Hồ Chí Minh, Đảng ta và định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội

GS, Viện sĩ Nguyễn Duy Quý
ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Trung tâm KHXH và Nhân văn quốc gia

Chủ nghĩa xã hội là gì và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phải như thế nào ? Hồ Chí Minh đã trả lời câu hỏi này một cách khái quát : Chủ nghĩa xã hội "là mọi người được ăn no, mặc ấm, sung sướng, tự do" (1), còn "Xây dựng chủ nghĩa xã hội là thay đổi cả xã hội, thay đổi cả thiên nhiên, làm cho xã hội không còn người bóc lột người, không còn đói rét, mọi người đều được ấm no và hạnh phúc"(2). 

Quán triệt những tư tưởng mang tính định hướng đó của Hồ Chí Minh, trong những thập niên vừa qua, đặc biệt là trong thời kỳ thực hiện các nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước và trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, Đảng ta đã không ngừng tìm tòi, làm phong phú thêm cả về mặt lý luận và thực tiễn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta khẳng định : "Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội : 

- Do nhân dân lao động làm chủ. 

- Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu. 

- Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

- Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân. 

- Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. 

- Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới"(3). 

Như vậy, tới năm 1991, khi kinh tế thị trường đã được sử dụng như một công cụ hữu hiệu để phát triển kinh tế, Đảng ta vẫn nhất quán trong sự lựa chọn và khẳng định con đường phát triển của nước ta chỉ có thể là con đường xã hội chủ nghĩa, là quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Bởi lẽ, đó là sự bảo đảm chắc chắn nhất cho độc lập dân tộc, cho sự phát triển bền vững của xã hội nhằm thực hiện quyền được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân lao động. 

Đây là sự lựa chọn hướng đi và xác định mục tiêu của sự phát triển. Chúng ta đều biết, đối với Đảng ta, việc lựa chọn và xác định này đặt ra ngay từ năm 1930 và luôn luôn đúng với mọi sự biến động trong thực tiễn phát triển của cách mạng Việt Nam, trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng và của dân tộc. Chính cương, sách lược vắn tắt do Nguyễn ái Quốc khởi thảo và Cương lĩnh chính trị của Đảng năm 1930 đã ghi rõ cách mạng Việt Nam sẽ đi theo con đường "làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản"(4), bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Sự lựa chọn này là kết quả trực tiếp nảy sinh từ sự giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, chủ nghĩa xã hội khoa học ở lãnh tụ Nguyễn ái Quốc sau một thập niên (1911-1920) đi tìm đường cứu nước và đã tìm thấy chủ nghĩa Lê-nin, đã nhận thức rõ cách mạng Việt Nam sẽ đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười. "Đường cách mệnh" (năm 1927) là tác phẩm lý luận mác xít đầu tiên được xây dựng trên nền móng tư tưởng của sự lựa chọn đó. Trong tác phẩm quan trọng này, Nguyễn ái Quốc đã chỉ rõ : "Trong thế giới bây giờ chỉ có Cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam"(5). Người khẳng định, chỉ có chủ nghĩa Lê-nin là chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất mà chúng ta sẽ đi theo. Từ bước ngoặt năm 1920, khi Nguyễn ái Quốc trở thành người cộng sản và cho đến những năm sau này, Người đều nhất quán khẳng định : giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc chỉ có thể thực hiện được bằng con đường cách mạng vô sản, bằng công cuộc xây dựng chế độ xã hội mới, xã hội cộng sản chủ nghĩa. 

Khi miền Bắc đã được giải phóng nhưng miền Nam còn phải tiếp tục cuộc chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, tình hình lúc đó đặt ra câu hỏi : miền Bắc có nên bước ngay vào thời kỳ quá độ để xây dựng chủ nghĩa xã hội hay không khi mục tiêu độc lập dân tộc chưa được giải quyết xong ở miền Nam ? Đảng ta khẳng định là phải đồng thời tiến hành hai nhiệm vụ cách mạng : tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Sự lựa chọn này đã được thực tiễn xác nhận là hoàn toàn đúng đắn. Không có sự hậu thuẫn của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, cách mạng miền Nam sẽ không có những bảo đảm vật chất và tinh thần cần thiết cho thắng lợi. 

