Đảng Lao động Thụy Sĩ

Hoạt động tại một nước nhỏ nằm ở trung tâm châu Âu (diện tích 41.000 km2, dân số gần 7 triệu người) có thể chế chính trị Cộng hoà liên bang bao gồm 23 tổng có quyền tự chủ lớn, đa dạng về cộng đồng ngôn ngữ (tiếng Đức chiếm 2/3 số dân, tiếng Pháp chiếm khoảng 1/5, còn lại là tiếng Italia), cho nên ĐLĐ Thụy Sĩ phải có cơ cấu tổ chức thích hợp đối với mỗi vùng cộng đồng và cũng luôn phải đối diện với vấn đề đoàn kết nội bộ. Tuy nhiên, trong tư cách một chính đảng cách mạng Mácxít - Lêninnít chân chính, ĐLĐ Thụy Sĩ trong suốt 60 năm qua đã kiên định đi đầu trong cuộc đấu tranh của nhân dân lao động Thụy Sĩ vì hoà bình, dân sinh, dân chủ và tiến bộ xã hội.

 Kiên trì những nguyên tắc nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, ĐLĐ Thụy Sĩ đã tập hợp được đông đảo công nhân, viên chức, một bộ phận nông dân và trí thức trong nước. Những năm đầu sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, Đảng tích cực đấu tranh bảo vệ lợi ích của nhân dân lao động, đưa ra một loạt yêu sách đòi cải thiện tình cảnh của giai cấp công nhân và lao động, mở rộng dân chủ và hạn chế quyền lực của các tổ chức tư bản độc quyền, lên án mạnh mẽ sự bành trướng nanh vuốt của chủ nghĩa đế quốc hiếu chiến, phát triển quan hệ hữu nghị mật thiết với các nước XHCN, trước hết là với Liên Xô và CHDC Đức, góp phần hình thành mặt trận rộng lớn của nhân dân thế giới bảo vệ hoà bình, chống chiến tranh và chạy đua vũ trang. 

 Những năm 50 - 60 của thế kỷ XX, trong khung cảnh chiến tranh lạnh và cuộc đối đầu Đông - Tây ngày càng trở nên gay gắt, các thế lực chống cộng gia tăng chống phá ĐLĐ Thụy Sĩ nhằm chia rẽ nội bộ để đi đến thủ tiêu sự tồn tại của Đảng. Hoạt động của Đảng gặp nhiều khó khăn, số lượng đảng viên bị giảm khá mạnh. Tại Đại hội IX năm 1968, dưới tác động của sự kiện Tiệp Khắc, nội bộ Đảng bị phân hoá sâu sắc. Cùng với việc thay đổi cơ cấu lãnh đạo, thay chức Tổng Bí thư bằng Chủ tịch Đảng, ĐLĐ Thụy Sĩ bị phân liệt nghiêm trọng do việc một bộ phận tách ra thành lập Liên đoàn Mácxít cách mạng và một bộ phận khác tách ra thành lập Đảng đoạn tuyệt vì chủ nghĩa cộng sản. 

 Trước tình hình trên, bước vào thập niên 70, ĐLĐ Thụy Sĩ đặt trọng tâm công tác vào việc củng cố tổ chức, tăng cường sức chiến đấu và hiệu quả hoạt động của Đảng. Tháng 6-1971, Đảng tiến hành Hội nghị toàn quốc, quyết định “đổi mới tư duy chính trị”, sửa đổi Điều lệ, Cương lĩnh và thay đổi ban lãnh đạo với thành phần trẻ hơn. Cương lĩnh của Đảng nhấn mạnh: ĐLĐ Thụy Sĩ được chỉ đạo bởi học thuyết Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội khoa học, xác định mục tiêu đấu tranh bằng con đường hoà bình để xây dựng ở Thụy Sĩ xã hội XHCN, sau đó là xã hội CSCN. Trong cuộc đấu tranh để đạt tới mục tiêu đó, vai trò quyết định là giai cấp công nhân. Đảng ủng hộ việc thành lập một phong trào nhân dân rộng rãi, ủng hộ sự thống nhất hành động của “tất cả các lực lượng hoà bình, các tầng lớp lao động bị tư bản bóc lột dưới hình thức này hay hình thức khác và các nạn nhân của sự thống trị của tư bản”. Cũng như nhiều đảng cộng sản và công nhân khác ở Tây Âu, đầu những năm 70, nhờ giương cao ngọn cờ chống chiến tranh, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, trước hết là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, cho nên uy tín và ảnh hưởng của ĐLĐ Thụy Sĩ được củng cố và tăng lên khá mạnh. Đảng đã giành được 21% số phiếu trong bầu cử với 3 ghế trong Quốc hội Liên bang và 17 ghế trong Hội đồng Nhà nước. Năm 1974, dưới tác động của thắng lợi của Liên minh cánh tả ở Pháp, Đại hội X của ĐLĐ Thụy Sĩ đã tập trung thảo luận và nhấn mạnh sự cần thiết phải liên minh và tập hợp các lực lượng cánh tả trong nước đấu tranh chống CNTB độc quyền lũng đoạn. 

