Nhận thức của Hồ Chí Minh về vai trò của công nghiệp và khoa học công nghệ trong tiến trình lịch sử

TS. Nguyễn Huy Oánh
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Một trong những di sản lý luận mà Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta là những nhận thức của Người về vai trò công nghiệp, của khoa học công nghệ đối với sự phát triển kinh tế xã hội ở nước ta. Những nhận thức của Người về vai trò của công nghiệp hóa và khoa học công nghệ gắn liền với nhiệm vụ cách mạng mà Hồ Chí Minh đảm trách trong từng giai đoạn của lịch sử. Chúng ta biết rằng Hồ Chí Minh không phải là người ưa nói nhiều, viết dài: Người chỉ viết và nói những gì cần thiết nhất, cô đọng nhất. Đất nước cần gì, cách mạng cần gì, nhân dân cần gì thì Người viết và nói về cái đó. Bởi vậy mỗi vấn đề Người viết và nói đều gắn liền với yêu cầu của lịch sử, của cách mạng khi đó. Nhận thức của Người về vai trò của công nghiệp và khoa học công nghệ cũng không ngoài thông lệ này.

INHẬN THỨC CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ CÔNG NGHIỆP, KHOA HỌC CÔNG NGHỆ THỜI KỲ TRƯỚC CÁCH MẠNG

Đây là thời kỳ Hồ Chí Minh tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc. Lúc này nhiệm vụ trọng tâm của Người là tố cáo tội ác của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc dưới bộ mặt chủ nghĩa thực dân đối với nhân dân các nước thuộc địa ở châu á, châu Phi, trước hết là tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam, khơi dậy lòng cǎm thù trong quần chúng, tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin trong nhân dân, chuẩn bị điều kiện cho cách mạng giành chính quyền.

Trong những bài viết của Người lúc này nói nhiều đến tội ác của CNTB, CNTD, đến nỗi khổ của quần chúng lao động Việt Nam. Qua những bài viết này, Người cũng đề cập đến vai trò công nghiệp hóa, đến vai trò của công nghiệp trên các mặt sau đây:

Thứ nhất, Vai trò của công nghiệp hóa TBCN, của công nghiệp TBCN trong việc nâng cao trình độ bóc lột của CNTB ở các nước thuộc địa.

Tác phẩm CNTB đế quốc Pháp ở Đông Dương được Người viết vào nǎm 1928 là tác phẩm đề cập nhiều đến công nghiệp hóa thuộc địa, đến lợi nhuận mà bọn tư bản thu được qua các công ty công nghiệp tư bản chủ nghĩa bóc lột người bản xứ. Trong tác phẩm này, Người đã nêu lên những con số về tích luỹ tư bản, về lợi nhuận và về công nghiệp hóa thuộc địa. Người nêu rõ quá trình công nghiệp hóa thuộc địa nhanh chóng của CNTB Pháp ở Đông Dương là nhằm tạo ra những điều kiện cho CNTB Pháp bóc lột Đông Dương nhiều hơn. Người đã nêu chỉ trong thời gian ngắn sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, 29 công ty công nghiệp với số vốn từ 1 triệu Phrǎng trở lên đã mọc ra ở Việt Nam. Đó là các công ty khai thác mỏ (than, vàng, antraxit...), các công ty công nghiệp nhẹ khai thác nguyên liệu nông sản (Công ty sơn, tơ lụa, xay xát, nhựa cây và sơn đồ thuỷ tinh... ) và một số công ty đóng tàu, xây dựng kết cấu hạ tầng, xuất nhập khẩu khoáng sản (2349-350). Những công ty này hàng nǎm thu những khoản lợi khổng lồ mà theo Người "Đôi khi vượt cả những tư bản ứng trước" (2348).

Người nêu rõ sở dĩ lợi nhuận của bọn tư bản tǎng nhanh là vì khai thác tài nguyên tại chỗ và bóc lột công nhân bản xứ. Người viết "Từ nǎm 1914 đến nǎm 1924, giá sinh hoạt tǎng thêm 47% nhưng tiền lương của công nhân hầu như đứng nguyên tại chỗ".

