TS. Nguyễn Khánh Bật
Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ tối cao của Đảng và của dân tộc, đồng thời cũng là nhà ngoại giao kiệt xuất để lại cho chúng ta tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh với những mẫu mực sáng ngời, mãi mãi soi sáng hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Chính tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là cơ sở mang tính nền tảng để Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng luôn luôn kết hợp chặt chẽ sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác là một bài học kinh nghiệm lớn của cách mạng nước ta.
Khi đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, vấn đề kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, mở rộng hợp tác quốc tế, trước hết là về kinh tế càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Vǎn kiện Đại hội kiến quốc thứ VIII của Đảng viết: "Công cuộc đổi mới của nhân dân ta ngày nay phù hợp với ta thế phát triển của thời đại, được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân ta các nước. Đi đôi với phát huy cao độ ý chí tự lực tự cường động viên mọi nguồn lực bên trong, cần khai thác tốt những điều kiện thuận lợi mới trong quan hệ đối ngoại, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước vì hoà bình, độc lập và phát triển, tạo môi trường quốc tế thuận lợi và tranh thủ những nhân tố tích cực phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước"1. Điều này cho thấy trong tình hình hiện nay việc nghiên cứu quan điểm Hồ Chí Minh về hợp tác quốc tế, đặc biệt là quan điểm hợp tác quốc tế trong quá trình công nghiệp hoá đất nước càng mang tính thời sự.
Là danh nhân vǎn hoá, Hồ Chí Minh nhận rõ ý nghĩa của việc mở rộng quan hệ quốc tế đối với mỗi quốc gia và sự phát triển chung của toàn nhân loại. Theo Hồ Chí Minh, sức mạnh của mỗi quốc gia, dân tộc không chỉ phụ thuộc vào con người, tài nguyên, vị trí, truyền thống của nước ấy, mà một phần quan trọng tuỳ thuộc vào các mối liên kết quốc tế. Cách đây 80 nǎm, nǎm 1919, ngay khi còn chưa trở thành người cộng sản đang bôn ba tìm đường cứu nước. Hồ Chí Minh đã viết: "Xét về nguyên tắc, tiến bộ chung phụ thuộc vào việc phát triển chủ nghĩa quốc tế; và vǎn minh chỉ có lợi khi các quan hệ quốc tế được mở rộng và tǎng cường"2.
Với quan điểm đúng đắn nêu trên, từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã xác định Việt Nam là một bộ phận của thế giới, những hoạt động của Việt Nam có muôn ngàn sợi dây liên hệ, gắn bó chặt chẽ với thế giới bên ngoài. Chính vì vậy, trong khi khẳng định công cuộc giải phóng ở Việt Nam phải là sự nghiệp của người Việt Nam, phải "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta, Hồ Chí Minh vẫn luôn nhấn mạnh cách mạng Việt Nam không thể thắng lợi hoàn toàn nếu thiếu sự ủng hộ giúp đỡ quốc tế. Từ thực tiễn lãnh đạo chỉ đạo cách mạng Việt Nam không thể thắng lợi hoàn toàn nếu thiếu sự ủng hộ giúp đỡ quốc tế. Từ thực tiễn lãnh đạo chỉ đạo cách mạng, Hồ Chí Minh chỉ rõ mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều do Đảng Cộng sản có đường lối đúng đắn, sáng tạo lãnh đạo cả dân tộc kết thành một khối, trong mặt trận dân tộc thống nhất, sự nghiệp cách mạng của Việt Nam luôn được nhân dân thế giới đồng tình, ủng hộ. Hồ Chí Minh kết luận: "Đó là ba bài học lớn mà mỗi cán bộ và đảng viên ta cần ghi sâu vào lòng và phát huy thêm mãi"3.
Quan điểm đó được quán triệt, vận dụng suốt cả quá trình cách mạng Việt Nam, không chỉ trong đấu tranh giành chính quyền, trong cách mạng giải phóng dân tộc mà cả trong xây dựng đất nước, công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa.
Ngay sau khi giành được chính quyền, khi nhiệm vụ xây dựng đất nước được đặt ra, Hồ Chí Minh nghĩ ngay đến việc thiết lập, mở rộng những quan hệ quốc tế về kinh tế vǎn hoá.
