Lê Quang Thiệu
THI ĐUA SẢN XUẤT VÀ TIẾT KIỆM, CHỐNG THAM Ô, LÃNG PHÍ, CHỐNG BỆNH QUAN LIÊU
Bác Hồ luôn luôn gắn thi đua sản xuất với thi đua thực hành tiết kiệm, Bác đề cao việc thực hành tiết kiệm, coi đó là một chính sách của Đảng và Nhà nước, là đạo đức của người dân Việt Nam.
Bác đặt mấy câu hỏi: "Tiết kiệm là gì? Vì sao phải tiết kiệm? Tiết kiệm những gì? Ai cần phải tiết kiệm?". Và Bác trả lời những câu hỏi đó một cách cụ thể, tỉ mỉ để mọi người dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, đồng thời nêu lên các thí dụ cụ thể gắn với công việc hằng ngày của mọi người, đi sâu vào hoạt động của nông dân, công nhân, viên chức, bộ đọi, v.v.. Bác chú trọng nhiều đến việc thực hành tiết kiệm trong sản xuất, xây dựng, nhắc nhở việc tiết kiệm thời gian, lao động, vật tư, tài chính, tiêu dùng trong đời sống.
Về ý nghĩa của tiết kiệm, Bác nói: "Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là "xem đồng tiền bằng cái trống", gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ǎn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào việc tǎng gia sản xuất, mà tǎng gia sản xuất để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân. Mà theo khoa học thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực".
Bác nhấn mạnh việc tiết kiệm để tích luỹ vốn nhằm phát triển: một nền kinh tế khá để kháng chiến và kiến quốc: "Muốn xây dựng kinh tế, thì phải có tiền của để làm vốn... Chúng ta chỉ có cách là một mặt tǎng gia sản xuất, một mặt tiết kiệm để tích trữ thêm vốn cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của ta".
Bác còn nói và giải thích hai chữ tiết kiệm một cách cụ thể để mọi người hiểu. Bác nói rằng: "Chúng ta phải tiết kiệm thời giờ, thí dụ một việc trước kia phải làm 2 ngày, nay vì tổ chức sắp xếp khéo, nǎng suất cao ta có thể làm trong 1 ngày xong". "Trong mọi công việc, phải tính toán cân nhắc cẩn thận". "Thì giờ là vàng bạc. Phải kiên quyết chống thói hội họp lu bù, mất thì giờ, hại sức khoẻ mà không kết quả thiết thực"... "Chúng ta phải tiết kiệm sức lao động. Thí dụ: Việc gì trước chỉ dùng 10 người, nay ta phải tổ chức sắp xếp cho khéo, phải nâng cao nǎng suất của mọi người như vậy mà chỉ dùng 5 người cũng làm được". Bác còn nói: "Việc gì trước kia phải dùng nhiều người, nhiều thời giờ phải tốn 2 vạn đồng. Nay vì tiết kiệm được sức người và thời giờ, nguyên liệu, cho nên chỉ tốn 1 vạn đồng là đủ".
Đối với nông dân, Bác khuyên thi đua nâng cao ngày công bằng cách sử dụng hợp lý sức lao động, Bác nói: "Mỗi hợp tác xã như một gia đình, có người khoẻ, người yếu, neo đơn, thương binh, gia đình liệt sĩ, hợp tác xã phải khéo tìm cách chia công việc cho họ để cùng làm được, đồng thời phải chú ý giúp đỡ họ".
Đối với công nhân, Bác động viên: "Mỗi một công nhân, đã là chủ của xí nghiệp, chủ nước nhà, phải tự giác giữ kỷ luật lao động. Giờ làm việc thì đi chậm, chưa hết giờ đã nghỉ không phải là thái độ của người chủ xí nghiệp, chủ Nhà nước".
Đối với công tác kinh tế tài chính, Bác chỉ rõ: "Công tác kinh tế tài chính cùng công tác sản xuất và tiết kiệm quan hệ khǎng khít với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, cho nên phải ǎn khớp với nhau. Tài chính, mậu dịch, ngân hàng làm việc thuận lợi thì mới thúc đẩy mạnh kế hoạch sản xuất và tiết kiệm. Kế hoạch sản xuất và tiết kiệm thực hiện đầy đủ thì sẽ giúp tài chính, mậu dịch, ngân hàng phát triển" .