Người nêu cụ thể: Công ty Than Bắc kỳ chiếm 21.000 ha đất mỏ và sử dụng 16.500 công nhân bản xứ, vốn tư bản 16 triệu Phrǎng, nǎm 1925 công ty đó đã kiếm được 35 triệu Phrǎng tiền lời, trong khi đó người thợ mỏ mỗi ngày chỉ được lĩnh 25 xu (2357). Ngoài ra, Người còn nêu một loạt công ty nhờ bóc lột thuộc địa mà lợi nhuận tǎng lên nhanh chóng (2348).

Thứ hai: công nghiệp hóa TBCN tạo phương tiện để bọn tư bản có khả nǎng cạnh tranh kinh tế.

Ngay sau khi Chiến tranh thế giới I kết thúc (1919) Hồ Chí Minh viết một bài đǎng báo Nhân đạo (L'Humannité), nhân tố cáo Pháp bóc lột, kìm hãm nền kinh tế Việt Nam, đã đề cập đến khả nǎng cạnh tranh kinh tế mạnh mẽ của Nhật Bản khi vào Đông Dương do nước Nhật đã có nền công nghiệp mạnh. Người viết: "Người Nhật nhờ ở chính phủ khôn khéo của họ, có các phương tiện rất đầy đủ được trang bị tốt (Tác giả nhấn mạnh) để tiến hành đâú tranh kinh tế, trong khi đó thì người An Nam-chúng tôi đã nói vì sao-hoàn toàn là con số không" (110). Phương tiện đầy đủ, được trang bị tốt mà Người nêu ra ở đây chỉ là việc nước Nhật đã thực hiện công nghiệp hóa TBCN nền kinh tế của mình.

Có điều lý thú là ngay từ thời kỳ này Người đã đề cập đến sự tất yếu phải giao lưu kinh tế và nhấn mạnh: "Xét về nguyên tắc tiến bộ chung phụ thuộc vào việc phát triển chủ nghĩa quốc tế và vǎn minh chỉ có lợi khi các quan hệ quốc tế được mở rộng và tǎng cường" (19-10). Nhưng trong sự mở rộng quốc tế đó đòi hỏi mỗi nước phải có nội lực mạnh, mà yếu tố quan trọng quyết định nội lực đó là công nghiệp để đứng vững cạnh tranh khi quan hệ quốc tế được mở rộng.

Thứ ba: công nghiệp hóa TBCN phát triển sẽ tǎng cường số lượng và chất lượng giai cấp công nhân làm sâu sắc mâu thuẫn giai cấp, tất yêú đưa đến phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa. Người viết: "Sự phát triển của CNTB thực dân ở Đông Dương đã tạo ra ở xứ đó hai giai cấp vô sản, giai cấp vô sản công nghiệp và giai cấp vô sản nông nghiệp" (2357). Và Người đã nêu ra số công nhân ở Việt Nam vào nǎm đó (1928) là 30.000 thợ mỏ, 11.500 công nhân đường sắt, 7000 công nhân xay xát gạo, 2000 công nhân dệt, gần 5000 công nhân sửa chữa tàu thuỷ, nấu rượu, in, làm gạch, ngói... (2358). Số công nhân này bị bóc lột nặng nề, bị lao động khổ sai sẽ là miếng đất tốt cho sự ra đời tổ chức Cách mạng cộng sản. Người viết: "Việc tạo lập ra một giai cấp vô sản và dạy cho người An Nam biết sử dụng súng ống là một bằng cớ chứng tỏ CNĐQ tự mình đào hố để chôn mình" (2361). Người cũng chứng minh điều này qua số lượng công nhân và phong trào đấu tranh của công nhân ấn Độ (2327-328), của Trung Quốc (2393). Từ những tư liệu này mà Người đã rút ra kết luận quan trọng cho cách mạng: "Sự tàn bạo của CNTB đã chuẩn bị đất rồi, CNXH chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống cho công cuộc giải phóng nữa thôi" (128).

