Chủ tịch Hồ Chí Minh trí tuệ lớn của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại (tiếp)

Nguyễn Phúc Luân

II- Hồ Chí Minh: Đặt cách mạng Việt Nam trong mối quan hệ toàn cầu 

Trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XX phong trào yêu nước và cách mạng nước ta thường gặp những khó khǎn và bị thất bại. Một trong những nguyên nhân quyết định của "một trǎm lần thất bại mà không một thành công" đó là do không nhận ra được sự thay đổi to lớn của thời cuộc. Sự thay đổi đó đã tạo ra những tiền đề cơ bản thúc đẩy quá trình thức tỉnh của các dân tộc bị áp bức và đưa cuộc đấu tranh vì dân sinh, dân chủ, công bằng xã hội ở các nước tư bản công nghiệp lên trình độ cao hơn. Hệ quả trước tiên có ý nghĩa toàn cầu là làm cho hai trào lưu này có cùng một mục tiêu chung, một kẻ thù chung, hướng tới chống ách thống trị và chế độ bóc lột của chủ nghĩa tư bản, đã phát triển thành chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân nhằm giải phóng các dân tộc bị áp bức, giải phóng xã hội và con người. 

Nhận thức được sự chuyển mình của thời đại, dưới ánh sáng của tư tưởng Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, thấy rõ ý nghĩa thực tiễn của khẩu hiệu "Giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại", Nguyễn ái Quốc đã hoạt động không mệt mỏi cho sự đoàn kết thống nhất hành động trong nội bộ của phong trào giải phóng thuộc địa và giữa phong trào này với cuộc đấu tranh của giai cấp cần lao ở các nước tư bản. Người cho rằng sự đoàn kết giữa hai trào lưu có tính hữu cơ như con chim có hai cánh, sẽ tạo ra sức mạnh đủ để đánh bại "con đỉa hai vòi". 

Đối với cách mạng nước ta cũng vậy. Trong cảnh lầm than, "một cổ đôi tròng" và vào lúc ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, thực dân đã trở thành hiện tượng toàn cầu, Nguyễn ái Quốc đã vạch rõ: "Chúng ta (làm) cách mạng thì cũng phải liên lạc với tất cả các đảng cách mạng trong thế giới để chống lại tư bản và đế quốc chủ nghĩa". Người còn chỉ thị: "Trong khi tuyên truyền cái khẩu hiệu nước An Nam độc lập, phải đồng thời tuyên truyền và thực hành liên lạc với bị áp bức dân tộc và vô sản giai cấp thế giới, nhất là vô sản giai cấp Pháp" , và nhấn mạnh "Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới. Ai làm cách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam cả". 

Đặt cách mạng Việt Nam trong quan hệ toàn cầu, tìm đúng vị thế của sự nghiệp cách mạng đó trong cuộc đấu tranh quyết liệt, đan xen nhiều xu hướng chính trị thế giới, gắn cuộc đấu tranh vì độc lập tự do, dân giàu nước mạnh của nhân dân ta với trào lưu cách mạng thời đại, là một bộ phận trí tuệ không thể thiếu trong quá trình lựa chọn và quyết định con đường cách mạng nước ta. Nó giúp cho Đảng ta định ra chiến lược, chiến thuật đấu tranh đúng đắn trong các thời kỳ lịch sử. Đó là sự phối hợp chặt chẽ với quốc tế trong cuộc đấu tranh giải phóng thuộc địa và phong trào dân chủ chống phát xít trước chiến tranh và kế đó là biến Đông Dương thành chiến tuyến của đồng minh dân chủ chống chiến tranh phát xít. Tiếp theo là cuộc đụng đầu lịch sử với hai tên đế quốc lớn, điểm giờ cáo chung của hệ thống chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn cầu và khẳng định xu thế mới: nước nhỏ với lòng quả cảm của mình, được sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân yêu chuộng hoà bình và tiến bộ trên thế giới, có thể đánh bại chiến lược chiến tranh xâm lược quy mô lớn của các đế quốc to. 

Gắn cuộc đấu tranh của dân tộc ta với xu thế thời đại, tạo ra sức mạnh liên hoàn có lợi cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân ta cũng như của nhân dân và các dân tộc trên thế giới, vì hoà bình, độc lập, dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội là luận điểm cơ bản của Hồ Chí Minh trong quan hệ quốc tế, góp phần trực tiếp đưa đến việc hoạch định đúng đường lối quốc tế và chính sách đối ngoại của cách mạng nước ta. 

Thời kỳ giữa các nước xã hội chủ nghĩa lớn có bất đồng về đường lối, xu hướng dân tộc, nước lớn vị kỷ trỗi dậy, Mỹ tìm cách lợi dụng điều đó để cô lập, làm suy yếu cuộc kháng chiến của nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định quan điểm của mình: Dân tộc Việt Nam "phải vạch rõ những phương pháp và những biện pháp riêng của mình trong cuộc đấu tranh chống những âm mưu của bọn đế quốc Mỹ và của chính quyền miền Nam Việt Nam hòng vĩnh viễn chia cắt đất nước chúng tôi, và cả trong cuộc đấu tranh để dần dần quá độ lên chủ nghĩa xã hội, điều đó thật rõ ràng, nhưng đồng thời Đảng chúng tôi cũng hiểu rõ rằng không thể nào hạn chế những hoạt động hiện nay và tương lai của chúng tôi trong khuôn khổ dân tộc thuần tuý, rằng những hoạt động đó có muôn ngàn sợi dây liên hệ với cuộc đấu tranh chung của thế giới tiến bộ, rằng sự đoàn kết thực sự của phe xã hội chủ nghĩa và các dân tộc yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới đối với chúng tôi cũng cần thiết không kém gì trước kia...". 

