Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế

Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng là phải có lộ trình, "phù hợp chiến lược phát triển đất nước từ nay đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020". Chuẩn bị tốt các điều kiện để ký các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. 

Chủ trương của Ðảng ta về Hội nhập kinh tế quốc tế
 

Phù hợp tiến trình đổi mới và đứng trước những đòi hỏi cấp bách của tình hình quốc tế và kinh tế trong nước, Ðại hội lần thứ VII của Ðảng đã chủ trương thực hiện đường lối đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, đánh dấu bước khởi đầu tiến trình hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới của nước ta. 

Nghị quyết Ðại hội lần thứ VIII của Ðảng (1996) đã quyết định "...đẩy nhanh quá trình hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới". Nghị quyết Trung ương 4, khóa VIII (29-12-1997) đã nêu nguyên tắc hội nhập quốc tế của ta là "tích cực và chủ động thâm nhập và mở rộng thị trường quốc tế" và nhấn mạnh nhiệm vụ "Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cán bộ, luật pháp và nhất là về những sản phẩm mà chúng ta có khả năng cạnh tranh để hội nhập thị trường khu vực và thị trường quốc tế". 

Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Ðảng đã khẳng định: "Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng XHCN, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường". Thực hiện chủ trương "gắn chặt việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ với chủ động hội nhập nền kinh tế quốc tế" trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 của Ðảng, Việt Nam chúng ta đang tích cực tham gia quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời chủ động chuẩn bị trong nước về cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. 

Năm 2002, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07 về hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó nhấn mạnh những nguyên tắc nhất quán chỉ đạo quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Ðể triển khai thực hiện Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động, phân công công việc cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. 

Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế, Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng đã chỉ rõ: "Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác". 

Như vậy, lấy phục vụ lợi ích đất nước làm mục tiêu cao nhất, cần đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, hội nhập sâu hơn và đầy đủ hơn với các thể chế kinh tế toàn cầu, khu vực và song phương. Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng là phải có lộ trình, "phù hợp chiến lược phát triển đất nước từ nay đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020". Chuẩn bị tốt các điều kiện để ký các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện và có hiệu quả với các nước ASEAN, các nước châu Á - Thái Bình Dương... 

Củng cố và phát triển quan hệ hợp tác song phương tin cậy với các đối tác chiến lược; khai thác có hiệu quả các cơ hội và giảm tối đa những thách thức, rủi ro khi nước ta là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). 

Ðể chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng chỉ rõ: "Tiếp tục đổi mới thể chế kinh tế, rà soát lại các văn bản pháp quy, sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, ổn định và minh bạch". Cải thiện môi trường đầu tư; thu hút các nguồn vốn FDI, ODA, đầu tư gián tiếp, tín dụng thương mại và các nguồn vốn khác. Xác định đúng mục tiêu sử dụng và đẩy nhanh việc giải ngân nguồn vốn ODA, cải tiến phương thức quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng và có kế hoạch trả nợ đúng hạn; duy trì tỷ lệ vay nợ nước ngoài hợp lý, an toàn. 

Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng cũng chỉ rõ: Tinh thần tích cực hội nhập kinh tế quốc tế là "phát huy vai trò chủ thể và tính năng động của doanh nghiệp (DN) thuộc mọi thành phần kinh tế trong hội nhập kinh tế quốc tế, xúc tiến mạnh thương mại và đầu tư, phát triển thị trường mới, sản phẩm mới và thương hiệu mới". Khuyến khích các DN Việt Nam hợp tác, liên doanh với DN nước ngoài và mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài. 

Rõ ràng, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế mà Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng nêu ra có cái mới về tinh thần tích cực. Trong chủ động có tích cực, và ngược lại trong tích cực có sự chủ động. Ðó là mối quan hệ biện chứng được thể hiện một cách nhất quán từ đổi mới thể chế kinh tế đến từng DN thuộc mọi thành phần kinh tế. 

