Hội nhập sâu rộng để tăng tốc

Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta cho thấy lĩnh vực ngoại giao luôn có một vai trò quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Trong thời đại mới, đường lối đối ngoại luôn là bộ phận hữu cơ của sự nghiệp cách mạng Việt Nam, ngoại giao luôn là một mặt trận góp phần làm nên chiến thắng chung của cả dân tộc. 

Đại hội X của Đảng đã xác định mục tiêu và phương hướng tổng quát trong 5 năm tới là đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng phát triển... Đây có thể coi là kim chỉ nam trong hành động đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, với tất cả các cấp, các ngành, trong đó có ngoại giao. Trên cơ sở đó, nhiệm vụ của công tác đối ngoại được nêu trong nghị quyết của Đại hội là “giữ vững và củng cố môi trường hòa bình, tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi hơn nữa cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”. 

Nhiệm vụ mới thật nặng nề, chẳng khác nào như một đỉnh dốc đầy thử thách nữa mà ngành ngoại giao phải vượt qua. Tuy nhiên, việc xác định nhiệm vụ đối ngoại như vậy không phải là sự ngẫu nhiên bởi đây là sự kế thừa có chọn lọc, sự phát triển một cách sáng tạo chính sách đối ngoại được khởi xướng từ Đại hội VI và được hoàn thiện qua các Đại hội VII, VIII và IX. Thêm vào đó, công cuộc đổi mới, sự nghiệp cách mạng do Đảng khởi xướng và lãnh đạo trong 20 năm qua mà kết quả của nó đã dẫn đến những đổi thay to lớn có ý nghĩa lịch sử đối với đất nước, đã cho thấy những khả năng và tiềm năng to lớn của công tác đối ngoại, tạo cơ sở để ngành ngoại giao vững bước vào tương lai. Quả thực, nếu coi “đổi mới” như trận đánh tổng thể trong thời bình, thì nỗ lực “mở cửa” với sự tham gia trực tiếp của ngành ngoại giao nhằm phá thế bao vây cô lập, giúp Việt Nam hội nhập thành công chính là một trong những cú đột phá có tính quyết định cho chiến thắng của trận đánh đó. 

Có thể khẳng định như vậy bởi nếu quay lại một chút với quá khứ, đặt mình vào thời điểm đầy khó khăn thử thách với đất nước và dân tộc trong thập kỷ 80 của thế kỷ trước, chúng ta mới thấy hết tầm vóc của cuộc chuyển đổi mạnh bạo thoát khỏi tư duy đối ngoại vốn bó hẹp trong các khuôn mẫu cũ, tháo bỏ những chuẩn mực luôn nhìn nhận các hiện tượng, xử lý mọi vấn đề qua lăng kính “thế giới hai cực” vốn được phân định rõ ràng, để đưa “con tàu Việt Nam” vượt qua cơn sóng cả của khủng hoảng kinh tế trong nước cùng những biến động thời cuộc, hòa nhập vào đại dương mênh mông là thế giới đầy sôi động. 

Đây là bước nhảy vọt từ quan niệm phát triển “khép kín” trong thế đối đầu sang chiến lược phát triển dựa vào mở cửa, mở rộng hợp tác quốc tế theo phương châm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và cạnh tranh phát triển dựa trên cơ sở phát huy nội lực.

Giờ đây, chúng ta đầy tự tin để khẳng định rằng, chưa bao giờ Việt Nam lại có được quan hệ đối ngoại rộng mở và môi trường quốc tế thuận lợi như hiện nay, chưa bao giờ địa vị và uy tín của đất nước lại được khẳng định và nâng cao đến như vậy trên trường quốc tế. Cú đột phá “mở cửa” đã tạo một thế và lực hoàn toàn mới cho Việt Nam mà cả thế giới chứng kiến và khâm phục. Chỉ xin điểm lại một vài dấu ấn đáng nhớ: Lần đầu tiên trong hai thế kỷ, Việt Nam được công nhận đầy đủ và có quan hệ chính thức với tất cả các cường quốc và hầu hết quốc gia trên thế giới, thật sự trở thành thành viên có vị thế nhất định trong cộng đồng quốc tế. Lần đầu tiên trong hai thế kỷ, Việt Nam trở thành một quốc gia xuất khẩu và trên thực tế có quan hệ kinh tế, thương mại với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử, tất cả các cường quốc trên thế giới là đối tác kinh tế quan trọng, là thị trường quan trọng của Việt Nam. Nói tóm lại, trong lịch sử tồn tại của mình, đây là lần đầu tiên Việt Nam xác lập được quan hệ đối tác và đứng trước cơ hội lớn mở rộng sự hợp tác của mình với tất cả các cường quốc và các nước khác trên thế giới. 

