Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào thi đua yêu nước (tiếp)

Lê Quang Thiệu

THI ĐUA PHẢI CÓ KẾ HOẠCH TỈ MỈ 

Sau khi xác định mục đích thi đua, một vấn đề vô cùng quan trọng của bất cứ cuộc thi đua nào là đề ra mục tiêu, có kế hoạch phấn đấu một cách cụ thể, khoa học gắn liền với nhiệm vụ sản xuất, công tác, chiến đấu, đời sống, với nguyện vọng của quần chúng. Kế hoạch đề ra phải cǎn cứ vào điều kiện thực tế, khả nǎng có thể đạt được, với mức trung bình tiên tiến nhằm động viên mọi người phấn đấu vươn lên. 

Như vậy, để đạt được mục tiêu thi đua phải có kế hoạch cụ thể tỉ mỉ với những biện pháp thiết thực, tích cực. Và điều quan trọng là kế hoạch thi đua phải được quần chúng tham gia xây dựng, bàn bạc dân chủ, đóng góp ý kiến. 

Bác Hồ chỉ rõ: "Phải có kế hoạch tỉ mỉ, kế hoạch ấy phải đi từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân, bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu đáo, vui vẻ làm. Nghĩa là phải sao cho mỗi nhóm, mỗi người tự giác, tự động. Nội dung của kế hoạch phải tỉ mỉ, phải thiết thực, rõ ràng, đúng mức. Khi đặt kế hoạch phải tuyệt đối tránh sự sơ suất "đại khái", quá cao, phiền phức, miễn cưỡng. Thi đua không nên thiên về một phía, phải điều hoà ba nhiệm vụ với nhau: tǎng gia sản xuất, công việc hàng ngày và học tập (chính trị, vǎn hoá, tình hình trong nước và thế giới)". 

Bác phê bình việc lập kế hoạch không sát với điều kiện thực tế: "Nhiều nơi đặt kế hoạch không sát với hoàn cảnh, với địa phương. Nơi thì đặt kế hoạch to quá, rồi làm không nổi. Nơi thì làm ban đầu quá ồ ạt, đến nỗi ít lâu thì yếu sức đi, không tiếp tục thi đua được. Nơi thì mỗi một đoàn thể, mỗi một ngành đều có kế hoạch riêng mà các kế hoạch thì không ǎn khớp với nhau. Thành thử "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Nhân dân thì bù đầu, không đủ sức mà theo và không biết nên theo kế hoạch nào. Nơi thì các ban vận động thi đua chỉ biết làm theo chỉ thị của cấp trên. Trung ương gửi chỉ thị thế nào, khu cứ nguyên vǎn gửi xuống tỉnh, tỉnh cứ nguyên vǎn gửi xuống huyện, huyện cứ như thế gửi xuống xã, chứ không điều tra kỹ lưỡng, áp dụng thiết thực. Nhiều nơi có kinh nghiệm thành công hoặc kinh nghiệm thất bại, nhưng không biết trao đổi cho nơi khác, để tránh cái dở, học cái hay của nhau". 

Bác không chỉ quan tâm đến việc đề ra kế hoạch, mà còn chỉ ra những công việc, biện pháp cụ thể, thiết thực cần phải thực hiện để đạt được mục tiêu kế hoạch. 

Về quân sự, Bác không những đề ra đường lối chính trị, quân sự, mà còn chỉ ra nhiều điều về chiến lược, chiến thuật, chỉ huy chiến đấu, bảo đảm hậu cần, kể cả những điều về điều binh khiển tướng, về nghệ thuật quân sự trong những thời cơ trọng yếu. 

Bác vạch ra chiến lược đánh lâu dài, lấy đánh lâu dài để thắng chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp. Bác đề ra kết hợp đấu tranh quân sự song song với đấu tranh chính trị. Thắng lợi quân sự hỗ trợ cho thắng lợi chính trị, thắng lợi chính trị làm cho thắng lợi quân sự to lớn hơn. 

Bác đề ra việc phát huy và phối hợp tất cả sức mạnh của các lực lượng vũ trang và toàn dân để giành chiến thắng. Bác cụ thể hoá chiến tranh nhân dân bằng phát triển đánh du kích, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi xóm làng là một pháo đài. 

Để có nhiều vũ khí giết giặc, Bác động viên công nhân, cán bộ ngành quân giới ra sức thi đua sản xuất nhiều loại vũ khí, mặt khác động viên bộ đôi, dân quân du kích thi đua tiêu diệt địch, đoạt vũ khí của địch để trang bị cho quân ta. 

Trong việc phát triển kinh tế, Bác nhìn bao quát, toàn diện, đề ra đường lối phát triển chung của các ngành, đồng thời đi sâu vào từng ngành, cho ý kiến cụ thể về việc thi đua thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch đã định. 