Trong hoàn cảnh miền Bắc phải đương đầu với chiến tranh phá hoại tàn bạo của đế quốc Mỹ (1964 - 1973), Đảng ta đã lựa chọn phương án : phải đánh thắng chiến tranh phá hoại để bảo vệ miền Bắc, làm trọn nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam và thực hiện những nghĩa vụ quốc tế với cách mạng Lào và Cam-pu-chia. Dù đất nước còn tạm thời bị chia cắt, dù chiến tranh phá hoại diễn ra hằng ngày, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội vẫn tiếp tục. Tình huống đó chưa hề xuất hiện bao giờ và ở đâu trong lịch sử chủ nghĩa xã hội hiện thực. Và Đảng ta một lần nữa đã thể hiện sự kiên định vững vàng về quan điểm, đường lối chính trị, trong hoàn cảnh nào cũng trung thành với lý tưởng, mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. 

Khi miền Nam đã được giải phóng, đất nước thống nhất, một vấn đề cũng được đặt ra là miền Nam sẽ cùng với cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội hay tạm dừng lại một thời gian để phục hồi sau chiến tranh ? Có thể nói, sự lựa chọn này cũng là một thử thách không kém phần phức tạp. Đảng quyết định cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Quyết định này đã được thực tiễn chứng minh là hoàn toàn đúng đắn. 

Vào giữa những năm 80, kinh tế - xã hội nước ta lâm vào khủng hoảng trầm trọng, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu đang chao đảo. Nhưng cũng chính vào lúc ấy, Đảng ta đã quyết định đường lối đổi mới, chủ trương xây dựng và phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập và mở cửa với bên ngoài. Một lần nữa sự khẳng định của Đảng ta về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đã được thực tiễn xác nhận là hoàn toàn phù hợp. 

Có thể nói, những quyết sách của Đảng ta ở thời kỳ này thể hiện sự năng động về tư duy lý luận gắn liền với sự mẫn cảm về thực tiễn cùng bản lĩnh chính trị vững vàng. Đó là sự khẳng định tính tất yếu của sự đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa : đổi mới để phát triển, để thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng, để vượt qua những trở lực kìm hãm của mô hình cũ, mô hình hành chính - bao cấp, để giải phóng và khai thác mọi tiềm năng phát triển của xã hội nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Đổi mới không phải là từ bỏ chủ nghĩa xã hội, mà là khẳng định tính quy luật của con đường phát triển đó, làm cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đi đúng với quy luật khách quan hơn, phù hợp hơn với hoàn cảnh, điều kiện thực tế của đất nước, với xu thế, đặc điểm của thế giới hiện đại. Đổi mới là để xây dựng chủ nghĩa xã hội có hiệu quả hơn, làm cho chủ nghĩa xã hội bộc lộ và khẳng định được bản chất ưu việt của nó, từng bước định hình và phát triển trong thực tế, làm cho "đời sống vật chất ngày càng tăng, đời sống tinh thần ngày càng tốt, xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ", để cho "nhân dân ta có cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc, được học hành tiến bộ và phát triển mọi khả năng sáng tạo của mình", để cho "dân thực sự là chủ và làm chủ lấy xã hội và cuộc sống của mình" như Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh. 

Như vậy, đổi mới không phải là mục đích tự thân mà là để xác lập một sự ổn định mới nhằm làm cho đất nước ta đạt tới sự phát triển bền vững. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải xác định con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội với sự năng động hơn nữa, tích cực hơn nữa, và phù hợp hơn nữa với tình hình thế giới hiện đại. Chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng sẽ là chế độ phát hiện và sử dụng tốt nhất những nguồn lực của chính mình, trong đó sức mạnh quyết định chính là nguồn lực con người. Đó là mục tiêu và động lực quan trọng bậc nhất của đổi mới, của chủ nghĩa xã hội. 