Ngày 1-11-1945, Hồ Chí Minh gửi thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ GiêmBiếcnơ. Có thể nói, bức thư như là một sáng kiến ngoại giao nhân dân vì lúc này hai nước Việt - Mỹ chưa có quan hệ ngoại giao chính thức. Trong thư Hồ Chí Minh viết: Nhân danh Hội vǎn hoá Việt Nam, tôi xin được bày tỏ nguyện vọng của Hội, được gửi một phái đoàn khoảng nǎm mươi thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ vǎn hoá thân thiết với thanh niên Mỹ và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác!4 Hồ Chí Minh nói rõ thêm trí thức Việt Nam quan tâm sâu sắc đến các vấn đề của nước Mỹ và những thành tựu kỹ thuật hiện đại của Mỹ có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với họ. Bức thư cho thấy tầm nhìn xa, trông rộng của Hồ Chí Minh về sự cần thiết phải có liên kết kinh tế, vǎn hoá, khoa học - kỹ thuật trong xây dựng đất nước. Tất nhiên trong điều kiện lúc bấy giờ phía Mỹ đã không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Hồ Chí Minh. Có thể coi đây là một cơ hội đã bị phía Mỹ bỏ qua trong quan hệ giữa hai nước. Điều đáng lưu ý là vào thời điểm cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp lần thứ hai sắp nổ ra. Hồ Chí Minh vẫn gửi thư tới Liên Hợp quốc và bầy tỏ chính sách hợp tác kinh tế quốc tế của mình. Bức thư có đoạn: "Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực:
a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình.
b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế.
c) Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên Hợp quốc.
d) Nước Việt Nam sẵn sàng ký kết với các lực lượng hải quân, lục quân trong khuôn khổ của Liên Hợp quốc những hiệp định an ninh đặc biệt và những hiệp ước liên quan đến việc sử dụng một vài cǎn cứ hải quân và không quân"5. Lúc ấy, Liên Hợp quốc dưới sự thao túng của Mỹ, nên quan điểm hợp tác kinh tế quốc tế tiến bộ, khá toàn diện của Hồ Chí Minh nêu lên đã không được chấp nhận.
Trong chín nǎm kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), quan điểm hợp tác kinh tế quốc tế của Hồ Chí Minh nhằm phục vụ cho sự nghiệp kiến quốc không có điều kiện để thực hiện.
Với chiến thắng thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ, hoà bình lập lại trên phạm vi nửa nước, vấn đề hợp tác kinh tế quốc tế để công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa được đặt ra trên miền Bắc Việt Nam.
Là một nhà chiến lược thiên tài, nên ngay từ nǎm 1953, trong tác phẩm Thường thức chính trị, Hồ Chí Minh đã nêu lên nhiều luận điểm đặt cơ sở vững chắc để đưa đất nước bước vào thời kỳ mới. Trong phần Chính sách kinh tế của Đảng và Chính phủ, Hồ Chí Minh đề cập 4 chính sách kinh tế mấu chốt: công tư đều lợi, chủ thợ đều lợi, công nông giúp nhau và lưu thông trong ngoài. Theo Hồ Chí Minh chính sách thứ tư, "lưu thông trong ngoài" có nghĩa là: "Ta ra sức khai lâm thổ sản để bán cho các nước bạn và để mua những thứ ta cần dùng. Các nước bạn mua những thứ ta đưa ra và bán cho ta những hàng hoá ta chưa chế tạo được. Đó là chính sách mậu dịch, giúp đỡ lẫn nhau rất có lợi cho kinh tế ta"61. Như để nhấn mạnh thêm tính đúng đắn của 4 chính sách này, trong Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nǎm 1954, Hồ Chí Minh chỉ rõ về kinh tế chúng ta phải thực hiện chính sách công và tư đều được chú ý, thợ và chủ đều có lợi, thành thị và nông thôn giúp đỡ lẫn nhau, lưu thông trong ngoài để phục vụ và phát triển sản xuất làm cho kinh tế phồn thịnh, làm cho đời sống nhân dân dồi dào hơn.
Trong Lời kêu gọi này, Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của nhân tố quốc tế. Xác định vị trí, vai trò của nhân tố quốc tế trong 9 nǎm kháng chiến và hướng tới thời kỳ xây dựng, Hồ Chí Minh vạch rõ tinh thần quốc tế là vô cùng quý báu, tinh thần ấy đã khuyến khích, động viên giúp đỡ chúng ta trong sự nghiệp xây dựng hoà bình lâu dài.
