TS. Nguyễn Thị Kim Dung
Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng ta và nhân dân ta một di sản tư tưởng vô cùng to lớn. Trong đó tư tưởng về kinh tế và quản lý kinh tế thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, trong thời kỳ công nghiệp hoá được thể hiện qua những bài nói, bài viết ngắn gọn và dễ hiểu. Đó là sự vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, những quy luật kinh tế khách quan, những kinh nghiệm của các nước vào điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam. Tư tưởng về kinh tế và quản lý kinh tế của Người không những đã chỉ dẫn cho Đảng ta trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách kinh tế cụ thể trong những thời kỳ trước đây, mà trong tình tình hiện nay nó vẫn giữ nguyên giá trị, khi Đảng ta đặt vấn đề phải đổi mới tư duy kinh tế nhằm giải quyết tốt hơn những vấn đề kinh tế - xã hội trong chặng đường trước mắt và để giành thắng lợi ngày càng lớn hơn trong sự nghiệp công nghiệp hoá đất nước.
Một trong những nội dung quan trọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập tới đó là về vị trí và vai trò của thương nghiệp trong nền kinh tế quốc dân. Theo Người, thương nghiệp là cái cầu nối giữa công nghiệp và nông nghiệp; là sợi dây để thắt chặt và củng cố khối liên minh công nông. Người nói: "trong nền kinh tế quốc dân có ba mặt quan trọng: nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp. Ba mặt công tác quan hệ mật thiết với nhau. Thương nghiệp là cái khâu giữa nông nghiệp và công nghiệp... Nếu khâu thương nghiệp bị đứt thì không liên kết được nông nghiệp với công nghiệp, không củng cố được công nông liên minh. Công tác thương nghiệp không chạy thì hoạt động nông nghiệp, công nghiệp sẽ bị rời rạc"1.
Khi bàn về thương nghiệp, C.Mác đã từng khẳng định vai trò to lớn của nó trong đời sống xã hội, rằng: "Việc bành trướng đột ngột của thương nghiệp và việc mở rộng ra một thị trường thế giới đã ảnh hưởng rất lớn tới sự suy sụp của phương thức sản xuất cũ... Chính sự thống trị của thương nghiệp gắn liền với cái ưu thế ít nhiều to lớn của những tồn tại của đại công nghiệp"2. Theo C.Mác, thương nghiệp chẳng những trực tiếp tạo nên bước phát triển mới trong quá trình phân công lao động của xã hội, mà còn là một trong những nhân tố cấu thành những cơ sở tồn tại và phát triển của nền sản xuất xã hội, thúc đẩy tiến trình phát triển của lịch sử loài người.
Ngay từ những nǎm 20 của thế kỷ này, khi còn bôn ba ở nước ngoài tìm con đường cứu nước, cứu dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm tới vấn đề thương nghiệp của nước nhà. Dưới ngòi bút sắc sảo của mình, Người đã phẫn nộ tố cáo, bóc trần tất cả những mánh khoé, thủ đoạn thâm độc của lũ con buôn thực dân trong "hoạt động thương nghiệp". Chỉ nhằm trục lợi, bọn tư bản đã bóc lột người dân bản xứ bằng độc quyền buôn bán và đầu độc nhân dân ta bằng chính những hàng hoá mà chúng độc quyền. Người viết: "Lúc ấy cứ một nghìn làng thì có đến một nghìn nǎm trǎm đại láy bán lẻ rượu và thuốc phiện... hằng nǎm người ta cũng đã tọng từ 23 đến 24 triệu lít rượu cho 12 triệu người bản xứ, kể cả đàn và trẻ con"3. Bằng một hệ thống đại lý dầy đặc ấy, "mỗi nǎm chính quyền Pháp ở thuộc địa đã bán cho dân An Nam gồm 20 triệu người, trên 400 triệu đô la thuốc phiện"4. Thế chưa đủ, bọn thực dân đầu sỏ còn khuyến khích, dung túng và hô hào bọn tay chân ở bản xứ vào con đường doanh nghiệp bất lương. Đây là những lời mà Ngài Toàn quyền Đông Dương lúc đó gửi cho viên Công sứ ở Đông Dương: "Tôi trân trọng yêu cầu ông vui lòng giúp đỡ những cố gắng của nhà thương chính trong việc đặt thêm đại lý bán lẻ thuốc phiện và rượu... Để tiến hành việc đó, tôi xin gửi ông một bản danh sách những đại lý cần đặt trong các xã kê tên... ông có thể dùng ảnh hưởng to tát của ông để làm cho một số tiểu thương người bản xứ thấy rằng buôn thêm rượu và thuốc phiện là rất có lợi"5.