Trải qua những thử thách lịch sử trong các thời kỳ khác nhau, Đảng ta đã thể hiện tinh thần cách mạng triệt để, lập trường chính trị có tính nguyên tắc rõ ràng, thấm nhuần sâu sắc quan điểm thực tiễn và quan điểm phát triển, luôn luôn trung thành với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, với sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, với nhân dân và dân tộc trong sự nghiệp cách mạng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. 

Rõ ràng là nguyên tắc và phương châm ứng xử của Hồ Chí Minh "dĩ bất biến ứng vạn biến" đã được Đảng ta vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo, nhất quán trong đường lối chính trị, trong phương pháp cách mạng. Nhờ đó, lúc tình hình phát triển thuận lợi cũng như lúc gặp khó khăn, thử thách, nhất là ở những thời điểm bước ngoặt, Đảng ta luôn luôn giữ vững bản chất cách mạng và khoa học, không mất phương hướng chính trị. Đó là một trong những nét nổi bật trong nhận thức lý luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. 

Chủ nghĩa xã hội trong quan niệm của Đảng ta luôn luôn được nhìn nhận không chỉ ở phương diện bản chất và mục tiêu của nó, mà còn ở con đường thực hiện nó, ở mô hình mà nó vận động, phát triển trong thực tiễn. Quá trình nhận thức này được thể hiện qua đường lối của Đảng ở tất cả các kỳ đại hội. 

Có những nhân tố sau đây chi phối trực tiếp sự nhận thức của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội : 

- Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và toàn xã hội, quyết định đường lối, chủ trương và chính sách xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. 

- Thể chế nhà nước mà nền tảng của nó đã được tạo dựng từ chế độ dân chủ cộng hòa sau Cách mạng Tháng Tám 1945, đã được củng cố và phát triển để phục vụ mục tiêu giải phóng dân tộc trong các giai đoạn của cuộc kháng chiến cứu nước nay chuyển sang thực hiện chức năng của chuyên chính vô sản, là cơ quan quyền lực thực hiện chế độ làm chủ của nhân dân lao động. Đó là một thể chế nhà nước dân chủ của dân, do dân và vì dân, thực hiện vai trò và chức năng quản lý nhà nước đối với tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. 

- Chế độ sở hữu mà hình thức sở hữu nhà nước giữ vai trò chủ đạo. 

- Hệ tư tưởng nền tảng, chi phối đời sống tư tưởng, tinh thần của xã hội là chủ nghĩa Mác - 

Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. 

- Xã hội là một khối đại đoàn kết toàn dân mà nòng cốt là liên minh công nhân - nông dân - trí thức. 

- Chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị được xây dựng và từng bước được hoàn thiện. 

Từ những tìm tòi thử nghiệm ban đầu của đổi mới đến khi hình thành đường lối đổi mới và đưa đổi mới trở thành phòng trào cách mạng và hành động sáng tạo của đông đảo quần chúng, nhận thức mới của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta đã đạt tới một trình độ mới. 

Vấn đề là ở chỗ, hiện thời, chúng ta đang xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện toàn cầu hóa do chủ nghĩa tư bản chi phối. Bởi vậy, những gì mà nền văn minh nhân loại đã đạt được chúng ta đều phải nghiên cứu, chọn lọc, tiếp thu và phát triển. Trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội chúng ta tất yếu phải sử dụng cơ chế thị trường với cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, tạo lập nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, được điều tiết bởi kế hoạch từ vĩ mô. 

Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội phải giải phóng sức sản xuất, xóa bỏ mọi trở ngại kìm hãm sản xuất, đem lại lực đẩy cho kinh tế phát triển, tạo ra tăng trưởng kinh tế, thực hiện công bằng xã hội. Những ách tắc trong sản xuất, đầu tư phải được tháo gỡ. Ngay từ đầu, việc giải quyết các vấn đề kinh tế phải gắn liền với việc giải quyết các vấn đề xã hội, tất cả hướng vào mục tiêu vì con người. 