Quan điểm Hồ Chí Minh về hợp tác quốc tế trong quá trình công nghiệp xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam khá toàn diện, sâu sắc. Có nêu lên một số quan điểm cơ bản sau:
I- Tính tất yếu, sự cần thiết của hợp tác quốc tế trong quá trình công nghiệp hoá
Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đều khẳng định tính tất yếu của công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, một nước Việt Nam vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, kinh tế lạc hậu, lại bị chiến tranh tàn phá, tiến lên chủ nghĩa xã hội "không qua con đường phát triển tư bản chủ nghĩa" đi vào công nghiệp hoá, chắc chắn không giống các nước phương Tây và khác cả so với nước Nga sau Cách mạng Tháng Mười 1917. Cái mà Việt Nam thiếu thốn nhất khi bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội là cơ sở vật chất kỹ thuật, là một nền đại công nghiệp cơ khí. Việt Nam không thể tự mình khắc phục được tất cả những thiếu thốn ấy. Vào những nǎm 50 và 60 công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta luôn luôn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ rộng rãi của các lực lượng hoà bình, độc lập dân chủ, tiến bộ trên thế giới, trước hết là từ các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc. Trong thời gian này các lực lượng hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới coi việc ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong đó có sự giúp đỡ, ủng hộ để công nghiệp hoá là trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Hồ Chí Minh đã xem xét tính tất yếu, sự cần thiết của hợp tác quốc tế trong quá trình công nghiệp hoá ở Việt Nam từ hai phía: phía Việt Nam và phía cộng đồng quốc tế. Hồ Chí Minh viết: Công nghiệp của chúng ta còn lạc hậu, nhờ có sự giúp đỡ vô tư của các nước anh em, trước hết là Liên Xô và Trung Quốc, công nghiệp của chúng ta đang phát triển.
Theo Hồ Chí Minh, công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ. Hồ Chí Minh vạch rõ rằng trong suốt quá trình đó, ngoài những nguồn lực từ trong nước, Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Ngày 18-11-1954, khi các nhà báo hỏi, bằng cách nào để Việt Nam xây dựng lại nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá và nâng cao đời sống nhân dân lao động, Hồ Chí Minh trả lời: "Với sự cố gắng của chúng tôi và sự giúp đỡ anh em của các nước bạn"7. Điều cần chú ý thêm là trong tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta, ngay từ đầu khi đề cập vấn đề hợp tác quốc tế để xây dựng đất nước nói chung, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá nói riêng, chúng ta không chỉ hướng tới các nước xã hội chủ nghĩa. Điều đó đã được Hồ Chí Minh nói đến trong ... gửi Liên hợp quốc tháng 12-1946. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ bảy (khoá III) tháng 4-1962 về nhiệm vụ và phương hướng xây dựng và phát triển công nghiệp, đã nhấn mạnh: Cần tǎng cường hợp tác quốc tế để tiếp thu sớm những thành tựu mới nhất về khoa học kỹ thuật của các nước xã hội chủ nghĩa và các nước khác. Với Hồ Chí Minh, làm bạn với tất cả các nước, trong cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân cũng như khi đi vào công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa đều phải tranh thủ nguyên tắc: "Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẵn sàng đặt mọi quan hệ thân thiện hợp tác với bất cứ một nước nào trên nguyên tắc: tôn trọng sự hoàn chỉnh về chủ quyền và lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau không can thiệp nội trị của nhau, bình đẳng cùng có lợi và chung sống hoà bình"8. Quan điểm trên đây của Hồ Chí Minh đến nay vẫn giữ nguyên giá trị.
II- Tác dụng chủ yếu của hợp tác quốc tế đối với sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Hồ Chí Minh xem xét sự hợp tác giúp đỡ của các nước bạn và tác động tích cực do sự hợp tác giúp đỡ ấy đưa lại từ nhiều bình diện.