Những bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thức tỉnh mọi người dân Việt Nam hiểu được rằng: mất nước, mất độc lập tự do thì không thể có một nền thương nghiệp độc lập, tự chủ.
Cùng với việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn để tâm quan sát tìm tòi, học hỏi, tổng kết kinh nghiệm những hình thức hoạt động thương nghiệp của nhiều nước trên thế giới mà Người có dịp đi qua. Trong bài Hợp tác xã (1927), Người đã bước đầu nêu lên vị trí, vai trò và chức nǎng của ngành thương nghiệp trong đời sống xã hội, đồng thời cũng khái quát một số nét cơ bản về các hình thức tổ chức thương nghiệp sao cho phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân 6.
Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước độc lập, dân tộc được tự do. Nhưng không bao lâu, nhân dân ta lại đứng trước một tình thế thù trong giặc ngoài vô cùng khó khǎn hiểm nghèo. Điều kiện đó chưa cho phép chúng ta tổ chức ngay một nền thương nghiệp mới, chính quy. Song Đảng và Nhà nước ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giành nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu, ban bố kịp thời hàng loạt sắc lệnh, sắc luật nhằm chỉ đạo, hướng dẫn mọi hoạt động của thương nghiệp, đáp ứng yêu cầu của cách mạng.
Trong những nǎm kháng chiến và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, mặc dù bận trǎm công ngàn việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đối với ngành thương nghiệp. Về chức nǎng và nhiệm vụ của ngành thương nghiệp, Người nói: "Thương nghiệp làm nhiệm vụ đưa hàng hoá công nghiệp về bán cho nông dân, rồi lại mua các thứ nông sản về cho nhà máy. Thương nghiệp phải cố gắng làm việc đó cho tốt, phải bảo đảm chất lượng hàng hoá và có tinh thần phục vụ người mua"7. Người cán bộ thương nghiệp cần phải "nâng cao hơn nữa tinh thần phục vụ nhân dân, phục vụ sản xuất. Mua những thứ đã khuyết khích đồng bào bán, bán những thứ đồng bào cần mua"8.
Chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt không chỉ ở chỗ tư liệu sản xuất thuộc về ai, mà còn ở chỗ phân phối như thế nào. Phân phối tốt sẽ tạo tiền đề vật chất cho tái sản xuất mở rộng, tạo niềm phấn khởi sản xuất của những người lao động. Thương nghiệp ở nước ta không khi làm chức nǎng lưu thông, phân phối hàng hoá, không chỉ nhằm phục vụ đời sống nhân dân, phục vụ tiêu dùng, mà còn nhằm phục vụ đắc lực cho sản xuất. Nếu ngành thương nghiệp không có biện pháp quản lý và phân phối hàng hoá hợp lý, đúng đối tượng thì sẽ tạo ra sự mất cân đối giả tạo giữa cung và cầu. Trong công tác lưu thông, phân phối hàng hoá, vấn đề công bằng trong phân phối được Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý đặc biệt. Người nói: "Sản xuất được nhiều, đồng thời phải chú ý phân phối cho công bằng. Có khi vật tư, hàng hoá không thiếu, mà phân phối không đúng, thì gây ra cǎng thẳng không cần thiết"9. Người cũng luôn nhắc nhở các cán bộ ngành thương nghiệp để làm tốt nhiệm vụ của mình trong công tác lưu thông phân phối, có hai điểm quan trọng phải luôn luôn nhớ, đó là: - "Không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng, - Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên"10.