Đối với nông nghiệp, Bác về thǎm các hợp tác xã, tìm hiểu tình hình thực tế, chỉ đạo các biện pháp cụ thể để thâm canh tǎng nǎng suất, phát triển trồng trọt và chǎn nuôi, củng cố hợp tác xã, cải thiện đời sống của xã viên. 

Bài nói của Bác với xã viên, cán bộ xã Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông vừa có nội dung kinh tế kỹ thuật sâu sắc, vừa chứa chan tình cảm, có sức động viên mạnh mẽ: "Xã Đại Nghĩa thuộc huyện Mỹ Đức. Cái tên rất đẹp. Các cô, các chú phải phát triển kinh tế, phát triển vǎn hoá, làm sao cho xứng với cái tên đó". Sau khi nói về các nhiệm vụ xây dựng hợp tác xã, xây dựng Đảng ở nông thôn, xây dựng ban chủ nhiệm, nhiệm vụ của xã viên, Bác nói nhiều về việc cải thiện đời sống, phát triển sản xuất. Bác cụ thể hoá thi đua diệt giặc đói khổ, diệt giặc dốt nát: "Về đời sống vật chất, phải làm sao cho ai nấy đều ǎn no, mặc ấm, có nhà ở cao ráo, có đường sá sạch sẽ. Giữ gìn vệ sinh ở nông thôn là điều rất quan trọng. Về đời sống vǎn hoá thì xoá nạn mù chữ thực hiện bổ túc vǎn hoá, rồi học lên nữa. Xã viên ít nhất phải học lớp 3, lớp 4. Cán bộ và thanh niên ít nhất phải học lớp 5, lớp 6. Bà con cần cố gắng học vǎn hoá, vì có vǎn hoá thì mới quản lý hợp tác xã được tốt. 

Đồng bào nông dân làm ǎn cả nǎm vất vả, khó nhọc, phải có lúc nghỉ ngơi, giải trí. Cần tổ chức những hoạt động vǎn hoá, vǎn nghệ, thể dục, thể thao". Bác chỉ ra cách thi đua thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, thực chất là tiến hành cuộc cách mạng kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp ở phạm vi một xã: "Để đạt mục đích trên, phải làm sao cho được mùa, vì "có thực mới vực được đạo", muốn được mùa phải sản xuất tốt. Muốn sản xuất tốt, nhà nông có 9 việc phải làm..." 9 việc làm mà Bác chỉ ra là: "kỹ thuật liên hoàn trong sản xuất lúa, gồm: phân, nước, cày sâu, bừa kỹ, cấy dày hợp lý, chọn giống tốt; làm cỏ sạch, làm cỏ nhiều lần; cải tiến công cụ; trừ sâu, diệt chuột; kịp thời vụ". 

Những điều mà Bác đã chỉ ra qua hơn ba mươi nǎm vẫn còn nguyên giá trị, vẫn là nội dung thi đua chủ yếu của sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. 

Đối với công nghiệp, Bác cũng không chỉ đề ra nhiệm vụ thi đua chung, mà đi sâu vào từng ngành, động viên thi đua sản xuất một cách cụ thể. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ban đầu Bác đề ra thi đua sản xuất các loại vũ khí thông dụng phù hợp với khả nǎng sản xuất và yêu cầu chiến đấu như lựu đạn, mìn, địa lôi, v.v., dần dần theo điều kiện có thể, sản xuất các loại súng đạn có kỹ thuật cao như súng cối, súng ba-dô-ca, v.v., để bắn phá ca-nô, tàu chiến, xe tǎng, lô-cốt địch. 

Bác còn quan tâm đến việc thi đua sản xuất các loại vật liệu cần thiết cho việc chế tạo vũ khí, đi sâu xem xét các điều kiện cần thiết, giải quyết các khó khǎn trong sản xuất. Nǎm 1951, công xưởng hoá chất miền Nam thuộc Cục quân giới xây dựng lò cao luyện gang ở Thanh Hoá để cung cấp gang cho các xưởng quân giới và các xưởng nông cụ. Việc xây dựng lò cao luyện gang đòi hỏi kỹ thuật cao mà cán bộ, công nhân ta chưa am hiểu nhiều, thiếu kinh nghiệm. Nguyên liệu cần có cho lò cao là than và quặng, khó khǎn lớn là thiếu than cốc nên phải đẵn cây gỗ trong rừng đốt thành than để thay thế. Gạch chịu lửa trong lò luyện gang cũng không có. Một khó khǎn nguy hiểm khác là khói lò cao bốc lên cao, dễ bị máy bay địch phát hiện, đánh phá. 

