Để tiếp tục thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát huy vai trò cơ quan chính trị, cán bộ chính trị vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của quân đội, của cách mạng trong thời kỳ mới, đòi hỏi cấp uỷ, chỉ huy các cấp và đội ngũ cán bộ trong quân đội phải làm tốt một số vấn đề cơ bản sau đây:
Một là, xây dựng các tổ chức đảng trong quân đội trong sạch vững mạnh. Các tổ chức đảng trong quân đội trong sạch vững mạnh quyết định sức mạnh và hiệu lực công tác đảng, công tác chính trị; cơ quan chính trị và cán bộ chính trị vững mạnh là lực lượng nòng cốt bảo đảm xây dựng các tổ chức đảng trong quân đội trong sạch vững mạnh. Thực tế cho thấy, ở đâu và khi nào cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị yếu, kém thì công tác xây dựng Đảng, công tác đảng, công tác chính trị gặp khó khăn, lúng túng, phong trào không tiến lên được. Tiểu ban Tổng kết trực thuộc Bộ Chính trị cũng đã kết luận: "Có thời gian (trước đại hội VI) trong quân đội đã bỏ chế độ Đảng ủy các cấp, thay vào đó là chế độ Hội đồng Quân sự, tập trung quyền vào thủ trưởng, từ đó đã làm ảnh hưởng lớn đến chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách". Ngày 5 tháng 8 năm 1996, trong Báo cáo tổng hợp ý kiến của các đảng ủy trực thuộc, Tổng cục Chính trị đã viết: "Nghị quyết 07 là không thực tiễn, làm giảm sút sự lãnh đạo của Đảng dẫn đến sai lầm, khuyết điểm: Coi thường lãnh đạo, xem nhẹ công tác đảng, công tác chính trị, giảm hiệu lực công tác đảng, công tác chính trị…". Như vậy, cả lý luận và thực tiễn đều chứng tỏ mối quan hệ khăng khít không thể tách rời giữa công tác xây dựng Đảng với hệ thống cơ quan chính trị và cán bộ chính trị. Vì vậy, phải coi trọng đúng mức xây dựng cả hệ thống tổ chức đảng và cơ quan chính trị, cán bộ chính trị trong quân đội vững mạnh.
Hai là, thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị. Đây là vấn đề khách quan trước yêu cầu xây dựng quân đội vững mạnh; và trong bất cứ hoàn cảnh nào, cơ quan chính trị, đội ngũ cán bộ chính trị cũng phải được tăng cường. Tuy vậy, cũng có lúc chúng ta nhận thức vấn đề chưa sâu sắc. Sau tháng 10 năm 1980, để thực hiện chế độ một người chỉ huy, chúng ta đã bố trí một phó về chính trị từ đại đội trở lên. Việc rút bớt cán bộ chính trị trong điều kiện khối lượng công việc vẫn như cũ đã gây nên khó khăn lớn cho việc tiến hành công tác đảng, công tác chính trị. Sau năm 1982, theo quy định mới, cấp trung đoàn và cơ quan quân sự không có cơ quan chính trị mà chỉ có các trợ lý trực thuộc nên đã dẫn đến tình trạng cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị chưa được củng cố phù hợp với đòi hỏi cấp bách của việc tăng cường xây dựng Đảng, đội ngũ cán bộ chính trị thiếu và yếu. Nhận định này của Đảng ủy Quân sự Trung ương (Nghị quyết 79 năm 1992) cho ta thấy: việc kiện toàn cơ quan chính trị và cán bộ chính trị đỏi hỏi cả về số lượng và chất lượng, cả cán bộ chủ trì, cả cơ quan và cơ sở, có như vậy bộ máy mới vận hành thông suốt và đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Cơ quan chính trị được kiện toàn có nghĩa là phải bố trí đủ về số lượng và nâng cao chất lượng của các trợ lý chuyên môn, không để họ phải kiêm nhiệm nhiều việc dẫn đến năng lực chuyên sâu bị hạn chế; cán bộ đầu ngành phải giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có khả năng điều hành chuyên môn nghiệp vụ cơ quan mình; các trợ lý phải có khả năng tổng kết thực tiễn, sâu sát đơn vị. Đội ngũ cán bộ chủ trì công tác đảng, công tác chính trị ở đơn vị cũng phải đủ về số lượng, có khả năng vạch kế hoạch và hướng dẫn thực hiện công tác đảng, công tác chính trị, đồng thời sẵn sàng thay thế người chỉ huy khi cần thiết.
Ba là, đẩy mạnh phong trào tự học tập, tự rèn luyện của cán bộ chính trị. Tự học, tự rèn là một yếu tố quan trọng thực sự góp phần xây dựng và phát huy vai trò cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị, bởi uy tín và năng lực của cán bộ chính trị do chính họ tạo ra là bền vững và lâu dài nhất, làm tôn vinh đội ngũ từ chính sự phấn đấu của họ. Học tập trong trường là cần thiết, không thể thiếu, nhưng đó mới chỉ là phương hướng, là những kiến thức cơ bản ban đầu; còn muốn làm được việc, người cán bộ phải học nữa, học mãi trong khi đi làm việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Bộ đội ta ngày càng trưởng thành và tiến bộ. Các đồng chí cán bộ của Đảng ở các cấp phải cố gắng tiến bộ hơn, để lãnh đạo bộ đội". Để thực hiện tốt chỉ dẫn của Người, đòi hỏi cấp ủy và chỉ huy các cấp phải thường xuyên động viên, khơi dậy tinh thần tự giác học tập và rèn luyện, tự rèn đức tính khiêm tốn, trung thực, giản dị, lối sống lành mạnh, thương yêu đồng chí đồng đội của người cán bộ chính trị. Phải không ngừng học tập để nâng cao trình độ kiến thức mà trước hết ở các lĩnh vực quân sự, lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao tay nghề; phải phấn đấu làm "kiểu mẫu" trong công tác và cuộc sống đời thường; phải có kế hoạch phấn đấu cụ thể, tỉ mỷ, có tính khả thi và sau từng thời gian phải tự kiểm điểm rút kinh nghiệm, bổ sung những chỉ tiêu cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị trong thời kỳ mới.
Thượng tá, Th.S Nguyễn Đức Ngọc
Tạp chí Giáo dục lý luận chính trị quân sự, số 1-2005