II. NHẬN THỨC CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ VAI TRÒ CỦA CÔNG NGHIỆP, KHOA HỌC-KỸ THUẬT TRONG THỜI KỲ MỚI GIÀNH ĐƯỢC CHÍNH QUYỀN VÀ TIẾN HÀNH CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP

Sau khi giành được chính quyền, bên cạnh việc củng cố, xây dựng chính quyền còn non trẻ của Nhà nước cộng hoà, Hồ Chí Minh đã nghĩ đến việc mở rộng quan hệ quốc tế, xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh. Để đưa đất nước Việt Nam còn rất nghèo nàn lên con đường phát triển, sánh vai cùng với các cường quốc nǎm châu, Người rất coi trọng việc học tập khoa học - kỹ thuật của các nước phát triển mà nước đầu tiên Người nghĩ đến là nước Mỹ. Trong bức thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 1-11-1945 (2 tháng sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập) Người đã nêu nguyện vọng muốn gửi 50 thanh niên Việt Nam sang Hoa Kỳ để mở rộng quan hệ hữu nghị, nhưng nhất là để "Xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác" vì theo Người những thành tựu kỹ thuật hiện đại của Mỹ "Đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ giới trí thức Việt Nam" (480-81). Trong bối cảnh Chiến tranh thế giới thứ hai và trong điều kiện bộn bề công việc của một đất nước mới giành độc lập, ý tưởng của Người thể hiện tư duy của một lãnh tụ thiên tài có tầm nhìn xa thấy rộng.

Tuy nhiên, với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, bọn thực dân Pháp đã tiến hành một cuộc chiến tranh hòng lật đổ chính quyền còn trứng nước của ta. Nhiệm vụ trọng tâm lúc này là huy động mọi nguồn nhân lực, vật lực, tài lực để chống ngoại xâm giữ vững nền độc lập, để có tài lực vật lực phải đẩy mạnh sản xuất ở hậu phương mà việc đầu tiên là đẩy mạnh sản xuất công nghiệp. Trong bài Động viên kinh tế (12-1946) Người đã nêu: "Mở nhiều những công nghệ sản xuất những nhu cầu cho cuộc kháng chiến... Thiên di những xưởng công nghệ cần thiết về các vùng hẻo lánh. Chú ý nhất là việc cung cấp nguyên liệu"(4478-479).

Khi cuộc kháng chiến chống Pháp đã giành những thắng lợi lớn, hậu phương mở rộng, nhiệm vụ hàng đầu là chúng ta phải sản xuất ra nhiều của cải và tiêu dùng của cải hợp lý nhất cho quân đội đánh thắng kẻ thù, cho việc nâng cao đời sống nhân dân. Để phát triển sản xuất, có nhiều của cải thì vai trò của công nghệ rất to lớn. Trong bài Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu, Người đã dẫn một số ý kiến của Lênin và Xtalin, trong đó nhấn mạnh rất nhiều đến vai trò của công nghệ đối với sự phát triển nền kinh tế để nhắc nhở các ngành, các cấp thực hiện. Chúng ta có thể nêu ra các ý kiến đó:"Chỉ có liên hệ chặt chẽ với nông nghiệp, không rời xa sức tiết kiệm và ǎn khớp với vốn liếng và sức hậu bị của ta thì công nghệ mới làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của nó là lãnh đạo và cải tạo kinh tế của quốc dân. Công nghệ mà xa rời toàn bộ của kinh tế quốc dân, mất liên hệ với nó, thì công nghệ không lãnh đạo được kinh tế quốc dân" (6499). Rõ ràng ở đây Hồ Chí Minh đã rất coi trọng vai trò của công nghiệp. Người đã đồng tình với Xtalin là công nghệ có vai trò lãnh đạo và cái tạo nền kinh tếkhi trích dẫn những tư tưởng này trong một tác phẩm quan trọng giáo dục cán bộ đảng viên chúng ta. Hơn thế nữa, cũng trong bài báo này Người còn dẫn lời của Lênin khi nói về vai trò của công nghiệp nặng và công nghiệp ở nước Nga khi Cách mạng mới thành công là "Nêú không cứu vãn được công nghệ nặng, không khôi phục công nghệ thì không xây dựng dược công nghệ nào hết. Mà không xây dựng được công nghệ thì không giữ được địa vị độc lập của nước mình" (6497). Như vậy ở đây Hồ Chí Minh còn thấy công nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng: giữ gìn nền độc lập của một đất nước.