Trước hết, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta và sự hợp tác ủng hộ, giúp đỡ quốc tế có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Hồ Chí Minh chỉ rõ phong trào hoà bình dân chủ ngày càng mạnh mẽ để giúp chúng ta mau thắng lợi, chúng ta thắng lợi sẽ góp một phần xứng đáng vào phong trào hoà bình dân chủ ở châu á và trên thế giới. Chính vì vậy mà mỗi dịp đi thǎm các nước anh em, Hồ Chí Minh đều cảm nhận một cách rõ rệt tình nghĩa quốc tế nồng nàn. Người kể lại: Chúng tôi đi đến đâu cũng có hàng ngàn, hàng vạn người chào mừng vỗ tay, hoan hô. Cho đến các trẻ em cũng nhiệt liệt hô khẩu hiệu: "Nhân dân Việt Nam anh dũng muôn nǎm". Chính sự cổ vũ động viên ấy làm cho nhân dân Việt Nam thêm phấn khởi, tin tưởng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, sự nghiệp công nghiệp hoá nói riêng.
Từ nhận thức về sự đúng đắn trong đường lối của Đảng ta và đóng góp to lớn của Việt Nam vào quá trình hoà bình, tiến bộ trên thế giới, từ sự động viên, cổ vũ về tinh thần, cộng đồng quốc tế đi đến hợp tác, giúp đỡ Việt Nam xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa.
Theo Hồ Chí Minh, tác dụng của việc hợp tác, giúp đỡ quốc tế đối với sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc Việt Nam là to lớn. Trong một số tác phẩm, bài nói, bài viết, Người đề cập tới tác dụng của sự hợp tác, giúp đỡ ấy được thể hiện từ số tiền, số thiết bị cụ thể, đến việc hình thành các nhà máy, các khu công nghiệp. Đặc biệt, Hồ Chí Minh nói tới khu gang thép Thái Nguyên như là thành tựu điển hình về kết quả của sự hợp tác giúp đỡ quốc tế trong quá trình công nghiệp hoá ở Việt Nam. Hồ Chí Minh cho rằng từ một vùng đồi núi hoang vu biến thành một khu công nghiệp lớn, gang thép Thái Nguyên là sản phẩm sự cố gắng của toàn Đảng, toàn dân Việt Nam và sự hợp tác, giúp đỡ của Đảng Cộng sản nhân dân Trung Quốc anh em. Đó cũng là biểu hiện của công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa9.
Sự hợp tác về cơ sở vật chất, các trang thiết bị tất yếu gắn liền với sự xuất hiện các chuyên gia nước ngoài ở Việt Nam. Hồ Chí Minh rất quan tâm và luôn nhắc nhở chúng ta là, thông qua hợp tác, giúp đỡ quốc tế, người Việt Nam cần học hỏi và tiếp thu những kinh nghiệm quý báu mà bạn bè đã tích luỹ được từ quá trình công nghiệp hoá ở nước họ. Việt Nam đi vào công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa trong khi ở nhiều nước vấn đề này đã được giải quyết. Vì vậy, chúng ta cần chú ý học tập kinh nghiệm dồi dào của cá nước anh em.
Với Hồ Chí Minh, kinh nghiệm của các nước anh em không phải là một cái gì trừu tượng khó hiểu, khó hình dung, ngược lại, đó là những điều cụ thể, có thể nhìn thấy, có thể học tập được. Hồ Chí Minh là người hiểu rõ và đã được chứng kiến những khó khǎn vất vả của Liên Xô trong thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người chỉ rõ "kinh nghiệm Liên Xô đã bảo cho chúng ta biết cần phải ra sức tǎng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, để nâng cao dần đời sống của nhân dân, do đó mà lãnh đạo nhân dân đấu tranh thống nhất nước nhà và xây dựng chủ nghĩa xã hội"10.
Với kinh nghiệp của Trung Quốc anh em, sản xuất đi đôi với thực hành tiết kiện. Qua đó Người nhắc nhở: "Chúng ta phải học kinh nghiệm của anh em Trung Quốc, thi đua với anh em Trung Quốc, theo kịp anh em Trung Quốc. Trước đó, nǎm 1956, Hồ Chí Minh đã nói, trong cải tạo tư sản ta có thể làm như Trung Quốc: không thúc ép, cưỡng bức mà giáo dục thuyết phục họ chung vốn với Nhà nước.
