Đảng tiến bộ của nhân dân lao động Síp

Ngay từ khi mới thành lập, AKEL trở thành lực lượng đi tiên phong trong cuộc đấu tranh giành độc lập và chống phát xít. Tuy nhiên, sau chiến tranh thế giới II, Đảng đã trải qua thời kỳ hoạt động khó khăn trong hoàn cảnh bí mật trước sự tấn công chống phá của các thế lực đế quốc phản động. Từ năm 1955 đến 1959, AKEL bị cấm hoạt động do chính quyền ban bố tình trạng đặc biệt ở Síp.

 Khi tình trạng đặc biệt được bãi bỏ, AKEL hoạt động công khai và tham gia cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên của nước Cộng hoà tháng 12-1959. Tại cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên (7-1960), AKEL giành được 5 ghế, từ đó uy tín của Đảng ngày càng lớn mạnh, ảnh hưởng của Đảng trong các tầng lớp nhân dân không ngừng được củng cố, nâng cao. Đại hội lần thứ X của AKEL (tháng 3/1962) đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử của Đảng với việc thông qua Cương lĩnh chính trị, đánh giá những thay đổi diễn ra ở Síp từ sau khi nước Cộng hoà tuyên bố thành lập (1960), xác định đường lối chiến lược và sách lược của Đảng, góp phần thúc đẩy hoạt động của các lực lượng dân chủ phát triển. Trong vấn đề xung đột giữa hai cộng đồng người Síp gốc Hy Lạp và người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ, AKEL luôn khẳng định chủ trương nhất quán giải quyết bằng con đường hoà bình, phản đối bất cứ sự áp đặt và can thiệp thô bạo nào của nước ngoài. Từ đường lối đúng đắn và những hoạt động tích cực, AKEL ngày càng nhận được sự ủng hộ của đông đảo cử tri tại các cuộc bầu cử các cấp trong những năm 60 - 70 của thế kỷ XX. Tại cuộc bầu cử Quốc hội tháng 10-1970, tất cả 9 ứng cử viên của AKEL đều đắc cử. Tháng 12-1974, AKEL có đại diện trong Hội đồng Dân tộc - cơ quan tư vấn tối cao thuộc Phủ Tổng thống nước Cộng hoà. 

 Trong thời kỳ từ Đại hội XIV (5-1978) đến Đại hội XV (5-1982) và Đại hội XVI (5-1987), AKEL luôn kiên trì nhất quán đường lối đấu tranh bảo vệ lợi ích cơ bản của người lao động, đoàn kết tất cả các lực lượng yêu nước và dân chủ trong sự nghiệp gìn giữ nước Cộng hoà Síp như một quốc gia có chủ quyền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, đòi rút toàn bộ quân đội nước ngoài ra khỏi Síp, giải quyết công bằng cuộc xung đột giữa hai cộng đồng người Síp gốc Hy Lạp và gốc Thổ Nhĩ Kỳ trên cơ sở những nghị quyết của Liên hợp quốc, chấm dứt mọi sự can thiệp của chủ nghĩa đế quốc. AKEL đẩy mạnh các hoạt động nhằm thúc đẩy việc mở rộng sự hợp tác giữa hai cộng đồng người Síp, tiến hành các cuộc thương lượng để giải quyết những mâu thuẫn đang tồn tại. Nhằm tăng cường quan hệ với các đảng trong Phong trào cộng sản quốc tế (PTCSQT), AKEL tham gia Hội nghị các đảng cộng sản (ĐCS) và công nhân quốc tế năm 1960 và năm 1969; cử đoàn đại biểu dự Hội nghị Béc-lin năm 1976 và cuộc gặp gỡ Pari năm 1980 của các ĐCS và công nhân châu Âu.

 Bước vào thập niên 90, sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Đông Âu và Liên Xô đã tác động tiêu cực đến AKEL, đặt Đảng đứng trước những khó khăn to lớn về đường lối, tổ chức và cán bộ. Trong hoàn cảnh đó, AKEL đã tỏ rõ sự nhạy cảm chính trị, triệu tập Đại hội XVII bất thường (1990), kịp thời có những điều chỉnh thích hợp về đường lối và hoạt động thực tiễn, tiếp tục trụ vững và từng bước củng cố tổ chức Đảng. Đại hội đã bầu đồng chí Đêmitơri Crixtôphia làm Tổng Bí thư và trên cương vị này đồng chí được bầu lại tại các Đại hội XVIII (11-1995) và Đại hội XIX (12-2000).