Nhiều người cho rằng trong hoàn cảnh kháng chiến, không thể xây dựng lò cao luyện gang được, các cấp lãnh đạo khu có ý kiến đình chỉ việc xây dựng. 

Đây là vấn đề lớn, phải báo cáo lên Trung ương, xin ý kiến của Bác. 

Sau khi đọc các báo cáo, xem xét kỹ các mặt, tin tưởng ở tinh thần sáng tạo của cán bộ, công nhân, Bác cho ý kiến tiếp tục tiến hành xây dựng lò cao. Bác ghi ý kiến của mình trên báo cáo, dặn dò cán bộ, công nhân lò cao chú ý bảo đảm ba điều kiện là: "kỹ thuật, lâm mộc, an toàn"1 , có nghĩa là nắm vững kỹ thuật, giữ gìn cây rừng, không sử dụng lãng phí, không để máy bay địch phá hoại. Chỉ với 6 chữ mà Bác chỉ ra một cách cụ thể các công việc chủ yếu bảo đảm thành công việc xây dựng lò cao luyện gang. Chưa yên tâm, Bác còn đi sâu cụ thể hơn, chỉ thị cho vǎn phòng truyền đạt ý kiến là nếu cần, cho các cơ quan có trách nhiệm tìm cách nhập gạch chịu lửa của Trung Quốc về cung cấp cho lò cao. 

Sự quan tâm, ý kiến sáng suốt của Bác là nguồn động viên, đem lại sức mạnh cho tập thể cán bộ, công nhân lò cao trong phong trào thi đua lập thành tích, tích cực góp phần chuẩn bị cho cuộc tổng phản công. Việc xây dựng lò cao hoàn thành, sản xuất ra gang có chất lượng tốt trước thời gian dự định, dùng than củi hợp lý theo tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo vệ được cây trồng, đặc biệt là xây dựng được lò cao trong hang núi đá tránh được thiệt hại do máy bay địch bắn phá. Anh em còn phát huy tinh thần tự lực, sản xuất được gạch chịu lửa, không phải nhập của nước ngoài. Kỳ công đó lập nên từ nhiệt tình thi đua yêu nước làm theo lời Bác, phấn đấu thực hiện mục tiêu thi đua mà Bác đề ra. 

Hoà bình được lập lại, miền Bắc bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế, bước đầu xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, Bác dành nhiều thời gian cho việc đẩy mạnh phong trào thi đua tất cả các ngành nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải. Bác đi về thǎm nhiều nhà máy, công trường, trực tiếp gặp cán bộ, công nhân, chỉ ra các công việc cụ thể, biện pháp tích cực nhằm hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước. 

Chỉ ít ngày sau khi Hà Nội được giải phóng, Bác đến thǎm nhà máy điện Bờ Hồ, động viên cán bộ, công nhân thi đua tǎng nǎng suất phát điện, tiết kiệm than dầu trong sản xuất, vận động các đơn vị sản xuất khác và nhân dân thực hành tiết kiệm trong việc dùng điện. Người này thi đua với người khác, đơn vị này thi đua với đơn vị khác. 

Bác đến thǎm công trường xây dựng nhà máy điện Vinh, nhà máy điện Uông Bí, gặp thân mật cán bộ, công nhân và chuyên gia Liên Xô giúp ta xây dựng. Bác cǎn dặn những điều cần làm tốt trong phong trào thi đua. Việc thiết kế và xây dựng phải làm cho chắc, cho kỹ, tránh làm ẩu rồi phải chữa đi chữa lại, vừa lãng phí sức người, sức của, vừa không tốt cho sản xuất. Xây dựng xong phải giữ gìn tốt máy móc, tiết kiệm than, tiết kiệm điện. Để làm được các việc này, cần phải tǎng cường quản lý kỹ thuật, quản lý kinh tế, giữ gìn kỷ luật lao động. Phải thường xuyên học tập kinh nghiệm của chuyên gia bạn. Phải chú ý ǎn, ở cho sạch sẽ, đúng vệ sinh để giữ gìn sức khỏe. 

Bác rất quan tâm đến ngành than mà ở đó kỹ thuật khai thác phức tạp, công nhân làm việc vất vả khó nhọc, nhiều tai nạn có thể xảy ra, đời sống có nhiều khó khǎn. 

