BS. Nguyễn Vǎn Tín
Ngay trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, trên khắp ba miền đất nước, đâu đâu cũng thành lập các ban Hồng thập tự, Trạm cứu thương với biểu tượng là lá cờ trắng có chữ thập đỏ ở giữa để lo việc cứu chữa thương binh, nạn nhân chiến tranh.
Đầu nǎm 1946, tuy bận trǎm công nghìn việc, Hồ Chủ tịch đã cho mời đại biểu của ban Hồng thập tự Việt Nam lên gặp và làm việc với Bác. Bác hỏi về tình hình hoạt động của các ban Hồng thập tự, công tác đào tạo cứu thương, việc chuẩn bị thành lập Hội, tôn chỉ mục đích và dự kiến chương trình hoạt động của Hội. Bác đã giảng giải về một số hoạt động của ban Hồng thập tự các nước và một vài tổ chức nhân đạo khác. Bác còn chỉ dẫn cho phương hướng hoạt động của Hồng thập tự nước ta và khuyên phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khoẻ nhân dân và làm mọi việc có thể làm được, để giảm bớt đau thương cho họ. Không được có thái độ hách dịch, ban ơn. Cần làm việc tốt, luôn luôn chí công vô tư thì ít mắc sai lầm. Không nên thiên về hình thức, việc gì có lợi cho dân thì làm.
Hội hết sức trân trọng những lời dạy của Bác và tha thiết đề nghị Bác làm Trưởng ban danh dự. Bác cầm quyển sổ vàng mở ra rồi ghi vào trang đầu:
"Hồng thập tự Việt Nam - Trưởng ban danh dự" và ký tên Hồ Chí Minh.
Ngày 31-5-1947, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà Tôn Đức Thắng đã ký Nghị định số 77-NV chính thức cho phép Hội Hồng thập tự Việt Nam thành lập và hoạt động.
Trong chương trình công tác của Bộ Y tế nǎm 1948 có đề ra việc giúp đỡ Hội Hồng thập tự Việt Nam tổ chức các chi nhánh Hồng thập tự Việt Nam tại mỗi liên khu.
Trong chiến tranh, hội viên Hồng thập tự đã góp phần không nhỏ vào công tác sơ tán nạn nhân, chuyển vận thương binh và trong hoà bình, Hội còn là cầu nối giữa các cơ sở y tế với nhân dân trong các hoạt động bảo vệ sức khoẻ.
Kỷ yếu hội nghị khoa học Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác bảo vệ sức khoẻ
Bộ Y Tế; NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997