Thời cơ vàng đang mở ra cho đất nước mà chúng ta không thể bỏ qua. Tiếp tục mở cửa và hội nhập sâu rộng và toàn diện hơn đã trở thành nhu cầu khách quan, một yếu tố quyết định để thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước vượt lên trong cuộc tranh đua toàn cầu. Đường lối đối ngoại thời kỳ mới mà Đại hội Đảng X chỉ ra đã bám rất chắc vào mục tiêu lớn đó với nội dung cụ thể “tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế với phương châm Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực”. 

Đây thực chất là đường lối tranh thủ các nguồn ngoại lực, là nỗ lực tập hợp lực lượng quốc tế để thực hiện mục tiêu chiến lược lâu dài. Thực tế cho thấy đối với những nước nhỏ và vừa như Việt Nam, làm sao tìm được các đồng minh và đối tác tin cậy, tạo dựng và tập hợp lực lượng có lợi cho mình, lựa chọn thế nào thời điểm, hình thức và mức độ tham gia vào các cuộc tập hợp lực lượng quốc tế sẵn có như các tổ chức, các diễn đàn quốc tế, liên khu vực và khu vực, nói tóm lại là tranh thủ sự đồng tình của các nước trong cộng đồng quốc tế, luôn là vấn đề vừa mang tính chiến lược, vừa là sách lược quan trọng. 

Thế nhưng, xử lý thế nào để có được lời giải hài hòa cho hàng loạt câu hỏi đầy tế nhị đặt ra trong cuộc tập hợp lực lượng này lại là điều không đơn giản với ngành ngoại giao với tư cách là một trong những lực lượng đi tiên phong trong việc thực hiện. Trong trật tự thế giới mới còn đang rất manh nha, nếu tiếp cận một cách máy móc, giản đơn, nếu lúc nào cũng đòi hỏi mọi sự việc đều phải được phân định rạch ròi thì nguy cơ sa vào những bất lợi là điều khó tránh khỏi. Cuộc sống của nhân loại hiện tại còn không ít những hiện tượng, quá trình phức tạp khó có thể lý giải nếu như chỉ vận dụng những chuẩn mực cũ. 

Những gì diễn ra xung quanh cuộc chiến I-rắc cho thấy một số nước về bản chất giai cấp không có mâu thuẫn đối kháng song lại có thể rơi vào mâu thuẫn căng thẳng đến mức trở thành những kình địch của nhau trong các quyết sách lớn. 

Ngược lại, những cuộc tranh chấp thương mại, những nỗ lực xác lập các liên minh lợi ích kinh tế lại có thể đưa những nước đối nghịch nhau về bản chất chế độ hợp tác chống lại những nước cùng chế độ với bên này hay bên kia. Nguồn gốc các cuộc xung đột tôn giáo, sắc tộc, chủ nghĩa khủng bố cũng còn đang đòi hỏi những lý giải thấu đáo hơn. 

Có thể nói vào thời điểm đầy thử thách như vậy, tìm ra tiêu chí chung nhất, định ra chuẩn mực linh hoạt nhất làm cơ sở xác định phương hướng, xử lý các hành động cụ thể trong cuộc tập hợp lực lượng quốc tế là thành công vừa thể hiện sức sáng tạo, vừa khẳng định sự mạnh bạo, lòng dũng cảm dám vượt lên của Đảng ta. Trên cơ sở kế thừa và phát triển đường lối đối ngoại của thời kỳ đổi mới, được khởi xướng từ Đại hội VI và khẳng định rõ thêm tại Đại hội X của Đảng, ngành ngoại giao đã chỉ rõ“sợi chỉ đỏ xuyên suốt việc xác định mục tiêu đối ngoại, hoạch định biện pháp, chính sách cụ thể và triển khai thực hiện đường lối đối ngoại là lợi ích tối cao của dân tộc, là yêu cầu bảo vệ và thực hiện tốt nhất những lợi ích ấy”. 