Đầu nǎm 1953, Bác gửi thư động viên công nhân, cán bộ cùng nhân dân đấu tranh với chủ mỏ Pháp để bảo vệ hầm mỏ, nhà máy, kho tàng, thi đua nâng cao sản lượng khai thác than. Sau đó, Bác về thǎm vùng mỏ nhiều lần, có lần lên tận tầng than cao của công trường mỏ Đèo Nai trực tiếp nói chuyện với công nhân. Bác khen ngợi những thành tích thi đua đã đạt được trong việc nâng cao nǎng suất thiết bị, máy móc, phê bình những khuyết điểm đã có như chất lượng than chưa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, chưa bảo đảm mức than cục, công tác quản lý lao động, quản lý kỹ thuật còn lỏng lẻo, còn để lãng phí vật liệu, để xảy ra tai nạn lao động, chưa tổ chức tốt việc ǎn uống trên công trường, v.v.. 

Nǎm 1965, ngày mồng một Tết âm lịch, Bác về tận vùng mỏ vui Tết với đồng bào và chiến sĩ, công nhân, cán bộ. Bác khen thành tích sản xuất của nhân dân, công nhân, cán bộ, biểu dương chiến công của bộ đội, tự vệ công nhân mỏ bắn rơi 3 máy bay giặc Mỹ ngay trong trận đầu chúng đánh phá miền Bắc, vùng mỏ. Bác tặng ngành than lá cờ thưởng thi đua luân lưu để động viên các xí nghiệp ngành than cùng hǎng hái thi đua sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, tổ chức tốt đời sống, lao động an toàn thời chiến. 

Bác thường xuyên theo dõi phong trào thi đua của ngành than. Cuối nǎm 1968, sau những trận đánh phá ác liệt của giặc Mỹ, sản xuất của các mỏ than bị giảm sút, đời sống của công nhân, cán bộ gặp nhiều khó khǎn, phong trào thi đua lắng xuống, một số người dao động tinh thần. Các cấp lãnh đạo nặng về phê phán khuyết điểm làm cho tình hình càng cǎng thẳng. 

Bấy giờ sức đã yếu, Bác không đi về vùng mỏ trực tiếp động viên thi đua như những nǎm trước. Tin ở truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất của thợ mỏ, lấy việc khích lệ là chính để động viên tinh thần hǎng hái thi đua của công nhân, cán bộ ngành than, Bác cho mời các đại biểu công nhân, cán bộ ngành than lên Phủ Chủ tịch gặp Bác. Sau khi nghe các đại biểu báo cáo cụ thể tình hình sản xuất, chiến đấu, đời sống, Bác vui vẻ nói chuyện với các đại biểu, khen những cố gắng trong việc bước đầu khôi phục sản xuất, chỉ ra những công việc cần làm để đẩy mạnh khai thác, nâng cao chất lượng than, bảo vệ tốt sản xuất, tổ chức tốt đời sống. 

Những lời chỉ bảo của Bác toàn diện và cụ thể, giàu sức động viên; Bác phê bình các khuyết điểm, nhưng lấy cổ vũ khuyến khích là chính, nâng cao tinh thần tự hào, ý chí phấn đấu thi đua vượt khó khǎn của toàn thể cán bộ, công nhân ngành than. 

Bác nói: "Người ta thường gọi than là "vàng đen". Nó rất cần thiết cho công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, vận tải, quốc phòng và đời sống của nhân dân. Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng cần rất nhiều than. 

Ngành than sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc. Toàn thể công nhân và cán bộ phải có nhiệt tình cách mạng và tinh thần yêu nước rất cao, ý chí quyết đánh, quyết thắng rất vững, phải đoàn kết nhất trí, phải có ý thức làm chủ nước nhà, làm chủ xí nghiệp, vượt mọi khó khǎn, nhằm vào một mục đích chung là sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc. Như thế mới thật xứng đáng với chiến sĩ và đồng bào miền Nam đang anh dũng chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược và bọn tay sai bán nước...". 

Bác dặn dò cần tǎng cường công tác quản lý, tiến hành quản lý chặt chẽ lao động, vật tư, nghiêm chỉnh thực hiện kỷ luật lao động, công nhân tham gia quản lý, cán bộ tham gia lao động, chǎm lo đời sống vật chất và vǎn hoá của công nhân, kiên quyết chống nạn quan liêu, tham ô, lãng phí. Bác nhắc luôn luôn chú ý tổ chức tốt việc phòng không và cảnh giác sẵn sàng chiến đấu. 

Bác "mong tất cả công nhân và cán bộ cố gắng hơn nữa, đẩy mạnh ngành than trở thành một ngành gương mẫu cho các ngành kinh tế khác và tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh giàu đẹp". 

Sự chǎm sóc ân cần và những lời chỉ bảo cặn kẽ tỉ mỉ của Bác, đã động viên, toàn thể công nhân, cán bộ ngành than và chiến sĩ, nhân dân tỉnh Quảng Ninh hǎng hái thi đua, đẩy mạnh sản xuất than, đáp ứng cho nhu cầu của đất nước. 

NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website