Phát triển văn hoá - nền tảng tinh thần của xã hội

Phát triển văn hoá- nền tảng tinh thần của xã hội là một nội dung quan trọng được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X nêu lên trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2006-2010. Nội dung trên vừa thể hiện sự tổng kết khái quát nhất qui luật sinh tồn và phát triển của dân tộc ta trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, vừa mang ý nghĩa thời sự trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hiện nay... 

Trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X còn khẳng định vai trò, vị trí của phát triển văn hoá trong mối quan hệ của các nhiệm vụ trọng tâm: "Bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với phát triển văn hoá- nền tảng tinh thần của xã hội". 



Nền tảng tinh thần của xã hội 

Nền tảng tinh thần là yếu tố cơ bản nhất quyết định số phận của dân tộc ta trước những thử thách nghiệt ngã, sống còn của các cuộc chiến tranh xâm lược cũng như trước các biến cố nội tại lớn lao có tính cách mạng. Nền tảng tinh thần với những giá trị văn hoá tinh thần được hình thành từ sự vận động của dân tộc, ở mỗi thời kỳ lịch sử lại có những yêu cầu, sắc thái riêng cần được bồi đắp, hoàn thiện. 

Thời kỳ Hùng Vương dựng nước là kết quả tất yếu, là đỉnh cao của sự phát triển của các nền văn hoá Hoà Bình, Bắc Sơn, văn hoá Đông Sơn, văn hoá Sông Hồng. Thời kỳ dựng nước đầu tiên ấy lại tạo nên tiền đề cơ bản cho công cuộc đấu tranh vừa chống ách nô lệ, sự đồng hoá của hàng ngàn năm Bắc thuộc, vừa tiếp nhận, học hỏi các yếu tố văn minh, tiến bộ từ bên ngoài để quật khởi giành lại độc lập tự chủ vào thế kỷ 10 và xây dựng nên các nền văn minh Đại Việt thời Lý- Trần, Lê- Nguyễn ở các thế kỷ tiếp theo. 

Cũng chính nền độc lập tự chủ gắn với những nền văn minh phát triển cao đó tạo dựng, củng cố vững chắc nền tảng văn hoá tinh thần của dân tộc Việt Nam, tạo nên sức mạnh chiến thắng mọi đạo quân xâm lược trong lịch sử. 

Cũng chính nền tảng tinh thần với những giá trị hàng đầu là lòng yêu nước, ý chí bất khuất của dân tộc Việt Nam đã được Đảng ta khơi dậy bằng đường lối đúng đắn, tổ chức khoa học để phát huy đến cao độ cùng các nội dung mới của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa làm nên sức mạnh chưa từng có của Cách mạng Tháng Tám vĩ đại. 

Nền tảng tinh thần là cội nguồn sức mạnh để toàn Đảng, toàn dân, 

toàn quân ta tiến hành liên tiếp các cuộc kháng chiến thần thánh đánh thắng ba đế quốc to, giành lại trọn vẹn non sông bờ cõi, độc lập và thống nhất Tổ quốc, cả nước cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội. Không có nền tảng tinh thần- sức mạnh của ý chí độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội, hàng triệu, hàng triệu người con Việt Nam không thể sẵn sàng đổ máu, hi sinh vì thắng lợi trong kháng chiến. Không có nền tảng tinh thần của cả dân tộc, không có đường lối và nghệ thuật tiến hành chiến tranh chắc thắng, biết đánh và biết giành thắng lợi từng bước tiến đến giành thắng lợi hoàn toàn. 

Nền tảng tinh thần, trong bất cứ hoàn cảnh lịch sử nào cũng là động lực mạnh mẽ, quí báu nhất, thiêng liêng nhất của mỗi quốc gia- dân tộc. Sau thắng lợi huy hoàng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những sai lầm của căn bệnh chủ quan duy ý chí và tác động tiêu cực của sự duy trì quá lâu cơ chế kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp cùng với những biến động trong tình hình khu vực và thế giới, nền kinh tế đất nước đã lâm vào khủng hoảng, kéo theo những khó khăn nhiều mặt trong xã hội và cuộc sống của nhân dân. 

Những khó khăn, trì trệ, yếu kém trong sự điều hành, quản lý kinh tế và đời sống đã nảy sinh những suy nghĩ dao động, hoài nghi ở một số người về tương lai của đất nước. Song khát vọng và niềm tin vượt khỏi khủng hoảng, chiến thắng đói nghèo, lạc hậu vẫn cháy bỏng trong các cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ta. 

