Đảng Cộng sản Áo

Sự ra đời của Đảng Cộng sản (ĐCS) Áo diễn ra trong bối cảnh Quốc tế II bị "phá sản" do sự lũng đoạn của chủ nghĩa cơ hội xét lại và trong bối cảnh các lực lượng cánh Tả của các đảng xã hội - dân chủ dưới sự lãnh đạo của V.I.Lênin với nòng cốt là Đảng Bôn-sê-vích Nga đang xúc tiến chuẩn bị thành lập Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III). Bởi vậy, ngay khi mới ra đời, ĐCS Áo đã phải tiến hành hàng loạt cuộc đấu tranh không khoan nhượng trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, tư tưởng đến tổ chức nhằm chống các tư tưởng cải lương, cơ hội xét lại, xây dựng một chính đảng mácxít - lêninnít chân chính. Chặng đường lịch sử gần trọn một thế kỷ của những người cộng sản Áo đã trải qua không ít những thăng trầm, phức tạp. Song, ĐCS Áo vẫn kiên định trụ vững, tích cực đấu tranh bảo vệ quyền lợi của giai cấp công nhân (GCCN), của các tầng lớp lao động Áo, vì dân sinh, dân chủ và tiến bộ xã hội, đóng góp vào sự phát triển của phong trào cộng sản quốc tế (PTCSQT). Những người cộng sản Áo cùng với các lực lượng dân chủ cánh tả khác dấy lên phong trào quần chúng sâu rộng đấu tranh chống các thế lực tư bản phản động, chống chủ nghĩa phát xít. Do đó tháng 5-1933, ĐCS Áo bị Chính phủ phản động của Đôn Phu-ca cấm hoạt động. Trong giai đoạn nước Áo bị phát xít Đức chiếm đóng (1938 - 1945), Đảng là lực lượng đi đầu trong phong trào kháng chiến chống phát xít, đấu tranh chống lại âm mưu sáp nhập Áo vào Đức.

 Sau khi đất nước được giải phóng khỏi ách phát xít, ĐCS Áo được tổ chức lại và hoạt động công khai với số lượng 155 nghìn đảng viên. Những năm 1945 - 1947 Đảng có đại diện tham gia Chính phủ với một ghế bộ trưởng. Những người cộng sản đã sử dụng nhiều hình thức đấu tranh công khai, hợp pháp buộc Chính phủ phải thực hiện một số nhượng bộ, ban hành một số chính sách kinh tế - xã hội có lợi cho GCCN và các tầng lớp lao động; đồng thời đòi Chính phủ phải duy trì chính sách đối ngoại trung lập, tích cực chống lại âm mưu của các cường quốc phương Tây lôi kéo Áo vào các khối quân sự xâm lược. 

 Đến giữa những năm 60, nội bộ ĐCS Áo xuất hiện nhóm cơ hội hữu khuynh, đứng đầu là E.Phi-se, Ph.Ma-rec, tăng cường hoạt động bè phái, chia rẽ Đảng, đòi cắt đứt quan hệ với ĐCS Liên Xô nhân sự kiện Tiệp Khắc năm 1968. Tháng 5-1970, tại Đại hội lần thứ XXI, ĐCS Áo đã tiến hành củng cố về tổ chức và tư tưởng, lên án mạnh mẽ hoạt động của các phần tử hữu khuynh, bè phái và khai trừ các phần tử này ra khỏi Đảng. Đến Đại hội XXII (1-1974) nhóm cơ hội hữu khuynh đã hoàn toàn bị loại trừ, những nguyên tắc của một đảng cách mạng được khôi phục. Đại hội thông qua văn kiện có tính cương lĩnh "Những nguyên tắc chính trị - tư tưởng của ĐCS Áo", trong đó khẳng định nước Áo có khả năng tiến lên CNXH trải qua giai đoạn quá độ của nền dân chủ chống độc quyền, ở đó sự thống trị của tư bản độc quyền sẽ bị phá bỏ và xây dựng một chính quyền dân chủ tại Áo. 