Hồ Chí Minh đánh giá cao những kinh nghiệm được đúc rút từ quá trình công nghiệp hoá của các nước. Người luôn đòi hỏi chúng ta phải coi trọng việc học tập, vận dụng những kinh nghiệm đó. Mặc khác, Hồ Chí Minh cũng phê phán bệnh giáo đều, rập khuôn máy móc, không chú ý đến những đặc điểm riêng của Việt Nam. Người chỉ rõ Việt Nam và Liên Xô đều là nước xã hội chủ nghĩa, đều tiến hành công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, chúng ta cần học kinh nghiệm của Liên Xô. Tuy vật, Hồ Chí Minh cho rằng: "Ta không thể giống Liên Xô vì Liên Xô có phong tục, tập quán khác, có lịch sử, địa lý khác". Do đó "ta có thể đi theo con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội". Đặc biệt trong phiên họp Bộ Chính trị ngày 10-12-1954, bàn về đề án khôi phục kinh tế, Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Nếu muốn công nghiệp hoá gấp thì chủ quan. Cho nên trong kế hoạch phải tǎng tiến nông nghiệp. Làm trái với Liên Xô, đó cũng là mác xít. Trung Quốc phát triển cả công nghiệp nặng, nhẹ, đồng thời cả nông nghiệp. Ta cho nông nghiệp là quan trọng và ưu tiên, rồi tiến đến thủ công nghiệp, sau mới đến công nghiệp nặng"11.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Hồ Chí Minh đánh giá cao việc học hỏi kinh nghiệm Trung Quốc. Tuy nhiên đòi hỏi phải có sự cân nhắc, lựa chọn, nhất là trên lĩnh vực tổ chức. Ngày 17-1-1959 khi phóng viên hãng thông tấn Mỹ UPI đặt câu hỏi: "Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có định thành lập "công xã nhân dân" như ở nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa không?", Hồ Chí Minh trả lời: "Trước mắt, chúng tôi không định tổ chức "công xã nhân dân". Chúng tôi có kế hoạch hợp tác hoá nông thôn, tǎng gia sản xuất và cải thiện hơn nữa đời sống của nhân dân"12. Chủ trương đúng đắn này đã giúp chúng ta không mắc phải những thiếu sót, sai lầm trong quá trình hợp tác hoá nông nghiệp.
Những dẫn chứng trên đây cho thấy, Hồ Chí Minh luôn đặt cho mọi người và bản thân mình nhiệm vụ tiếp thu kinh nghiệm các nước, trong đó có kinh nghiệm về công nghiệp hoá một cách chọn lọc, sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện Việt Nam. Như vậy theo tư tưởng Hồ Chí Minh, sự hợp tác giúp đỡ quốc tế trong quá trình công nghiệp hoá chẳng những mang lại cho chúng ta máy móc, kỹ thuật, nhiều thứ cần thiết khác mà còn giúp cho về tinh thần, kinh nghiệm và tác phong. Chính những tác động tích cực nhiều mặt đó đã chứng tỏ hợp tác quốc tế là một những những nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá ở Việt Nam.
III- Phát huy cao độ tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường đi đôi với mở rộng, tǎng cường hợp tác quốc tế trong quá trình công nghiệp hoá
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, sự tồn tại, phát triển của nước nhà tuỳ thuộc vào tài nǎng, trí tuệ, truyền thống, vị trí Việt Nam (ngày nay chúng ta gọi là nội lực) và sự hợp tác giúp đỡ quốc tế. Hồ Chí Minh thường xuyên chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa hai yếu tố đó và xác định đúng đắn vai trò, vị trí của mỗi nhân tố trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, trong thời kỳ công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa nói riêng, trên cơ sở trung thành, vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Một luận điểm nhất quán được Mác, Ǎngghen đề cập đến trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và sau này các ông nhiều lần nhắc lại, rõ nhất là trong Điều lệ tạm thời của Hội liên hiệp công nhân quốc tế, nǎm 1864: "Sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân phải do bản thân giai cấp công nhân tự giành lấy". Vận dụng sáng tạo nguyên lý ấy vào thuộc địa, ngay từ nǎm 1925. Hồ Chí Minh đã viết trong Tuyên ngôn của Hội liên hiệp thuộc địa: "Vận dụng công thức của Các Mác, chúng tôi xin nói với anh em rằng công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng nỗ lực của bản thân anh em" . Với tinh thần đó, tháng 8-1945 khi thời cơ chín muồi, Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân Việt Nam vùng dậy "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta". Tiếp đó phương châm của cuộc kháng chiến 9 nǎm chống thực dân Pháp do Hồ Chí Minh vạch ra là: toàn dân, toàn diện lâu dài và dựa vào sức mình là chính.
