Tìm hiểu một số nội dung giáo dục thế hệ trẻ trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Đỗ Thắng
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho thế hệ trẻ nước ta tình cảm thương yêu sâu sắc và sự quan tâm chǎm sóc, giáo dục ân cần. Một trong những di sản tinh thần vô giá mà Người để lại là những tư tưởng chiến lược về giáo dục thanh niên vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Thông qua nhiều bài nói, bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những chỉ dẫn cơ bản và cụ thể về quan điểm, đường lối, nội dung, phương pháp,... giáo dục đối với thanh niên. Đặc biệt, nội dung giáo dục là vấn đề được Người đề cập một cách toàn diện và sâu sắc. 

Dưới đây chúng tôi muốn tìm hiểu nội dung của một số vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm giáo dục cho thế hệ trẻ, lớp người nắm giữ tương lai của đất nước. 

1. Giáo dục lí tưởng cách mạng 

Trong cuộc sống của mình, con người không thể sống mà không có lí tướng. Lí tưởng thôi thúc con người hành động để thỏa mãn các nhu cầu, lợi ích. Giáo dục lí tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ là vấn đề được Hồ Chí Minh quan tâm hàng đầu, trước hết là giáo dục nhận thức để giác ngộ lí tưởng: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội (CNXH). Người dạy rằng: Thanh niên có giác ngộ lí tưởng mới giúp họ hiểu lí tưởng đó cao đẹp như thế nào, mới xây dựng cho họ niềm tin vào CNXH và lí tưởng cách mạng. Giác ngộ lí tưởng cách mạng đó cho thanh niên còn làm cho họ thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện lí tưởng , đồng thời có quan điểm và hành động đúng đắn để biến lí tưởng thành hiện thực. Nói cách khác, giác ngộ lí tưởng cách mạng chính là giáo dục cho thanh niên lí tưởng sống và niềm tin vào sự nghiệp xây dựng CNXH. 

Theo Hồ Chí Minh giáo dục tình cảm cách mạng là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng của giáo dục lí tưởng cách mạng cho thanh niên. Đó là giáo dục lòng tin yêu đối với Đảng, với giai cấp công nhân, với nhân dân lao động, với chế độ xã hội chủ nghĩa,... 

Giác ngộ lí tưởng cách mạng và thực hiện bằng được lí tưởng cao đẹp đó bằng tất cả nhiệt tình, ý chí, tài nǎng, trí tuệ của tuổi trẻ, lấy phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân làm lẽ sống cao quý của mình - đó là giá trị nhân cách của tuổi trẻ, là mục tiêu phấn đấu của thanh niên hiện nay. 

2. Giáo dục đạo đức cách mạng 

Hồ Chí Minh khẳng định: Lí tưởng cách mạng và đạo đức cách mạng không tách rời nhau. Nếu lí tưởng cách mạng là sự hướng tới mục tiêu cách mạng cao cả, là động lực thúc đẩy con người hành động thì đạo đức cách mạng là điều kiện để thực hiện lí tưởng, là nội dung biểu hiện của chính lí tưởng đó. 

Trước hết, giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ là nhằm giúp họ trở thành những công dân tốt, người chủ xứng đáng của đất nước, người cách mạng chân chính,... Người nhấn mạnh: người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm gốc, nếu không có đạo đức cách mạng thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Đối với thanh niên, để thực sự là lực lượng nòng cốt trong xây dựng xã hội mới, Người dạy: "thanh niên ta phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà và phải trau dồi đạo đức của người cách mạng"(1). 

Với Hồ Chí Minh, đức và tài, hồng và chuyên là hai yếu tố cốt yếu nhất của nhân cách, giữa chúng có mối quan hệ hữu cơ với nhau; có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, có tài mà không có đức thì không thể đem tài đó phụng sự được nhân dân. Tại Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ II, Người dạy: "Thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài giống như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không làm lợi gì cho loài người "(2). 

Cái bản chất, cốt lõi về giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ trong tư tưởng Hồ Chí Minh là: "Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng"(3). Quan điểm đó của Người không chỉ định hướng cho công tác tuyển chọn, đào tạo cán bộ mà còn là sự chỉ dẫn quý báu cho thanh niên phát triển nhân cách của mình một cách đúng đắn. 