Về phương thức phục vụ của ngành thương nghiệp, việc tổ chức mua, bán hàng cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rất rõ ràng, cụ thể. "Ngành thương nghiệp phải mua bán công bằng, chớ nên ép cấp, ép giá"11. Để góp phần ổn định thị trường, phục vụ tốt nhất đời sống của nhân dân, thì ngành thương nghiệp phải tổ chức mua, bán hàng một cách hợp lý, "người ta cần thứ gì, bán thứ đó, người mua chỉ cần mua phân bón, lại bắt mua cả vôi kèm theo thì không được"12, "thuận mua vừa bán, chứ không được gò ép người mua hàng"13. "Việc mua bán ấy phải có hợp đồng... phải bảo đảm làm đúng hợp đồng"14. "Mua bán phải theo giá cả thích đáng... Giá cả phải bảo đảm cho Nhà nước, hợp tác xã và xã viên cùng có lợi để xay dựng nước nhà"15. Nǎm 1952, trong Thư gửi đồng chí Trần Đǎng Ninh (Cục trưởng Cục Cung cấp), Người nhắc nhở Cục Cung cấp về việc mua lợn con gửi cho dân nuôi, đến khi lợi to thì Cục chia cho dân một nửa thịt, hoặc chiểu theo giá cho mà trả cho dân một nửa số tiền"16. Quan điểm trên đây cho thấy, Hồ Chí Minh đòi hỏi phải lấy giá thị trường xã hội để tính toán, chứ không nên áp đặt một thứ giá để người sản xuất phải chịu thiệt.
Trong một số bài nói, bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích sâu sắc những nguyên nhân gây ra những việc làm chưa đúng, những thái độ phục vụ chưa tốt của một số cán bộ, nhân viên trong ngành thương nghiệp và yêu cầu mọi người phải quyết tâm sửa chữa. Người chân tình nhắc nhở anh chị em, "Đảng và Chính phủ dạy ta phải kính trọng nhân dân. Đảng, Chính phủ và nhân dân không thể tha thứ cho những thái độ kinh miệt nhân dân, không thể tha thứ những việc dối trá với nhân dân"17. Chính vì vậy, trong sự nghiệp công nghiệp hoá, ngành thương nghiệp cần có một đội ngũ cán bộ "vừa hồng vừa chuyên". Bởi, hoạt động thương nghiệp là một công tác khó khǎn và phức tạp, nó đòi hỏi người cán bộ trong ngành chẳng những phải có nhiệt tình cách mạng và tinh thần trách nhiệm, mà còn phải có trình độ nghiệp vụ chuyên môn vững vàng. Lênin nói: "Vấn đề là ở chỗ, một người cộng sản có trách nhiệm, một người cộng sản ưu tú nhất, rõ ràng là trung thành và tận tuỵ... nhưng không biết buôn bán, vì người cộng sản dó không phải là một nhà doanh nghiệp... Người cộng sản đó và nhà cách mạng đó phải học tập những người bán hàng tầm thường... phải học tập buôn bán, bắt đầu từ a, b, c..."18.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở những cán bộ nhân viên trong ngành thương nghiệp phải tích cực học tập vǎn hoá, nghiệp vụ cho mình giỏi; phải thi đua, giúp đỡ lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm cho nhau để không ngừng tiến bộ. Trong Thư gửi Hội nghị mậu dịch, Người viết, "Cán bộ từ trên xuống dưới phải thấm nhuần chính sách mậu dịch, đồng tâm nhất trí thì mới làm tròn nhiệm vụ kinh doanh của mình, mới giúp đỡ tư nhân kinh doanh, để ổn định vật giá, thúc đẩy sản xuất và bảo đảm cung cấp"19. Các cán bộ thương nghiệp phải nắm vững và làm đúng chính sách, phải biết tuyên truyền, giải thích, dựa vào các tổ chức địa phương, tính toán thế nào cho Nhà nước và nhân dân cùng có lợi"20.