Khi hoà bình được thiết lập trên phạm vi nửa nước, miền Bắc bước vào thời kỳ công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Trước đây, nhân dân ta đã nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, trường kỳ kháng chiến, thì ngày nay chúng ta càng phải nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng nước nhà. Ngay trong buổi báo cáo kết quả to lớn chuyến đi thǎm Liên Xô và Trung Quốc, ngày 23-7-1953, Hồ Chí Minh đánh giá cao hiệu quả hợp tác giúp đỡ của hai nước này nhưng Người vẫn khẳng định: "Cũng như trong thời kỳ kháng chiến, phương châm của chúng ta hiện nay là: tự lực cánh sinh là chính, việc các nước bạn giúp ta là phụ"13.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nội lực và hợp tác giúp đỡ quốc tế đều là những nhân tố quyết định tạo nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Điều này không có nghĩa là hai nhân tố ấy giữ vị trí như nhau, bằng nhau. Hồ Chí Minh chỉ rõ: Dân tộc ta phải mạnh, đất nước ta phải mạnh, công việc ngoại giao phải bắt đầu từ đó. Do đó chúng ta lo tìm bạn bè nhưng trước hết phải lo tổ chức lực lượng của mình. Theo Hồ Chí Minh, các nước bạn hợp tác giúp đỡ ta cũng như thêm vốn cho ta, ta phải khéo dùng cái vốn ấy để bồi bổ lực lượng của ta, phát triển khả nǎng của ta, nhân dân và cán bộ ta tuyệt đối không được ỷ lại, trông chờ. Hồ Chí Minh đã từng nói rằng: Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập. Cần lưu ý rằng, khi đề cập đến hai nhân tố sự cố gắng trong nước và sự hợp tác với nước ngoài, Hồ Chí Minh bao giờ cũng đặt nhân tố nội lực lên trên. Tổng kết nguyên nhân thắng lợi của ba nǎm khôi phục kinh tế (1955 - 1957), Hồ Chí Minh viết: Do sự cố gắng của toàn Đảng và toàn dân, nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của các nước anh em, đến cuối nǎm 1957 nhiệm vụ ấy đã cǎn bản hoàn thành thắng lợi". Ngày 14-7-1969, phóng viên báo Gramma (Cu Ba) hỏi: Sức mạnh của nhân dân Việt Nam là ở chỗ nào? Hồ Chí Minh khẳng định: ở sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam và ở sự ủng hộ của nhân dân thế giới.
Càng ngày chúng tôi càng nhận thức đầy đủ, toàn diện hơn mối quan hệ giữa nguồn lực trong nước với hợp tác quốc tế, trong đó nội lực giữ vai trò quyết định. Trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh trong những nǎm đổi mới, Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam trong tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn đều rất coi trọng phát huy cả hai nhân tố, chú trọng đặc biệt khai thác, phát huy nội lực, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương (khoá VIII) nhận định: Nhân tố quyết định làm nên những thành tựu là sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, nhân tố quan trọng là sự hợp tác và giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Lê Khả Phiêu khẳng định: "Chúng ta nhận mạnh phải lấy nội lực là chính, không có nghĩa là chúng tôi đóng cửa hay coi nhẹ nguồn lực bên ngoài. Ta phát huy mạnh mẽ nguồn lực trong nước cũng chính là để sử dụng tốt hơn, hiệu quả hơn nguồn lực từ bên ngoài. Đồng thời có chính sách thu hút tốt các nguồn lực từ bên ngoài thì sẽ phát huy tốt hơn, có hiệu quả hơn các nguồn lực trong nước" 14. Quan điểm trên đây cho thấy tính thời sự của tư tưởng Hồ Chí Minh về hợp tác quốc tế trong quá trình công nghiệp hoá đối với sự nghiệp đổi mới và sự trung thành của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với tư tưởng đó.
NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Vǎn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.73,74.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.1, tr.9-10.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.11, tr.372.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr.80.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr.470.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.7, tr.222.
7. Sđd, t.7, tr.385.
8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.8, tr.5.
9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.11, tr.191-192.
10. Sđd, t.8, tr.556.
11. Viện nghiên cứu chủ nghã Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh Biên niên tiểu. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.572-753.
12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.9, tr.309.
13. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 1996, t. 8, tr. 30.
14. Lê Khả Phiếu: Giữ vững định hướng, khai thác mọi nguồn lực, khơi dậy mọi động lực đưa sự nghiệp đổi mới ... lực tiến lên. Báo nhân dân, ngày 20-3-1998, tr. 2.