh nhân dân để đánh bại chiến tranh xâm lược của mọi kẻ thù. DQDK giữ vai trò chiến lược quan trọng trong suốt quá trình đấu tranh vũ trang giành thắng lợi cho cách mạng, trong khởi nghĩa cũng như trong chiến tranh. Đúng như Hồ Chí Minh khẳng định: "Dân quân, tự vệ và du kích là một lực lượng của toàn dân tộc, là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận kẻ địch hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó thì địch nào cũng phải tan rã"(29). 

3. Xây dựng lực lượng dân quân du kích vững mạnh và triệt để sử dụng chiến thuật du kích 

Là một trong ba thứ quân của lực lượng vũ trang cách mạng, DQDK vừa là tổ chức quần chúng, vừa là tổ chức quân sự, nó sinh sổi nảy nở ngay trong lòng dân. Nhiệm vụ của DQDK trong thời chiến cũng như trong thời bình đều hết sức quan trọng, vì thế phải xây dựng lực lượng DQDK theo nguyên tắc vừa rộng rãi, vừa vững chắc. Hồ Chí Minh khẳng định điều kiện để đánh du kích thắng lợi là. "Phải có con đường chính trị đúng... phải dựa trên cơ sở quần chúng... phải có một lối đánh rất tài giỏi"(30). 

DQDK là tổ chức mang tính chất quần chúng rộng rãi, thu hút đông đảo quần chúng tham gia. "Ai là người dân Việt Nam khoẻ mạnh, muốn đánh Tây - Nhật, không sợ khó nhọc, nguy hiểm đều có thể thành một đội viên du kích"(31). 

DQDK phải đi đúng đường lối giai cấp của Đảng, có mục đích chính trị rõ ràng. "Quân du kích không có khí giới tốt, chưa thành quân đội đàng hoàng", nhưng con đường chính trị phải đúng đắn, phải nhằm đánh lại kẻ thù của dân tộc, nếu như "theo đuổi mục đích khác là không đúng"(32). Để giữ vững bản chất cách mạng của lực lượng vũ trang, DQDK phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng: "Du kích là binh lính cách mạng hoặc dân chúng, hoặc binh lính cách mạng và dân chúng do đoàn thể cách mạng lãnh đạo và tổ chức ra gồm những người hăng hái vì nước vì dân. Cũng có khi binh lính cách mạng hoặc dân chúng cách mạng tự tổ chức ra du kích rồi liên lạc với đoàn thể cách mạng, chịu đoàn thể ấy lãnh đạo"(33). 

Tổ chức du kích phải dựa trên cơ sở quần chúng. Muốn đánh du kích "cần phải có dân chúng tham gia và giúp sức. Du kích như cá, dân chúng như nước, cá không có nước thì cá chết, du kích không có dân thì du kích chết"(34). 

Trong thư gửi đội du kích Kim Thành (3 - 1948) Hồ Chí Minh căn dặn "Muốn giết địch, thắng địch thì phải có đồng bào giúp mọi mặt. Muốn được đồng bào vui lòng giúp thì phải giúp đỡ đồng bào, kính trọng đồng bào. Đó là con đường thắng lợi"(35). Tháng 1 năm 1949 Hồ Chí Minh viết thư gửi cán bộ dân quân trường Lê Bình khoá: "Muốn đánh thắng giặc phải dựa vào ai? Trước nhất và mọi việc phải dựa vào dân. Vậy mỗi cán bộ và mọi chiến sỹ dân quân du kích phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Hai là, phải tổ chức chặt chẽ, tập luyện hẳn hoi, chuẩn bị chu đáo hễ có giặc là đánh. Đánh khéo, đánh gan, đánh mạnh, đánh dai, đánh cho tan giặc"(36). 

Tại Hội nghị chiến tranh du kích (7 - 1952) Hồ Chí Minh căn dặn "Phải bám sát lấy dân, rời dân ra là nhất định thất bại. Bám lấy dân là làm sao cho được lòng dân, dân tin, dân mến, dân yêu. Như vậy thì bất kể việc gì khó cũng làm được cả và nhất định thắng lợi"(37). 

Để đánh thắng kẻ thù dân quân du kích phải có tổ chức chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh. "Phải đặc biệt chú ý tổ chức thật mạnh và nghiêm ngay trong vùng địch kiểm soát, vì tổ chức là lợi khí cốt yếu của chúng ta để đánh bại địch"(38). "Kỷ luật phải nghiêm như sắt, bao nhiêu hành động của quân du kích đều phải theo kỷ luật ấy, không ai được làm trái"(39). "Vệ quốc quân, dân quân du kích phải luôn luôn phát triển cái kỷ luật nghiêm như sắt, cái tinh thần vững như đồng, cái chí khí quật cường tất thắng, cái đạo đức: trí, dũng, liêm, trung của giải phóng quân"(40). 