Thực tiễn đổi mới càng đưa lại cho chúng ta cơ sở để nhận thức một cách đúng đắn hơn về mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, trong đó lực lượng sản xuất là cơ sở, là nền tảng và giữ vai trò quyết định trong mối liên hệ với quan hệ sản xuất, còn quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất chứ không thể đi quá xa so với trình độ phát triển ấy. Mặt khác, để nền kinh tế hàng hóa phát triển được, chúng ta phải từng bước xây dựng nền kinh tế mở, năng động. Trong quá trình đó phải củng cố và nâng cao hiệu quả của kinh tế nhà nước, làm cho nó thể hiện vai trò chủ đạo thực sự trong nền kinh tế quốc dân, xác lập vững chắc quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa. 

Thay đổi quan niệm về bản chất kinh tế dẫn tới đổi mới cơ chế quản lý và chính sách. Nhờ có đổi mới mà chúng ta có quan niệm mới về đầu tư theo chiều sâu, đầu tư cho phát triển mà quan trọng nhất là đầu tư cho sự phát triển con người, coi nguồn lực con người là nhân tố quyết định hàng đầu, coi giáo dục - đào tạo cùng với khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu. 

Nguyên lý nền tảng của chủ nghĩa xã hội là tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với công bằng xã hội. Bởi vậy, trong các văn kiện gần đây, Đảng ta luôn luôn nhấn mạnh chính sách kinh tế phải gắn liền với chính sách xã hội trong một chỉnh thể thống nhất, lấy con người làm trung tâm, làm mục tiêu của sự phát triển. Công bằng, đương nhiên, trong điều kiện hiện nay được hiểu theo quan điểm mới, khác với kiểu bình quân, chia đều, cào bằng. Đó là công bằng trong phân phối lợi ích và công bằng về cơ hội phát triển. Những nhận thức mới về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội đã ngày càng sáng tỏ qua thực tiễn đổi mới. Nó đã thực sự giải phóng lực lượng sản xuất, năng động hóa đời sống tinh thần xã hội, làm chuyển động các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó việc thực hiện dân chủ trong kinh tế và dân chủ trong chính trị, hướng tới quyền dân chủ và làm chủ của nhân dân, tạo ra động lực quan trọng cho phát triển. 

Tư tưởng về phát huy nội lực, về chiến lược con người và văn hóa trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa là sự phát triển quan trọng trong nhận thức của Đảng ở thời kỳ hiện nay. Đó là sự bảo đảm cần thiết về mặt văn hóa, tức là bảo đảm một chất lượng nhân văn xã hội cho công cuộc đổi mới. Đảng ta khẳng định : "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội"(6). Đây là một nhận thức mới mà trước kia chúng ta chưa chú ý đầy đủ. 

Đường lối đổi mới của Đảng ta đã được hình thành thông qua hàng loạt chuyển biến của tư duy : 

- Chuyển biến thứ nhất là từ tư duy dựa trên mô hình kinh tế hiện vật với sự tuyệt đối hóa sở hữu nhà nước và tập thể, với sự phát triển vượt trước của quan hệ sản xuất đối với lực lượng sản xuất sang tư duy mới xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong sự thống nhất biện chứng với tính đa dạng các hình thức sở hữu, đa dạng các hình thức phân phối, lấy phân phối theo lao động làm đặc trưng chủ yếu, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất. Đây là chuyển biến căn bản mà ý nghĩa sâu xa của nó là tôn trọng quy luật khách quan về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, và tùy thuộc vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, mà từng bước thiết lập quan hệ sản xuất tương ứng. Nhờ đó, mở đường giải phóng mọi tiềm năng xã hội, giải phóng sức sản xuất là nhân tố con người - người lao động làm chủ, được thúc đẩy bởi quy luật lợi ích, trong đó lợi ích cá nhân của người lao động là động lực trực tiếp và cơ sở để thực hiện và phát triển lợi ích của tập thể và của xã hội. Bước chuyển này có ý nghĩa cách mạng. Nó đặt đúng vị trí và tầm quan trọng của cái tất yếu kinh tế trong sự phát triển với chủ nghĩa xã hội của các nước phải đi con đường phát triển "rút ngắn" theo loại hình quá độ gián tiếp mà lịch sử đã quy định. 