Từ nhận thức vai trò của công nghệ như vậy nên trong tư tưởng chỉ đạo kinh tế Người rất coi trọng xây dựng kế hoạch công nghệ, coi kế hoạch công nghệ đúng đắn và hợp lý là điều kiện chủ chốt của chiến lược đầu tư. Người viết: "Đặt kế hoạch công nghệ cho đúng đắn và hơp lý là một điều kiện chủ chốt trong việc tiêu dùng tiền của" (6499).

Những nhận thức của Hồ Chí Minh về vai trò của công nghiệp, của khoa học công nghệ nêu ra trên đây được Người viết từ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, xuất phát từ yêu cầu giáo dục nâng cao nhận thức cán bộ đảng viên khi xây dựng kinh tế hậu phương, phục vụ sự nghiệp kháng chiến. Những tư tưởng trên của Người vẫn giữ nguyên giá trị cho đến ngày nay.

III. NHẬN THỨC CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ VAI TRÒ CỦA CÔNG NGHIỆP VÀ KHOA HỌC CÔNG GNHỆ TRONG THỜI KỲ XÂY DỰNG CNXH

Miền Bắc được giải phóng, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam lúc này là xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Trong việc vạch đường lối và chỉ đạo thực hiện đường lối xây dựng CNXH, nhận thức về vai trò của công nghiệp và khoa học công nghệ của Hồ Chí Minh có những điều đáng chú ý sau đây:

Thứ nhất: về sự nghiệp công nghiệp hóa XHCN.

Muốn xây dựng được CNXH, theo Người chúng ta phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài gian khổ: "Để biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp".(8493) Người nhấn mạnh: "Nhiệm vụ quan trọng thứ nhất của chúng ta là phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của CNXH" (1013).

Như vậy, theo Người, một nước XHCN phải là một nước công nghiệp và xây dựng nền tảng vật chất kỹ thuật của CNXH, là nhiệm vụ quan trọng nhất. Tại sao Người lại nói như vậy? Trên nhiều bài viết Người đã trả lời câu hỏi này bằng các luận điểm:

Một là: Nước ta vốn là một nước nông nghiệp lạc hậu, đó là chỗ bắt đầu của chúng ta " (1040).

Hai là: "Đời sống nhân dân chỉ có thể thật dồi dào, khi chúng ta dùng máy móc để sản xuất một cách thật rộng rãi" (1040-41).

Ba là: "Công nghiệp và nông nghiệp là hai chân của nền kinh tế... công nghiệp phát triển thì nông nghiệp mới phát triển.... như hai chân đi khoẻ và đi đều thì tiến bước sẽ nhanh và nhanh chóng đi đến mục đích" (10545).

Từ những luận điểm trên, Người đi đến kết luận muốn xây dựng CNXH tất yếu phải công nghiệp hóa XHCN: "Muốn đảm bảo đời sống sung sướng mãi mãi phải công nghiệp hóa XHCN" (10159). Người nhiều lần nhắc đến phát triển nông nghiệp làm gốc làm chính, nhưng Người vẫn nhấn mạnh công nghiệp hóa mới là con đường cơ bản để phát triển kinh tế nâng cao đời sống: "Hiện nay chúng ta lấy sản xuất nông nghiệp làm chính. Vì muốn mở rộng công nghiệp thì phải có đủ lương thực, nguyên liệu. Nhưng công nghiệp hóa XHCN vẫn là mục tiêu phấn đâú chung, là con đường no ấm thực sự của nhân dân ta"(Tác giả nhấn mạnh) (1040-41).