Đó chính là chiếc la bàn chỉ hướng trong hành động, là thước đo chuẩn xác nhất cho hiệu quả trong công tác đối ngoại. Đi vào cụ thể, tiêu chí chung đó có thể hiểu rõ hơn thông qua phương châm “5 không” theo lời của nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên: Một là, không đánh giá sai, không dự báo sai (không đánh giá sai tình hình quốc tế, không đánh giá sai các đối tác, đối tượng, phải hiểu đúng chính sách của họ). Hai là, không để bị động, bất ngờ, lúng túng, rơi vào thế đối phó trước những diễn biến của tình hình. Ba là, không để mất thời cơ mà phải tận dụng thời cơ và chủ động tạo dựng thời cơ. Bốn là, không để mất vai trò trong các tổ chức khu vực và quốc tế. Năm là, không bị kéo vào xung đột, tranh chấp quyền lợi giữa các nước lớn. 

Chúng ta lại viết tiếp truyền thống đối ngoại khôn khéo của cha ông, vận dụng sáng tạo tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh “thêm bạn, bớt thù”, “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “Biến đại sự thành tiểu sự, biến tiểu sự thành vô sự” trong giai đoạn thử thách của đất nước. Cách tiếp cận như vậy với thế giới bên ngoài vừa kế thừa những đặc điểm nổi bật của “trường phái ngoại giao Việt Nam”, vừa phản ánh thực tế rất đa dạng, đầy biến động trong thế giới ngày nay, giúp cho việc xác định đối tượng, hình thức quan hệ và chủ thể tham gia hoạt động đối ngoại trở nên linh hoạt và uyển chuyển hơn bao giờ hết. 

Từ tư tưởng “thêm bạn bớt thù”, tiến tới khẩu hiệu “Việt Nam không chỉ sẵn sàng là bạn mà còn sẵn sàng là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế”, rồi cụ thể hóa thông qua những khái niệm rất mới về đối tượng – đối tác, hợp tác - đấu tranh trong quan hệ quốc tế với cách phân tích đầy biện chứng rằng, trong mỗi đối tượng vẫn có mặt cần tranh thủ, hợp tác, trong một số đối tác vẫn có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của ta cần phải đấu tranh, trong tương lai chúng ta tiếp tục thiết lập và phát triển quan hệ với các đối tượng là mọi quốc gia có chế độ chính trị - xã hội khác nhau. Cũng với tinh thần ấy, về phía Đảng và đoàn thể quần chúng, chúng ta có thể thiết lập quan hệ ở mức độ khác nhau với nhiều đảng phái, tổ chức, lực lượng khác nhau. Quan hệ đối ngoại không dừng ở các chủ thể quốc gia mà là mở rộng quan hệ với các đảng cộng sản, các đảng công nhân cũng như các phong trào chính trị, các đảng cầm quyền, các tổ chức quốc tế và khu vực, các tổ chức phi chính phủ quốc tế... 

Điều đó không có nghĩa là chúng ta theo chủ nghĩa trung dung, thái độ ba phải, không phân biệt trắng – đen. Chúng ta vẫn phải lấy thước đo giai cấp và dân tộc để phân biệt phải trái, song trong hành xử thì có cách tiếp cận hết sức biện chứng và linh hoạt trên cơ sở lấy lợi ích cao nhất của dân tộc làm thước đo, lấy mục tiêu của đấu tranh không phải để phá vỡ sự hợp tác mà nhằm làm cho sự hợp tác lành mạnh hơn. Trên nền tảng vững chắc đó, những vấn đề về đồng minh và đối tác, lợi ích trước mắt và lâu dài, riêng và chung, ưu tiên hay không ưu tiên, cơ hội và thách thức đều có thể tìm được lời giải một cách có nguyên tắc, hợp lý hợp tình. 