Trong quá trình thực hiện chủ trương chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, cần nắm vững những điểm sau đây: 

Thứ nhất, bảo đảm giữ vững độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Việc chủ động hội nhập kinh tế quốc tế phải dựa trên cơ sở một tiềm năng nhất định, được chuẩn bị ở một mức độ nhất định, có một vị thế và vị trí nhất định. Chủ động bao hàm cả sự tự tin, có đường đi nước bước, có lộ trình, không vội vàng nhưng không chậm chạp, bỏ lỡ thời cơ. Như vậy, tham gia hội nhập kinh tế quốc tế là để phát triển đất nước, phục vụ sự nghiệp CNH, HÐH đất nước. Hội nhập để nuôi dưỡng, làm tăng sức mạnh bên trong, bảo vệ an ninh Tổ quốc và định hướng XHCN trong quá trình phát triển. 

Thứ hai, hội nhập quốc tế phải dựa trên cơ sở ổn định về chính trị, ổn định về xã hội, không ngừng phát huy nội lực, phát triển kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế đất nước, của từng ngành và của mỗi doanh nghiệp. 

Thứ ba, trong quá trình hội nhập phải kiên trì và giữ vững phương châm bình đẳng cùng có lợi, bảo vệ lợi ích quốc gia. Theo phương châm này, một mặt, cần kiên quyết không để bị thiệt thòi về lợi ích mà lẽ ra phải được; mặt khác, phải chấp nhận chia sẻ lợi ích hợp lý với các đối tác. 

Thứ tư, thực hiện nhất quán phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế với tinh thần "Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực". 

Thứ năm, luôn luôn đề cao cảnh giác, không mơ hồ trước những âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng quan hệ kinh tế để xâm nhập, thực hiện "diễn biến hòa bình", phá hoại, lật đổ chế độ. Việc phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế, khoa học kỹ thuật sẽ góp phần quan trọng làm tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Mặt khác, quan hệ tùy thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế cũng như sự đan xen lợi ích giữa nước ta với các nước, các tổ chức và các công ty nước ngoài tuy có phức tạp, nhưng nếu xử lý tốt cũng tạo ra yếu tố góp phần bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia. 

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian qua 

Với chủ trương, đường lối của Ðảng và Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế, ngày 25-7-1995, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội các quốc gia Ðông-Nam Á (ASEAN) và ký Nghị định thư tham gia Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT)/Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) (CEPT/AFTA). Chúng ta cũng là một trong số 25 thành viên sáng lập Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) vào tháng 3-1996 và tham gia Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) từ tháng 11-1998. Việt Nam đang tích cực đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). 

Nội dung trọng tâm của ASEAN là thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Do vậy, các hoạt động chính đã được triển khai trong những năm gần đây là thực hiện lộ trình hội nhập của các ngành ưu tiên, giám sát quá trình phối hợp giữa các nước thành viên để có thể tiến hành tham vấn, đàm phán tìm giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện các lộ trình hội nhập nội khối, cũng như nghiên cứu, đề xuất xây dựng giai đoạn hai hội nhập các ngành ưu tiên. 

Trong tiến trình hội nhập kinh tế nội khối ASEAN, việc đàm phán không chỉ dừng ở lĩnh vực hàng hóa, mà còn rộng mở sang lĩnh vực thương mại, dịch vụ với các quyết định quan trọng của các Bộ trưởng Kinh tế thúc đẩy thời hạn tự do hóa thương mại, dịch vụ trong ASEAN vào năm 2015. Ðồng thời, ASEAN cũng thúc đẩy nhiều chương trình hợp tác kinh tế nội khối liên quan lĩnh vực đầu tư (AIA) và nhiều lĩnh vực ngành nghề cụ thể như hợp tác trong giao thông vận tải, công nghiệp, khoáng sản, tiêu chuẩn chất lượng, v.v. Bên cạnh đó, các nước thành viên ASEAN đã thống nhất triển khai ứng dụng Cơ chế Tham vấn giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư (ACT). 