Đổi mới tư duy kinh tế- xã hội phát hiện những nhân tố mới, điển hình mới, sáng kiến, cách làm mới từ cuộc sống, Đảng ta đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Đổi mới- một sự nghiệp có ý nghĩa cách mạng đã diễn ra trên toàn đất nước ta hơn hai mươi năm qua là một sự nghiệp của "ý Đảng lòng Dân" hợp qui luật và đã đưa lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo nên những biến đổi sâu sắc trong mọi mặt đời sống xã hội, tạo nên những tiền đề vững chắc để đất nước ta tiến hành sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. 

Trong quá trình đổi mới, Đảng ta đã sớm khẳng định "văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội" (Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 4, khoá VII, tháng 1-1993), khẳng định vai trò động lực của văn hoá trong công cuộc Đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. 

Đến hội nghị BCH Trung ương lần thứ 5, khoá VIII (tháng 7-1998) đã đề cập một cách toàn diện những nội dung cốt lõi nhất của vấn đề xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc... 

Cùng với những Nghị quyết về xây dựng chỉnh đốn Đảng và các nghị quyết, chỉ thị liên quan khác, hệ thống các quan điểm của Đảng ta nhằm xây dựng văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội trong thời kỳ mới đã được hoàn thiện, làm cơ sở cho việc phát triển văn hoá, phát huy vai trò của văn hoá trong việc tạo nên sự đồng thuận của xã hội, phát huy tính tích cực của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đối với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, quyết tâm đưa công cuộc đổi mới trở thành hiện thực sinh động trên khắp mọi lĩnh vực, trên mọi vùng quê hương đất nước. 

Bản lĩnh và bản sắc văn hoá Việt Nam, con người Việt Nam 

Công nghiệp hoá, hiện đại hoá thực chất là một cuộc cách mạng kinh tế- xã hội, khoa học kỹ thuật và văn hoá lớn lao và sâu sắc. Cuộc cách mạng này không chỉ làm thay đổi cơ bản phương thức làm ra của cải vật chất mà còn làm thay đổi cả lối sống dựa trên nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, phân tán. 

Công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với nền kinh tế thị trường phát triển và quá trình đô thị hoá diễn ra với tốc độ cao đã, đang và sẽ làm thay đổi bộ mặt của đất nước từ hệ thống cơ sở hạ tầng chung đến những điều kiện, cách thức làm việc, quan hệ xã hội và sinh hoạt hàng ngày. 

Thị trường, công nghiệp, đô thị đã và đang "tấn công" vào mỗi ngõ xóm làng quê, mọi góc phố, khu dân cư, những phương tiện và phương thức mới trong ăn, mặc, ở, đi lại, giao tiếp xã hội đã và đang đến với mỗi gia đình, mỗi người. Cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn, nhiều phương tiện hơn. Nhiều giá trị truyền thống có thể bị thay đổi... 

Những đổi thay lớn và nhỏ, nhỏ đến từng chi tiết, hành vi đã diễn ra ở các nước tiến hành công nghiệp hoá trên khắp các châu lục ngoài những điều tốt đẹp trong thực tế đều dẫn đến những biến động xã hội, văn hoá to lớn, đều ít nhiều có những tác động tiêu cực, thậm chí đổ vỡ. Sự phân hoá theo hai cực giàu- nghèo, sự tác động của đồng tiền, sự phát triển của lối sống cá nhân, thực dụng, sự thay đổi và rạn nứt ngay trong gia đình, sự "bỏ rơi" người già, người ít khả năng hiểu biết, nắm bắt và xử lý thông tin... 

Tất cả những khả năng đó đều có thể xảy ra, đặc biệt là trong điều kiện kinh tế- xã hội của một nước nghèo, hậu quả chiến tranh còn nặng nề như nước ta. Mặt khác, quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá cũng gắn liền với quá trình hội nhập quốc tế. Sự tác động từ bên ngoài trên nhiều hướng, nhiều lĩnh vực trong đó có văn hoá, lối sống, trong đó có cả "sự xâm lăng văn hoá" thực tế là những nguy cơ làm mai một, nhạt nhoà bản sắc văn hoá và ở một góc độ, một chừng mực nào đó là bản lĩnh con người Việt Nam. 

Tất cả những khả năng trên đều là những nguy cơ, những thách thức mới đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải xây dựng, củng cố vững chắc nền tảng tinh thần của xã hội để luôn luôn làm chủ quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chủ động thực hiện hội nhập quốc tế, để văn hóa thực sự "vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển kinh tế- xã hội". 