DQDK là tổ chức quân sự nên cần có biên chế tổ chức chặt chẽ từ tiểu đội đến trung đội, đại đội, chi đội. 

Trong thư gửi Hội nghị dân quân toàn quốc (4 - 1948) Hồ Chí Minh nêu lên 7 nguyên tắc tổ chức và hoạt động của DQDK trong chiến tranh cách mạng: 

"1) Thiết thực tổ chức và thiết thực huấn luyện dân quân du kích từng làng, lấy dân quân du kích làng làm nền tảng; đồng thời phải kiện toàn các đội du kích thoát ly. 2) Làm cho mỗi đội viên hiểu rõ và tin tưởng vào lực lượng của ta, tin tưởng vào vũ khí thô sơ của ta. 3) Phối hợp thật chặt chẽ với Vệ quốc quân. 4) Làm cho mỗi đội viên hiểu rõ cái nhiệm vụ vẻ vang của họ. 5) Làm cho họ hiểu rõ chiến thuật du kích là: Phải luôn giữ quyền chủ động, phải tìm địch mà đánh, phải luôn khuấy rối phá hoại địch, phải cộng những thắng lợi nhỏ thành thắng lợi to. 6) Phải thực hành tự cấp, tự túc bằng cách thiết thực, bằng cách gia tăng sản xuất. 7) Phải thực hành những điều đó bằng cách thi đua"(41). 

Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng một lực lượng DQDK lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đi đôi với việc xây dựng về chính trị tư tưởng, phải xây dựng tổ chức thích hợp và chú ý vấn để trang bị. Phương hướng chung đề giải quyết vấn đề trang bị cho DQDK là phát triển vũ khí thô sơ. DQDK "sử dụng mọi loại vũ khí cổ truyền: chông tre, cung nỏ, lao, giáo mác, cuốc v.v.. và các vũ khí lấy được của kẻ thù"(42). "Du kích phải tạo điều kiện mà đánh địch. Cái gì đánh được giặc là phải dùng cả... Khi có dịp cần phải rèn giáo mác cho du kích"(43). 

Trong Báo cáo chính trị đọc tại Đại hội lần thứ hai của Đảng (2-1951) Hồ Chí Minh nêu rõ: "Phải phát triển và củng cố dân quân du kích về mọi mặt: tổ chức, huấn luyện, chỉ đạo và sức chiến đấu. Phải làm cho lực lượng của dân quân du kích thành những tấm lưới sắt rộng rãi và chắc chắn, chăng khắp mọi nơi, địch đến đâu là mắc lưới đến đó"(44). 

Đánh du kích phải quán triệt phương châm chiến lược đánh lâu dài. Hồ Chí Minh nêu rõ "kháng chiến phải trường kỳ, thì... du kích cũng phải trường kỳ"(45). "Mục đích của chiến thuật du kích giải thích theo nghĩa sâu rộng của nó là cốt để tiêu diệt hoàn toàn địch nhân, giành quyền độc lập cho dân tộc, xứ sở, nhưng ta giải thích theo nghĩa thấp hơn, eo hẹp hơn, thì nó cốt để: 

1. Khám phá sự bố trí công binh của bên địch, đôi khi biết cả mưu mô của bên địch nữa. 

2. Cướp đoạt khí giới, đạn dược, lương thực, thuốc men v.v... bên địch do hậu phương vận tải đến. 

3. Khiên chế (kiềm chế - TG) địch nhân và dụ địch nhân đi sâu vào nơi quân ta đã định. 

4. Đốt và phá huỷ các kho khí giới, đạn dược, nguyên liệu, binh công xưởng và các thứ phòng thủ của bên địch. 

5. Phá hoại các đường giao thông vận tải, các bóp gác, các điếm canh v.v... 

6. Dùng mỗi toán quân nhỏ đánh úp hoặc đánh đội quân lớn của bên địch. 

7. Mặc dầu đất đai của ta đã bị địch nhân chiếm giữ từ lâu, nhưng ta chớ bi quan, nhờ có tinh thần C.m. (cách mạng - TG) chiến đấu vô địch sẽ đánh thắng địch nhân, sẽ đánh đuổi quân địch ra khỏi bờ cõi. 

8. Dùng phương pháp đánh úp, mai phục, hoặc đánh chớp nhoáng thiệt mau làm cho quân địch hoảng khiếp, dao động, làm cho quân ta chiến thắng quân địch một cách dễ dàng"(46). 

