Đi tìm nét tương đồng, điểm quy tụ của toàn dân tộc trong tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh

TS. Bùi Đình Phong

Chủ đề Đại hội IX của Đảng là phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đại hội khẳng định: "Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức do Đảng lãnh đạo, kết hợp hài hòa cả lợi ích cá nhân, tập thể xã hội, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế, của toàn xã hội". Đó là một bước đột phá trong tư duy lý luận của Đảng. Nó không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm hiện tại mà còn có giá trị to lớn, sâu xa trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam từ nay về sau. 

Muốn thực hiện đại đoàn kết toàn dân, điều quan trọng là phải phát hiện được những nét tương đồng, điểm quy tụ thay vì khoét sâu sự cách biệt, không ngừng bồi đắp những yếu tố đó, đem lại cho nó sức mạnh mới, nguồn sinh khí mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta những bài học quý giá, bổ ích, mà đến hôm nay và mai sau vẫn là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam, soi đường cho việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. 

Một là, phát huy sức mạnh cộng đồng dân tộc trên cơ sở một cái nôi chung, cùng một dòng dõi tổ tiên, tự hào về nòi giống Tiên Rồng. 

Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, điều mà Bác Hồ quan tâm trước hết và thường xuyên là giáo dục cho mọi người hiểu rằng, tất cả chúng ta đều là con cháu Hồng - Bàng, con Lạc cháu Hồng, con Rồng cháu Tiên. Nói tới điểm này là Người nhắc nhở tới gốc tích nước nhà, cội nguồn dân tộc. Dân tộc nào trên thế giới cũng có lịch sử của dân tộc mình. Và nhắc tới lịch sử dân tộc là trở về nguồn, trở về cái thiêng liêng nhất của mỗi dân tộc, đó cũng là cội nguồn của sức mạnh. 

Nhưng với dân tộc Việt Nam, khi bàn về cội nguồn dân tộc, ta thấy rõ nét đặc thù, không giống nhiều dân tộc khác trên thế giới. Tính đặc thù của cội nguồn dân tộc thể hiện ở chỗ nhân dân yêu mến cái nôi chung, tự hào về nòi giống Tiên Rồng của mình. Bởi thế cho nên, như Bác Hồ truyền lại, chỉ có dân tộc ta mới biết dùng hai tiếng "đồng bào" với đúng nghĩa chân thực và sâu xa của nó. "Đồng bào" - hai tiếng thiêng liêng đó nảy nở từ rất sớm và được khắc sâu trong tâm trí con người mà hơn nghìn năm đô hộ của Hán Đường không sao xóa nhòa được. "Đồng bào" chính là một nét tiêu biểu của một nền văn hóa thống nhất trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Có nơi nào trên thế giới như dân tộc Việt Nam cùng thờ một đức vua chung là Vua Hùng có công dựng nước: Dù ai đi ngược về xuôi, Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba. 

Dân gian có câu: 

Con người có tổ có tông 
Như cây có cội, như sông có nguồn 

Từ chiều sâu việc nghiên cứu truyền thống văn hóa dân tộc, Bác Hồ dạy: 

Dân ta phải biết sử ta 
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam 
Kể năm hơn bốn ngàn năm 
Tổ tiên rực rỡ anh em thuận hòa 
Hồng Bàng là tổ nước ta 
Nước ta lúc đó gọi là Văn Lang 

Từ khi về nước cùng Đảng ta lãnh đạo cách mạng và kháng chiến, trong tất cả các bức thư, lời kêu gọi, Bác Hồ đều mở đầu bằng một câu có hai chữ "đồng bào", như "kính gửi đồng bào yêu quý"... Đây không phải là sự ngẫu nhiên mà hoàn toàn có cơ sở và chủ đích. Người khơi dậy nét tương đồng sâu xa về văn hóa của con người và dântộc Việt Nam. Giáo sư Trần Văn Giàu cho rằng " Thư kêu gọi khởi nghĩa của Nguyễn ái Quốc thì rõ ràng là chú trọng hết sức đúng mức đến vai trò của "toàn quốc đồng bào", rằng "giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta". 

Hai là, dân ta đã có một lòng nồng nàn yêu nước 

Yêu nước là tư tưởng và tình cảm phổ quát của nhân dân các quốc gia dân tộc trên thế giới. Nhưng tùy theo điều kiện tự nhiên và hoàn cảnh lịch sử cụ thể, tinh thần yêu nước của mỗi quốc gia dân tộc mang nội dung đặc điểm không giống nhau. Đối với người Việt Nam chúng ta, chủ nghĩa yêu nước là sản phẩm tinh thần cao qúy nhất của dân tộc Việt Nam, là tư tưởng và tình cảm thiêng liêng giữ vị trí chuẩn mực cao nhất của đạo lý làm người Việt Nam và đứng đầu bậc thang giá trị dân tộc. Tinh thần đó đã phát huy sức mạnh vô biên của nó trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, là mẫu số chung, điểm quy tụ, một động lực nội sinh của cộng đồng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng đất nước. 