3. Giáo dục chí khí cách mạng 

Trong nội dung giáo dục thế hệ trẻ, việc "nâng cao chí khí cách mạng" là vấn đề rất quan trọng. Khái niệm "chí khí" được Hồ Chí Minh đề cập nhiều lần trong các tác phẩm của mình, có thể tách ra làm hai phần đó là "chí" và "khí": "Chí có thể hiểu là ý chí, nghị lực, chí lớn,... "Khí" là khí phách, khí tiết, khí hùng, khí dũng trong con người,... 

Trước đây ông cha ta thường nói tới "chí làm trai" để động viên, cổ vũ con cháu vượt qua khó khǎn gian khổ mưu nghiệp lớn. Nhưng đó là "chí khí" nói chung, chí khí của truyền thống dựng nước và giữ nước. Trong thời đại mới, Hồ Chí Minh khuyên nhủ thanh niên tiếp tục phát huy "chí khí" đó trong hành động cụ thể, đó là "chí khí cách mạng": "Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khǎn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng". 

Hồ Chí Minh nói về mục tiêu CNXH ở nước ta là: "Làm cho đời sống nhân dân ngày càng sung sướng, ǎn no, mặc ấm, được học hành, ốm đau có thuốc" (4). Song con đường đến với ấm no, hạnh phúc như Người dự báo: Còn nghìn điều muôn loại phức tạp khó khǎn. Vì vậy, thế hệ trẻ chúng ta phải luôn nâng cao chí khí cách mạng để trong bất kì tình huống nào cũng quyết tâm vượt qua khó khǎn, hoàn thành nhiệm vụ. 

Ngày nay, thanh niên đang hǎng hái tham gia hai phong trào "Thành niên lập nghiệp" và "Tuổi trẻ giữ nước" vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, vǎn minh, nếu thiếu đi chí khí cách mạng thì không thể thực hiện được. Bởi lẽ chí khí càng cao mới có thể : "Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên". 

4. Giáo dục nâng cao trình độ chính trị, vǎn hóa, khoa học kĩ thuật 

Hồ Chí Minh coi giáo dục nâng cao trình độ chính trị, vǎn hóa, khoa học kĩ thuật là điều kiện quan trọng để thế hệ trẻ cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân. Trong nhiều trường hợp Người nhấn mạnh: "Phải ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, vǎn hóa, khoa học kĩ thuật" (5). ở đây điều cần chú ý không phải chỉ là trật tự trước sau của ba thành tố: chính trị, vǎn hóa, khoa học kĩ thuật mà là mối liên hệ giữa ba thành tố ấy. Người chỉ rõ: Nếu không học tập vǎn hóa, không có trình độ vǎn hóa thì không thể tiếp thu khoa học kĩ thuật và chuyên môn nghiệp vụ; nếu chỉ học vǎn hóa, khoa học kĩ thuật mà không học tập chính trị thì "như người nhắm mắt mà đi". Người đòi hỏi mọi người cần nhớ và thực hiện đầy đủ ba điểm ấy. 

Nâng cao trình độ chính trị là nhu cầu tự thân của mọi công dân yêu nước, đặc biệt là đối với tuổi trẻ, là cơ sở để nắm bắt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Người cho rằng trong việc học tập chính trị cần đặc biệt coi trọng các bộ môn lí luận Mác - Lê nin. Theo Hồ Chí Minh chủ nghĩa Mác - Lênin là đỉnh cao của trí tuệ và vǎn hóa khoa học, đó là chủ nghĩa chân chính nhất, cách mạng nhất và khoa học nhất. Chủ nghĩa Mác - Lênin "không có gì cao xa" mà là sống với nhau có tình có nghĩa, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. 

Coi trọng giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, giáo dục tư tưởng chính trị có nghĩa là đòi hỏi thế hệ trẻ phải kiên định lập trường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Người nhấn mạnh: Muốn xây dựng CNXH phải có con người xã hội chủ nghĩa, muốn trở thành người xã hội chủ nghĩa phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Với Hồ Chí Minh không có vǎn hóa, khoa học kĩ thuật chung chung, trừu tượng. Vǎn hóa, khoa học kĩ thuật ở Việt Nam phải gắn bó với dân tộc Việt Nam với độc lập dân tộc và CNXH. Người kết luận: Vǎn hóa phải có nội dung xã hội chủ nghĩa và mang hình thức dân tộc hoặc nền vǎn hóa "với nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc" (6). 