- Chuyển biến thứ hai là từ tư duy quản lý kinh tế dựa trên mô hình một nền kinh tế chỉ huy tập trung, kế hoạch hóa tuyệt đối với cơ chế bao cấp và bình quân sang tư duy quản lý mới thích ứng với nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự điều tiết của kế hoạch ở tầm vĩ mô, thông qua quản lý, kiểm soát bằng pháp luật của Nhà nước. Nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường dẫn tới sự tác động, thâm nhập lẫn nhau giữa các thành phần kinh tế, tạo thành sự đan xen các hình thức sở hữu, các phương thức tổ chức quản lý, các phương thức phân phối lợi ích phù hợp với yêu cầu của quan hệ sản xuất mới, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất ở thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Con người với tư cách vừa là chủ thể sản xuất - kinh doanh, vừa là chủ thể tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa được đặt vào những cơ hội như nhau để phát triển, được bộc lộ tài năng, được thử thách về trình độ, năng lực, tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động kinh tế. Cơ chế thị trường đòi hỏi sự thừa nhận cạnh tranh, ganh đua, dẫn tới sự chênh lệch thu nhập, sự phân hóa giàu - nghèo. Đây là mặt trái của cơ chế thị trường. Vấn đề đặt ra là phải có chính sách đúng đắn để cho cơ chế thị trường không đẩy tới sự phân hóa giàu - nghèo vượt quá giới hạn cho phép, vi phạm mục tiêu công bằng xã hội là mục tiêu mà chúng ta đang phấn đấu trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây là một nét mới tiêu biểu cho tư duy kinh tế của Đảng ta. 

- Chuyển biến thứ ba là chúng ta đã tiến hành đổi mới hệ thống chính trị, từ chế độ tập trung quan liêu, với phương thức quản lý hành chính mệnh lệnh sang dân chủ hóa các lĩnh vực của đời sống xã hội, thực hiện dân chủ gắn liền với tôn trọng luật pháp, pháp chế, kỷ cương xã hội, phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân. Chuyển biến này đã góp phần quan trọng vào việc tháo gỡ từng bước những lực cản đối với tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội, sản sinh ra những nhân tố mới, động lực mới của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước. 

Nội dung cơ bản của đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta là thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Chính trị là lĩnh vực hết sức nhạy cảm. Ngay từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Đảng ta đã chủ trương phải giữ vững ổn định chính trị , coi đó là tiền đề, là điều kiện cơ bản để thực hiện đổi mới thắng lợi. Chúng ta đã thực hiện nhiều chủ trương biện pháp để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - nhà nước của dân, do dân và vì dân. 

Đảng ta cũng đã tiến hành bền bỉ cuộc vận động đổi mới, chỉnh đốn Đảng, đổi mới hệ thống chính trị ; tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, phát huy ảnh hưởng và uy tín của Đảng trong xã hội, thực hiện đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với mọi mặt của đời sống xã hội. 

Thực tiễn đã xác nhận tầm quan trọng của những nguyên tắc, biện pháp và bước đi mà Đảng ta đã hoạch định trong đường lối đổi mới nói chung và đổi mới hệ thống chính trị nói riêng. 

- Chuyển biến thứ tư là Đảng ta quan niệm sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa xã hội ở một nước phải dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và điều rất quan trọng nữa là từ chính những đặc điểm, điều kiện và hoàn cảnh lịch sử cụ thể của nước đó. Đây là cơ sở khách quan quy định nhận thức và những tìm tòi sáng tạo của chủ thể lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nó cũng đồng thời làm sáng tỏ một lần nữa quan điểm thực tiễn chi phối sự hoạch định đường lối, chính sách. Phải phát huy tinh thần độc lập tự chủ và sáng tạo để tìm cách giải quyết phù hợp và có hiệu quả nhất những vấn đề do thực tiễn của nước mình đang đặt ra trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Sẽ không có một mô hình duy nhất để giải quyết các vấn đề của chủ nghĩa xã hội giống hệt nhau ở mọi nước ; cũng không có một hình mẫu duy nhất về chủ nghĩa xã hội được áp dụng cho tất cả mọi nước mặc dù những nguyên tắc, nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về chủ nghĩa xã hội - chỗ dựa của các Đảng Cộng sản - đều như nhau. Tất nhiên không phải vì thế mà có thể chấp nhận lý luận "chủ nghĩa xã hội dân tộc", khép kín và đóng kín sự phát triển xã hội chủ nghĩa chỉ trong phạm vi quốc gia - dân tộc như một "ốc đảo", tách khỏi sự giao lưu, hợp tác quốc tế giữa các nước xã hội chủ nghĩa với nhau và giữa các nước xã hội chủ nghĩa với cộng đồng thế giới. 