Người cán bộ thương nghiệp "vừa hồng vừa chuyên" là người cán bộ không chỉ có trình độ vǎn hoá và nghiệp vụ giỏi mà còn phải có tư cách đạo đức tốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng cho anh chị em, Người nói: "Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu"21. "Cán bộ mậu dịch nắm nhiều tiền bạc và hàng hoá trong tay rất dễ hủ hoá, cho nên mọi người phải ngày ngày trau dồi đức tính, cần, kiệm, liêm, chính"22. Đứng trước cái ranh giới mỏng manh giữa cái tốt và cái xấu, chỉ một phút dao động, không vững vàng trước cán dỗ của đồng tiền, của vật chất, con người rất dễ bị sa ngã, sa sút về đạo đức, dễ sa vào con đường phạm tội. "Nếu không giữ được thói quan tiết kiệm thì sẽ tham ǎn ngon, tham mua các thứ xa hoa. Lương không đủ thì sẽ lấy ở đâu? Lúc ấy chỉ có hai cách: một là ǎn cắp của Chính phủ; hai là bị tiền mua chuộc"23. Người cǎn dặn: Người cán bộ thương nghiệp muốn giữ vững chân cách, tránh khỏi hủ hoá thì phải luôn luôn thực hành 4 chữ mà Bác thường nói. Đó: Cần, Kiệm, Liêm, Chính"24.
Đối với đội ngũ mậu dịch viên - những người đại diện cho ngành thương nghiệp thực hiện khâu cuối cùng của lưu thông hàng hoá, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải là người nhiệt tình với công việc, phải khiêm tốn, lễ phép với khách hàng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân. Bởi vì "chế độ ta là chế độ dân chủ. Tức nhân dân làm chủ. Tức là cán bộ và nhân viên từ cấp trên đến cấp dưới đều là đầy tớ của nhân dân, đều phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân... Đối với khách hàng, các cô phải có thái độ khiêm tốn, lễ phép, thật thà, phải có tinh thần trách nhiệm đối với của công và đối với lợi ích của nhân dân"25.
Những lời dậy bảo mộc mạc nhưng hết sức chân tình ấy của Người đã giúp cho bao lớn cán bộ, nhân viên thương nghiệp đứng vững trên trận tuyến của mình, làm tốt công tác phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, luôn là người có ích cho xã hội, và cho đến nay vẫn là tấm gương để mọi người chúng ta soi chung.
Để ngành thương nghiệp làm tốt vai trò và nhiệm vụ của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các cấp, các ngành phải quan tâm và có trách nhiệm giúp đỡ, phối hợp hoạt động với ngành thương nghiệp. Đối với các cơ quan lãnh đạo, Người yêu cầu "các cấp uỷ đảng phải lãnh đạo chặt chẽ hơn nữa ngành thương nghiệp"261. Các cán bộ phụ trách ở các cấp phải làm tốt công tác giáo dục tư tưởng, tinh thần trách nhiệm cho cán bộ nhân viên, phải kiểm tra thường xuyên, nghiêm túc, phải coi đó là công việc hàng ngày. Có như vậy, ngành thương nghiệp mới có thể đáp ứng nhiều nhất cho sự nghiệp công nghiệp hoá. Đối với các cơ sở sản xuất, Người yêu cầu người sản xuất phải nâng cao chất lượng hàng hoá, phải bảo đảm chất lượng sản phẩm khi giao cho thương nghiệp để đưa vào phục vụ tốt nhất đời sống nhân dân."Phải thi hành nghiêm chỉnh kỷ luật: làm hỏng thì làm lại.Phải có chế độ: mỗi xí nghiệp, mỗi hợp tác xã phải bảo đảm chất lượng những sản phẩm của mình"27. "Người sản xuất phải thực thà sản xuất, những hàng hoá bán cho nhân dân từ cái nhỏ đến cái to đều phải bảo đảm chất lượng"28, "không nên làm hàng trưng bày thì tốt mà hàng bán thì xấu"29, như vậy thì "lừa dối người mua". "Sản xuất phải thiết thực, đúng hướng, chú ý làm ra nhiều loại hàng cần dùng cho đông đảo nhân dân với phương châm nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Hàng làm ra nhanh và nhiều nhưng không tốt và rẻ thì không ai mua gây lãng phí cho Nhà nước, cho nhân dân"30.