 Trong những năm 80 thế kỷ XX, ĐCS Áo giành ưu tiên cho cuộc đấu tranh vì dân sinh, dân chủ và chống nguy cơ chiến tranh hạt nhân huỷ diệt, đặc biệt khi chính quyền Ri-gân ở Mỹ phát động cuộc chạy đua vũ trang mới. Đại hội XIV (12-1980) của Đảng đã thông qua "Nghị quyết về tình hình chính trị và những nhiệm vụ của Đảng", các nghị quyết về cuộc đấu tranh chống chạy đua vũ trang, chống nguy cơ của chủ nghĩa phát xít mới, bổ sung một số sửa đổi trong Điều lệ Đảng. Đại hội đòi chính phủ Áo chống lại quyết định của NATO về sản xuất và triển khai ở Châu Âu tên lửa tầm trung của Mỹ. Tháng 1-1982, Đại hội bất thường của ĐCS Áo thông qua Cương lĩnh mới và trên cơ sở quan điểm mácxít - lêninnit khi phân tích bối cảnh quốc tế cũng như trong nước, Đại hội khẳng định khả năng hiện thực của các cải cách sâu rộng ở Áo với mục tiêu cuối cùng là xây dựng thành công chế độ XHCN. Đại hội XV (1-1984) của Đảng xác định rõ nhiệm vụ của những người cộng sản phải tích cực tham gia phong trào chống chiến tranh, chỉ rõ cuộc đấu tranh chống nguy cơ chiến tranh gắn liền với cuộc đấu tranh vì những quyền lợi chính trị, xã hội của GCCN và các tầng lớp lao động. 

 Trong quá trình hoạt động, ĐCS Áo luôn coi trọng đấu tranh củng cố nền an ninh Châu Âu, đòi Chính phủ phải nghiêm chỉnh thi hành chính sách trung lập. Mặt khác, Đảng cũng vạch trần tính chất mị dân trong chính sách "Người bạn đường xã hội" của Đảng XHCN Áo, thể hiện nội dung tư tưởng - chính trị cơ bản của trào lưu CNXH dân chủ mà thực chất là sự "theo đuôi" giai cấp tư sản, để sống "cộng sinh" cùng CNTB, góp phần củng cố sự tồn tại lâu dài của CNTB hiện đại. Do hoạt động tích cực, suốt từ năm 1945 đến năm 1989, ĐCS Áo có vị trí vững chắc trong hội đồng sản xuất ở các xí nghiệp lớn, có đại diện trong nhiều cơ quan chính quyền địa phương và Quốc hội. 

 Với tình đoàn kết quốc tế, ĐCS Áo đã cử đoàn đại biểu tham dự hội nghị các ĐCS và công nhân quốc tế năm 1957, 1960, 1969; tham gia hội nghị các ĐCS và công nhân Châu Âu tại Bec-lin (1976) và tại Pa-ri (1980). Đảng có cơ quan ngôn luận TƯ là báo "Tiếng nói nhân dân" và tạp chí lý luận chính trị "Con đường và mục tiêu", góp phần quan trọng vào công tác tuyên truyền của Đảng và thông tin giữa các ĐCS trong PTCSQT. 

 Sau "cú sốc chính trị" do sự sụp đổ chế độ XHCN ở Đông Âu và Liên Xô, ĐCS Áo lâm vào khủng hoảng nặng nề như một số ĐCS khác trên thế giới. Đảng tuyên bố tự giải tán (1991), nhưng ngay sau đó với tinh thần kiên định của nhiều đảng viên cộng sản, ĐCS Áo đã nhanh chóng được khôi phục trở lại, vẫn giữ tên gọi và bản sắc cộng sản, dựa trên lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đường lối, cương lĩnh của Đảng nhấn mạnh mục tiêu XHCN, chống CNTB, CNĐQ, duy trì sự đoàn kết giữa các ĐCS, công nhân và các lực lượng cánh tả, ủng hộ chính sách tạo điều kiện để người nước ngoài sống bình đẳng và hoà nhập hoàn toàn vào xã hội Áo, chống kỳ thị chủng tộc. 