Chính nhờ chính sách ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt đó, đến nay, Việt Nam đã lập quan hệ ngoại giao với 167 nước, quan hệ thương mại với 221 nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã gia nhập ASEAN, ASEM, APEC và đang tiến gần tới mục tiêu gia nhập WTO. Tuy nhiên, bên cạnh việc đẩy mạnh chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, trong tương lai, chúng ta vẫn định ra một số trọng tâm, trọng điểm cần được chú trọng. Với nhận thức “họ hàng xa không bằng láng giềng gần”, chúng ta luôn dành ưu tiên cao cho việc xây dựng và củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị với các nước láng giềng trên cả ba tầng nấc: Các nước có chung biên giới, các nước trong khu vực Đông - Nam Á và các nước châu Á - Thái Bình Dương. Một thực tế nữa là các nước và các trung tâm lớn như Liên minh châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á… luôn đóng vai trò rất quan trọng trong thế giới ngày nay, kể cả đối với an ninh và sự phát triển của nước ta, do đó chúng ta không thể không dành mối quan tâm thỏa đáng tới quan hệ với họ. 

Cũng với cách tiếp cận đó mà về hình thức quan hệ, ngoại giao không chỉ tập trung vào quan hệ chính trị mà các nội dung kinh tế, văn hóa và quốc phòng - an ninh chiếm vị trí ngày càng quan trọng. Các mối quan hệ này gắn quyện với nhau, tác động qua lại lẫn nhau, trong đó quan hệ chính trị là tiền đề, quan hệ kinh tế là cơ sở, quan hệ văn hóa là nhân tố góp phần gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc. Trong tiến hành hoạt động ngoại giao, chủ thể tham gia không chỉ riêng là ngành ngoại giao mà phải huy động nhiều lực lượng trên mọi lĩnh vực và dưới nhiều hình thức khác nhau, kết hợp ngoại giao Nhà nước, ngoại giao Đảng, ngoại giao nhân dân, ngoại giao Quốc hội, ngoại giao an ninh - quốc phòng... Chỉ bằng cách đó thì mới có thể tạo nên sức mạnh tổng hợp trong hoạt động đối ngoại. 

Vượt qua chính mình, chủ động mở cửa bước vào cuộc chơi toàn cầu, sẵn sàng chấp nhận những thách thức mà quá trình hội nhập đặt ra đã là một việc khó, tạo dựng cho mình ảnh hưởng và tiềm lực đủ lớn để người khác phải mở cửa đón nhận mình, để cho dòng hàng Việt Nam đủ sức hấp dẫn, vượt qua mọi rào cản tiến vào thị trường các nước lại càng khó hơn. Chúng ta đã vượt qua giai đoạn thực hiện các cam kết ban đầu, nay quá trình hội nhập đòi hỏi phải đi vào chiều sâu với những cam kết mạnh bạo hơn. Đã qua rồi thời kỳ Việt Nam chỉ đến với các sân chơi như người quan sát. Giờ đây, sự cạnh tranh gay gắt trong cuộc đua toàn cầu đòi hỏi chúng ta phải là đối thủ thực thụ, chứ không thể là tay đua nghiệp dư để sớm bị hạ đo ván. 

Đổi mới đã đem đến một diện mạo hoàn toàn mới cho Việt Nam. Thế nhưng thực ra, trong cuộc đua toàn cầu, thực lực của chúng ta vẫn còn rất khiêm tốn. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới, năm 2003, xét về chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 60 trong tổng số 101 nước và nền kinh tế được xếp hạng. Năm 2004, chỉ số của Việt Nam bị tụt xuống vị trí 79/104 và năm 2005 là 81/117. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chỉ bằng 1/3 kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan và 2/3 của Phi-líp-pin, trong khi dân số Việt Nam lại đông hơn Thái Lan và Phi-líp-pin. Nguy cơ tụt hậu mà Đảng đã cảnh báo vẫn là nguy cơ lớn mà chúng ta không thể coi nhẹ. 

Trong khi đó, cơn gió toàn cầu hóa thổi ngày càng mạnh, đưa hội nhập toàn cầu trở thành xu thế tất yếu mà không ai có thể đứng ngoài, nếu không chủ động tham gia thì chỉ có thua thiệt. Lịch sử tồn tại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) – sân chơi lớn nhất toàn cầu – cho thấy tổ chức này chưa bao giờ phải chủ động mời ai tham gia. Chính sự hấp dẫn của WTO cũng như nhu cầu nội tại của các nền kinh tế buộc họ phải tự nguyện tham dự. Cũng chưa thấy ai đã là thành viên WTO lại làm đơn xin rút khỏi tổ chức này. Quá khứ 20 năm đổi mới cũng là một bằng chứng cho thấy hội nhập đã đem lại những lợi ích không thể phủ nhận với Việt Nam. Các con số thống kê cho thấy trong khoảng thời gian từ 1990 đến 2005, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ 2,4 tỷ USD lên 32 tỷ USD, hàng chục tỷ USD vốn FDI và ODA đã được đổ vào Việt Nam, đưa nền kinh tế đất nước phát triển với tốc độ luôn thuộc nhóm đứng đầu thế giới. 