Tiết kiệm không chỉ trong lĩnh vực sản xuất mà trong các lực lượng vũ trang cũng làm được. Bác nói: "Trong quân đội có quân nhu, quân giới, vận tải v.v.. là những cơ quan cần phải tiết kiệm đã đành. Các chiến sĩ cũng cần tiết kiệm và có thể tiết kiệm. Thí dụ: trước kia tính đổ đồng mỗi chiến sĩ bắn 50 viên đạn mới hạ được 1 tên địch. Nay vì luyện tập siêng nǎng, bắn khá, tính đổ đồng mỗi chiến sĩ chỉ bắn 10 viên đạn thì hạ 1 tên địch. Thế là chiến sĩ tiết kiệm được 80% đạn...". "Trước kia Cục vận tải phải chở 100 xe đạn, nay chỉ chở 20 xe, tiết kiệm được xe cộ và dầu mỡ. Xe chạy ít, thì đường sá phải chữa ít, thế là tiết kiệm được dân công v.v.".
Bác nêu việc tiết kiệm trong các cơ quan, kể cả cơ quan tư pháp: "Cơ quan nào cũng cần và cũng có thể tiết kiệm. Một số thí dụ: cơ quan nào cũng dùng phong bì, nếu mỗi cơ quan đều tiết kiệm, một chiếc phong bì dùng 2-3 lần, thì mỗi nǎm Chính phủ có thể tiết kiệm hàng chục tấn giấy. Nếu cán bộ tư pháp nâng cao nǎng suất, làm việc mau chóng, thì sẽ giúp cho những đồng bào có việc đến tư pháp tiết kiệm được ngày giờ, để tǎng gia sản xuất. Nói tóm lại, ai cũng có thể và cũng nên tiết kiệm".
Những điều, những thí dụ mà Bác nêu lên cụ thể, ngắn gọn song bao hàm nhiều ý nghĩa sâu sắc, hướng dẫn tiết kiệm cho mọi người, cho toàn xã hội. Những điều đó không những có ý nghĩa trong thời kỳ kháng chiến, mà còn có ý nghĩa lâu dài trong thời kỳ xây dựng đất nước.
Trong công cuộc phát triển kinh tế thời bình, thi đua tiết kiệm càng rất cần thiết để tǎng thêm tích luỹ vốn, có vốn trong nước mới có thể thu hút được vốn đầu tư của nước ngoài và tiếp thu sử dụng có hiệu quả sự hợp tác đầu tư của nước ngoài. Trông chờ, ỷ lại vào vốn đi vay, viện trợ và vốn đầu tư của nước ngoài không khỏi dẫn đến tình trạng bị lệ thuộc về kinh tế và chính trị, mất tính độc lập tự chủ, kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Thi đua tiết kiệm là biện pháp thiết thực để cải thiện đời sống, bằng cách sử dụng hợp lý thu nhập, tránh lãng phí xa hoa, vừa bảo đảm đời sống, vừa tích luỹ được tiền để dần dần nâng cao mức sống và mở mang sản xuất, vừa lợi nhà, vừa ích nước. Bác kêu gọi: "Để thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm, chúng ta phải gây một phong trào quần chúng rộng rãi và bền bỉ. Phải tuyên truyền, vận động, tổ chức, lãnh đạo nhân dân hǎng hái tham gia công việc lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch. Phải đặt phong trào sản xuất và tiết kiệm làm trung tâm của phong trào thi đua yêu nước".
Bác Hồ đề cao tiết kiệm, kêu gọi thi đua tiết kiệm, gây phong trào quần chúng rộng rãi và bền bỉ thực hành tiết kiệm, đồng thời Bác phê phán nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, kêu gọi gây phong trào quần chúng chống các tệ nạn đó.
Bằng những lời lẽ đơn giản, những ví dụ thực tế, Bác giải thích cho mọi người hiểu rõ tham ô, lãng phí, quan liêu là gì và sự cần thiết của việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu.
Về sự cần thiết của việc chống các tệ nạn này, Bác nói: "Muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ cho sạch, nếu không thì dù cày bừa có kỹ, bón phân nhiều, lúa vẫn xấu vì lúa bị cỏ át đi. Muốn thành công trong việc tǎng gia sản xuất và tiết kiệm cũng phải nhổ cỏ cho sạch, nghĩa là phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu. Nếu không thì nó sẽ làm hại đến công việc của ta".
Bác chỉ rõ: "Tham ô là gì ? Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là: ǎn cắp của công làm của tư, đục khoét của nhân dân, ǎn bớt của bộ đội, tiêu ít mà khai nhiều. Lợi dụng của chung, của Chính phủ làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình cũng là tham ô.
Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là ǎn cắp của nhân dân, khai man tập thể.
Lãng phí là gì ? Lãng phí có nhiều cách: lãng phí sức lao động, lãng phí thời giờ, lãng phí của công ...".