Bác Hồ từ lúc ra đi tìm đường cứu nước đã chuẩn bị sẵn trong hành trang của mình những yếu tố có trọng lượng nhất, đó là lòng yêu nước và thương dân sâu sắc. Người không chỉ chuẩn bị cho mình mà trang bị cho cả dân tộc các thứ của qúy đó. Từ lúc tìm được lý luận cách mạng của thời đại là chủ nghĩa Mác-Lênin, Người đã nâng cao lòng yêu nước, thương nòi của đồng bào lên một trình độ mới, một chất mới, đồng thời thường xuyên giáo dục mỗi con Hồng cháu Lạc phải biết nuôi dưỡng lòng yêu nước để thực hiện sứ mệnh giải phóng dân tộc. Có người vì chủ nghĩa yêu nước là chiếc gậy thần của Nguyễn ái Quốc trong cuộc hành trình vạn dặm tìm đường cứu nước. Chủ nghĩa yêu nước là chất keo kết dính mấy mươi triệu con Rồng cháu Tiên, tạo nên sức mạnh toàn dân tộc thực hiện nhiệm vụ đánh đế quốc, giành độc lập dân tộc. 

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng nhớ lại trong những lần gặp Bác. Người dặn: "Không nên chỉ hô hào thợ thuyền, dân cày chung chung. Không nên nói vô sản một cách cứng nhắc, Trước mắt chúng ta là phải đánh đổ thực dân Pháp, giải phóng dân tộc. Cho nên phải khơi lòng yêu nước của mọi người".(1) 

Đúng là phải khơi lòng yêu nước của mọi người và của mỗi người. Bởi vì trong quan niệm của Bác, đã là người Việt Nam, chỉ trừ lũ Việt gian bán nước, ác qủy ma tà, còn lại ít nhiều đều có lòng yêu nước. Nếu ta biết nhen nhóm đốm than hồng thì sẽ bùng lên ngọn lửa, cháy rực lên biển lửa, quét sạch giặc ngọai xâm. Đây là bài học của lịch sử, là sức mạnh của hiện tại, là bệ phóng cho tương lai. Bác Hồ tổng kết: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống qúy báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước".(2) 

Nhận thức đầy đủ tinh thần yêu nước như một thứ của qúy, là cái lẽ sinh tồn cảu dân tộc, sợi dây kết nối toàn dân tộc, Bác Hồ xác định "bổ phận của chúng ta là làm cho những của qúy kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến".(3) 

Ba là, chúng ta có cái thù chung là bọn cướp nước, có nguyện vọng chung là quyền lợi giải phóng dân tộc cao hơn hết thảy. 

Đại đoàn kết theo quan điểm của Bác Hồ, vừa phải có nền gốc bao gồm công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác, vừa phải rộng rãi. Nhưng rộng rãi trên cơ sở nào? Cùng với cái nôi chung, tự hào về nòi giống Tiên Rồng của mình với một tư tưởng yêu nước đậm đà, để đoàn kết được rộng rãi, phải thấy rằng đã là người Việt Nam yêu nước thì đều có cái thù chung là bọn cướp nước. Vì vậy theo quan điểm của Bác "dù có cái thù hiềm riêng cũng phải bỏ hết. Bỏ thù riêng để trả thù chung, đó là thực hiện đoàn kết rộng rãi và giành thắng lợi". 

Cái hạt nhân hợp lý trong quan điểm của Bác Hồ chính là ở chỗ trên cơ sở nắm vững những vấn đề có tính nguyên tắc, phương pháp luận trong học thuyết Mác-Lênin, nhuần nhuyễn quan điểm giai cấp công nhân, Người hiểu rất rõ thực tế Việt Nam. Không nghiên cứu công việc thực tế, kinh nghiệm thực tế, chỉ đơn thuần lý luận hoặc đơn thuần lý luận đấu tranh giai cấp thì sẽ không bao giờ có Mặt trận dân tộc thống nhất đoàn kết rộng rãi đúng nghĩa ở Việt Nam. Bác viết: "Nghe người ta nói giai cấp đấu tranh, mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh, mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng".(4) 

Từ khi nước ta trở thành thuộc địa Pháp, trên cơ sở phân tích cấu trúc kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của giai cấp, tầng lớp trong xã hội Việt Nam, Bác Hồ đã chỉ ra ở nước ta tồn tại hai mâu thuẫn giữa giai cấp nông dân Việt Nam với giai cấp địa chủ phong kiến, trong đó mẫu thuẫn thứ nhất vừa cơ bản, vừa chủ yếu. Toàn thể dân tộc Việt Nam phải bền lòng, đồng minh - ra sức đánh thực dân cướp nước, giải phóng dân tộc. 