"Du kích là đánh úp hay đánh lén, đánh lúc kẻ thù không ngờ, không phòng"(47). "Mục đích của du kích chiến cũng không phải là ăn to đánh lớn, mà phải tỉa dần, đánh làm cho nó ăn không ngon, ngủ không yên, không thở được, bị hao mòn về tinh thần và vật chất rồi đi đến chỗ bị tiêu diệt"(48). Du kích "đánh giặc chủ yếu là bằng mưu mẹo và sức bất ngờ. Nếu khi họ thấy chưa chắc thắng được kẻ địch thì họ chưa đánh"(49). "Phép đánh du kích có thể gồm trong mấy lời này: làm cho quân thù què đi, điếc đi, mù đi chết đói đi"(50). 

Trong tác phẩm Cách đánh du kích (1944) Hồ Chí Minh nêu lên các nguyên tắc: 

"Giữ quyền chủ động... 

Hết sức nhanh chóng... 

Bao giờ cũng giữ thế công... 

Phải có kế hoạch thích hợp và chu đáo..."(5l). 

Hô Chí Minh nêu lên 4 mưu mẹo lớn trong đánh du kích: "1) Tránh chỗ mạnh đánh chỗ yếu, náo phía đông đánh phía tây... 2) Tránh trận gay go, không sống chết giữ đất... 3) Hoá chỉnh vi linh (nghĩa là phân tán), hoá linh vi chỉnh (nghĩa là tập trung)... 4) Mình yên đánh quân thù động, mình khoẻ đánh quân thù mệt"(52). 

Hồ Chí Minh chỉ rõ "du kích là tiến công, mình bao giờ cũng nhằm quân thù đánh trước... 

Tuy vậy nhiều đội du kích vì tình thế buộc phải phòng ngự... nhưng lối phòng ngự này là phòng ngự thế công chứ không phải rút lui vào một chỗ để cho quân thù tha hồ đánh phá"(53). 

Đầu năm 1951 Hồ Chí Minh viết bài Đẩy mạnh chiến tranh du kích với bút danh Nguyễn Thao Lược. Người nêu nguyên tắc đánh giặc là "biết địch, biết ta, trăm trận trăm thắng". "Tinh thần binh sĩ giặc rất kém, giặc tập trung chỗ này thì sơ hở chỗ khác, ta nhằm đúng chỗ yếu của giặc mà đánh thì nhất định thắng". "Ta biết rõ giặc, giặc không rõ ta. Đi nhẹ không tăm, về lặng không tiếng, tiến nhanh như gió, thoái kín như đêm, phục giặc không biết, đánh giặc không ngờ"(54). 

Xây dựng lực lượng DQDK và phát triển CTDK góp phần tạo lực, lập thế, đánh địch bằng mưu mẹo, lấy ít thắng nhiều, khi thì "tránh chỗ mạnh đánh chỗ yếu, náo phía đông đánh phía tây", khi thì "dĩ dật đãi lao", lấy sức mạnh của lực lượng bố trí tại chỗ thắng cái mệt mỏi của địch từ xa đến. "Du kích là cách đánh giặc của dân tộc bị áp bức chống đế quốc", nhưng du kích không chỉ là "du" (đi để đánh) mà phải kiên trì bám đất, bám dân, bám địch mà đánh. CTDK phải tiến lên chiến tranh chính quy và kết hợp CTDK với chiến tranh chính quy, thực hiện quan điểm chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh thắng một cách toàn diện. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng DQDK và chiến tranh du kích là một trong những nội dung quan trọng của khoa học và nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại mới. 

Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc ngày nay đòi hỏi nhân dân ta phải tăng cường xây dựng kinh tế và củng cố quốc phòng. Để tập trung nguồn lực xây dựng kinh tế, chúng ta không thể duy trì quân đội thường trực quá đông, vì thế phải xây dựng lực lượng DQDK, dân quân tự vệ lớn mạnh làm nòng cốt của lực lượng hậu bị, sẵn sàng bổ sung cho quân thường trực khi cần thiết, đồng thời sẵn sàng làm nhiệm vụ tác chiến khi có chiến tranh. Đó là công cụ bảo vệ chính quyền nhân dân, giữ gìn trật tự an ninh, đóng vai trò xung kích trong lao động sản xuất trên từng địa bàn cơ sở. Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng DQDK vẫn là vấn đề có ý nghĩa chiến lược trong việc xây dựng một nền quốc phòng toàn dân hiện nay. 
(1) Chí Minh. Toàn tập, T1. Nxb Chính trị quốc gia (CTQG), HN 1995, tr. 466. 
(2) Hồ Chí Minh. Tuyển tập, T1. Nxb Sự thật, HN, 1980. tr. 484. 
(3) Hồ Chí Minh Biên niên những sự kiện và tư liệu về quân sự. Nxb Quân đội nhân dân (QĐND), HN, 1990, tr. 160. 
(4)(5) Hồ Chí Minh. Tuyển tập, T1. Sđd, tr. 233 và 247. 
(6) Hồ Chí Minh. Biên niên những sự kiện và tư liệu về quân sự. Sđd, tr. 19. 
(7) Sự nghiệp và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh. Nxb QĐND, Hà Nội, 1990, tr. 43. 
(8) Hồ Chí Minh. Toàn tập, T3. Nxb CTQG, HN, 1995, tr. 244. 
(9)(10) Hồ Chí Minh. Biên niên những sự kiện và tư liệu về quân sự. Sđd, tr.84 và 86. 
(11) Tạp chí Lịch sử Quân sự, Số 3, 1997, tr. 7. 
(12) Hồ Chí Minh. Toàn tập, T1. Sđd, tr. 335. 
(13) Hồ Chí Minh. Toàn tập, T4, Nxb CTQG, HN, 1995: tr. 475. 
(14)(15) Hồ Chí Minh. Toàn tập, T5. Nxb CTQG, HN. 1995. tr. 58 và 80. 
(16) Hồ Chí Minh. Toàn tập, T7. Nxb CTQG, HN, 1995, tr. 13. 
(17) (18) (19) Tạp chí Lịch sử Quân sự, Số 3, 1997, tr. 7, 13 và 8. 
(20) Hồ Chí Minh. Toàn tập, T3. Nxb CTQG, HN, 1995. tr. 507. 
(21) Hồ Chí Minh. Toàn tập, T4. Nxb CTQG, HN, 1995, tr. 434. 
(22) Hồ Chí Minh. Toàn tập, T5. Nxb CTQG, HN, 1995, tr. 127. 
(23) Hồ Chí Minh: Toàn tập, T1. Sđd, tr. 335. 
(24) Hồ Chí Minh. Biên niên những sự kiện và tư liệu về quân sự. Sđd, tr.108. 
(25) Hồ Chí Minh. Toàn lập, T7. Sđd, tr. 13. 
(26) Hồ Chí Minh. Toàn tập, T3. Sđd. tr. 504 
(27)(28) Hồ Chí Minh. Biên niên những sự kiện và tư liệu về quân sự. Sđd, tr. 44 và 145. 
(29) Hồ Chí Minh. Toàn tập, T5. Sđd, tr. 132, 
(30)(31)(32) Hồ Chí Minh. Toàn tập, T3. Sđd, tr. 469 và 472. 
(33) Hồ Chí Minh. Biên niên những sự kiện và tư liệu và quân sự. Sđd, tr.43. 
(34) Hồ Chí Minh. Toàn tập, T3. Sđd: tr.469. 
(35)(36) Hồ Chí Minh. Toàn tập, T5. Sđd, tr. 400 và 555. 
(37) Hồ Chí Minh. Toàn tập, T6. Nxb CTQG, HN, 1995, tr. 525. 
(38) Hồ Chí Minh. Toàn tập, T5. Sđd, tr. 325. 
(39) Hồ Chí Minh. Toàn tập, T3. Sđd, tr. 469. 
(40)(41) Hồ Chí Minh. Toàn tập. T5. Sđd, tr. 330 và 416. 
(42) Tạp chí Lịch sử Quân sự, Số 3, 1997. tr. 8. 
(43) Đầu nguồn. Văn học, Hà Nội, 1975, tr. 337. 
(44)(45) Hồ Chí Minh. Toàn tập, T6. Sđd. tr. 171 và 523. 
(46)(47) Hồ Chí Minh. Toàn tập, T3. Sđd, tr, 249 và 469. 
(48) Hồ Chí Minh, Toàn tập, T6. Sđd, tr. 525. 
(49) Hồ Chí Minh. Toàn tập, T3. Sđd, tr. 108. 
(50) Hồ chí Minh. Biên niên những sự kiện và tư liệu và quân sự. Sđd, tr.44. 
(51)(52)(53) Hồ Chí Minh. Toàn tập, T3. Sđd, tr. 473 và 491. 
(54) Hồ Chí Minh. Biên niên những sự kiện và tư liệu về quân sự. Sđd, tr. 127.

Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 3 (310)/2000 của Trung tâm KHXH và NVQG

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website