Đó là lý do để Việt Nam không thể đứng ngoài quá trình hội nhập đang diễn ra ngày càng sôi động trên toàn cầu. Trên cơ sở nhận rõ nhu cầu cấp thiết này, Đại hội X của Đảng đã xác định rõ “Đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, hội nhập sâu hơn và đầy đủ hơn vào các thể chế kinh tế toàn cầu, khu vực và song phương trên cơ sở lấy phục vụ lợi ích đất nước làm mục tiêu cao nhất”. 

Đặt cao nhiệm vụ chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng ta xuất phát từ nhu cầu nội tại của nền kinh tế nước ta cần mở rộng thị trường, tranh thủ thêm vốn và công nghệ, kinh nghiệm quản lý, thị trường xuất khẩu, đối tác đầu tư… phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, để mục tiêu này trở thành hiện thực, để những dòng đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI), các khoản viện trợ không hoàn lại (ODA) chảy mạnh, để Việt Nam thực sự trở thành một miền đất hứa thì không thể chỉ bằng lời quảng cáo. Tạo môi trường pháp lý thuận lợi, cải thiện môi trường đầu tư, kết hợp hài hòa giữa chính trị đối ngoại với kinh tế đối ngoại mới là cách để khơi thông nguồn ngoại lực từ bên ngoài, góp phần nhân lên sức mạnh của nguồn nội lực phục vụ cho chiến lược phát triển đất nước. 

Với thế và lực đã lớn mạnh, giờ đây Việt Nam phải đến các diễn đàn đa phương ở khu vực và trên thế giới không chỉ với tư cách góp mặt, mà phải chủ động tham gia vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu thì mới tìm được các cơ hội củng cố, nâng cao vai trò, vị thế của đất nước, mới tiếp cận được các nguồn ngoại lực cần thiết cho phát triển. Những hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Á-Âu diễn ra đầy ấn tượng và hiệu quả ở Hà Nội phải là cơ sở để ngành ngoại giao vững tin trong các mục tiêu tiếp theo như tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC 14 vào tháng 11- 2006 tại Hà Nội, phấn đấu trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ khóa 2008 – 2009, nâng cao hơn nữa vai trò của Việt Nam trong ASEAN, đẩy mạnh sự tham gia và đóng góp của Việt Nam vào Phong trào Không liên kết và xa hơn là bước đầu tham gia có chọn lọc vào một số hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ... 

Tuy nhiên, muốn khai thác, tiếp thu ngoại lực, nội lực ta phải mạnh. Nói cách khác, nếu không chuẩn bị tốt bên trong, thì ngoại lực dù có mạnh, có nhiều đến đâu, cũng không phát huy được tác dụng, chưa nói là có thể tác động ngược lại. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy một quốc gia đóng cửa hoặc bị bao vây cấm vận thì kinh tế không thể phát triển được, nhưng một quốc gia mở cửa hoàn toàn phụ thuộc vào bên ngoài như các nước Mỹ La-tinh đã làm trong thập kỷ 70 và 80 của thế kỷ trước thì rất dễ rơi vào chao đảo khi thị trường thế giới biến động lớn, hay khi bị các nước lớn và các tổ chức tài chính gây sức ép. Ngoại lực dù quan trọng đến mấy cũng chỉ mang tính bổ trợ cho nội lực, góp phần nhân lên sức mạnh của nội lực. 

Ngoại giao đã góp phần quan trọng tạo nên cú đột phá đưa Việt Nam thoát khỏi thế bao vây cấm vận, hội nhập thành công với thế giới, thì chắc chắn sẽ khẳng định tiếp vai trò của mình trong thử thách mới đối với đất nước là phải tạo ra có cú đột phá mới đưa con tàu Việt Nam tăng tốc đến mục tiêu xa hơn là thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. 

Theo Mạnh Tường, báo Quân đội nhân dân ngày 1/8/2006

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website