Vấn đề đặt ra là phải kết hợp dân tộc với quốc tế, truyền thống với hiện đại, kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân. Đó cũng là cơ sở của đường lối đối ngoại, vừa hợp tác, vừa đấu tranh của Đảng ta. Nó mở ra khả năng để Việt Nam hội nhập vào thị trường kinh tế thế giới, vào đời sống chính trị quốc tế, vào sự giao lưu, hợp tác văn hóa. Tuy nhiên, để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta không những phải khắc phục những ảnh hưởng của chủ nghĩa giáo điều, máy móc tiếp nhận và sao chép mô hình nước ngoài, mà còn phải đấu tranh chống lại âm mưu và hành động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, giữ vững nguyên tắc, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời linh hoạt, mềm dẻo trong sách lược, phù hợp với hoàn cảnh, thời cuộc hiện nay. Thực tiễn gần 15 năm đổi mới của nước ta cho thấy, kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế, văn hóa và tổ chức quản lý xã hội thông qua hàng loạt những biện pháp thực tiễn sáng tạo vừa phù hợp với đặc điểm trong nước, vừa thích ứng với xu thế của thời đại là cơ sở bảo đảm cho sự phát triển lành mạnh, tích cực của sự nghiệp đổi mới ở nước ta. 

- Chuyển biến thứ năm trong sự hình thành quan niệm mới của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội là những nhận thức mới về nhân tố con người - nhân tố quyết định thành công của chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Khắc phục những hạn chế và khuyếm khuyết của nhận thức về mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội có liên quan đến vấn đề con người, chúng ta đã làm sáng tỏ hơn tư tưởng nhân đạo, khoa học và cách mạng của Mác, Ăng-ghen, Lê-nin và Hồ Chí Minh. Trong khi phê phán và cương quyết loại bỏ chủ nghĩa cá nhân, chúng ta thừa nhận và bảo vệ những lợi ích chính đáng của cá nhân, coi lợi ích cá nhân của người lao động là một trong những động lực trực tiếp thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, là cơ sở thực hiện lợi ích chung của tập thể và của xã hội. Hơn nữa, lợi ích xã hội, lợi ích tập thể không phải là trừu tượng mà rất cụ thể, gắn bó thiết thực với lợi ích chính đáng của từng người trong tập thể và trong cộng đồng xã hội. 



Với thực tiễn đổi mới, nhận thức của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày một rõ ràng và đầy đủ hơn. Điều này, trên thực tế, đã trở thành một nguồn lực đặc biệt có ý nghĩa bảo đảm cho mỗi hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội cụ thể trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. 

Nhận thức bao giờ cũng là một quá trình đi từ đơn giản đến phức tạp, từ chưa hoàn thiện tới hoàn thiện. Hơn thế nữa, chủ nghĩa xã hội lại là một hiện tượng mới mẻ, đang vận động, sinh thành trong lịch sử loài người. Bởi vậy, bám sát thực tiễn, nghiên cứu và tổng kết thực tiễn để phát triển lý luận - đó là yêu cầu to lớn mà thực tiễn đang đặt ra cho hoạt động lý luận của Đảng hôm nay.

Tạp chí Cộng sản, số 7, 2000

(1) Hồ Chí Minh : Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t 8, tr 396 
(2) Hồ Chí Minh : Sđd, t 8, tr 673 
(3) Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr 8 
(4) Hồ Chí Minh : Sđd, t 3, tr 1 
(5) Hồ Chí Minh : Sđd, t 2, tr 280 
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr 110

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website