Khi nói về công nghiệp hóa XHCN, Người nhấn mạnh đến vai trò của công nghiệp nặng. Người nói: "Để xây dựng thắng lợi XHCN, chúng ta phải quyết tâm phát triển tốt công nghiệp nặng" (11352). Thậm chí có chỗ Người còn đặt khái niệm công nghiệp nặng bên cạnh khái niệm công nghiệp hóa như là khái niệm đồng nhất. Chúng ta có thể nêu ví dụ: "Muốn đảm bảo đời sống sung sướng mãi mãi, phải công nghiệp hóa XHCN, phải xây dựng công nghiệp nặng" (10159). "Muốn có nhiều máy thì phải mở mang các ngành công nghiệp làm ra máy, ra gang, thép, than, dầu... đó là con đường đi của chúng ta, con đường công nghiệp hóa nước nhà" (1040-41). Sở dĩ Người coi trọng công nghiệp nặng vì Người cho rằng: "Công nghiệp nặng làm cơ sở cho nền kinh tế độc lập" (11459). Công nghiệp nặng cung cấp máy móc, phân bón, thuốc trừ sâu cho nông nghiệp, công nghiệp nặng cũng phải cung cấp máy móc các loại cho công nghiệp nhẹ và cho thủ công nghiệp (11132).

Quan niệm của Người về công nghiệp nặng qua những câu viết trên đây khiến chúng ta nhớ lại tư tưởng của Người khi Người nhắc lại ý kiến của Lênin mà chúng ta đã trích dẫn ở phần trên trong tác phẩm Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí chống bệnh quan liêu mà Người viết trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Có hai điều lưu ý khi Hồ Chí Minh viết và nói về công nghiệp và công nghiệp nặng trong giai đoạn xây dựng CNXH:

Một làNgười không nói đến cụm từ ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trong các bài viết và nói của Người. Ngay trong bài nói chuyện tại Hội nghị của Bộ Công nghiệp nặng ngày 31 -12- 1964, Người cũng chỉ nói công nghiệp và công nghiệp nặng phải cung cấp máy móc, phân hóa học cho nông nghiệp, cung cấp đủ máy móc cho công nghiệp nhẹ và thủ công nghiệp (11352). Phải chǎng, bằng kinh nghiệm từng trải của bản thân mình Người thấy nếu hiểu không đúng nội dung này rất dễ dẫn đến đầu tư không có hiệu quả dẫn đến sự hiểu sai một quan điểm cần quán triệt ở một nước nông nghiệp lạc hậu đi lên CNXH như nước ta: Sự phát triển của công nghiệp nặng trước hết phải xuất phát từ đòi hỏi trong sự phát triển của công nghiệp nhẹ và nông nghiệp.

Hai làNgười nói đến cụm từ công nghiệp xã hội hóa. Trong bài phát biểu tại cuộc mít tinh của nhân dân Bucaret chào mừng đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước ta sang thǎm Rumani ngày 20-8-1957, Người nói: "Ngày nay nền công nghiệp đã được xã hội hóa, công nhân trở thành người chủ của nhà máy"(8476). Người cũng dùng cả cụm từ xã hội hóa đối với nông nghiệp (876). Chúng tôi hiểu Người dùng chữ xã hội hóa ở đây trên hai mặt: mặt thứ nhất, là sự phát triển về số lượng khiến cho công nghiệp và nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, rộng khắp. Mặt thứ hai, là sự phát triển về chất lượng, là sự gắn kết chặt chẽ giữa các ngành của công nghiệp, nông nghiệp và của cả nền kinh tế do sự phát triển của kỹ thuật, công nghệ quy định.