Các nước thành viên ASEAN chủ trương thực hiện rất nhiều hoạt động với các nước ngoài khối thông qua việc tiến hành đàm phán Khu vực Mậu dịch Tự do (FTA) giữa ASEAN với các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Ðộ, Australia, New Zealand và một số đối tác gần đây nhất như EU và Nga. Việc các cuộc đàm phán này đang đi vào chiều sâu đòi hỏi chúng ta phải đưa ra các cam kết cụ thể và thực chất với một khối lượng công việc đồ sộ, phức tạp, cần sự tập trung và nỗ lực rất lớn trong giai đoạn hiện nay. 

Năm 2004 là cột mốc quan trọng của Việt Nam trong tiến trình hợp tác ASEM. Bên cạnh việc đảm nhiệm vai trò điều phối viên kinh tế của châu Á, Việt Nam lần đầu đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao Á - Âu (Hội nghị lần thứ 5 - EMM5, tháng 10-2004 với 21 thành viên). Năm 2004 cũng là năm đầu ASEM thực hiện khuyến nghị 10 điểm về cải cách trụ cột kinh tế, đánh dấu bước chuyển về chất của diễn đàn. 

Trong các năm gần đây, hợp tác APEC của Việt Nam nói chung đều tiến triển tốt trên phạm vi rất rộng, bao trùm lên rất nhiều lĩnh vực khác nhau, vượt qua khuôn khổ hợp tác kinh tế như tên gọi của diễn đàn này. Các lĩnh vực hợp tác của APEC thường là các lĩnh vực kinh tế thương mại (như thuận lợi hóa thương mại, tự do hóa thương mại...), minh bạch hóa chính sách thông qua việc báo cáo hằng năm Kế hoạch Hành động quốc gia (IAP), đầu tư, y tế, hỗ trợ phòng chống các đại dịch và thậm chí là cả vấn đề chống khủng bố. 

Các hoạt động hợp tác trong APEC của Việt Nam đều được đẩy mạnh, nhằm chuẩn bị tích cực cho năm 2006, năm Việt Nam đảm nhiệm vai trò chủ nhà của APEC. Việt Nam đã tích cực tham gia các hội nghị hằng năm của APEC theo hướng chủ động, tích cực đưa ra các sáng kiến trong các lĩnh vực ưu tiên của ta để lồng ghép vào chương trình nghị sự APEC, làm tiền đề chuẩn bị nội dung cho APEC 2006, đồng thời tranh thủ tiếp xúc song phương để vận động cho việc Việt Nam gia nhập WTO và thúc đẩy hợp tác song phương. 

Trong Hợp tác APEC, việc xây dựng các dự án hỗ trợ các nước thành viên cũng là một trong những hoạt động chính nhằm bảo đảm nâng cao năng lực thực thi chính sách của các nước thành viên trong các lĩnh vực cụ thể như thuận lợi hóa thương mại, tự do hóa khu vực (RTA/FTA), an toàn thương mại trong khu vực, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng cường đầu tư, phát triển thương mại điện tử, tăng cường giáo dục từ xa... 

Tuy nhiên, thực tiễn quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và hoạt động kinh tế đối ngoại còn nhiều hạn chế. Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng chỉ rõ: "Thiếu lộ trình thật chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế; chưa gắn kết chặt chẽ tiến trình hội nhập với việc hoàn thiện pháp luật, thể chế, chính sách và cải cách cơ cấu kinh tế; việc nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, của DN và của nền kinh tế chưa theo kịp yêu cầu hội nhập". 