 Đại hội XVIII diễn ra trong khung cảnh AKEL đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Cùng với tăng cường khối đoàn kết, Đảng đã đưa ra những giải pháp cụ thể cho nhiều vấn đề lớn của quốc đảo Síp và khu vực. Đại hội XIX mở ra một trang mới trong lịch sử AKEL trên con đường phát triển tiến vào thiên niên kỷ mới. Khẳng định sự kiên định mục tiêu XHCN, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng, kiên trì nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức đảng, Đại hội xác định những phương hướng hoạt động chủ yếu của Đảng trong những năm đầu thế kỷ XXI. 

 Về đối nội, AKEL nhấn mạnh chủ trương tích cực mở rộng ảnh hưởng của Đảng trong giai cấp công nhân, nông dân, các tầng lớp nhân dân lao động và giới trí thức. Đảng tiếp tục khẳng định nhiệm vụ đoàn kết tất cả các lực lượng dân chủ tiến bộ trong nước đấu tranh nhằm bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hoà Síp, đòi giải tán tất cả các lực lượng vũ trang bất hợp pháp, rút toàn bộ quân đội nước ngoài khỏi Síp, thực hiện hoà giải mâu thuẫn giữa hai cộng đồng dân cư, giải quyết một cách công bằng vấn đề đảo Síp, chấm dứt sự can thiệp của chủ nghĩa đế quốc. Một trong những hướng ưu tiên hàng đầu trong hoạt động đối nội của Đảng là đẩy mạnh đấu tranh vì dân sinh, dân chủ và công bằng xã hội, bảo vệ các tầng lớp lao động trong kỷ nguyên toàn cầu hoá (TCH) kinh tế diễn ra mạnh mẽ. Đại hội XIX AKEL đưa ra những đánh giá khá xác đáng về tính hai mặt tích cực và tiêu cực của quá trình TCH, nhấn mạnh những tác động tiêu cực của quá trình này đến đời sống người lao động, khiến cho sự phân hoá giàu nghèo ngày càng có xu hướng gia tăng.

 Về đối ngoại, AKEL chủ trương tăng cường đoàn kết, phối hợp hành động với các ĐCS và cánh tả trong khu vực và trên toàn thế giới, chú trọng phát triển quan hệ với các ĐCS cầm quyền ở các nước XHCN như ĐCS Trung Quốc, Việt Nam, Cuba…, đấu tranh bảo vệ hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội. Những năm gần đây, AKEL cùng với các ĐCS Hy Lạp, Bồ Đào Nha, ĐCS Tái lập I-ta-li-a,v.v… đã nêu sáng kiến và tổ chức một số cuộc gặp gỡ giữa các ĐCS và cánh tả trong khu vực và quốc tế nhằm trao đổi về tình hình và bàn biện pháp phối hợp đấu tranh trên từng vấn đề cụ thể như: các cuộc gặp gỡ hàng năm của các ĐCS, công nhân tổ chức tại Athen (Hy Lạp) từ 1998 đến nay, hội nghị của các ĐCS và công nhân quốc tế tổ chức tại Síp (12-2000) với chủ đề: “Sự cần thiết và phương thức tổ chức đối phó với trật tự mới và toàn cầu hoá về kinh tế”… Với những hoạt động sôi nổi và thiết thực nhiều năm qua, AKEL tiếp tục là một lực lượng chính trị mạnh hàng đầu, có uy tín và ảnh hưởng lớn trong đời sống chính trị Síp hiện nay. Tại cuộc bầu cử Quốc hội được tổ chức ngày 27-5-2001, AKEL dẫn đầu với 34,7% số phiếu ủng hộ, trong khi đó Đảng Tập hợp dân chủ (DISY) của cánh hữu cầm quyền giành được 34,1% số phiếu. Theo kết quả này, AKEL giành được 20 ghế so với 19 ghế của DISY và trở thành đảng lớn nhất trong 8 đảng có đại diện tại Quốc hội gồm 56 ghế. 

 Đảng AKEL có mối liên hệ khá chặt chẽ, phát huy ảnh hưởng và dựa vào hàng loạt tổ chức quần chúng xã hội như Liên đoàn lao động toàn Síp (PEO), Đoàn thanh niên dân chủ (EDON), Liên minh nông dân Síp (EKA), Liên đoàn toàn Síp các tổ chức phụ nữ (POGO). Cơ quan ngôn luận trung ương của Đảng AKEL là báo “Bình minh mới” và tạp chí lý luận “Dân chủ mới”. 

 

Theo Tạp chí Xây dựng Đảng

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

(ĐCSVN) - Ngày 10/7, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đã ký ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

Nghị định quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang

(ĐCSVN) - Nghị định này quy định mức lương cơ sở áp dụng quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng thay cho mức 1,8 triệu đồng/tháng như hiện tại.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới

(ĐCSVN) - Ngày 23/5/2024, đồng chí Lương Cường đã ký ban hành Quy định 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website