Những lý giải hai vấn đề nêu trên của bản thân mới là lý giải ban đầu, hy vọng được các nhà nghiên cứu đi sâu tìm hiểu thêm.

Thứ hai: Trong quá trình xây dựng XHCN, đi liền với xây dựng cơ sở vật chất -kỹ thuật, Người rất chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật và công tác phổ biến khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất. Người chỉ rõ: "Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao nǎng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống nhân dân.. Nhiệm vụ của khoa học kỹ thuật cực kỳ quan trọng cho nên mọi ngành, mọi người đều phải tham gia công tác khoa học kỹ thuật" (1178). Để phát triển nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật, Người rất coi trọng nâng cao trình độ vǎn hóa cho người lao động cũng như rất coi trọng lao động trí óc, Người nói: "Lao động trí óc có quý không Quý. Lao động chân tay có quý không. Quý. Lao động trí óc mà không liên hệ với lao động chân tay thì chỉ là trí thức một nửa. Còn người lao động chân tay mà vǎn hóa kém, không blết lao động trí óc thì cũng là người không hoàn toàn, cũng chỉ được một nửa" (8354).

Người dặn dò những cán bộ khoa học kỹ thuật: "Phải ra sức đem hiểu biết khoa học, kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động để nhân dân đẩy mạnh sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ" (1178).

Thứ baNgười còn cho rằng từ một nước nông nghiệp lạc hạu đi lên CNXH việc thưc hiện cách mạng kỹ thuật phải được triển khai lâu dài, Người gọi đó là: Con đường muôn dặm của cách mạng kỹ thuật" (9427). Do đó Người nhiều lần động viên công nhân, nông dân, quân đội cải tiến kỹ thuật. Cuộc vận động cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật triển khai rất mạnh mẽ trong các xí nghiệp, hợp tác xã vào đầu những nǎm 60 thể hiện tư tưởng này của Người - tư tưởng thể hiện nhất quán quan điểm quần chúng mà Người suốt đời theo đuổi, Người cho rằng: "Trí tuệ là sáng kiến của quần chúng là vô tận" (927); "Nhân dân ta rất cần cù, thông minh và khéo léo, trong sản xuất và sinh hoạt, họ có nhiều kinh nghiệm quý báu" (1179). Theo chúng tôi, tư tưởng này của Người vẫn hoàn toàn giữ nguyên giá trị trong điều kiện ngày nay, dù rằng cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến nền kinh tế nước ta. Đó là vì chúng ta không thể ngay một lúc thay đổi toàn bộ kỹ thuật hiện có của chúng ta. Bên cạnh việc thay thế các thiết bị lạc hậu cũ kỹ bằng thiết bị mới hiện đại chúng ta cần phải biết cải tiến tận dụng những thiết bị đang có trong tay thông qua đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề. Đó là cách làm mang lại hiệu quả kinh tế lớn phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Kinh nghiệm của một số nhà máy cơ khí lớn đã chứng tỏ điều đó.

*
* *

Những quan điểm, nhận thức về vai trò của công nghiệp và khoa học công nghệ của Hồ Chí Minh trong tiến trình lịch sử nêu ra trên đây có thể chưa đầy đủ, song cũng đã thể hiện tư tưởng của một lãnh tụ luôn luôn bám sát cuộc sống vừa mang tính cách mạng vừa mang tính khoa học.

Mỗi chúng ta cần học tập để nâng cao lập trường quan điểm và nâng cao nhận thức đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

 

Nghíên cứu Kinh tế số 264 - Tháng 5/2000

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5

(ĐCSVN) - Tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước; quy định mới về xét tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú"; vi phạm quy định về khai thác thủy sản trong khu vực cấm bị phạt tới 90 triệu đồng;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2024.

Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

(ĐCSVN) - Đồng chí Trương Thị Mai vừa ký Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website