Kiểm điểm quá trình thực hiện đổi mới toàn diện đất nước, Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã đánh giá: "Hoạt động văn hoá, thông tin phát triển đa dạng hơn, góp phần nâng cao đời sống văn hoá của nhân dân, làm tăng hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phổ biến pháp luật; phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở phát triển sâu rộng hơn. Hoạt động báo chí, phát thanh, truyền hình được đổi mới về nội dung, tăng qui mô, mở rộng phạm vi tới vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và ra nước ngoài". 

Đồng thời, Báo cáo chính trị cũng nêu rõ: "Lĩnh vực văn hoá, xã hội còn nhiều vấn đề bức xúc chậm được giải quyết". Cụ thể là: "Việc xây dựng nếp sống văn hoá chưa được coi trọng đúng mức. Tình trạng suy thoái, xuống cấp về đạo đức, lối sống, sự gia tăng tệ nạn xã hội và tội phạm đáng lo ngại, nhất là trong lớp trẻ. Quản lý nhà nước về văn hoá còn nhiều sơ hở, yếu kém. Đấu tranh ngăn ngừa văn hoá phẩm độc hại chưa được chú ý đầy đủ, còn nhiều khiếm khuyết, bất cập". 

Nguyên nhân của những yếu kém, khiếm khuyết và bất cập trên được Đảng ta thẳng thắn chỉ ra. Đó là so với đổi mới tư duy kinh tế, việc đổi mới tư duy về các vấn đề văn hoá và xã hội, về cơ chế quản lý văn hoá, xã hội và về hội nhập văn hoá, xã hội còn chậm, vẫn nặng tư tưởng coi việc giải quyết các vấn đề xã hội là trách nhiệm của Nhà nước, chưa thu hút được các thành phần kinh tế, các nguồn lực cho phát triển, nhiều quyết định đề ra nhưng thực hiện không đạt kết quả như mong muốn. 

Trong bối cảnh của đời sống mọi mặt đang có nhiều đổi thay nhanh chóng, không ai trong chúng ta không nhận thấy và không lo âu, bức xúc trước những diễn biến, những hiện tượng tiêu cực không lành mạnh đang diễn ra có nguyên do ở sự suy thoái, xuống cấp của tư tưởng, đạo đức và lối sống. 

Sự nhạt phai lý tưởng, lối sống cá nhân, thực dụng, chạy theo đồng tiền, vô trách nhiệm, vô cảm, tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí cùng các tệ nạn xã hội khác đã len lỏi và lây lan khá mạnh trong cuộc sống của chúng ta. Những thói tật hưởng thụ, đua đòi xô bồ cùng sự yếm thế cũng đang tồn tại và có nguy cơ lây lan kìm hãm chí tiến thủ trong một bộ phận thanh thiếu niên... 

Nhận thức rõ những khó khăn và nguy cơ tác động xấu từ mặt trái của sự phát triển, tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, đánh giá đúng những kết quả, tiến bộ trong văn hoá cùng thực tế sa sút trong đạo đức, lối sống của một bộ phận xã hội và sự lệch lạc, hạn chế bất cập trong quản lý, điều hành, Đảng ta đã nêu lên quan điểm phát triển bền vững, gắn kết sự tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, phát triển con người. 

Báo cáo chính trị tại Đại hội X đã khẳng định nhiệm vụ phát triển văn hoá đã được nêu lên trong Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2001-2010 là "làm cho văn hoá thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người, hoàn thiện hệ giá trị mới của con người Việt Nam, kế thừa các giá trị truyền thống của dân tộc ta và tiếp thụ tinh hoa văn hoá của loài người, tăng sức đề kháng chống văn hoá đồi trụy, độc hại. Nâng cao tính văn hoá trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và sinh hoạt của nhân dân". 

Định hướng cơ bản phát triển văn hoá- nền tảng tinh thần của xã hội, Báo cáo chính trị của BCH Trung ương tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã nêu rõ: "Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và con người trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với phát triển văn hoá- nền tảng tinh thần của xã hội. Đặc biệt coi trọng nâng cao văn hoá lãnh đạo và quản lý, văn hoá trong kinh doanh và văn hoá trong nhân cách của thanh niên, thiếu niên, chống những hiện tượng phản văn hoá, phi văn hoá... ". 

