Là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm và tình cảm đặc biệt cho việc giáo dục, rèn luyện tính nhân dân của quân đội, "…làm cho quân đội ta trở thành quân đội chân chính của nhân dân".
Ra đời trong phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân đội ta được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện. Do vậy, quân đội ta là quân đội kiểu mới mang bản chất giai cấp công nhân, tính dân tộc, tính nhân dân sâu sắc. Xây dựng bản chất cách mạng của quân đội tất yếu phải bao hàm nội dung xây dựng tính dân tộc, tính nhân dân. Về tính nhân dân của quân đội, cú th? nhấn mạnh một số nội dung cơ bản sau:
1. Quân đội phải được xây dựng trên "nền nhân dân". Vì theo Ch? t?ch H? Chớ Minh, cuộc cách mạng do Đảng ta lãnh đạo không chỉ là cuộc cách mạng sâu sắc, triệt để nhất, mà còn là cuộc cách mạng có tính nhân dân cao nhất. Lực lượng của cách mạng là ở nhân dân, sức mạnh chủ yếu của cách mạng cũng từ nhân dân, lợi ích của cách mạng cũng chính là lợi ích của nhân dân. Quân đội cách mạng của Đảng cũng từ nhân dân mà ra, "…nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội". Thực chất xây dựng "nền nhân dân" của quân đội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm là xây dựng mối quan hệ chính trị - xã hội giữa quân đội với nhân dân và xác định trách nhiệm của quân đội đối với nhân dân.
2. Quân đội phải vì nhân dân quên mình, phục vụ nhân dân vô điều kiện. Quân đội ta là công cụ bạo lực sắc bén của Đảng, lại là con em của nhân dân, phải có trách nhiệm chiến đấu quên mình để bảo vệ nhân dân, phụng sự nhân dân. Người chỉ rõ: "Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nghĩa là con em ruột thịt của nhân dân. Đánh giặc để tranh lại độc lập thống nhất cho Tổ quốc, để bảo vệ hạnh phúc của nhân dân. Ngoài lợi ích của nhân dân, quân đội ta không có lợi ích nào khác". Người căn dặn cán bộ, chiến sĩ đã là bộ đội của dân, bộ đội cách mạng thì phải vì nhân dân phục vụ, "Việc khó khăn, nguy hiểm mấy cũng không sợ, nhất định làm cho kỳ được". Người trực tiếp theo dõi từng bước trưởng thành của quân đội ta, kịp thời biểu dương, khen thưởng những đơn vị, cá nhân lập được chiến công, đồng thời cũng thẳng thắn phê bình những ai tỏ ra "kiêu căng", "vỗ ngực" với nhân dân. Người nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ: "Mình đánh giặc là vì dân. Nhưng mình không phải "cứu tinh" của dân, mà mình có trách nhiệm phụng sự nhân dân".
Quân đội phải dựa vào nhân dân và cùng nhân dân chiến đấu. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân". Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng xóm là một pháo đài, chiến đấu bằng mọi cách, bằng mọi thứ có thể dùng làm vũ khí. Trong chiến tranh nhân dân, quân đội nhân dân là lực lượng vũ trang nòng cốt phải có trách nhiệm giúp đỡ và cùng với dân quân, du kích đánh giặc. Ngược lại, mọi hoạt động xây dựng và chiến đấu của quân đội đều phải dựa vào nhân dân. Vì rằng "thực túc thì binh cường"; cơm bộ đội ăn, áo bộ đội mặc, vũ khí bộ đội dùng, tiếp lương, tải đạn, dẫn đường cho bộ đội đánh giặc cũng là nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Tóm lại, quân đội sinh trưởng, thắng lợi, là nhờ nhân dân ra sức giúp đỡ". Do vậy, Người thường xuyên nhắc nhở bộ đội trong mọi hoàn cảnh phải dựa vào nhân dân, nhân dân là cội nguồn sức mạnh của quân đội: "Không có dân thì không có bộ đội"; "Dân như nước, quân như cá. Phải làm cho dân hết sức giúp đỡ mình thì mình mới đánh thắng giặc".