Các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân phải tích cực "hợp sức lại để chặn bàn tay của bọn đầu cơ", vì bọn này "vừa làm cho chính quyền vất vả, vừa làm cho nhân dân thiệt thòi"31. Phải dùng mọi biện pháp từ phê bình, giáo dục đến việc nghiêm trị theo pháp luật, không để cho bọn bất lương làm những điều "ích kỷ hại nhân".
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, các cấp, các ngành và toàn dân có làm tốt những điều trên thì mới tạo điều kiện cho ngành thương nghiệp ngày càng phát triển, góp phần vào công tác quản lý kinh tế, quản lý xã hội tốt hơn, để thương nghiệp thực sự trở thành tấm gương phản chiếu thực trạng nền kinh tế của một xã hội, trình độ vǎn minh của một đất nước.
Gần 50 nǎm qua, kể từ ngày được thành lập 32, ngành thương nghiệp đã hoàn thành tốt nhiệm vụ to lớn mà Đảng và nhân dân giao phó. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thương nghiệp nước ta đã đạt được những thành tích to lớn trong việc phục vụ sản xuất, chiến đấu và đang nỗ lực vươn lên để xứng đáng với vai trò và nhiệm vụ của mình.
Trong công cuộc đổi mới hiện nay, trung thành và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong thương mại đã bắt kịp với sự chuyển biến của đất nước, tỏ rõ vai trò là một ngành mũi nhọn và đã có những đóng góp xứng đáng vào tiến trình đổi mới. Với bản lĩnh và trí tuệ, nhanh nhạy và kịp thời, ngành thương mại đã tham gia có hiệu quả vào quá trình hình thành và phát huy tác dụng của nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời cũng làm sáng tỏ đường lối đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, đối ngoại theo tinh thần Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trên thế giới.
NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.8, tr.174.
2. C.Mác - ǎngghen - V.I.Lênin: Bàn về các xã hội tiểu tư sản, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1975, tr.222-223.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.2, tr.36.
4. Sđd, t.1, tr.209-210.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.2, tr.35.
6. Xem Sđd, tr.313.
7,8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.10, tr.619-620, 335-336..
9, 10. Sđd, t.12, tr.185.
11. Sđd, t.10, tr.450.
12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.10, tr.620.
13. Hai thái độ, Báo Nhân dân, số 3097, ngày 17-91962.
14, 15. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.10, tr.414.
16. Thư gửi đồng chí Trần Đǎng Ninh nǎm 1952, Báo Nhân dân, số 113067, ngày 16-6-1961.
17. Một lòng một dạ phục vụ nhân dân, Báo Nhân dân, số 2496, ngày 18-1-1961.
18. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.45, tr.98-99.
19. Thư gửi mậu dịch (20-9-1951). Tài liệu lưu tại Phòng Lưu trữ Bộ Thương Mại.
20. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.10, tr.4.
21. Sđd, t.7, tr.346.
22. Thư gửi mậu dịch, Sđd.
23, 24. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.7, tr.346,347.
25. Một lòng một dạ phục vụ nhân dân, Báo Nhân dân, số 2496, ngày 21-1-1961.
26. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.10, tr.450.
27. Phải nâng cao chất lượng hàng hoá, Báo Nhân dân, số 3176, ngày 5-12-1962.
28,29,30. Hai thái độ, Báo Nhân dân, số 3097, ngày 17-9-1962.
31. Thôi đừng "ích kỷ hại nhân", Báo Nhân dân, số 324, ngày 19-1-1955.
32. Ngành Thương nghiệp được thành lập nǎm 1951 (theo Sắc lệnh số 22, ngày 14-5-1951, thành lập Sở Mậu dịch, một cơ quan kinh doanh trọng Bộ Công thương), nay thuộc Bộ Thương mại (T.G).