Đặt cách mạng Việt Nam trong mối quan hệ toàn cầu, trên thực tế đã đem lại sự thay đổi về chất mối bang giao quốc tế của nước ta, từ quan hệ đơn phương, dựa vào một nước hoặc lệ thuộc vào "nước mẹ" thành mối quan hệ rộng rãi với nhiều lực lượng chính trị, kinh tế, xã hội khác nhau trên thế giới trên cơ sở lợi ích dân tộc độc lập và lợi ích chung của thế giới tiến bộ, mở ra một thời kỳ mới đưa nước ta hội nhập với các trào lưu cách mạng tiến bộ của thời đại. 

Từ thực tiễn quá trình hội nhập với các dòng thác cách mạng của thời đại trên nền tảng trí tuệ Hồ Chí Minh đã nói trên, ta có thể rút ra một số nhận xét như sau: 

1. Những chủ trương đặt cách mạng Việt Nam trong mối quan hệ toàn cầu của Hồ Chí Minh có nội dung và đi theo một định hướng mới: đó là gắn cách mạng nước ta với trào lưu, với một xu thế của thời đại xu thế cấp tiến theo định hướng xã hội chủ nghĩa, khác với chủ trương của nhiều nhà yêu nước, cách mạng đương thời hướng tới sự nhờ cậy vào một quốc gia, một xu hướng chính trị của một nước lớn nhất định để đem lại độc lập cho nước nhà. 

2. Thông qua chủ trương trên, Hồ Chí Minh nhằm đạt được những mục tiêu thiết thực, phù hợp với hoàn cảnh nước nhỏ phải đương đầu với nhiều thế lực thù địch, chẳng những Người hướng tới việc đề cao vị trí Việt Nam trên trường quốc tế, mà còn tạo ra sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc và thời đại để đánh thắng chiến tranh xâm lược và mưu đồ bao vây, phong toả làm suy yếu cách mạng nước ta của các thế lực thù địch. 

3. Trong chỉ đạo thực tiễn, Người luôn quan tâm đến vấn đề giữ vững độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, gìn giữ bản sắc dân tộc trong quá trình thúc đẩy sự hội nhập trên. Người cǎn dặn: "... tình hình có nhiều phức tạp, nên cán bộ làm công tác ngoại giao phải vững vàng và khôn khéo" và "phải giữ vững lập trường". Người coi khuynh hướng ỷ lại vào sự giúp đỡ của bên ngoài hoặc rập khuôn theo cách làm của bên ngoài là điều không thể chấp nhận được: "Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập" và "tuy chúng ta đã có những kinh nghiệm dồi dào của các nước anh em, nhưng chúng ta cũng không thể áp dụng những kinh nghiệm đó một cách máy móc, bởi vì nước ta có những đặc điểm riêng của ta" . Người đã kiên trì chống lại tư tưởng bảo thủ, tự cô lập mình và tách mình khỏi xu thế: "Nguyên nhân đầu tiên gây ra sự suy yếu của các dân tộc phương Đông, đó là sự đơn độc" . Vận dụng trong trường hợp Đông Dương, Đảng ta khi bước vào cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, cũng cho là: "Hành động lẻ loi cô độc, không đoàn kết lực lượng phản đế trong xứ, không chịu liên lạc với phong trào cách mệnh thế giới, quyết không thể đạt tới mục đích hoàn toàn giải phóng cho tất cả các dân tộc bị áp bức ở Đông Dương". 

4. Từ nhận thức về mối quan hệ tương hỗ của hai trào lưu cách mạng thời đại, đặt cách mạng Việt Nam trong quan hệ toàn cầu, Nguyễn ái Quốc có vai trò nổi bật trong việc đổi mới quan hệ giữa chính quốc với các nước thuộc địa, đặc biệt trong trường hợp Đông Dương với nước Pháp. Phát biểu tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V, ngày 23-6-1924, Nguyễn ái Quốc đã nêu ra nhận xét: "Song, tôi thấy rằng hình như, các đồng chí chưa hoàn toàn thấm nhuần tư tưởng cho rằng vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các thuộc địa". Nguyễn ái Quốc từ Đại hội Tua (1920) đã trở thành một trong những người khởi xướng và bền bỉ đấu tranh cho việc thực thi quan hệ tương hỗ phù hợp với đặc điểm riêng giữa cuộc đấu tranh cách mạng của các tầng lớp nhân dân và vô sản Pháp vì tự do, bình đẳng, bác ái với sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa Đông Dương. 

Tóm lại, với Hồ Chí Minh, đặt cách mạng Việt Nam trong quan hệ toàn cầu, gắn với xu thế cách mạng thời đại là con đường đảm bảo sự nghiệp độc lập tự do, dân giàu nước mạnh đến thành công: "Chính vì đã biết kết hợp phong trào cách mạng nước ta với phong trào cách mạng của giai cấp công nhân quốc tế và của các dân tộc bị áp bức, mà Đảng ta đã vượt qua được mọi khó khǎn, đưa giai cấp công nhân và nhân dân ta đến những thắng lợi vẻ vang ngày nay" . 

Lời di huấn của Người là ngọn đuốc soi đường cho việc phát triển quan hệ quốc tế Việt Nam, giúp chúng ta tiếp cận nhanh chóng với những biến đổi cách mạng trên nhiều lĩnh vực của thế giới hôm nay. 

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới

(ĐCSVN) - Ngày 23/5/2024, đồng chí Lương Cường đã ký ban hành Quy định 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

(ĐCSVN) - Ngày 9/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website