Định hướng cơ bản trên không chỉ nhấn mạnh vị trí, vai trò của phát triển văn hoá là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn phát triển mới của đất nước mà còn khẳng định việc bảo đảm sự gắn kết giữa các nhiệm vụ đó. Định hướng trên là sự tiếp nối nhất quán với quan điểm và đường lối cách mạng, đường lối văn hoá của Đảng ta trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đồng thời là sự phát triển mới, khẳng định nhân tố con người là trung tâm, khẳng định vai trò của quần chúng nhân dân trong mọi giai đoạn cách mạng và phát triển đất nước và ý nghĩa thực tiễn "văn hoá vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế- xã hội". 

Trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trước thực tế lãnh đạo quản lý còn nhiều hạn chế, bất cập, hoạt động kinh doanh ngày càng phát triển mới mẻ và sôi động cùng những lệch lạc, yếu kém bộc lộ rõ nét trong lối sống xã hội và đời sống văn hoá, định hướng văn hoá của Đảng ta đặc biệt coi trọng nâng cao văn hoá lãnh đạo và quản lý, văn hoá trong kinh doanh và văn hoá trong nhân cách của thanh niên, thiếu niên, chống những hiện tượng phản văn hoá, phi văn hoá. 

Định hướng phát triển văn hoá- nền tảng tinh thần của xã hội cũng nêu lên những phương hướng, nhiệm vụ cụ thể đẩy mạnh việc xây dựng đời sống văn hoá đại chúng và môi trường văn hoá lành mạnh. Bồi dưỡng các tài năng văn hoá, khuyến khích sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật cùng các nhiệm vụ phát triển mạnh và nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin đại chúng, xúc tiến xã hội hoá các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thông tin và mở rộng giao lưu văn hoá, thông tin với thế giới. 





* * 

Định hướng phát triển văn hoá- nền tảng tinh thần của xã hội là sự tổng kết lý luận và thực tiễn cách mạng, đổi mới và phát triển của đất nước ta cùng với những bài học và kinh nghiệm phát triển của các nước trên thế giới, vừa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vừa phù hợp với quan điểm tiên tiến nhất của thế giới về phát triển nói chung và phát triển văn hoá nói riêng. 

Thực tế sống động của công cuộc đổi mới và bước đầu tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá hơn hai mươi năm qua diễn ra trên đất nước ta là sự thể hiện chân xác sự đúng đắn các quan điểm về đường lối phát triển của Đảng ta về kinh tế chính trị, văn hoá, xã hội, là cơ sở cho nhận thức, niềm tin của cán bộ, đảng viên và mọi đối tượng nhân dân ta vào những định hướng phát triển mới. 

Thực tế sự tăng trưởng kinh tế chung của đất nước đã không những không tách rời với phát triển văn hoá, xã hội mà đã tạo điều kiện thúc đẩy các tiến bộ trong văn hoá xã hội. Những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc ta tiếp tục được phát huy trong điều kiện mới. Cùng với nhiều nghìn tỉ đồng từ ngân sách Nhà nước mỗi năm cung cấp để bảo đảm thực hiện các công tác chính sách, hàng nghỉn tỉ đồng khác từ ngân sách các địa phương và đặc biệt, đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây", lá lành đùm lá rách" luôn thường trực trong đời sống tình nghĩa của nhân dân ta. 

Khắp mọi miền quê đất nước, ở đâu cũng có người ăn nên làm ra, giàu có lên nhưng không ở đâu không có những hình ảnh, nhưng tấm gương, những câu chuyện tình người "đền ơn đáp nghĩa", "thương người như thể thương thân". Đói nghèo, hoạn nạn, thiên tai của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi thôn xóm bản làng đều được cộng đồng, được cả nước quan tâm, chia xẻ, đỡ đần. 

Những khó khăn, tiêu cực và tệ nạn xã hội nảy sinh làm cuộc sống thêm nhiều bức xúc, làm đây đó có những người dao động, suy giảm niềm tin nhưng cả xã hội đồng thuận với những quyết sách, những biện pháp giải quyết của Đảng và Nhà nước, chung lòng chung sức đấu tranh... 

Ý chí, khát vọng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vượt qua đói nghèo, lạc hậu, độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội hướng tới mục tiêu "dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" vẫn luôn luôn bùng cháy trong mỗi con người Việt Nam. Đó là nền tảng tinh thần vững chắc, là bản sắc, bản lĩnh của con người Việt Nam, văn hoá Việt Nam trong vận hội mới. 

Theo Mạnh Hùng, báo Quân đội nhân dân ngày 27/7/2006

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website