 Đại hội XXXI (năm 2000) của ĐCS Áo, trên cơ sở phân tích tình hình thực tế trong Đảng cho rằng: Đảng đã vượt qua được thời kỳ khó khăn nhất kể từ đầu thập niên 90 thế kỷ XX, nền tảng tư tưởng và tổ chức của Đảng được củng cố và từng bước phát triển, ảnh hưởng trong xã hội dần được khôi phục. Đại hội thông qua nghị quyết chính trị phê phán chính sách của liên minh cầm quyền và nêu ra những yêu cầu cấp thiết trong cuộc đấu tranh chống lại những "biện pháp cấp tốc" theo hướng chủ nghĩa tự do mới mang tính phản xã hội của Chính phủ. Đảng bắt đầu tích cực tham gia các hoạt động quốc tế, nhất là tại diễn đàn các cuộc gặp gỡ quốc tế của các ĐCS, công nhân ở A-ten (Hy Lạp), Bec-lin (Đức) và nhiều nơi khác. 

 Hiện nay, ĐCS Áo có hơn 8 nghìn đảng viên, tuy nhiên Đảng không còn các tổ chức quần chúng riêng trong phụ nữ, thanh niên, sinh viên. Từ năm 1989 đến nay, Đảng không còn đại diện trong Chính phủ và Quốc hội. Ban lãnh đạo hiện nay gồm 35 thành viên. Đường lối chính trị của ĐCS Áo tại các đại hội gần đây có những điều chỉnh quan trọng. Về đối nội, Đảng chú trọng mục tiêu dân sinh, dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội; nhấn mạnh nhiệm vụ tập trung đấu tranh chống chính sách kinh tế - xã hội theo chủ nghĩa tự do mới, chống đại tư bản độc quyền, vạch trần các thủ đoạn bóc lột tinh vi của CNTB trong điều kiện toàn cầu hoá. Về đối ngoại, Đảng chủ trương ưu tiên cho cuộc đấu tranh chống cường quyền đế quốc, lên án mạnh mẽ việc sử dụng chiêu bài "dân chủ, nhân quyền", lợi dụng chống khủng bố quốc tế để áp đặt và can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia độc lập có chủ quyền, chống mặt trái của quá trình toàn cầu hoá với những hậu quả tiêu cực nặng nề của nó đối với người lao động. 

 Trong quan hệ với Đảng ta, ĐCS Áo luôn nhiệt tình ủng hộ cuộc kháng chiến cứu nước chính nghĩa của nhân dân ta chống chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ. Năm 1985, ĐCS Áo đã cử đoàn đại biểu của Đảng sang thăm Việt Nam, đồng thời Đảng ta cử Đoàn đại biểu do đồng chí Đào Duy Tùng dẫn đầu thăm Đảng bạn vào năm 1987. Trong dịp dự đại hội của các ĐCS anh em ở Tây Âu, đoàn đại biểu Đảng ta đều tiếp xúc trao đổi với đoàn đại biểu của Đảng bạn. Mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai đảng vẫn tiếp tục được duy trì, củng cố. Đảng bạn quan tâm, theo dõi công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta, đánh giá cao những thành tựu và kinh nghiệm mà Đảng và nhân dân ta thu được trong công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN. Bạn bày tỏ mong muốn chân thành phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai đảng và hy vọng Đảng ta tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng và xứng đáng đối với PTCSQT trong giai đoạn có những biến cố bước ngoặt hiện nay. 

Theo Tạp chí Xây dựng Đảng (số 8-2004)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh, sinh viên. Tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, tập trung đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người dạy và người học.

Điều chỉnh quy định về tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý

(ĐCSVN) – Ngày 26/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 99/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm p khoản 1 Điều 2 Nghị định số 83/2022/NĐ-CP ngày 18/10/2022 của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website