5. Giáo dục thể chất và nếp sống vǎn hóa 

Hồ Chí Minh coi con người là nhân tố quyết định đối với sự thành công của cách mạng Việt Nam. Đối với thế hệ trẻ, Người chủ trương thực hiện giáo dục toàn diện: "Trong việc giáo dục và học tập phải chú trọng đủ các mặt"(7), khuyến khích thanh niên rèn luyện đức, trí, thể, mỹ để phát triển toàn diện. Sau khi cách mạng tháng Tám nǎm 1945 thành công, Người yêu cầu cán bộ và các cơ quan chức nǎng bốn việc cần quan tâm: công tác phòng bệnh, công tác thể dục thể thao, công tác vệ sinh, thực hiện đời sống mới,... Đầu nǎm 1964, Người kêu gọi: "Luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước". 

Bản thân Hồ Chí Minh là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ nước ta về tính kiên trì luyện tập sức khỏe. Trong những hoàn cảnh, điều kiện cụ thể Người luôn tìm ra những hình thức rèn luyện thích hợp, nhờ vậy đã chiến đấu chống lại bệnh tật, tạo cho mình sức sáng tạo và làm việc bền bỉ. Trong chúng ta ai cũng biết câu nói nổi tiếng của Người: "Mỗi một người dân yếu ớt tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần. Mỗi một người dân khỏe mạnh tức là góp phần làm cho cả nước mạnh khỏe,... việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công" (8). 

Trong suốt cuộc đời giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ thành những chiến sĩ cách mạng kiên trung vì độc lập tự do của Tổ quốc, Người luôn cǎn dặn thanh niên phải sống có vǎn hóa, phải trở thành chiến sĩ trên mặt trận vǎn hóa. Sống có vǎn hóa, trước hết là sống cao đẹp, một lối sống theo Người: "Điều gì phải thì cố làm cho được dù là việc nhỏ, điều gì trái thì phải hết sức tránh dù là điều trái nhỏ" (9). 

Sau cách mạng tháng Tám nǎm 1945, ngay lập tức Người đã chỉ đạo nhân dân "thực hiện đời sống mới", chống các tệ nạn xã hội (như cờ bạc, rượu chè, ma túy, mê tín dị đoan,...). Đặc biệt đối với thế hệ trẻ Hồ Chí Minh có yêu cầu cao trong quá trình rèn luyện, tạo dựng cho bản thân nếp sống vǎn hóa, đấu tranh chống lại: "tâm lí ham sung sướng, tránh khó nhọc", "chống lười biếng, chống xa xỉ, chống kiêu ngạo khoe khoang, chống sinh hoạt uỷ mị vô kỷ luật" (10). 

Ngày nay, thế giới đang có những biến động phức tạp về chính trị, kinh tế, vǎn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ,... Đất nước ta đang trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá. Tác động nhiều mặt của nền kinh tế thị trường đang đặt thế hệ trẻ nước ta trước những thời cơ và thách thức mới. Vì vậy, chúng ta phải vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào giáo dục thanh niên; đồng thời, việc giáo dục phải gắn với điều kiện kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế. Mặt khác phải biết khai thác các ưu thế của họ do điều kiện mới đem lại để hướng dẫn, định hướng họ tới sự lựa chọn các giá trị đúng đắn, khắc phục những nhận thức mơ hồ, lệch lạc, những hành vi tiêu cực. Chỉ như vậy chúng ta mới có thể giúp cho thế hệ trẻ hình thành quan điểm sống tích cực, đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển xã hội. 

Tạp chí Giáo dục, số 23, tháng 2/2002

(1), (3), (4), (5), (10). Hồ Chí Minh. Về Giáo dục thanh niên. NXB Thanh niên. H.1980, tr 31, tr. 287, tr 417, tr 377, tr.132, 133 
(2). Hồ Chí Minh. Toàn tập. t.19 NXB Chính trị quốc gia. H.1995, tr.172 
(6). Hồ Chí Minh. Toàn tập. t.11, NXB Chính trị quốc gia. H.1995. tr.224 
(7). Vũ Kiên. Chủ tịch Hồ Chí Minh với sức khỏe. NXB Khoa học xã hội, H.1990, tr. 198. 
(8). Hồ Chí Minh. Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục, 1946. 
(9) Bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lễ khai giảng trường Đại học Nhân dân, ngày 19-1-1955.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website