Từ những sự việc mà Bác nêu lên, liên hệ với thực tiễn hoạt động sản xuất, công tác và đời sống, chúng ta thấy tham ô, lãng phí phát sinh dưới những hình thức khác nhau, không những đã có nhiều trong kháng chiến, mà trong thời bình các tệ nạn này phát sinh rất phổ biến, nhiều nơi xảy ra nghiêm trọng, gây nhiều tổn thất cho đất nước, ảnh hưởng xấu đến công cuộc phát triển kinh tế, vǎn hoá, đời sống của nhân dân, củng cố quốc phòng, phá hoại đạo đức, luân lý, v.v..
Nói về bệnh quan liêu, Bác chỉ rõ: "Có nạn tham ô và lãng phí là vì bệnh quan liêu. Vì những người và những cơ quan lãnh đạo từ cấp trên đến cấp dưới không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng, đối với công việc thì trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi nơi, không đào sâu vấn đề, chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi, đến chốn.
Nói tóm lại, vì những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu, thành thử có mắt mà không thấu suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững, kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí.
Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí. Vì vậy, muốn bài sạch nạn tham ô, lãng phí, thì trước hết phải tẩy sạch bệnh quan liêu".
Bác nghiêm khắc lên án tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và Chính phủ. Nó là kẻ thù khá nguy hiểm. Vì nó không mang gươm, mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức, làm hỏng mọi công việc. Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu dù cố ý hay không cũng là bạn đồng minh của thực dân phong kiến. Nó làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc, làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí vượt khó khǎn của cán bộ, phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính.
Bác coi tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ "giặc ở trong lòng: Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm trọn nhiệm vụ của mình".
Bác nói: "Tham ô là trộm cướp. Lãng phí tuy không lấy của dân, song kết quả cũng tai hại cho nhân dân, cho chính phủ, có khi tai hại hơn nạn tham ô. Vì những lẽ đó, chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên các mặt trận. Cũng như ở các mặt trận khác, muốn thắng lợi ở mặt trận này, phải có chuẩn bị kế hoạch, tổ chức, phải có lãnh đạo và trung kiên.
Bác kêu gọi cán bộ và nhân dân: "Chúng ta từ trên đến dưới phải đồng tâm hiệp lực để thắng lợi trong phong trào này. Mà thắng lợi trong phong trào này sẽ giúp chúng ta đoàn kết hơn nữa, nâng cao nǎng suất hơn nữa. Nó giúp cán bộ ta cải tạo tư tưởng, nâng cao giác ngộ, thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật thà phụng sự bộ đội và nhân dân. Nó giúp chính quyền ta thành một chính quyền trong sạch, xứng đáng với lòng tin tưởng và sự hy sinh của chiến sĩ và đồng bào. Nó sẽ giúp chúng ta hoàn thành đầy đủ kế hoạch tǎng gia sản xuất và tiết kiệm của Chính phủ và của đoàn thể. Nó sẽ giúp chúng ta chuẩn bị đầy đủ để tiến sang tổng phản công".
Lời kêu gọi của Bác trở thành hiện thực. Phong trào thi đua sản xuất và tiết kiệm, phong trào chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu được cán bộ và nhân dân hưởng ứng, tích cực tham gia, thu nhiều thành tích lớn, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Hoà bình được lập lại, trong công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, Bác càng nhấn mạnh tầm quan trọng của phong trào này. Bác kêu gọi: "... Mọi người và mọi ngành đều phải hǎng hái thi đua yêu nước, tǎng gia sản xuất và tiết kiệm, tôn trọng và bảo vệ của công, tẩy trừ nạn tham ô, lãng phí". "Tǎng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là hai việc cần thiết nhất để phát triển chế độ dân chủ nhân dân tiến dần lên chủ nghĩa xã hội... Nếu đại đa số nhân dân ra sức sản xuất và tiết kiệm, mà có kẻ không ra sức lao động, lại đầu cơ tích trữ, ǎn cắp của công, hoặc lãng phí công sức và của cải của nhân dân, sẽ bị ảnh hưởng không tốt. Vì vậy, chống đầu cơ tích trữ, chống tham ô, lãng phí là một nhiệm vụ chung của cán bộ và nhân dân".
Thấm nhuần lời dạy của Bác, kiên trì thực hiện những điều mà Bác đã đề ra, nhân dân ta đã giành được nhiều thắng lợi trong thời kỳ kháng chiến và thời kỳ khôi phục kinh tế, bước đầu xây dựng đất nước. Những lời dạy của Bác càng có ý nghĩa thiết thực và trở nên quan trọng đối với công cuộc đổi mới phát triển kinh tế, vǎn hoá, xã hội, trên đất nước ta hiện nay.
NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994