Cách nhìn nhận và phân tích có tính khoa học, hợp lý hợp tình đó, là cơ sở để Bác Hồ mạnh dạn phê phán quan điểm giai cấp đơn thuần, cứng nhắc, không phân biệt rõ đâu là vấn đề xuất thân, đâu là lập trường giai cấp công nhân. Mà nếu không xác định và phân biệt rõ điều này thì cũng không bao giờ có thể đoàn kết được rộng rãi theo tinh thần "ai có tài, có đức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ". Bác viết: "Địa chủ cũng có đôi người làm cách mạng... Họ tuy là người trong giai cấp công nhân.. Vấn đề xuất thân có quan hệ thật, nhưng nếu xuất thân là địa chủ mà đứng về phía nông dân, thì không phải là địa chủ nữa".(5) 

Đó chính là chủ nghĩa Mác-Lênin được vận dụng đúng đắn vào thực tế Việt Nam. Bởi vì chủ nghĩa Mác-Lênin dạy chúng ta rằng: muốn làm cách mạng thắng lợi thì phải phân biệt rõ ai là bạn ai là thù, phải thực hiện thêm bầu bạn, bớt kẻ thù. Chủ nghĩa Mác-Lênin còn dạy chúng ta rằng: trong khi dựa vào lý luận chung, những người cộng sản phương Đông phải thích ứng với những điều kiện riêng biệt mà các nước châu Âu không có. Bác Hồ đã khai thác triệt để và hoàn toàn hợp lý quan điểm này trong khi triển khai chiến lược đại đoàn kết. Người cho rằng cuộc đấu tranh giai cấp ở các nước phương Tây. Và chủ nghĩa dân tộc là động lực của đất nước. Chủ nghĩa dân tộc nói ở đây là chủ nghĩa dân tộc chân chính. Mà đã là chủ nghĩa dân tộc chân chính thì nó là một bộ phận và nhất định sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế. Và như vậy không chỉ đơn thuần là đoàn kết trong phạm vi dân tộc, mà còn mở rộng ra phạm vi quốc tế. 

Nói tóm lại, để thực hiện được chiến lược đại đoàn kết, trước hết là đoàn kết dân tộc, với ý nghĩa vừa là nhân vừa là quả của công tác dân vận, thời nào cũng vậy, phải tìm được mẫu số chung của toàn dân tộc. Mẫu số chung này không nằm ở đâu xa mà hiện hữu trong sự thống nhất với tính đa dạng của nền văn hóa dân tộc. Nước ta có 54 dân tộc anh em, nhưng do sự gắn bó lâu đời trong một quốc gia thống nhất, do yêu cầu chống thiên tai, chống ngoại xâm và do sự giao lưu hội nhập văn hóa, cả cộng đồng dân tộc Việt Nam vẫn có mẫu số chung của một nền văn hóa thống nhất, một ý thức chung về đại nghĩa dân tộc, về vận mạng cộng đồng. Trước đây, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, mẫu số chung đó là quyết giành cho kỳ được độc lập tự do, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập tự do, xây dựng một nước dân chủ và giàu mạnh. Ngày nay, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh và lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, Đảng ta khẳng định: "Phát huy sức mạnh của cả cộng đồng dân tộc, truyền thống yêu nước, ý chí tự lực tự cường và lòng tự hào dân tộc, lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng; tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, giai cấp, thành phần, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, hướng tới tương lai".(6) 

Tạp chí Dân vận, số 5/2002

1 Nguyễn Lương Bằng:Những lần gặp Bác, trong tập hồi ký Đầu nguồn, NXB Văn học, Hà Nội, 1975, tr.25. 
2 Hồ Chí Minh. Toàn tập NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t.6, tr. 171. 
3 Hồ Chí Minh. Toàn tập , sđd, t.6, tr.172. 
4 Hồ Chí Minh. Toàn tập , sđd, t.5, tr.272. 
5 Hồ Chí Minh. Toàn tập , sđd, t.7, tr.26. 
6 Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.123-124.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới

(ĐCSVN) - Ngày 23/5/2024, đồng chí Lương Cường đã ký ban hành Quy định 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

(ĐCSVN) - Ngày 9/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website