Ðiều đó thể hiện ở những chỉ tiêu: tỷ lệ hàng xuất khẩu qua chế biến, chế tác sâu còn thấp. Quy mô xuất khẩu còn nhỏ. Xin nêu một chi tiết: theo Báo cáo phát triển thế giới năm 2006 của Ngân hàng thế giới năm 2004, xuất khẩu bình quân đầu người của nước ta chỉ bằng gần 20% của Thái-lan, bằng 6% của Malaysia, bằng 70% của Trung Quốc và mới bằng 22% mức bình quân của thế giới. 



Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng còn nêu: "Môi trường đầu tư kém hấp dẫn so với một số nước chung quanh. Chưa thu hút được nhiều vốn đầu tư và công nghệ tiên tiến của các tập đoàn kinh tế lớn; chưa chủ động khai thác vốn đầu tư gián tiếp quốc tế". 

Về đàm phán gia nhập WTO 

Việt Nam nộp đơn xin gia nhập WTO ngay từ ngày tổ chức này được thành lập (1-1-1995). Từ đó tới nay, Việt Nam đã tham gia 12 phiên đàm phán đa phương do Ban Công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO tổ chức (trong đó có một phiên trù bị) và tiến hành rất nhiều phiên đàm phán song phương về mở cửa thị trường với 28 đối tác quan tâm. 

Ðàm phán song phương về mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ. Ðến tháng 6-2006, nước ta đã chính thức kết thúc đàm phán song phương với 28 đối tác, trong đó Hoa Kỳ là đối tác cuối cùng. 

Về đàm phán đa phương, với nỗ lực của đoàn đàm phán nước ta, thiện chí của các đối tác, kết thúc phiên họp chính thức 12 của Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO tại Geneve (Thụy Sĩ), ngày 19-7, nhiều lĩnh vực đàm phán đã đạt được tiến bộ đáng khích lệ, một số lĩnh vực đã có sự đột phá. Việt Nam hoàn toàn có thể gia nhập WTO trước Hội nghị cấp cao APEC tổ chức tại Hà Nội vào tháng 11-2006. 

Hội nhập kinh tế quốc tế là yêu cầu khách quan, cần chủ động, có lộ trình phù hợp, bước đi tích cực, vững chắc, không do dự, chần chừ, nhưng cũng không nóng vội, giản đơn. Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng chỉ rõ: "Phải tích cực mở rộng thị trường bên ngoài để đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời phải chủ động mở cửa thị trường trong nước, kể cả thị trường dịch vụ, để thu hút mạnh vốn đầu tư, công nghệ và kỹ năng quản lý tiên tiến, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế". 

Trong tiến trình mở cửa, hội nhập nền kinh tế thế giới, cần phát huy lợi thế so sánh, tạo môi trường cạnh tranh để phát triển. Ðồng thời, cần tăng cường tiềm lực và bảo đảm an ninh kinh tế, trong đó coi trọng việc giữ vững các cân đối vĩ mô. Cùng với việc bảo đảm an ninh lương thực và năng lượng, cần tăng nhanh dự trữ ngoại tệ, kiểm soát chặt chẽ nợ nước ngoài; phát huy cao nhất các nguồn lực, nhất là nội lực để xây dựng nhanh kết cấu hạ tầng và phát triển có hiệu quả một số ngành, sản phẩm thiết yếu. 

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, chú trọng cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, tạo lập những điều kiện thuận lợi hơn nữa để thu hút mạnh các nguồn vốn quốc tế, như vốn ODA, vốn FDI, tín dụng thương mại và các nguồn vốn quốc tế khác. Góp phần tạo bước ngoặt về hội nhập kinh tế quốc tế là việc phát huy tính năng động của DN thuộc mọi thành phần kinh tế. 

Từng DN khẩn trương đổi mới từ tư duy đến phong cách quản lý; người lao động cần đổi mới phong cách làm việc; đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Coi trọng các giải pháp thực hành tiết kiệm, giảm chi phí để nâng cao sức cạnh tranh thị trường của hàng hóa và dịch vụ. 

Theo TS Lê Danh Vĩnh, báo Nhân dân ngày 25/7/2006

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Liên kết website