 Đại hội XI ĐLĐ Thụy Sĩ (5-1978) đã điều chỉnh đường lối và tổ chức, quyết định xây dựng dự thảo cương lĩnh mới. Bản cương lĩnh này được thông qua tại Hội nghị toàn quốc của Đảng tháng 5/1979, chỉ rõ một trong những nhiệm vụ cơ bản của Đảng là tập trung vào cuộc đấu tranh cho hoà bình và an ninh, đoàn kết với các dân tộc trên thế giới đấu tranh để giải phóng dân tộc và giải phóng xã hội, ủng hộ các biện pháp của Liên Xô nhằm bảo đảm hoà bình chung. Đảng kiên trì ủng hộ việc thực hiện nghiêm minh sự trung lập của đất nước, chống lại việc Thụy Sĩ tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang. Đồng thời Đảng cũng vạch rõ, trong quan hệ với các đảng cộng sản và công nhân anh em, ĐLĐ Thụy Sĩ kiên định lập trường của chủ nghĩa quốc tế vô sản, tuân thủ các nguyên lý được đề ra tại Hội nghị của các đảng cộng sản và công nhân châu Âu năm 1976 tại Béc-lin. Trung thành với đường lối nhất quán này, Đại hội lần thứ XII ĐLĐ Thụy Sĩ (5-1983) nêu khẩu hiệu “Hoà bình, tự do, đoàn kết và chủ nghĩa xã hội”, thông qua nghị quyết và lời kêu gọi đấu tranh cho một thế giới hoà bình, tự do, công bằng và hạnh phúc. 

 Trong hoạt động quốc tế, ngoài Hội nghị Béclin năm 1976, ĐLĐ Thụy Sĩ còn tích cực tham gia Hội nghị các đảng cộng sản và công nhân quốc tế năm 1969 ở Mátxcơva và Cuộc gặp gỡ của các đảng cộng sản và công nhân châu Âu tại Pari năm 1980. 

 Cuộc khủng hoảng của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế từ nửa cuối thập niên 80, đặc biệt là sụp đổ của chế độ XHCN ở Đông Âu và Liên Xô đã tác động tiêu cực đến hoạt động của ĐLĐ Thụy Sĩ khiến Đảng lâm vào khó khăn nghiêm trọng về mọi mặt. 

 Vượt qua giai đoạn gian khó nhất đầu thập niên 90, ĐLĐ Thụy Sĩ từ giữa thập niên 90 chuyển động tích cực, từng bước củng cố cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong hoàn cảnh luôn bị các thế lực phản động công kích gay gắt, Đảng vẫn định kỳ tổ chức Đại hội XV (1995), Đại hội XVI (1998), Đại hội XVII (2001). Văn kiện của các đại hội này tiếp tục khẳng định kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin, lý tưởng cộng sản, điều chỉnh đường lối chiến lược, sách lược đấu tranh chống CNTB, CNĐQ, bảo vệ lợi ích của các tầng lớp lao động. Về đối nội, ĐLĐ Thụy Sĩ nhấn mạnh việc tập trung đấu tranh chống thất nghiệp, chống tác động tiêu cực của toàn cầu hoá đến đời sống của người lao động, nhất là bộ phận lao động có thu nhập thấp trong xã hội, chống chủ nghĩa tự do mới về kinh tế, chống đại tư bản độc quyền, chống cắt giảm phúc lợi xã hội; bảo vệ quyền lợi của lao động nhập cư... Trên lĩnh vực đối ngoại, Đảng đấu tranh đòi chính quyền thực hiện triệt để chính sách trung lập, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, hoà bình hữu nghị; phản đối chủ nghĩa đơn phương cường quyền đế quốc và sự áp đặt, can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia độc lập có chủ quyền, v.v… 

ĐLĐ Thụy Sĩ đặc biệt coi trọng việc tập hợp các lực lượng chống mặt trái của toàn cầu hoá, cho rằng đây có thể là ngọn cờ mạnh nhất hiện nay đối với các lực lượng cách mạng tiến bộ trên thế giới. 

 Nhờ những nỗ lực hoạt động tích cực của mình, ĐLĐ Thụy Sĩ đã từng bước củng cố và nâng cao được uy tín đối với các tầng lớp lao động xã hội. Từ cuối những năm 90 đến nay, Đảng có sự phục hồi về ảnh hưởng, tăng số cử tri ủng hộ và số ghế tại một số tổng và thành phố. Chẳng hạn, tại Vanđơ, số cử tri ủng hộ Đảng tăng từ 3,5% năm 1995 lên 6,9% năm 2003; tại Niucactơ từ 3,5% lên 7,1%; ở Giơnevơ từ 8% lên 17,3… Hiện nay, ĐLĐ Thụy Sĩ có khoảng 2.000 đảng viên, nhiều đại biểu của Đảng tham gia hội đồng địa phương tại Giơnevơ, Duyrích và một số nơi khác.

 ĐLĐ Thụy Sĩ luôn tích cực sử dụng các cơ quan ngôn luận của mình để tuyên truyền đường lối và bày tỏ quan điểm trước các vấn đề thời sự bức xúc về chính trị, kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế. Hiện nay, Đảng xuất bản các báo “Tiếng nói công nhân” bằng tiếng Pháp, “Tiến lên” bằng tiếng Đức và “Người công nhân” bằng tiếng Italia. 

 

Theo Tạp chí Xây dựng Đảng

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website