Quân đội phải thường xuyên giữ mối liên hệ máu thịt với nhân dân. Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mối quan hệ của quân đội ta với nhân dân là mối quan hệ với người sinh thành, nuôi dưỡng, che chở mình; đó là quan hệ máu thịt, cá nước; tách rời mối quan hệ với nhân dân, quân đội sẽ mất đi sức mạnh. Người dạy bộ đội: "Muốn giết địch thắng trận, thì phải có đồng bào giúp mọi mặt. Muốn được đồng bào vui lòng giúp, thì ta phải giúp đỡ đồng bào, kính trọng đồng bào. Đó là con đường thắng lợi". Trong quan hệ với nhân dân, bộ đội không chỉ kính trọng, lễ phép mà còn phải ra sức bảo vệ tính mạng, tài sản của dân, giúp đỡ nhân dân nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. "Không được phung phí nhân lực, vật lực của dân… phải khôn khéo tránh điều có hại cho đời sống nhân dân". Để thắt chặt mối quan hệ quân dân - cá nước, Người thường xuyên căn dặn bộ đội phải khéo vận động nhân dân, dân vận phải đặc biệt nhẫn nại: "Tất cả quân nhân phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Phải làm thế nào để mình chưa đến thì dân trông mong, khi mình đến thì dân giúp đỡ, khi mình đi thì dân luyến tiếc". Làm được như vậy là được lòng dân, mà được lòng dân thì khó khăn mấy bộ đội cũng sẽ dành thắng lợi.
Cùng với sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có vai trò và ảnh hưởng cực kỳ to lớn đối với việc xây dựng bản chất cách mạng của quân đội. Nhờ làm theo giáo huấn của Người, 60 năm qua, quân đội ta đã không ngừng phát triển, lớn mạnh trên "nền nhân dân", nơi sinh thành, nuôi dưỡng mình. "Hiếu với dân" đã trở thành một chuẩn mực đạo đức của quân nhân trong quân đội ta. Trong mọi giai đoạn của cách mạng, mọi hoàn cảnh chiến đấu hay công tác, cán bộ, chiến sĩ trong quân đội đều tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân và được nhân dân hết lòng giúp đỡ, che chở. "Bộ đội Cụ Hồ" - danh hiệu cao quý mà nhân dân dành cho bộ đội ta là tình cảm tin yêu của nhân dân đối với bộ đội, là sự thừa nhận bộ đội ta đã phấn đấu, rèn luyện theo lời dạy của Bác Hồ: "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng". Đó cũng chính là bản chất, truyền thống tốt đẹp của quân đội ta.
Trong giai đoạn mới của cách mạng nước ta, kẻ thù đang ra sức thực hiện chiến lược "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ hòng xoá bỏ chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Trong đó, quân đội là một trọng điểm chống phá, chúng thực hiện "phi chính trị hoá" quân đội, tìm cách vô hiệu hoá sự lãnh đạo của Đảng ta đối với quân đội. Đồng thời, chúng dùng nhiều thủ đoạn nham hiểm nhằm ly gián quân đội với nhân dân. Thực chất là đang tìm cách phá vỡ "nền nhân dân", làm biến chất tính nhân dân để tiến tới vô hiệu hoá và làm tan rã quân đội ta. Vì vậy, hơn lúc nào hết, quân đội ta phải tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tính nhân dân của quân đội, cảnh giác với mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, quyết không để chúng mua chuộc, lôi kéo, chia rẽ nhân dân với quân đội. Dù ở cương vị nào, hoàn cảnh nào, khi tiếp xúc với nhân dân, cán bộ, chiến sĩ ta phải nhớ mình là "Bộ đội Cụ Hồ", là con em nhân dân, không được làm điều gì "bất hiếu" với dân.
Theo Phạm Trọng Đẩu, Tạp chí Giáo dục lý luận chính trị quân sự tháng 12/2004